Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

IV. KỆ TỤNG

Kinh :  (Trong) Chân Tánh, hữu vi (là) không 
Duyên sanh nên Như Huyễn
Vô vi, không khởi diệt
Chẳng thật, như Không-hoa

Thông rằng : Hữu vi tùy theo duyên mà khởi diệt, đó là Pháp Sanh Diệt. Vô Vi không có chuyện khởi diệt, đó là Pháp Niết Bàn. Trong Chân Tánh vốn không có Tướng Sanh Tử hay Niết Bàn. Nút buộc do đâu mà khởi ? Cởi mở từ đâu mà có tên ? Thế nên, Hữu Vi là Như Huyễn, Vô Vi cũng là dụi mắt mà sanh, cả hai đều hư vọng. Ở đây, là tụng Căn và Trần đồng nguồn, trói và mở không hai. Ở trong chỗ đồng nguồn, không hai, thì thấy được hữu vô đều là hư vọng. 

Tổ Bách Trượng nói : “Phật là người không cầu, tìm cầu tức là trái. Lý là Lý không cầu, hễ cầu là mất. Nếu bám lấy sự không cầu, thế cũng lại giống với có cầu. Nếu bám lấy Vô Vi, thì đó cũng lại là Hữu Vi. Nên kinh Kim Cang nói : “Chẳng nắm giữ nơi pháp, chẳng nắm giữ cái chẳng phải là pháp, chẳng nắm giữ cái không phải là chẳng phải pháp”. 

Ngài lại nói : “Chỗ đắc pháp của Như Lai, Pháp ấy không thật, cũng không hư. Chỉ suốt một đời tâm như gỗ đá, chẳng bị Ấm, Giới, Nhập, Ngũ Dục, Bát Phong chìm đắm, thì cái nhân sanh tử đoạn trừ, đi hay ở đều tự do, không bị tất cả nhân quả hữu lậu móc níu. Lúc ấy mới lấy sự không trói buộc làm nhân mà đồng sự lợi ích cho người. Lấy tâm không trụ trước mà ứng với hết thảy vật. Dùng cái Huệ Vô Ngại mà cởi mở tất cả trói buộc, nên cũng nói là theo bệnh cho thuốc”.
Ở đây, Tổ Bách Trượng chỉ thẳng cái Chân Tánh chẳng sa vào hữu vi, đều chỉ bày phương tiện giải thoát, đó là chỗ nói “Phát minh tức thành giải thoát vậy”. 

Kinh :  Nói Vọng để hiển Chơn
Vọng, Chơn đều là vọng
Còn không (phải) Chơn, Phi Chơn
Lấy đâu Kiến, Sở Kiến ?

Thông rằng : Các pháp Hữu Vi duyên theo Căn Trần mà sanh, nên gọi là hư vọng. Còn pháp Vô Vi thoát khỏi Căn và Trần, lìa tướng khởi và diệt, cớ sao lại gọi là chẳng thật như hoa đốm ? Nói sanh diệt là Vọng là để hiển cái Chân của Niết Bàn, mà đã nói có Chân để đối với Vọng, thì Chân cũng thành Vọng, nên nói cả hai thứ đều Vọng. Vì sao thế ? Vì có cái Chân để đắc vậy. Như ở trong Chân Tánh, thì Chân với chẳng phải Chân đều bất khả đắc. Tức là Chân mà chẳng phải Chân, tức là Tánh mà không Tánh, còn làm sao có được cái Căn năng kiến và cái Cảnh sở kiến ư ?

Thấy là Có, là cái thấy huyễn. Thấy là Không, cũng là dụi mắt sanh ra. Phàm là có thấy, liền rơi vào nơi chốn, cho nên thấy có Niết Bàn để thành, tức là hư vọng đó vậy. Cái gọi là Chân, vốn nào có hư vọng, huống là cái chẳng phải Chân hay chẳng Chân, trong ấy Chân còn không thể có, thì Vọng từ đâu mà sanh ?

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Vọng hay chướng ngại tự tâm, chưa rõ nay lấy gì để bỏ Vọng ?”
Tổ nói : “Khởi lên cái Vọng để bỏ Vọng cũng thành ra Vọng. Vọng vốn không gốc, chỉ nhân phân biệt mà có. Ông chỉ nơi hai đầu phàm Thánh chớ khởi suy lường, nhớ nghĩ, thì tự nhiên không có Vọng. Lại toan tính đuổi bỏ nó là thế nào ? Tuyệt chẳng có được một mảy tơ nương bám, thì gọi là buông bỏ cả hai tay, ắt hiện thành Phật”.

Nhà sư hỏi rằng : “Đã không có chỗ nương bám, thì lấy gì trao truyền ?”

Tổ nói : “Lấy tâm truyền tâm”.

Nhà sư hỏi : “Nếu lấy tâm trao truyền, sao lại nói tâm cũng là không ?”

Tổ Bá nói : “Không đắc một pháp gọi là truyền Tâm. Nếu ngộ Tâm này, liền thật không thấy Tâm, không thấy Pháp”.

Nhà sư hỏi : “Nếu không có Tâm, không có Pháp, làm sao gọi là truyền ?”

Tổ Bá nói : “Ông nghe nói truyền Tâm, bèn cho là có thể đắc. Bởi thế, Tổ Sư dạy :

“Khi nhận được Tâm Tánh
Mới là chẳng nghĩ bàn
Rõ ràng không chỗ đắc
Khi đắc chẳng nói tri”.

Chỗ này mà muốn dạy tỏ hiểu, làm sao được ! Một chữ Tri còn chẳng tự mang lấy, mới có thể nói là Chân. 

Kinh :Ở giữa, không thật tánh
Nên giống lau gác nhau
Buộc, mở đồng một nhân
Thánh phàm không hai lối
Hãy xem tánh giao nhau
Có, Không đều chẳng phải
Mê lầm là Vô Minh
Phát minh liền Giải Thoát

Thông rằng : Ở giữa là ở giữa Năng Kiến và Sở Kiến. Do Trần mà phát ra cái Biết, thì cái Biết ấy là Thức, thuộc về Năng Kiến. Nhân Căn mà có Tướng, Tướng là Trần, thuộc về Sở Kiến. Ba cái Căn, Trần, Thức này nương nhau mà có, vốn không có thật tánh, cũng như cây lau gác nhau, nương nhau mà đứng, nguyên không có tự tánh. Thử xem cái tánh của lau gác nhau, nếu cho là không thì khi nương nhau lại tựa hồ như có. Nếu cho là có, thì khi nương nhau lại vốn là không. Chẳng phải là có chẳng phải là không, đó là không có tánh. Buộc đó, cũng là sáu Căn này mà chẳng phải có chỗ bớt đi; mở đó, cũng là sáu Căn này mà cũng chẳng có chỗ tăng thêm, lấy đâu mà gọi mở ra là Thánh, buộc lại là phàm ư ?

Vì chẳng thấu cái ý chỉ vô sanh, một niệm tự mình không biết, trong thì thấy có Năng Kiến, ngoài thì thấy có Sở Kiến, nên bị Căn Trần ràng buộc, không còn cái vốn liếng tự do. Cái mê mờ đó tức là cội gốc Vô Minh, cái chỗ cột buộc do đó mà khởi sanh vậy. Nếu như thật thấy được chỗ không có tánh, mà thoát khỏi sự dính kín, phát ra cái sáng chói vốn có của mình, khi ấy thì ánh sáng không theo Căn và thấy chẳng cần mượn Duyên. Sáu Căn dùng thay nhau, siêu việt các hình tướng thế gian. Đó là cái nhân của “Phát minh liền giải thoát”, là cái do đó mà có tên là cởi mở vậy.

Cột nút là câu sanh Vô Minh, cái Căn mối nút sanh tử, nên là phàm phu, đó là do sáu Căn này chứ không phải vật gì khác. Cởi mở chóng chứng an lạc, tịch tịnh diệu thường, gọi là Thánh Nhân, đó cũng do sáu Căn này, nào có vật gì khác ! Đồng sáu Căn này, đâu có hai đường. Kia thì ràng buộc nơi hữu vi, giống như tánh Có của cây lau gác nhau, mà tánh thật ra chưa từng có. Nọ thì ràng buộc nơi vô vi, giống như tánh Không của cây lau gác nhau, mà tánh thực ra chưa từng không. Thấu đạt cái chẳng phải có, chẳng phải không này, cái thấy không phàm không Thánh, mới có thể nói đến Chân Tánh vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Vốn đã là Phật, sao có bốn loại sanh, sáu đường, đủ thứ hình tướng chẳng đồng ?”

Tổ Hoàng Bá nói : “Chư Phật thể vốn tròn đủ, nào có tăng giảm. Trôi vào sáu đường, chốn chốn đều tròn đủ. Trong muôn loài ấy, mỗi mỗi đều là Phật. Thí như một cục thủy ngân, phân tán các nơi, mỗi hột đều tròn đủ. Như khi chẳng chia, chỉ là một khối. Đó là một tức tất cả, tất cả là một. Đủ thứ hình tướng ví như nhà cửa. Bỏ “nhà” của lừa, vào “nhà” của người; bỏ thân người để đến thân của Chư Thiên; cho đến “nhà” của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật, đều là do chỗ nắm, bỏ của ông mà có ra khác biệt. Tánh vốn xưa nay nào có khác biệt ?”

Rốt ráo thay lời nói này ! Ở ngay đây mà phát sáng được, thì có thể khiến hạng bạc địa phàm phu bước vào Thánh vị.

Kinh : Mở nút theo thứ lớp
Sáu mở, một cũng mất
Nơi Căn, chọn Viên Thông
Vào dòng, thành Chánh Giác !

Thông rằng : “Phát minh liền giải thoát”, đây là Đốn Môn, sao còn có lời nói “Mở nút theo thứ lớp” ? 

Đốn mà chẳng bỏ Tiệm nên mới là pháp môn Viên Đốn vậy. Nếu là người đại căn, đại khí, một ngộ liền đến Phật địa, còn mượn gì đến tu chứng. Kế đó là hạng mà không gì bằng là chọn Nhĩ Căn Viên Thông, một Căn trở về nguồn thì sáu Căn liền giải thoát. Trước là tiêu mất sáu Căn, kế đó mất luôn cái Một. Đó là Pháp Môn của Đức Quán Thế Âm, nhập vào Dòng, mất cái Sở, rốt ráo tịch diệt hiện tiền mà thành Chánh Giác. Ngay trong Đốn Môn, có đại ngộ tiểu ngộ, kể không xiết, đâu phải không từng có thứ lớp ?

Xưa, thiền sư Quán Khê Nhàn ban đầu tham vấn Tổ Lâm Tế. 
Tổ Lâm Tế nắm đứng Ngài hồi lâu. 
Ngài nói : “Lãnh hội vậy”. 
Tổ Lâm Tế buông ra nói : “Tha cho ông một gậy đó”.
Sau, thiền sư Quán Khê trụ núi, mới dạy chúng rằng : “Ta gặp Tổ Lâm Tế, không có ngôn ngữ gì, mà cho đến nay no mãi chẳng đói !”
Sau, Ngài đến Tổ Mạt Sơn, trước tự giao ước rằng : “Tương đương thì ở, còn không thì lật ngược thiền sàng”. 
Khi vào nhà giảng, Tổ sai thị giả hỏi : “Thượng Tọa đến thăm núi, hay vì Phật Pháp mà đến ?”
Ngài đáp : “Vì Phật Pháp mà đến”.
Tổ Sơn bèn lên tòa giảng, Ngài Quán Khê vẫn chẳng làm lễ.
Tổ Sơn hỏi : “Hôm nay rời chỗ nào ?”
Ngài đáp : “Lộ Khẩu(02)”.
Tổ Sơn nói : “Sao chẳng che lại đi !”
Ngài Khê không có lời đáp.
Tổ Mạt Sơn thay thế nói rằng : “Sao đến trong ấy được !”
Ngài Quán Khê mới lễ bái, rồi hỏi : “Như sao là Mạt Sơn ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng lộ đỉnh”.
Ngài Khê hỏi : “Như sao là chủ của Mạt Sơn ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng phải tướng nam nữ”.
Ngài Khê hỏi : “Sao chẳng biến hóa đi ?”
Tổ Sơn nói : “Chẳng là Thần, chẳng là Quỷ, biến cái gì ?”
Ngài Quán Khê chịu phục, làm người giữ vườn ba năm. 
Tổ Lâm Tế tha cho Ngài một gậy, đến đây mới liên tục. 

Sau, Ngài nói : “Tôi ở chỗ Lâm Tế, được một lần thoát, tôi ở chỗ Mạt Sơn được một lần thoát”. Ngài lại nói : “Mười phương không tường vách, bốn mặt cũng không cửa. Bày trần trụi, sáng rực rỡ, không thể nắm !”

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Ngài Quán Khê nói như thế, thì thử nói ở chỗ Lâm Tế được hay ở chỗ Mạt Sơn được ? Mặc dầu một mũi tên mà hai con chim. Nhưng có lúc chạy đi, có lúc ngồi lại. Làm sao cho hợp ? Tóm lại, mở ra đều ở ta, cầm đến, ném đi nào do ai khác ?”
Ở chỗ này mà thấu suốt được, mới mất cái Một, lúc ấy mới gọi là Chân Giải Thoát ! 

Kinh :  Thức Đà Na vi tế
Tập khí thành dòng xiết
Sợ lầm Chân, Phi Chân
Ta thường chẳng khai diễn

Thông rằng : Sáu Căn chẳng có thể làm phàm, làm Thánh, mà cái làm chủ là Thức vậy. Sáu Thức đã tiêu mất, mà cái Ngã Kiến vẫn còn, đó là cảnh giới của Thức Thứ Bảy. Sáu mở, Một mất, là trở về biển Như Lai Tạng, đó là cảnh giới của Thức Thứ Tám. 

Ngài Mã Minh dạy : “Y vào Như Lai Tạng, có cái tâm sanh diệt hòa hợp với cái chẳng sanh diệt, chẳng phải là một, chẳng phải khác, gọi là Thức A Lại Da”. Thức này rất là vi tế, ngậm chứa chủng tử làm tập khí, chẳng biết được chỗ ẩn núp của nó. Tích chứa sanh ra sóng Thức thành dòng chảy xiết, mà chẳng biết được chỗ sanh của nó. Thế nên gọi là vi tế. Vì y vào cái chẳng sanh diệt, nên gọi là Như Lai Tạng xuất triền(03), tợ hồ như là Chân vậy. Vì y vào tâm sanh diệt, nên gọi là Như Lai Tạng tại triền(04), hình như chẳng phải Chân vậy. Nhưng Chân và chẳng phải Chân, đều là cái Thức ấy, cho nên khó mà phân biệt. Gọi đó là Chân, thì sợ rằng nhận giặc làm con ! Mà gọi đó chẳng phải Chân, thì e rằng nhận con cho là giặc. Do vậy, Đức Thế Tôn chẳng khinh xuất mà bàn đến vậy”.

Nếu có thể chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí, chẳng phải Chân, chẳng phải không Chân, mới có thể nói đến Chân Như, Phật Tánh, Vô Thượng Bồ Đề vậy. Sau này không rõ được Tánh Tông, đó chỉ vì không thấu đáo Tướng Tông, lấy cái Ngã Kiến trong Thức Thứ Bảy mà cho là Phật Tánh, lấy cái tướng sanh diệt trong từng sát-na của Thức Thứ Tám làm Chân Như, nên gọi là “Mập mờ Phật Tánh, lầm lạc Chân Như”. Nhận định chỗ đứng yên không chao động cho là cứu cánh, thế là một chưa tiêu mất vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Trường Sa Sầm : “Thức Thứ Sáu, Thứ Bảy và Thứ Tám, rốt ráo không có tự thể, thì sao lại nói là chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí ?”
Tổ Sa chỉ dạy bằng bài kệ :

“Bảy “sanh” y một “diệt”
Một “diệt” giữ bảy “sanh”
Một diệt, diệt cũng diệt
Sáu, bảy rốt không động”.
(Thất sanh y nhất diệt
Nhất diệt trì thất sanh
Nhất diệt, diệt diệc diệt
Thất lục vĩnh vô thiên).

Do đây mà xem, thì không những “Sáu mở, Một mất”, mà lại còn “Bảy mở, Một mất”. Vi diệu thay, vi diệu thay ! 

Kinh :Tự tâm nắm (05) tự tâm 
Chẳng huyễn, thành pháp huyễn
Không giữ : không “chẳng huyễn”
“Chẳng huyễn” còn không sanh
Pháp huyễn làm sao lập ?

Thông rằng : “Trong Chân Tánh, hữu vi là không. Do Duyên sanh nên như Huyễn”. Chân Tánh vốn là Không, sao lại có Huyễn sanh ra ? Do vì Thức Thứ Tám, trong thì duyên với Chân Như, ngoài sanh ra các pháp hữu vi, nên là như Huyễn vậy. Kinh Giải Thâm Mật nói “A Lại Da Thức rất vi tế. Hết thảy chủng tử như dòng xiết. Ta chẳng khai diễn với phàm ngu. E họ phân biệt chấp làm Ngã”.

Đây là tự tâm chấp lấy tự tâm, chính là tự phân biệt mà chấp làm cái Ngã. Một khi đã chấp làm Ngã, thì ở trong cái chẳng phải huyễn lại sanh khởi pháp huyễn. Tánh trong lặng do đó mà phân, nút buộc do đó mà bắt đầu. Từ đó sáu Căn đuổi theo sáu Trần mà thành luân chuyển. Chẳng chấp lấy làm Ngã, thì cái chẳng-phải-huyễn còn không có, huống là cái huyễn do đâu mà lập ? Lặng trong hợp vào lặng trong, đồng nguồn không hai, do đó mà sáu Căn thanh tịnh cùng mất đi cái Một vậy. Sáu Căn thuộc về huyễn, cái Một thuộc về chẳng-phải-huyễn. Một và Sáu đều tiêu mất, nên nói “Chẳng huyễn còn không sanh, Pháp huyễn làm sao lập ?” Đây là sự chuyển Thức thành Trí, ở giữa khoảng nắm lấy và chẳng nắm lấy vậy.

Kinh Lăng Già nói “Phân biệt là Thức, vô phân biệt là Trí. Sanh diệt là Thức, Chẳng sanh diệt là Trí”. Chỉ không phân biệt thì đó là Chân Tánh bất sanh diệt. Do thế mà không bị Thức Ấm che chướng”.

Nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Ngài Văn Thù cầm kiếm ở trước Đức Cù Đàm là thế nào ?”
Tổ Hoàng Bá nói : “Năm trăm vị Bồ Tát đắc Túc Mạng Trí, thấy nghiệp chướng đời quá khứ. 

Năm trăm ấy là Ngũ Ấm của ông sanh ra đó. Bởi thấy cái nghiệp chướng túc mạng này, nên cầu Phật, cầu Niết Bàn Bồ Tát. Do đó, Ngài Văn Thù dùng Kiếm Trí Giải giết cái tâm có thấy Phật này vậy. Nên mới nói, “Ông khéo giết””.

Nhà sư hỏi : “Cái gì là kiếm ?”
Tổ Bá nói : “Tâm Giải Thoát là kiếm”.
Nhà sư hỏi : “Tâm Giải Thoát đã là kiếm, dứt lìa cái tâm có thấy Phật, thì như cái hay dứt lìa cái tâm có thấy, làm sao trừ nó được ?”

Tổ Bá nói : “Lại dùng cái Trí vô phân biệt của ông mà dứt lìa cái tâm có thấy phân biệt này”.
Nhà sư hỏi : “Như khởi ra cái tâm có thấy, có cầu Phật thì lấy kiếm Vô Phân Biệt Trí mà đoạn dứt; thế còn cái kiếm Trí ấy thì sao ?”

Tổ Bá nói : “Nếu thật là Trí vô phân biệt giết được cái thấy có, thấy không, thì Trí vô phân biệt ấy cũng bất khả đắc”.

Nhà sư hỏi : “Không thể lấy Trí lại đoạn Trí, không thể dùng gươm để đoạn kiếm sao ?”

Tổ bá nói : “Kiếm tự hại kiếm, kiếm kiếm hại nhau, tức là kiếm cũng bất khả đắc. Trí lại tự hại Trí, Trí Trí hại nhau, tức là Trí cũng bất khả đắc. Mẹ con chôn nhau, cũng là như thế”.

Các luận bàn vi diệu này, không những ở chỗ Nắm lấy không được phép ló đầu, mà ngay chỗ Chẳng nắm lấy cũng không có dấu vết. Nhỏ nhiệm càng nhỏ nhiệm thay ? Cần thấu rõ như thế, mới có thể nói tới việc chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí. 

Kinh :  Đó là Diệu Liên Hoa
Bảo Giác Kim Cương Vương
Như huyễn Tam Ma Đề
Gẩy móng (tay) vượt Vô Học
Đây là pháp Vô Thượng
Một đường đến Niết Bàn
Của mười phương Chư Phật

Thông rằng : Ban đầu, Ông Anan nói rằng từ vô thủy đến nay cùng với các thứ Vô Minh cùng sanh cùng diệt, không thể hàng phục được sắc nạn của Cô Ma Đăng Già, mới ân cần cầu xin cái phương tiện đầu tiên là Xa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na để đắc thành Bồ Đề của mười phương Như Lai. Nay, mười phương Như Lai khác miệng đồng một lời rằng : “Ông muốn biết cái câu sanh Vô Minh khiến ông lưu chuyển, cái căn mối nút sanh tử đó, chính là sáu Căn của ông, không phải vật gì khác. Ông lại muốn biết cái Bồ Đề Vô Thượng khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, thì cũng là sáu Căn của ông chứ không phải vật gì khác”. Như thí dụ ở trước về băng và nước. Nước đông lại thành băng, đâu có vật gì khác để làm thành băng ? Băng tan thành nước, đâu có vật gì khác để làm ra nước? 

Sáu cái làm môi giới cho giặc, tự cướp của báu nhà mình, đó là sáu Căn này vậy. Sáu mở Một mất, liền thành Chánh Giác, cũng là sáu Căn này vậy. Tức Vọng tức Chân, tức Chân tức Vọng, trong ấy có diệu ngộ. Một chữ Diệu rất khó dùng ngôn ngữ để hình dung, phải chuyển Thức thành Trí. Tương ưng với Tánh Giác Diệu Minh, Bổn Giác Minh Diệu mới có thể nói đến Bồ Đề Vô Thượng. Ví như hoa sen, mọc ra từ bùn mà chẳng dơ nhiễm. Hoa sen thường còn vậy, huống là hoa Ưu Đàm, khác hẳn tướng thế gian, gọi là hoa ứng điềm lành, để chỉ cho sự phát minh một con đường tối thượng. Nhập chỗ thấy biết của Phật mới lãnh nhận nổi.

Bảo Giác Kim Cương Vương, tức là Sơ Càn Tuệ Địa trong Tâm Kim Cương vậy. Kim Cương có thể phá hủy tất cả. Hàng Thập Địa đều gọi là Tâm Kim Cương, cũng vì là phá hủy cái “Địa” trước, tức cái gọi là gươm Huệ vậy. Một khi cái Giác này hiện ra, thì không những Vô Minh từ vô thủy diệt ngay, mà cái Phật Kiến, Bồ Tát Kiến cũng không có chỗ nào ló đầu ra nữa.

Tam Ma Đề là Chánh Định. Nói là như huyễn vì như người huyễn đang làm mà vốn không có chỗ nào làm. Tức là Tịch mà Chiếu, tức là Chiếu mà Tịch, quên Tình bặt Thức, không thể nghĩ bàn, tức là chỗ gọi là Kim Cương Tam Muội, văn, huân, tu vậy. Các pháp Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na nhiệm mầu này, độc chỉ bởi một phen ngộ. Một khi ngộ liền đến Phật địa, nên trong khoảng khảy móng tay mà vượt hàng Vô Học Nhị Thừa. Hàng Vô Học còn rơi vào công phu tu tập, còn chấp nơi Vô Kiến. Cái Chân Tánh này hiện tiền, thì hữu, vô đều lìa hết, vượt lên một lần là vào thẳng, chẳng còn mượn công phu thứ bậc, là Đốn Môn vậy. Như Thái Tử còn ở trong thai, đã quý hiển hơn hàng quan, hay như chim Tần Đà trong trứng, tiếng đã vượt hơn các loài chim. Há các loại thiền định, quán hạnh tầm thường có thể so sánh sao ? Nên nói “Pháp không gì sánh này chóng chứng Tịch Thường vậy”.

Nhà sư hỏi Tổ Càn Phong : “Một đường vào Niết Bàn của mười phương Chư Phật, chưa rõ đầu đường ở chỗ nào ?”

Tổ Phong lấy cây gậy vạch một nét, bảo : “Ở trong ấy”.

Nhà sư xin Tổ Vân Môn chỉ thêm. 

Tổ Môn cầm cây quạt đưa lên nói : “Cây quạt nhảy tót lên tầng Trời Thứ Ba Mươi Ba, xây đắp các lỗ mũi của Đế Thích. Đánh con cá Lý Ngư ở biển Đông một gậy, mưa như cầm chậu đổ ! Hiểu chăng ? Hiểu chăng ?”

Tổ Hoàng Nam nói : “Càn Phong một phen chỉ đường, giúp đỡ kẻ sơ cơ. Vân Môn thông suốt chỗ biến hoá, nên khiến người sau không mỏi mệt !”

Ngài Trúc Am tụng rằng : “Càn Phong khỏi dùng sự chỉ bày. Vân Môn thôi đánh đồ vặt vãnh. Tự nhiên con Lý Ngư ở biển Đông xây đắp lỗ mũi của Đế Thích”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

“Vào tay phương thuốc để cứu đời
“Hương hoàn hồn” muốn cứu nguy ngay
Một mai toát mồ hôi khắp hết
Mới tin ai chẳng tiếc lông mày”.

Đây là việc gì mà há nên nói lý giải thoát khiến người vào được ? Cần phải tự mình khai ngộ thấu suốt mới được cái kỳ diệu.

Xem mục lục