Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (30)


Xem mục lục

Muốn luyện tâm cho thuần, đạt chứng ngộ sâu xa, cần phải trải

qua quá trình tuần tự chuyển hóa tâm thức. Chuyển hóa theo

quá trình tuần tự là điều thường thấy trong thế giới vật lý và

tâm lý. Có thể nói tiến triển tuần tự là luật tự nhiên, là kết quả

đương nhiên của nhân quả. Trên lãnh vực tâm thức, quá trình

chuyển hóa tuần tự cần được thực hiện trên căn bản của sự hợp

nhất giữa phương tiện (upaya) và trí tuệ (prajna). Chúng ta vừa

mới đọc xong Tâm Kinh. Ðó là lời giảng tuyệt hảo về trí tuệ.

Bây giờ hãy thử tìm hiểu thêm về phương tiện, nhất là về

phương pháp phát triển lòng từ bi.

Trí bát nhã nếu được tâm bồ đề hỗ trợ sẽ có khả năng hóa giải

hai loại chướng ngại là phiền não chướng và chướng ngại vi tế

của trí giác [sở tri chướng]. Tâm bồ đề là tâm nguyện vị tha,

cầu giác ngộ để mang lợi ích đến cho tất cả chúng sinh. Ðây là

phần phương tiện của con đường tu chứng, là yếu tố quan

trọng không thể thiếu để đạt trí toàn giác của Phật. Có thể nói

tâm bồ đề là đặc điểm của Bồ tát, của những người mà Tâm

Kinh gọi là “thiện nam, thiện nữ.”

Dù hiểu tánh không một cách đúng đắn sâu xa, dù đã giải thoát

luân hồi, nếu thiếu tâm bồ đề thì vẫn chưa phải là Bồ tát. Tâm

bồ đề này chỉ với tấm lòng chân thành mong mỏi chúng sinh

được hạnh phúc thoát khổ đau thôi, chưa thể gọi là đủ; cần

phải có thêm ý thức mãnh liệt, rằng tôi, chính tôi, sẽ gánh lấy

trách nhiệm nặng nề giải thoát tất cả ra khỏi khổ não. Muốn

phát khởi lòng từ bi lớn lao như vậy, trước hết phải có được

cảm giác thông cảm gần gũi với tất cả chúng sinh. Thiếu cảm

giác gần gũi này, tâm bồ đề chân chính sẽ không nảy sinh.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem làm cách nào có thể có

được cảm giác gần gũi ấy.

Các vị cao tăng Ấn Độ ở học viện Na-lan-đà khi xưa có dạy

hai phương pháp phát khởi tâm bồ đề: pháp tu bảy điểm nhân

quả và pháp tu bình đẳng hoán chuyển ngã tha.

 

Xem mục lục