6. MÂU BÁC
Nhà Hán niên hiệu Sơ Bình (190 – 194), có Mâu Tử tránh đời ẩn cư, nghiên cứu Phật đạo, làm 37 thiên Lý Hoặc, rất được sùng mộ. Luật sư Lương Tăng Hữu thu thập và lưu truyền.
7. TÀO THỰC
Trần An Vương Tào Thực, tự là Tử Kiến, con giữa của Tào Tháo, mười tuổi đã thuộc thơ văn trên mười ngàn chữ. Hàm Ðan Thuần trông thấy kinh hãi cho là người nhà trời. Ông mỗi lần đọc kinh Phật đều hết lòng tán thánh cho là tông chí đạo, rồi chế cách tụng thành bảy thanh, thăng giáng khúc chiết. Người đời tụng theo đó. Khi ông dạo Ngư Sơn, nghe có tiếng lạ lùng, giọng điệu ai oán, ông phỏng theo đó để tán tụng kinh Phật. Ông có viết Biện Ðạo Luận có ý chê Hoàng Lão (Lão giáo).
8. KHƯƠNG TĂNG HỘI
Tam Tạng Khương Tăng Hội hành hóa đến nước Ngô. Sư là con của Ðại Thừa Tướng nước Khương Cư, tên Tăng Hội, đi tu. Ðến Kiến Chương, cất am tranh, lập bàn thờ tượng Phật, hành đạo. Người nước Ngô lấy làm lạ. Ngô Tôn Quyền biết được, liền nói:
- Hay là như mộng của Hán Minh Ðế, Phật đạo đã truyền đến chăng?
Bèn sai người vời Sư đến hỏi. Tăng Hội trình bày việc Như Lai tịch diệt và nói:
- Như Lai nhập diệt đã ngàn năm rồi nhưng linh cốt xá lợi vô cùng linh ứng. Xưa vua A Dục thờ tám mươi bốn ngàn tháp. Ngay đây cũng có di hóa (xá lợi để lại).
Ngô Tôn Quyền nói:
- Nếu Thầy cầu được xá lợi, ta sẽ tạo tháp phụng thờ. Còn cầu không linh nghiệm, Thầy sẽ bị nghiêm phạt.
Tăng Hội xin kỳ hạn bảy ngày. Trở về bảo quyến thuộc:
- Phật pháp hưng thịnh hay bị phế bỏ đều do lần này. Mọi người nên chí tâm cầu khẩn.
Qua bảy ngày, chẳng thấy hiệu nghiệm. Tăng Hội lại xin triển hạn bảy ngày nữa, cũng chẳng thấy gì. Ngô Tôn Quyền nói:
- Mau đem ông thầy này bỏ vào vạc nấu!
Tăng Hội thầm nghĩ: “Ðức Phật từ bình thường, lẽ nào phụ lòng ta”. Rồi năn nỉ cho thêm bảy ngày. Ðến canh năm, nghe co tiếng leng keng, Sư liền trổi dậy nhìn vào bình, thấy hiện ngũ sắc, bèn kêu to:
- Quả đúng như nguyện của ta!
Hôm sau Sư đem vào triều. Ngô Tôn Quyền cùng công khanh xúm vào xem, khen:
- Thật là điềm hiếm có!
Tăng Hội nói:
- Oai thần của xá lợi, tất cả thế gian không gì làm hoại được.
Tôn Quyền sai lực sĩ lấy chùy đập, ánh sáng vẫn rực rỡ. Vua bèn lập chùa, dựng tháp, đặt tên làng là Phật Ðà, chùa là Kiến Sơ. Ðây là ngôi chùa, tháp đầu tiên của Giang Nam.
Tôn Quyền hỏi Thái phó Hám Trạch:
- Phật giáo vào Trung Quốc năm nào của thời Hán Minh Ðế? Do đâu lại không đến phương Ðông?
Hám Trạch nói:
- Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười một Phật pháp mới đến, cách đây một trăm bảy mươi năm. Ðến năm thứ mười bốn, đạo sĩ Ngũ Nhạc là nhóm Trừ Thiện Tín đấu phép với tăng Ấn Ðộ. Thiện Tín thua, hổ thẹn mà chết. Người Trung Quốc không được xuất gia, nên không có người truyền bá. Hơn nữa, vì loạn ly nhiều năm. Bây giờ Phật giáo mới đến nước ta.
Tôn Quyền nói:
- Ðã có Khổng Tử viết kinh sách dạy dỗ đời sau; rồi Lão, Trang tu thân tự vui; phóng lãng chốn núi rừng, tâm hồn đạm bạc. Vậy còn thờ Phật làm chi nữa?
Hám Trạch thưa:
- Hai đạo Khổng Lão là pháp trời chế ra để dùng, nên không dám ngược ý trời. Phật giáo thì chư thiên vâng làm, không dám trái ý Phật. Xem đó thì rõ hơn, kém.
Ngô Tôn Hạo sau nối ngôi cha, hạ lệnh dẹp đền chùa, miếu mạo. Quần thần can:
- Tiên đế cảm điềm lành mà lập chùa, Chúa công chẳng nên phá hủy!
Tôn Hạo bèn cho gọi Sư lại hỏi:
- Phật nói có báo ứng thiện ác, Thầy có thể giảng cho ta nghe chăng?
Sư nói:
- Minh chủ lấy hiếu từ trị thiên hạ, thì đế hiệu Xích Ô được rõ ràng, người dân sống lâu. Dùng nhân đức nuôi vạn vật thì suối ngọt tuôn trào, lúa tốt nảy mầm. Lành có cảm ứng, ác cũng vậy. Nếu làm ác ở chỗ kín đáo, quỷ sẽ giết, làm ác ở chỗ công khai, người sẽ giết. Kinh Dịch nói “Tích thiện dư khánh” chứa điều lành thì niềm vui có dư, còn dù văn thơ hay, cầu phước cũng chẳng đến. Tuy đó là cách ngôn của nhà Nho, mà thực làm sáng tỏ lời Phật dạy.
Tôn Hạo nói:
- Thế thì Chu Khổng đã nói rồi, đâu cần Phật giáo?
Sư nói:
- Chu Khổng chẳng muốn nói sâu, nên chỉ dạy sơ lược. Phật giáo chẳng dừng ở lời cạn cợt, nên chỉ rõ ràng tường tận cái cốt yếu. Tất cả đều tốt. Thánh nhân chỉ sợ làm thiện không được nhiều. Bệ hạ sao lại không ưa?
Tôn Hạo không đáp được, bèn bỏ lệnh hủy chùa.
9. TĂNG KỲ VỰC
Sư ở Thiên Trúc, lúc mới đến Giao Châu và Quảng Châu, người ta thấy có nhiều điều linh dị. Sư đến Lạc Dương, thấy các tỳ kheo ăn mặc hoa lệ bèn nói:
- Thật trái giới luật! Chẳng phải ý Phật!
Sư xem các cung thất ở đế đô, liền nói:
- Ðại khái giống cung trời Ðao Lợi. Nhưng người khác với trời, làm dân chúng khổ cực, sửa sang như thế, không phí hay sao?
Niên hiệu Thái An năm đầu (303). Sư biết Lạc Dưong sắp có loạn, liền từ giã về Thiên Trúc. Có vị tăng xin được hỉ dạy. Sư cho nhóm chúng, lên toà nói:
Nói xong Sư làm thinh. Mấy trăm người đều thỉnh Sư về nhà mình thọ trai. Sư nhận lời hết. Hôm sau, năm trăm nhà đều có Sư đến thọ thực.