Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

chúng ta đã bàn luận những giai đoạn thiền chỉ và thiền quán chung cho con đường kinh và mantra. Bây giờ chúng ta sẽ bàn luận những thực hành đặc biệt của đại ấn, những thực hành không chung.

Định nghĩa Đại Ấn

[92]        Trước hết, chúng ta cần tin vào đại ấn, niềm tin ấy sanh khởi từ sự biết được những phẩm tính phi thường và tốt đẹp của đại ấn. Những phẩm tính ấy được minh họa trong từ Sanskrit: maha là “rất lớn bao la”, và “thấm khắp mọi sự”, và mudra là “ấn”, theo nghĩa cái ấn một vị vua đóng lên một giấy tờ mà không có cái gì ra ngoài nó được. Mahamudra bấy giờ là cái ấn cho mọi hiện tượng và pháp tánh của tất cả mọi sự. Không có cái gì vượt khỏi đại ấn hay hiện hữu ngoài nó bởi vì nó là thực tại của mọi sự.

Maha trong tiếng Tây Tạng được dịch làchenpo và mudra là gya. Khi những dịch giả Tây Tạng dịch từ đại ấn, họ thêm âm tiết thứ ba là chag. Âm tiết này là để tôn vinh, biểu lộ sự kính trọng. Chag  cũng là từ tôn vinh cho “bàn tay”. Chẳng hạn bàn tay của một guru khi ban quán đảnh chạm vào một người, hoặc một vị thành tựu viết những luận Phật giáo bằng tay để giúp tịnh hóa tâm của người bình thường. Những người có thẩm quyền, như những vị vua, làm việc với bàn tay để xóa sạch những chướng ngại. Như thế từ chag để chỉ sự chuyển hóa cái gì từ trạng thái bất tịnh thành trạng thái thanh tịnh. Chag cũng chỉ cái gì có khả năng tiềm năng. Trong ngữ cảnh đại ấn, nó chỉ rằng qua đại ấn chúng ta có thể lìa bỏ mọi bất hạnh, từ đó mọi phẩm tính tốt tăng trưởng rộng lớn.

Trong ngữ cảnh của trường phái Trung Đạo, nó được gọi là cái tối hậu, Chân Như hay trí huệ vô thượng. Trong ngữ cảnh của trường phái Đại Toàn Thiện, nó được gọi là Kuntuzangpo, có nghĩa “hoàn toàn tốt đẹp”, trong tiếng Sanskrit là Samantabhadra (Phổ Hiền). Trong ngữ cảnh của Quả, nó được gọi là Pháp thân.

Maitripa giải thích trong Bảy Yoga: “Đại Ấn là cái gì? Nó vượt khỏi tâm thức của người thường, nó quang minh, nó không có ý niệm, và nó giống như không gian”.

Những loại Đại Ấn

[95]        Bản tánh của đại ấn thấm khắp mọi sự: những sự vật bên ngoài và tâm, chúng ta và những người khác. Đồng thời nó không thể nhận dạng và đặt tên.

Có ba loại đại ấn: đại ấn nền tảng, đại ấn con đường, và đại ấn quả. Đại ấn nền tảng là bản tánh của tất cả hiện tượng. Nó như vậy từ sơ thủy; nó ở đó dù chúng ta không chứng ngộ nó. Từ quan điểm kinh nghiệm, đại ấn nền tảng là tâm như nó là. Từ quan điểm đại ấn nền tảng thấm khắp mọi sự, nó là thực tại, sự vật như chúng là. Đôi khi nó được gọi là viên ngọc của tâm, Như Lai tạng (tathagatagarbha), hay Phật tánh. Nó vẫn như vậy dù chúng ta khổ đau hay làm điều tốt, bởi vì đại ấn thấm khắp mọi chúng sanh theo cùng một cách.

Nhưng ở cấp độ tương đối chúng ta tạm thời không thể chứng ngộ đại ấn nền tảng vì những hoàn cảnh đối nghịch hay những chướng ngại. Để chiến thắng những đối nghịch này và sửa lại mê lầm của mình, chúng ta cần tịnh hóa cái hiểu của chúng ta về nó và làm cho tâm chúng ta quen thuộc với nó. Đây là đại ấn con đường. Vị thầy đưa chúng ta vào đại ấn này; chúng ta nhận biết nó, tham thiền về nó, và trở nên quen thuộc với nó. Trong đại ấn con đường, sự chứng ngộ đại ấn của chúng ta trở nên rõ ràng hơn.

Đại ấn con đường dẫn chúng ta đến đại ấn quả. Ở giai đoạn này sự chứng ngộ đại ấn của chúng ta thì trọn vẹn và liên tục. Chúng ta chứng ngộ mỗi mặt nhỏ của nó một cách sáng rỡ trong suốt.

Trong Uttaratantra, Maitreya diễn tả ba hoàn cảnh khác nhau. Cái thứ nhất, gọi là bất tịnh, ám chỉ trạng thái của chúng sanh. Đây là đại ấn nền tảng. Cái thứ hai, gọi là bất tịnh thanh tịnh, ám chỉ trạng thái chứng ngộ từng phần đại ấn. Đây là đại ấn con đường. Cái thứ ba, gọi là cực kỳ và triệt để thanh tịnh, ám chỉ trạng thái chứng ngộ trọn vẹn đại ấn. Đây là đại ấn quả.

Sự quan trọng của Đại Ấn

[96]        Vấn đề không hiểu đại ấn được nêu lên với mục tiêu khởi sanh niềm tin vào đại ấn.

Trong Dẫn vào Đời sống Bồ tát, Shantideva bàn luận sáu sự hoàn thiện (ba la mật): rộng lượng, trì giới, kham nhẫn, nỗ lực, định và trí huệ. Ngài nói rằng bậc hàng phục, tức là Đức Phật, dạy những cái này để cho trí bát nhã. Bát nhã, trong ngữ cảnh này, là trí huệ thấy biết mọi sự như chúng là. Shantideva nói rằng dù chúng ta có thể làm nhiều trăm ngàn những thực hành khác, như trì các chú, tất cả chúng chỉ là những phương pháp để chứng ngộ đại ấn. Những thực hành là lợi lạc vì đưa chúng ta đến điểm có thể chứng ngộ đại ấn, nhưng nếu chúng ta không chứng ngộ đại ấn chúng ta sẽ không hoàn thành quả sau chót. Nếu chúng ta chứng ngộ đại ấn, chúng ta sẽ hoàn thành quả ấy.

Trong Tantra Hạt Vi Tế Đại Ấn, Đức Phật nói rằng nếu chúng ta chứng ngộ đại ấn, chúng ta trở thành Vajrasattva:

Người không thấu hiểu đại ấn

     không phải là người chứng ngộ, tuy nhiên có tâm,

     Người ấy sẽ không hoàn thành quả tối thượng

     nếu không thấu hiểu hoàn hảo

     tinh túy của đại ấn.

nguồn gốc của Đại Ấn trong các Kinh

[97]        Đức Phật diễn tả đại ấn trong nhiều kinh khác nhau, đôi khi gọi nó đại ấn đôi khi không. Bất cứ tên nào Đức Phật dùng, nghĩa là như nhau: những hiện tượng là thanh tịnh tự nhiên và được đóng dấu ấn là giải thoát một cách bổn nguyên. Đây là đại ấn được diễn tả như thế nào trong các kinh.

Nguồn gốc Đại Ấn trong các Tantra

       Có bốn bộ tantra trong Kim cương thừa. Ba bộ đầu, gọi là các tantra thấp hơn, là kriya tantra, charya tantra, và yoga tantra, hay trong tiếng Anh, tantra hành động, tantra cử hành, và tantra hợp nhất. Những tantra cao hơn là những anuttarayoga tantra, hay những yoga tantra tối thượng, chúng là những bản văn chánh của Kim cương thừa. Đại ấn được dạy trong tất cả bốn bộ tantra. Nó được dạy trong mỗi tantra trong những yoga tantra tối thượng, và trong các tantra thấp hơn, nó được nói đến như “ấn tay” – như bạn ấn cái gì đóng chặt bằng tay bạn, thì những hiện tượng cũng được đóng dấu ấn bằng thật tánh của chúng là tánh Không.

Thêm nữa, đại ấn đôi khi được nói đến theo bốn ấn. Đó là ấn samaya, ấn trí huệ, ấn hành động, và đại ấn, hay trong tiếng Sanskrit, Samayamudra, jnanamudra, karmamudra và mahamudra (hay dharma mudra).

Anuttarayoga tantra chia thành ba nhóm nhỏ: những tantra cha, những tantra mẹ, và những tantra bất nhị. Đại ấn được dạy trong cả ba nhóm nhỏ này. Đặc biệt trong Tantra Kalachakra, thuộc về những tantra bất nhị, đại ấn được nói là “tánh không sở hữu cái tối cao của tất cả phương diện”, chỉ ra rằng nó là căn cứ của mọi hiện tượng. Nó cũng được gọi là “lạc bất biến tối thượng”, bởi vì chứng ngộ nó, chúng ta vượt khỏi sanh tử biến dịch và đạt đến an lạc bất biến.

Đại ấn cũng được dạy trong Tantra Hạt Vi Tế Đại Ấn, nó không ở trong bốn bộ tantra mà là một phần của những bài ca tâm linh (doha). Trong ngữ cảnh riêng biệt này, hạt vi tế (Skt. Bindu, TT.Tigle) nghĩa là “không thay đổi”.

Như thế, đại ấn được dạy trong mọi bộ tantra, đặc biệt trong bộ thứ tư cao nhất. Nó được nói đến chi tiết trong Tantra Kalachakra và Tantra Hạt Vi Tế Đại Ấn.

Loại trừ những tri giác sai lầm

[105]     Một số học giả tìm cách bác bỏ đại ấn. Họ nói rằng đại ấn sai lầm bởi vì có một số người ban những chỉ dạy và thực hành thiền đại ấn mà không hiểu họ đang làm gì. Thật ra có một nguy hiểm nếu đại ấn được thực hành một cách không đúng. Những chỉ trích này bởi thế là của những người dùng tên đại ấn mà không hiểu nghĩa của nó. Chẳng hạn, Sakya Pandita nói rằng tham thiền về đại ấn sẽ chắc chắn dẫn người ta đến tái sanh làm một con thú hay trong cõi vô sắc. Ngài nói điều này để khuyến khích những ai có một cái hiểu sai lìa bỏ sự hiểu lầm của họ. Cần thiết phải trả lời cho nhận định này bởi vì có những người, không hiểu biết ý định của nó, sẽ đơn giản cho nó có nghĩa là đại ấn là một tham thiền vô ích. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy rằng cả hai sự bác bỏ và trả lời cho bác bỏ này có một mục tiêu.

Những Kinh và Tantra trong Đại Ấn

[109]     Bấy giờ bản văn bàn luận cách nào nghĩa sâu xa của tất cả kinh và tantra được bao gồm trong đại ấn. Chẳng hạn, tánh Không được chứng ngộ với trí huệ siêu việt, được dạy trong lần chuyển luân thứ hai, được bao gồm trong đại ấn. Phật tánh được dạy trong lần chuyển luân thứ ba cũng được bao gồm trong đại ấn, như là những chỉ dạy tinh túy của giai đoạn thành tựu của Kim cương thừa. Nếu chúng ta thấu hiểu đại ấn, chúng ta sẽ thấy tất cả những cái ấy được bao gồm trong nó như thế nào.

Gampopa nói rằng có ba con đường khác nhau với những thực hành khác nhau, nhưng ba con đường này cùng một bản tánh. Chúng là: lấy suy luận làm con đường, lấy những ban phước làm con đường và lấy tri giác trực tiếp làm con đường. Lấy suy luận làm con đường ám chỉ, chẳng hạn, những lý luận khác nhau được nêu lên trong trường phái Trung Đạo để chỉ ra mọi sự không phải một cũng không phải nhiều. Lấy những ban phước làm con đường ám chỉ, chẳng hạn, tham thiền trên thân thể của một bổn tôn hay những thực hành liên hệ đến những kinh mạch và những năng lượng vi tế. Lấy tri giác trực tiếp làm con đường là đại ấn. Đại ấn được chỉ ra cho chúng ta, và chúng ta nhận biết nó, trở nên quen thuộc với nó, và lấy kinh nghiệm trực tiếp làm con đường.

Chúng ta cũng có thể xếp những con đường khác nhau thành ba nhóm: những con đường từ bỏ nền tảng, những con đường chuyển hóa nền tảng và những con đường nhận biết nền tảng.

Con đường thứ nhất từ bỏ nền tảng là thừa của hành động siêu vượt của thừa kinh, trong đó một số sự vật được từ bỏ và những cái khác là những phương thuốc đối trị cho những sự vật được từ bỏ này.

Con đường thứ hai, chuyển hóa nền tảng, ám chỉ những thực hành của Kim cương thừa trong đó chúng ta tịnh hóa thân tâm bằng cách tham thiền về thân chúng ta là một bổn tôn. Như thế thân chúng ta được chuyển hóa thành thân thanh tịnh của bổn tôn, và tâm chúng ta được chuyển hóa từ lan man thành trí huệ.

Trong con đường thứ ba, nhận biết nền tảng, là đại ấn. Chúng ta biết rằng chúng ta không cần từ bỏ hay chuyển hóa nền tảng; hơn nữa, chúng ta biết nó như là. Khi biết nền tảng như nó là, chúng ta nhận biết tất cả mọi hiện tướng là trò phô diễn huyễn thuật của tâm. Như vậy, đai ấn là việc dùng tri giác trực tiếp làm con đường. Đây cũng được gọi là con đường nhanh chóng, đốn.

Những phẩm tính tốt của hành giả Đại Ấn

Bởi vì giáo pháp đại ấn là phi thường, dòng truyền thừa của giáo pháp này cũng phải phi thường và đặc biệt. Bản văn diễn tả dòng truyền thừa bằng cách trước tiên giải thích cách thức Đức Phật đến Ấn Độ và chuyển pháp luân để cho Pháp nở rộ, và cả Pháp và giáo lý đại ấn lan tỏa như thế nào.

Dòng xa của Đại Ấn

[116]     Có một số câu chuyện được kể lại trong bản văn về những người Ấn Độ có những kinh nghiệm phi thường và chứng ngộ cao của thực hành đại ấn.

Đức Phật dạy đại ấn trong Tantra Hạt Vi Tế Đại ẤnTantra Vinh Quang Vô Nhiễm và Tantra An Trụ Hoàn Toàn. Đức Phật ban những giáo pháp đại ấn gần cuối cuộc đời ngài. Sau khi Đức Phật nhập diệt, đại bồ tát Manjughosa và Avalokitesvara ban những giáo pháp này cho Saraha.

Khi Đức Phật dạy đại ấn, ngài nói rằng trong tương lai sẽ có những đại bồ tát thực hành và phổ biến giáo pháp này. Đặc biệt, ngài nêu tên Saraha và Nagarjuna. Đại bồ tát Văn Thù Sư Lợi xuất hiện như một bồ tát tên là Ratnamari và đại bồ tát Quán Thế Âm xuất hiện như một bồ tát tên là Sukhanata. Hai bồ tát này ban những giáo pháp đại ấn cho Saraha, ngài hoàn thành giải thoát tức thì, thành một thành tựu giả. Saraha là ngọn nguồn cho đại ấn mở rộng và nở hoa ở Ấn Độ. Ngài truyền cho Nagarjuna, vị này trước khi gặp Saraha, đã là một pandita, hay học giả. Sau khi gặp Saraha, Nagarjuna trở thành một đại đệ tử, hiện thực hóa đại ấn, và sống như một thành tựu giả. Nagarjuna truyền dòng những chỉ dạy tinh túy truyền miệng về thực hành đại ấn cho Shavani. Shavani không chỉ nhận trực tiếp những giáo lý từ Saraha, mà còn gặp hai vị bồ tát, là những hiện thân của Manjughosha và Avalokiteshvara, trong một linh kiến và nhận những giáo pháp trực tiếp từ các ngài.

Maitripa nghe nói đến Shavari và truyền thống truyền miệng, rồi với niềm tin sâu xa, lập tức đến nam Ấn để gặp ngài. Maitripa trải qua nhiều khó khăn, khổ nhọc trên đường đi. Cuối cùng gặp được Shavari và nhận mọi chỉ dạy đại ấn trong hình thức trọn vẹn của nó. Bấy giờ Maitripa đến trung Ấn, nơi đó ngài truyền bá những giáo pháp này cho những người khác. Sự trao truyền này được biết như là dòng xa của đại ấn.

Dòng gần

[116]     Cũng có dòng đại ấn bắt đầu với Tilopa, nhận những giáo pháp đại ấn từ Vajradhara (Kim Cương Trì).

Đức Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một hóa thân, có thể thấy với người bình thường. Sau khi chết, hóa thân tối thượng này không còn hiện hữu. Tuy nhiên tâm ngài tiếp tục. Tâm Đức Phật có bản tánh trí huệ, hay Pháp thân trí huệ. Trí huệ này biết sự khác biệt và bản tánh của mọi hiện tượng và có những phẩm tính tốt như lòng bi. Pháp thân trí huệ này không vào niết bàn mà còn lại, để học trò phước đức còn có thể gặp gỡ. Theo cách ấy, nó được gọi là Pháp thân kim cương, trong đó kim cương nghĩa là bất biến. Pháp thân này cũng xuất hiện trong hình thức Báo thân. Trong Báo thân, Phật xuất hiện như Vajradhara, vị được vẽ trong các bức tranh cuộn, hay tangka, với một thân xanh đậm, một mặt, hai tay, và mặc y phục trang sức. Những đệ tử có khả năng và phước đức có thể được gặp Báo thân này. Tuy nhiên không có khác biệt giữa Báo thân và Hóa thân Phật xuất hiện nơi thế gian này.

Tilopa gặp trực tiếp Báo thân Vajradhara, nhận những chỉ dạy về đại ấn từ ngài, và hoàn thành chứng ngộ. Đại học giả Naropa nhận lời tiên báo từ Chakrasamvara và những dakini rằng ngài phải đi đến đông Ấn và gặp Tilopa. Chịu nhiều gian khổ, ngài tới đó và gặp Tilopa. Cuối cùng của việc học, ngài nhận những chỉ dạy về đại ấn, có thể thực hành để chứng ngộ đại ấn và trở thành một thành tựu giả. Rồi ngài bắt đầu nhóm tụ các đệ tử trở lại, trong đó có Maitripa, được nói là một đệ tử ngang với Naropa. Đó là những nguồn gốc của dòng gần của đại ấn. Ở Ấn Độ những đệ tử này là chỗ phát xuất của hầu hết tám mươi bốn đại thành tựu giả.

Từ thời Đức Phật xuất hiện ở Ấn Độ đến thời giáo pháp ngài biến mất ở đó, nó đã phổ biến rộng rãi. Từ nhiều giáo pháp có nhiều vị đã thành tựu những điều vĩ đại, những người xuất sắc trong số họ là những người hoàn thành chứng ngộ nhờ đại ấn: Saraha, Nagarjuna, Shavari, Maitripa, Tilopa, Naropa, Marpa, và nhiều vị khác. Những chỉ dạy các ngài ban cho đệ tử là về đại ấn. Như vậy từ trong nhiều chỉ dạy truyền miệng, nhiều giáo pháp và giáo lý truyền bá khắp Ấn Độ dưới ngọn cờ của Đức Phật, cái cao nhất trong đó là đại ấn.

Dòng ở Tây Tạng

Marpa dịch giả là người Tây Tạng đầu tiên nhận những chỉ dạy đại ấn. Trong thế kỷ mười hai, Marpa đến Ấn Độ và nhận Naropa và Maitripa làm guru chính. Ngài ở lại Ấn một thời gian dài, nhận những chỉ dạy của Kim cương thừa và của đại ấn, thực hành chúng và hoàn thành chứng ngộ. Ngài trao truyền cho Milarepa, rồi vị này truyền chúng cho Gampopa.

Marpa, Milarepa, và Gampopa minh họa ba cách khác nhau để thực hành đại ấn và chứng ngộ, và chứng tỏ rằng một người ở địa vị nào trong đời sống đều có thể thực hành và chứng ngộ. Marpa lập gia đình, có một ngôi nhà và nhiều sở hữu, và có một vòng những đệ tử. Trong những hoàn cảnh ấy, Marpa đã hoàn thành chứng ngộ vĩ đại. Milarepa thực hành đời sống đơn giản của một yogi, không nhà cửa, tài sản và thực hành ở những chỗ vắng vẻ. Milarepa hoàn thành giác ngộ trọn vẹn trong một đời. Gampopa thực hành đại ấn như một nhà sư. Ngài hoàn thành chứng ngộ và làm lợi lạc lớn cho chúng sanh qua việc thiết lập một hệ thống tu viện.

Chúng ta có thể tin rằng trong thời suy thoái này, giáo pháp đại ấn cũng suy vi thoái hóa, do đó dù có thực hành chúng ta cũng không thể đạt đến quả. Tuy nhiên, Đức Phật chỉ ra rằng không có lý do có sự nghi ngờ như vậy.

Khi dạy Kinh Định Vương về đại ấn, Đức Phật nói rằng trong tương lai những giáo pháp sẽ suy thoái. Ngài hỏi, “Ai trong các ông sẽ giữ gìn nó, truyền bá nó và làm nó nở hoa?” Một nhà sư trẻ tên là Chandraprabha nói, “Con sẽ làm. Trong tương lai con sẽ truyền bá giáo lý này”. Đức Phật trả lời, “Đúng như ông nói. Trong tương lai ông sẽ sanh ra trong một xứ phía bắc làm một nhà sư tên là Vimalaprabha. Ông sẽ truyền bá Kinh Định Vương và sẽ làm nó nở rộ.”

Trong Kinh Hoa Sen Trắng của Lòng Bi, Đức Phật nói rằng trong tương lai có một nhà sư tên là Jivaka sẽ bảo đảm sự thực hành tham thiền vẫn sống trong một cách không đứt đoạn và không ô nhiễm. Phù hợp với lời báo trước này, có một bé trai tên là Jivaka sinh ở Tây Tạng, đó là Gampopa, và ngài quy tụ quanh ngài nhiều đệ tử theo học. Từ lúc đó dòng truyền thừa liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những đệ tử tiếp tục tham thiền và chứng ngộ, khiến giáo pháp đại ấn không suy thoái.

Với nỗ lực lớn, sùng tín lớn, và tự tin lớn, chúng ta có thể hoàn thành cùng chứng ngộ mà Marpa, Milarepa, và Gampopa đã hoàn thành.

Những vị giữ dòng của Đại Ấn

       Dòng đại ấn đã được truyền từ thầy qua trò một cách rất cẩn thận. Gampopa truyền bá rộng những giáo pháp này, với hoạt động phi thường, lợi lạc lớn cho chúng sanh. Điều này Milarepa đã thấy trước, ngài nói với Gampopa, “Con cần đến núi ở Dagla Gampo, bởi vì thầy cảm thấy rằng nếu con đến đó thì sẽ lợi lạc nhiều cho chúng sanh và Phật pháp.” Sau khi Gampopa đi, Milarepa nói với các đệ tử khác, “Thầy có một giấc mộng, trong đó một con kền kền bay vào bầu trời và đậu trên đỉnh một ngọn núi. Chim kền kền có những thiên nga trắng bao quanh nhiều đến nỗi che lắp cả bầu trời”. Milarepa giải thích con kền kền là Gampopa và những thiên nga trắng là hàng trăm đệ tử bao quanh ngài và được lợi lạc từ ngoài. Milarepa kết luận, “Dù thầy rất nghèo, thầy thấy một sự giàu có lớn lao là những chúng sanh được lợi lạc qua hoạt động của đệ tử Gampopa của thầy.”

Gampopa đến đó, ở một nơi hẻo lánh không có ai, nhưng sau đó người ta kéo đến đông để học, khoảng tám trăm người.

Những giáo pháp Kagyu gồm bốn dòng lớn và tám dòng nhỏ. Bốn phái lớn do những đệ tử trực tiếp của Gampopa, trong đó có vị thầy vĩ đại Pagmodrupa. Tám phái nhỏ ám chỉ những dòng đến từ tám đệ tử của Pagmodrupa. Có một số người nói rằng những phái lớn thì tốt hơn những phái nhỏ, nhưng điều đó không đúng.

Sự thành tựu lớn lao của Gampopa cắm rễ trong lời hứa từ nhiều đời trước vào thời Đức Phật, khi ngài phát một lời nguyện sẽ truyền bá giáo pháp đại ấn trong tương lai. Nhờ sự sâu xa của giáo pháp tham thiền và sự thành tựu của Gampopa, những học trò theo dòng ngài đã có thể phát khởi tham thiền rất mạnh mẽ, vững chắc và thực sự phi thường.

Gampopa dạy Pháp ở Dagla Gampo và cuối cùng vào niết bàn. Đệ tử chính của ngài là một người cháu, Gomtsul sở hữu một kho tàng lớn những chỉ dạy tinh túy, và ngài viết ra nhiều trong số đó và trở thành một vị thầy quan trọng. Như vậy trong Ánh trăng Đại Ấn các bạn có thể thấy nhiều trích dẫn từ vị thầy Gomtsul.

Khi Gomtsul vào niết bàn, dòng này tiếp tục qua một người anh em chú bác giữ ngôi vị ở Dagla Gampo. Ngài cũng có gặp Gampopa và học nhiều năm với Gomtsul, và như vậy là đệ tử trực tiếp của cả hai vị. Ngài cũng sở hữu một kho tàng lớn lao những lời dạy tinh túy. Trong bản văn này ngài có tên là Gomchung.

Ba người từ Kham là những đệ tử chính khác của Gampopa. Một người mà hoạt động giác ngộ mạnh mẽ là vị thầy có tên là Pagmodrupa. Ngài có tám đệ tử thành tựu, mỗi vị trở thành nhà sáng lập một dòng phái nhỏ. Tám dòng nhỏ này nằm trong Dagpo Kagyu.

Trong tám đệ tử của Pagmodrupa, vị hoạt động giác ngộ rộng lớn nhất là Lingrepa. Ngài sáng lập một trong bốn dòng chính của Kagyu là Drugpa Kagyu. Bản văn trích nhiều lời dạy của ngài, vì ngài là người truyền bá rất mạnh mẽ đại ấn. Đệ tử chính của Lingrepa, Tsangpa Gyare Yeshe Dorje là một thiền giả thành tựu cao và là vị thầy tối cao  của Drugpa Kagyu.

Tất cả những vị thầy này học đại ấn một cách nhiệt thành và nghe nhiều. Các vị tham thiền theo cách mình đã được dạy – chuyên cần, nỗ lực và thông minh. Đã thành tựu những giáo pháp này, bấy giờ các vị truyền cho đệ tử. Những chỉ dạy của các vị soi sáng lẫn nhau làm rõ ràng cho người đi sau.

Hỏi: Ringpoche, ngài nói đại ấn cắt đứt gốc rễ phiền não và khai triển những phẩm tính tốt. Xin ngài nói nhiều thêm về điều này. Tâm tôi có khuynh hướng nghĩ rằng những phẩm tính tốt này là bản tánh của tâm, lòng bi là bản tánh của tâm.

Rinpoche: Chúng ta nói đến cái cần từ bỏ và cái cần chứng ngộ. Phiền não cần từ bỏ, và qua chứng ngộ, trí huệ tăng trưởng. Trí huệ tăng trưởng bởi vì trí huệ là một phương diện của pháp tánh của tâm.

Trí huệ Phật được diễn tả trong nhiều cách. Đôi khi có năm, đôi khi có bốn, và đôi khi có hai. Hai trí huệ Phật là trí huệ biết bản tánh của những hiện tượng và trí huệ biết sự khác biệt của những hiện tượng. Cái thứ nhất chứng ngộ pháp tánh một cách trực tiếp, trong khi cái thứ hai thấu hiểu mọi hiện tướng quy ước. Khi chúng ta thấy pháp tánh trực tiếp, chúng ta thấy rằng mọi hiện tướng quy ước hiện hữu trong pháp tánh. Thấy pháp tánh trực tiếp đưa đến có trí huệ về cái toàn thể và sự khác biệt của những hiện tượng, điều này khiến những phẩm tính tốt tăng trưởng rộng rãi.

Nói riêng, một lòng bi rất đặc biệt được phát sanh. Từ kinh nghiệm của chính chúng ta, chúng ta thấy rằng những phiền não có thể từ bỏ và trí huệ có thể mở rộng. Chúng ta cũng thấy rõ rằng pháp tánh này, bản thân cái tâm này, hiện hữu không thoái hóa trong tất cả chúng sanh, vô hạn như không gian. Tuy nhiên, do không may không chứng được pháp tánh, chúng sanh tiếp tục khổ đau trong sanh tử. Chúng sanh không cần phải khổ đau. Nó chỉ ra bởi vì họ không thể chứng ngộ những sự vật thực sự hiện hữu như thế nào. Theo cách này lòng bi sanh khởi không cần cố gắng. Chúng ta cũng biết trực tiếp những phương pháp để ngăn ngừa khổ đau. Như vậy chúng ta nói đến tánh Không có lòng bi như là tinh túy. Nếu chứng ngộ tánh Không, lòng bi rất mãnh liệt sanh khởi.

Câu hỏi: Ngài nói rằng đại ấn là lấy tri giác trực tiếp làm con đường. Ngài cũng nói đại ấn là con đường của ban phước của đức tin và sùng mộ mong mỏi. Ngài có thể giải thích mối tương quan của sùng mộ với thực hành đại ấn?

Rinpoche: Tôi đã nói về ba phân chia khác nhau của con đường. Đó là lấy suy luận làm con đường, lấy ban phước làm con đường, và lấy kinh nghiệm trực tiếp làm con đường. Cái thứ hai, lấy ban phước làm con đường, là tham thiền về những bổn tôn, sự thực hành guru yoga, và những thực hành những kinh mạch vi tế và những hạt. Cái thứ ba là được giới thiệu trực tiếp vào tâm như nó thực sự là. Hai cái này không phải không tương hợp với nhau. Sự giới thiệu vào đại ấn là chỉ ra tâm bạn. Nó không phải là cái gì xa xôi; nó là tâm của chính bạn. Bạn nhìn và chứng biết nó, và theo cách đó tâm bạn được chỉ ra. Cùng lúc đó, có một chỗ riêng biệt cho ban phước. Có một số người rất phước đức có thể chứng ngộ cái này một cách thình lình và những người khác không có phước đức tốt như vậy không thể chứng ngộ nó ngay. Cái gì là nguyên nhân có thể chứng ngộ theo cách như vậy? Chúng ta có thể khiến chứng ngộ này sanh ra bằng cách có niềm tin, tự tin và sùng mộ đầy đủ. Với một đức tin như vậy, tâm có thể được chỉ thẳng ra cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta có một ít nghi ngờ, sự nghi ngờ ấy ràng buộc tâm chúng ta.

Dù đại ấn không phải quá vi tế đến độ rất khó chứng ngộ, nếu chúng ta không may không được chỉ ra tự tâm, chứng ngộ không sanh khởi. Thế nên, chứng ngộ dựa vào nhận ban phước từ guru và vào đức tin, tự tin, sùng mộ và nỗ lực của chính chúng ta.

Xem mục lục