Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy sắc thân đầy đủ mà thấy được Phật không?

Bạch Thế Tôn, không thể. Không thể lấy sắc thân đầy đủ mà thấy Như Lai. Vì sao thế? Như Lai nói sắc thân đầy đủ tức chẳng phải sắc thân đầy đủ, đó gọi là sắc thân đầy đủ.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có thể lấy các tướng đầy đủ mà thấy được Như Lai không?

Bạch Thế Tôn, không thể. Không thể lấy các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai. Vì sao thế? Như Lai nói các tướng đầy đủ tức chẳng phải đầy đủ, đó gọi là các tướng đầy đủ.

Phật có ba thân: Pháp thân đồng với chư Phật, và Báo thân, Hóa thân, hai thân này gọi chung là Sắc thân. Báo thân và Hóa thân do hạnh nguyện riêng mà thành cho nên có khác nhau giữa các bậc giác ngộ.

Muốn thấy Pháp thân không sanh không diệt, không đến không đi, không tăng không giảm, không dơ không sạch của chư Phật và cũng chính là của mỗi chúng ta thì phải vượt qua mọi hình tướng, mọi ý tưởng. Như muốn thấy đại dương thì phải thấy xuyên qua các sóng, nghĩa là cái thấy không trụ vào các sóng. Khi cái thấy không trụ vào các sóng, đó là thấy đại dương.

Trong Mật tông, người ta cũng làm theo nguyên lý ấy trong quán bổn tôn: quán Sắc thân bổn tôn sanh khởi từ tánh Không, hợp nhất với bổn tôn như là tất cả vũ trụ, và sau đó tất cả hòa tan vào tánh Không. Do đó mà thể nghiệm Pháp thân tánh Không của bổn tôn, cũng là Pháp thân của chư Phật cho đến tất cả chúng sanh.

Trong kinh này, công phu là lìa sóng để thấy nước đại dương. Mật tông thì quán tưởng sóng và sau đó quán tưởng sóng ấy hòa tan vào nước để thấy đại dương.

Khi tâm không chỗ trụ thì chứng ngộ được Pháp thân không chỗ trụ. Khi thấy không chỗ trụ thì thấy được Pháp thân (tánh thấy) không chỗ trụ. Khi nghe không chỗ trụ thì nghe được Pháp thân (tánh nghe) không chỗ trụ… Hóa ra Pháp thân tánh Không chưa bao giờ lìa khỏi các giác quan. (Nếu lìa thì lấy cái gì mà tu!).

Xem mục lục