Suốt thời gian trị vì của vị vua pháp đầu tiên của Tây Tạng Songtsen Gampo (617-698 C.E.), sự thực hành giáo lý Phật giáo được đưa đến với người cư sĩ và khoảng bốn thế kỷ sau đó sự thực hành trong các tu viện tăng sĩ được thành lập. Tuy nhiên, ở Mỹ sự thực hành cho cư sĩ và cho các tu viện được thành lập cùng một lúc (vào các năm 1970) trong vòng một thế hệ. Ở Tây Tạng các người tu tại gia để tóc dài và mặc đồ trắng còn các tăng sĩ thì mặc y nâu sẵm và vàng. Sau đó dưới triều vua Langdarma (trị vì 901-906 C.E.), giáo pháp của đức Phật bị đàn áp bằng cách loại trừ hết mọi người xuất gia, nhưng các người tu tại gia vẫn có thể tu trì theo giáo lý. Đó là lý do tại sao người tu tại gia rất được coi trọng trong truyền thống Tây Tạng. Thọ cụ túc giới đưa lại cho tăng ni có nhiều cơ hội để tu tập và học hỏi nhằm giúp họ có được một đời sống an lạc. Cái giới luật (sila) này, nghĩa nôm na là "mát". Mát là điều hết sức quan trọng ở Ấn Độ vì đó là một xứ rất nóng. Đức Phật ví đời sống của người tại gia như một hầm lửa, bởi tâm họ luôn bị dày vò bởi đủ mọi vấn đề thế tục và họ không ngớt dính vào biết bao các hoạt động bận rộn. Trong khi đời sống của tăng ni giống như ở trong căn nhà mát, vì họ không có các lo âu thế tục như con cái, vợ chồng, hay các sở hữu thế gian phải lo toan. Sự sống của người tại gia có vẻ như thích thú hơn vì họ được ca hát, nhảy múa đủ thứ, nhưng thực ra đời sống tu viện an lạc và hài hòa hơn nhiều. Các thú vui và thụ hưởng của cuộc sống tại gia không có thực chất và căn bản là khổ đau. Thế nên tại sao, sau khi thọ giới, sẽ có nhiều cơ hội và thời gian để tu tập và thiền định cho thích đáng. Sau khi thọ giới, người ta có thể cảm thấy bị tù túng bởi mình không được làm cái này làm cái kia, nhưng thực ra, do vì chúng ta bỏ được những gì cần phải bỏ, chúng ta thấy mình thoải mái hơn trong một tình trạng giản dị và nhẹ nhàng hơn. Có bốn giới tướng mà các vị tăng ni phải thọ nhận. Giới thứ nhất là không được trộm cắp. Chúng ta có thể cho rằng nếu lấy được vật gì mà chủ nhân không hề hay biết tức chúng ta sẽ có vật ấy mà khỏi phải tốn tiền. Chúng ta có thể thành công lần đầu tiên chúng ta trộm mà không bị phát giác hoặc chúng ta có thể bị bắt tại trận. Nếu chúng ta thành công, tâm chúng ta sẽ không hài lòng và chúng ta sẽ muốn nữa và nữa và trở thành thói quen trộm cắp. Tuy nhiên, nếu chúng ta phát nguyện trước thầy mình hay trước tượng của đức Phật, kể từ giờ trở đi không ăn trộm nữa, chúng ta sẽ không sợ bất cứ người nào khác. Vấn đề của chúng ta được giải quyết và chúng ta cảm thấy mình được nhiều tự do hơn. Giới thứ hai là không dâm dục. Một chàng trai lái một chiếc xe hơi đẹp với cô bạn gái kề bên có thể là những giây phút rất thích thú, nhưng bên trong có thể chàng ta không ngớt lo âu là mình sẽ làm điều gì đó khiến cô gái kia buồn, khiến cô ta giận hờn, hoặc chàng làm sao đó mà cô ta không hạnh phúc nữa. Vì thế nếu chàng và nàng có liên hệ tốt với nhau, nó sẽ có vấn đề; nếu hai bên liên hệ không tốt đẹp thì nó lại có vấn đề một cách khác. Nhưng nếu chúng ta phát nguyện không dâm dục, thì ngay sau đó trở đi, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi kiểu khổ đau cứ không ngớt lo lắng về liên hệ nam nữ như thế. Giới thứ ba là không sát sinh. Nếu chúng ta chưa thọ giới, chúng ta có thể giải quyết vấn đề bằng cách giết kẻ thù và bỏ trốn. Nhưng thân quyến và bằng hữu của kẻ thù sẽ lại trở thành kẻ thù của chúng ta để tăng thêm cho vấn đề. Cũng vậy, chúng ta có thể không thọ giới không sát này chỉ vì chúng ta tin rằng tình trạng này sẽ không bao giờ xảy ra. Mà ngày nào đó tình trạng này có thể sẽ xảy đến. Thế nên, nếu chúng ta thọ giới không giết, chúng ta sẽ thoát được hoàn toàn niềm đau khổ do các vấn đề ấy gây ra. Giới thứ tư là không nói dối. Người ta cho rằng người ta có thể tránh thoát các vấn đề bằng cách nói dối, nhưng không phải vậy. Sakya Pandita có nói rằng bằng cách nói láo, chúng ta có thể có ý muốn lừa dối kẻ khác, nhưng thực ra, lại là chúng ta tự lừa dối mình đó thôi. Nếu mình đã một phen nói láo, thì sau đó người ta sẽ không tin mình nữa dù mình nói sự thật. Nếu mình nói láo với kẻ thù hay với người mà mình không tin tưởng, thì rồi người ấy sẽ dứt khoát không tin mình nữa. Nếu mình nói láo với người mà mình có liên hệ tốt, thì từ đó trở đi họ sẽ mất tin tưởng vào mình và sự liên hệ sẽ bị tan vỡ. Vì thế ngay khi khởi sự nói láo chúng ta sẽ trở thành như một âm vang và không ai tin mình nữa. Bốn duyên Theo như giáo lý của đức Phật, nếu chúng ta tuân hành theo các giới không trộm, không sát, không dâm, và không vọng, thời đời sống chúng ta sẽ rất hài hòa và "mát mẻ" với các giới luật này. Với mỗi giới trong bốn giới này cần phải có bốn duyên hội đủ trước khi giới ấy thực sự bị phạm. Bốn duyên này là : cảnh, tưởng, hưng phương tiện, và thành cứu cánh. Nếu chúng ta thọ giới không trộm cắp, thì "cảnh" là những gì thuộc về người khác và có ích cho họ. Nếu chúng ta lấy những gì không đáng giá như cây kim, sợi dây của ai đó, thì điều này không hại lắm. Duyên thứ hai là "tưởng" (tức ý định trong tâm). Nếu chúng ta có tâm ý xấu và biết rằng các vật này thuộc về người khác và muốn trộm chúng, thì như thế là thành ăn trộm. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có ý trộm, như lấy lầm đồ của người khác hay lấy các đồ của bạn bè biết rõ là bạn không hề phản đối, thì đó không phải là nghiệp xấu. Duyên thứ ba là "khởi phương tiện". Chỉ mới có ý định trộm cắp chưa phải là tội. Nhưng tiếp theo ý định ấy bằng một hành động trộm thì dứt khoát đó là một nghiệp ác. Duyên thứ tư là "thành cứu cánh". Nếu, chẳng hạn như, chúng ta có ý định trộm vật có chủ song vì quá bịnh đến nỗi không lấy được gì hết, thời đó không phải là một nghiệp ác đưa đến một karma ác. Đối với những ai đã thọ cụ và lãnh các giới tướng rồi, thì cảnh của giới không sát là con người. Tuy nhiên, đối với những ai chưa thọ cụ nhưng đã thọ lãnh giới tướng, thì cảnh là bất cứ gì có tâm thức. Duyên thứ hai "tưởng" rất quan trọng trong khi chúng ta trồng trọt, chúng ta có thể sơ ý giết nhiều sâu bọ. Hoặc chúng ta có thể ném một hòn đá từ đỉnh đồi mà vô tình có thể làm thiệt mạng một con vật. Duyên thứ ba là "khởi phương tiện". Cho dù chúng ta có ý định giết một con người hay một hữu tình song bao giờ mà hành động ấy chưa được tiến hành, thì giới không bị phạm. Duyên thứ tư là "thành cứu cánh". Dù chúng ta đã có ý giết người và khởi phương tiện để giết, nhưng người kia không chết, thời không có tội sát chi hết. Chính Đức Phật nói rằng cả bốn duyên này cần phải hội đủ để thành được tội căn bổn. Thế nên nếu bốn duyên ấy hội đủ đối với một giới nào đó, thì giới ấy bị phạm, nhưng nếu bốn duyên không hội đủ, thì giới không bị phạm. Hỏi : Ngài nói rằng cảnh của sát là những gì có tâm thức. Ngài có thể nói thêm nữa về các hữu tình hoặc các dạng loại cao hơn được chăng ? Rinpoche : Nếu chúng ta cắt hay huỷ các hoa lá, rau cỏ, chúng sẽ chết bởi vì chúng có sự sống, nhưng chúng không có cảm giác hay tâm thức. Thế nên tâm thức là nói cho súc vật và sâu bọ hoặc bất cứ gì có cảm giác. Theo khoa học, ta có thể phân biệt các sắc thái khác nhau về hữu tình và vô tình, nhưng riêng tôi thì phân biệt hữu tình và vô tình theo như giáo lý của đức Phật. Hỏi : Thưa Rinpoche, có lẽ tôi hiểu sai những gì ngài nói khi ngài nói về cảnh. Ngài phân biệt cảnh thành khác nhau giữa hoặc chúng ta là một người thọ cụ túc và hoặc chúng ta chỉ thọ giới tại gia. Tôi mới cho rằng cảnh đối với người thọ cụ túc là một tình trạng hạn hẹp hơn, nhưng hình như nó lại là ngược lại. Rinpoche : Đó không phải là một sự hiểu sai, những người thọ cụ túc đã nhận lấy tâm nguyện không giết người. Nếu họ giết côn trùng hay các con vật nhỏ, thì đó là một tội lỗi, dĩ nhiên, nhưng đó không phải là một sự phạm giới thuộc thiên tội ba dật đề (parajika) của các vị tu sĩ đã thọ cụ. Nhưng trường hợp những người đã thọ giới tại gia, chẳng hạn như các ưu bà tắc (upasaka), thì vì họ đã phát nguyện không giết bất cứ chúng sinh nào, nên nếu họ giết một con côn trùng hay con vật nhỏ, là họ thành phạm giới. Khi tôi nói thọ cụ là tôi muốn nói thọ giới Tỳ khưu (gelong). Các vị tân xuất gia và các vị thọ cụ đều có cùng một tâm nguyện như vậy. Hỏi : Thưa Rinpoche, trong tăng đoàn (sangha) của chúng ta, việc uống rượu và các liên hệ ái dục rất là lan rộng, đôi khi đưa đến tình trạng hỗn loạn bởi vì mọi người không biết đối xử làm sao cho đúng đối với các việc này. Nếu chúng ta thọ giới để là một người tu tập tại gia, thì có thể chúng ta là người duy nhất trong tăng đoàn làm như thế và điều ấy rất khó mà kiên trì được. Rinpoche : Nếu chúng ta thọ giới, thì rất tốt; nhưng ngay dù không thọ giới, chúng ta vẫn có thể tu tập giới. Vấn đề ở đây là vấn đề ý định trong tâm mình. Trong Túc Sinh Truyện (Jataka), các truyện kể về các đời trước của đức Phật, có một câu truyện khi đức Phật là một thuyền trưởng của một con tàu với năm trăm thủy thủ. Tên của Ngài vào lúc ấy là "Đại Đảm". Có một kẻ rất ác có y định giết hết cả năm trăm hành khách trên tàu bằng cách đục tầu thủng một lỗ. Đại Đảm thấy người kia sắp đục thủng tàu và nghĩ rằng đó là một tội lỗi lớn của kẻ kia đi giết năm trăm người như vậy. Đại Đảm nghĩ, "Nếu ta giết kẻ ác này, thời sẽ cứu được mạng của năm trăm người kia và cũng cản được kẻ ác kia khỏi rơi vào địa ngục". Thế nên Đại Đảm giết kẻ kia bằng cách dùng búa đập vào đầu hắn. Thế nên giết một kẻ có ác tâm không phải là một tội lỗi của Đại Đảm, đúng hơn lại là một hành động phúc đức. Đó là lý do tại sao ý định trong tâm rất quan trọng. Trở lại vấn đề rượu và ái dục mà anh nói là mâu thuẫn với sự tu tập pháp (dharma). Dựa trên các hành động này, nhiều người sẽ càng để ý đến và có thái độ đối với việc tu tập pháp. Tôi cho rằng rượu và dâm dục không phải là điều xấu cho người tại gia. Tuy nhiên, đối với các tăng ni đã thọ giới, thì vấn đề lại khác hẳn. Hỏi : Rinpoche, trong văn hóa Tây phương có một khái niệm về "nói láo trắng" (white lie) nghĩa là, đôi khi mình láo là vì người. Chẳng hạn như chúng ta có thể nói với mẹ mình một điều gì đó hoàn toàn không đúng thật chỉ vì chúng ta không muốn làm bà buồn lòng. Rinpoche : Nói láo trắng ấy không hề xấu vì chúng ta nói nó với một ý định tốt trong tâm.