Chu Kỳ Ngày và Đêm
Tiếng Tây Tạng : gDod-ma’i rnal-‘byor gyi lam khyer nyin mtshan ‘khor-la-ma.
Tiếng Anh : “Chu Kỳ Ngày và Đêm Trong Đó Người Ta Tiến Hành Theo Con Đường của Yoga Bổn Nguyên”
Kính lễ Đạo sư
(1) Con kính lễ với lòng sùng mộ bao la của ba cửa (thân, lời, tâm) tất cả chư vị Đạo sư của Dòng Đại Toàn Thiện, như ngài Changchub Dorje, vị bao gồm trong mình tất cả các Gia Đình Phật, cũng như Urgeyen Tenzin và Dorje Paldron.
(2) Phật Bổn Nguyên Samantabhadra và Vajrasattva vinh quang đã trao truyền phương pháp đi theo con đường tinh túy của Atiyoga cho Garab Dorje, vị thầy tối thượng. Mong muốn giải thích một ít về cam lồ của giáo lý này, con tha thiết cầu xin chư Dakini ban cho con sự cho phép.
(3) Chúng ta luôn luôn cần tu hành tâm chúng ta theo sự thay đổi thái độ gồm bốn phần và chúng ta cần không bao giờ rời lìa khỏi yoga này trong đó chúng ta nhận thức sự hiện diện bẩm sinh tự nhiên của chính chúng ta như là Đạo sư chân thật của chúng ta. Liên tục với tỉnh giác chánh niệm này không hề xao lãng trong bốn thời (ăn, ngồi, đi và ngủ) là gốc của sự thực hành.
(4) Chắc hẳn, với ngày và đêm, có một thực hành chánh yếu mỗi ngày được tiến hành như một chu kỳ liên tục. Sự thực hành ban ngày cai quản những hoạt động của ba thời (ăn, ngồi và đi) thì bao gồm ba chủ đề : hiểu, an định và tiến bộ trong thực hành.
(5) (Về cái đầu tiên của ba chủ đề này) : vào lúc bắt đầu, chúng ta cần hiểu cái chúng ta chưa hiểu. Mọi hiện tượng được thấy hay nghe, dù chúng có thể nhiều bao nhiêu, đều giống như những hình ảnh hư giả, dù chúng xuất hiện rất sai khác. Kết luận như vậy chúng ta có thể xác định rằng chúng chỉ là một trò phô diễn huyễn thuật của tâm. (6) Bản tánh của tâm từ sơ thủy vốn trống không và không có một tự ngã. Không có cái gì cụ thể về phần nó, phương diện của nó là sự sáng tỏ quang minh và không bị ngăn ngại (và không dứt đoạn), như mặt trăng phản chiếu trong nước. Đây là tỉnh giác nguyên sơ và tối hậu (tánh giác) của hiện diện thanh tịnh (rigpa) trong đó tuyệt không có nhị nguyên giữa tánh không và sáng tỏ. Chúng ta cần hiểu rằng tỉnh giác nguyên sơ này thì vốn tự-toàn thiện một cách tự nhiên và tự phát.
(7) Bởi vì chúng ta nhận biết rằng những hình tướng xuất hiện (bên ngoài) chỉ là những trang hoàng của pháp tánh (thực tánh, thực trạng) của hiện hữu, những xuất hiện sanh khởi với sáu căn thư giãn một cách tỉnh táo thì đều tự-giải thoát vào trong thật tánh (thực trạng) của chính chúng. Bởi vì chúng ta biết rằng hiện diện thanh tịnh thuần túy (rigpa) chỉ là tánh giác nguyên sơ như vậy, những biểu lộ của những phiền não và dấu vết nghiệp của chúng ta là tự-giải thoát vào trong pháp tánh (thực trạng) của chính chúng. (8) Bởi vì những xuất hiện và hiện diện thanh tịnh (rigpa) được nhận biết là không thể tách biệt, những tư tưởng bám nắm vào nhị nguyên chủ thể và đối tượng là tự-giải thoát vào trong pháp tánh (thực trạng) của chính chúng. Hơn nữa, những phương pháp của tự-giải thoát qua chú ý trần trụi, tự-giải thoát ngay nơi sự sanh khởi của tư tưởng, và tự-giải thoát như vậy, là những phương cách cho tiến bộ theo con đường thực hành theo chiều hướng của yoga này.
(9) Tỉnh giác sanh khởi vào khoảnh khắc thình lình đầu tiên (của tiếp xúc giác quan) thật ra là cái hiện diện thanh tịnh hiển lộ không có sửa sang, chỉnh trị và vốn không sanh. Thực trạng này của hiện hữu (pháp tánh) siêu vượt những giới hạn của cả chủ thể lẫn đối tượng là tánh giác nguyên sơ tự-phát sanh của hiện diện thanh tịnh. (10) Về cái hiện diện thanh tịnh này, ba phương diện của trạng thái của Samantabhadra là chân thật trọn vẹn : vắng dứt bất kỳ dấu vết nghiệp nào, Tinh Túy của nó tức là Pháp thân và chính là tánh không ; vắng dứt những tư tưởng và ý niệm, Bản Tánh của nó tức là Báo thân chính là sáng tỏ ; vắng dứt bất kỳ tham muốn hay bám luyến nào, Năng Lực của nó là Hóa thân, là không ngăn ngại (và không đoạn dứt).
(11) Một tỉnh giác như vậy, ngay trong sự có mặt của nó, thì hoàn toàn vắng dứt, sạch hết những tư tưởng nhị nguyên suy nghĩ theo chủ thể và đối tượng, và như vậy (những xuất hiện hình tướng) sanh khởi như những biểu lộ của sáng tỏ không có bất kỳ bám nắm nào. Những hình tướng xuất hiện tự hiện bày chính chúng trong trạng thái của thật tánh của hiện hữu. (12) Bởi vì cái tỉnh giác tự nhiên, khoảnh khắc, vô điều kiện này gặp gỡ thật tánh của hiện hữu như là Mẹ của nó, (chúng ta nói nó là) Pháp thân. Ở trong hiện trạng (thật tánh) của hiện diện thanh tịnh tự-toàn thiện một cách tự nhiên này chính là trạng thái tự nhiên của Đại Toàn Thiện.
(13) Về an định (sự thực hành của chúng ta, nó là chủ đề thứ hai) : chúng ta đi theo con đường nhờ ba giáo huấn cho hòa nhập, cho buông xả với hiện diện, và cho tiến bộ trong thực hành. Phương pháp thứ nhất, hòa nhập : khi ngồi thoải mái và hoàn toàn buông xả, thư giãn, chúng ta hòa nhập (tỉnh giác của chúng ta) vào bầu trời trước mặt. (14) Khi chúng ta ổn định như vậy vào một trạng thái thư giãn, cảnh giác mà không có xao lãng và không có thiền định được tạo dựng, cái tỉnh giác nguyên tuyền này giống như hư không trong trẻo, nó cũng là một tình trạng không có bất kỳ tham luyến hay bám nắm nào. Nó chỉ là sáng tỏ quang minh hay chỉ là hiện diện thanh tịnh, và nó tương tự với một khoảnh khắc ngạc nhiên sửng sốt. Cái hiện diện thanh tịnh này hiển lộ trong một cách trơ trụi trần truồng không có nhị nguyên hay phân biệt giữa trạng thái tĩnh lặng và sự chuyển động của những tư tưởng.
(15) Khi tiếp tục trong tham thiền, không rơi vào ảnh hưởng của hôn trầm hay xáo động, chúng ta thấy mình ở trong một trạng thái hiện diện trong sáng tỏ và linh hoạt, sâu thẳm. Về tiếp tục trong một trạng thái của tham thiền, dù cho chúng ta có thể đi vào việc gợi lại những tư tưởng, dẹp chúng qua một bên, khiến cho chúng lập lại, hay triển nở chúng thêm, thì chúng vẫn ở trong thật tánh của chính chúng, không có làm chúng ta xao lãng, và chúng là tự-giải thoát.
(16) Sau khi đạt đến trạng thái này, khi chúng ta ra khỏi thời kỳ tham thiền nhập định, mức độ an định vững chắc của chúng ta (trong thực hành) là sự nhận thức chúng ta có lệ thuộc vào sức mạnh của những tư tưởng luôn luôn quy định hay không. Những kinh nghiệm trong khi thiền định (sanh khởi một cách tự phát), như sự mọc lên của ánh sáng mặt trời hay mặt trăng. Những kinh nghiệm này, như những thị kiến, những thay đổi trong hơi thở và vân vân, khi chúng sanh khởi vẫn không bị điều kiện hóa bởi những ý niệm (hay phán định). (17) Về phần những kinh nghiệm xuất hiện sau thời kỳ tham thiền nhập định : chúng ta thấy mọi hình tướng xuất hiện là những sự huyễn, hay chúng ta xem mọi xuất hiện là trống không. (Chúng ta có thể ở) trong một trạng thái hiện diện thuần khiết và có vẻ không có những tư tưởng lan man sanh khởi, hay chúng ta nghĩ chúng ta có thể đi vào những hoạt động mà không tạo ra lỗi lầm nào.
(18) Về chiều kích toàn bộ của chúng ta : bởi vì tri giác những đối tượng bên ngoài và những phân tích về chúng (một mặt), và những tư tưởng lan man và sống động (ở mặt kia) là trống không, chúng ta đạt được Pháp thân tối thượng, nó là bản tánh của tâm. Bởi vì cái này thì không thể nào bị nhiễm ô bởi những tư tưởng, đặc tính hay nhận thức, chúng ta đạt đến một tỉnh giác thanh tịnh nguyên sơ không nhiễm dơ bởi những tư tưởng lan man. (19) Bởi vì những che chướng và những dấu vết nghiệp của chúng ta giờ đây đã hoàn toàn được thanh tịnh, những phiền não của chúng ta không ngoài tầm kiểm soát nữa. Bởi vì như vậy, dù chúng ta có thể là (những cá nhân bình thường), bây giờ chúng ta thấy mình vượt cao hơn mọi cõi của sanh tử, và chúng ta được xem là thuộc về gia đình của những bậc Ứng Cúng (A La Hán).
(20) Về những giáo huấn cho sự thư giãn với hiện diện : bất kỳ khi nào những hình tướng xuất hiện sanh khởi, dù theo bất cứ cách nào, không chỉnh trị hay sửa sang, (chúng ta cần nhìn chúng) như chỉ là những trang hoàng tô điểm của bản thân trạng thái bổn nguyên (nó là thật tánh, thật trạng của hiện hữu). Trong trạng thái này, sự hiện diện thanh tịnh (tánh giác) bên trong của chúng ta là không sửa trị, trong sáng, sống động và trần truồng. Như thế, khi thư giãn, buông xả một cách cảnh giác với hiện diện, (khi những tư tưởng sanh khởi) chúng ta thư giãn, buông xả chúng vào thật trạng của chính chúng như nó vốn là.
(21) Về những đối tượng của sáu căn : khi chúng sanh khởi chỉ như những trang sức (của trạng thái của hiện diện) trong một cách minh bạch không có bất kỳ ngăn ngại và không có bất kỳ phân tích trí thức nào, bấy giờ chúng trọn vẹn toàn thiện đúng như chúng là, như diệu dụng của hiện diện thanh tịnh mà không có nắm bắt (theo những ý niệm và phán định) nào. Liên tục trong trạng thái này mà không có nhị nguyên nào thì được gọi là thư giãn với hiện diện.
(22) Khi liên tục trong thời tham thiền nhập định, không đi vào phân tích những đối tượng của năm giác quan, (những hình tướng xuất hiện được để cho) sanh khởi một cách rõ ràng và quang minh trong một cách thư giãn mà cảnh giác, không có bất kỳ xao lãng hay bám nắm (theo những ý niệm và phán định). Bấy giờ, sau khi đã chấm dứt một thời tham thiền nhập định, một tỉnh giác nguyên sơ sẽ tự hiện bày, khi ấy những đối tượng của sáu giác quan có xuất hiện sẽ giống như không có thực thể. (23) Bất kỳ khi nào những tư tưởng lan man của năm độc sanh khởi, chúng ta thư giãn một các cảnh giác để mặc chúng mà không có bám nắm. (Mặt khác) chúng ta không cần cố gắng ngăn chặn chúng với cái đối trị nào hay chuyển hóa chúng nhờ phương pháp nào. (Bởi vì chúng không bị ngăn chặn hay được chuyển hóa), những phiền não sanh khởi trên con đường là tự-giải thoát và một tỉnh giác nguyên sơ đang hiện diện.
(24) Những kinh nghiệm sanh khởi trong khi thực hành thiền định biểu lộ như sáng tỏ và tánh không. Chúng được thấy hiện diện trong một trạng thái của thị kiến và tánh không, hay trong một trạng thái chuyển động liên tục của những tư tưởng và tánh không, hay trong một trạng thái cảm giác lạc phúc, sáng tỏ và vô niệm (không lan man).
(25) Về chiều kích toàn thể của chúng ta : hiểu rằng tất cả hiện tượng là Pháp thân, tỉnh giác không sửa trị này về ‘trạng thái của hiện hữu như bản thân nó là’ thì hiện diện giống như một cảnh giới toàn thiện, toàn hảo, một tướng, toàn thể và không có nhị nguyên (bất nhị). Vì điều này (có nói rằng) chúng ta đã đạt đến chiều kích của tánh giác bổn nguyên, và một tỉnh giác nguyên sơ của sự sáng tỏ đang hiện diện.
(26) Bởi vì những đối tượng chúng ta tri giác quả thật là những biểu lộ của thật tánh của hiện hữu, những phiền não và che chướng của chúng ta trở thành thanh tịnh. Vì cái tỉnh giác nguyên sơ của hiện diện thanh tịnh đang hiện diện, chúng ta gỡ mình khỏi sự dấn thân vào bất kỳ loại thái độ tiêu cực nào. Và bởi vì chúng ta giải thoát khỏi những phiền não, những dấu vết nghiệp và những che chướng, chúng ta được xem là thuộc về gia đình của những Bồ tát cao cả.
(27) Về phần tiến bộ trong thực hành (chủ đề thứ ba) : trong một trạng thái tự-toàn thiện không chỉnh trị và tự phát, tỉnh giác khoảnh khắc ban sơ này vẫn toàn nguyên hiện diện và không tạo tác. Nó là một hiện diện vô niệm thanh tịnh minh bạch và sống động. Như vậy sự tương tục của tỉnh giác vẫn vững chắc và không xao lãng. (28) Trong khi tiếp tục trong một thời tham thiền, không bị hôn trầm và xáo động ảnh hưởng, mọi sự tự biểu lộ như là tánh không, và tánh không là thật trạng của hiện hữu. Bấy giờ, sau khi kết thúc một thời tham thiền, không bị những tư tưởng quy định, chúng ta cần tiếp tục trong trạng thái của bản tánh của tâm, đúng như bản thân nó là.
(29) Về những kinh nghiệm trong khi thiền định, chúng ta thấy mình trong một trạng thái bất nhị, dù chúng ta đang thiền định hay không thiền định. Mọi hình tướng xuất hiện sanh khởi hoàn toàn là sự biểu lộ của năng lực của sự tham thiền nhập định của chúng ta. Thật trạng (pháp tánh) của hiện hữu của mọi hiện tượng, đúng như chúng là, tự hiện bày mà không lìa khỏi thể trạng bổn nguyên tự nhiên.
(30) Về phần chiều kích toàn thể của chúng ta : mọi hiện tượng, dù thấy hay không thấy, toàn thể đều được tịnh hóa tự chính chúng trong pháp tánh (thật trạng của hiện hữu). Bởi thế, chúng ta đạt được chiều kích (hay cảnh giới) tối thượng của bất nhị, và một tỉnh giác nguyên sơ tối thượng không cách gì che phủ được (bởi những hoạt động tâm trí) thì hiện diện. (31) Qua tịnh hóa trọn vẹn những che chướng của chúng ta đối với hiểu biết (hay trí huệ), như vậy chúng ta đạt được một hiểu biết (hay trí huệ) về tất cả mọi hiện tượng như chúng là trong pháp tánh (trong thực trạng của hiện hữu của chúng). Bởi vì chúng ta hoàn toàn giải thoát khỏi bất kỳ nhị nguyên nào trong tương quan người hiểu và cái được hiểu, chúng ta được xem là thuộc về gia đình chư Như Lai toàn giác.
(32) Bây giờ, về tiến hành theo con đường qua thực hành ban đêm, ở đây chúng ta cần tự huấn luyện hai thực hành : một vào buổi tối khi chúng ta ngủ và cái kia vào buổi sáng khi chúng ta lại thức dậy. Vào buổi tối (trước khi vào giấc ngủ) chúng ta cần để cho những căn của chúng ta lắng đọng thành một thể trạng của tham thiền nhập định liên tục. Hơn nữa, chúng ta cần hòa nhập sự thực hành tập trung của chúng ta với giấc ngủ.
(33) Vào lúc rơi vào giấc ngủ, chúng ta cần quán tưởng một chữ A màu trắng hay một quả cầu nhỏ ánh sáng năm màu trong không gian giữa hai lông mày. Cái này được quán tưởng rõ ràng cỡ bằng hạt đậu Hà Lan. Trước tiên chúng ta cố định tỉnh giác của chúng ta vào đó ; rồi chúng ta thư giãn tỉnh giác một tí và tự cho phép mình đi vào giấc ngủ.
(34) Khi chúng ta đi vào giấc ngủ trong một trạng thái trong đó sáu quan năng được buông xả một cách cảnh giác vào trong thể trạng (thật tánh) của chính chúng, tỉnh giác của chúng ta không bị dơ nhiễm bởi bụi bặm trên mặt của những tư tưởng lan man và tịnh quang tự nhiên bèn xuất hiện. Như vậy chúng ta thấy mình ở trong sự hiện diện của pháp tánh mà không có bất kỳ tư tưởng lan man nào.
(35) Hay lại nữa, khi chúng ta quan sát cái tỉnh giác khoảnh khắc này (vào ngay lúc nó sanh khởi), chúng ta không thể thấy bất cứ cái gì ở trong nó mà có thể được cho là an lặng hay chuyển động của tư tưởng. Như vậy, thấy mình trong một trạng thái hiện diện tỉnh táo, đầy sức sống, chúng ta lắng đọng thành một tỉnh giác bình lặng và đi vào giấc ngủ.
(36) Tiến trình vào giấc ngủ là nguyên nhân để chúng ta đi vào sự sáng tỏ của thật trạng của hiện hữu (pháp tánh). Bấy giờ (những quan năng) của chúng ta hoàn toàn rút vào Pháp giới (Dharma-dhatu) trong một trạng thái của hiện diện thuần túy. Cho đến khi chúng ta vào giấc ngủ, có thể tiếp tục thấy mình hiện diện trong trạng thái của pháp tánh ấy. (37) Hoàn toàn gỡ khỏi những dấu vết nghiệp của một thân thể vật chất của chúng ta, những dấu vết nghiệp của thị kiến, và những dấu vết nghiệp của hoạt động tâm thức của chúng ta, không có hoạt động tâm thức khởi nữa (trước sự bắt đầu của mộng). Chúng ta tiếp tục thấy mình trong sự hiện diện của trạng thái pháp tánh. Như vậy, chúng ta sẽ kinh nghiệm một cấp độ nào đó của sự hòa lẫn với tịnh quang tự nhiên.
(38) (Vào giây phút khi chúng ta thực sự) đi vào giấc ngủ, không có bất kỳ tư tưởng lan man nào sanh khởi và trạng thái hiện diện thuần túy của chúng ta được chìm hút vào Mẹ của nó (tịnh quang tự nhiên) và chúng ta thấy mình trong hiện diện của trạng thái pháp tánh. Tiếp theo thời kỳ tham thiền này (nó là tịnh quang tự nhiên), chúng ta sẽ đến chỗ nhận biết những giấc mộng của chúng ta chỉ là những giấc mộng khi chúng ta đi vào trạng thái mộng. Thấy mình tự do với mọi vọng tưởng, (những giấc mộng) biểu lộ theo một cách trợ giúp bạn hữu như là chiều kích của chúng ta và tánh giác bổn nguyên của chúng ta.
(39) Lúc sáng sớm, (ngay khi tỉnh giấc), một tỉnh giác hay trí huệ (ye-shes) nguyên sơ sanh khởi không bị chỉnh sửa và hiện diện trong thật trạng của chính nó. Nếu chúng ta an trụ trong trạng thái tự nhiên này không xao lãng và không thiền định về cái gì, bấy giờ chúng ta sẽ thấy mình hiện diện một cách bình lặng, không bị xao lãng bởi bất kỳ tư tưởng lan man nào. Cái này gọi là trạng thái của Guru Samantabhadra.
(40) Nhìn thẳng vào khuôn mặt của trạng thái này (của hiện diện thuần túy, hiện diện thanh tịnh), chúng ta quan sát với chú ý trần trụi ai là cái đang thiền định. Không tìm thấy cái gì có thể nhận biết (hay xác định được) ở đó, một tỉnh giác tự phát sanh nguyên sơ minh bạch và trần truồng tự giải thoát chính nó ngay khi nó sanh khởi. Bấy giờ một tỉnh giác nguyên sơ bất nhị trở thành hiện diện. (41) Vào khoảnh khắc đó, thấy mình vượt khỏi mọi thị kiến đối tượng, và siêu vượt mọi tư tưởng lan man bám nắm nhị nguyên, một tỉnh giác hay trí huệ (ye-shes) nguyên sơ vô niệm trở nên biểu lộ rõ ràng. Bởi vì chúng ta nhận biết rõ, một tỉnh giác nguyên sơ sáng tỏ, không dơ lấm (bởi vết dơ của những tư tưởng lan man), trở thành biểu lộ rõ ràng. Bởi vì không có nhị nguyên (của chủ thể và đối tượng hiện diện), một tỉnh giác về cảm giác lạc phúc trở thành biểu lộ rõ ràng. (42) Bởi vì chúng ta đến chỗ hiểu rằng mọi hiện tượng tự chúng thật sự là pháp tánh, một tỉnh giác hay trí huệ (ye-shes) nguyên sơ không cách gì lầm lẫn trở thành biểu lộ một cách tột bực. Và bởi vì một tỉnh giác nguyên sơ về số lượng (nó biết mỗi sự vật trong cá thể của nó) trở thành biểu lộ rõ ràng trong toàn thể của nó, bản tánh vốn sẵn của ba chiều kích của hiện hữu chúng ta trở thành biểu lộ tột bực.
(43) Khi người ta thực hành tinh túy của yoga này cả ngày và đêm, toàn bộ chiều kích đời sống chúng ta đi vào tham thiền nhập định. Trở thành quen thuộc với thực hành, những phiền não của chúng ta sẽ sanh khởi trên con đường (như cái gì hữu ích cho chúng ta). Chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến mức độ toàn vẹn của việc hoàn thành lợi lạc của chúng sanh, mà con số ngang với sự bao la của bầu trời, nhờ sự chứng đắc ba chiều kích của hiện hữu chúng ta. (44) Mức độ quen thuộc của chúng ta (với sự thực hành này là cấp độ chúng ta có thể) nhận biết những giấc mộng của chúng ta là những giấc mộng khi chúng ta còn ngủ. Bởi vì những bám luyến vào những cảm giác lạc và khổ (sẽ được chiến thắng mỗi ngày), chúng ta thấy mình trong một trạng thái hòa nhập, không cách gì bị che phủ (bởi ý niệm hay phán định). Bởi vì tỉnh giác nguyên sơ hiện diện, mọi hình tướng xuất hiện sanh khởi như những người bạn (có thể giúp chúng ta trên con đường). Sự tương tục của vọng tưởng bị đứt đoạn như vậy và chúng ta thấy mình trong sự hiện diện của trạng thái pháp tánh. (45) Bởi vì hành giả của Atiyoga, suốt cả ngày và đêm, an trụ không lìa khỏi trạng thái của pháp tánh này, có nói rằng anh ta hay chị ta có thể chứng đắc Phật quả thậm chí trong khoảnh khắc giữa hai hơi thở. Đó là điều được con người vĩ đại Garab Dorje nói.
(46) Về những phiền não sanh khởi trên con đường (như là cái hữu ích trong thực hành của chúng ta), không phân biệt những hiện tượng (là tốt hay xấu), chúng ta thấy chúng hiện diện trong trạng thái của pháp tánh. Vì tất cả chúng đều hiện diện trong tỉnh giác toàn thể, không có tạo tác ý niệm nào đối với chúng, chúng ta nhận biết mê lầm (bản thân nó không gì khác hơn là) vô niệm. Những hiện tượng biểu lộ (một cách vô niệm) là pháp tánh như bản thân pháp tánh. (47) Mọi hiện tượng xuất hiện như những đối tượng của sáu quan năng thì hiện diện trong sáng tỏ quang minh và không có tự tánh. Vì vậy, chúng ta nhận biết sân giận có đặc tính của sáng tỏ và bây giờ nó biểu lộ như tỉnh giác (hay trí huệ) nguyên sơ của sáng tỏ. (48) Mọi sự biểu lộ bên ngoài là pháp tánh, trong khi bên trong, hiện diện thanh tịnh thuần khiết là tỉnh giác nguyên sơ. Bởi vì cảm giác đại lạc không có bất kỳ phân biệt nhị nguyên nào, có bản chất của Năng Lực, chúng ta nhận biết tham thật ra tiêu biểu cho diệu dụng của đại lạc. Như thế có biểu lộ một tỉnh giác nguyên sơ về cảm giác đại lạc, nó là tự toàn thiện một cách tự phát mà không có bất kỳ giới hạn nào.
(49) Hơn nữa, những chúng sanh khác được lợi lạc nhờ ba chiều kích của hiện hữu chúng ta. Hơn thế nữa, ba độc phiền não tự biểu lộ chính chúng hoàn toàn là chiều kích của hiện hữu của chúng ta và là tánh giác bổn nguyên vốn sẵn.
(50) Bởi vì cái chúng ta gọi là “phiền não” không hiện hữu nữa, những nguyên nhân cho sự chuyển di trong sanh tử không còn. Về điều này, dù chúng ta có nghĩ cách gọi thực trạng này là “niết bàn”, thật ra nó chỉ là vô số phẩm tính công đức (của trạng thái bổn nguyên của Phật quả) biểu lộ chính chúng một cách tự phát trong tự-toàn thiện, không có bất kỳ sửa sang hay tạo tác nào được làm với chúng. Như mặt trời mọc lên trong bầu trời, chúng ta có thể nói rằng đó chỉ là sự sáng tỏ như vậy.
(51) Về phương pháp này : trường hoạt động của những học trò cần bao trùm năm khả năng (ngũ căn trong 37 phẩm trợ đạo) : sẵn sàng tích cực tham gia, chuyên cần, hiện diện chánh niệm, định và huệ. Với bất cứ giáo huấn nào chúng ta đã nhận từ thừa tối thượng (Atiyoga), chúng ta cần biết làm thế nào để thực hiện cho chính chúng ta những điều kiện hài hòa để làm đầy đủ và hoàn thiện (năm khả năng này).
(52) Đã phát biểu tất cả những điều này, nhờ ít lời khúc chiết này trao tặng một ít cam lồ của trạng thái của Đạo sư Kunzang Garab Dorje, nguyện tôi và tất cả chúng sanh số đông như sự bao la của bầu trời, những ai nối kết với tôi (về mặt nghiệp và mặt tâm linh), nhanh chóng đạt đến địa vị chân chính của Jina Samantabhadra chiến thắng !
Bản văn này để cho những người mong muốn tham gia vào thừa tối thượng Dzogchen, được viết ra để tưởng nhớ Ông Paul Anderson, người đã ra đi một cách bình an. Bởi vì chúng ta đang bắt đầu một nhập thất ở Cộng Đồng Dzogchen ở Conway trong miền đông nước Mỹ, bản văn này được viết ra bởi hành giả Dzogchen Namkhai Norbu trong năm Hợi Thủy tháng chín ngày mồng ba, đó hẳn là một ngày tốt lành !
Conway, Massachusetts
9 tháng 10, 1983
Thể theo yêu cầu của Namkhai Norbu Rinpoche và với sự cộng tác của những thành viên Cộng Đồng Dzogchen ở Conway, bản văn này về thực hành liên tục tham thiền Dzogchen được dịch sang tiếng Anh bởi Vajranatha, John Myrdhin Reynolds.
SARVA MANGALAM
Changchub Dorje