RABIRDRANATH TAGORE (1861 – 1941) nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa lỗi lạc của Ấn Độ, từ lâu đã không còn là một gương mặt lạ lẫm với bạn đọc Việt Nam. Những tác phẩm thơ, văn xuôi và kịch nổi tiếng của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Là người Châu Á đầu tiên được giải thưởng Nobel Văn học (1913) nên tên tuổi R. Tagore đạt tới sự vinh quang toàn cầu.
Đọc một sự nghiệp trước tác đồ sộ như của Tagore, dĩ nhiên, là có nhiều cách đọc. Nhưng với bạn đọc Việt Nam, là có nhiều cách đọc. Nhưng với bạn đọc Việt Nam, hình như, chúng ta thường chỉ đọc theo cách đọc Nadim Hichmet, một nhà thơ cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ: “Tôi rất yêu thơ Tagore và nhạc của Bach; Tôi cóc cần cái vẻ thần bí của họ. Xuyên qua vẻ thần bí trong tác phẩm của họ, cái đọng lại là lòng yêu cuộc sống, lòng yêu cuộc đời”. Cách đọc này dường như đối lập sự thần bí với lòng yêu cuộc sống trong thơ Tagore, đối lập tính tôn giáo và tính thế tục ở ông và, do đó, vô hình trung khuyến nghị độc giả gạt bỏ cái huyền bí thiêng liêng ở thơ ông, mà thực chất là gạt bỏ thơ ông.
Thực ra, tình yêu cuộc sống, tình yêu cuộc đời của thơ Tagore nói riêng và toàn bộ tác phẩm của ông nói chung đều xuất phát (đồng thời cũng là sự biểu lộ) của khởi nguyên là tâm linh Ấn Độ. Tâm linh này, đến lượt nó, lại bắt nguồn từ nền minh triết sâu xa, nhất là triết học sâu sắc của Upanishad (Áo nghĩa thư). Đó là quan niệm về chất thể tính, về Một của vạn vật, trong đó bản ngã hợp nhất với đại ngã, con người hợp nhất với vũ trụ, cá nhân hợp nhất với tộc loại. Sự hợp nhất này chỉ có thể đạt được qua và bằng tình yêu: “Trí tuệ biệt lập ta với những vật cần biết, còn tình yêu biết đối tượng của mình bằng sự hòa hợp”. Đó chính là “Tôn giáo của một nghệ sĩ”, một nghệ sĩ như Tagore. Và để đạt được sự huyền nhiệm đó, phải phá vỡ những quan niệm cũ (lạc hậu) ở phương Đông và những quan niệm mới (du nhập) của phương Tây, tức là phải “Thực nghiệm tâm linh”.
Giới thiệu hai luận văn tôn giáo – triết học Thực nghiệm tâm linh và Tôn giáo của một nghệ sĩ, chúng tôi muốn bạn đọc, một mặt, tiếp cận được với vấn đề tâm linh nói chung và tâm linh Ấn Độ nói riêng đang trở thành một vấn đề “nóng” hiện nay và, mặt khác, qua đó nắm được ngọn nguồn nghệ thuật của Tagore để từ đó có một cách đọc khác về ông. Tagore viết về triết học mà như viết về nghệ thuật, viết một cách nghệ thuật, hay đúng hơn, ở ông triết học và nghệ thuật là một, là tâm linh. Bởi thế, dịch Tagore là rất khó. Bản dịch mà chúng tôi sử dụng ở đây hẳn sẽ có những điểm chưa làm hài lòng bạn đọc, nên rất mong được lượng thứ.
---------------------------------------------
Xưa kia, ở Hy Lạp, văn minh phát huy trong khuôn thành đô thị. Thật vậy, các thành trì đã bảo vệ cho nguồn gốc của mọi nền văn minh hiện đại.
Sự bảo vệ vật chất này đã để lại trong tinh thần con người một dấu vết sâu đậm. Nó đã du nhập vào các quan niệm tinh thần của ta cái nguyên tắc “chia để trị”, làm nảy nở ở ta cái thói hễ chinh phục được những nơi nào lại xây thành bao quanh và phân ranh nơi này với nơi kia. Ta biệt lập từng xứ một với các xứ khác, ta phân nhỏ các kiến thức của ta thành những ngăn kín mít, ta phân biệt giữa con người với thiên nhiên. Do đó ở ta phát sinh những ngờ vực trầm trọng đối với tất cả những gì ở bên ngoài các hàng rào mà ta đã dựng lên; các phần tử bên ngoài phải chiến đấu cam go để được chúng ta thâu nhận.
Khi bọn người Âryen xăm lăng đầu tiên đột nhập Ấn Độ, xứ sở chúng tôi còn toàn là rừng rú, và bọn người mới đến chả mấy lúc biết khai thác. Các rừng này bảo vệ họ khỏi cái nắng như thiêu đốt, khỏi các dông tố hằng tàn phá các xứ nhiệt đới; các rừng cung cấp thực phẩm cho trâu bò họ, củi đốt tế thần linh, vật liệu xây cất nhà cửa. Các bộ lạc Âryen, dưới sự dìu dắt của các tộc trưởng họ, an cư lạc nghiệp tại các miền có rừng rú bảo vệ họ được an toàn, có thực phẩm, có nước uống dồi dào.
Do đó, ở Ấn Độ, nền văn minh của chúng tôi phát sinh từ lòng rừng rú, và từ nguồn gốc này, từ bối cảnh này, đã mang một tính chất đặc biệt. Sống giữa thiên nhiên sống động, được nó cho ăn mặc chúng tôi vẫn hằng duy trì với mọi phương diện của thiên nhiên một mối tình hết sức thắm thiết và chung thủy.
Người ta có thể nghĩ rằng một nếp sống như thế có thể đưa đến cái hậu quả là làm cùn nhụt trí tuệ con người, hạ thấp mức sinh hoạt và do đó làm suy nhược tất cả những gì thúc đẩy ta trên đường tiến bộ. Tuy nhiên ở nước Ấn tôi xưa, ta nhận thấy rằng hoàn cảnh sống trong rừng đã không làm nhụt được trí tuệ con người, cũng chẳng làm suy nhược được nghị lực con người, mà còn vạch cho chúng một hướng đi đặc biệt. Luôn luôn tiếp xúc với sự phát sinh phát triển của thiên nhiên, con người không còn muốn bành trướng lãnh thổ của mình và dựng tường chung quanh những gì mình đã chiếm được. Mục đích của con người không còn là vơ vét, mà là “thực hiện”, mà là rộng tâm thức của mình bằng cách phát triển cùng với bối cảnh mình, bằng cách mỗi ngày mỗi đi sâu vào bối cảnh mình. Con người cảm thấy rằng chân lý phải bao trùm hết, rằng trong đời sống sự biệt lập tuyệt đối không thể có, và rằng phương thức duy nhất để đạt đến chân lý là tự thể hiện vào mọi cái gì hiện hữu. Ở Ấn Độ cổ xưa, thực hiện sự hòa đồng bao la này giữa tinh thần con người với tinh thần vũ trụ là chủ đích của các bực hiền nhân sống trong rừng rú.
Sau đó, rừng rú hoang vu nhường chỗ cho các cánh đồng canh tác; các đô thị phồn thịnh mọc lên khắp nơi; các vương quốc hùng mạnh được thiết lập, có liên hệ với tất cả các đại đế quốc trên thế giới. Tuy nhiên, ngay cả vào lúc phồn thịnh vật chất lên đến tột độ, Ấn Độ vẫn một lòng thành kính cái lý tưởng xưa là kiên trì thực hiện cái Ngã, là nếp sống giản dị thanh cao trong các thảo am trong rừng, vẫn không ngớt tìm các nguồn hứng phong phú nhất của mình trong cái minh triết đã được tích tụ trong các nguồn hứng ấy.
Phương Tây hình như tự phụ cho rằng mình đã chế ngự được thiên nhiên – làm như thể chúng ta sống trong một thế giới thù nghịch, trong đó ta phải giành giật tất cả những gì ta cần đến từ một trật tự sự vật kỳ dị và ương ngạnh. Cảm thức này là kết quả của các thói quen và nền giáo dục được hấp thụ trong phạm vi các thành thị. Trong đời sống đô thị, con người dĩ nhiên tập trung tâm trí mình vào nếp sống của chính mình, vào công việc của chính mình, và do đó có một sự chia rẽ giả tạo giữa chính mình với Thiên nhiên Vũ trụ ủ ấp nó trong lòng.
Ở Ấn Độ, quan điểm khác hẳn; con người và thế giới được bao gồm trong một chân lý vĩ đại duy nhất Ấn Độ nhiệt liệt chủ trương sự hòa đồng giữa cá nhân và vũ trụ. Ấn Độ cảm thấy rằng chúng ta không thể có sự giao cảm nào với thế giới quanh ta nếu như nó lại hoàn toàn xa lạ với chúng ta. Điều mà con người oán trách thiên nhiên là điều mình phải tự lực thụ đắc hầu như tất cả những gì mình cần. Đúng vậy, nhưng các nỗ lực của con người chẳng phải là vô hiệu; ngày nào con người cũng gặt hái được thành công, và như thế chứng tỏ rằng giữa con người và thiên nhiên có một mối liên hệ hợp lý, vì không bao giờ ta có thể làm thành của ta những cái gì lại không từng thực sự đã ràng buộc với ta.
Ta có thể nhận định một con đường dưới hai phương diện khác nhau. Ta có thể thấy trên đó những gì đã phân chia ta với cái đối tượng dục vọng của ta, và như thế mỗi bước ta bước tới là một khoảng đất chinh phục bằng vũ lực bất chấp mọi chướng ngại. Người ta đồng thời cũng có thể thấy trên đó những gì đưa ta đến nơi đến chốn và, trong quan niệm này, con đường cũng là thành phần của mục đích của ta; nó đã bước đầu sự thành công của ta; khi đi trên đường chúng ta chỉ toàn được hưởng những gì nó hồn nhiên cống hiến ta. Quan niệm sau này là quan niệm theo đó Ấn Độ nhận định thiên nhiên. Đối với chúng tôi, điều cần thiết là ta phải hòa đồng với cái thiên nhiên ấy, con người sở dĩ suy tư được là vì tư tưởng của mình phù hợp với các sự vật; con người sở dĩ sử dụng được các lực lượng thiên nhiên theo ý mình, chính chỉ vì sức mạnh của mình phù hợp với sức mạnh của vũ trụ; nói tóm lại, mục đích của nỗ lực con người không bao giờ có thể tương phản với cái mục đích do thiên nhiên biểu thị.
Tuy nhiên, ở Tây phương, theo cảm tưởng thông thường nhất, trái lại chỉ là của các vật vô tri vô giác và của các thú vật; người ta tưởng đâu thấy được một giải pháp liên tục đột ngột và không thể giải thích ngay ở chỗ bản chất con người khởi sự. Đối với người Tây phương, tất cả những gì ở hạ cấp hệ thống sinh vật đều nhất thiết là thiên nhiên, và tất cả những gì mang dấu hiệu hoàn thiện trí huệ hay tinh thần đều là nhân tính. Giống như thể người ta xếp cái hoa với cái cúc vào hai loại riêng biệt, và gán cái vẻ đẹp của chúng cho hai nguyên tác mâu thuẫn và khác biệt nhau. Trái lại, tinh thần Ấn không bao giờ do dự khi công nhận sự quan hệ của mình với thiên nhiên và sự liên tục của các tương quan của mình với mọi sự vật.
Đối với Ấn Độ, cái nhất tính căn bản của vạn vật chẳng phải chỉ là một thuyết lý triết học mà thôi: ngay cái mục đích của đời sống vạn vật xưa nay vẫn là thực hiện sự hòa đồng bao la kia trong tình cảm và trong hành động. Bằng suy tư và tinh thần cúng hiến, và bằng cách điều chế nếp sống của mình, Ấn Độ đã trao đổi tâm thức của mình đến độ mọi vật đối với mình đều mang một ý nghĩa tinh thần. Đối với Ấn Độ, đất, nước, và ánh sáng, hoa quả, chẳng phải chỉ là những hiện tượng vật chất mà người ta dùng rồi vứt bỏ. Chúng đều cần thiết cho mình đạt đến lý tưởng toàn thiện của mình, cũng như trong một hòa khúc mỗi nốt nhạc đều góp phần vào toàn bộ. Bằng trực giác, Ấn Độ từng cảm thấy rằng yếu tính của vũ trụ đối với ta có một ý nghĩa sinh tử. Ta phải ý thức được trọn vẹn điều này và thiết lập với vũ trụ những mối liên hệ khả dĩ giúp ta nhận thức được vũ trụ trong một tinh thần thông cảm, với một cảm thức hân hoan và hòa hảo khoảng khoát chứ không phải với cái xung lực duy nhất của hiếu kỳ khoa học hay tìm tòi lợi lộc vật chất.
Từ một quan điểm nào đó con người khoa học biết rằng thế giới chẳng phải chỉ là những gì mà các giác quan của ta cảm nhận được. Họ biết rằng đất và nước thực ra là sự chuyển vận của các lực lượng biểu thị cho ta như là đất và như là nước, mà ta không sao tự giải thích cho ta được. Cũng vậy, con người mà tinh thần đã khải thị biết rằng cái chân lý rốt ráo của đất nước nằm trong sự thấu đáo của ta được cái ý chí vĩnh cửu tác động trong thời gian và thể hiện trong các lực lượng mang những hình thức kia cho ta thấy. Tuy nhiên đó chẳng phải chỉ là kiến thức, như khoa học, mà còn là một sự linh hồn tri giác linh hồn. Sự này không đưa lại cho ta một quyền năng, như kiến thức đưa lại, mà đưa lại cho ta một niềm hân hoan, kết quả của sự phối hợp của những cái như nhau. Con người mà kiến thức về thế giới không thể đưa đi xa hơn cái tầm mức khả năng của khoa học không bao giờ hiểu nổi những gì mà con người có tinh thần khải thị có thể tìm thấy trong các hiện tượng thiên nhiên. Đối với con người này, nước chẳng phải chỉ rửa sạch chân tay, nước còn thanh lọc tâm mình, vì nước còn làm rung động linh hồn mình. Đất chẳng phải chỉ nâng cái thân mình, mà còn làm hoan hỷ tinh thần mình, vì sự sờ mó chẳng phải chỉ là một sự tiếp xúc vật chất, mà là một sự hiện diện sống động. Khi không ý thức được sự liên hệ giữa mình và thế giới, người ta khác nào sống trong một ngục thất giữa bốn bức tường thù nghịch. Khi tìm thấy tinh thần bất diệt của mọi vật, người ta được giải phóng, vì lúc đó người ta khám phá ra cái ý nghĩa trọn vẹn của cái thế giới trong đó mình sinh ra; người ta sống trong cái chân lý toàn thiện, và sự hòa đồng của mình với vũ trụ được bảo đảm. Ở Ấn Độ, người ta răn dạy mọi người hãy ý thức được trọn vẹn, trong thể xác mình cũng như trong linh hồn mình, sự liên hệ mật thiết giữa mình với tất cả những cái gì chung quanh mình; người ta răn dạy mọi người hãy chào mừng mặt trời mọc, chào mừng nước suối, chào mừng đất đai phì nhiêu, như những biểu thị của cùng cái chân lý sống động kia nó bao gồm luôn cả con người. Lời mà chúng tôi hằng ngày suy ngẫm là chương yâyatri, một chương thâu gọn cho chúng tôi cái tinh túy của mọi Phệ đà. Nhờ đó, chúng tôi cố gắng cảm tri cái nhất tính nền tảng của thế giới với linh hồn ý thức của con người: chúng tôi tập tri giác sự nhất trí được duy trì do Tinh thần bất diệt và duy nhất đã tạo ra đất, trời và tinh tú, và đồng thời nung nấu tư tưởng của chúng tôi bằng cái ánh sáng của một ý thức chuyển động và không ngừng sinh hoạt với thế giới bên ngoài.
Bảo rằng Ấn Độ không chịu chấp nhận sự bất bình đẳng của giá trị giữa các vật này vật kia là điều không đúng; Ấn Độ biết rằng như thế làm sao sống nổi. Tư tưởng Ấn Độ không phải không biết cái ưu thế của con người trên hệ thống vạn vật, nhưng Ấn Độ có quan niệm riêng của mình về cái ưu thế ấy thực sự ra sao. Ưu thế ấy đâu phải là một khả năng chiếm hữu, mà là một khả năng phối hợp. Do đó Ấn Độ xưa nay vẫn chọn là những nơi hành hương những nơi nào mà cảnh vật thiên nhiên phải đẹp, phải có một vẻ huy hoàng đặc biệt, để cho tư tưởng đến đó thoát ra được cái chân trời thiết cận hẹp hòi của mình và cảm thức thế nào là vị trí của mình trong không gian vô tận. Vì lẽ đó, ở Ấn Độ, cả một dân tộc xưa kia ăn thịt đã từ bỏ mọi thực phẩm sinh vật để bồi dưỡng một cảm thức thông cảm với tất cả những gì sống động – biến cố duy nhất trong lịch sử nhân loại.
Một khi bằng những hàng rào vật chất và tinh thần chúng ta lại quyết liệt tự phân cách mình với nếp sống vô tận của thiên nhiên, một khi chúng ta trở thành những con người tầm thường, chứ không còn là “con người trong vũ trụ” nữa, cũng là khi chúng ta tạo ra những vấn đề rối rắm – và một khi chúng ta tự mình làm cạn cái nguồn giải quyết các vấn đề ấy, chúng ta thử thách mọi thứ phương pháp giả tạo nhất nhất đưa lại không biết cơ man nào là khó khăn bất tận. Ấn Độ từng biết thế. Khi con người từ bỏ cảnh sống êm đềm của mình trong thiên nhiên, và muốn đi trên sợi dây cứng đơ duy nhất của nhân loại, thì hoặc là phải ngã, hoặc là làm được những trò khéo léo phi thường; để đứng mà không ngã con người luôn luôn phải căng thẳng từng đường gân từng thớ thịt. Rồi, trong những lúc mệt lả, con người nguyền rủa Thượng đế; con người khoái trá và trong lòng tự đắc cho rằng toàn thể vũ trụ đã hành hạ mình.
Nhưng cứ thế đời đời kiếp kiếp tiếp diễn mãi sao được. Con người phải làm sao nhận thức được sự hiện hữu trọn vẹn của mình và giữ trọn địa vị mình trong vô tận; con người phải làm sao hiểu được rằng dù cho mình cố ngoan cố xoay xở thế nào đi nữa, mình không bao giờ có thể tạo ra mật trong các lỗ của tổ ong mình, và rằng cái kho thực phẩm và sinh lực vô tận là ở ngoài các thành của tổ ong mình. Con người phải làm sao hiểu được rằng một khi mình cắt đứt mọi tiếp xúc bổ dưỡng và thanh lọc với vô tận; và chỉ tự tin ở mình để sinh sống và bảo trì sức khỏe, là mình điên rồ, là mình tự xé mình ra trăm mảnh, là mình ăn sống nuốt tươi chính cái bản chất của mình.
Khi con người mất đi cái căn bản mà toàn thể cung cấp cho mình, thì sự bần cùng của mình cũng mất đi cái đức tính đẹp nhất của nó là tính giản dị, mà chỉ còn là khả ố bần tiện. Sự giàu sang của mình không còn là huy hoàng mà là lố bịch. Các khao khát của mình không còn nằm trong các giới hạn tự nhiên của chúng, không còn nhằm cái mục đích duy nhất là cho mình sống; chúng trở thành tự chúng là những cứu cánh, thiêu đốt đời mình, và điên cuồng nhảy múa trước ánh lửa thiêu. Trong cách thức diễn tả của ta, lúc đó ta lo làm ngạc nhiên mà không còn lo làm thích thú. Trong nghệ thuật, ta ve vãn độc đáo mà quên hẳn chân lý, tuy cũ mà luôn luôn mới. Trong văn chương, toàn diện con người, tuy đơn giản mà vĩ đại, ta đã không nắm được; trái lại, con người đối với ta là cả một vấn đề tâm lý, hay là hiện thân của một đắm say cuồng nhiệt bởi chứng bất thường và được làm nổi bật trong các ngọn lửa chói lòa của một ánh sáng giả tạo. Khi tâm thức của con người bị hạn hẹp vào cái gì trực tiếp liên hệ đến cái nhân ngã của mình, thì các rễ sâu nhất của bản thân mình không còn tìm ra cái đất thiên nhiên của mình, tinh thần mình có thể bị kiệt quệ bất cứ lúc nào, và mình lấy những nỗ lực vờ vĩnh thay thế cho một sinh lực lành mạnh. Lúc đó, con người đã mất cái viễn ảnh nội tại của mình, con người đo lường sự vĩ đại theo tầm vóc mình chứ không còn theo các liên hệ sinh tử của mình với vô tận; con người nhận xét hoạt động của mình theo sự chuyển động của mình chứ không còn theo sự bình thản của toàn thiện, không còn theo sự an tĩnh cố hữu trong vòm trời tinh tú, trong điệu vũ nhịp nhàng của sáng tạo không ngừng.
Sự xâm lăng đầu tiên vào đất Ấn cũng giống đúc như sự xâm lăng vào đất Mỹ của các thực dân Âu. Các người này cũng phải đối phó với rừng rú hoang vu, cũng phải tranh đấu khốc liệt với những sắc dân bản xứ. Nhưng họ đã tiếp tục cuộc tranh đấu ấy với các con người khác, với thiên nhiên, cho đến cùng; họ chưa hề đi đến một cuộc hòa hợp. Ở Ấn Độ, các rừng rú từng là những sào huyệt của các man di đã trở thành các nơi ẩn dật của các bực hiền nhân, nhưng ở Mỹ châu, con người đã không đọc ra một ý nghĩa gì thâm sâu ở các giáo đường nguy nga sống động mà thiên nhiên cống hiến họ; họ chỉ thấy đó là một nguồn phú cường, đôi khi nhu cầu thẩm mỹ của họ cũng tìm thấy ở đó một thỏa mãn nào và một nhà thờ biệt lập cũng tìm ra một thi hứng nào, nhưng tâm mọi người không hề biết tôn thờ những nơi đó như là những nơi đưa lại sự an ủi tinh thần cho linh hồn con người có thể hòa đồng con người có thể hòa đồng linh hồn vũ trụ.
Tôi không có ý bảo rằng như thế là không phải. Nếu lịch sử lại cứ phải lập lại đúng một mực tại bất cứ mọi nơi thì quả thật là phung phí các hoàn cảnh. Để lợi cho sự giao dịch tinh thần, các dân tộc ở nơi này nơi nọ cũng nên mang lại đại thị trường nhân loại những sản phẩm khác nhau, sản phẩm này bổ khuyết cho sản phẩm kia, mà ai nấy đều cần. Tôi chỉ có ý bảo rằng ngay từ buổi đầu lập quốc, Ấn Độ ở trong một bối cảnh đặc biệt mà Ấn đã biết khai thác. Sử dụng các hoàn cảnh đưa đến cho mình, Ấn đã suy ngẫm, đã trầm tư, đã dày công, đã đau khổ và đã đi sâu vào các tận cùng của kiếp. Những gì Ấn thành tựu chắc hẳn không hoàn toàn không có giá trị đối với những dân tộc mà quá trình biến chuyển đã diễn ra trào lưu lịch sử theo một chiều hướng hoàn toàn khác hẳn. Để trưởng thành trọn vẹn, con người phải cần đến tất cả các yếu tố sống động tạo thành đời sống phức tạp của mình; cho nên các thức ăn của con người phải được sản xuất trên các đồng ruộng khác nhau và đưa đến từ các nguồn khác nhau.
Văn minh là một thứ khuôn mà mỗi quốc gia hì hục làm ra để đổ khuôn dân mình cả nam lẫn nữ theo cái lý tưởng đẹp nhất của mình. Tất cả định chế, các pháp chế, các tiêu chuẩn khen chê, các giáo lý ý thức và vô thức đều nhằm vào mục đích này. Văn minh Tây phương hiện đại, bằng mọi nỗ lực có phương pháp của mình, lo đào tạo những con người hoàn toàn đắc lực trong các địa hạt vật lý, trí tuệ và tinh thần. Trên các địa hạt này, các dân tộc dốc toàn lực ra để bành trướng quyền năng của con người trước hoàn cảnh của mình; người ta vận dụng và phối hợp mọi khả năng của mình ra để chiếm hữu và sử dụng những gì mình nắm được, để chiến thắng mọi chướng ngại cản trở bước đường chinh phục của mình. Họ không ngừng luyện tập để chiến đấu với thiên nhiên, với các chủng tộc khác; vũ khí của họ mỗi ngày một ghê gớm; máy móc của họ, các phát minh của họ, các tổ chức của họ tăng gia với một tốc độ kinh khủng. Có lẽ là một kết quả kỳ tuyệt và một kỳ dị của quyền năng con người không khuất phục trước bất cứ trở ngại nào và nhằm mục đích để con người ngự trị toàn thể vũ trụ.
Văn minh xưa của Ấn cũng có lý tưởng riêng về toàn thiện, và cũng nỗ lực đạt đến lý tưởng ấy. Mục đích của Ấn chẳng phải là quyền uy; Ấn không quan tâm phát huy triệt để các tiềm lực của mình, không tổ chức dân mình để thủ hay công, để cộng tác hầu thâu đoạt của cải và thống trị chính trị hay quân sự. Lý tưởng mà Ấn cố thực hiện đã đưa những con người ưu tú của mình tự biệt lập trong một nếp sống suy tư. Và các kho tàng mà Ấn đã chinh phục được cho nhân loại bằng cách đi sâu vào các bí mật của chân lý chân chính thì Ấn đã phải trả một cái giá rất đắt trong địa hạt của những thành công mà thế giới hiện nay thừa nhận. Tuy nhiên đó cũng là một thực hiện cao cả, một biểu thị cao cả của nguyện vọng con người không chấp nhận giới hạn, và mục đích chẳng phải là gì khác là “thể hiện” vô tận.
Chúng tôi cũng từng có những con người đạo đức, những bực anh hùng và những nhà thông thái; chúng tôi cũng có những chính khách tài ba, những minh quân, những đại đế. Trong tất cả những người ấy, những người nào là những người được Ấn đã chọn lựa để tôn kính, những người nào đã được Ấn coi như là những tiêu biểu thanh cao nhất cho nhân loại?
Đó là các rishi. Rishi là gì? “Là những người được đã được Linh hồn tối thượng trong kiến thức, đã thấm nhuần minh triết, những người đã thấy linh hồn tối thượng kia hoàn toàn hòa hợp với linh hồn mình nên đã hoàn toàn hòa hợp với linh hồn mình nên đã hoàn toàn hòa hợp với nội tâm mình. Khi đã thực hiện được linh hồn tối thượng trong tâm mình, họ cởi bỏ được mọi dục vọng vị kỷ khi đã ý thức được linh hồn tối thượng trong mọi hoạt động của nhân sinh họ đã đạt đến bình thản. Các rishi là những người vì ở đâu cũng đã đạt đến Thượng đế tối thượng, nên đã tìm được thanh tịnh bất diệt, nên đã hòa mình với mọi vật, nên đã thâm nhập vào đời sống của Vũ trụ”.
Do đó, ở Ấn, cái trạng thái mà người ta đã nhận thức được mối liên hệ của mình với vạn vật, đã thâm nhập vạn vật bằng sự phối hợp với Thượng đế để được coi là cái mục đích rốt ráo và thành tựu của nhân loại.
Con người có thể phá hoại và cướp bóc, có thể thăng và thâu thập, sáng chế và khám phá, nhưng con người vĩ đại vì linh hồn mình bao trùm vạn vật. Đối với con người, gò bó linh hồn mình vào cái vỏ bất động của lãnh đạm thường lệ hay lao mình vào hoạt động hùng hục mù quáng, như một cơn gió lốc bụi mù khiến mình không còn thấy chân trời là đâu, cũng chỉ là một sự phá hoại như nhau, không hơn không kém. Như thế là giết chết chính cái tinh thần của bản thể mình, tức là tinh thần nhận thức. Trong cái yếu tính của mình, con người chẳng phải nô lệ của mình, cũng chẳng phải nô lệ cho thế giới; con người là một tình nhân. Sự tự do và sự thành tựu của con người là ở trong tình yêu, tức là một cái danh hiệu khác của nhận thức trọn vẹn. Nhờ cái khả năng nhận thức này, nhờ sự thấm nhuần này của toàn thể bản thể mình, con người hòa mình vào cái Tinh lý nó thâm nhập mọi vật, và đồng thời cũng là hơi thở của linh hồn mình. Nếu lại cố gắng vươn lên muốn hơn người bằng cách lấn át và chà đạp kẻ khác, nếu lại cố gắng đạt đến thành công để tự phụ rằng mình hơn kẻ này người nọ, thì người ta đã tách rời Tinh lý ấy. Vì thế cho nên trong các Upanishads, những người đã đạt được mục đích của kiếp nhân sinh được mệnh danh là con người “bình dị” và “là một Thượng đế”, ý bảo rằng họ hoàn toàn hòa đồng với con người và thiên nhiên, và do đó hòa đồng với Thượng đế mà không gì có thể làm xao xuyến.
Chúng ta cũng từng thấy cái chân lý trong lời giảng dạy của Giê – su, khi Người nói: “Một con lạc đà muốn chui qua lỗ kim còn dễ hơn là một người giàu có vào cõi thiên đàng” – Ngụ ý rằng tất cả những gì ta quý chuộng chỉ vì hà tiện đều biệt lập ta với thiên hạ; càng nhiều của cải càng lắm giới hạn. Kẻ chỉ lo tích tụ của cải là một cái ngã phồng lên không ngừng, nên không sao qua lọt các cửa nhận thức thế giới tâm linh, tức là thế giới của hòa đồng trọn vẹn, kẻ đó bị tù túng trong cái khuôn khổ hẹp hòi của các thụ đắc vụn vặt của hắn.
Cho nên điều cốt yếu của giáo lý Upanishad là: “Để tìm ra Ngài, phải đón nhận tất cả”. Khi theo đuổi làm giàu, thật ra người ta đã từ bỏ tất cả để thụ đắc vài cái – và không phải như thế mà người ta đạt tới Đấng là toàn thể.
Ở Âu, một số triết gia hiện đại, trực tiếp hay gián tiếp chịu ảnh hưởng Upanishad, đã không thọ ơn thì chớ lại con chủ trương rằng Phạm Thiên của Ấn Độ là một trừu tượng thuần túy, là một phủ nhận tất cả những gì hiện hữu trên thế giới, nói tóm lại, rằng Hữu thể vô tận chả thấy ở đâu khác ngoài những sách siêu hình học. Có lẽ một chủ thuyết như vậy đã từng ảnh hưởng và còn ảnh hưởng một số đồng bào chúng tôi. Nhưng có điều chắc chắn là nó không phù hợp với cái tinh thần thấm nhuần toàn thể tư tưởng Ấn. Trái lại, tư tưởng Ấn trong sự khẳng định và sự nổ lực nhận thức ở vạn vật sự hiện diện của Vô tận.
Chúng tôi được răn dạy phải xem “mọi vật hiện hữu trên thế giới như một Thượng đế bao trùm”.
Tôi vẫn và mãi mãi khấu đầu trước Thượng đế, Ngài ngự trong lửa và trong nước, Ngài thấm nhuần khắp thế giới, Ngài ngự trong các mùa màng hàng năm cũng như trong các cây đại thụ”.
Phải chăng đó là một Thượng đế mà người ta có thể loại bỏ ra khỏi thế giới? Trái lại, như thế có nghĩa là không những phải thấy Ngài ở vạn vật mà còn phải kính chào Ngài ở mọi vật trên đời. Trong các Upanishads, thái độ đối với thế giới của con người ý thức được Thượng đế là một cảm giác sùng bái thâm sâu. Đối tượng sùng bái của họ hiện diện khắp nơi. Đó là chân lý sống động duy nhất làm cho mọi thực tại thành thực. Chân lý ấy chẳng phải chỉ là kiến thức mà thôi, mà còn là sùng tín. Namo namah, chúng tôi phủ phục trước Ngài khắp nơi, đi đi lại lại hằng hà không biết bao lần. Đó là lời nguyện của vị rishi, ngỏ lời với toàn thế giới trong một niềm hân hoan đột khởi: “Xin thấu lòng con, hỡi con của Tinh thần bất diệt, hỡi Ngài ở trên thiên giới, con đã biết được Nhân vị Tối thượng mà hào quang soi thấu cõi u minh”. Chứ không phải đó là niềm hân hoan say sưa của một kinh nghiệm trực tiếp và tích cực không chút dấu vết gì là mơ hồ hoặc thụ động hay sao?
Đức Phật là người đã phát triển khía cạnh thực tế của các giáo lý Upanishad, cũng giảng dạy như thế khi ngài phán: “Với vạn vật, dù trên trời hay dưới đất, dù gần hay xa, dù hữu tình hay vô tình, ta cũng đồng giữ một tình thương vô hạn, không chút sân hận, không ý sát hại. Sống trong tâm trạng ấy khi đi đứng, khi nằm khi ngồi cho đến khi ngủ là Phạm hạnh (brahmavithâra), hay, nói theo cách khác là sống, cử động và tìm niềm hân hoan trong tinh thần Phạm thiên”.
Tinh thần ấy là gì? Upanishad dạy ta rằng: “Hữu thể vốn dĩ bản tính là ánh sáng và sinh lực của vạn vật, là tâm thức của thế giới, đó là Phạm thiên”. Cảm thấy hết, ý thức được hết là Phạm tính. Chúng ta là thân tâm chìm trong Phạm thức. Chính nhờ Phạm thức mà mặt trời thu hút trái đất; chính nhờ Phạm thức mà các luồng ánh sáng truyền từ hành tinh nà sang hành tinh khác.
Chẳng phải chỉ trong không gian mà thôi! “Ánh sáng kia, sinh lực kia, hữu thể toàn – thức kia đều ở trong linh hồn ta”. Phạm thiên là toàn - thức trong không gian, thế giới của “hàm thị”; và Phạm thiên là toàn thức trong linh hồn, thế giới của “hàm súc”.
Do đó, muốn đạt tâm thức vũ trụ của ta, ta phải hòa đồng cảm giác của ta với cảm giác vô biên kia nó thâm nhập vạn vật. Thật vậy, đối với con người, tiến bộ thực sự phù hợp với sự mở rộng tính căn bản của các tình cảm của ta. Tất cả thi ca của ta, triết học của ta, khoa học của ta, nghệ thuật của ta và tôn giáo của ta, khoa học của ta, nghệ thuật của ta và tôn giáo của ta là dùng để cho tâm thức ta bao trùm được các địa hạt rộng lớn hơn và cao cả hơn. Con người đâu phải thu phục con người bằng sự chiếm cứ được một khoảng đất lớn hơn, hay bằng hành vi bên ngoài của mình. Quyền hành của con người chỉ rộng ra khi con người là thực, và cái thực tính của con người cũng do theo sự rộng hẹp của tâm thức mình.
Tuy nhiên muốn tâm thức được tự do, ta không thể không trả giá. Giá ấy là gì? Là từ bỏ cái ngã nhỏ bé của mình. Phải tự vứt bỏ mình, linh hồn ta mới tự thực hiện được. Upanishad dạy ta: “Có cho đi mới nhận được”, “người sẽ không thèm khát”.
Gitâ răn ta hãy làm việc mà đừng vụ lợi bằng cách từ bỏ các kết quả của công trình của ta. Nhiều người thiển cận vội kết luận rằng cái quan niệm cho đời là hư ảo là gốc rễ của mọi cái gọi là không vụ lợi mà người ta truyền dạy ở Ấn. Nói ngược lại mới đúng.
Người nào đã lấy sự cao quí của bản thân làm mục đích, người đó coi thường mọi sự. So với nó, thế giới là hư ảo. Do đó, để ý thức được trọn vẹn cái thật tính của vạn vật, chính người ấy phải cởi bỏ mọi xiềng xích của dục vọng cá nhân. Chúng ta phải khắc phục được điều này mới mong làm trọn được nghĩa vụ xã hội của chúng ta: là chia sẻ gánh nặng với đồng loại. Mọi cố gắng đạt đến một đời sống khoảng khoát hơn buộc con người “phải cho đi để thâu nhận, và đừng thèm khát”. Do đó, tuần tự phát triển cái ý thức về sự nhất tính của mình với vạn vật là mục đích mà nhân loại cố gắng đạt đến.
Ở Ấn, vô tận phải chăng là một dụng công mỏng manh vô nghĩa. Các rishi của chúng tôi từng khẳng định hẳn hoi rằng: “Biết được Nó trong kiếp này là thật; không biết được Nó trong kiếp này là chết thiểu tê não”. Vậy làm sao để biết được Nó? “Bằng cách nhận thức được nó ở mỗi vật và ở mọi vật”. Không những trong thiên nhiên, mà cả trong gia đình, trong xã hội và trong quốc gia, càng ý thức được Tâm thức vũ trụ ở mọi cái, càng hay cho ta. Không nhận thức được tâm thức ấy, chúng ta tiến đến diệt vong.
Tôi vô cùng hoan hỷ và chứa chan hy vọng tương lai nhân loại khi tôi nhớ lại rằng xưa kia, đã có dạo các nhà thơ tiên tri của chúng tôi, dưới ánh nắng tràn trề của bầu trời Ấn Độ, đã hoan nghênh thế giới về cuộc đón tiếp nồng hậu dành cho một người anh em. Đâu phải là một ảo giác thần nhân đồng hình. Họ không nhìn con người phản ánh khắp nơi trong những hình ảnh phóng đại một cách thô kệch, diễn cái trò của mình trên một quy mô khổng lồ trong võ trường thiên nhiên trong đó các bóng tối và các ánh sáng đuổi bắt nhau. Trái lại, đối với họ như thế là vượt quá các hàng rào giới hạn cá nhân, trở thành hơn là người, trở thành là một với Tất cả. Như thế không phải chỉ là chơi cái trò tưởng tượng, như thế là giải thoát tâm thức khỏi tất cả những trò tưởng tượng, như thế là giải thoát tâm thức khỏi tất cả những trò lừa dối và phóng đại cái ngã. Các nhà tiên tri xưa ấy cảm thấy trong các tầng lớp thâm sâu bình thản của tinh thần họ rằng cũng cùng cái khí lực nó rung động lan tràn trong các hình thức vô tận của vũ trụ, đồng thời cũng biểu thị như là tâm thức trong nội tâm ta, và rằng cái nhất tính ấy bị lũng đoạn. Đối với họ, không có một bóng tối nào trong cái nhỡn quan của họ về toàn thiện. Họ không thể chấp nhận rằng ngay cả sự chết có thể đào được một vực thẳm trong cánh đồng của thực tại. Họ nói: “Nó phản chiếu trong cái tử cũng như trong cái bất tử”. Họ không thừa nhận một sự tương khắc thiết yếu nào giữa sống và chết, và tuyên bố một cách quả quyết tuyệt đối rằng: “Chính cái sống là cái chết”. Họ đón chào vẫn bằng cái thái độ bình thản hân hoan “cái sống trong phương diện xuất hiện của nó và trong phương diện ra đi của nó. Cái gì đã qua ẩn trong sự sống, và là bề ngoài cũng như các lượng sóng trên mặt biển, và rằng sự sống, vốn dĩ thường hằng nên không biết có suy có giảm.
“Mọi vật đều phát xuất từ cái sống bất diệt và đầy nhựa sống”, vì “cái sống thật bao la”.
Đó là cái di sản cao quý của tổ tiên chúng tôi để lại. Và cái lý tưởng tự do tín ngưỡng tối thượng kia đang chờ đợi chúng tôi nhận lại là của chúng tôi. Nó chẳng phải chỉ là trí tuệ hay tình cảm; nó có một căn bản đạo đức và phải được diễn tả bằng hành động. Trong Upanishad có nói: “Hữu thể tối thượng thấm nhuần tất cả, và do đó Người là cái thiện bẩm sinh ở tất cả”. Thật sự hòa đồng với tất cả trong kiến thức tình yêu và phục vụ, và do đó nhận thức cái Ngã trong Thượng đế vô sở bất tại chính là tinh túy của cái thiện. Và đấy là cái then chốt của giáo lý Upanishad: “Cái sống thật bao la”.
THỰC NGHIỆM TÂM LINH – NHƯ HẠNH DỊCH - NXB VĂN HỌC, 2007.
Mọi người đều có sự kích thích trở thành giới tinh hoa. _ Alfre Woodard🍀 Bí mật tương lai của bạn được che giấu trong thói quen hàng ngày của bạn. _
Chánh Niệm Tỉnh Giác nơi tánh nghe là phương pháp và mục đích mà thầy dạy trong thực hành tu một ngày kỳ ba này.Trong kinh Lăng Nghiêm nói “Một tinh minh
PHẬT GIÁO VÀ GIAO ĐIỂM VĂN HÓA ĐÔNG TÂYKhông phải chỉ ở thế kỷ 20, chúng ta mới thấy có sự tiếp xúc, giao hòa giữa Đông Phương (ĐP) và Tây Phương
Lễ Tắm Phật bắt nguồn từ sự hạ sanh ra đời của Đức Phật từ cung trời Đâu Suất. Khi ra đời, “ một hào quang vô lượng kỳ diệu vượt xa
Đời sống tốt đẹp thì được cảm hứng bởi tình thương và được hướng dẫn bởi hiểu biết._ Bertrand Russell⚜️ Tri thức là quyền lực._ Francis Bacon⚜️ Kiến thức thì không có
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt