Bài Viết (701)


QUỐC ĐỘ CỦA CHƯ PHẬT

16,119

 

QUỐC ĐỘ CỦA CHƯ PHẬT

Trương Trừng Cơ

Nguyên Hảo dịch

Phật thấy và nghe gì? Ngài tư duy và hành động như thế nào? Ngài biết và chứng điều gì? Một cách tóm tắt, cảm nhận như thế nào mới giống với sự cảm nhận của Ðức Phật? Những câu hỏi nầy đã được những người Phật tử đặt ra qua bao nhiêu thế hệ, cũng giống như những tín đồ Do Thái, Cơ Ðốc, Hồi Giáo và Ấn Giáo đặt ra về các thần và các nhà tiên tri của họ. Trả lời trọn vẹn những câu hỏi nầylà việc làm vô cùng khó khăn. Nêu ra một câu hỏi cũng có nghĩa là bày tỏ một trạng thái tâm thức, và trả lời một câu hỏi có nghĩa là chia xẻ kinh nghiệm với người khác. Một câu trả lời không có ý nghĩa gì nếu được trình bày với những người không chia xẻ cùng kinh nghiệm về nó. Tôi xin trình bày rõ hơn vấn đề.)

Một đoàn bộ hành di chuyển chậm chạp qua một vùng sa mạc Tây Tạng dưới ánh nắng thiêu đốt. Trong đám bộ hành, có một người Hoa Kỳ, anh nói: "Giá lúc nầy có người mang cho tôi một ly soda kem lớn!" Một người tây Tạng đi bên cạnh nghe thế, hỏi: 'Soda kem mà anh đang thèm thuồng là thứ gì vậy?"

 

"Soda kem là một thức uống lạnh, ngon."

"Nó có giống như trà của chúng tôi khi để lạnh?"

 

"Không, nó không giống."

 

"Nó có giống sữa lạnh không?"

 

"Không, không đúng - một cái soda kem có mùi vị hoàn toàn khác với sữa lạnh, khác rất xa. Và nó có nổi bọt."

"Nếu nó có nổi bọt, vậy nó có giống với rượu bia của chúng tôi không?"

 

"Không, dĩ nhiên là không!"

 

"Nó làm bằng gì?"

"Nó làm ra từ sữa, kem, trứng đường, mùi, đá lạnh và nước soda..."

Người khách Tây Tạng vẫn không thể nào hiểu được tại sao một chất pha trộn nhiều thứ như vậy lại là một thức uống ngon lành.

 

Cũng vậy, sự truyền đạt thật vô cùng khó khăn khi không có chung một nền tảng kinh nghiệm. Thế giới của Einstein hoàn toàn xa lạ đối với người bình thường. Nếu những sự cách ngăn giữa những thế giới của con người quá lớn thì không gì có thể đem họ lại gần nhau. Khi Ðức Phật cố gắng diễn tả Kinh Nghiệm của Ngài cho những thính chúng của Ngài, Ngài thấy trước sự khó khăn nầy. Trong nhiều bài giảng, như được ghi lại trong các kinh điển, Ngài thường kèm theo một sự thận trọng rằng Phật Tánh không thể diễn tả bằng ngôn ngữ hay hiểu được bằng suy tưởng. Sự khó khăn nền tảng là chúng ta không chia xẻ cùng kinh nghiệm với đức Phật.

Ðể mở bàyPhật Tánh không thể mở bày, và diễn tả Phật Tánh không thể diễn tả, Kinh Hoa Nghiêm, một trong những tác phẫm vĩ đại nhất của Phật Giáo Ðại Thừa, trình bày cho chúng ta một toàn cảnh của Phật Tánh cho những người khao khát, dù rất khó khăn, nhìn vào thế giới vô cùng bí ẩn nầy.

Sự bí ẩn của Phật Tánh có thể tóm lại trong hai từ: Viên Dung (Toàn Khắp) và Vô Ngại. Chữ trước nói lên tính chất trùm khắp và toàn tri của Phật Tánh. Chữ sau nói lên tính chất hoàn toàn giải thoát mọi vướng mắc và giới hạn. Nói theo hữu thể học, chính vì Viên Dung nên đạt được Vô Ngại, nói theo chiều nhân quả thì nhờ thể hiện được Vô-Ngại - sự hoàn không còn các chướng ngại về tâm lý và tinh thần - mà thế giới Viên Dung và Vô Ngại được đạt đến. Trong những trang sau, chúng ta sẽ khảo sát về những ý nghĩa triết học, chứng nghiệm, và phương tiện của Viên Dung và Vô Ngại. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy đọc qua một vài trang trong Kinh Hoa Nghiêm để có một cái nhìn toàn bộ về Pháp Thân - tính vô tận và toàn khắp của Phật Tánh.

... Ðức Phật bảo Bồ Tát Tâm Vương: "Lành thay, lành thay. Nầy thiện nam tử. Nay ông muốn cho thế gian nhập vào nghĩa số lượng Phật đã chứng ngộ mà hỏi Như Lai. Thiện nam tử hãy lóng nghe. Khéo suy gẫm, Như Lai sẽ vì ông mà nói:

"Nầy thiện mam tử, một trăm lạc-xoa làm một câu-chi. Câu-chi lần câu-chi làm một a-giu-da. A-giu-đa lần a-giu-đa làm một na-do-tha. Na-do-tha lần na-do-tha làm một tần-bà-la. Tần-bà-la lần tần-bà-la làm một căn-yết-la. Căn-yết-la lần căn-yết-la làm một a-già-la. A-già-la lần a-già-la làm một tối-thắng. Tối-thắng lần ..... [ cứ theo cấp số như vậy chó đến] bất khả thuyết bất khả thuyết chuyển...

"Bất-khả-ngôn-thuyết bất-khả-thuyết

Sung mãn tất cả bất-khả-thuyết...)

Trong những kiếp bất khả ngôn thuyết'

 

Nói bất khả thuyết chẳng hết được.

Bất khả ngôn thuyết cảc cõi Phật

Thảy đều nghiền nát làm vi trần

Trong một vi trần, bất khả thuyết cõi!

 

Như một, tất cả đều như vậy.

(Bất khả thuyết cõi Phật trên đây...

Nơi đầu sợi lông có những cõi

Số đó vô lượng bất khả thuyết..."

Tâm đó vô ngại bất khả thuyết

(Biến hóa chư Phật bất khả thuyết...

Quán sát chúng sanh bất khả thuyết

Thanh tịnh chúng sanh bất khả thuyết...

Nói tu-đa-la bất khả thuyết

 

Nơi mỗi tu-đa-la kia

Diễn nói pháp môn bất khả thuyết!

 

Ở trong mỗi mỗi pháp môn kia

Lại nói các pháp bất khả thuyết

 

Ở trong mỗi mỗi chánh pháp kia

 

Sở hữu quyết định bất khả thuyết.

 

Ở trong mỗi mỗi quyết định kia

Ðiều phục chúng sanh bất khả thuyết...

Trong đó thời kiếp bất khả thuyết

Trong đó sai biệt bất khả thuyết!

Bồ Tát đều hay phân biệt nói

Người giỏi tính đếm không biện được...

Những cõi nước nầy bất khả thuyết

Ðồng nhóm đầu lông không chật hẹp

Chẳng khiến đầu lông có thêm lớn

Mà những cõi kia chung đến nhóm.

Trên lông tất cả những cõi nước

Hình tướng như cũ không tạp loạn

Như một cõi chẳng loạn các cõi

Tất cả cõi nước đều như vậy.....

Thân nghiệp thanh tịnh bất khả thuyết)

Ngữ nghiệp thanh tịnh bất khả thuyết

Ý nghiệp thanh tịnh bất khả thuyết

Tín giải thanh tịnh bất khả thuyết

Diệu trí thanh tịnh bất khả thuyết

Diệu huệ thanh tịnh bất khả thuyết

Rõ các thiệt tướng bất khả thuyết

Dứt các nghi lầm bất khả thuyết

Xuất ly sanh tử bất khả thuyết

Siêu thăng chánh vị bất khả thuyết

Tam muội thậm thâm bất khả thuyết

Tỏ thấu tất cả bất khả thuyết...

Bồ tát đại từ bi như vậy

Lợi ích tất cả các thế gian

Hiện khắp thân mình bất khả thuyết...

Bấy giờ Tâm Vương đại Bồ tát ở trong chúng hội bảo chư Bồ tát rằng:

Chư Phật tử! Ở Ta bà thế giới, cõi của Thích Ca Mâu Ni Phật đây, một kiếp, nơi Cực Lạc thế giới, cõi của A Di Ðà Phật, là một ngày một đêm.

Một kiếp ở Cực Lạc thế giới là một ngày một đêm nơi Ca Sa Tràng thế giới, cõi của Kim Cang Kiên Phật.

Một kiếp ở Ca Sa Tràng thế giới là một ngày một đêm nơi Bất Thối Chuyển Âm Thanh Luân thế giới, cõi của Thiện Thắng Quang Minh Liên Hoa Khai Phu Phật....

Chư Phật tử! Tuần tự như vậy , nhẫn đến quá trăm vạn a tăng kỳ thế giới, một kiếp ở thế giới rốt sau là một ngày một đêm nơi Thắng Liên Hoa thế giới, cõi của Hiền Thắng Phật. Phổ Hiền Bồ Tát và chư đại Bồ Tát đồng hạnh đông đầy trong thế giới Thắng Liên Hoa nầy...

Chư Phật tử! Bực Bồ tát nầy trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại, tùy tâm niệm của mình có thể đem thế giới hẹp làm thế giới rộng, thế giới rộng làm thế giới hẹp, thế giới cấu uế làm thế giới thanh tịnh, thế giới thanh tịnh làm thế giới cấu, những thế giới loạn trụ, thứ trụ, đảo trụ, chánh trụ, tất cả vô lượng thế giới như vậy đều có thể đổi lẫn nhau...

Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát trụ nơi Tam muội nầy, vô lượng cảnh giới nhiều thứ sai khác. Những là một nhập nhiều khởi, nhiều nhập một khởi, đồng nhập dị khởi, dị nhập đồng khởi, tế nhập thô khởi, thô nhập tế khởi, đại nhập tiểu khởi, tiểu nhập đại khởi, thuận nhập nghịch khởi, nghịch nhập thuận khởi, không thân nhập có thân khởi, có thân nhập không thân khởi, vô tướng nhập hữu tướng khởi, hữu tướng nhập vô tướng khởi, trong khởi mà nhập, trong nhập mà khởi...

Ðại Bồ tát trụ nơi tam muội nầy, trong đồng nhập định trong dị khởi, trong dị nhập định trong đồng khởi...

 

Trong những đoạn Kinh trích trên, chúng ta thấy sự lan man và không hệ thống trong việc diễn tả cái Toàn Khắp của Phật tánh như đề cập trong Kinh Hoa Nghiêm - một tác phẩm lớn có trên năm trăm ngàn chữ. Tuy nhiên, từ những đoạn trích dẫn nầy, chúng ta cũng có được một chỗ đặt chân nhỏ để từ đó phân tích và tìm hiểu về Cảnh Giới Toàn Khắp (Pháp Giới) và Phật Tánh.)

Trong những lời Ðức Phật nói với Bồ Tát Tâm Vương (Cittarãja), chúng ta được nghe về sự rộng lớn của một thế giới mà nếu có thể diễn tả bằng những con số thì vượt xa ngoài giới hạn của thế giới thường nghiệm. Ðoạn Kinh cho ta một ấn tượng rằng tác giả đương nói từ bằng ngôn ngữ của ngành thiên văn hiện đại. Chữ dùng để nói đến số con số cuối cùng, bất-khả-thuyết bất khả-thuyết chuyển, quả thật thú vị và đáng để ý. Rõ ràng nó không phải là một chữ có tính chất ngẫu hứng để chỉ một một con số xác định và bất dịch, nhưng là một chữ có tính cách diễn tả, dùng để vẽ lại kinh nghiệm nội chiếu của một tâm thức rộng lớn. Bất Khả Thuyết Bất Khả Thuyết Chuyển có ý nghĩa gì? Tại sao một từ có tính cách gây ấn tượng như bất khả thuyết được dùng để chỉ một con số hay một số lượng. Những con số vô cùng lớn hay vô cùng nhỏ, bao gồm sự vô cùng ở hai chiều, có thể được khái niệm hóa một cách dễ dàng bằng những từ biểu tượng và trừu tượng, nhưng khó có thể kinh nghiệm hay xúc chạm một cách trực tiếp. Chúng ta không thấy khó khăn để hiểu ý tưởng về một triệu, một tỷ, ba tỷ, và ngay cả vô cực, nhưng rất khó khăn đối với chúng ta để nắm bắt được những con số đó trong những biến cố có tính cách thực nghiệm. Thế giới biểu tượng và trừu tượng khác với thế giới thực nghiệm và nội chiếu. Cái trước, một cảnh giới không trực tiếp, theo Phật Giáo là cảnh giới của Thức, và cái sau là cảnh giới trực tiếp, cảnh giới của Trí. Có thể nói rằng, trong Tâm của Phật, hai cái thấy nầy không phân biệt. Ðức Phật Phật không bao giờ "suy nghĩ", nhưng luôn luôn "thấy." Có nghĩa là không có tiến trình suy tư hay lý luận trong Tâm Phật; ngài luôn luôn ở trong cảnh giới thể nghiệm trực tiếp, một thế giới vượt ngoài biểu tượng. Tâm Phật vượt ngoài mọi biểu tượng, việc có thể truyền đạt kinh nghiệm của Ngài cho con người qua phương tiện của biểu tượng là một bí ẩn ngàn đời không thể nào giải thích được bằng lý giải. Nhưng nếu thất sự có sự hiện hữu của bí ẩn nầy, thì cũng thật sự rằng nó không thể khác hơn là bất khả thuyết, một danh từ chỉ sự bất khả của việc đến gần một cái gì đó qua trung gian biểu tượng? Ngòi bút của văn hào Leo Tolstoy có thể phơi bày toàn cảnh của cuộc chiến Borodina trong tâm thức của chúng ta, nhưng cây bút của ai có thể phơi bày những cuộc chiến Borodino, Normandy, Stalingrad, Verdun, Zama, Okinawa ... một ngàn lẽ một cuộc chiuến, tất cả trong cùng một lúc? Do đó việc Ðức Phật đã phải dùng đến từ bất khà thuyết bất khả thuyết chuyển để giải tỏa sự "căng thẳng" trong việc truyền đạt kinh nghiêm "thấy" trực tiếp của Ngài về cảnh giới Viên Mãn qua những phương tiện truyền đạt trong ngôn ngữ loài người không phải là không thể hiểu.

Bất khả ngôn thuyết bất khả thuyết

Sung mãn tất cả bất khả thuyết....

Bất khả ngôn thuyết các cõi Phật

Thảy đều nghiền nát làm vi trần

Trong một trần bất khả thuyết cõi

Như một tất cả đều như vậy...

Nơi đầu sợi lông có những cõi

Số đó vô lượng bất khả thuyết...

 

Những giòng nầy cho ta liên tưởng đến Pensées của Pascal, trong đó sự quán chiếu của ông về thế giới Toàn Thể thật đáng chú ý.

"Hãy để cho con người chiêm nghiệm cái toàn của thiên nhiên trong sự uy nghiêm tràn đầy và lớn lao của nó, và chuyển di cái nhìn của y khỏi những đối tượng thấp xung quanh y. Hãy để y nhìn thẳng vào ánh sáng chói ngời , như một một ngọn đèn vĩnh cữu, rọi sáng vũ trụ; để quả đất hiện ra trước y như một điểm nhỏ nhoi so sánh với cái vòng tròn lớn lao vẽ ra do mặt trời, và để cho y ngạc nhiên với sự việc rằng vòng tròn lớn lao nầy cũng chỉ là một điểm nhỏ so với những vòng tròn vẽ ra do các ngôi sao. Nhưng nếu cái thấy của chúng ta dừng lại chỗ đó, thì hãy để cho trí tưởng của chúng ta vượt ra bên ngoài; năng lực thiên nhiên cung cấp nguyên liệu cho khái niệm sẽ không bù kịp sự khánh tận của năng lực khái niệm. Toàn thể thế giới thấy được chỉ là một nguyên tử không thể nhận thấy ở trong lòng rộng lớn của thiên nhiên. Không có ý tưởng nào có thể ý niệm được nó. Chúng ta có thể mở rộng những khái niệm của chúng ta ra bên ngoài mọi không gian tưởng tượng; chúng ta chỉ có thể đưa ra những nguyên tử khi so sánh với thực tại của các sự vật. Ðó là khối cầu vô hạn, mà trung ở khắp mọi nơi, chu vi không ở nơi nào....

Trở lại con người, hãy để con người thấy cái gì y là trong sự so sánh với với toàn thể hiện hữu; để y nhìn chính y mất hút trong cái góc xa vời đó của thiên nhiên, và từ tế bào nhỏ trong đó y tìm thấy chính y nương vào... hãy để y dự tính giá trị thật sự của quả địa cầu, các vương quốc, các thành phố, và chính y. Con người là gì ở trong Cái Vô Cùng?

Nhưng hãy cho y nhìn thấy một sự kỳ diệu khác, cũng làm y kinh ngạc không kém: để y khảo sát những vật tế vi nhất mà y biết. Hãy đưa cho y một vật nhỏ, với một vật thể nhỏ và những phần rất nhỏ hơn nhiều, những tứ chi với mạch trong đó, máu trong mạch, dịch trong máu, giọt trong dịch, hơi trong giọt. Lại chia phần tử sau cùng nầy ra, hãy để cho y dùng hết năng lực của khái niệm, và để lại đối tượng cuối cùng mà chúng ta có thể với tới. Có thể y nghĩ rằng đây là điểm nhỏ nhất của thiên nhiên. Tôi sẽ làm cho y thấy trong đó một hố thẳm khác. Tôi sẽ vẽ cho y không chỉ vũ trụ thấy được, nhưng cái toàn thể mà y có thể nhận được, về sự bao la của thiên nhiên trong bào thai của nguyên tử rút nhỏ nầy. Hãy để cho y thấy bên trong sự vô hạn của những vũ trụ, mỗi cái có bầu trời của nó, những hành tinh của nó, quả địa cầu của nó, cũng cùng tỷ lệ như thế giới thấy được, trong mỗi địa cầu có thú vật, và trong những phần nhỏ cuối cùng, trong đó y sẽ thấy lại tất cả mọi thứ mà cái đầu tiên đã có, thấy trong những cái khác nầy cùng những sự vật, trải đến vô cùng và không chấm dứt. Hãy để cho y đánh mất chính y trong những kinh ngạc về sự nhỏ nhoi của chúng, cũng như những cái khác trong sự lớn lao của chúng. Ðối với những người không cảm thấy kinh ngạc về sự kiện rằng cơ thể của chúng ta, một lúc trước không được nhận ra trong vũ trụ, lãi được nhận ra trong lòng của toàn thể, giờ đây là một vật khổng lồ, một thế giới, hay là một toàn thể, đối với cái không mà chúng ta không thể với tới. Người nhìn chính mình dưới ánh sáng nầy sẽ cảm thấy sợ hãi đối với chính y, và thấy chính trong cơ thể được thiên nhiên ban cho y, nằm giữa hai vực thẳm của Vô Cùng và Không, y sẽ run rẩy khi thấy những sự kỳ diệu nầy, và tôi nghĩ rằng, khi sự tò mò nầy được đổi thành sự chiêm nghiệm, y sẽ có khuynh hướng chiêm ngưỡng chúng trong im lặng hơn là khảo sát chúng một cách ngạo mạn.

Trong thức tế, con người là gì trong thiên nhiên? Một Cái Không khi so sánh với Cái Vô Cùng, một cái Tất Cả khi so sánh với Cái Không, một trung gian giữa không và tất cả. Bởi vì y hoàn toàn không biết gì về những cục điểm, và nhũng cái tận cùng của các sự vật, và sự khởi đầu của chúng bị che dấu một cách vô vọng trong một sự bí ẩn không thể bước vào; y cũng không thể thấy Cái Không mà từ đó y đã được tạo ra, và Cái Vô Hạn mà y bị nuốt trong đó y.

Thế thì y sẽ làm gì, ngoài việc biết được điểm giữa của những sự vật, trong một niềm thất vọng vĩnh viễn về việc biết được chỗ khởi đầu và chỗ tận cùng của chúng..."

Những điều được trình bày từ trước đến đây về Toàn Thể, cả cái nhìn của Pascal và Hoa Nghiêm, có thể được tóm lược như sau: giống như thái dương hệ chứa đựng những hành tinh của nó, hay một hành tinh chứa đựng những nguyên tử của nó, một vũ trụ "lớn hơn" luôn luôn chứa đựng những cái "nhỏ hơn", và ngược lại, được chứa đựng trong một vũ trụ lớn hơn chính nó. Hệ thống những thế giới cao hơn bao trùm những thế giới thấp hơn được mường tượng trong một cơ cấu bao gồm những "tầng lớp" mở rộng đến tận cùng ở cả hai chiều. Một vũ trụ có thể là rộng lớn vô tận hay nhỏ vô cùng, tùy thuộc vào tỷ lệ đo, hay vị thế từ đó đứng đo. Cái Toàn Thể, tóm lại, ở đây được vẽ ra là trùng trùng vô tận.

 

Ðến đây, chúng ta thấy rằng không có sự khác biệt giữa lối giải thích của Hoa Nghiêm về Cái Toàn Thể với lối giải thích của Pascal. Nhưng nếu chúng ta đọc thêm và nhìn rõ hơn, chúng ta thấy có sự khác biệt lớn giữa hai lối giải thích.

Chúng ta hãy đọc Hoa Nghiêm:

Những quốc độ vô tận không thể diễn tả

Gom lại trên đầu một sợi lông của Phật

Chúng không chật, không bị chèn ép

(Ðầu sợi lông cũng không lớn thêm...

Trong đó tất cả Quốc độ vẫn nguyên vẹn

Giống như khi chưa vào sợi lông...

:

... khi một vị Bồ tát chứng quả Thập Ðịa, ngài có thể nhập pháp giới mười cách... mang tất cả các thế giới đặt vào một sợi lông...

Ở đây, chúng ta thấy rằng cả thời gian và không gian không còn có ý nghĩa và sức mạnh khi chúng ta hiểu và kinh nghiệm về chúng. Ở đây không chỉ là một sự trùng trùng vô tận, nhưng còn là một một sự trao đổi toàn khắp, một sự giải thoát hoàn toàn mọi chướng ngại. Ở đây là một sự thấm nhập và hòa hợp của tất cả các thế giới, tất cả trong một và một trong tất cả, sự hòa tan giữa hữu và vô, sự hội tụ của Không và hữu, một sự tương tương tức và tương nhập. Tuy nhiên tất cả những bí ẩn nầy về Toàn Thể bao hàm trong một nguyên lý căn bản: Tất cả vạn pháp duyên khở đều là không. Ngược lại với những lý thuyết về nhất nguyên hay đa nguyên, Giáo Lý Hoa Nghiêm, chứa đựng những sự kỳ diệu của Pháp Giới, được trình bày không phải vì cái một, nhưng vì cái Không. Ðiều nầy cũng giống như nói rằng chính số không, không phải là số một, là nền tảng của tất cả các số. Chính bởi vì Không hay Tánh Không (sunyata) mà có sự tương nhập và Vô-Ngại của các thấ giới. Toàn Thể có thể biểu hiện những khả tính vô tận mà không bị ngăn ngại. Tánh Không thật sự là bản thể, và mục tiêu của Phật Giáo, còn đôi khi được gọi là vô-ngã, vô-chấp, vô-trụ, Vô-Ngại, Không Tánh, thấu thoát, và cả hàng ngàn lẽ một tên gọi khác nhau. Nhấn mạnh vào phương diện "vô-ngã" của Tánh Không, chúng ta có Tiểu Thừa Phật Giáo; nhấn mạnh trên phương diện không của chân lý bí ẩn nầy, chúng ta có Trung Quán Phật Giáo; nhấn mạnh vào tánh vô-chấp, vô trụ, chúng ta có Thiền; và nhấn mạnh vào phương diện vô-ngại và toàn khắp, chúng ta có Hoa Nghiêm.

Ðể tóm tắt những điều chúng ta được đọc trong những đoạn trích đẫn từ Kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy rằng sự Viên Mãn và Vô Ngại của Phật Tánh được diễn tả như sau:

1./ Một vũ trụ có thể rộng lớn vô biên hay nhỏ vô cùng tùy thuộc vào tỷ lệ hay vị trí đo lường.

2./ Vũ trụ "lớn hơn" chứa đựng những vũ trụ "nhỏ hơn" như thái dương hệ chứa đựng các hành tinh, hay các hành tinh chứa dựng các nguyên tử. Hệ thống những thế giới cao hơn bao trùm những cái thấp hơn được vẽ ra trong một cơ cấu kéo dài vô tận về cả hai chiều cho đến cực lớn và cực nhỏ. Ðiều nầy được gọi là trùng trùng vô tận theo cách nói của Hoa Nghiêm.

3./ Một vũ trụ "nhỏ" (như một nguyên tử) không chỉ chứa đựng vô số những vũ trụ "nhỏ hơn", nhưng cũng chứa đựng vô số vũ trụ "lớn hơn" (như thái dương hệ), và như vậy thiết lập nên một Toàn Thể Vô Ngại.

 

4./ Thời gian không còn ý nghĩa như chỉ là một khái niệm để đo lường chuổi những biến cố trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Giờ đây nó trở thành một yếu tố của Toàn Thể, tác động sự tương nhập và hàm chứa hoàn toàn của tất cả những biến cố quá khứ, hiện tại và tương lai trong cái hiện tại vĩnh cữu.

5./ Trên bình diện lớn của Pháp giới vô tận, vô lượng tuồng kịch khác nhau của các tôn giáo đang diễn ra trong nhiều phạm vi của không gian/thời gian xuyên qua tính vĩnh cữu.

16,119

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA DẠY CÁCH VƯỢT QUA CĂNG THẲNG - Đức Đạt Lai Lạt Ma

Dharmsala, Ấn Độ - Ở mức độ cơ bản, là người thì ai cũng giống nhau, đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Đây là lý do tại sao bất

11,941
BÁT QUAN TRAI GIỚI - Thích Thiện Hoa

BÁT QUAN TRAI GIỚIHT. Thích Thiện Hoa(Trích từ Phật Học Phổ Thông)A. MỞ ĐỀĐức Phật Thích Ca nói pháp gần 50 năm, có đến 84.000 pháp môn, vô lượng diệu nghĩa. Mặc

12,853
Bổ Đề Tâm Ly Tướng Luận - Tác-giả: Long-thọ Bồ-tát. Hán-dịch: Ngài Thí-hộ - Việt-dịch: Thích-tâm-châu

Con xin quy mệnh kính lễ hết thảy chư Phật.Nay con xin nói qua về nghĩa “bồ-đề-tâm”.Con cũng xin chí thành đỉnh lễ bồ-đề-tâmNghĩa của bồ-đề-tâm cũng như một đạo quân dũng

1,024
CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN GIẢI THOÁT – NI SƯ AYYA KHEMA

Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một vị tu sĩ trưởng lão, tên là Bahia. Là người đã tu nhiều năm, cũng được bao người kính trọng, vị tu sĩ

1,083
HIỂU BIẾT VỀ TÁNH KHÔNG - - Geshe Kelsang Gyatso - Thích Nữ Trí Hải dịch

Việc học và hành về tánh không là công việc sâu xa lớn rộng. Ở Tây tạng người ta phải trải qua nhiều năm để học về Không. Do đó những trình

12,845
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc