Sư người Trung Thiên Trúc, cha tên Cưu Ma La Viêm, làm Tướng quốc mà bỏ vinh hoa đi chu du. Vua nước Quy Tư đem em gái gả cho ông, sanh ra Cư Ma La Thập. Sư còn bé mà tinh thần linh mẫn, bảy tuổi đi theo mẹ đến chùa . Thấy bát sắt, thử nhấc để lên cổ, rồi sực nhớ: “Bát này rất nặng, sao ta nhấc nổi?”. Sư nhấc lại, bát không nhúc nhích, liền ngộ được vạn pháp duy tâm. Sự học rộng nhớ giỏi của Sư không ai bì kịp. Năm Sư hai mươi tuổi, mẹ Sư từ giã vua, đến Thiên Trúc, bảo Sư rằng: - Giáo lý Phương đẳng thâm sâu, chẳng thể suy lường. Chỉ có con mới truyền được đến phương Ðông. Nhưng việc này đối với con có chỗ bất lợi, chả biết phải làm sao đây! Sư đáp: - Chỉ cần cho đại pháp được lưu truyền, con tuy chịu khổ sở cũng không có gì hối hận. Mẹ Sư đến Thiên Trúc, tu đắc quả A na hàm. Phù Kiên chiếm nước Tần, công phạt Nhượng Dương, rước được Ðạo An. Ðạo An khuyên Phù Kiên đến Tây Vực rước Sư. Gặp ngay lúc Thái sử tâu: - Ðức tinh hiện ở rừng, thuộc địa phận Tây Vực, sẽ có bậc đại trí đến Trung Quốc. Phù Kiên nói: - Trẫm nghe nước Quy Tư có ngài La Thập, chẳng phải là đây sao? Bèn sai tướng Lữ Quang, bảo: - Trẫm chẳng phải tham đất mà dụng binh. Nhưng nghe ngài La Thập hiểu sâu về pháp tướng, làm tông phú cho kẻ hậu học. Ngươi nếu khắc phục được Quy Tư, nên đón Ngài về. Lữ Quang đem quân phá Quy Tư, đưa La Thập về. Giữa đường, nghe tin Phù Kiên bị Diêu Trường hại, bèn dừng lại không về nữa. Vì thế Sư không đến được kinh đô nhà Tần. Sau Diêu Trường cũng nghe danh Sư, muốn thỉnh nhưng Lữ Quang không chịu. Diệu Trường chết, con là Diệu Hưng lại thỉnh nữa, cũng không được, liền đem quân đánh Lữ Quang. Lữ Quang thua phải hàng. Tần mới rước được Sư. Tháng mười hai, Sư đến Trường An. Tần chủ sai đưa Sư vào vườn Tiêu Dao ở Tây nội dịch kinh. Sư xem lại kinh sách cũ thấy nhiều chỗ sai lầm, không phù hợp với bản tiếng Phạn, bèn tập hợp sa môn Tăng Triệu, Tăng Duệ ... để dịch lại. Sư ở đất Tần, thường giảng kinh ở chùa Thảo Ðường. Tần chủ Diêu Hưng, triều thần và sa môn khoảng mấy ngàn người, nghiêm túc lắng nghe. Một hôm Diêu Hưng bảo với Sư: - Ðại sư thông minh, biện tài vô song. Sao lại để hạt giống Pháp không nối tiếp được! Rồi đem mười cung nữ ép nhận. Sư từ đó không ở trong tăng phòng, cất nhà riêng ở. Chư tăng có người muốn bắt chước. Sư bèn lấy một bát đựng đầy kim, bảo mọi người: - Nếu ai bắt chước ta ăn được bát này thì cho phép cất nhà riêng để ở. Sư nói xong, lấy bảy cây kim đưa vào miệng nhai nuốt. Chư tăng nể phục bèn thôi. Phật Ðà Da Xá (Giác Minh) đến Cô Tàng, nghe La Thập nhận cung nữ nhà Tần, liền than: - La Thập như bông vải, có thể khiến gặp gai góc sao? Sư nghe tin Da Xá vì mình mà lặn lội từ xa đến, nên khuyên Tần chủ tiếp đón. Sứ giả đến nơi, Da Xá nói: - Chiếu chỉ của vua từ xa đến, lẽ ra nên đem ngựa tiếp đón long trọng như lễ La Thập, mới là đàn việt chiêu đãi kẻ sĩ. Bần đạo nên đến phía bắc Bắc Sơn thôi! Sứ trở về. Diêu Hưng lại đi giục đi thỉnh nữa, Da Xá liền đến. Tần chủ nghinh tiếp, lập tịnh xá riêng, cúng dường như bậc vương giả. Da Xá không nhận gì cả. Ðến giờ ăn, chỉ ăn ngày một bửa thôi. Cưu Ma La Thập ưa thích Ðại thừa, muốn được diễn giảng, Sư thường than: - Ta nếu cầm viết, làm luận Ðại thừa thì Ca Chiên Tử cũng không bì kịp. Nay người hiểu sâu quá ít ỏi, biết luận gì bây giờ?! Sư vì Diêu Hưng mà tạo hai quyển Thành Thật Luận. Ðời Hậu Tần, niên hiệu Hoằng Thủy thứ mười lăm (41), tháng tư Ngài có bệnh, bèn đọc ba biến thần chú, sai đệ tử ngoại quốc (Thiên Trúc) tụng để tự cứu chữa nhưng chưa đúng sức. Sư biết bệnh mình nguy kịch, bèn nhóm chúng bảo: - Chúng ta nhân nơi Phật pháp mà được gặp nhau, nhưng vẫn chưa được trọn tấm lòng. Tôi sợ người sau có thể trách mình còn mờ tối, dở tệ lầm lẫn dẫy đầy mà truyền bá những bản kinh dã dịch. Mong rằng sự truyền bá sau này được trôi chảy. Nay tôi thành tâm xin phát nguyện trước chúng: “Nếu chỗ truyền chẳng lầm, nghĩa khế hợp với tâm Phật, thì cho tôi sau khi thiêu thân, lưỡi vẫn còn nguyên vẹn”. Nói xong, Sư thị tịch. Khi trà tì, củi tàn, thân cháy hết mà lưỡi Ngài vẫn tươi hồng như màu sen. Sư thọ bảy mươi hai tuổi. Ban đầu, Sư thường cùng mẹ đến yết kiến tôn giả Bắc Sơn ở nước Ðại Nguyệt Thị. Bắc Sơn bảo mẹ Sư: - Hãy khéo gìn giữ Sa di này. Năm ba mươi lăm tuổi, tỳ ni sẽ không thiếu sót, độ người như ngài Ưu Ba Cúc Ða. Ngài Bôi Ðộ ở Bành Thành, nghe tin ngài La Thập tịch, than rằng: - Ta cùng người này tạm biệt đã hơn ba trăm năm, mờ mịt chẳng biết đâu gặp lại, nay thì lại chậm đến đời sau vậy. Ðệ tử Sư hơn ngàn người. Bốn vị: Ðạo Sinh, Tăng Triệu, Ðạo Dung, Tăng Duệ là Tứ thánh dưới cửa Ngài. Kinh luận Sư dịch hơn 390 quyển. |