Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Vậy đối với Trung quán Hệ Quả, “tánh không” có nghĩa là “không có tự tánh”. Không, không phải là không có gì cả, mà là thực tại của sự vật không có tự tánh nhưng chúng ta lại ngây thơ tưởng rằng có. Vậy câu hỏi cần đặt ra, là sự vật thật sự hiện hữu như thế nào? Trong Trung Quán Luận, chương 24, ngài Long Thọ nói rằng các hiện tượng tùy duyên mà thành. Ba hệ triết lý ngoài Trung quán giải thích “tùy duyên” là tùy thuộc vào nhân và duyên, nhưng đối với Trung quán Hệ Quả thì “tùy duyên” chủ yếu là tùy thuộc vào khái niệm lập danhi [là giả danh]. Kiến giải này của Trung quán không đi ngược với kinh Phật.



Trong Vô Nhiệt Não Vấn Kinhii có đoạn nói rằng tất cả những gì đã tùy vào duyên tố bên ngoài mà sinh ra thì chính sự sinh đó không thể có tự tánh. Kinh ấy nói:



Từ duyên sinh ra, ấy là không sinh

Vì sự sinh ra vốn không tự tánh

Sự nào tùy duyên, sự ấy là không

Ai biết như vậy sẽ luôn thanh tịnh (22)

 

 

Kinh Tập Luậni (Sutrasamuccaya) của ngài Long Thọ có những câu tương tự, cũng như Tập Bồ Tát Học Luậnii (Shiksasamurcaya) của ngài Tịch Thiên. Ở đó, trong chương Trí tuệ, ngài Tịch Thiên có trích dẫn nhiều kinh điển, phủ nhận khái niệm tự tánh của tất cả mọi hệ thống phân loạiiii thế giới hiện tượng, tương tự như cách trình bày của Tâm Kinh. Ngài Tịch Thiên kết luận rằng tất cả những gì được diễn tả trong các hệ thống phân loại phức tạp của thế giới hiện tượng thật ra chỉ đơn thuần là tên gọi.



Ðiều đáng nói ở đây, nếu sự vật hoàn toàn không hiện hữu, vậy vì lý do gì Tâm Kinh lại nêu ra cả một danh sách với những điều như năm uẩn, ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Nếu thuyết tánh không phủ nhận hiện hữu của mọi hiện tượng, vậy nêu ra từng món một không phải là việc làm vô ích lắm sao?



Ðiều này cho thấy sự vật hiện hữu, nhưng không có tự tánh. Sự hiện hữu này chỉ có thể hiểu qua nghĩa duyên sinh. Theo Trung quán Hệ Quả, tất cả mọi hiện tượng đều không có dấu vết nào của tự tánh. Hiểu được tánh không như vậy, vọng tâm chấp ngã sẽ giản dị mất hết mọi cơ sở, không thể phát sinh. Với khía cạnh thiết thực ấy, kiến giải về tánh không của Trung quán Hệ Quả có thể được xem là kiến giải vi tế và chính xác nhất của thuyết vô ngã Phật dạy.



i Anh ngữ: conceptual designation of a subject.
ii Anh ngữ: Questions of Anavatapta – Anavatapta là hồ Vô Nhiệt
Não, cũng là tên của vị Long thần sống trong hồ, trở thành bồ tát.



i Anh ngữ: Compendiom of Sutras.

ii Anh ngữ: Compendium of Deeds.

iii Anh ngữ: taxonomy.



 

Xem mục lục