Other (439)


VÀI SUY NIỆM VỀ ÂM NHẠC TRONG TRIẾT LÝ PHƯƠNG ĐÔNG - Nguyễn Bá Hoàn

1,506

Âm nhạc hình thành từ những tầng bậc rung động cảm xúc của con người; hình thành từ sự tìm kiếm, gá nương, đi qua những cảnh giới u minh trong nội thức; hình thành từ sự rong chơi phiêu bồng đây đó của thức tâm! Do đó nó biểu hiện sự hoà điệu nhiệm mầu giữa con người và vạn hữu. Nói một cách khác, âm nhạc là ngôn ngữ đặc thù của tâm linh, nó dung thông được mọi thứ âm thanh vốn có trong trời đất. Chính vì vậy mà bản sắc của âm nhạc, là sự thể hòa thiêng liêng giữa động và tịnh, giữa hữu và vô, giữa cỏ cây hoa ngàn với cội nguồn uyên nguyên tự thể. 
Trong triết lý phương Đông, hết thảy mọi thi vi động niệm của con người, đều không ra ngoài các hành vi “nói, nín, động, tịnh”. Khi chưa có sự hòa điệu trong yếu tính thống nhất, giữa con người và vũ trụ, thì “nói, nín, động, tịnh” đó, tạo nên những tầng bậc âm thanh rối loạn, hổn mang. Sự thôi thúc tính tự quân bình từ linh tánh con người, biểu hiện qua những thời khắc giao cảm mà thức tâm duyên đến, đã khiến âm nhạc xuất hiện. Sự xuất hiện như ổn định lại trật tự, nó tuân thủ theo một hệ thống âm điệu nhịp nhàng, tương ứng với những xung chấn giao động thức tâm của từng cá thể, thích nghi với cộng đồng hòa hợp trong quĩ đạo xung động, tạo nên những trạng thái vui, buồn, du dương, thướt tha, ủy mị, hưng phấn, kích động... và tám muôn bốn ngàn trạng thái cảm thụ khác nhau trong hằng hà sa cung bậc.
Mọi dân tộc trên trái đất đều có nền âm nhạc riêng của mình. Thậm chí muôn thú cho đến cỏ cây cũng cần đến âm thanh mới đủ khả năng tiết độ đời sống của nó. Tự cổ sơ, Đông Phương cũng như Tây Phương đã tìm thấy trong âm nhạc có 5 bậc chính (Cung, Thương, Làu bậc ngũ âm) chứa trong một bát độ âm (Octave). Sau đó người Hy Lạp cổ đã biến 5 âm này thành 21 bậc trong một bát độ âm, còn người Ả Rập cổ khai triển 5 âm thành 17 bậc trong một bát độ âm. Mãi đến cuối thế kỷ 17, nhạc sĩ Bach (1642-1703) đã thay đổi âm tiết, chế tác trong một bát độ âm lập thành 12 bán cung (1, 1, ½ .1, 1, 1, ½) và nền âm nhạc Tây Phương phát triển từ đây. Bach được vinh tôn là một nhạc sư của vạn đại.
Riêng ở Phương Đông, nền âm nhạc Trung Quốc đã hình thành gần 5000 năm nay! Tại Trung Quốc, âm nhạc gần như độc quyền trong việc tế thần, thiết triều (thượng thư), các lễ Phong Thiện, lễ Thái Miếu không thể thiếu âm nhạc. Âm nhạc vì sao trọng đại, thiêng liêng như vậy ? Thử chiết tự chữ “Âm” trong âm nhạc, ta sẽ thấy nó gồm bộ “lập” ở trên, và bộ “nhật” ở dưới, mang một ý nghĩa rất sâu xa: “Dưới mặt trời vật nào cũng có tiếng nói cả “; hoặc “Những âm thanh réo rắt có được khi mặt trời lặn...” Chữ “Âm” là vậy, còn chữ “Nhạc” thì sao ? Cũng cùng một cách viết, khi đọc là “Nhạc” nó mang tính chất âm luật, đọc là “Lạc” nó chỉ cho sự vui thú phấn khởi, nếu trang điểm vào vài cọng cỏ thì nó có nghĩa là dược (thuốc). Tóm lại, âm nhạc (theo nghĩa “trên cành lá”) là nguồn gốc giúp cho con người vui thú, khoẻ mạnh. Người Tây Phương cũng có nhiều định nghĩa về âm nhạc, chẳng hạn: Âm nhạc là ngôn ngữ của tình cảm (La Musigue c’est le langage du Sentiment) hay: Âm nhạc là nghệ thuật điều hợp âm thanh bắt nhịp được với thính giác (L’art de combiner les sons d’une monière à l’oreille (Laróusse). Mỗi dân tộc cảm nhận về âm nhạc theo cách riêng. Mỗi phương đều ảnh hưởng âm nhạc khác nhau, mặc dù nguyên thể của âm nhạc chỉ là một. Thử tìm hiểu về luật của âm nhạc trong triết học Đông Phương ta sẽ thấy:
Ngũ âm (đúng hơn là 5 dây) gồm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, vừa vặn với Ngũ Hành, mỗi dây ứng theo mỗi hành: 
Cung: Thổ 
Thương: Kim
Giốc: Mộc
Chủy: Hỏa
Vũ: Thủy
Lại ứng theo bốn mùa:
Hạ; Thu; Đông; Xuân


Cung Thương Giốc Chủy Vũ 
Thổ Kim Mộc Hỏa Thuỷ

Lại ứng theo bốn mùa: 
? Hạ Thu Đông Xuân

Nhìn vào sơ đồ trên đây, chúng ta thử hỏi, vậy dây Cung và hành Thổ ứng với mùa nào? Xin giải thích rằng: dây Cung là dây tích tụ âm thanh tổng hợp, chỉ được “tấu” vào 18 ngày cuối mỗi mùa, và trong 5 cung đó, được chia làm 12 luật ứng với 12 tháng trong năm. Nói rõ thì: - Mùa xuân dùng Cung Giốc với 2 âm luật Thái Thốc, Giáp Chung dùng vào tháng giêng và tháng hai. - Mùa hạ dùng Cung Chủy với 2 âm luật Trọng Lã, Nhuy Tân dùng vào tháng tư, tháng năm - Mùa thu dùng Cung Thương với hai âm luật Di Tắc và Nam Lã dùng vào tháng bảy, tháng tám - Mùa đông dùng Cung Vũ với hai âm luật Ứng Truy và Hoàng Chung dùng vào tháng mười và tháng mười một - Còn dây Cung dùng đến 4 âm luật: Đại Lã (tháng chạp), Điếm Tẩy (còn gọi là Cô Tiển - tháng ba), Lâm Chung (tháng sáu), Vô Xạ (tháng chín).

 

Hình minh họa Âm nhạc trong triết lý phương Đông

Ta cũng biết, nền triết học cổ đại Trung Quốc là Đạo Học, thông qua nó là bộ Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Dịch Kinh của Khổng Tử. Mặc dù Dịch Kinh là của Nho Gia, nhưng Đạo mà bỏ Dịch đi, thì e rằng gọi tên “đại đạo” mà thiếu “đại dụng”, chắc hẳn không thể nào phổ dụng đến nhân sinh! Dựa vào sự tiêu- trưởng của khí Âm Dương, 12 tháng được biểu diễn thành 12 quái, lấy từ tháng giêng (Cấn-Dần) tính đi, mỗi quái biểu diễn mỗi tháng đó là: Thái, Đại Tráng, Quải, Càn, Cấu, Độn, Bĩ, Quán, Bác, Khôn, Phục, Lâm. Trong đó tháng mười một là tháng Tý, quẻ Phục, có một hào Dương SINH (gọi là Nhất Dương Sinh), đối xứng với nó là tháng năm có Nhất Dương Sinh. Các quái kia cũng nương theo đó mà đối chiếu (xem hình trên). 
Chỉ lượt qua như vậy, cũng đủ biết người xưa quan niệm nghệ thuật (tiêu biểu là âm nhạc) không phải để giải trí trong một đời sống khép kín, mà ở đó, luôn bàng bạc, vang vọng hoạt tính cao sâu vượt ra khỏi phạm vi bản năng và lý trí con người. Trong lịch sử cổ học Đông Phương kể lại, đời nhà Chu, có hai nhạc sư vĩ đại, đó là sư Quyên và sư Khoáng (sư có nghĩa là thầy trong ngành âm nhạc). Biệt tài của sư Quyên là nghe qua âm thanh một lần, liền phổ lại bản nhạc đó. Tài nghệ của sư Khoang càng lỗi lạc, cao tột hơn, ông đánh một bản đàn, chim thú có thể đến bên ông nhảy múa, ông nghe một bản đàn, có thể biết được họa phúc của người chơi đàn ấy như thế nào.
Âm nhạc ảnh hưởng rất lớn trong đời sống, thật kỳ diệu, nó lạ lùng như những âm thanh lạ lùng tác động đến mọi lãnh vực thuộc đời sống con người. Một trong những lãnh vực bị âm nhạc cai quản và chi phối sâu sắc nhất, đó là chính trị! Khổng Tử đã từng nói “ Lễ nhạc là chính trị”, năm từ đơn giản ấy liên kết mật thiết trở thành một cụm từ mang đậm tính cách qui mô kiến quốc... Cũng thật thú vị, khi Đông và Tây cách trở, ấy vậy lại ngẫu nhiên trùng hợp, khi người Tây Phương gọi “lễ” là “Politess”, và “chính trị” là “Politique”! Phải chăng cũng đồng một tư tưởng với Khổng? Ngày xưa Khổng Tử ra làm quan giúp cho nước Lỗ, lúc bấy giờ nước Lỗ trên đà cường thịnh, Tề sợ Lỗ mạnh, nên đã âm mưu tặng cho vua Lỗ một đội nữ nhạc. Khi ấy, Khổng Tử liền can vua nước Lỗ không nên nhận đội nữ nhạc này, nhưng vua nước Lỗ không nghe, Khổng Tử bèn bỏ nước Lỗ ra đi. Vua nước Lỗ, sau khi nhận đội nữ nhạc, ngày càng chìm đắm trong thanh sắc, đất nước dần dần lụi bại. Trước đó nước Tần muốn diệt nước Ngu, cũng tặng cho nước này một đội nữ nhạc. Tấn diệt Khương, Việt diệt Ngô cũng đều dùng phép này mà chiếm nước. Qua đó, âm nhạc nào phải thằng hề diễn trò thời sự? Sâu xa hơn, ảnh hưởng của âm nhạc trong chính trị, giống như tấm gương bi thảm để soi qua một màn khôi hài, hoặc một tấm gương khôi hài soi qua một cảnh ngộ bi thảm! Có thể là như vậy, cũng có thể không là như vậy, vấn đề còn tùy thuộc vào sự điều phối âm nhạc trong lý trí con người! Một quốc gia thái bình, thường có một nền âm nhạc trong sáng, không phải loại phường hắc ám của một thời các sĩ phu chân chính bị đày đi “đất trích”. Càng đọc lại bài “Tỳ Bà Hành” của Bạch Cư Dị (đời Đường) ta sẽ thấy tâm trạng của một chứng nhân thời cuộc mà phảng phất trong đó có tiếng đàn não nuột: “Từ xa kinh khuyết bấy lâu – Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai” (Tỳ Bà Hành - bản dịch Phan Huy Vịnh).
Ở Việt Nam, âm nhạc cũng được các triều đại chú trọng rất mực. Các nhà chính trị lỗi lạc, các nho gia uyên thâm... cũng rất thận trọng khi nói đến âm nhạc. Lịch sử đã ghi lại, vào năm 1436, vua Lê Thái Tôn sai Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng định lại Nhã Nhạc ở cung đình, Nguyễn Trãi dâng sớ từ chối. Lời sớ có đoạn: “...Lúc có loạn dùng võ, thái bình dùng văn, nay chế lễ tác nhạc là hợp thời, lại e rằng, gốc không chắc chắn thì văn dựa vào đâu mà đứng vững, vì hòa bình là gốc của nhạc và thanh âm là văn của nhạc. Thần phụng chiếu định lại nhạc đâu dám không hết lòng, ngặt vì thần học thức nông nổi, mà âm luật nhạc thì quá đổi tinh vi, tự nghĩ khó lòng điều hòa cho được. Vậy kính xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng trăm họ, khiến nhân gian không có tiếng than phiền oán hận, như thế là giữ vững căn bản của nhạc, rồi sau hãy bàn đến âm thanh”. Vua xem qua hết lời khâm phục. Mãi đến đời Lê Thánh Tông, đất nước rất thịnh trị, Lê Thánh Tông mới cho định lại Nhã Nhạc.
Ở Trung Quốc, triết lý âm nhạc sâu thẳm chừng nào, thì nền âm nhạc càng phong phú chừng đó. Từ đời Hán Vũ Đế họ đã định ra chế độ Nhạc Phủ, cử Lý Diên Niên đứng ra trông coi, tập tục này kéo dài đến các triều đại sau này. Qua đời Đường, nền âm nhạc rất cực thịnh. Xóm Bình Khang là nơi tập trung con hát, các nhạc công được tổ chức rất qui mô, không khác gì bên văn học. Họ cũng có “giáo phường” (nơi dạy ca vũ nhạc), cũng có lương, bổng, lộc, hàm, chức trách hẳn hoi. Đời Đường, những tài tử trong giáo phường, trong nhạc phủ hầu hết là những nhà thơ tài danh. Vào thời này, đám “Lê Viên Tử Đệ” qui tụ toàn những bậc thi gia lỗi lạc, đám “Ngũ Lăng Niên Thiếu” cũng nức tiếng xa gần. Đỗ Phủ, Lý Bạch và Bạch Cư Dị là 3 đại thi gia của thời này, cũng từng có mặt trong đám “ lê Viên Tử Đệ”...
Nhạc trong chính trị có thể nói qua như vậy, nó tinh tế, nhưng vẫn là cái dễ nhận thấy (nếu gặp người mẫn cảm tinh tường trước tấm gương soi). Nhạc trong văn chương thì bàng bạc, nhưng e rằng, người đi qua chỉ chạm đến mặt nổi của gợn tơ, còn độ ngân rung trong tịch lặng của nhạc trong văn chương, càng gần, nó càng mất hút như những “vi trần” trước sum la vạn tượng: “Văn chương tàn tích như ti. Còn trong căn để có gì vui đâu ...” (thơ Bùi Giáng). Chữ “ti” này là độ ngân rung sâu thẳm trong tịch lặng từ tiếng “tơ” mà có ! Trong đời sống văn hóa, âm nhạc và văn chương có một sự gắn bó rất hữu cơ, nhưng những nghệ sĩ tài hoa của âm nhạc chỉ đủ sức biểu diễn nó qua âm điệu, chứ không thể qua ngôn ngữ, và cũng hiếm có những cao thủ “nói nên lời” trong cái “không lời”. Trong những trường hợp này không khác gì “ốc mượn hồn”! Âm nhạc của Ấn Độ và của Ả Rập cũng có những công năng huyền bí, từng điều khiển được cả thú hoang, nhất là loài rắn. Nhạc cổ điển của Tây Ban Nha đa phần ảnh hưởng nền âm nhạc Ả Rập. Người ta so sánh bài “Ngày vào Thành Madrid” của Tây Ban Nha và bài “Tế thần Lửa” của Ả Rập, đều có âm hưởng rất thiêng liêng, rất huyền bí. Nếu tấu những bài này vào ban đêm, vạn vật dù thoảng qua cũng phải chuyển mình. Những bản Rhapsodie Eu Hongeois của Liz, những bản của Dagamini, của Bethoven, của Schubert... khi tấu lên cũng đều đạt đến trình độ đỉnh cao ngút ngàn trong nghệ thuật. Nếu liên hệ giữa thơ với nhạc thì thơ là cõi riêng biệt của văn chương, đem ngôn ngữ thơ ca chuyển qua nhạc, mà nhạc sĩ không đủ tài, thì cả thơ và nhạc đều là những “tử thi”. Những giáo phường của Trung Quốc và Việt Nam, thường gởi thơ vào nhạc, nói rõ hơn, họ làm bài thơ, nhờ các nhạc sĩ xướng lên, ký âm lại, rồi hòa trong tiếng đàn... Tuy vậy, những trường hợp để đời chẳng được là bao! Thật ra, cõi thơ trong thế gian có mấy bài được như Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, có mấy bài được như Thanh Bình Điệu của Lý Bạch? Sức thần bí của âm nhạc tải vào thơ dường như sẽ bị tỏa chiết. Người nghệ sĩ có thể là một học giả uyên bác, ngược lại một học giả uyên bác khó thể là một nghệ sĩ. Quay lại vấn đề, nhạc trong thơ, và thanh âm trong nhạc, tương tự như “lội ngược dòng”, một công cuộc khó lắm thay. Bạch Cư Dị nói:
“Thủy tuyền lãnh tháp huyền ngưng tuyệt
Ngưng tuyệt bất thông thanh tạm xuyết
Biệt hữu u tình ám hận sinh
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh” 
(Tỳ Bà Hành - Phan Huy Vịnh dịch). 
Nước suối lạnh, dây đàn ngừng – dứt
Ngừng dứt nên mới bặt tiếng tơ
Âm thầm đau giận ngẩn ngơ
Tiếng đàn lặng ngắt bây giờ càng hay.
Trong văn học cũng có nhiều điều cần đề cập. Điều đáng đề cập ở đây là cô gái chơi đàn đã chơi trước khi Bạch Cư Dị làm bài Tỳ Bà Hành – và trong giây phút xúc cảm tột độ, ông mới làm tiếp bài Tỳ Bà Hành cho nàng ta chơi để kỷ niệm cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Vì vậy mà tác giả nói: “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”.
Trong văn học nước ta, tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh”, Nguyễn Du tả Kiều gảy đàn bốn lần, nhiều người đã không tiếc lời khen Nguyễn Du rất tuyệt diệu trong lúc tả nàng Kiều đánh đàn. Thật ra, không nên nói Nguyễn Du rất tuyệt diệu trong lúc tả nàng Kiều gảy đàn, mà phải nói, có một nàng Kiều bằng xương bằng thịt (trong bài Cầm Giả Dẫn) đã từng có ngón đàn tuyệt diệu, mới khiến cho cảm xúc thơ của Nguyễn Du xuất thần:
So dần dây vũ dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau 
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu 
Nghe ra như oán như sầu phải chăng
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng “lưu thủy” hai rằng “hành vân”
Quá quan này khúc chiêu quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài 
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa 
..........
Quả thật tài tình, tiếng đàn như vậy hết sức điêu luyện, tuyệt vời. Khi đàn đã nhập thần, tâm thức con người lúc đó cũng chỉ là sa mạc! Nhưng sa mạc phát tiết nên những điệu đàn, cung bậc, tiết tấu, làm tươi nhuộm bốn mùa hoa cỏ, làm sương khói ngập ngừng, làm con người không cần chụp nuốt âm thanh, mà âm thanh tự kiếm ngõ ngách của tâm thức hòa điệu nhịp nhàng. Như vậy là chỗ sống động của âm nhạc, là chỗ sống của con người! 
Trong tâm thức của người Phương Đông, nhạc còn đồng nghĩa với sự tỉnh thức. Khi âm thanh và cương nghị gặp nhau ở điểm tận cùng, thì ở đó, con người sẽ cất những bước chân khoan thai trên đầu gươm bén! Bước ra khỏi quĩ đạo này, có thể là một sự giác ngộ chăng? Khổng Tử đã phổ hơn ba trăm bài thơ để hoàn thành “Nhã Nhạc”. Nguyễn Trãi đã dâng sớ tâu vua, khước từ việc định lại Nhã Nhạc, cũng ý khuyên vua nên mở lòng tran trải đức hiếu sinh. Các vị thần cõi trời như Càn Thác Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà... tấu nhạc vang lừng, vì mừng sắp được nghe pháp Bất Nhị của Đức Phật Thích Ca và chư Đại Bồ Tát. Trong nhà Thiền, âm nhạc du dương trầm bổng trong lời kinh, tiếng mỏ, nhịp chuông ngân. Đó là nhạc trong nghi lễ tán tụng hàng ngày, khiến người sơ tâm nguôi bớt lòng trần. Cao tột hơn, vẫn là âm thanh rền vang chấn động ma vương của tiếng trống Lôi Âm, âm thanh càn quét mọi thức tâm diêu động của Hải Triều Âm, âm thanh viêu dung vô ngại vượt ngoài hạn lượng của thể tánh Diệu Âm. Cuối cùng, xin mượn lời thơ của Bạch Cư Dị trong bài Tỳ Bà Hành để phần nào nói lên được công năng vi diệu của âm nhạc bản thể con người: “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”. 

NGUYỄN BÁ HOÀN

1,506

Xá lị - Một bí ẩn chưa được khám phá

Đó là những hạt tinh thể với đủ màu sắc, long lanh như ngọc, rắn như kim cương, búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy. Chúng được tìm thấy trong đống

13,680
NGHIỆP - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA (TẠI HAVARD )

Nghiệp được tích tập như thế nào qua sức mạnh của những tình thức gây phiền não? Một cách vắn tắt, các nghiệp bất thiện được tích tập qua sức mạnh của

733
NHÂN HỌC TRIẾT HỌC LÀ GÌ ?

Nhân học triết học, đôi khi được gọi là triết học nhân học[1], là một bộ môn xem xét các câu hỏi của siêu hình học và hiện tượng học về cá

1,093
Phật Giáo và Khoa Học - Berzin, Alexander and Chodron, Thubten

Hỏi: Xin ông nói về mối liên hệ giữa đạo Phật và khoa học và cho một vài ví dụ điển hình về những điểm tương đồng.Đáp: Cho đến nay, những cuộc

1,462
Hãy thực hành tịnh hóa nếu bạn không thể nhớ hết các ác nghiệp đã tạo!

Là hành giả thực hành Phật pháp, tốt nhất chúng ta nên tránh mọi hành động bất thiện dù là nhỏ nhất. Trong thời kỳ mạt pháp, thật khó để làm vậy.

1,116
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc