NHỮNG ĐỊNH NGHĨA KẾT THÚC
Từ ban sơ vô thủy cho đến tối hậu vô chung, mỗi người đều có phần riêng của mình là cái được gọi là bản tánh của tự tâm, thực tánh của sự vật hay Đại Ấn của tánh Không, tánh đó không sai khác gì dù con có chứng ngộ hai sự thanh tịnh của nó hay không.
Bản tánh của tâm cũng là Phật tánh. Hai sự thanh tịnh của nó là sự thanh tịnh tự nhiên của bản tánh thường trụ – vốn thanh tịnh từ vô thủy – và sự thanh tịnh được viên thành khi những dấu vết nhiễm ô tạm thời che mờ được loại bỏ. Nó giống như vàng có hai sự thanh tịnh là trạng thái tự nhiên của nó cũng như sự thanh tịnh được hoàn thành khi mọi cấu bẩn được loại trừ.
Cái mà mọi chúng sanh đều sở hữu như phần của nó là cái nền tảng (Đại Ấn nền tảng). Trên nền tảng đó con đi vào những thiền định trên những con đường và bản tánh của tự tâm suốt từ lúc thực hành đến địa thứ mười là con đường. Rồi khi con đã thức giấc khỏi giấc ngủ vô minh, bản tánh thanh tịnh tối hậu được chứng ngộ là Đại Ấn quả.
Nền tảng, con đường và quả là tương thuộc và không thể hiện hữu một mình, như trường hợp một đứa bé, thành người trưởng thành và người già. Bạn không thể là một người già mà chưa từng là một đứa bé hay một người trưởng thành. Cũng thế, Đại Ấn quả đến qua nền tảng và con đường.
Thấy tánh thường trụ, thanh tịnh, hiện tiền của thực tại và thoát khỏi mọi ý niệm năng sở bám nắm là Đại Ấn kiến (cái thấy Đại Ấn). Tham thiền về ý nghĩa của cái thấy này không có tư tưởng xao lãng là tham thiền (Đại Ấn).
Bạn cần một sự hợp nhất của cái thấy và tham thiền. Có tham thiền mà không có cái thấy thì giống như một người mù đi trên đồng trống, bạn không thể đi đâu cả. Chỉ có cái thấy đúng nhưng không tham thiền thì giống như một người keo kiệt ; cái hiểu biết của bạn không đem lại lợi lạc cho chính bạn hay cho những người khác. Nhưng với cả hai, bạn có hai cánh để bay đến Giác Ngộ.
Làm bốn hoạt động thích hợp và hoàn toàn thoát khỏi mọi ý niệm có cái được làm và có người làm là hoạt động (Đại Ấn).
Bốn hoạt động này là hoạt động toàn thiện, hoạt động bí mật, trong đám đông và chiến thắng trong khắp mọi hướng, như đã giải thích ở trên.
Thoát khỏi mọi ý niệm có cái để tham thiền và người tham thiền, không có hy vọng và lo lắng như sợ rơi vào sanh tử, hay muốn chứng đắc Phật quả là quả (Đại Ấn). Khi con đã chứng ngộ theo cách này nghĩa của cái thấy, tham thiền, hoạt động và quả, con cần nâng cấp nỗ lực tinh tấn nhiệt thành của con.
Hãy kính mến nhiệt thành và kính trọng thương yêu đối với những Guru, với đức tin trọn vẹn, hoàn toàn đặt bản thân con vào trong đó. Hãy xa lìa những ám ảnh bằng cách thoát khỏi sự hấp dẫn của sanh tử và cuộc đời này. Trong mọi lúc hãy nương dựa vào chánh niệm để không có bất kỳ sự lang thang nào của tư tưởng. Hãy có những chương trình ngắn hạn và thực thi chúng đều đặn như cái ống bễ lên xuống. Bất cứ khi nào những thái độ như muốn giữ thể diện hay những tư tưởng về cuộc đời hay tám cảm giác thế gian khởi lên, chúng hoàn toàn vô bổ, hãy triệt hạ chúng. Hãy chặt đứt mạnh mẽ sợi dây mối quan tâm ích kỷ của con đối với đời này. Và bất cứ cái gì con khai triển trong tham thiền, chớ nhàm chán nó, mà hãy nỗ lực trau dồi nó trong mọi lúc.
Như thế bạn cần luôn luôn chánh niệm và cảnh giác. Nếu học mà không có thực hành thì ích lợi gì ? Nếu bạn đòi hỏi một vật quý giá mà không chăm sóc nó, nó sẽ hư hoại hay bị mất.
Có nhiều khác biệt giữa một kinh nghiệm lóe sáng và một huệ quán. Nếu thiền giả cảm thấy có tâm bên này và đối tượng của tham thiền bên kia, tức là tánh Không an lạc, sáng tỏ, vô niệm trần trụi, cái mà nó đang tham thiền hay kinh nghiệm, đây là một kinh nghiệm chớp sáng nhất thời.
Cần chú ý rằng cùng một từ kỹ thuật được dùng cho những kinh nghiệm nhất thời và những ân điển. Chúng đầy tính nhị nguyên và dù đẹp đẽ hấp dẫn, chúng vô thường như những đóa hoa trên sườn núi. Những quán chiếu hay huệ quán, ngược lại, là vững chắc kiên cố hơn.
Nếu con chứng ngộ, thấu hiểu với tri giác trần trụi và không giả định rằng không có người tham thiền và cái để tham thiền, đó là một huệ quán. Bởi thế, đã phân biệt giữa một kinh nghiệm chớp sáng nhất thời hay ân điển với một huệ quán, con hãy tự đặt mình trong một trạng thái không bị ám ảnh với những ân điển này và không bám chấp chúng như là tối thượng. Bấy giờ hãy trau dồi chúng với nỗ lực trong mọi lúc. Điều này quan trọng.
Dù những ân điển (lạc, sáng tỏ, vô niệm) không là tối thượng, chúng là nền tảng cho quán chiếu thấu suốt. Bởi thế bằng cách tăng cường và trau dồi chúng mà không bám luyến, những huệ quán nhất định sẽ đến.
Trong bốn loại ấn, ấn hoạt động là con đường cho những người căn cơ cùn lụt. Qua nó con hoàn thành những chứng đắc thần lực của Dục giới.
Có nhiều mức độ ý nghĩa về bốn ấn. Đây là ấn hoạt động, karmamudra, ám chỉ thực hành (1) những hoạt động an bình làm bình lặng bệnh tật và những quấy nhiễu, (2) những hoạt động làm tăng tuổi thọ, những phẩm tính tốt và công đức, (3) những hoạt động có quyền năng đối với các đại, và (4) những hoạt động hung nộ để trừ sự làm hại và những chướng ngại. Kết quả của những hoạt động này là bạn có thể có được sức khỏe tốt, sống thọ, giàu có, thần lực... chúng là những chứng đắc thần lực của Dục giới.
Ấn những cam kết và ấn của Pháp là những con đường cho những người căn cơ trung bình. Qua chúng con hoàn thành những chứng đắc thần lực tối hậu của cõi cao nhất của sanh tử, cõi trời Akanistha (Og-min), ở trên tất cả các cõi khác.
Ấn những cam kết, samayamudra, là sự giữ gìn những lời nguyện và cam kết của các bộ Phật. Ấn của Pháp, dharma-mudra, là quán tưởng chính bạn là một hóa thần thiền định. Áp dụng những cái này mà không có sự chứng ngộ tánh Không thì chỉ có thể đem bạn đến đỉnh của sanh tử, nhưng không đến Giác Ngộ. Bạn có thể hoàn thành những chứng đắc thần lực thông thường và v.v..., nhưng không phải là cái tối thượng.
Nhưng Đại Ấn của tánh Không là con đường cho những người căn cơ sắc bén. Nó là phương tiện để hoàn thành sự chứng đắc tối thượng (Giác Ngộ).
Bởi thế, do áp dụng tất cả bốn ấn lần lượt cho sự thực hành của bạn, bạn sẽ đạt đến trạng thái toàn giác của một vị Phật.
Đại Ấn là sự bất nhị của hình tướng và tánh Không, lạc và Không, giác và Không, sáng tỏ và Không, thoát khỏi mọi cực đoan do tâm thức tạo tác. Nó không phải là cái gì có thể chỉ ra được bởi một Guru, hiểu một cách trí thức bởi một đệ tử, hay có thể làm cho hiểu được bằng lời. Nó thoát khỏi tất cả mọi ý niệm “cái này và không phải cái kia”. Không có cái gì mà nó không thấu suốt, hình tướng, hiện hữu, sanh tử hay Niết Bàn. Nó là trạng thái vĩ đại siêu vượt trí thức (hay tâm thức quy ước). Tính đồng thời của tâm, tư tưởng và Pháp thân đã có từ vô thủy. Nhưng bởi vì nó không được thấu hiểu, các vị Guru bèn giải thích bằng những chỉ dạy truyền khẩu rằng cả ba cái ấy phải được hòa lẫn làm một như một nhất thể không thể phân lìa. Điều này được biết như là Đại Ấn của đồng thời khởi lên và lặng mất.
Khi bạn hòa lẫn tâm, tư tưởng và Pháp thân, đó không phải giống như trộn bột với xi măng, mà hơn nữa như rót nước vào trong nước. Bản tánh của tư tưởng chính là bản tánh của tâm : cả hai cùng là Pháp thân. Những tư tưởng dù gây ra mê lầm nhưng không phải để đoạn trừ cũng không cần cố gắng dứt diệt. Bằng cách nhận ra bản tánh của chúng, chúng tự nhiên thanh tịnh và bạn chứng ngộ Pháp thân và là một vị Phật. Khi không hiểu chúng, bạn mê lầm đối với những tư tưởng và là một chúng sanh.
Những tư tưởng, tâm và Pháp thân đồng thời từ vô thủy. Nếu đặt câu hỏi, mê lầm hay Giác Ngộ cái nào có trước, thì cũng chẳng khác gì hỏi, gà con hay trứng có trước ? Không phải trước tiên bạn có Giác Ngộ rồi sau đó trở nên vô minh về nó, cũng không phải trước tiên bạn vô minh rồi sau đó Giác Ngộ. Chúng đồng thời và không có lúc bắt đầu. Tuy nhiên, một vị Phật không có tư tưởng và không mê lầm. Thế nghĩa là gì ?
Tư tưởng tỏa khắp cùng Pháp thân, bởi thế không thể nói rằng một vị Phật đã đoạn trừ tư tưởng, vì như thế có nghĩa là ngài đã đoạn trừ Pháp thân. Nhưng bởi vì một vị Phật nhận biết tư tưởng là Pháp thân nên những tư tưởng không khởi lên nơi dòng tâm của ngài và mọi hoạt động và biểu lộ là thiện hạnh tự nhiên không có tư tưởng.
Dòng Đại Ấn bắt nguồn từ đức Phật Vajradhara đến Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa và rồi đến Gampopa, dòng thiền định từ những đệ tử trực tiếp của Gampopa là những dòng Đại Ấn Zhang, Barom và Drikung Kagyu, dòng sau là từ Pagmo Drupa. Những dòng trực tiếp từ Pagmo Drupa là Đại Ấn Taglung, Channga, Marye, Shubsewa, Tropu, Yazang và Drugpa Kagyu, dòng sau này là dòng từ Lingrapa và Gyarapa. Đặc biệt có dòng Karma Kamtsang Kagyu không suy hoại của hơi thở chư vị Dakini và hơi ấm của những ban phước không đứt đoạn từ Gampopa qua Karmapa thứ Nhất Dusum Kyenpa xuống đến Guru của tôi (Shamar Rinpoche thứ Năm) là Konchog Yenlag. Đó là một dòng truyền thừa phối hợp thành một những đặc trưng của tất cả giáo lý Đại Ấn. Được biết như là Đại Ấn của đồng thời khởi lên và lặng dứt, nguồn của mọi phẩm tính tốt lành, nó sáng danh trong thế giới như mặt trời và mặt trăng. Nếu thực hành nó một cách có ý thức, chắc chắn hành giả sẽ tự động khai triển những kinh nghiệm và huệ quán. Thực hành theo cách này là điểm thứ bảy.