Chữ Tây Tạng nói "biệt giải thoát giới" là so sor tharpa dompa hoặc theo Phạn ngữ là Pratimoksa. Chữ pratimoksa hoàn toàn đồng nghĩa với chữ chỉ cho giới luật (sila) mà chúng ta đã nói đến rồi. Sự giải thoát tạm thời có nghĩa là giải thoát khỏi các khổ đau và phiền toái trong đời sống hàng ngày. Còn cứu cánh giải thoát là cứu cánh thoát khỏi khổ đau của luân hồi (samsara). Chữ Tây Tạng so sor hay prati của Phạn ngữ có nghĩa là "cá nhân" hay "riêng tư". Thí dụ như nếu chúng ta giữ giới không sát, thì cá nhân chúng ta sẽ thoát khỏi mọi hậu quả xấu do nghiệp sát mang lại. Nếu chúng ta nguyện thọ giới không trộm và không trộm, thì chúng ta sẽ thoát khỏi các nguyên nhân đau khổ đến từ trộm cắp. Cứ thế, cứ giữ hết mọi giới, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi khổ đau. Bản chất của Pratimoksa giới căn bản là không làm hại người khác dù trực tiếp hay gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp gây tổn hại là giết hoặc ăn trộm. Một điển hình cho nguyên nhân gián tiếp là ca hát nhảy nhót, các điều này không có những kết quả tai hại trực tiếp, song dần dà nó sẽ đưa tới những tai hại. Thế nên bản chất của pratimoksa là lìa bỏ những nguyên nhân hàng đầu trực tiếp hại người khác lẫn các nguyên nhân phụ thứ gián tiếp gây tai hại. Khi chúng ta nguyện thọ pratimoksa, thì ý nguyện trong tâm chúng ta có thể bất tịnh và ý nguyện ấy cần phải được lìa bỏ. Có hai loại ý nguyện bất tịnh. Một là chúng ta có thể có những mong cầu các lợi dưỡng nhất thời có được do thọ giới hoặc chúng ta mong muốn mình khỏi bị các trường hợp bất lợi như bệnh tật. Hai là chúng ta có thể mong được người khác cung kính tôn trọng hoặc nhằm trốn tránh các luật pháp nhờ vào sự thọ giới này. Ý nguyện thọ giới cũng có hai loại. Loại thứ nhất không phải là ý nguyện vào lúc thọ giới pratimoksa, mà là sự tu tập Bodhicitta (Bồ đề tâm) vì lợi ích cho tất cả chúng sinh. Loại thứ hai là ước nguyện tận diệt tất cả mọi khổ đau trong đời này cũng như trong các đời tương lai. Giới luật giống như viên ngọc như ý bảo châu. nếu chúng ta coi giới luật như một nguyên nhân được lợi lạc tạm thời, thì pratimoksa giới sẽ mang lại cho chúng ta những nhẹ nhõm tạm thời khỏi đau khổ. Nếu chúng ta lìa bỏ cái tâm tưởng lợi lạc tạm thời ấy và nhìn pratimoksa giới như là nguyên nhân để tận diệt khổ đau, thì rồi ra nó sẽ trở thành nguyên nhân cho chúng ta cuối cùng thoát khỏi samsara. Khi chúng ta nguyện thọ tâm nguyện giới Pratimoksa chúng ta theo gương các vị A La Hán (Arhat) trong quá khứ và chúng ta phát nguyện rằng chúng ta sẽ theo con đường của các ngài đúng hệt không khác. Trước hết chúng ta có ý nguyện thọ giới, rồi chúng ta thọ tâm nguyện giới, và cuối cùng chúng ta phải giữ các giới tướng. Chúng ta phát nguyện như sau : Đúng như chư A la hán trong quá khứ thọ trì các giới không sát, không trộm, không dâm, không nói láo, không uống rượu v.v... cũng vậy con nay cũng sẽ thọ trì các giới ấy. Chư A la hán trong quá khứ lìa bỏ mọi tâm niệm làm tổn hại hữu tình khác và lìa bỏ các nguyên nhân làm tổn hại hữu tình khác. Sau khi lìa bỏ mọi thứ phải lìa bỏ và sau khi chứng tri mọi thứ cần chứng tri, cuối cùng các ngài chứng được A la hán quả. Con nay cũng vậy và nguyện tu đạo như chư A la hán đã tu. Vào lúc thọ tâm nguyện pratimoksa chúng ta cần phải có y màu vàng (chogo), bát, và một cái lọc nước. Mục tiêu phải có ba thứ này là để khỏi làm tổn hại hữu tình khác. Nước được dùng để uống hay tẩy rửa cần phải được lọc qua cái lọc nước để khỏi làm tổn hại các sinh vật hay côn trùng nhỏ mà có thể có ở trong nước. Để giữ trọn các tâm nguyện giới, chúng ta phải luôn luôn niệm và quán sát và chúng ta phải luôn lìa bỏ những gì cần được lìa bỏ. Nếu các phần nào đó của tâm nguyện giới (thọ thể) bị xâm hại, thì sự xâm hại này không được bỏ mặc đó mà cần phải được sửa đổi lại. Đức Phật dạy là chúng ta phải hết sức coi trọng giới luật mà chúng ta đã thọ, chúng ta phải trân quý gìn giữ giới luật. Giữ giới luật có nghĩa là niệm và quán liên tục và sửa chữa lập tức khi các tâm nguyện ấy bị vi phạm. Đức Phật dạy rằng để giữ các tâm nguyện được thanh tịnh, chúng ta ít nhất cần phải có đủ hai duyên này. Nếu chúng ta có được hoặc một trong hai duyên ấy, thì chúng ta có thể tăng trưởng giới luật mà chúng ta thọ và chứng được những gì cần phải chứng và đạt đến quả vị A la hán. Nếu chúng ta không có duyên nào hết, thì chúng ta không thể tăng trưởng được giới luật chúng ta thọ và không sao đạt đến mục tiêu cứu cánh. Sự lưu truyền pratimoksa ở Tây tạng vốn là từ truyền thống Mulasarvastivadin (Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu) mà ra. Theo các nhà Mulasarvastivadin này, thì các tâm nguyện giới của người xuất gia thọ cụ, của các tân xuất gia và của cư sĩ tại gia gồm hai loại; loại hữu biểu thấy được và loại vô biểu không thấy được. Vào lúc khi tâm nguyện giới (giới thể), được thọ nạp, thì đó là thuộc về loại hữu biểu thấy được vì người khác có thể thấy rõ chúng ta đang thọ giới. Từ đó trở đi, nó trở thành loại vô biểu không thấy được, bởi người khác không thấy được chúng ta đã lìa bỏ, chẳng hạn như, nghiệp sát rồi. Các nghiệp không sát, không trộm, không dâm là các nghiệp thiện thuộc về thân trong khi không vọng là nghiệp thiện thuộc về khẩu. Chúng ta có thể giữ giới trực tiếp hay ý thức rõ ràng, hoặc gián tiếp như vào lúc ăn hay ngủ, bởi vì chúng ta đã có các tâm nguyện giới ở nơi mình rồi. Hỏi : Ngài nói về sự giữ giới với niệm và quán và kế đến là nếu chúng ta phạm giới, chúng ta phải sửa đổi lại. Nhưng tôi thấy dường như niệm và quán cần có là để chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã phạm giới. Rinpoche : Vì pratimoksa là nguyện giới hữu biểu, nên việc phạm giới sẽ tự thấy rõ. Chẳng hạn chúng ta có thể nói láo suốt một khoảng thời gian mà không hề niệm hay quán thấy, nhưng rồi sau đó, khi nhớ lại, chúng ta mới nghĩ "Ô, mình nói dối rồi". Hỏi : Mình phải bù đắp lại như thế nào khi giới bị phạm ? Rinpoche : Mình phải bù đắp lại bằng cách phát lộ vào thời gian bố tát sojong được thực hành mỗi tháng 2 lần. Hỏi : Nguyện giới dường như tạo thành một nguyên nhân phụ của giải thoát bởi vì, chúng ta không thể nào thực sự là thanh tịnh chỉ bằng thái độ đối xử bên ngoài, mà cần phải thanh tịnh bằng thiền định. Tôi thấy dường như là nguyện giới tự nó không giải thoát được. Rinpoche : Anh đúng khi nói là chúng ta cần phải thiền định, thiền định rất quan trọng, dĩ nhiên. Chúng ta không thể đạt được giác ngộ nếu chỉ có giới mà không có thiền. Tuy nhiên, một người có giới thanh tịnh và giữ giới mình thọ, sẽ không bao giờ giải đãi được; người ấy sẽ luôn ra sức tu tập. Thế nên với giới thanh tịnh, chúng ta có được năng lực để thiền định. Đó là lý do tại sao giới luật có năng lực là vậy. Hỏi : Thế nào là sự khác biệt giữa các nguyện giới pratimoksa và các nguyện giới bodhisattva ? Rinpoche : Các nguyện giới pratimoksa luôn luôn được nói ra theo dạng thức phủ định (chỉ trì), nói cách khác là, "tôi nguyện không sát, tôi nguyện không nói láo v.v..." Vì được nói lên theo cách ấy, nên bao giờ cũng rất rõ ràng để thấy các giới ấy có được giữ hay không vì bạn đã làm một cái mà bạn không được phép làm. Trong các nguyện giới của đại thừa (mahayana), có nguyện giới tăng trưởng tâm từ bi của mình mà dường như đúng ra chỉ là vấn đề cường độ. Giới luật pratimoksa được dựa trên thân và khẩu, thế nên bất cứ lỗi lầm nào chúng ta làm đều được nhận ra ngay tức khắc. Nhưng nguyện giới mahayana chính yếu là để đối phó với tâm của chúng ta và vì thế chúng ta không dễ gì để nói chắc là giới luật của chúng ta đang tăng thượng hay thối thoái. Nguyện giới mahayana được ví như một cái bình bằng vàng dễ hư hoại hay dễ vỡ, song cũng dễ sửa. Tuy nhiên, các nguyện giới pratimoksa giống như một cái bình lớn bằng đất cũng dễ hư hoại, nhưng 1 khi hư hoại nó coi như hư hoại luôn. Hỏi : Hình như là các nguyện giới mà chỉ không làm các loại nghiệp nào đó (chỉ trì) không giải quyết được là bao vì chúng không hiển hiện ra được, chẳng hạn như, bản thể của tâm. Rinpoche : Bằng cách ngưng các nghiệp bất tịnh lại chúng ta thoát khỏi mọi phiền não tinh thần hay tâm lý. Điều này giúp chúng ta được an trú trong trạng thái an lạc để cho thiền định của chúng ta có thể tăng thượng. Hỏi : Nếu tôi ngưng không làm các chuyện bất tịnh qua một thời gian, thì dần dà tâm tôi sẽ được thăng tiến hơn để tôi có thể tu tập hơn lên nữa. Nhưng làm sao các nguyện giới giúp cho thấy ra được bản thể của tâm đây ? Lấy thí dụ như dâm dục dường như không phải là một vấn đề, tự bản thân nó. Hình như chính các phó sản của dâm dục mới tạo ra vấn đề. Chỉ nói rằng không dâm dục không thay đổi gì là bao. Rinpoche : Khi chúng ta thiền định về nội hỏa (tummo) chúng ta không có phạm giới bởi vì chúng ta không phạm vào dâm dục và chúng ta không tiết tinh (bindu, tig lee). Thế có rõ ràng chưa ? Hỏi : Chúng tôi không tu tập nội hỏa. Rinpoche : Trong tương lai mọi người sẽ tu tập. Hỏi : Rinpoche, ngài có đồng ý rằng các giới tướng sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có tu tập, nhưng sự tu tập vẫn ích dụng mà không cần đến các giới điều này ? Rinpoche : Câu hỏi của anh là : có công hiệu gì chăng nếu tu tập mà không có giới luật. Giới luật quan trọng ở chỗ để tích tập công đức. Nhưng nếu không có thiền định, chỉ bằng giới luật mà thôi, chúng ta không thể đạt đến giác ngộ đuợc. Bằng vào thiền định và lìa bỏ hết mọi tình cảm bất thiện, chúng ta có thể đạt đến giác ngộ. Để lìa bỏ được các tình cảm bất thiện (phiền não tham sân si), chúng ta cần phải giữ giới mà mình thọ. Hỏi : Có thể nào thân, khẩu, và ý tự nhiên mà vẫn thú hướng về các nghiệp thiện nếu như không có giới luật ? Rinpoche : Khó mà tu thiền định được nếu như không có giới. Nhưng vẫn có ngoại lệ như vua Indrabhuti có đến năm trăm hoàng hậu. Nhà vua đã lìa bỏ hết mọi ái nhiễm và dâm dục bởi vua Indrabhuti không giống như các hữu tình thông thường. Hỏi : Khi tu tập thiền định thì tâm thức có tự nhiên tiến hướng đến các thiện pháp hay không. Giới luật phụ trợ, dĩ nhiên, song chúng ta có thể nói được là, "Xong, giờ mình không cần gì phải quan tâm đến thọ giới gì nữa, mình tự nhiên là thiện rồi khi chỉ cần ngồi tu mà thôi". Rinpoche : Nếu chúng ta bỏ được hết mọi tình cảm bất thiện bằng việc tu tập không thôi mà không cần phải thọ giới, thì tốt lắm, dù đó là các giới nguyện pratimoksa, bodhicitta, hay là vajrayana. Điều quan trọng là nhổ hết được gốc rễ của của các pháp ô nhiễm, mọi tình cảm bất thiện. Thế nên chẳng có gì khác nhau hoặc chúng ta nhổ hết gốc rễ của mọi pháp ô nhiễm bằng giới luật hoặc bằng thiền định. Trừ diệt hết mọi pháp ô nhiễm là sự thành tựu tối cùng.