Bài Viết (701)


NGỘ TÁNH LUẬN - Tổ Bồ Đề Đạt Ma

13,982

 

NGỘ TÁNH LUẬN - Tổ Bồ Đề Đạt Ma

 

Đạo lấy tịch diệt làm thể, Tu lấy lìa tướng làm tông. Do đó Kinh dạy : "Tịch diệt là bồ đề, diệt các tướng vậy." Phật có nghĩa là giác ngộ. Người có tâm giác ngộ thì đạt được đạo Bồ Đề, gọi là Phật. Kinh dạy : "Lìa hết thảy các tướng gọi là Phật." Như thế biết rằng có tướng là cái tướng của vô tướng, không thể dùng mắt thấy, chỉ có thể dùng trí mà biết. Nếu có người nghe pháp này mà sinh được một niệm tin người này đã phát khởi Đại thừa, vượt khỏi ba cõi.  

 

Ba cõi là tham, sân, si. Ngược lại với tham sân si là giới, định, huệ, gọi là vượt ra ba cõi. Tham, sân và si cũng không có tánh chân thật, chỉ là nương nơi chúng sanh mà có tên. Nếu có thể chiếu soi trở lại, khi nhận rõ sẽ thấy tánh của tham sân si tức là tánh Phật. Ngoài tham sân si không có tánh Phật nào khác. Kinh dạy : "Chư Phật từ xưa nay thường ở trong ba độc nuôi lớn Pháp trong sạch, mà thành đấng Thế Tôn." Ba độc là tham, sân, si vậy.

 

 

Nói rằng Đại thừa là Tối Thượng thừa, là nói chỗ tu hành của các bậc Bồ tát.(1) Không chỗ nào là không thừa (chở), cũng không có chỗ thừa. Suốt ngày chở mà chưa từng chở. Đó là Phật Thừa. Kinh dạy : "Không (Vô) Thừa là Phật Thừa." Như có người biết rằng sáu giác quan là không thật, năm uẩn(2) chỉ là giả đặt tên, tìm kiếm khắp nơi mà không có chỗ cố định, nên biết người này hiểu rõ lời Phật. Kinh dạy : "Hang động của năm uẩn gọi là thiền viện, chiếu soi vào bên trong mà mở tỏ là cửa vào Đại thừa." Điều này không rõ ràng lắm sao ?  

 

Không ghi nhớ một pháp nào gọi là thiền định. Nếu hiểu được điều này thì đi đứng nằm ngồi đều là thiền định. Biết tâm là không, đó là thấy Phật. Vì sao vậy ? Chư Phật trong mười phương đều là vô tâm. Không thấy có tâm, gọi là thấy Phật. Bỏ thân không tiếc gọi là đại bố thí. Rời khỏi sự động, sự định gọi là tọa thiền. Vì sao vậy ? Người phàm phu một mực hướng ra động, bậc Tiểu thừa một mực hướng vào định. Pháp môn tọa thiền vượt ra khỏi phàm phu và Tiểu thừa gọi là Đại Tọa Thiền. Nếu hiểu được lý này, hết thảy các tướng không cầu mà tự cởi bỏ, hết thảy các bịnh không trị mà lành. Đó đều là sức mạnh của Đại Thiền Định.

 

 

Đem theo tâm cầu pháp là mê, không đem tâm cầu pháp là ngộ, không dính mắc vào văn tự gọi là giải thoát, không nhiễm sáu trần gọi là hộ pháp, ra khỏi sanh tử gọi là xuất gia, không phải sinh lại gọi là đạt đạo, không sinh vọng tưởng gọi là Niết bàn, không ở với vô minh gọi đại trí huệ, không có phiền não gọi là Bát Niết bàn, không có tướng tâm gọi là bỉ ngạn (bờ bên kia).

Khi mê thì có bờ bên này, khi ngộ thì không còn bờ bên này. Vì sao vậy ? Vì phàm phu chỉ ở bên này, khi giác ngộ Tối Thượng thừa, tâm không trụ bên này cũng không trụ bên kia, nên có thể rời khỏi bờ bên này, bên kia. Nếu thấy bờ bên này khác với bờ bên kia, tâm của người này không đạt thiền định.

Phiền não gọi là chúng sanh, ngộ giải gọi là Bồ Đề, hai việc này không đồng cũng không khác, chỉ là do mê ngộ cách nhau. Khi mê thì có thế gian để ra khỏi, khi ngộ không có thế gian để ra khỏi.  

 

Trong pháp bình đẳng, không thấy phàm phu khác với bậc Thánh. Kinh dạy : "Nơi pháp bình đẳng,(1) kẻ phàm phu không thể vào được, bậc Thánh không thực hành được." Pháp bình đẳng chỉ có các Đại Bồ tát và các đức Phật Như Lai mới thực hành được. Nếu thấy sống và chết khác nhau, động và tịnh khác nhau, đều là không bình đẳng. Không thấy phiền não(2) khác với Niết bàn, gọi là bình đẳng. Vì sao ? Phiền não và Niết bàn đều cùng một tánh không.(3) Bậc Tiểu thừa vọng trừ phiền não, vọng nhập Niết bàn, bị vướng mắc nơi Niết bàn. Bồ tát biết phiền não tánh không, tức chẳng rời không, nên thường ở trong Niết bàn. Niết bàn, Niết bèn là không sinh, Bàn bèn là không chết. Ra ngoài sanh tử, ra khỏi Niết bàn, tâm không đi, đến, tức là nhập Niết bàn. Do đó biết rằng Niết bàn là tâm không. Chư Phật nhập Niết bàn là ở nơi không vọng tưởng. Bồ Tát nhập đạo tràng(1) là ở chỗ không phiền não.

 

 

Chỗ rỗng không là chỗ không có tham, sân, si. Tham là cõi dục, sân là cõi sắc, si là cõi vô sắc. Khi tâm niệm khởi tức là vào ba cõi, khi tâm niệm diệt tức ra ba cõi. Cho nên biết rằng sự sinh diệt trong ba cõi, sự có không của các pháp, đều do tâm khởi. Nói pháp tức là gồm cả những vật vô tình như gạch ngói, đá, cỏ, cây cối.

Nếu biết tâm chỉ là giả đặt tên, không có thật thể, tức hiểu tự tâm cũng chẳng là có, cũng chẳng là không. Vì sao ? Phàm phu chỉ có khởi tâm, gọi là có. Tiểu thừa thì cố diệt tâm, gọi là không, Bồ tát và Phật chưa từng sinh tâm, chưa từng diệt tâm, gọi là tâm chẳng có chẳng không. Tâm chẳng có chẳng không gọi là Trung đạo. Cho nên biết rằng đem tâm học pháp, thì tâm và pháp đều mê mờ. Không đem tâm học pháp thì tâm và pháp đều ngộ. Mê là mê cái ngộ. Ngộ là ngộ cái mê. Người có chánh kiến, biết tâm không vô, liền vượt khỏi mê, ngộ. Không có cả mê lẫn ngộ là hiểu biết chân chánh.

Cái thấy chân chánh là sắc chẳng phải tự là sắc, do tâm nên có sắc, tâm chẳng phải tự là tâm, do sắc có tâm, cho nên biết rằng tâm và sắc nương nhau sinh diệt. Có là có dựa nơi không, không là không nương nơi có. Đó là cái thấy chân thật. Cái thấy chân thật là không cái gì chẳng thấy mà cũng không có cái gì được thấy, thấy khắp mười phương mà chưa từng thấy. Vì sao ? Vì không có gì để thấy, vì thấy cái không có gì để thấy, cho nên thấy mà chẳng phải thấy. Cái thấy của người phàm phu đều là vọng tưởng. Nếu tịch diệt(1) không có cái thấy mới gọi là thấy chân thật.

Tâm và cảnh đối nhau, cái thấy sinh ra ở giữa đó. Nếu trong không khởi tâm, thì ngoài sẽ không sinh cảnh. Cảnh và tâm đều tịnh gọi là thấy chân thật. Khi hiểu được điều đó, gọi là hiểu chân chánh.

Chẳng thấy một pháp gọi là đắc đạo. Chẳng hiểu một pháp gọi là giải thoát. Vì sao ? Thấy và không thấy đều là không thấy. Hiểu và không hiểu đều là không hiểu. Thấy mà không thấy được gọi là thấy chân thật. Hiểu mà không hiểu được gọi là hiểu lớn.

Cái thấy chân chánh không phải là cái thấy nơi cái thấy, mà là cái thấy nơi cái không thấy. Cái hiểu chân thật không phải là cái hiểu nơi cái hiểu, mà là cái hiểu nơi cái không hiểu. Không có cái gì để hiểu tức là hiểu chân chánh. Còn hiểu và không hiểu đều là không hiểu.

Kinh dạy : "Không bỏ trí huệ gọi là ngu si." Nếu tâm là không thì hiểu và không hiểu đều là chân thật. Nếu tâm là có, hiểu và không hiểu đều là hư dối.

Khi hiểu thì pháp theo người, khi không hiểu thì người theo pháp. Nếu pháp theo người thì phi pháp cũng thành pháp. Nếu người theo pháp thì pháp cũng thành phi pháp. Nếu người theo pháp thì pháp là hư dối. Nếu pháp theo người thì pháp là chân thật. Vì vậy Thánh nhân không đem tâm cầu pháp. Cũng không lấy pháp cầu tâm, cũng không lấy tâm cầu tâm, cũng không lấy pháp cầu pháp. Tâm không sinh pháp, pháp không sinh tâm. Tâm và pháp cả hai đều rỗng lặng, cho nên thường ở trong định.

Tâm chúng sanh sinh thì Phật Pháp diệt, tâm chúng sanh diệt thì Phật Pháp sinh. Tâm sinh thì pháp chân thật diệt, tâm diệt thì pháp chân thật sinh. Người biết hết thảy các pháp không dính mắc nhau là người đắc đạo. Biết tâm không dính mắc vào một pháp, người này thường ở trong Đạo tràng.

Khi mê thì có tội, khi hiểu thì không tội. Vì sao ? Tánh của tội vốn không. Khi mê thì không tội cũng thấy có tội. Vì sao ? Vì tội không có xứ sở. Kinh dạy : "Các pháp không có tánh." Ngay đây chớ nghi. Nghi tức thành tội. Vì sao ? Tội do nghi mà sinh. Nếu hiểu như vậy, các tội đời trước liền tiêu diệt. Khi mê thì sáu thức, năm ấm đều là phiền não sanh tử. Khi ngộ thì sáu thức, năm ấm đều là Niết bàn không có pháp sanh tử.

Người tu đạo không cầu đạo ở bên ngoài. Vì sao ? Vì biết tâm là đạo. Khi thấy được tâm thì biết không có cái tâm có thể đắc. Khi thấy được đạo thì biết không có đạo có thể đắc. Nếu bảo rằng có thể đem tâm cầu đạo, đó là tà kiến. Khi mê có Phật có Pháp. Khi ngộ, không Phật không Pháp. Vì sao ? Ngộ tức là Phật Pháp.

Nói về tu đạo, thân diệt đạo mới thành, như vỏ cây bóc ra từ thân cây. Thân nghiệp báo này biến dịch trong từng niệm niệm, không có thứ gì cố định. Chỉ theo niệm mà tu. Không ghét sanh tử, cũng không ham mê sanh tử, chỉ trong mỗi niệm không có vọng tưởng thì trong lúc còn sống chứng Hữu Dư Niết Bàn,(1) khi chết được Vô Sanh Pháp Nhẫn.(2)

Mắt thấy sắc không nhiễm nơi sắc, tai nghe tiếng không nhiễm nơi tiếng tức là giải thoát. Mắt không dính vào sắc, mắt là cửa thiền. Tai không dính tiếng, tai là cửa thiền. Nói tóm lại, khi thấy sắc mà thấy của sắc vốn không vướng mắc thì thường giải thoát. Người thấy sắc thường bị trói buộc. Không bị phiền não trói buộc là giải thoát, không có giải thoát nào khác. Khéo quán sát sắc, sắc chẳng làm khởi tâm, tâm cũng không sinh khởi sắc, tức sắc và tâm cả hai đều thanh tịnh.

Khi không có vọng tưởng, một tâm là một cõi Phật, khi có vọng tưởng, một tâm là một địa ngục. Chúng sanh tạo tác vọng tưởng, lấy tâm sinh tâm, nên thường ở chốn địa ngục. Bồ tát quán sát vọng tưởng, không đem tâm sinh thêm tâm, nên thường ở cõi Phật. Nếu không lấy tâm sinh tâm, thì tâm tâm đều nhập vào không, niệm niệm đều về chỗ thanh tịnh, đi từ cõi Phật này đến cõi Phật khác. Nếu lấy tâm sinh tâm, thì tâm tâm đều bất tịnh, niệm niệm đều hướng động, đi hết địa ngục này lại qua địa ngục khác. Khi một tâm niệm khởi lên, liền hiện hai nghiệp thiện ác, liền có thiên đường địa ngục. Một tâm niệm không khởi thì không có hai nghiệp thiện ác cũng không có thiên đường địa ngục.

Thể không có cũng chẳng không. Tại phàm phu thì gọi là có, nơi Thánh thì là không. Thánh nhân không có tâm đó nên rỗng không, rộng lớn như bầu trời.

Sau đây là sự chứng nhập đại đạo, không phải là cảnh giới của phàm phu và Tiểu thừa.

Khi tâm đắc Niết bàn thì không thấy có Niết bàn. Vì sao ? Vì tâm chính là Niết bàn. Nếu ngoài tâm thấy Niết bàn, đó là mắc vào tà kiến.

Hết thảy các phiền não là hạt giống tâm của Như Lai, vì do phiền não mà được trí huệ. Nhưng chỉ có thể nói rằng phiền não sinh Như Lai, không thể bảo rằng phiền não là Như Lai. Do đó, thân tâm là ruộng nương, phiền não là hạt giống, trí huệ là chồi mầm, Như Lai ví như lúa thóc.

Phật ở trong tâm như hương thơm trong cây. Phiền não nếu không còn thì Phật từ tâm mà hiện, giống như khi cây không thối mục thì hương thơm phát ra, cho nên biết rằng ngoài cây không có hương, ngoài tâm không có Phật. Nếu ngoài cây có hương đó là hương của vật khác, nếu ngoài tâm có Phật tức là Phật nào khác.  

 

Trong tâm có ba độc(1) gọi là cõi nước dơ xấu (quốc độ uế ố). Trong tâm không có ba độc thì là cõi nước thanh tịnh. Kinh dạy : "Nếu làm cho cõi nước không trong sạch, đầy những dơ xấu, các đức Phật Thế Tôn xuất hiện trong đó là việc chưa từng có." Bất tịnh, dơ xấu thuộc về vô minh và ba độc. Chư Phật Thế Tôn thuộc về tâm thanh tịnh giác ngộ.

 

 

Hết thảy ngữ ngôn không gì chẳng là Phật Pháp. Nếu không có gì để nói mà nói suốt ngày, đó là đạo. Nếu có gì để nói mà im lặng suốt ngày cũng chẳng phải là đạo. Do đó Như Lai nói mà không nương nơi im lặng, im lặng mà không nương nơi nói, nói cũng không rời im lặng. Người ngộ được sự nói nín như vậy là ở trong tam muội.(2) Nếu khi biết mà nói, nói là giải thoát. Nếu không biết, không nói cũng là trói buộc. Do đó, lời nói nếu rời tướng trạng thì nói là giải thoát. Im lặng mà dính vào tướng trạng, im lặng cũng là trói buộc. Tánh của văn tự vốn là giải thoát, văn tự không có gì trói buộc, trói buộc vốn không can hệ gì với văn tự.

Pháp không có cao thấp, nếu thấy có cao thấp thì không phải là Pháp. Không có pháp nào là bè, nhưng pháp là cái bè của người. Người chèo chiếc bè đó có thể vượt qua phi pháp, thì đó là Pháp chân thật.

Theo thế tục thì có nam, nữ, giàu, nghèo. Theo lý đạo thì không có nam, nữ, giàu, nghèo. Thiên nữ khi ngộ đạo không đổi hình nữ, Xá Nặc khi hiểu đạo không đổi cách xưng (tiện xưng). Điều đó chứng tỏ rằng không có nam nữ, giàu nghèo, tất cả đều từ Một Tướng. Thiên nữ trong mười hai năm cầu dứt nữ tướng mà không được, nên biết mười hai năm cầu tướng nam cũng không thể được. Mười hai năm tức là mười hai nhập.(1)

Ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm, cũng như ngoài nước không có băng, ngoài băng không có nước. Nói rằng lìa tâm không phải là bỏ tâm, chỉ bảo đừng mắc vào tướng tâm. Kinh dạy : "Không thấy tướng gọi là thấy Phật." Đó là lìa tướng tâm vậy.

Lìa tâm không Phật có nghĩa là Phật từ tâm mà đến. Tâm sinh Phật. Tuy Phật từ tâm mà sinh, nhưng tâm không từ Phật sinh, giống như cá sinh từ nước, nhưng nước không sinh từ cá. Muốn thấy cá thì không phải thấy cá trước mà thấy nước trước. Muốn thấy Phật, chưa thấy Phật mà trước thấy tâm. Khi thấy nước thì quên cá, khi thấy Phật thì quên tâm. Nếu không quên tâm thì sẽ bị tâm lôi kéo, nếu không quên nước thì sẽ bị nước làm mê.

Chúng sanh và Bồ Đề(1) cũng như băng với nước. Vì bị ba độc đốt cháy nên là chúng sanh, khi ba độc được ba môn giải thoát(2) rửa sạch thì là Bồ Đề. Mùa lạnh đông lại là băng, mùa hạ chảy là nước. Bỏ băng thì không còn nước. Nếu bỏ chúng sanh thì không có Bồ Đề nào riêng bên ngoài. Nên biết rõ tánh băng tức tánh nước, tánh nước tức tánh băng. Tánh chúng sanh tức tánh Bồ Đề. Chúng sanh và Bồ Đề đồng một tánh, giống như ô đầu và phủ tử có chung rễ, nhưng chỉ không sinh cùng thời tiết. Vì mê cho rằng cảnh khác nhau nên có tên chúng sanh và Bồ Đề. Khi rắn thành rồng không đổi vảy, phàm chuyển thành Thánh không thay đổi mặt, chỉ tỏ rõ tâm bằng trí huệ ở bên trong, soi chiếu thân bằng giới hạnh bên ngoài.

Quả thật, chúng sanh độ Phật, Phật độ chúng sanh, gọi là bình đẳng. Chúng sanh độ Phật, tức là phiền não sinh giác ngộ. Phật độ chúng sanh tức là giác ngộ diệt trừ phiền não. Nên biết rằng chẳng phải không có phiền não, chẳng phải không có giác ngộ. Không thể không có phiền não mà có giác ngộ, không thể không có giác ngộ mà hết phiền não. Khi mê Phật độ chúng sanh, khi ngộ chúng sanh độ Phật. Vì sao ? Phật không tự thành mà đều do chúng sanh độ. Chư Phật lấy vô minh làm cha, lấy tham ái làm mẹ. Vô minh, tham ái đều là tên gọi khác của chúng sanh. Chúng sanh với vô minh như tay trái với tay phải, thảy không khác biệt.

Khi mê ở bờ bên này, khi ngộ ở bờ bên kia. Nếu biết tâm là Không, không thấy tướng, thì rời cả mê và ngộ. Khi rời mê ngộ thì cũng không có bờ bên kia. Như Lai không ở bờ bên này cũng không ở bờ bên kia, cũng không ở giữa giòng. Giữa giòng là Tiểu thừa. Bờ bên này là phàm phu. Bờ bên kia là Bồ Đề.

Phật có ba thân là Hóa thân, Báo thân và Pháp thân.(1) Hóa thân cũng được gọi là Ứng thân. Khi chúng sanh hiện tạo tác việc lành là Hóa thân, hiện tu trí huệ là Báo thân, hiện giác ngộ vô vi là Pháp thân. Thường hiện bay đi mười phương theo ý muốn mà cứu tế là Hóa thân Phật, chặt đứt nghi ngờ tức thị hiện Thánh Đạo ở núi Tuyết, đó là Báo thân Phật, không nói, không thuyết, không làm, không đắc, trạm nhiên thường trụ, đó là Pháp thân Phật. Nhưng nói cho đến cùng thì một thân Phật còn không có, huống gì có ba. Nói có ba chỉ là dựa trên trí thức của con người.

Người có ba hạng là thượng trung và hạ. Người hạ trí lầm nuôi nguồn phúc, lầm thấy Hóa thân Phật. Người trung trí lầm phá phiền não, lầm thấy Báo thân Phật. Người thượng trí lầm chứng Bồ Đề, lầm thấy Pháp thân Phật. Người thượng thượng trí, nội chiếu tròn lặng, hiểu rõ tâm tức là Phật, không nương vào tâm mà chứng Phật Trí, biết ba thân và vạn pháp đều không thể nắm lấy cũng không thể bàn. Đó là tâm giải thoát, thành tựu đạo lớn. Kinh dạy : "Phật không thuyết Pháp, không độ chúng sanh, không chứng Bồ Đề." Ý nghĩa là vậy đó.

Chúng sanh tạo nghiệp,(1) nghiệp không tạo chúng sanh. Đời này tạo nghiệp, đời sau nhận quả, không thể tránh khỏi. Chỉ có người nào nơi thân này không tạo nghiệp thì mới không thọ báo. Kinh dạy : "Không tạo các nghiệp, tự nhiên đắc đạo." Đó là lời vu vơ hay sao !? Người tạo ra nghiệp, không thể tạo ra người. Người khi tạo nghiệp, nghiệp và người cùng sinh. Người khi không tạo nghiệp, nghiệp và người cùng diệt. Do đó biết rằng nghiệp là do người tạo ra, người do nghiệp sinh ra. Người nếu không tạo nghiệp thì nghiệp không còn lý do sinh người. Cũng như người có thể hoằng (truyền) đạo, đạo không thể hoằng người.

Ngày nay còn phàm phu nên thường tạo nghiệp, nói lời hư dối rằng không có quả báo. Làm sao tránh khỏi khổ báo ? Tâm trước tạo, tâm sau chịu báo, làm sao thoát được ? Tâm niệm trước không tạo thì tâm niệm sau không chịu quả. Đừng hiểu lầm nghiệp báo.

Kinh dạy : "Dù tin có Phật mà bảo rằng Phật khổ hạnh, đó là tà kiến. Dù tin có Phật mà bảo rằng Phật có phước báo kim thương mã mạch (giàu sang), đó là đức tin chưa đủ, gọi là nhất xiển đề."(1)

Người hiểu được Pháp Thánh là Thánh nhân, người hiểu pháp phàm là phàm nhân. Chỉ có người bỏ pháp phàm để theo pháp Thánh tức là phàm phu thành Thánh nhân. Người ngu ở thế gian chỉ muốn cầu Thánh nhân ở xa, không tin rằng tâm trí huệ là Thánh nhân. Kinh dạy : "Tâm là Pháp." Người không có trí không tin nơi tâm này, cho rằng hiểu được Pháp là thành Thánh nhân, chỉ muốn tìm học bên ngoài, ham thích tượng Phật, hào quang, hương sắc các sự trong không trung, đều rơi vào tà kiến, mất tâm trong cuồng loạn.

Kinh dạy : "Thấy các tướng không phải là tướng, tức thấy Như Lai." Tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy đều do một tâm mà khởi. Nếu tâm tướng trong lặng như hư không, tức ra khỏi thân tâm.

Tám vạn bốn ngàn phiền não là gốc rễ của bệnh. Người phàm đương sống sợ chết, khi no lo đói, đó là mê mờ lớn. Cho nên Thánh nhân không để tâm vào chuyện đã qua, không lo chuyện tương lai, không tham luyến chuyện hiện tại, niệm niệm đều vào trong đạo. Nếu chưa ngộ chân lý lớn lao này, thì nên sớm tìm vị thiện tri thức của trời người, đừng để mất cả hai.

Theo : Thiện Tri Thức : Ngữ Lục Bồ Đề Đạt Ma - Nguyên Hảo dịch

13,982

KINH LĂNG NGHIÊM - QUAN THẾ ÂM, BA MƯƠI HAI HÓA THÂN VÀ 14 CÔNG ĐỨC VÔ ÚY

Diệu lực vô tác thành tựu ba mươi hai hóa thân.Bạch Thế Tôn, do con cúng dường Như Lai Quán Âm, nhờ ngài truyền thọ cho Tam muội Kim Cương Như Huyễn,

735
Tìm hiểu về Bát Nhã Không Tuệ Học - Nguyễn Thế Đăng

I.-Tánh không là tính cách duyên sanh của tất cả các pháp.Tính cách duyên sanh của tất cả các pháp được nói rõ trong đoạn đối thoại sau đây  của kinh Na

20,663
KIM CƯƠNG THỪA - KARMA THINLEY (Vị Karma Thinley thứ tư)

Kim Cương thừa hay là “thừa tantra” là mức độ cao nhất của con đường Phật. Trong các thừa thấp, hành giả theo một con đường dẫn đến giác ngộ ở tương

723
Niệm Phật Thế Nào Mới Hợp Với Bản Ý Của Phật? - Hoà Thượng Thích Thiền Tâm

.Tại Việt Nam, trong hàng tăng, tín, chẳng những có nhiều người tu theo pháp môn Niệm Phật, mà một vài giáo phái tuy không phải đạo Phật, nhưng họ cũng niệm

17,572
ĐỨC TIN NHƯ SỰ TIN CẬY CHÂN THẬT - TAITETSU UNNO

Kinh nghiệm trung tâm của Phật giáo Chân tông được gọi là tín tâm (shinjin), thường được dịch là đức tin, nhưng bởi vì đức tin có vô vàn hàm ý, cần

830
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,379
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,799
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,705
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,490
Chùa Việt
Sách Đọc