Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Khi ấy những vị chưa chứng quả Vô học trong đại chúng, nghe Phật nói thế, mờ mịt chẳng biết nghĩa ấy đầu đuôi thế nào lo sợ mất chỗ bám níu.
Như Lai biết đại chúng lo sợ, sanh lòng thương xót an ủi A Nan và đại chúng: Các thiện nam tử! Bậc Vô thượng Pháp vương nói lời chân thật, như tánh chân như mà nói, không hư dối, chẳng phải như bốn thứ nghị luận càn dở của nhóm Mạt già lê. Các ông hãy chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng thương mến của ta.
Lúc ấy Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử thương xót bốn chúng, từ chỗ ngồi trong đại chúng đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đại chúng đây chưa ngộ được chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa ‘tức là’ và ‘chẳng phải’ của tánh thấy và sắc không.

Bạch Thế Tôn, như vậy các hiện tượng sắc không trước mắt, nếu tức là tánh thấy thì đáng lẽ ra phải chỉ ra được, còn nếu chẳng phải là tánh thấy thì lẽ ra không thể thấy được. Nay chẳng biết nghĩa này về đâu nên mới lo sợ, chứ chẳng phải thiện căn trước đây mỏng ít. Cúi mong Như Lai từ bi phát minh cho rõ các vật tượng và tánh thấy vốn là cái gì mà ở trong ấy không có cái tức là (thị) và chẳng phải (phi thị)?
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi cùng tất cả đại chúng: Mười phương Như Lai và các Đại Bồ tát tự trụ trong chánh định này, thì trong ấy, cái thấy cùng các duyên thấy đều là tướng do tưởng, như hoa đốm giữa hư không vốn không chỗ có.

Cái thấy và các duyên được thấy nguyên là thể Giác ngộ sáng tỏ thanh tịnh nhiệm mầu. Làm sao trong ấy lại có nghĩa tức là và chẳng phải?

……………………..

Khi thấy có tướng bèn đặt ra câu hỏi tướng tức là tánh hay chẳng phải tánh. Sắc tức là Không hay chẳng phải Không. Khi thấy sanh tử bèn có vấn đề sanh tử tức là Niết bàn hay chẳng phải Niết bàn. Khi thấy hoa giữa hư không bèn đặt ra vấn đề hoa tức là hư không hay chẳng phải hư không.

Vấn đề tức là và chẳng phải được đặt ra một khi đã thấy các tướng do tưởng tạo thành. Không có tưởng phân biệt, không có vọng thấy thì mọi vấn đề chỉ là hý luận.

Không có tưởng phân biệt thì tất cả tướng đều thanh tịnh, sáng tỏ, nhiệm mầu, tất cả đều là thể Giác ngộ, từ một hạt bụi cho đến vũ trụ. Không chạy theo tướng và tưởng phân biệt thì tất cả đều là tánh thấy, sáng tỏ, thanh tịnh, nhiệm mầu. Tánh thấy ấy là thể Giác ngộ, trong ấy tất cả đều vốn là giác ngộ.

Đây là chỗ kinh Kim Cương nói: “Phàm hể có tướng đều là hư vọng. Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai” và “Tất cả pháp đều là Phật pháp”.

Xem mục lục