Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục
2 Những Sử Dụng Giấc Mộng

Giá trị vĩ đại nhất của những giấc mộng nằm trong bối cảnh của một hành trình tâm linh. Quan trọng nhất là chúng có thể được dùng như một thực hành trong chính giấc mộng. Chúng cũng có thể cung cấp những kinh nghiệm động viên người nằm mộng đi vào con đường tâm linh. Hơn nữa chúng có thể là một phương tiện để xác định sự thực hành có được làm đúng hay không, sự tiến bộ đã thực hiện được bao nhiêu, và cần chú ý cái gì.

Cùng cách ấy, nếu chúng ta chú ý vào những giấc mộng chúng ta có thể ước định sự trưởng thành của chính chúng ta trong việc thực hành. Đôi khi trong trạng thái thức chúng ta nghĩ chúng ta đang làm rất tốt, nhưng khi ngủ chúng ta thấy rằng ít ra có phần nào trong chúng ta còn mê mờ lắm hay còn kẹt trong trong cái tiêu cực. Điều này không nên xem như một sự ngã lòng. Là một lợi lạc khi những phương diện của tâm thức biểu lộ ra trong mộng và chỉ ra chỗ nào chúng ta cần làm việc để tiến bộ. Ngược lại, khi thực hành trở nên rất mạnh mẽ, những kết quả của thực hành sẽ biểu lộ trong mộng và cho chúng ta tự tin vào những nỗ lực của chúng ta.

KINH NGHIỆM TRONG MỘNG

Kinh nghiệm thì rất uyển chuyển mềm dẻo trong giấc mộng và chúng ta tự do với rất nhiều cái mà chúng ta không thể khi thức dậy, gồm những thực hành đặc biệt làm cho sự phát triển của chúng ta dễ dàng. Chúng ta có thể chữa lành những vết thương trong tinh thần, những khó khăn phiền não mà chúng ta đã không thể hàng phục. Chúng ta có thể dời bỏ những khối chướng ngại kiên cố nằm trong sự vận chuyển tự do của năng lực trong thân thể. Và chúng ta có thể xuyên thủng những che ám trong tâm thức bằng cách dùng kinh nghiệm vượt khỏi những biên giới và giới hạn thuộc ý  niệm.

Nói chung, những công việc này được hoàn thành tốt nhất sau khi chúng ta phát triển khả năng duy trì sự sáng sủa minh bạch trong giấc mộng. Nó chỉ được đề cập ở đây như một khả tính ; trong phần sau về thực hành có nhiều chi tiết về điều phải làm trong giấc mộng một khi minh bạch đã đạt được.

HƯỚNG DẪN VÀ NHỮNG KHUYÊN NHỦ

Hầu hết người Tây Tạng – những đạo sư tâm linh cao cả và người bình thường, đơn giản – xem những giấc mộng là một nguồn tiềm năng của cả hiểu biết tâm linh sâu xa nhất lẫn của sự hướng dẫn cho đời sống hàng ngày. Những giấc mộng được tham vấn để chẩn đoán bệnh tật, cho những chỉ dẫn cần có những thực hành tịnh hóa hay soi sáng nào, và cho những chỉ dẫn cần phải chú ý đến những tương quan với những bổn tôn và những hộ pháp nào. Sử dụng những giấc mộng như vậy, có thể bị cho là mê tín, nhưng ở một mức độ sâu xa những giấc mộng miêu tả trạng thái của người mộng và tình trạng mối tương quan của nó với những năng lực khác nhau. Ở Đông phương, người ta nhận biết những năng lực này và liên hệ với chúng như những hộ pháp và hồn linh che chở cũng như những tình trạng sinh lý và những tình trạng tâm linh bên trong. Ở Tây phương với sự nghiên cứu còn rất mới về những giấc mộng, những năng lực này có thể được hiểu như những đau ốm mới chớm hay những mặc cảm, những mô hình mẫu (archetype) bắt rễ thâm sâu.

Một số người làm việc với những giấc mộng suốt trọn đời họ, như một hình thức hàng đầu để tiếp thông với những phương diện sâu hơn của chính họ và với những thế giới khác. Mẹ tôi là một thí dụ tốt cho điều này. Bà là một hành giả và là một người đàn bà rất đáng yêu và tốt lòng. Bà thường nói với cả gia đình những giấc mộng của bà vào buổi sáng, khi chúng tôi tụ họp cho bữa ăn, và đặc biệt khi giấc mộng có liên hệ đến hộ pháp và người che chở của bà là Namthel Karpo.

Namthel là một hộ pháp của vùng Bắc Tây Tạng, miền Hor, nơi mẹ tôi lớn lên. Dù sự thực hành về ngài cả Tây Tạng đều biết, ngài được thờ phụng hàng đầu ở làng mẹ tôi và vùng lân cận. Mẹ tôi thực hành về ngài, nhưng cha tôi thì không, và ông thường chọc bà sau khi bà kể lại những giấc mộng của bà.

Tôi nhớ rõ ràng mẹ tôi kể cho chúng tôi một giấc mộng trong đó Namthel gọi bà. Như bao giờ cũng vậy, ngài mặc áo dài trắng và đôi đeo tai bằng vỏ ốc tù và, mái tóc dài. Vào lúc ấy ngài trông có vẻ giận dữ. Ngài đến qua cửa cái và ném mạnh một cái túi nhỏ trên sàn. Ngài nói, “Ta luôn luôn nói với con hãy chăm lo cho mình nhưng con làm điều đó không được tốt !” Ngài nhìn sâu vào mắt mẹ tôi và rồi biến mất.

Vào buổi sáng mẹ tôi không chắc giấc mộng có nghĩa gì. Nhưng đến chiều tối một người đàn bà vẫn thường làm việc trong nhà của chúng tôi định lấy tiền của chúng tôi. Bà dấu nó dưới áo quần nhưng khi đi ngang qua trước mặt mẹ tôi, tiền rơi ra. Cũng là một cái túi nhỏ đúng như mẹ tôi đã thấy trong trong mộng. Mẹ tôi cầm túi lên và ở trong là tất cả số tiền của gia đình tôi, sắp bị đánh cắp. Mẹ tôi xem biến cố này là một hoạt động bảo vệ của hộ pháp và tin rằng Namthel đã khiến cho cái túi rơi xuống sàn.

Namthel xuất hiện trong giấc mộng của mẹ tôi suốt đời bà, luôn luôn trong một hình dáng. Dù những thông điệp ngài cho bà có thay đổi, chúng thường là những giấc mộng giúp đỡ cho bà theo một cách nào đấy, bảo vệ và hướng dẫn bà.

Đến năm lên mười tôi vào trường Thiên Chúa Giáo, sau đó cha mẹ tôi đem tôi ra và cho tôi vào Tu viện Meri. Một vị sư ở đó tên là Gen Sengtuk thỉnh thoảng kể cho tôi nghe những giấc mộng của ông. Tôi nhớ một số những giấc mộng đó rất rõ ràng tương tự với với những giấc mộng của mẹ tôi. Ông thường mộng thấy Sippe Gyalmo, một trong những vị che chở đã giác ngộ quan trọng và cổ thời của truyền thống Bošn. Sự thực hành về Sippe Gyalmo cũng được làm trong những trường phái Phật giáo Tây Tạng ; trong Điện Potala ở Tây Tạng, có một phòng để bàn thờ của ngài nữ này. Những giấc mộng của Gen Sengtuk về Sippe Gyalmo hướng dẫn ông trong đời sống và trong thực hành.

Sippe Gyalmo không xuất hiện trong giấc mộng của ông hung dữ như chúng ta thấy nơi các bức vẽ trong các đền thờ hay phòng thiền. Ông lại thấy ngài là một người đàn bà rất già, tóc xám, trong một thân thể không còn thẳng, chống gậy. Gen Sengtuk luôn luôn gặp Sippe Gyalmo trong một sa mạc bao la nơi đó ngài có một cái lều. Không có ai sống ở đó cả. Nhà sư đọc những biểu lộ của ngài, mặt ngài vui hay buồn, hay có sự giận dữ trong cách ngài di chuyển. Và hiểu ngài theo cách này, ông biết làm thế nào để chữa những chướng ngại trong thực hành của mình hay thay đổi một số diều nào đó trong cuộc đời theo một chiều hướng tích cực hơn. Ngài đã hướng dẫn ông bằng những giấc mộng của ông như vậy đó. Ông giữ gìn một sự nối kết chặt chẽ với ngài qua những giấc mộng và ngài xuất hiện với ông trong một cách thức giống nhau suốt cuộc đời ông. Những kinh nghiệm của ông với ngài là những thí dụ tốt về giấc mộng của sự sáng tỏ.

Bấy giờ tôi còn nhỏ, và tôi có thể nhớ lại rõ ràng một hôm, khi nghe nhà sư kể lại một trong những giấc mộng của ông, thình lình tôi sững sờ như thể ông có một người bạn ở một nơi khác xa xôi. Tôi nghĩ thật là hay khi có một vài người bạn để chơi trong những giấc mộng, vì suốt ngày tôi không thể chơi nhiều, việc học thì rất nặng và những vị thầy thì nghiêm ngặt. Đó là ý nghĩ của tôi lúc bấy giờ. Thế nên, bạn thấy đó, cái hiểu về giấc mộng và sự thực hành giấc mộng của chúng ta, và động lực để thực hành, có thể trở nên sâu thẳm hơn và chín dần khi chúng ta lớn lên.

DỰ ĐOÁN

Nhiều thiền sư, vì sự vững chắc của thực hành thiền định, có thể dùng những giấc mộng của sự sáng tỏ để dự đoán. Để làm như vậy, người nằm mộng phải có thể giải thoát mình khỏi hầu hết những dấu vết nghiệp cá nhân mà bình thường đã tạo thành giấc mộng. Nếu khác đi, thì thông tin không có được từ giấc mộng mà được phóng chiếu lên giấc mộng, như trường hợp bình thường của những giấc mộng sanh tử. Cách dùng những giấc mộng như thế này trong truyền thống Tây Tạng được xem là một trong vài phương pháp của thuật bói toán và rất phổ thông với người Tây Tạng. Là chuyện thường khi một học trò hỏi vị thầy hướng dẫn cho một công việc hay chỉ dẫn cho hướng hàng phục một chướng ngại, và vị thầy thường xoay về những giấc mộng để tìm câu trả lời cho học trò.

Thí dụ khi tôi ở Tây Tạng tôi đã gặp một phụ nữ Tây Tạng đã chứng ngộ tên là Khachod Wangmo. Bà rất có thần lực và là một “người khám phá kho tàng” (terton) đã tìm lại được nhiều giáo lý được cất giấu. Tôi hỏi bà về tương lai của tôi, một câu hỏi tổng quát về những chướng ngại tôi sẽ gặp... Tôi đã xin bà có một giấc mộng của sự sáng tỏ dành cho tôi.

Thường thì trong tình huống đó, người nằm mộng đòi một cái gì sở hữu của người xin giấc mộng. Tôi đã đưa cho Khachod Wangmo cái áo lót tôi đang mặc. Cái áo thun ấy đại diện cho tôi về mặt năng lực, và bằng cách tập chú vào nó bà có thể nối kết với tôi. Bà đặt nó dưới gối bà ban đêm, rồi ngủ và có một giấc mộng của sự sáng tỏ. Sáng hôm sau bà cho tôi một giải thích dài về điều sẽ đến trong đời tôi, những sự việc tôi cần tránh và những sự việc tôi cần làm. Nó là một hướng dẫn rõ ràng và giúp ích.

Đôi khi một học trò hỏi một giấc mộng nói cho chúng ta điều gì về tương lai có chứng tỏ rằng tương lai là cố định hay không. Trong truyền thống Tây Tạng, chúng tôi tin rằng không. Những nguyên nhân của mọi sự có thể xảy ra đã hiện diện bây giờ, ngay lúc này, bởi vì những hậu quả của quá khứ là những hạt giống cho những hoàn cảnh tương lai. Những nguyên nhân hàng đầu của bất cứ tình huống nào trong tương lai được tìm thấy trong cái đã xảy ra. Nhưng những nguyên nhân phụ cần thiết cho sự biểu lộ của những hạt giống nghiệp thì không cố định, chúng có thể thay đổi, gia giảm. Đấy là tại sao sự thực hành là có hiệu quả, và tại sao bệnh tật có thể chữa lành. Nếu khác đi, sẽ không có nghĩa gì khi cố gắng thử làm việc này việc nọ, vì chẳng có gì có thể thay đổi. Nếu chúng ta có một giấc mộng về ngày mai, rồi ngày mai đến và mọi sự xảy ra đúng như trong giấc mộng, điều đó không có nghĩa là tương lai thì cố định và không thể thay đổi ; nó chỉ có nghĩa là chúng ta đã không thay đổi nó.

Hãy tưởng tượng một dấu vết nghiệp mạnh mẽ, in vào với một xúc tình mạnh mẽ nó là một nguyên nhân hàng đầu cho một hoàn cảnh đặc biệt, và nó đang đi đến quả. Nhưng chính là cuộc đời đang sống của chúng ta cung cấp những nguyên nhân phụ cần thiết cho nguyên nhân hàng đầu biểu lộ. Trong một giấc mộng về tương lai, nguyên nhân đang hiện diện và dấu vết đang chín thành sự biểu lộ quy định giấc mộng, với kết quả rằng giấc mộng là một tưởng tượng của những hệ quả. Đấy cũng như chúng ta vào một nhà bếp và có một người nấu ăn tuyệt diệu lối Ý ở đó, và mùi hương những gia vị và đồ nấu, và những thành phần món ăn được để trên bàn. Chúng ta có thể tưởng tượng hầu hết hầu hết bữa ăn đang được sửa soạn, thấy hầu hết những kết quả của tình huống. Điều ấy giống như giấc mộng. Chúng ta có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng chúng ta đoán đúng hầu hết sự việc. Và rồi khi chúng ta được dọn bữa ăn, nó sẽ hòa lẫn với những mong ước của chúng ta, những khác biệt sẽ mờ đi, và đó sẽ là bữa ăn chúng ta mong đợi dù nó không hoàn toàn như nhau.

Tôi nhớ một thí dụ về điều này khi tôi còn nhỏ. Đó là một ngày được gọi là Diwali ở Ấn Độ, thường được cử hành với pháo. Tôi và những bạn tôi không có tiền mua pháo, thế nên chúng tôi tìm những pháo đốt rồi mà không nổ. Chúng tôi gom chúng lại và đốt chúng lần nữa. Tôi rất nhỏ, bốn hay năm tuổi. Một cái pháo hơi ướt, và tôi để nó trên than đỏ. Tôi nhắm mắt, thảy vào than và dĩ nhiên nó nổ. Trong một khoảnh khắc tôi chẳng thấy gì ngoài những đom đóm, và ngay lúc ấy tôi nhớ lại giấc mộng đêm hôm trước. Nó đúng y như vậy, toàn bộ kinh nghiệm ấy. Dĩ nhiên sẽ ích lợi hơn nếu tôi nhớ lại giấc mộng trước khi biến cố xảy ra ! Có nhiều trường hợp như thế, trong đó những nguyên nhân của những tình huống tương lai đã được dệt thành một giấc mộng về một tương lai gần giống, nhưng không nhất thiết phải giống, để có thể khám phá.

Đôi khi trong một giấc mộng những nguyên nhân và kết quả có ảnh hưởng vào người khác. Khi tôi còn ở Tây Tạng, thầy tôi, Lopon Tenzin Namdak, đã có một giấc mộng và rồi nói với tôi rằng tôi rất cần làm một thực hành đặc biệt nối kết với một vị hộ pháp. Tôi bắt đầu thực hành nhiều giờ mỗi ngày khi tôi đi du lịch, cố gắng ảnh hưởng đến điều gì thầy tôi đã thấy trong mộng. Vài ngày sau giấc mộng của ngài, tôi làm một hành khách trong một cỗ xe vượt qua một con đường nhỏ trên núi cao. Những người lái xe là những người du mục hoang dã sợ chết. Ba người chúng tôi chật ních trong một thùng xe lớn với hành lý nặng nề khi bánh xe lọt vào một ổ gà và xe lật.

Tôi nhảy ra và nhìn xuống. Tôi không sợ hãi lắm. Nhưng rồi tôi thấy một hòn đá nhỏ giữ cho xe khỏi trượt xuống thung lũng, như một hòn đá rơi khỏi lề đường rớt xuống còn lâu mới tới đáy. Bấy giờ tim tôi mới đập thình thình trong ngực ! Rồi tôi thấy sợ, biết rằng một hòn đá nhỏ là tất cả cái gì chặn giữa chúng tôi và cái chết, nó giữ cho cuộc đời tôi khỏi chấm dứt như một câu chuyện quá ngắn.

Khi tôi thấy tình huống ấy tôi nghĩ, “Đúng rồi. Đó là tại sao tôi phải thực hành về hộ pháp.” Đó là điều thầy tôi đã thấy trong giấc mộng của ngài và tại sao ngài bảo tôi làm thực hành. Một giấc mộng có thể không đặc biệt lắm, nhưng vẫn có thể qua cảm giác và hình ảnh gởi đến điều gì sẽ xảy ra mà cần được chữa chạy. Đây là một loại lợi ích chúng ta có thể nhận được từ sự làm việc với giấc mộng.

NHỮNG GIÁO LÝ TRONG GIẤC MỘNG

Có nhiều thí dụ trong truyền thống Tây Tạng về những hành giả nhận được những giáo lý trong giấc mộng. Thường thường những giấc mộng đến theo chuỗi, giấc mộng của đêm này bắt đầu nơi chỗ đêm trước chấm dứt, và theo cách này chuyển giao những giáo lý toàn bộ, chi tiết cho đến một điểm hoàn mãn chính xác và thích hợp được đạt đến, lúc đó những giấc mộng dừng lại. Những bộ giáo lý được “khám phá” theo lối này, gồm nhiều thực hành mà người Tây Tạng đã làm hàng thế kỷ. Cái này chúng tôi gọi là “kho tàng tâm thức” (gong-ter*).

Hãy tưởng tượng đi vào một hang động và tìm thấy một bộ những giáo lý được cất giấu trong đó. Đây là sự tìm thấy trong một không gian vật chất. Kho tàng tâm thức được tìm thấy trong tâm thức hơn là trong thế giới vật chất. Những đạo sư đã biết tìm thấy những kho tàng ấy cả trong giấc mộng của sự sáng tỏ lẫn khi thức. Để nhận những loại giáo lý này trong một giấc mộng, hành giả phải đã phát triển một số khả năng, như có thể ở vững chắc trong tâm thức mà không đồng hóa với cái ngã quy ước. Hành giả mà sự sáng tỏ không bị những dấu vết nghiệp và những giấc mộng sanh tử che ám thì có thể đi vào trí huệ bẩm sinh nội tại trong chính tâm thức.

Những giáo lý chính thống được khám phá trong giấc mộng không đến từ trí năng. Nó không phải như đi đến thư viện và nghiên cứu và rồi viết một cuốn sách, dùng trí năng để thu thập và tổng hợp thông tin như một học giả. Dầu cho có nhiều giáo lý tốt đẹp đến từ trí năng, chúng không được xem là những kho tàng tâm thức. Trí huệ của chư Phật là tự phát sanh, khởi từ những chiều sâu của tâm thức, trọn vẹn trong chính nó. Điều này không có nghĩa là những giáo lý của kho tàng tâm thức sẽ không giống với những giáo lý hiện hành. Hơn nữa, những giáo lý này có thể được tìm thấy trong các nền văn hóa khác nhau và trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, và có thể tương tự dù chúng ta không thông tin với nhau. Những nhà sử học tìm dấu vết một giáo lý ngược dòng thời gian để chỉ ra nó được ảnh hưởng bởi một giáo lý tương tự như thế nào, nơi sự tiếp xúc lịch sử xảy ra..., và thường họ tìm thấy một sự liên kết như vậy. Nhưng sự thật nền tảng là những giáo lý này khởi lên một cách tự phát từ những con người khi họ đạt đến một điểm phát triển nào đó. Những giáo lý là bẩm sinh nội tại trong trí huệ nền tảng mà bất kỳ nền văn hóa nào cuối cùng đều có thể thâm nhập. Chúng không chỉ là Phật giáo hay đạo Bošn, chúng là những giáo lý cho toàn thể nhân loại.

Nếu chúng ta có nghiệp giúp đỡ những chúng sanh khác, những giáo lý từ một giấc mộng có thể lợi lạc cho những người khác. Nhưng cũng có trường hợp, nếu chúng ta có nghiệp với một dòng phái chẳng hạn, những giáo lý được khám phá trong một giấc mộng sẽ riêng biệt cho sự thực hành của chúng ta, có thể là một phương thức đặc biệt để đánh bại một chướng ngại riêng biệt.

 

Xem mục lục