Làm Sao Tiến Bộ theo những Địa
và những Con Đường
Kính lễ đức Quán Thế Âm !
Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm về tiến bộ như thế nào theo những địa và những con đường do thực hành Phá Thấu vào địa và Đại Ấn. Từ điểm này trở đi, khó mà dạy từ kinh nghiệm, và những người chứng ngộ qua kinh nghiệm về những cấp độ sau thì hiếm hoi. Bởi thế, dù nếu tôi không giải thích điều này thật dài, thì như vậy là đủ. Biết đâu, một số người với nhiệt thành và nghiệp báo tốt đẹp thiền định thời gian dài có thể kinh nghiệm được một vị của kinh nghiệm. Để cho họ, và để cho sự trọn vẹn của Pháp với quần chúng, và cho sự lợi lạc khi nghe được những giáo lý này, tôi sẽ giải thích điều này ngắn thôi.
– Những địa là mười địa của Bồ tát và những con đường là năm con đường kế tiếp nhau đến giác ngộ. –
Tantra của Dòng Sông Ali Kali Vĩ Đại nói :
Thứ ba, nhờ samadhi tiến hành với sự dũng cảm, khởi sanh những chứng ngộ của mười địa, trong đó thế giới đa thù được biết là một vị. Những Đứa Con của các bậc Chiến Thắng của ba thời phụng sự cho những nhu cầu của chúng sanh. Thành tựu nhất tâm, sự tiến bộ của bạn thì không ngừng.
Naro Panchen nói, “Thứ ba, yoga của một vị sanh khởi.” Mỗi sự vật xuất hiện thì sanh khởi như thiền định, thế nên tất cả đều một vị, không có cái gì để từ chối hay chấp nhận. Bạn chứng ngộ tính cách của tự tâm xuất hiện là sự hiển bày của sanh tử và niết bàn.
Một khi bạn chứng ngộ vô tự tánh, nếu bạn lơ là bỏ qua những điều như tôn kính, lòng bi, bạn bị kích động bởi những làn sóng trộn lẫn với một vị. Bởi vì bạn đã không nhận biết bản tánh cốt lõi của bạn một cách bất nhị, chỉ có một phương diện của tánh không sanh khởi, nên thức sau đó của bạn là trống không. Sự thông hiểu trong trẻo về tánh không không được nhận biết với những đối tượng, thế nên có vết dơ của kinh nghiệm thiền định. Những vết dơ của khuynh hướng thói quen chưa được tịnh hóa. Khi tánh giác của bạn không được hộ trì với chánh niệm, không có chứng ngộ và không có thông hiểu, thế nên bạn không tự do.
Bằng cách duy trì chánh niệm với sự xuất hiện của quang minh tự nhiên của bản tánh cốt lõi, có chứng đắc. Một khi những tư tưởng và những ký ức sanh khởi như thiền định, không có cái gì được thông hiểu là tách lìa với thiền định, thế nên (mọi sự) thành đồng nhất. Hai chân lý tương đối quy ước và tuyệt đối tối hậu hòa nhập, cũng như thế là định và trạng thái sau thiền định. Thế nên đây là thời gian của thiền định về sự hợp nhất của tự tâm. Nhờ sự vắng mặt của ý muốn (hành) mà bản chất là bị trói buộc, tưởng ấm được tịnh hóa. Bạn chứng ngộ rằng sự bám nắm vào “tôi” và “của tôi” là không có căn cứ, thế nên tâm phiền não được tịnh hóa. Khi bản thân kinh nghiệm sanh khởi như là sự chứng ngộ, bèn không có sự chia biệt giữa kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ, thế nên hai cái được thành một. Từ không gian tuyệt đối và trống không của những hiện tượng, những biến cố tương thuộc duyên sanh khởi sanh như là những hiện tượng trống không, thế nên chúng không có vật chất như hư không. Sự khác biệt giữa nhập định và trạng thái sau thiền định là trong cái sau sự bám nắm xảy ra còn trong cái trước thì không.
Vào lúc này những ý tưởng chung,* như là những đối tượng của sự hiểu, bị lầm cho là những kinh nghiệm của chứng ngộ, thế nên quan trọng chớ lầm lộn chúng với nhau. Trong một trạng thái nhất thể rộng rãi trong đó sáu tập hợp của thức đều rỗng rang trống trải, hãy chủ yếu thiền định về nhất thể, và bạn sẽ nhận biết tự tánh của những xuất hiện. Dagpo Rinpoche nói : “Yoga một vị gồm chứng biết sự bất khả phân của những xuất hiện hình tướng và tánh không.” Bà La Môn Vĩ Đại (Saraha) nói :
Thứ ba, bạn hòa tan vào cái vô niệm và vô sanh.
Không có cái gì là khác biệt, và mọi sự là một như đại lạc.
Tánh như thì không thể phân chia giống như băng và nước.
Năm Cấp Độ nói :
‘Sự hợp nhất của một người tu hành’, ‘sự hợp nhất’ Lawapa dạy, ‘cơ hội đạt đến tin chắc’ Maitripa dạy, ‘yoga không bám nắm’ dạy trong Kinh Đi Vào Lanka, ‘sự vững chắc thiền định tập trung vào tánh như’, và ‘nghĩa của sự quán đảnh thứ ba’, những cái ấy đều đồng nghĩa.
– Quán đảnh truyền pháp thứ ba, quán đảnh trí huệ, ám chỉ đến hai thứ trí huệ sở đắc được và trí huệ vốn sẵn, bổn nguyên. Người ta trau dồi trí huệ ba la mật cũng như năm ba la mật khác, trong khi trí huệ bổn nguyên thì bẩm sanh. Điểm then chốt của quán đảnh thứ ba là kinh nghiệm về tánh chất bất nhị của cái lạc vốn sẵn và tánh không. Ý nghĩa của mỗi quán đảnh là tịnh hóa phiền não. Mục tiêu của những quán đảnh là làm cho chúng ta thấm nhuần năng lực để đạt được bốn thân Phật, việc ấy cho phép chúng ta phá tan ách của những khuynh hướng thói quen. Những quán đảnh xóa tan những vết dơ của thân, ngữ, tâm và làm trưởng thành tâm thức, những nguyên tố v.v... Cuối cùng, do được ban phước bởi những samayasattva, bạn sanh khởi như là một jnanasattva.
Quán đảnh thứ nhất, quán đảnh cái bình là để chuyển hóa thân bạn thành thân của một người giác ngộ, thân bình thường của bạn được tịnh hóa và có thể sanh khởi như thân của một bổn tôn. Quán đảnh thứ hai, quán đảnh bí mật, cho phép bạn chuyển hóa những kinh mạch và khí qua những thực hành làm tịnh hóa ngữ và làm trưởng thành kinh nghiệm của bạn, để bạn nghe tất cả những âm thanh là những thần chú. Mục tiêu của quán đảnh thứ ba là dẫn đến kinh nghiệm về cái lạc vốn sẵn và tánh không. Quán đảnh trí huệ này tịnh hóa mọi bất tịnh tiềm ẩn và cặn bã của những nguyên tố căn bản của thân, và bạn đủ chín để kinh nghiệm đại lạc và trí huệ bổn nguyên vốn sẵn. Quán đảnh thứ tư là chứng đắc sự hợp nhất siêu vượt khỏi trí năng, và bạn đủ trưởng thành để có thể kinh nghiệm sự thanh tịnh chan hòa của Pháp thân. –
Phagmo Drušpa nói, “Cấp độ nhỏ của một vị hợp nhất sanh tử và niết bàn.” Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Ở giai đoạn một vị, có lạc liên hệ đến tánh không, hay sự không có nền tảng, vô tự tánh, của tất cả những hiện tượng sanh khởi trên giai đoạn thoát khỏi tạo tác ý niệm. Một khi mọi tư tưởng sanh khởi đều tươi mới, và sự không thoải mái mỏng nhẹ đối với những xuất hiện được gỡ bỏ, người ta đi vào trạng thái được gọi là “sự hòa lẫn của sanh tử và niết bàn”. Thực tại ấy thì không dứt, và không có việc sự vật hóa những xuất hiện tươi mới trẻ trung này. Cũng không có sự bám nắm nào vào tánh không. Không có sự thiền định theo trí thức về những xuất hiện bên ngoài như là không có tự tánh, cũng không có những hiện tượng xuất hiện một cách nhị nguyên. Vượt ngoài một kết luận thuộc về trí thức, bạn chứng ngộ rằng mọi nhị nguyên – cái xuất hiện và cái không xuất hiện, hình tướng được tri giác và tánh không, giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu, chân lý quy ước và chân lý tuyệt đối, sanh tử và niết bàn, vui và buồn v.v... – là không khác biệt, mà là tính không thể phân chia của một vị của nhất thể ; và trí huệ bổn nguyên sanh khởi. Bất kỳ xuất hiện tươi mới và tư tưởng tươi mới trẻ trung nào sanh khởi, chúng đều thoát khỏi bác bỏ hay chấp nhận.
Với chánh niệm toàn hảo tự tỏ biết, tự quang minh, không cố gắng, tâm, chánh niệm và những xuất hiện biểu lộ là những biến cố tương thuộc duyên sanh, như lửa và sức nóng. Lạc nơi những xuất hiện hình tướng gọi là “yoga một vị”.
– Trước giai đoạn này, khi bạn thiền định thật sự, an trụ trong tánh không của những hiện tượng, tâm bạn bình an và hài lòng. Nhưng khi bạn cần đi vào những xuất hiện, bạn có bị quấy nhiễu cách nào đó. Tuy nhiên, ở giai đoạn này người ta vượt trên điều đó : những vết dơ làm nảy sanh sự không thoải mái như vậy đã được tịnh hóa, thế nên người ta đạt đến trạng thái gọi là “sự hòa lẫn của sanh tử và niết bàn”. Ở điểm này người ta siêu vượt mọi sự hiểu giả tạo, trí thức về những xuất hiện và tánh không ; mọi xuất hiện của nhị nguyên tan biến. –
Gyalwa Yang Gošnpa nói :
Như vậy, ngay trên chứng ngộ về thoát khỏi tạo tác ý niệm, bạn nhận biết bản tánh của chính bạn là tự nhiên giải thoát ngay tại chỗ của nó, không có những phân biệt thoát khỏi hay không thoát khỏi tạo tác ý niệm, tánh không và không phải tánh không, những cơ hội tốt lành và không tốt lành, xác định và phủ định với bất cứ cái gì trong toàn bộ thế giới hiện tượng của sanh tử và niết bàn. Dù những hiện tượng đa thù xuất hiện, chúng được chứng ngộ là bản tánh của một chứng ngộ duy nhất. Đây là yoga một vị của thế giới đa thù.
Trong cấp độ nhỏ của một vị có một sự thống nhất của sanh tử và niết bàn : mọi nhị nguyên – gồm những xuất hiện và tánh không, cái tối hậu và cái quy ước, giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu... – biểu lộ như sự hợp nhất của bản tánh không thể phân chia của một chứng ngộ duy nhất. Những xuất hiện hình tướng và tánh không không từng bao giờ tách lìa, thế nên tất cả những phẩm tính của con đường đều trọn vẹn, toàn thiện, hoặc trong những xuất hiện hoặc trong tánh không, và chúng thống nhất bất nhị. Thế nên đó là đại hợp nhất.
Dù cho thế giới đa thù được chứng ngộ như thế là một vị, nếu vẫn còn một thoáng bám nắm vào nó, hay có một vết dơ mỏng nhạt của một nhận thức về kinh nghiệm hòa nhập này, đó là cấp độ nhỏ của một vị. Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Trong cấp độ nhỏ của một vị, những xuất hiện và tánh không hòa lẫn không thể phân chia, và mọi sự được chứng ngộ là bản tánh vốn sẵn. Thức tươi mới của bất cứ cái gì sanh khởi là đầy đủ, trọn vẹn mà không có phân biệt giữa tánh không và chẳng phải tánh không. Bạn chứng ngộ rằng mọi phẩm tính của con đường là trọn vẹn trong sự xuất hiện hay trong tánh không của bất cứ cái gì được biết như là một hiện tượng ; thân, những xuất hiện và tâm là không thể phân chia. Dù bạn xác quyết tâm bạn vào mọi lúc, vẫn còn một cảm thức mỏng nhẹ về một đối tượng của kinh nghiệm và sự nắm hiểu nó. Sau đó, nền tảng và các thứ có vẻ vững chắc và cứng đặc, và có sự không thoải mái trong sự thực hành của bạn liên quan đến những xuất hiện của sáu tập hợp của thức, chúng có bị quấy nhiễu bởi những hoàn cảnh khách quan dữ dội. Có lúc có những xuất hiện mảnh mún của một nhị nguyên giữa cái được thông hiểu và người thông hiểu ; và như thế có một sự bất lực nhỏ nhoi trong việc thực hành Pháp trong bí mật. Thậm chí trong những xuất hiện như huyễn sau đó và trong trạng thái mộng có mê lầm và bám nắm thỉnh thoảng và vụn vặt. Có lúc bạn kinh nghiệm mọât cảm thức về sự không thể phân chia của thân, những xuất hiện, và tâm ; bạn có thể không quan tâm đến nhân quả, và sự tôn kính và lòng bi của bạn có thể yếu đi theo cách nào đó. Thế nên chớ đi theo lối ấy.
– “Thức tươi mới” có nghĩa trạng thái này của thức không bị trộn lẫn với tạo tác thi thiết giả tạo của tâm quy ước. Nó thoát khỏi tạo tác ý niệm và biến chất ; nó là bản tánh bổn nhiên. Bản tánh đó ở đâu ? Nó đã vốn hiện diện, nhưng chúng ta không nhận ra nó, thế nên nó giống như bầu trời bị mây che hay băng che phủ nước. Khi mây tan vào bầu trời, bạn thấy rõ ràng chúng không là gì khác với bầu trời cũng như băng là đồng nhất với nước bên dưới.
Trong ngữ cảnh Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, “tươi mới”, “trẻ trung” khi áp dụng cho thức hay những xuất hiện hình tướng để chỉ sự thanh tịnh bổn nguyên. Thức tươi mới, tự tánh vốn sẵn của chúng ta có thể bị che ám nhưng không thể bị ô nhiễm. Thậm chí dù toàn bộ sanh tử có nỗ lực làm dơ bản tánh vốn sẵn của thức của bạn, nó cũng không thể, dù bản tánh ấy có thể bị che dấu. Tương tự, dù nếu bạn chất chồng tất cả đồ dơ bẩn trong thế giới lên một thỏi vàng, nó cũng không làm hư hỏng bản chất vàng.
Vào cấp độ hay giai đoạn này của yoga thứ ba, có thể còn có dấu vết nào đó của khao khát, dấu vết nào đó của kinh nghiệm thiền định, sự bám nắm nhị nguyên nào đó vào kinh nghiệm. Trong bối cảnh này, những đối tượng của sáu thức có thể còn có vẻ có những phẩm tính vững chắc và cứng đặc bình thường của chúng. Lửa sẽ có vẻ nóng ; gió sẽ còn có vẻ nhẹ và lưu chuyển. Lại nữa, nếu sự tôn kính và lòng bi bắt đầu giảm khuyết và sự chu đáo về những hành động và hậu quả của chúng giảm sút, những cái ấy cần được xem là những khuyết điểm trong thực hành của mình. Thực hành thích đáng làm tăng lòng sùng mộ, lòng bi và sự chu đáo. –
Yang Gošnpa nói :
Vào cấp độ vừa của một vị, gốc rễ của nhị nguyên chủ thể đối tượng hoàn toàn bị cắt đứt, nhưng sự chứng ngộ đó chưa hoàn toàn vững chắc. Như thế người chứng ngộ cái đó thống nhất thế giới đa thù thành một vị, và khuynh hướng bám nắm những đối tượng được tịnh hóa hoàn toàn. Như thế, những hiện tượng vật chất không được xem là bên ngoài, cái giác không là bên trong, và những xuất hiện và tâm chỉ là một. Đi vào cấp độ vừa của một vị biểu lộ những tính chất này.
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Vào cấp độ vừa của một vị, nhận thức sự vật hóa trước kia của bạn hòa tan thành một. Như thế, một khi nó được tịnh hóa, những hiện tượng vật chất không được xem là bên ngoài, và cái giác không phải bên trong. Những xuất hiện và tâm đơn giản thống nhất, và gốc rễ của nhị nguyên chủ thể đối tượng hoàn toàn bị cắt đứt. Sự bám nắm sanh khởi dựa vào những đối tượng, nhưng bây giờ tất cả đối tượng sanh khởi trong quang minh bổn nhiên của chúng. Khi chúng không thực (như những đối tượng bên ngoài), thức không còn bám nắm chúng. Với một thức thuần nhất khi những đối tượng xuất hiện cho nó, mọi sự sanh khởi như sự trợ giúp cho mình. Nhờ những đối tượng như sắc xuất hiện một cách vô niệm, sự nắm hiểu sắc trở thành khách quan, vô tâm.
Dù không có sự khác biệt giữa cấp độ nhỏ của một vị và bản tánh của hợp nhất, kinh nghiệm trở thành vững chắc hơn. Có một cảm thức về sự thống nhất của thân, những xuất hiện và tâm. Có ít mê lầm hơn trước trong thức sau đó và những giấc mộng, và sự bám nắm của sự vật hóa không xảy ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khi mộng và những dịp khác, sự nương dựa hay không chánh niệm hoàn hảo bị xao lãng, những xuất hiện như huyễn nhưng có chấp giữ trở nên không rành mạch. Đây là sự khác biệt giữa chánh niệm về một đối tượng được nắm hiểu và chánh niệm toàn hảo : (trong trường hợp trước) khi có phóng dật, bạn có cảm nhận là có phóng dật ; và sau đó, dù thực hành tâm linh của bạn hiện diện sống động trong dòng tâm thức bạn, đó vẫn là chánh niệm về một đối tượng được nắm hiểu ; và đó là một dấu hiệu rằng sự bám nắm trước kia đã trở lại. Trong thực hành của bạn, sự cảnh tỉnh của chánh niệm đơn thuần mà không có bám nắm vào chứng ngộ được gọi là chánh niệm toàn hảo về những hiện tượng được chứng ngộ ; và dù sự nhận biết trước kia không được duy trì, đây là một dấu hiệu rằng bám nắm không lẻn vào.
Đức Phagmo Drušpa nói, “Từ cấp độ lớn của một vị, những hiện tượng được bình lặng trong tính bình đẳng.”
– Những hiện tượng được bình lặng trong tính bình đẳng là gì ? Mọi sự khác với thức tươi mới được bình lặng, chỉ để cho sự xuất hiện của tâm hoàn toàn tươi mới. –
Gyalwa Yang Gošnpa nói :
Ở cấp độ lớn của một vị, mọi hiện tượng có thể có đều bình lặng trong trạng thái vô sanh, và đó là sự chứng ngộ một vị. Nhờ sự sanh khởi của những xuất hiện đa thù, mọi hiện tượng của sanh tử và niết bàn hiện diện như những xảy ra của tánh không. Đó gọi là “cái một vị đa thù”, và nó là một chứng ngộ sự bất khả phân của cái sâu xa và cái rộng lớn. Đó là samadhi mà trong những kinh gọi là “sự xuất hiện của những hiện tượng sâu xa” và “samadhi thoát khỏi tạo tác ý niệm của sự bình đẳng của tất cả các hiện tượng”.
Mọi hiện tượng bao gồm trong sanh tử và niết bàn đều hiện diện trong bản tánh của chứng ngộ bất nhị đúng như chúng đang ở trong trạng thái của chính chúng, với sự tươi mới không giảm sút và sự rực rỡ không thay đổi. Bởi thế, hoặc ở trong định hay trong sự chứng đắc tự do, không có một dấu vết hư hỏng bởi những đối trị ; và đó là cấp độ lớn của một vị.
– Như tất cả nước trong thế giới, dù ở đâu cũng chảy về đại dương và thành một vị, cũng thế, khi có được chứng ngộ về tánh không, tánh không của mỗi hiện tượng cá thể chỉ là cùng một tánh không. Đây là một vị đa thù. Chứng đắc tự do không ám chỉ niết bàn, mà tự do khỏi những chướng ngại như bám nắm và khao khát. Bạn tự do với chúng, nhưng không có cái gì thực sự đã được chữa lành hay đã hư hỏng. Đó là cấp độ lớn của một vị. –
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Vào cấp độ lớn của một vị, mọi hiện tượng có thể có trong sanh tử và niết bàn được chứng ngộ là vô sanh trong trạng thái bình đẳng. Những xuất hiện và tâm được biết là một, và kinh nghiệm về sự nhận biết trước kia của bạn trở nên vững chắc. Bấy giờ việc sự vật hóa những xuất hiện không ngừng được tịnh hóa. Như một kết quả, sự chứng ngộ bất nhị này thường trực hiện hữu ngày đêm. Thỉnh thoảng một kinh nghiệm nhỏ của tri giác không xác quyết xảy ra về quang minh toàn triệt của những hình tướng xuất hiện vô niệm. Những xuất hiện hình tướng quang minh thoát khỏi bám nắm thì không dứt, và có lúc chứng ngộ sanh khởi trong bản tánh của toàn thể hiện tượng trong sanh tử và niết bàn. Dòng tương tục của bám nắm nhị nguyên bị cắt đứt, và những xuất hiện như huyễn có mặt mà không có nhận thức bám nắm nào. Hơn nữa, chúng giống như những xuất hiện do một nhà ảo thuật tạo ra.
Những xuất hiện nhị nguyên vi tế có thể không dừng, dù bạn biết chúng thật sự không hiện hữu. Hay những giấc mộng không rõ ràng kéo theo bám nắm nhị nguyên có thể xảy ra. Có lúc bạn không mộng gì cả. Những xuất hiện nhị nguyên vi tế này xảy ra không rành mạch như những phô diễn, những xuất hiện hay những cái nhìn thấy trống không của sự tịnh hóa trong kinh nghiệm của thực hành. Chúng được nói là xuất hiện như là thức trống không của một vị. Thực ra, chúng là những phô diễn của những đối trị còn sót lại. Hơn nữa, bao giờ còn một cảm thức đang thiền định, những biến cố khác sẽ tự động xảy ra như một kết quả. Những xuất hiện nhị nguyên vi tế là những bất tịnh. Tuy nhiên một số xuất hiện vô niệm sanh khởi như là những phô diễn đa thù, tự nhiên xuất hiện nhưng không được xác quyết. Sự dựa vào chánh niệm có thể bị xao lãng, bạn cảm thấy không thoải mái trong sự duy trì cảm thức tĩnh lặng, và những cảm nhận vụn vặt về quang minh toàn triệt có thể xảy ra. Chúng là những tàn dư còn sót lại cần loại bỏ. Bao giờ chúng còn, những biến cố khác với những xuất hiện nhị nguyên vi tế này tự động xảy ra như một kết quả. Chúng được gọi là những vọng tưởng vi tế của cấp độ lớn của một vị.
Bởi thế, bất cứ xuất hiện nào sanh khởi, không có gì để đoạn trừ hay chấp nhận và không có gì để bác bỏ hay xác nhận. Bạn biết bản tánh bạn là tịnh quang trống không, tánh bình đẳng không có một đối vật nào. Mọi hiện tượng bao gồm trong những nhị nguyên như sanh tử và niết bàn được chứng ngộ là một vị. Tám mối quan tâm thuộc thế tục được trung hòa, và mọi tương quan duyên sanh trở nên rõ ràng. Nhờ sự thấu hiểu về những xuất hiện, cái này được gọi là “sự sanh khởi của cái nhìn thấy và những phẩm tính của năng lực toàn hảo của bản tánh cốt lõi của một vị”.
– Vào giai đoạn này, những xuất hiện vi tế thỉnh thoảng khởi lên, nhưng bạn không thực sự xác quyết chúng. Với nhà huyễn thuật, những phô diễn ảo thuật ông làm cho xuất hiện, nhưng ông biết chúng thực sự không hiện hữu. Với khán giả, chúng có vẻ thật và họ đối xử với chúng như là thật. Dù bạn biết nhà ảo thuật làm hiện ra một con cọp và bạn không cho nó là thật, do thói quen, bạn còn đối xử với chút gì sợ hãi. Điều này chỉ ra rằng vẫn còn một dấu vết thói quen cũ của bạn. Tương tự, nhận biết một giấc mộng là một giấc mộng và còn đối xử với bám luyến và tức giận với những gì trong mộng là một dấu hiệu chỉ cho thấy rằng hiểu giấc mộng chỉ là mộng thì chưa đủ. Chỉ bằng chứng ngộ trọn vẹn bản tánh của giấc mộng thì bám luyến và tức giận mới dứt.
Trong những phần khác nhau của yoga giấc mộng, bạn thực hành chuyển hóa những biến cố và sự vật trong giấc mộng. Chẳng hạn, nếu có nhiều vật, bạn chuyển chúng thành một vật. Thấy một con cọp, bạn chuyển hóa nó thành một con mèo con, do đó sợ hãi tan biến. Cũng thế trong thực hành giai đoạn phát sanh, nếu có cái gì đe dọa sanh khởi, bạn chỉ chuyển hóa nó thành bổn tôn đã chọn. Tuy nhiên đạt đến sự chứng ngộ trọn vẹn tánh không về những hiện tượng trong mộng, thì không cần làm sự chuyển hóa nào cả. Bạn để cho bất kỳ cái gì cứ sanh khởi, vì bạn đã thấu hiểu sự rốt ráo không có tự tánh của những hiện tượng. Bởi thế, không có ý định nào để thay đổi nó ; thay vào đó, bạn thấu hiểu thật tánh của nó.
Sự bám nắm nhị nguyên của trạng thái sau thiền định hay trạng thái mộng là gì ? Nó là tàn dư của sự áp dụng trước kia những đối trị trong thực hành của bạn. Chẳng hạn trong giai đoạn phát sanh khi có bám nắm, bạn áp dụng sự đối trị cố gắng thấy mọi sự là thanh tịnh. Đó là một đối trị còn sống kéo dài rơi rớt sau đó. –
Gyalwang Chošjey nói :
Trong ‘nhất tâm của một vị’, bạn cắt đứt những gán ghép lên tất cả những xuất hiện trong trạng thái bình đẳng. Trong ‘thoát khỏi tạo tác ý niệm của một vị’, trong trạng thái bình đẳng, không có sự phân cách giữa mọi tạo tác ý niệm do bám nắm vào sự vật như là khác nhau hay nhị nguyên. Trong ‘một vị của một vị’, tánh bình đẳng đó hoàn toàn thấm khắp mọi kinh nghiệm và mọi hiện tượng. Trong ‘không-thiền định của một vị’, khi sự vững chắc đã đạt được trong đó, nó tiếp tục suốt ngày đêm.
Nghĩa của lời dạy của Đức Naropa rằng thứ tư là yoga của không-thiền định được ghi trong Tantra của những Bí Mật Không Thể Nghĩ Bàn và Tantra của Dòng Sông Ali Kali Vĩ Đại :
Thứ tư, bằng cách đi vào thực hành không-thiền định
Với định như kim cương,
Vô số chư Phật toàn giác và những tịnh độ được nhìn thấy,
Và, không tìm kiếm, đó là Pháp tự nhiên, vĩ đại, tối thượng.
Bài Ca Kim Cương của Bất Tử của Đại Bà La Môn nói :
Quả siêu vượt khỏi trí năng được thành tựu mà không mong muốn nó
Trong những phương thuốc tốt nhất, nó giống như soma.
Mọi cảm nhận qua kinh nghiệm trong thiền định về tánh không và vân vân được tịnh hóa, thế nên sự tịnh hóa kinh nghiệm là không-thiền định. Có một chứng ngộ thường trực rằng tự tâm xuất hiện khác nhau như sanh tử và niết bàn. Nếu sự nhận biết về vô niệm chưa được tịnh hóa, đó là một che ám như mây trên mặt trời của không-thiền định. Hơn nữa, thức sau đó sanh khởi như lòng bi không đối tượng. Sự thiếu nhận biết về vô niệm che ám thực tại bổn nhiên, thế nên đó là một vết dơ của thức sau đó. Với sự tịnh hóa vết dơ của nhận biết, không có sự khác biệt giữa duy trì chánh niệm với thấy tánh hay không thấy tánh ; thế nên nhị nguyên của tách rời và chứng đắc trở thành một. Trí huệ bổn nguyên của quán chiếu trở thành thường trực, thế nên người ta chỉ an trụ trong định. Vào mọi lúc, có quán chiếu không phân chia vào không gian tuyệt đối của bình đẳng bổn nhiên, thế nên đây là thời gian lúc tự tâm hiển lộ. Vô niệm nhưng vô ký về mặt đạo đức được tịnh hóa, thế nên dòng thức ấm, thức nền tảng, trí huệ bổn nguyên bất nhị không đứt đoạn. Như thế chứng ngộ là thường hằng. Những biến cố duyên sanh của không gian tuyệt đối bất nhị và trí huệ bổn nguyên, cũng như toàn thể phạm vi những hiện tượng được tri giác như chúng vốn là. Tuy nhiên, nhờ sự vắng mặt của những xuất hiện nhị nguyên, người ta biết những biến cố duyên sanh là không nền tảng.
Sự khác biệt giữa một vị và không-thiền định là do những xuất hiện nhị nguyên vi tế có được tịnh hóa hay không và bạn có sử dụng nỗ lực của chánh niệm hay không. Vào điểm này không có sự khác biệt giữa định và thức sau đó. Những xuất hiện nhị nguyên vi tế nhất và những tác dụng nhị nguyên vi tế nhất được tịnh hóa. Quan trọng là không bị sa lầy vào những đánh giá của kinh nghiệm. Hãy chủ yếu thiền định về tánh bất nhị trong một trạng thái trong đó sự bám nắm của chánh niệm tan biến mất. Có nói rằng bản tánh cốt lõi, tự nhiên của chính bạn đã được biết.
Những chi tiết về bốn cấp độ được tìm thấy trong những ghi chú của Gyatonpa Chokyi Zangpo, chúng được trích dẫn trong bình giải của Drungchen Kun-pa Namgyal. Tôi đã phân chúng ra để dễ hiểu. Trong yoga của không thiền định của Đức Dagpo Rinpoche, bất cứ cái gì xuất hiện và bất cứ cái gì sanh khởi được thấy là một tánh, thế nên ngài nói rằng mọi tư tưởng và ký ức trở thành thiền định. Năm Cấp Độ nói :
Sự hợp nhất của những người không tu, sự thanh tịnh trọn vẹn Lawapa dạy, đại yoga Sawaripa dạy, thời gian lúc cái giác được giải thoát vào tánh như Maitripa dạy, yoga thoát khỏi tạo tác ý niệm, sự vững chắc thiền định của Như Lai được dạy trong Kinh Sự Đi Vào Lanka, và nghĩa của quán đảnh thứ tư, tất cả được nói là như nhau.
– Quán đảnh thứ tư cho phép chúng ta đi vào một trạng thái thiền định vượt khỏi trí năng. Hơn nữa, quán đảnh của lời quý báu này có ý nghĩa cho phép chúng ta chứng ngộ sự thanh tịnh toàn khắp của tất cả các hiện tượng, vì không có cái gì khác ngoài Pháp thân.
Trong bối cảnh của tantra, có căn cứ của sự tịnh hóa, cái cần được tịnh hóa, cái tịnh hóa và quả của sự tịnh hóa. Căn cứ của sự tịnh hóa là Phật tánh của bạn. Cái cần được tịnh hóa là mọi cái che ám Phật tánh của bạn. Bốn quán đảnh là những cái tịnh hóa. Với quán đảnh thứ nhất, quán đảnh cái bình, căn cứ của tịnh hóa là các uẩn của chúng ta và môi trường chung quanh, chúng thật ra vốn thanh tịnh. Quán đảnh ngữ, căn cứ là mọi lời nói, chữ viết, âm tiết và những năng lực khí. Căn cứ của tịnh hóa đối với quán đảnh trí huệ là những yếu tố nam (dương) và nữ (âm) và những bindu. Căn cứ của tịnh hóa với quán đảnh thứ tư là bản tánh của tỉnh giác, tức là tánh giác, nó còn chưa được biết, nhưng đang hiện diện như là Pháp thân. –
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Về yoga không thiền định, do tự làm quen với nó, những vọng tưởng của những xuất hiện nhị nguyên với thức sau đó xảy ra cho đến cấp độ lớn của một vị được tịnh hóa. Sự không phóng dật đơn thuần của chánh niệm trọn vẹn về những hiện tượng được chứng ngộ ; và những vết dơ mỏng nhẹ của bám nắm vào tánh không, sự duy trì cố gắng chánh niệm trọn vẹn, và mọi xuất hiện nhị nguyên vi tế được tịnh hóa. Bấy giờ một trạng thái tự nhiên, tự phát được duy trì. Có niềm vui trong sự chứng ngộ rằng không làm gì có đối tượng của thiền định và hành động thiền định. Dù không có thiền định, mọi sự không ngừng sanh khởi như thiền định. Mọi sự sanh khởi như thiền định dù bạn ở trong nhập định hay không, và dù có phóng dật hay không.
Tịnh quang của thiền định, tức là tính chất của tâm, và tịnh quang của cái chết – nghĩa là tịnh quang mẹ và con – được hợp nhất. Đó giống như bầu trời trong sáng không mây, hay nước không gợn nhăn. Trong tịnh quang, cả hai cái được hợp nhất, và chúng chỉ là một mình Pháp thân. Cái này xa lìa hẳn bất cứ cái gì để từ bỏ hay chấp nhận và xa lìa hẳn bất cứ đối tượng nào hay hành động nào. Bạn cảm nhận rằng không có sự khác biệt giữa chết và không chết, và bạn thình lình có được hiểu biết nào đó về việc không có khác biệt giữa nhập định và thức sau đó.
Những người khác thấy bạn như được những dakini bao quanh và bạn được thấy trong những thân thể nhân lên gấp nhiều lần. Với những người tôn kính và sùng mộ, bạn xuất hiện trong hình thức của một vị Phật. Bất cứ điều gì bạn nói đều trở thành Pháp. Bất cứ bạn làm điều gì với thân, nó cũng làm cho chúng sanh thấm nhuần niềm tin. Bất cứ chỗ nào bạn ở lại, những ban phước sanh khởi. Dù bạn ở một mình, bạn không cảm thấy chán nản hay mệt mỏi. Bất cứ vùng nào bạn thăm viếng, bạn đều kinh nghiệm niềm vui và sự tốt đẹp. Có lúc đối với những người khác bạn có vẻ bị hấp dẫn vào hoạt động bên ngoài và những việc thế tục, nhưng thực sự bạn đang phô diễn Bồ đề tâm. Bạn thấu rõ những tương quan nhân quả giữa những hành động và những hậu quả của chúng, và bạn biết mọi sự là vô sanh. Bạn không muốn bất kỳ chỗ ở nào, và bạn không còn những tư tưởng lúng túng hay cho những sự vật là dơ hay sạch. Tất cả vira và dakini cúng dường bạn, và họ giúp bạn đáp ứng những nhu cầu của chúng sanh. Bạn trở thành một viên ngọc như ý cho bất kỳ ai.
Đức Phagmo Drušpa nói, “Với cấp độ nhỏ của không thiền định, bạn thoát khỏi một đối tượng thiền định và hành động thiền định.” Gyalwa Yang Gošnpa nói :
Như vậy, một vị là sự hợp nhất của một người tu hành. Không-thiền định là sự hợp nhất của một người không tu hành. Bên trên sự chứng ngộ này, không có cái gì bạn cần sở đắc nữa, cho nên ở bên trong bạn chứng ngộ không thiền định. Sự vắng mặt của một đối tượng thiền định và hành động thiền định trong cấp độ nhỏ của không thiền định kéo theo sự tịnh hóa rốt ráo người thiền định hay người đạt được chứng ngộ. Như thế, không có đối tượng thiền định hay hành động thiền định, không có đối tượng chứng ngộ hay hành động chứng ngộ, không có đối tượng hiểu biết hay hành động hiểu biết, và không có đối tượng của chánh niệm hay hành động chánh niệm. Không có những sự việc như vậy để thiền định, và sau khi hoàn toàn tịnh hóa những vết dơ của kinh nghiệm, không còn sự phân biệt giữa nhập định và thức sau đó trong suốt ngày và không có sự phân biệt giữa phóng dật và không phóng dật. Trong cấp độ nhỏ của không thiền định, vào ban đêm còn vết dơ nhỏ của bám nắm của không nhận biết.
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Trong cấp độ nhỏ của không thiền định, mọi sự bạn làm đều sanh khởi như thiền định, không cần duy trì chúng với chánh niệm. Bạn thoát khỏi một đối tượng thiền định và hành động thiền định. Mọi sự sanh khởi là thiền định mà không tùy thuộc vào việc bạn ở trong nhập định hay không. Những xuất hiện sau đó, trước kia đã như huyễn vào thời gian cấp độ lớn của một vị, thì trở nên vi tế hơn. Bấy giờ không cần duy trì chánh niệm hoàn hảo. Chúng trở nên thanh tịnh tự chúng.
Phiền não gọi là “không nhận biết tính vô niệm của những xuất hiện sau đó” và mọi tư tưởng là tàn dư của vô minh được tịnh hóa bởi cấp độ một vị. Thức nền tảng vô niệm và vô ký về mặt đạo đức chưa chuyển hóa thành trí huệ bổn nguyên. Bản thân sự không nhận biết tính vô niệm này là cái duy nhất để loại bỏ, nó là một phương diện của vô minh. Do cái đó, những xuất hiện như huyễn thỉnh thoảng xảy ra trong những khoảnh khắc nhắn ngủi. Bản tánh của bạn hiện tiền một cách vô niệm, thế nên không cần áp dụng những đối trị. Có thể những vết dơ mỏng manh của bám nắm thỉnh thoảng xảy ra khi bạn đang ngủ ; và bởi vì chúng không được nhận biết là quang minh của chính bạn, chúng là những sở tri chướng.
Đức Phagmo Drušpa nói, “Với cấp độ vừa của không thiền định, một trạng thái tự nhiên được đạt đến.” Đức Gotsangwa nói :
Trong ban ngày, những vọng tưởng của những xuất hiện sau đó chỉ kéo dài khoảng một cái búng ngón tay. Bản tánh của nó là tự nhiên thanh tịnh, không cần y cứ vào bất cứ cái gì được duy trì với chánh niệm.
Yang Gošnpa nói :
Trong giai đoạn vừa của không thiền định, một trạng thái của tự phát được đạt đến. Ở đây quả trở lại nền tảng, có một sự gặp gỡ với mẹ (tịnh quang mẹ), ba hiện thân, và những ước mong của bạn được đáp ứng. Không có sự khác biệt nào giữa ngày và đêm, giữa ngủ và không ngủ, duy trì cái gì với chánh niệm hay trau dồi nhận biết. Trong đại định duy nhất, có một tự-che ám của trí huệ bổn nguyên và một hạt sương của vô minh, cùng với một vết dơ nhỏ nhoi che ám hiểu biết. Đó là cấp độ vừa của không thiền định.
– Thậm chí ở cấp độ cao cấp này, có dấu vết vi tế nhất của vô minh làm che ám trí huệ bổn nguyên. Khi người ta đạt đến cấp độ vừa của yoga không thiền định, những che chướng vẫn còn. Chúng ta còn chưa nhận biết bản tánh của chúng ta một cách đầy đủ, và cái vô minh này là vết dơ che ám trí huệ bổn nguyên. Dĩ nhiên, thật tánh của trí huệ bổn nguyên thì không ô nhiễm, nhưng chính sự không nhận biết bản tánh của chúng ta tạo ra vết dơ.
Như Andzom Rinpoche, một trong những vị thầy Dzogchen vĩ đại của Đông Tây Tạng, tuyên bố : tánh bổn nguyên của chúng sanh thì không đặt nền trên bất kỳ loại thực thể nào ; nó là bản tánh của hiện diện tự nhiên. Tuy nhiên ở cấp độ vừa của thực hành không thiền định này, đôi khi bạn có thể không nhận biết bản tánh của bạn trong chốc lát, và điều này bao hàm rằng hiểu biết về hiện tượng bị che ám. Đó giống như một đường nước nhỏ chảy trên một tảng băng. Một khi sự che ám vi tế này được xóa tan trong nhập định, bạn đạt được samadhi như kim cương, trong đó tâm là tự thanh tịnh, tự tịnh hóa. Trạng thái thanh tịnh này trụ suốt ngày đêm. Nó là tự nhiên và tự phát như sự nở của một đóa hoa. –
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Trong cấp độ vừa của không thiền định, bạn vững vàng đạt đến một trạng thái tự phát. Kinh nghiệm của bạn trở thành vững chắc hơn trước, và bạn chứng ngộ sự hiện diện bổn nhiên của sanh tử và niết bàn. Tự do khỏi mọi bám nắm, một khi bạn đến trạng thái vốn sẵn này, bánh xe của trí huệ bổn nguyên của định chuyển suốt ngày đêm. Những dấu vết của không-nhận biết có tính vô niệm về những xuất hiện sau đó khởi lên bởi năng lực của trí huệ bổn nguyên vốn định trở nên càng vi tế hơn trước. Chúng xuất hiện trong khoảng chỉ một cái búng ngón tay, không có thời gian để dự vào những đối tượng, và chúng được giải phóng trong quang minh tự nhiên. Vào mọi lúc, bản tánh vô niệm xuất hiện như tịnh quang tự nhiên của chính nó. Như một kết quả, mọi trạng thái của nhập định còn mang những vết dơ của tác dụng sai lầm và những cặn bã vi tế nhất của chúng trở nên không nhiễm ô, trong khi những xuất hiện sau đó, như bát chánh đạo của những vị thánh, thì vẫn còn nhiễm ô.
– Vào cấp độ này, những xuất hiện sau đó khởi sanh trong trạng thái sau thiền định, nhưng chúng rất vi tế và rất thoáng qua như búng ngón tay. Thật vậy chúng xuất hiện quá ngắn đến độ không có thời gian để bám nắm chúng. Cái không-nhận biết vô niệm này là trung tính. Lúc này vẫn còn một sự phân biệt giữa định, nó không bị ô nhiễm, và sau thiền định, nó vẫn còn một ô nhiễm rất vi tế. –
Đức Phagmo Drušpa nói, “Với cấp độ lớn của không thiền định, hai tịnh quang hòa lẫn.” Gyalwa Yang Gošnpa nói :
Trong cấp độ lớn của không thiền định, những tịnh quang hợp nhất thành một. Trí huệ bổn nguyên của không gian tuyệt đối của những hiện tượng và không gian tuyệt đối của thực tại chư Phật là không thể phân chia, thế nên tịnh quang của con đường và tịnh quang tự nhiên hợp thành một. Bấy giờ trong tịnh quang vĩ đại này, trí huệ bổn nguyên thoát khỏi tạo tác ý niệm, vô minh, hiểu biết và những vết dơ của hiểu biết đều được tịnh hóa rốt ráo. Như thế, trong đời này và những đời sau không còn sự bám nắm vi tế nhất vào những nguyên nhân và những kết quả thuộc nghiệp. Bạn và những người khác, sanh tử và niết bàn đều là một. Trong cấp độ lớn của không thiền định, những tịnh quang hợp nhất làm một, thế nên đó là sự hợp nhất của một người vô tu.
– Trí huệ bổn nguyên của không gian tuyệt đối của những hiện tượng, ám chỉ bản tánh của thực tại như một toàn thể, và không gian tuyệt đối của thực tại của chư Phật là không thể phân chia. Điều này bao hàm sự không thể phân chia của sanh tử và niết bàn. Sanh tử và niết bàn hợp nhất, nhưng không phải như bạn chuyển hóa hai chất riêng biệt thành một. Hơn thế nữa, không có cái nào đã từng được đặt nền trên loại thực thể riêng biệt nào. Bởi thế, nếu sanh tử vốn không có nền tảng trong thật tế, thì cũng không cần nói rằng niết bàn cũng không có nền tảng. Và điều này có hiệu lực với tất cả mọi nhị nguyên. Đây là sự nhận biết tánh thanh tịnh bổn nguyên. –
Những Giáo Huấn Vĩ Đại nói :
Trong cấp độ lớn của không thiền định, tất cả thức được chuyển hóa thành trí huệ bổn nguyên. Gươm trí huệ bổn nguyên cắt đứt những sở tri chướng, cùng với những vết dơ của tác dụng lầm lẫn. Không gian tuyệt đối và vô nhiễm của những hiện tượng, nó là tịnh quang mẹ, và tịnh quang con của trí huệ bổn nguyên như tấm gương được hợp nhất. Sự hợp nhất của một bậc không-tu hành và sự giác ngộ tối thượng trở thành biểu lộ. Không có sự phân biệt giữa nhập định và sau thiền định. Do đạt đến thực tại bổn nhiên, không giả tạo, tiềm năng tự nhiên của Pháp thân vốn sẵn được viên mãn cho bạn. Như một kết quả, hai sắc thân, chúng làm lợi lạc cho những người khác, đáp ứng những nhu cầu của thế giới cho đến khi sanh tử trống rỗng. Như thế con đường cùng đích trở thành biểu lộ.
Trong không thiền định, định mở rộng bao la. Không còn sự trôi dạt khỏi định. Như thế, không có cái gì để chánh niệm và không có cái gì để thiền định nên kinh nghiệm là thanh tịnh. Bạn thoát khỏi nỗ lực của sự thấu hiểu một cách chánh niệm gồm cả sự nhận biết. Bạn hoàn thành trạng thái tịch diệt, tắt mất vào tự thân thực tại, và bạn tự do với những xuất hiện bị sự vật hóa.
Trước tiên khi không thiền định được chứng ngộ, tất cả những phẩm tính lớn của một vị Phật hội tụ lại như mây, nên địa thứ mười được gọi là “Pháp Vân địa”. Trong cấp độ vừa của không thiền định, một trạng thái của tính tự phát được đạt đến một cách vững chắc, và có nói là kinh nghiệm của người ta trở thành kiên cố hơn trước. Sự giải thoát hiện tiền như quang minh tự nhiên được nói là con đường đặc biệt của sự chấm dứt dòng tương tục của mười địa.
– Trong những phần trước của yoga không thiền định, có một phân biệt giữa thiền định và không thiền định, nhưng trong chỗ cùng đích của yoga này, không có phân biệt nào cả. Khi người ta tiến bộ trên con đường nhờ khai triển định và quán, những phiền não chướng và sở tri chướng được tịnh hóa. Bấy giờ tịnh quang con, tức là tịnh quang của con đường, đến cùng đích của nó ; nó trở thành biểu lộ và được trực tiếp chứng ngộ. Vào điểm này, người ta nhận biết rằng tịnh quang của con đường không gì khác hơn là tịnh quang của nền tảng, tịnh quang mẹ – đây là sự nhận biết bản tánh mình. Không bao giờ có che chướng nào trong tịnh quang mẹ vốn vĩnh cửu thanh tịnh. Bao hàm trong nó là hai thân – Pháp thân cho chính bạn và Sắc thân vì những người khác. Nhưng tới điểm này, cấp độ lớn của không thiền định, hai cái ấy biểu lộ trong sự nhận biết nhất thể của tịnh quang : tịnh quang con đường và tịnh quang nền tảng. Đây là sự chuyển hóa Phật tánh, hay quả, thành con đường.
Sự phân biệt tịnh quang con và mẹ có thể được hiểu trong bối cảnh bốn cái nhìn thấy của Nhảy Qua – tri giác trực tiếp về thực tại, tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định, tánh giác viên mãn, và cuối cùng, tịch diệt vào tự thân thực tại. Trong bốn cái, ba cái đầu tương đương với tiến bộ của tịnh quang con, nó càng lúc càng trở nên biểu lộ. Với cái nhìn thấy thứ tư, không còn gì nữa để cho ‘con’ làm. Tịnh quang trở thành biểu lộ trong cấp độ thứ tư không gì khác hơn tịnh quang con, và đó không gì khác hơn tịnh quang mẹ. Đây là sự nhận biết nhất thể của tịnh quang nền tảng và tịnh quang con đường. –
Trong giai đoạn lớn của không thiền định, một khi hai tịnh quang mẹ và con hợp nhất, không có sự phân biệt giữa nhập định và sau thiền định. Do đi đến thực tại bổn nhiên, không thi thiết giả tạo, pháp thân được hoàn tất cho riêng bạn. Do hoàn thành tiềm năng tự nhiên của thực tại bổn nhiên, hai sắc thân, Báo thân và Hóa thân, chúng làm lợi ích cho những người khác, đáp ứng nhu cầu cho thế gian cho đến lúc vòng sanh tử trống rỗng. Đây là địa thứ mười một, Ánh Sáng Phổ Quát. Chošjey nói, “Không thiền định, địa thứ mười một, là con đường kết thúc”, và “Đó là con đường kết thúc trong năm con đường”. Gyalwang Chošjey nói :
Nhất tâm của không thiền định là định của nhất tâm trong một trạng thái không có đối tượng thiền định và hành động thiền định. Thoát khỏi tạo tác ý niệm của không thiền định thì siêu vượt trí năng và thoát khỏi tạo tác ý niệm của trí năng. Một vị của không thiền định là một vị của của toàn thể hiện hữu sanh tử và niết bàn trong không gian tuyệt đối của không thiền định ; và không có chút dấu vết nhỏ nhất nào của chia biệt trong đó. Không thiền định của không thiền định là đạt được sự vững chắc trong đó. Sự chứng đắc vững chắc trong một vị và những cấp độ thấp hơn kèm theo những hòa nhập tạm thời của nhập định và trạng thái sau thiền định. Sự chứng đắc vững chắc của không thiền định là sự hòa nhập tối hậu của nhập định và sau thiền định. Điều này có thể so sánh với những chứng đắc vững chắc trong giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu.