BA BỘ GIÁO LÝ DZOGCHEN
Về con đường, có ba bộ giáo lý mà những bản văn gốc của Dzogchen được xếp thành. Bộ thứ nhất là Semde, hay Bộ Tâm (sems-de, Skt. citta-varga). Ở đây chữ tâm không ám chỉ tiến trình tư tưởng của người bình thường, nó hiện hữu trong thời gian và bị quy định bởi những nguyên nhân trước đó, mà là bản tánh của tâm (sems-nyid), hiện hữu vượt khỏi thời gian và sự bị điều kiện hóa. Trong những bản văn Semde Dzogchen, bản tánh của tâm này thường được gọi là Bồ đề tâm. Nghĩa của Bồ đề tâm trong ngữ cảnh này nói đến Trạng Thái Bổn Nguyên của cá nhân do đó hoàn toàn khác với chữ được dùng trong các bản văn của hệ thống Kinh. Nhưng về toàn thể, những giáo lý Semde cung cấp một cách tiếp cận trí thức hơn, một giải thích từng bước làm sao đi vào trạng thái tham thiền (rig-pa). Sự giải thích này tương tự với hệ thống Mahamudra của Gampopa, là cái trổi bật trong trường phái Kargyu. Trong cả hai trường hợp, sự thực hành được chia thành bốn giai đoạn gọi là những yoga.(4) Những bản văn còn tồn tại của những bộ Semde Dzog-chen đã được dịch giả Vairochana và đạo sư Vimalamitra truyền vào Tây Tạng.
Thứ hai là Longde, hay Bộ Hư Không (klong-sde, Skt. abhyantara-varga) trong đó mọi sự thì rất trực tiếp, tức thời và thoáng rộng hơn trong cách tiếp cận tham thiền của nó. Về nghĩa đen, klong nghĩa là “sự trải rộng bao la của hư không”. Bốn giai đoạn trong thực hành Longde được biết như bốn dấu hiệu (brda bzhi) nhưng chúng xảy ra đồng thời hơn là tuần tự như bốn giai đoạn yoga trong Semde. Những bản văn còn tồn tại của Longde Dzogchen tất cả đều truyền vào Tây Tạng do dịch giả Vairochana, đặc biệt là những chỉ dạy Cầu Kim Cương. Vairochana đã nhận những trao truyền về Semde và Longde ở Ấn Độ từ đạo sư Dzogchen Shrisimha.
Thứ ba, có những giáo lý phi thường của Bộ Upadesha, hay Bộ Giáo Huấn Bí Mật (man-ngad gi sde, Skt. upadesha varga). Những giáo lý này giả định rằng người ta đã biết làm sao đi vào trạng thái tham thiền, và như thế chúng cho nhiều lời khuyên thực tế và nhiều phương pháp để liên tục ở trong trạng thái tham thiền. Những giáo lý này cũng được biết với tên là Nying-thig (snying-thig, Skt. citta-tilaka), nghĩa là “tinh túy của tâm”, từ chữ snyng-po (tâm) và thig-le (tinh túy).(5) Những giáo lý Nying-thig khởi đầu được truyền vào Tây Tạng bởi Guru Padmasambhava và Mahapandita Vimalamitra, cả hai vị là những đệ tử của đạo sư Shrisimha ở Ấn Độ. Cả hai bản văn được dịch sau đây thuộc về Bộ Upadesha.
Từ quan điểm của những giáo lý Nying-thig, trạng thái nguyên sơ của cá nhân, bản tánh giác ngộ vốn sẵn của người ta, vốn thanh tịnh và tự nhiên tự-toàn thiện (lhun-grub). Hai phương diện này được chứng ngộ trong hai phần giáo lý và thực hành của Nying-thig là Thekchod và Thodgal. Từ ngữ Thekchod (khregs-chod) nghĩa đen là “cắt tháo (chod) cái bó (khregs)”, như một người tiều phu cắt tháo những sợi dây cột một bó củi anh ta đã mang theo từ rừng về. Trong trường hợp cá nhân, cái bó này là tất cả những căng thẳng và khô cứng về tình cảm và trí óc nó giam giữ người ta trong một lồng của sự tự tạo và ngăn người ta không chứng ngộ được sự tự do vốn sẵn nơi mình. Điểm chính trong Thekchod là buông xả mọi căng thẳng này của thân, ngữ, tâm ngăn chướng Phật tánh vốn sẵn của chúng ta. Phật tánh này vốn hiện diện như là Nền Tảng (ye gzhi). Trong thực hành Thekchod người ta an định vào một trạng thái tham thiền mà không xao lãng khỏi cái thấy (kiến) sự thanh tịnh bổn nguyên của bản tánh vốn sẵn của chúng ta dù một khoảnh khắc. Như đạo sư Garab Dorje nói, “Bất cứ cái gì được sanh ra trong tâm đều không chướng ngại như những đám mây trong bầu trời. Đã hiểu nghĩa của sự đồng nhất trọn vẹn của tất cả hiện tượng (về tinh túy của chúng là tánh Không), bấy giờ khi người ta đi vào cái này (trạng thái tham thiền này) mà không theo những hiện tượng, đây là chân thiền định.” Qua sự thực hành Thekchod, người ta đến chỗ hiểu và hoàn toàn quen với trạng thái tham thiền.
Rồi, qua thực hành Thodgal, người ta khai triển trạng thái tham thiền này qua trung gian của cái nhìn. Từ ngữ Thodgal (thod-rgal, Skt. vyutkrantaka) nghĩa đen là “trực tiếp” (thod-rgal du) trong nghĩa một chuyển dịch tức thời và khoảnh khắc từ một chỗ này qua chỗ khác, trong đó không có sự can thiệp của thời gian. Như thế một số người dịch là “nhảy qua”, nhưng nó thì tức thời hơn là thế. Và cũng ở đây, khi chúng ta nói “cái nhìn thấy” (snang-ba), chúng ta không nói đến quán tưởng, nó được dùng nhiều chẳng hạn trong Tantra. Quán tưởng là một tiến trình bao gồm công việc của tâm thức. Tuy nhiên, với Thek-chod chúng ta đã đi vào một chiều kích vượt khỏi tâm thức, và với Thodgal, người ta tiếp tục trong chiều hướng này. Hơn là những quán tưởng do tâm thức tạo ra, chúng ta đang nói về một sự hòa nhập với cái nhìn thấy, với bất kỳ cái gì khởi lên tự nhiên cho cái nhìn trong khi hành giả đang trong trạng thái tham thiền. Bởi thế, sự thông thạo tham thiền nhờ thực hành Thekchod là một tiền đề trực tiếp cho thực hành Thodgal. Nếu khác đi, sẽ có mối nguy là người ta bị bắt vào trong những cái nhìn thấy của mình, trở nên xao lãng bởi chúng và rồi tin rằng chúng là một thực tại khách quan. Thật vậy, chính sự bám luyến vào những cái nhìn thấy bất tịnh thuộc nghiệp báo đã làm cho cá nhân thoạt tiên bị bắt vào sanh tử.
Trong khi nguyên lý của Thekchod là sự thanh tịnh bổn nguyên của mọi sự, nguyên lý của Thodgal là sự tự-toàn thiện tự nhiên của chúng. Tương phản lại, phương pháp trong Tantra là chuyển hóa cái nhìn bất tịnh và thuộc nghiệp báo của chúng ta (như ngay lúc này chúng ta đang kinh nghiệm) thành cái nhìn thanh tịnh, đó là cái nhìn của người giác ngộ nhìn thấy thế giới. Trong Tantra người ta quán tưởng mình là một vị thần bổn tôn trong chiều kích thanh tịnh của mạn đà la, và nhờ sự thực hành sadhana lập đi lập lại trong khi nhập thất người ta làm cho kinh nghiệm này thành cái gì thực và cụ thể. Tuy nhiên, trong Dzogchen không có việc chuyển hóa những hiện tượng bất tịnh thành những hiện tượng thanh tịnh, bởi vì bất kỳ hiện tượng nào có thể biểu lộ với các giác quan đều toàn thiện, trọn hảo như chính nó là. Chúng là sự tự nhiên toàn thiện (lhun-rdzogs) bởi vì chúng là những biểu lộ của bản tánh của tâm, của tiềm năng của năng lực (rtsal) vô tận của tâm. Trong những giáo lý Dzogchen, bản tánh của tâm giống như một tấm gương và những hiện tượng giống như những phản chiếu thấy trong tấm gương ấy. Dù những phản chiếu này tốt hay xấu, đẹp hay xấu, sạch hay dơ, chúng không thể nào biến đổi hay làm giới hạn tấm gương. Bản tánh của tự tâm cũng như vậy.
Thành quả tối hậu của sự thực hành Thodgal là sự thực hiện Thân Cầu Vồng của Ánh Sáng (ja-lus), khiến người ta không cần chịu tiến trình chết và tái sanh nữa. Tất cả những đạo sư ban đầu của truyền thống Dzogchen ở Ấn Độ, vào lúc chấm dứt cuộc đời giáo hóa ở trần thế, đã biểu lộ Thân Ánh Sáng (od lus) này. Những đạo sư này – Garab Dorje, Manjush-rimitra, Shrihimsa và Jnanasutra, sau khi làm tan biến thân thể vật chất thô vào năng lực thanh tịnh chói ngời (một tiến trình gọi là m-log, hay “đảo ngược”, trong đó những nguyên tố vật lý của thân vật chất được tan vào những ánh sáng màu sắc tương ứng), rồi sau đó xuất hiện trở lại trong bầu trời dưới dạng những thân ánh sáng để ban cho những chúc thư cuối cùng (zhal chems) cho những đệ tử cao cấp từng người một. Một chúc thư cuối cùng như thế là những câu kệ súc tích nói lên tinh túy cốt lõi của giáo lý đạo sư, mà bây giờ đã được thực hiện trong kinh nghiệm cá nhân của ngài. Chúc thư đó là một Upadesha, không phải là một trình bày theo lối học giả. Ngay khi nghe những chỉ dạy này, đệ tử tức thời đạt đến một cái thấu hiểu sâu rộng ngang với sự thấu hiểu của đạo sư. Những chúc thư cuối cùng này được biết như những giáo lý để lại khi chết này được biết là “Ba Tuyên Bố Điểm Vào những Điểm Thiết Yếu”. Trong Dzogchen điểm thiết yếu (gnad) là trạng thái tham thiền, nó là trạng thái của tánh giác nội tại hiện tiền.
Theo truyền thống Nyingma, những tinh túy của toàn bộ giáo lý Dzogchen đến từ chính Adibuddha Samantabhadra và chứa đựng trong khoảng sáu mươi bốn ngàn câu kệ trong những Tantra, Agama và Upadesha được tìm thấy trong ba tuyên bố súc tích này. Có một số lớn những bình giảng học giả trong nhiều bộ sách bởi những đạo sư đời sau của truyền thống Nyingma giải thích tỉ mỉ ba lời tuyên bố này. Nhưng một trong những bình giảng trực tiếp có thể thâm nhập nhất, và ngày nay rất được các hành giả Dzogchen Tây Tạng biết đến, là bản văn của đạo sư Dzogchen thế kỷ mười chín Dza Patrul Rinpoche (1808-1887) với đầu đề mKhas-pa shri rgyal-poi khyad chos, “Giáo Lý Đặc Biệt Của Đức Vua Thông Thái Và Vinh Quang”. Bản dịch của cả bản văn gốc này và bình giảng của nó sẽ có ở sau đây. Bản văn của Patrul Rinpoche theo sau một bản dịch mà theo truyền thống thực sự là chúc thư cuối cùng của đạo sư Garab Dorje. Bản văn này được tìm thấy trong một bộ tuyển tập có tên Bi-ma snying-thig, do đạo sư Dzogchen và học giả Nyingma nổi tiếng thế kỷ mười bốn là Longchen Rabjampa (1308-1363) kết tập. Một trong những mục tiêu chính yếu của cả hai bản văn này là cung cấp cho hành giả một giới thiệu trực tiếp vào Dzogchen, Trạng Thái Bổn Nhiên.