Khi những cảm giác và thái độ tích cực hoặc vui tươi đi qua từng cơ quan nội tạng và lưu thông khắp thân thể, năng lượng vật lý và hóa học của chúng ta sẽ được chuyển hóa và cân bằng._Tarthung Tulku
-------🌻🌻🌻-------
Phật giáo dạy rằng mọi thứ đều có sức mạnh hàn gắn và chữa lành. Điều này có nghĩa là bất cứ thứ gì chúng ta bắt gặp trong đời cũng có thể là phương thuốc hữu dụng. Đây là một khái niệm quan trọng, vì nó nhắc nhở rằng hạnh phúc nằm ngay trong tay chúng ta. Chúng ta có thể sử dụng môi trường và thế giới xung quanh để chữa lành trái tim, phục hồi sức khỏe. Chúng ta có thể được chữa lành bởi ngôn từ, bởi những mối quan hệ, bởi bạn bè; chúng ta có thể được chữa lành bởi tự nhiên. Lời cầu nguyện giúp chúng ta chữa lành, sự quán tưởng giúp chúng ta chữa lành. Nghiên cứu đã cho thấy vật nuôi cũng giúp chữa lành và rút ngắn thời kỳ phục hồi. Chúng ta có thể được chữa lành bởi mọi thứ chúng ta chạm vào, bởi mọi thứ chạm vào chúng ta. Tất cả đều mang tác dụng chữa lành; chúng ta có thể học cách chữa lành bản thân, trợ giúp trong quá trình chữa lành người khác. Năng lượng chữa lành xảy ra thông qua một trung gian lớn lao hơn mỗi người, nhưng lại có sẵn trong mỗi người.
Chân ngôn chữa lành của Dược sư Phật:
TA – YA – TA – OM BEKANZÉ BEKANZÉ
MAHABEKANZÉ RADZA SUMUD – GATÉ SOHA
Chân ngôn cũng giống như Kinh văn gốc ở chỗ đều dùng tiếng Phạn, ngôn ngữ cổ xưa của Ấn Độ; các âm có thể hơi khác, hoặc được phát âm khác tùy vào địa phương và dòng truyền thừa. Phát âm và hình thức của chân ngôn như trên được Dujom Rinpoche dạy cho tôi. Dù trong phương ngữ nào, nó cũng là chân ngôn của đức Phật dưới hình tướng bậc thầy chữa lành. Dịch thoát, nó có nghĩa là: “Cầu nguyện Phật Dược Sư, bậc giải toả mọi đau khổ, xin hãy tiêu trừ những đau đớn và khổ ải của con. Xin hãy tiêu trừ gốc rễ của khổ ải. Hãy thành tựu!”
Tôi thường tụng chân ngôn này để chữa lành người khác cũng như chính mình. Nó đã giúp tôi rất nhiều khi tôi bị viêm gan ở Kathmandu hồi đầu thập niên 1970. Trong các tu viện ở Himalaya và trong nơi ẩn dật ở Pháp, chúng tôi thường được yêu cầu dụng chân ngôn nhiều lần để giúp chữa lành một người hoặc một nhóm người bị khổ ải nào đó. Không lâu sau khi tới Himalaya lần đầu tiên, tôi đã phát nguyện ẩn cư một tháng. Tôi ở thung lũng Kathmandu gần tu viện Kopan của thầy tôi, sống một mình trong một căn lều lợp mái rạ, sàn bằng bùn. Đôi khi, đồ ăn của tôi chỉ là những hạt ngô sống từ cánh đồng và nước từ một cái giếng làng. Tôi trở nên ốm yếu. Do đã nguyện ở một mình tại nơi ẩn cư cô độc, nên tôi không có được sự chăm sóc y tế. Tôi nhớ đã tụng chân ngôn chữa lành này kết hợp với những quán tưởng Mật tông và những thiền định đi kèm. Khi ấy cũng như bây giờ, tôi đều tin rằng thực hành này đã dẫn tới sức khỏe và sự phục hồi của tôi.
Khi tôi ẩn cư ở Pháp, cha của một người bạn tôi sắp mất vì ung thư. Các bác sĩ đã sử dụng hóa trị nhưng không lạc quan về khả năng sống. Dilgo Khyentse Rinpoche đã truyền quán đảnh Dược Sư Phật và quán đảnh Sống lâu cho ông. Ông sống thêm được 10 năm nữa. Tất cả mọi người đều cho rằng điều này là do sự can thiệp về tâm linh của Khyentse Rinpoche, dù bản thân bệnh nhân không hoàn toàn cảm thấy thuyết phục.
Phật giáo dạy rằng mọi chúng sinh bẩm sinh đều có sẵn Phật tánh. Nhiệm vụ duy nhất của chúng ta là nhận ra nó, thức tỉnh trước đều chúng ta vốn là. Bằng con đường ấy, chúng ta trở nên tự do, hoàn hảo, toàn vẹn và đầy đủ. Khái niệm chữa lành về thể xác cũng như tinh thần là một khái niệm quan trọng với Phật giáo. Một trong những ý nghĩa lịch sử của từ thường được dùng để chỉ Phật pháp, Dharma, là “thứ chữa lành”. Đức Phật thường dùng những ví von về bệnh tật và sự chữa lành để giải thích nhiều khía cạnh khác nhau trong giáo pháp của Ngài. Trong những trường phái nguyên thủy của Phật giáo, bậc đạo sư giác ngộ hay Phật Thích Ca Mâu Ni thường được gọi là Thầy thuốc tối thượng. Giáo lý hay Pháp giải thoát của Ngài được gọi là Thuốc tối thượng, và Tăng đoàn hay cộng đồng tu tập được gọi là Những người chăm sóc tối thượng. Đức phật từng có lần nói, “Ta là một thầy thuốc không ai sánh được”. Vị thầy này chữa cho chúng ta khỏi sự tàn phá của bất an, bệnh tật, tuổi già và cái chết, đưa chúng ta tới một đời sống tốt hơn. Giác ngộ là sự chữa lành cao nhất. Trí huệ là phương thuốc rốt ráo nhất.
Người tu tập Phật giáo tin rằng giống như với bệnh tật, sự chữa lành chủ yếu đến từ tinh thần, không phải thể xác. Do đó, sự chữa lành của Phật giáo bắt đầu với một khảo sát về bản chất của tâm và sự tương tác giữa thể xác, năng lượng, trí não và tâm linh. Người tu tập Phật giáo nhận ra rằng nguyên nhân của bệnh tật là sự mất cân bằng trong môi trường xung quanh và trong bản thân. Sự chữa lành rốt ráo và sự khôi phục trạng thái hoàn hảo tự nhiên (cả bên trong lẫn bên ngoài) chỉ được tìm thấy thông qua chứng nghiệm tâm linh và giác ngộ. Do vậy, mọi kiểu tập luyện lành mạnh - dù là về tâm linh, cảm xúc, thể xác hay trí não - sẽ phát huy tác dụng cùng nhau để khôi phục năng lượng và tâm hồn khỏe mạnh. Chúng ta có thể già đi và chết, nhưng câu chuyện của chúng ta không chỉ có thế. Tôi biết rằng điều này là đúng. Vị thầy Tây Tạng đầu tiên của tôi, Lạt ma Thubten Yeshe, từng nói rằng, “Bệnh tật chỉ là một tên gọi. Cái chết chỉ là một khái niệm”. Lần đầu tiên nghe điều đó khi còn là một chàng trai trẻ, tôi đã hết sức kinh ngạc. Ông nói, “Chúng ta đã chết quá nhiều lần rồi, ta không sợ cái chết”.
Nhìn từ góc độ Phật giáo, sự chữa lành về thể xác chỉ là xử lý triệu chứng thay vì những nguyên nhân cấm dễ sâu hơn. Nếu không chữa lành trí não và tâm linh của chúng ta, bệnh tật rất có thể sẽ trở lại. Những mô thức ứng xử thiếu lành mạnh và những thói quen thâm căn cố đế không đem lại sự thỏa mãn sẽ kéo dài mãi, tiếp tục tác động xấu đến chúng ta không chỉ kiếp này mà còn những kiếp khác. Trong cuốn sách của Lạt ma Tulku Thondup Rinpoche phái Nyingma, Sức Mạnh Chữa Lành Của Tâm, ông liệt kê 4 năng lực chữa lành của tâm: những hình ảnh tích cực, những lời nói tích cực, những cảm giác tích cực, những niềm tin tích cực. Các phẩm chất bên trong và sự trau dồi, phát triển chúng thông qua thiền định và rèn luyện thái độ có thể củng cố năng lực chữa lành bẩm sinh của chúng ta, giúp chữa lành những khổ ải về tâm lý, cảm xúc và thể xác.
Thiền định, tụng niệm và cầu nguyện theo nhiều dạng khác nhau là những kỹ thuật chữa lành chính của Phật giáo, bởi chúng có khả năng chuyển hóa ý thức và những tầng nhận thức sâu hơn, ẩn dưới và bao trùm toàn bộ sự tồn tại hữu hình của chúng ta. Đức tin, sự chí thành cũng như sự kiên trì thực hiện (thông qua hành trì, quyết tâm và động lực/ý định không ngừng nghỉ) được xem là quan trọng đối với sự chữa lành. Phật giáo cũng dạy rằng đức hạnh, bố thí và cầu nguyện là những yếu tố quan trọng góp phần vào sự chữa lành thể xác và tinh thần.
Hành trì Dược Sư Phật thường được dạy và trao truyền trong truyền thống Kim Cương thừa của Tây Tạng thông qua một nghi thức truyền quán đảnh. Việc tiếp nhận những hành trì như vậy chỉ qua sách vở đương nhiên là khó, nhưng ngày nay, nhiều người đã có Internet, họ có thể tìm được hình ảnh, thông tin về các thuyết giảng. Có những cuốn sách của các Lạt ma Tây Tạng uyên bác như Dr. Yeshe Dondon và Tulku Thondup. Trogawa Rinpoche có một Học viện Y khoa ở Nepal. Nhiều Lạt ma thỉnh thoảng cũng có những thuyết giảng nâng cao ở phương Tây. Hành trì Dược Sư Phật có nguồn gốc trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trong đó nói rằng Dược Sư Phật chính là Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni.
Hành trì Dược Sư Phật là một hành trì quán tưởng, có thể được sử dụng để khuyến khích và thúc đẩy sự chữa lành bản thân và sự chữa lành người khác ở nhiều cấp độ khác nhau. Để khởi đầu, chúng ta hãy có tư thế thoải mái, tốt nhất là tư thế ngồi với lưng thẳng, nhưng nếu cần ngồi tựa cũng không sao. Bắt đầu bằng cách hít vào và thở ra qua mũi. An bình, yên lặng và tập trung.
Nhắm mắt, quán tưởng Dược Sư Phật với hào quang rực rỡ, ngồi trong tư thế liên hoa, hình tướng giống như Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. Dược Sư Phật có màu xanh lưu ly rực rỡ. Tay phải của Ngài cầm cây thuốc chữa bách bệnh (myrobalan), giống như thể Ngài đang trao cây thuốc cho chúng ta. Các ngón tay của tay phải chạm đất đặt gần đầu gối phải. Tay trái đặt trong lòng ở khế ấn thiền định, trong tay là bình bát chứa nước cam lộ. Dược Sư Phật mặc y dài màu vàng nghệ của tu sĩ. Nếu truy cập Internet, bạn sẽ tìm được một hình ảnh của Dược sư Phật màu xanh.
Dược Sư Phật tượng trưng cho sự cân bằng hoàn hảo, sự hòa hợp bên trong và bên ngoài, sự giác ngộ tâm linh. Tôi được dạy rằng Dược Sư Phật đã nguyện giúp tất cả chúng sanh đi vào giác đạo, nguyện gia trì để chúng ta có được mọi sự chữa lành về thể xác, tinh thần và tâm lý. Hành trì này rất phổ biến những tông phái Phật giáo dựa trên Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở Trung Á và Đông Á.
Quán tưởng Dược Sư Phật sẽ đưa người hành trì vào Phật trường với hào quang rực rỡ từ chư Phật. Các vị Phật ở khắp nơi, hàng triệu triệu những vị Phật sáng ngời vượt mọi mô tả, tràn đầy an lạc và phúc lành. Chỉ cần quán tưởng như vậy đã chữa khỏi sự bất an của tôi.
bây giờ, hãy hít vào, thở ra qua mũi và bắt đầu tụng chân ngôn chữa lành của Dược Sư Phật. Tụng nhiều lần:
TA – YA – TA – OM BEKANZÉ BEKANZÉ
MAHABEKANZÉ RADZA SUMUD – GATÉ SOHA
Từ một không gian xanh rực rỡ, quán tưởng Dược Sư Phật hay Sangyé Menla - danh hiệu của Ngài trong tiếng Tây Tạng. Ngài xuất hiện với hình tượng như cầu vồng, ở trước mặt bạn, hơi cao hơn một chút trong không trung. Ngài ngồi trên tòa sen, biểu tượng của sự thuần khiết; tòa sen ở trên một ngai màu xanh lưu ly, tượng trưng cho sự chữa lành. Sự hiện diện tâm linh của Sangyé Menla tạo cho bạn cảm giác nhẹ nhàng, bình an, ấm lòng, truyền gia trì lực, nâng cao đức tin. Ngài tỏa hào quang từ 3 luân xa - luân xa trán, luân xa cổ họng và luân xa trái tim. Ba ánh sáng tương ứng - màu trắng, màu đỏ và màu xanh - chiếu tới ba trung tâm luân xa của bạn trong một tiến trình trộn lẫn và hòa hợp. Sangyé Menla đang truyền dạy cho bạn theo nhiều cách phi khái niệm, ở mọi cấp độ: bên ngoài và bên trong, thể xác và tinh thần, bí mật và thâm diệu. Có thể quán tưởng Ngài như một hình ảnh lớn hoặc nhỏ đi vào những phần cần chữa lành của bạn. Sử dụng hình ảnh quán tưởng về vị Phật như một tia laser mang năng lượng tập trung, được hướng một cách cẩn thận vào từng điểm cụ thể, tịnh hóa, tiếp sinh lực, đem lại sức sống cho điểm ấy.
Khi bạn đang trì chân ngôn và được hào quang chiếu tới, hãy khấn nguyện xin được tịnh hóa, chữa lành , gia trì, chuyển hóa và thực chứng giác ngộ. Trong khi ấy, cam lộ tưới đẫm bạn, tiêu trừ mọi sự ốm đau, bệnh tật và mất cân bằng. Bạn đang được tẩy rửa và tịnh hóa; mọi tiêu cực, độc hại, ảo tưởng và nghiệp lực được đốt cháy và tẩy sạch bởi hào quang lấp lánh rực rỡ tỏa ra từ Dược Sư Phật màu xanh. Cảm nhận năng lượng luân chuyển trong bạn giống như một sự trao truyền tâm linh, hòa trộn với bản chất phúc lạc được tượng trưng bởi hình ảnh vị Phật màu xanh.
Tiếp tục trì chân ngôn Dược Sư Phật, đồng thời tập trung vào ước muốn và khát vọng giác ngộ vì mọi chúng sinh; hãy để sự trắc ẩn và ước nguyện chữa lành khổ ải của mọi chúng sinh được chắp cánh và thăng hoa. Vì lợi ích của một và tất cả!
Tiếp tụng trì chân ngôn Dược Sư Phật:
TA – YA – TA – OM BEKANZÉ BEKANZÉ
MAHABEKANZÉ RADZA SUMUD – GATÉ SOHA
Quán tưởng hình tướng Dược Sư Phật đi vào bạn, xoa dịu mọi ốm đau, rắc rối, khổ ải của bạn. Để ánh sáng từ Dược Sư Phật chữa lành những mâu thuẫn bên trong, đánh thức năng lượng thuần khiết vô hạn của bạn. Cảm nhận đức tin và sự trông cậy vào sức mạnh chữa lành của Phật, vào chân lý tối cao của Pháp. Quán tưởng Dược Sư Phật an vị tại những bộ phận trên cơ thể và tại tinh thần, nơi cần sự chữa lành và phục hồi. Để Dược Sư Phật an trú trong tim, ánh sáng cầu vồng của Ngài tỏa ra, chữa lành những nơi bạn cảm thấy mệt mỏi và suy mòn.
Bây giờ, hãy quán tượng chính bạn là Dược Sư Phật. Để sự khỏe mạnh về cảm xúc, tâm lý và thể xác của Ngài tràn khắp thân tâm bạn, khiến bạn cảm nhận sự hòa hợp phúc lạc và vui sướng. Trong quá trình quán tưởng bản thân như Dược Sư Phật, hãy nhớ rằng Phật tính bẩm sinh luôn ở trong bạn, chỉ đợi bạn chạm đến và đánh thức. Khi quán tưởng bản thân như Dược Sư Phật, bạn cũng đang quán tưởng Đức Phật giác ngộ ngụ trong sâu thẳm của bản thể bạn. Điều này không giống như sự tưởng tượng đơn thuần, bởi lẽ Dược Sư Phật thật sự luôn ở trong bạn. Hãy chạm đến hào quang bẩm sinh này, sử dụng nó để chữ lành và phục hồi mọi thứ bất ổn.
Tiếp tụng trì:
TA – YA – TA – OM BEKANZÉ BEKANZÉ
MAHABEKANZÉ RADZA SUMUD – GATÉ SOHA
Là Dược Sư Phật, hãy để sức mạnh chữa lành vô giới hạn của bạn vươn ra, chạm tới những người cần chữa lành khác. Bạn có thể thực hiện điều này bao lâu tùy thích. Hãy mở rộng. Giải phóng những câu thúc xung quanh con người thật sự cao hơn của bạn. Để sự trắc ẩn và tình yêu chữa lành vô cùng sâu sắc của bạn vươn ra, bao lấy bất kỳ người nào mà bạn biết là cần giúp đỡ; hãy để nó mở rộng, ôm trọn tất cả. An trú trong ánh sáng cao quý bên trong nhưng lại vượt mọi ý niệm về trong hay ngoài, bản thân hay người khác. Chỉ trì và cầu nguyện:
TA – YA – TA – OM BEKANZÉ BEKANZÉ
MAHABEKANZÉ RADZA SUMUD – GATÉ SOHA
Trích: “Buông Bỏ Con Người Cũ” Tác giả: Lama Surya Das
Dịch giả: Thái An NXB: Hồng Đức
Bản Văn Niệm Phật Quyết Định Vãng Sanh“Luận về tam tâm, tứ tu là để thành một mực chuyên tu Niệm Phật. Nếu đã thành một mực chuyên tu Niệm Phật thì
“Nếu chúng ta không trung thựcThì những điều chúng ta làmSẽ gây ra tai họa, thiệt thòi rất lớn –Cho đất nước, cho xã hội, cho gia đìnhVà cho chính bản thân.”Muốn
Tâm của người hành thiền Tâm của người hành thiền thì không chạy đây đó. Nó nằm yên tại một chỗ. Khi tốt và xấu, hạnh phúc và đau khổ đến, người
ĐẠO PHẬT LÀ GÌ?Nguyên tác: What is Buddhism?Tác giả: Lama Thubten Yeshe, Plummer Park, Los Angeles, CA in June 1975.Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 30/10/2010 Mặc dù những người khác nhau có những
GIỚI THIỆU KINH HOA NGHIÊMHoà Thượng Thích Trí Quảng I. Lịch sử kinh Hoa Nghiêm 1- Khái niệm về lịch sử kinh Hoa Nghiêm Về mặt học thuật, chúng ta học lịch
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt