Có những người ngoại đạo nói rằng: "Về điểm này, không phải là chính ông thầy của các anh (Phật) đã nói trong kinh như thế này hay sao:
"Ta đã là vương giả của chính mình, còn một đấng vương giả nào khác nữa sao?
Là đấng trượng phu tự điều ngự chính mình…. "
"Vì thế, khi anh nói Tự ngã không tồn tại, thì há không phải là đã mâu thuẩn với cái được thừa nhận từ đầu hay sao? Như vậy thì không thể thành lập được lý luận không có Tự ngã".
Vê điều này, chúng tôi có thể trả lời: Có những người mà trí tuệ bị tổn hại bởi những thiên kiến phủ định tính nhân quả, rằng "Không có đời này, không có đời khác, cũng không có kết quả được tích lũy từ hành vi thiện và ác, cũng không có luôn những tồn tại chuyển tiếp phi-vật chất (Hóa Sinh)*17 giữa những kiếp sống". Những thiên kiến như thế (vốn tự nó không có những định hướng hướng thượng) thường mang xu hướng bất thiện dẫn đến bờ vực của những sinh loại hạ đẳng (như địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh…). Nhân vì có những người mang những quan niệm ( tự làm tổn thương và hạ thấp ý nghĩa cuộc sống họ) như thế, tâm đại từ-bi của Thế Tôn hướng về họ để nói lên ý nghĩa cao quí làm lợi cho cuộc tồn sinh, rằng: dòng chảy liên tục của tâm thức và tác động của tâm thức không hể giới hạn và đứt đoạn trong tồn sinh của một cá thể, và dòng chảy của tồn sinh vẫn tiếp tục lưu tồn những tác động của tâm thức, mà không tuyệt tận ở chung điểm mỗi cuộc sống. Đó là ý nghĩa cơ bản của tồn sinh mà Thế Tôn muốn nói, chứ không phải theo ý nghĩa theo thói thường của thế gian rằng Tự ngã (như là một giới hạn cá thể) tồn tại:
"Các Như Lai hoặc nói về cái Ngã". (TL18.6a)
Bởi vì, có người quan niệm một cách sai lệch rằng: Tự ngã là một cái gì có bản chất thường hằng bất biến, không giới hạn, là chủ thể thống ngự trên mọi hành vi thiện và ác, là chủ thể thụ nhận những kết quả ấy. Họ ngộ nhận Tự ngã như là một sợi dây thừng trói buộc tâm thức con người, và rằng nó ở ngoài giới hạn mà thân xác với các cơ năng nhận tri, cho đến nhận thức con người cũng không có khả năng vói tới. Vì thế mà cho dù có tu hành đạt được những cảnh giới thiền, định cao như thế nào đi nữa, thì cũng giống như đôi cánh của một con chim bị trói buộc bởi định mệnh vốn có của nó (chính là bản chất bất biến của Tự ngã), thì dù có bay xa trong chừng mực được cho phêp, thì cuối cùng cũng chỉ rơi xuống trở lại thôi, nghĩa là, con người ta không thể giải thoát được khỏi Đau khổ, là yếu tố định mệnh bất biến vốn nằm trong bản chất của con người. Vì thế (trong trường hợp này), Thế Tôn nhằm vào sự đình chỉ những định kiến như thế, cốt để cắt đứt sợi dây "Tự ngã", giải phóng con người ra khỏi những đau khổ tự tạo, và chỉ ra rằng trong những điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm) của con người, không tồn tại "Tự ngã" (như họ quan niệm). Mặt khác,
"(Các Như Lai) hoặc nói về Vô Ngã". (TL18.6a)
Bởi vì, có những người khác, vốn tích lũy được nhiều mầm thiện, căn cơ đã thuần thục, có lòng tin sâu xa và những điều Phật thuyết giảng và nhận được những tri thức chân thật từ những thuyết giảng như nếm vị Cam lộ. Hướng về những người này, Thế Tôn nói lên ý nghĩa Chân Thực của Thực Tại Tối Hậu, rằng cái "chính mình" (như là một thực thể Bản Lai Chân Thực vốn có) thì không thể nói là không tồn tại. Như thế:
"Trong cái Chân-Thật-Như-Là-Thế ấy,
Không tồn tại Ngã và cũng không tồn tại phi-Ngã". (TL18.5cd)
Có nghĩa là: Trong cái thực thể Chân Thực vốn có ấy, không có căn cứ nào để có thể phán đoán rằng Tự ngã tồn tại hay không tồn tại được cả. Như thế thì cũng không thể nói (như cách những người ngoại đạo đã chỉ trích ở trên) là phủ định Tự ngã là điều mâu thuẩn với cái "chính mình" mà Phật thừa nhận theo quan điểm thông thường của thế gian.
Những người phản luận có thể cho rằng: Những điều mà Phật dạy là những chân lý tối cao, trong đó có cả điều Phật thừa nhận cái "chính mình"-Tự ngã như trên, vì vậy không thể luận bác điều đó được". Tuy nhiên, chúng ta không phải là không có cơ sở hồi đáp, vì kinh điển (từ chính kim khẩu của Thế Tôn) cũng nói:
"Thế gian này không tồn tại Tự ngã, cũng không tồn tại những chủ thể hữu tình. Tất cả những cái ấy đều là những gì do nhân tạo tác (Nhân) và những điều kiện tạo tác (Duyên) khởi sinh ra thôi".
Vả lại, chính những người phản luận ấy lại đã không thể đưa ra luận chứng để chứng minh Tự ngã tồn tại như họ chủ trương, ngựợc lại, chúng ta đã đưa ra luận chứng để chứng minh được rẳng Tự ngã không tồn tại (phần 3 và 4).
Hơn nữa, có thể giải thích thi tụng 6 của Trung Luận với một hình thức khác, những người không đứng trên quan điểm Phật giáo lý giải rằng: "Tất cả những gì có thể biến đổi-chuyển hóa đều không tồn tại Tự ngã, chúng đều là những cái biến diệt trong từng mỗi mỗi sát-na, nói cách khác, chúng không tồn tại liên tục đến tương lai, không có Tự ngã. Vậy thì cả những tạo tác được tích lũy (Nghiệp) và kết quả của chúng (Báo), không có một chủ thể nhất quán trong thời gian (không có "ai" phài gánh chịu hậu quả của hành vì của mình cả, mọi giá trị thiện-ác cũng vô nghĩa, tồn sinh của con người hoàn toàn vô nghĩa)". Như thế thì họ phải đối diện với một sự thất đáng sợ (rằng tất cả đều là hư vô vô nghĩa), nên đối với những người Tự ngã phải tồn tại (như là một điểm tựa, từ đó có thể định giá ý nghĩa cho tất cả mọi sự cho cuộc tồn sinh), dù đó chỉ là một tồn tại giả định. Vì thế mà Trung Luân (18.6a) viết: "Các Như Lai hoặc nói về cái Ngã".
Vả lại, có những người khác (thuộc nhóm chủ trương Duy Khoái-Lokàyakita) thì suy nghĩ như thế này: Con người ta, cũng chỉ là một tập hợp các quan năng của thân xác và nhận thức thông qua các giác quan. Ở đó, Tự ngã, cái được xem như là căn nguyên của tương quan Nhân-Quả và Nghiệp-Báo, là một cái gì không có thực thể, chỉ là một cái biến đổi-chuyển hóa không cố định. Cái gọi là "con người", rốt cuộc cũng chỉ là một cái gì không có Tự Ngã, không có một tồn sinh liên tục đến tương lai, không có một căn cứ thực hữu để tồn tại, thế nên cũng không có cả lý lẽ luân hồi nào cả. Theo cách suy nghĩ như thế, họ qui kết rằng tương quan Nhân Quả là vô mục đích:
"Con người ta, là cái gì chỉ có thể đi đến tận cùng và kết thúc ở những giác quan và những phạm vi chi phối của chúng. Nàng hỡi, những gì mà các vị hiền thánh nói cũng chỉ như theo vết chân con sói thôi (thực ra không ai có thể biết con sói đó_sự thực_ ở đâu cả), vậy thì, yêu kiều nàng hỡi, hãy ăn hãy uống cho say đi. Ngoài thân xác tuyệt vời của nàng ra, nàng hỡi, không có gì trác việt hơn được nữa. Nàng đáng sợ của ta, những gì đã trôi qua thì không thể nào thay đổi được nữa, ngay cả thân xác này, cũng chỉ là một tập hợp nhất thời (của các yếu tố vật chất_Tứ Đại) thôi"*18 .
Bởi vì họ nghĩ rằng Tự ngã (như là một cứ điểm vững chắc để phán định giá trị của tồn sinh) không tồn tại, với tư cách như là con người chỉ có thể nhận thức được vạn hữu thông qua những cảm quan. Vì thế mà Trung Luận viết: "(Các Như Lai) hoặc nói về Vô Ngã" (18.6b).
Khi các Như Lai nói về Thực Tại Chân Thực được nhận biết một cách trực quan, thì cũng không khẳng định cũng không phủ định tồn tại của Ngã (như là một thực thể làm nền tảng cho những giá trị phán đoán cố định và quy hướng), trong đó:
"Trong cái Chân-Thật-Như-Là-Thế ấy,
Không tồn tại Ngã và cũng không tồn tại phi-Ngã". (TL18.6cd)
Nghĩa là: Tồn tại chân thực của vạn hữu ở bên ngoài tính cách đa chiều và qui hướng của những khái niệm ngôn ngữ, nó vượt qua những chấp giữ cố định trong phạm vi qui hướng rằng Tự ngã tồn tại hay không tồn tại. Hơn thế nữa, các Như Lai biết rõ ngọn nguồn, rằng những phán đoán trong phạm vi khái niệm ngôn ngữ và tư duy của con người về tự ngã tồn tại hay không tồn tại, đều không có căn cứ thực tại. Rằng, Tự ngã tồn tại hay không tồn tại, đều là giả định của tư tưởng (Vọng Tưởng), chính những giả định dựa trên cơ sở của những giả đinh có được từ cảm quan và nhận thức như thế, đều không phải là Thực Tại.
Kinh "Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật Đa" cũng thuyết giảng:
"Này hỡi Svikrànta Vikràmì, những yếu tố thuộc thân xác (Sắc) không phải là Tự ngã cũng không phải là phi-Ngã. Cũng như thế, những thụ cảm (Thọ), những biểu tượng, những khái niệm (Tưởng), những tác vì phán đoán giá trị (Hành), và cả nhận thức (Thức), đều không phải là Tự ngã, cũng không phải là phi-Ngã. Biết rõ điều này, đó là Tuệ Giác Chân Thực (Bát Nhã Ba La Mật)".