Bài Giảng Thứ Nhì
THỰC TƯỚNG CỦA CHƯ PHÁP
Chữ “tôn giáo” có ý nghĩa rộng lớn hơn chữ “luân lý.” Luân lý bàn về hành vi và hạnh phúc, và giống nhau trên cơ bản tại khắp nơi trên thế giới. Một tôn giáo là một hệ thống tu hành ở giai tần cao hơn. Những đường lối tu hành mà các tôn giáo cổ xúy khác biệt nhau rất xa.
Luân lý dùng để biến chúng ta thành những người tốt, hành xử tùy theo những nguyên tắc tổng quát của đời sống cộng đồng, trong một cung cách không gây phiền phức cho chính mình hoặc người khác. Nhưng dù một cá nhân có thể là người hoàn hảo về phương diện đạo đức, người đó vẫn phải chịu đau khổ qua sanh lão bệnh tử, vẫn còn bị ức chế bởi những vô minh trong tâm trí. Luân lý không giúp giải trừ được tham sân si, vì vậy không thể diệt trừ được đau khổ. Tôn giáo, nhất là Phật giáo, đi xa hơn luân lý rất nhiều. Mục tiêu của Phật giáo là hoàn toàn quét sạch những vô minh, tức là nhắm mục đích diệt trừ các loại đau khổ do sanh lão bệnh tử gây ra. Điều này cho thấy tôn giáo khác với luân lý như thế nào, và Phật giáo đi xa hơn các hệ thống luân lý như trên thế giới như thế nào. Sau khi đã hiểu như vậy, bây giờ chúng ta có thể quay sang bàn về chính Phật giáo.
Phật giáo là một hệ thống gồm những kiến thức kỹ thuật đi song song với phương pháp tu hành, một hệ thống kiến thức thực tiễn dùng để hiểu bản chất đích thực - tức là “thực tướng” - của “chư pháp” (mọi vật mọi sự). Nếu ghi nhớ định nghĩa này trong trí, bạn sẽ dễ dàng hiểu Phật giáo.
Hãy tự xét xem bạn có hiểu thực tướng của chư pháp hay không. Dù nếu bạn biết mình là gì, cuộc đời là gì, việc làm là gì, bổn phận, sinh kế, tiền bạc, tài sản, danh dự, và tiếng tăm là gì, bạn có dám bảo rằng mình đã hiểu biết tất cả hay không? Nếu chúng ta thực sự hiểu biết thực tướng của chư pháp, chúng ta sẽ không bao giờ hành động một cách sai trái; và nếu chúng ta luôn luôn hành động đúng thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ còn bị đau khổ. Nhưng vì chúng ta không hiểu biết thực tướng của chư pháp cho nên chúng ta thường hành xử sai trái hoặc nhiều hoặc ít, và do đó chúng ta phải chịu đau khổ hoặc nhiêu hoặc ít. Việc tu hành theo Phật giáo là để tìm hiểu thực tướng của mọi sự mọi vật. Khi hiểu biết rõ ràng như vậy là đã đạt tới “Chứng Quả,” thậm chí có thể đạt tới Chứng Quả tối hậu là Niết Bàn, bởi vì chính sự hiểu biết này là thứ giúp chúng ta diệt trừ phiền não và đau khổ.
Khi chúng ta đã hiểu biết thực tướng của chư pháp - tức bản chất đích thực của mọi sự mọi vật – chúng ta sẽ không còn bị lôi cuốn ràng buộc vào chúng nữa, lúc đó tự nhiên chúng ta được giải thoát khỏi đau khổ. Khi vẫn còn chưa hiểu được thực tướng của chư pháp là chúng ta vẫn còn đang tu hành ở giai đoạn mê muội, ở giai đoạn chưa ý thức được rằng mọi sự mọi vật là vô thường và vô ngã. Chúng ta chưa ý thức được rằng cuộc đời và tất cả những thứ mà chúng ta mê luyến theo đuổi - chẳng hạn như dục vọng - đều là vô thường, trống rỗng, và vô ngã. Chính vì không hiểu như vậy nên chúng ta mê luyến, thích thú, níu kéo và bám lấy chúng. Khi tu tập theo phương pháp Phật giáo, chúng ta sẽ nhận ra thực tướng của chư pháp, sẽ thấy rõ ràng chúng là vô thường, trống rỗng, và vô ngã, rằng thật ra trên thế gian không có gì đáng để cho chúng ta phải bị ràng buộc vào chúng. Lúc đó, ngay lập tức chúng ta sẽ thoát ra khỏi sức khống chế của chúng.
Trên căn bản, giáo lý của Đức Phật mà chúng ta đã có trong Tam Tạng Kinh chẳng qua chỉ là kiến thức về thực tướng của chư pháp hay bản chất đích thực của mọi sự mọi vật. Hãy nắm vững định nghĩa này. Đây là định nghĩa đầy đủ và cần nên ghi nhớ trong khi đi trên con đường tu hành. Bây giờ chúng ta hãy chứng minh sự xác đáng của định nghĩa đó bằng cách lấy Tứ Diệu Đế (Bốn Sự Thật Vi Diệu) ra xét và làm thí dụ.
Đệ Nhất Đế (“Khổ Đế”)
Vạch ra rằng tất cả mọi thứ đều là khổ, tức là nói cho chúng ta biết chính xác vạn sự vạn vật là gì. Nhưng vì chúng ta không ý thức được rằng tất cả mọi thứ đều là nguồn gốc của đau khổ cho nên chúng ta ham muốn những thứ đó. Nếu chúng ta nhận ra rằng chúng là nguồn gốc của đau khổ, không đáng để ham muốn, không đáng để bám lấy, không đáng để ràng buộc vào, thì chúng ta sẽ không còn ham muốn chúng nữa.
Đệ Nhị Đế (“Tập Đế”)
Vạch ra rằng lòng ham muốn (dục vọng) là nguyên nhân của đau khổ. Thông thường, người ta không biết, không thấy, không hiểu rằng dục vọng là nguyên nhân gây ra đau khổ. Họ đều ham muốn cái này cái nọ, chỉ vì họ không hiểu bản chất của dục vọng.
Đệ Tam Đế (“Diệt Đế”)
Vạch ra rằng sự giải thoát ra khỏi đau khổ - tức là nhập vào Niết Bàn – bao gồm sự diệt trừ hoàn toàn dục vọng. Người ta không mảy may hiểu rằng “niết bàn” là trạng thái mà chúng ta có thể đạt tới bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào, rằng nó có thể đạt tới ngay khi nào chúng ta đã hoàn toàn diệt trừ được dục vọng. Vì không hiểu sự thật này của cuộc đời, cho nên người ta không quan tâm tới chuyện diệt trừ dục vọng. Họ không quan tâm tới niết bàn vì họ không hiểu nó là gì.
Đệ Tứ Đế, được gọi là “Đạo Đế”
Vạch ra phương pháp để diệt trừ dục vọng. Ít người hiểu nó là phương pháp để diệt trừ dục vọng. Ít người quan tâm tới việc thực hành Bát Chánh Đạo để diệt trừ dục vọng. Người ta không nhận ra rằng Đạo Đế là điểm tựa và điểm đứng của họ, là thứ mà họ cần nên tích cực củng cố. Họ không quan tâm tới Đạo Đế Vi Diệu của Đức Phật – là bảo vật thượng đẳng và quí báu nhất trong toàn thể kiến thức của nhân loại, ở trên thế gian này hoặc bất cứ thế giới nào khác. Đây là loại ngu muội tệ hại nhất. Chúng ta có thể thấy rằng Tứ Diệu Đế là sự chỉ dẫn cho chúng ta một cách rõ ràng về thực tướng của chư pháp. Chúng ta được mách bảo rằng nếu chúng ta chơi đùa với dục vọng thì sẽ sanh ra đau khổ, nhưng chúng ta vẫn cứ chơi đùa với nó cho tới khi bị tràn ngập đau khổ. Như vậy là ngu si. Vì không biết thực tướng của chư pháp, hoặc bản chất đích thực của vạn vật, cho nên chúng ta thường hành động một cách sai trái. Các hành động của chúng ta rất hiếm khi thích hợp. Thường thường chúng ta chỉ “thích hợp” khi hiểu theo giá trị của những kẻ bị dục vọng khống chế; những kẻ này cho rằng nếu người ta đạt được những gì mà họ muốn thì hành động của họ phải được coi là chính đáng, nhưng về phương diện tinh thần mà nói thì hành động đó không phải là chính đáng.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét những câu kệ trích ra từ kinh điển tóm tắt tinh nghĩa của Phật giáo, tức là những lời nói của Tì-kheo A Đồ Chỉ (Assaji) khi ngài gặp tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) trước khi ngài thọ giới tì-kheo. Tôn giả Xá Lợi Phất xin được giải thích tinh nghĩa của Phật giáo bằng những lời ngắn gọn nhất. Tì-kheo A Đồ Chỉ trả lời: “Tất cả hiện tượng đều do nguyên nhân sanh ra. Đức Phật cho thấy đâu là nguyên nhân và cũng cho thấy mọi hiện tượng có thể chấm dứt bằng cách diệt trừ những nguyên nhân đó.” Có thể giải thích thêm ý nghĩa những câu nói đó như sau: Mọi vật đều là do những nhân duyên kết hợp với nhau mà sanh ra. Chúng ta không thể diệt trừ nó trước khi diệt trừ các nhân duyên. Lời nói đó cảnh giác chúng ta đừng coi bất cứ thứ gì là có bản ngã vĩnh hằng. Mọi vật đều là vô thường. Chỉ có những quả sanh ra từ nhân, và chúng sẽ tận diệt khi nhân tận diệt. Tất cả hiện tượng đều chỉ là sản phẩm của nhân duyên. Thế giới chỉ là một chuỗi dây liên tục của những lực lượng thiên nhiên không ngừng tác động lẫn nhau và biến đổi. Phật giáo vạch ra cho chúng ta thấy rằng tất cả mọi thứ đều không có tự ngã. Chúng chỉ là một giòng liên tục của sự thay đổi, đã mang sẳn cái khổ vì chúng không có tự do và bị ràng buộc vào nhân duyên. Chỉ cần đình chỉ tiến trình liên tục này là có thể lập tức diệt khổ; và tiến trình này sẽ đình chỉ ngay khi các nguyên nhân bị tiêu diệt, để chúng không còn tương tác với nhau. Đây là cách giải thích sâu xa nhất về thực tướng của chư pháp, hoặc bản chất đích thực của vạn vật, mà chỉ một người đã giác ngộ mới có thể giải thích. Đây cũng là trái tim của Phật giáo. Nó bảo chúng ta rằng mọi sự mọi vật chỉ là những hiện tượng và chúng ta đừng nên mê lầm mà ưa thích hay không ưa thích chúng. Muốn cho tâm được thực sự tự do, chúng ta phải hoàn toàn thoát khỏi chuỗi dây xích nhân duyên, bằng cách diệt trừ hết các nhân. Làm như vậy cái khổ sanh ra từ sự ưa thích hay không ưa thích sẽ bị tận diệt.
Bây giờ chúng ta thử xét chủ ý của Đức Phật khi xuất gia tu hành. Điều gì đã thúc ngài trở thành một tì-kheo? Điều này đã được nói rõ trong một bài thuyết giảng của ngài, trong đó ngài nói ngài xuất gia và trở thành một tì-kheo là để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Thiện là gì?” Chữ “thiện” (kusala) mà đức Phật dùng ở đây có ý nghĩa như là sự khôn ngoan, như là kiến thức chính xác tuyệt đối. Đặc biệt ngài muốn hiểu rõ khổ là gì, nguyên nhân của khổ là gì, làm thế nào để được thoát khổ, và thế nào là phương pháp để thoát khổ. Đạt tới kiến thức viên mãn và chính xác tức là đạt tới tột đỉnh của sự khôn ngoan. Mục tiêu của Phật giáo chẳng qua chỉ là muốn đạt tới cái kiến thức viên mãn về thực tướng của chư pháp, để hiểu biết bản chất đích thực của mọi sự mọi vật.
Một giáo lý quan trọng khác của Phật giáo là “Tam Pháp Ấn,” tức là “vô thường” (anicca), “khổ” (dukkha), và “vô ngã” (anatta). Không hiểu biết giáo lý này tức là không hiểu biết Phật giáo. Tam Pháp Ấn vạch ra cho chúng ta thấy rằng vạn vật đều là vô thường, là khổ, và là vô ngã. Khi nói rằng mọi sự mọi vật đều là vô thường có nghĩa là vạn vật không ngừng biến đổi, không có cái gì đứng lại ở một trạng thái cố định dù chỉ là trong chớp nhoáng. Khi nói rằng mọi sự mọi vật đều khổ có nghĩa là trong bản chất của chúng đã có sẵn mầm mống dẫn tới đau khổ. Bẩm sinh chúng đã không đáng được ưa thích và chúng chỉ là ảo tưởng. Khi nói rằng chúng vô ngã có nghĩa là mọi vật đều không có một bản thể gì có thể gọi là “ngã” hoặc “tự ngã.” Nếu chúng ta bám víu lấy ngoại vật, kết quả nhất định sẽ sanh ra khổ. Những vật này còn nguy hiểm hơn cả lửa; bởi vì chúng ta có thể trông thấy lửa từ đằng xa và sẽ không tiến đến quá gần nó, trong khi mọi vật có thể là thứ lửa mà chúng ta không thể trông thấy. Vì vậy, đi đâu chúng ta cũng không ngần ngại bốc lấy lửa đầy vào tay mình, hậu quả là chúng ta phải chịu đau đớn. Giáo lý này nói cho chúng ta biết mọi vật là gì, hiểu theo nghĩa của Tam Pháp Ấn. Rõ ràng Phật giáo chỉ đơn giản là một hệ thống tu hành có mục đích hướng dẫn cho chúng ta thấy thực tướng của chư pháp.
Trên đây đã thuyết minh tại sao chúng ta cần phải biết bản chất của vạn vật; và tại sao chúng ta cũng cần phải biết cách tu hành để thích nghi với bản chất của vạn vật. Trong kinh điển còn có một giáo lý nữa là “Giáo Lý Chủ Yếu” bao gồm ba trọng điểm: “Tránh làm điều ác, hãy làm điều thiện, thanh tịnh tâm trí.” Đây là nguyên tắc tu hành. Khi đã biết vạn vật đều là vô thường, vô giá trị, không thực sự là của chúng ta, và không đáng để bám víu, không đáng để đam mê, thì chúng ta phải xử sự một cách thích đáng và thận trọng đối với chúng; như vậy có nghĩa là tránh làm điều ác. Điều đó cũng ngụ ý rằng chúng ta không được vi phạm tiêu chuẩn đạo đức đã được xã hội chấp nhận, và hãy từ bỏ sự ham muốn và lòng tham quá đáng. Mặt khác, chúng ta cần phải làm điều thiện, những điều thiện mà các bậc hiền nhân đã nói tới. “Tránh làm các điều ác và làm điều lành” chỉ là những giai đoạn đạo đức mà thôi. Điều thứ ba, bảo chúng ta phải “thanh lọc tâm trí” cho sạch hết mọi thứ vô minh trong tâm, đích thị là Phật giáo. Nó dạy chúng ta phải giải thoát cho cái tâm được tự do. Vì khi nào cái tâm vẫn còn bị vạn vật chế ngự thì nó không thể là một cái tâm trong sạch, tinh khiết. Sự tự do của tâm trí phải phát xuất từ kiến thức thâm sâu về thực tướng của chư pháp. Khi chúng ta vẫn còn thiếu kiến thức này thì chúng ta không tránh khỏi tâm trạng hồ đồ, ưa cái này hoặc ghét cái kia. Nếu chúng ta còn vì ngoại vật mà động lòng thì chúng ta chưa thể coi là được tự do, hay “tự tại vô ngại.” Trên cơ bản, nhân loại chịu sự chế ngự của hai loại trạng thái cảm xúc: Thương và ghét (tương đương với hai cảm xúc vui và không vui). Sở dĩ chúng ta trở thành nô lệ của trạng thái tình cảm của mình và không được thực sự tự do là vì chúng ta không hiểu biết bản chất của trạng thái tình cảm, tức là không hiểu biết thực tướng của chư pháp. Đặc tính của “thương” là nắm giữ lấy ngoại vật và chiếm hữu chúng; đặc tính của “ghét” là đẩy ngoại vật ra xa và từ bỏ chúng. Cho tới khi nào hai loại tình cảm này còn tồn tại thì tâm không được tự do. Cho tới khi nào tâm vẫn còn thương cái này ghét cái nọ thì nó không thể được thanh tịnh và thoát khỏi sự áp chế của ngoại vật. Vì vậy, giáo lý cao siêu này của Phật giáo dạy rằng chúng ta không nên bám víu vào ngoại vật, thậm chí đừng nên chấp trước ngay cả tới thiện và ác. Khi tâm đã thanh lọc được hai loại phản ứng tình cảm này thì nó sẽ trở thành độc lập đối với ngoại vật.
Các tôn giáo khác chỉ dạy chúng ta hãy tránh điều ác và nắm giữ lấy điều thiện. Các tôn giáo đó muốn rằng chúng ta hãy nắm giữ và yêu thích điều thiện, gồm cả tượng trưng tối cao của thiện tức là Thượng Đế. Nhưng Phật giáo còn tiến xa hơn nữa, và dạy chúng ta đừng chấp trước bất cứ điều gì. Sự chấp trước điều thiện chỉ là loại tu hành ở bậc trung đẳng, nhưng nó không thể đưa chúng ta lên tới bậc thượng đẳng, dù chúng ta hành thiện tới đâu chăng nữa. Tu hành ở bậc thấp nhất là chúng ta tránh làm điều ác; ở bậc trung đẳng là chúng ta cố gắng hết sức để làm điều thiện; ở bậc tối cao là chúng ta khiến cho tâm của mình siêu việt lên trên sự chế ngự của cả thiện lẫn ác. Sự chấp trước vào những kết quả tốt của điều thiện là vẫn còn chưa hoàn toàn thoát khỏi khổ, bởi vì trong khi người ác chịu cái khổ của kẻ làm điều ác thì người thiện cũng phải chịu nỗi khổ của kẻ làm điều thiện. Dù thiên nhân trên cõi trời cũng có cái khổ của họ, thậm chí một vị thần linh hoặc đấng Phạm Thiên (Brahma) của đạo Bà La Môn cũng trải qua cái khổ của bậc thần linh. Nhưng sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi thứ đau khổ chỉ xảy ra khi nào chúng ta đã đoạn trừ và siêu việt lên trên ngay chính cả cái mà chúng ta gọi là thiện để trở thành bậc A La Hán, tức là một cá nhân hoàn hảo không còn khuyết điểm gì, một người đã siêu việt lên trên tình cảnh thế tục.
Bây giờ chúng ta đã thấy rằng Phật Pháp là giáo lý của Đức Phật, bậc đã giác ngộ, và một Phật tử là người thực hành theo lời dạy của Đấng Giác Ngộ. Chúng ta hãy thử đặt câu hỏi Đức Phật đã giác ngộ được điều gì? Câu trả lời chỉ đơn giản là ngài đã hiểu được thực tướng của chư pháp. Vậy thì Phật giáo là giáo lý dạy cho chúng ta biết sự thật về mọi vật mọi sự, tức là thực tướng của chư pháp. Nếu chúng ta muốn giác ngộ chân lý thì chính chúng ta phải tu hành. Chúng ta có thể tin chắc rằng một khi đã đạt tới trí tuệ hoàn hảo đó thì lòng tham dục sẽ hoàn toàn bị nó tiêu diệt; bởi vì vô minh sẽ lập tức biến đi ngay khi trí huệ đó khơi dậy. Mọi phương diện của sự tu hành theo giáo lý đạo Phật đều là để đem lại sự hiểu biết. Toàn thể mục tiêu của bạn khi phát nguyện tu tập để đi sâu vào Phật Pháp chỉ đơn giản là để đạt được sự hiểu biết. Nhưng có điều cần nhớ là phải nhắm vào thứ hiểu biết xứng đáng, phải là thứ hiểu biết đạt được qua trí huệ sáng suốt, chứ không phải là thứ hiểu biết thế tục, thứ hiểu biết nửa chừng, chẳng hạn như lầm tưởng điều xấu với điều tốt, và lầm tưởng nguồn gốc của đau khổ là nguồn gốc của hạnh phúc. Hãy cố gắng hết sức để thử nhìn vào tất cả mọi vật như là sự đau khổ, như vậy là có thể dần dần từng bước tiến tới liễu ngộ tất cả đều là đau khổ. Kiến thức đạt được bằng cách đó là kiến thức nhà Phật đặt căn bản trên những nguyên tắc Phật giáo vững chắc.
Tu học theo phương pháp này thì ngay cả một người tiều phu không biết gì về sách vở cũng có thể đi sâu vào tinh nghĩa của Phật Pháp; trong khi đó một học giả nghiên cứu về tôn giáo có vài tấm bằng đại học chú tâm vào việc khảo cứu Tam Tạng Kinh, nhưng không nhìn vào sự vật từ quan điểm này, thì họ chưa chắc đã thấm nhuần giáo lý đạo Phật. Những ai có ít nhiều trí thông minh đều có khả năng thăm dò và nghiên cứu vạn pháp trên thế gian để biết bản chất đích thực của chúng. Khi gặp bất cứ điều gì chúng ta phải khảo sát để tìm hiểu rõ thực tướng của chúng. Chúng ta phải hiểu thực tướng và nguồn gốc của đau khổ mà mỗi sự vật gây ra cho chúng ta. Tâm trí chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, để quan sát và nghiên cứu những điều đau khổ đến với chúng ta, theo cách nói trên, tức là đường lối tốt nhất để thấm nhuần Phật Pháp. Chắc chắn đây là đường lối tốt hơn cách học Phật Pháp từ Tam Tạng Kinh.
Việc chăm chỉ nghiên cứu Phật Pháp trong Tam Tạng Kinh từ quan điểm ngữ học hoặc văn học không phải là cách để tìm biết thực tướng của chư pháp. Đương nhiên là trong Tam Tạng Kinh có đầy dẫy những giải thích về thực tướng của chư pháp, nhưng điều trở ngại là người ta nghe theo những gì nói trong đó giống như những con vẹt biết nói, sau này họ lập lại những gì đã ghi nhớ trong đầu, chứ chính họ không có khả năng đi sâu vào thực tướng của chư pháp. Nếu thay vì học như con vẹt, người ta lắng tâm và tự tìm hiểu quá trình tư duy, trực tiếp tìm hiểu những khía cạnh của phiền não, của đau khổ, nghĩa là tất cả những gì mà họ gặp, thì lúc đó họ có thể thấm nhuần Phật Pháp chân chính. Dù cho một người nào đó tuy chưa bao giờ xem qua hoặc nghe nói tới Tam Tạng Kinh, nhưng nếu người này chịu khó tìm hiểu từng chi tiết mỗi khi tâm trí bị dầy vò, thì có thể nói rằng họ đang nghiên cứu Tam Tạng Kinh một cách trực tiếp, và có thể nói rằng họ học Tam Tạng Kinh đúng cách hơn là những người đang thực sự đọc Tam Tạng Kinh bằng sách. Những người đọc từng chữ có thể chỉ là hàng ngày vuốt ve những cuốn sách của Tam Tạng Kinh mà không hiểu gì về Phật Pháp vĩnh hằng nằm ở trong sách.
Tương tự như vậy, hàng ngày chúng ta sống cho chính mình, sử dụng chính mình, huấn luyện chính mình, làm những chuyện liên quan đến chính mình, nhưng chúng ta lại chẳng biết gì về chính mình, và không thể tự giải quyết những trở ngại liên quan đến chính mình. Chúng ta vẫn phải chịu đau khổ, vẫn còn dục vọng gây ra thêm đau khổ; khi chúng ta càng sống lâu hơn thì đau khổ càng ngày càng nhiều hơn – cũng chỉ vì chúng ta không hiểu biết về chính mình. Chúng ta vẫn không hiểu biết đời sống tinh thần của chính mình. Để hiểu biết Tam Tạng Kinh và ý nghĩa thâm sâu tiềm ẩn bên trong là điều khó nhất. Vậy chúng ta hãy học Phật Pháp bằng cách tìm biết bản chất của chính mình. Chúng ta hãy tìm hiểu tất cả nhân tố cấu thành thân xác và tâm trí này. Chúng ta hãy học hỏi từ cuộc đời này: nó tiếp tục xoay chuyển trong chu kỳ của dục vọng, hành động theo dục vọng, và kết quả của hành động, rồi kết quả này lại sẽ nuôi dưỡng thêm dục vọng… và cứ tiếp tục xoay tròn như thế mãi mãi. Sở dĩ chúng ta cứ mãi mãi luân chuyển trong vòng tròn của cõi ta-bà biển khổ là vì chúng ta u mê không biết thực tướng của chư pháp.
Tóm lại, Phật Pháp là một hệ thống tu hành có tổ chức nhằm giúp chúng ta hiểu biết thực tướng của chư pháp. Khi nào chúng ta đã nhận ra được thực tướng của vạn vật thì chúng ta không cần tới ai dạy bảo hoặc hướng dẫn chúng ta nữa, chúng ta có thể tiếp tục tự mình tu hành. Một người tiến triển trên con đường tu hành của bậc A-La-Hán nhanh hay chậm tùy theo mức độ người đó diệt trừ những vô minh và từ bỏ ác nghiệp. Tối hậu, người ta có thể đạt tới điều tốt đẹp nhất của loài người: Niết Bàn (hoặc “Chánh Quả”). Chúng ta có thể thực hiện được điều này bằng cách giản dị là hiểu ý nghĩa đích thực của vạn vật tức là thực tướng của chư pháp.