Tin Tức (680)


Tu Bát Nhã

20,671

Tu Bát Nhã

Mắt xích đầu tiên trong sợi xích mười hai khoen trói buộc chúng ta là Vô Minh. Từ Vô Minh, chúng ta bị lôi kéo trong sinh tử luân hồi, từ Vô Minh, chúng ta lăn lóc trong ngục tù ràng buộc, và cũng từ Vô Minh, chúng ta đã làm hoen ố thế giới vốn toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ của chúng ta. Do đó, sự giải thoát trong Phật Giáo đi đôi với việc phá trừ Vô Minh. Phá trừ Vô Minh để giải thoát là niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta để thoát khỏi những khổ đau vô lý do chính chúng ta tạo ra, cho những ai có can đảm tháo tung mười hai mắc xích đã tạo nên mọi giá trị trong thế gian này.
Nhưng làm thế nào để ra khỏi vô minh?
Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Ða dạy: “Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành Bát Nhã Ba La Mật Ða thâm sâu, soi thấy năm uẩn là không, vượt thoát mọi khổ ách.”
Sự vượt thoát mọi khổ ách là ở sự soi thấy năm uẩn là không. Năm uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành, thức - là năm món xây dựng nên thế giới nầy, tạo nên nhân cách chúng ta trong thế gian nầy. Năm uẩn là toàn bộ con người chúng ta, cả vật chất đến tinh thần, là toàn bộ giá trị của chúng ta, toàn bộ công trình xây dựng của chúng ta qua vô số kiếp.
Kẻ thù của chúng ta chính là chúng ta. Kẻ thù đó chính là bốn tướng Ngã, Nhân, Tri Kiến, Thọ Mệnh do chính chúng ta tạo nên, rồi chúng lại trói chúng ta, bịt mắt chúng ta và lôi kéo chúng ta đi trong sinh tử luân hồi.
Bát Nhã dạy chúng ta nhận thấy rõ bốn tướng ấy là không thật, chúng chỉ do nhân duyên giả hợp mà thành. Một phần soi rọi vào tính không thật của bốn tướng ấy, một phần đi sâu vào tính không của bốn tướng ấy, là một phần chúng ta xa lìa sự khổ đau.
Bát Nhã là Trí chứng được Tánh Không. Nhưng tu Bát Nhã là siêu vuợt có và không. Trong Kinh Bảo Tích Ðức Phật dạy:
“Nếu nghĩ rằng đã đạt được Không rồi y vào không, đối với Phật Pháp như thế là thối đọa. Này Ca Diếp, như thế thà sinh cái ngã kiến tích tụ như núi Tu Di, quyết chẳng nên vì chấp vào không kiến mà khởi tâm tăng thượng mạn. Vì cớ sao vậy? Vì tất cả các kiến (thấy biết) lấy không mà được giải thoát. Nếu khởi chấp cái không kiến thì không thể trừ được.”
Biết các pháp tất cánh là không. Tuy nhiên muốn thể nhập vào Tánh Không của các pháp không phải chỉ hiểu suông. Muốn thấu triệt Bát Nhã phải chân thật hành trì. Nếu cho rằng hết thảy các pháp đều là không, không chứng, không đắc thì nương đâu mà tu, do đó không tu, không quán... Quan niệm như thế là chấp vào không, cái chấp lầm lạc. Cũng trong Kinh Bảo Tích, Ðức Phật dạy Ngài Ca Diếp:
“Này Ca Diếp! Thí như hai khúc gỗ cọ xác vào nhau thì sanh ra lửa, lửa trở lại đốt cháy gỗ. Này Ca Diếp! Cũng như thế đó, Chơn thật quán sanh ra trí tuệ thánh nhân, khi trí tuệ thánh nhơn phát sanh rồi thì trở lại đốt cháy chân thật quán.”
Phương pháp tu hành theo Bát Nhã là nương vào sự hành trì là trí quán chiếu để thể nhập vào Bát Nhã Trí. Ðến khi Bát Nhã Trí hiện tiền thì người quán và cảnh quán liền không có chỗ để tồn tại, như gỗ làm ra lửa rồi trở lại đốt sạch gỗ.
Pháp tu của Bát Nhã là Quán Huyễn và Quán Không. Và khởi sự của tu Bát Nhã là Chánh Niệm.
Chánh Niệm được thực hiện bằng sự thức tỉnh về thực tại hoặc từ sự trực nhận bản chất Vô Sanh của các pháp. Tỉnh thức là biết về cái đang hiện khởi. Nhưng chánh niệm đúng mức có nghĩa là thức tỉnh về bản chất không sanh khởi của mọi pháp, thấy được tự tánh vô sanh của chính mình.
Nhận ra bản chất vô sanh của tâm là thấy được sự không sanh, không diệt, không thiện, không ác, không nơi nương bám của các tâm niệm. Kinh Kim Cang dạy “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là nghĩa nầy.
Ở trong sự tỉnh thức hoặc ở trong vô sanh mà khởi tâm quán sát, tu hành gọi là chánh niệm. Ngài Huệ Năng dạy: “Vô niệm, niệm là chính. Có niệm, niệm là tà.” (Kinh Pháp Bảo Ðàn).
Tu theo Bát Nhã bây giờ có nghĩa là từ nơi chánh niệm, quán huyễn và quán không. Khi Lục Tổ Huệ Năng hỏi Thần Hội về cái gì quan trọng nhất, cái gì là chủ nhân ông, Thần Hội đáp: “Thần Hội thấy rằng không trụ là trọng yếu nhất, tri kiến Bát Nhã là chủ nhân ông.”
Từ cái thấy trực tiếp của Chánh niệm, không nương vào trí thức phân tách, soi chiếu chỗ không trụ của tâm, khi vọng niệm khởi lên, thấy vọng niệm không có chỗ trụ, cũng như thấy tâm không dính dáng đến vọng niệm, vọng niệm liền tiêu.
Ngoại đạo cũng tham thiền, cũng vào sâu trong định. Nhưng khác với Phật giáo ở chỗ không từ tâm vô sanh khởi tu, hoặc không từ chánh niệm quán huyễn và quán không nên không thấy được vọng niệm vi tế, do đó không tận trừ được vọng niệm, tức không trừ được gốc rễ của sinh tử.
Quán huyễn và quán không là giai đoạn đầu, giữa và sau cùng trên con đường tu Phật. Quán chỉ có thể là quán khi ở trong chánh niệm. Nếu không từ chánh niệm thì không phải là quán mà là suy nghĩ, tưởng tượng về huyễn, về không.
Khi đã nếm được mùi vị của huyễn và không, thấy được bản chất của vô sanh, tức là nhập lưu, vào được giòng Phật Pháp.
Khi Huệ Minh cầu Pháp, Lục Tổ dạy:
“Ðừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, bây giờ sẽ thấy khuôn mặt xưa nay của Minh Thượng tọa.”
Huệ Minh y lời và thấy được chỗ vô sanh của tâm. Từ đó, Ngài chân thật phụng trì Tam Bảo, chân thật thờ phụng Ngũ Tổ.
Huệ Minh tuy là người có nhiệt thành với Phật Pháp, nhưng bản chất thô lậu, thẳng thắng, tâm còn vướn vào tốt xấu, phải không. Ngài nghĩ rằng Huệ Năng không phải là người đáng được y bát hơn Thần Tú, điều mà với lý trí Ngài không thể quan niệm được. Ngài quá bối rối và tâm phải trái của Ngài bị lung lay khi Hoằng Nhẫn truyền y bát cho Huệ Năng. Khi đuổi theo Huệ Năng, tâm Ngài đã tận cùng khủng hoảng, Ngài không cầm được y bát mà Huệ Năng đặt trên tảng đá, Ngài thốt thật sự từ đáy lòng: “Tôi đến cầu Pháp chớ thiệt chẳng vì y bát.” Và vì vậy, khi Huệ Năng bảo đừng nghĩ thiện cũng đừng nghĩ ác, soi vào bên trong tìm bản lai diện mục, Ngài có thể ngay lúc đó liền dừng tâm phân biệt, soi thấy rằng thiện ác, phải trái... vốn không thật có và thể chứng đạo lý vô sanh, vô phân biệt.
Chỗ vô sanh, ngài Huệ Năng diễn tả bằng bài kệ trình Ngũ Tổ:
Bồ Ðề vốn không cây
Gương sáng không có đài
Xưa nay không một vật
Lấy gì nhiễm trần ai?
(Bồ Ðề bản vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?)
(Phẩm Hành Do thứ nhất)
Quán huyễn và quán không tuy phân làm hai, nhưng trong lúc thực hành, hai quán nương nhau. Trí Huyễn càng sâu thì Tâm Không càng lớn, Tâm nhập càng sâu vào Không thì Trí Huyễn càng tỏ rõ.
Quán huyễn và quán không như thế nào?
Trong Kinh Nhơn Vương Hộ Quốc, Ðức Phật dạy: “Các trai lành, nếu muốn tu tập Bát Nhã Ba La Mật Ða, người nói, người nghe đều như người huyễn, không có sự nói cũng như không có sự nghe, pháp đồng pháp tánh, cũng như hư không. Tất cả các pháp đều Như.” (Phẩm Quán Như Lai thứ hai.)
Quán chiếu Bát Nhã có thể thực hành với mọi hiện tượng, trong mọi lúc và mọi nơi. Quán sâu hoặc cạn, thuần thục hoặc phải dùng nhiều công phu, khôn khéo hay thô lậu, nhưng tính chất là một: thức tỉnh trước vọng niệm đang dấy khởi: lúc khởi ra, lúc tăng trưởng, lúc hoại diệt.
Những hiện tượng khởi ra trong tâm chúng ta, những hiện tượng xảy ra chung quanh chúng ta, những hơn thua được mất, những lo buồn phiền muộn, những ham muốn, những dục vọng.... Ðó là những đối tượng để quán.
Quán và an trú trong chánh định là quán mà không rời chánh niệm, có nghĩa là không đánh mất sự tỉnh thức. Các Thiền Sư ví sự quán này như mèo rình chuột, có nghĩa là trụ trong chánh niệm, không bỏ sót một niệm nào khi chúng khởi lên, cùng lúc không để tâm trôi theo vọng niệm đó.
Khi Ngài Huệ Khả đến cầu Ðạo Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, Ngài thưa cùng Tổ: “Tâm con không an, xin Ngài an tâm cho!” Tổ bảo: “Ông hãy đưa cái tâm của ông cho ta xem!”. Ngài Huệ Khả tìm tâm mà không thấy. Mới biết rằng tâm bất an chỉ là như huyễn như mộng, không có chỗ trụ. Và từ đó, Ngài an trú trong chánh niệm, tu hành cùng Tổ.
Biết rằng Ngã, Nhân, Tri kiến, Thọ mệnh là bốn tướng không thật trói buộc chúng ta, hễ một niệm khởi lên liền biết đây là niệm ngã, đây là niệm nhân, đây là niệm tri kiến, đây là niệm thọ mệnh, khi biết như thế, niệm liền tự tiêu.
Quán chiếu năm uẩn là không trong Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh dạy là từ trong chánh niệm, quán chiếu năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức là không, niệm khởi liền biết đây là niệm về sắc, đây là niệm thọ, dây là niệm tưởng, đây là niệm hành, đây là niệm do thức khởi..., chúng thảy đều không có sự tự tại. Trong chánh niệm biết như thế, niệm liền tiêu diệt.
Khi cái Không hiện khởi trong quán niệm, tướng thế gian có khi được thấy như những đám mây, hợp rồi tan, không có chỗ khởi, không chỗ đến. Có khi thấy các hiện tượng trước mắt giống như trong giấc mơ, không dính dáng gì đến mình, hoặc thấy sự bất tịnh của các hiện tượng. Nhưng cũng đừng giữ cái thấy này, vì những cái thấy nầy vẫn là cái thấy của ngũ ấm khởi ra do sự tĩnh lặng của tâm, rốt cuộc vẫn là ngã tưởng. Hãy trụ nơi quán huyễn và quán không. Lúc nào cũng chỉ còn không và huyễn trong chánh niệm.
Khi vọng niệm khởi lên, có thể liền trực tiếp quán chúng là như mộng, như huyễn, chúng tự biến mất.
Khi định lực đủ sâu, trụ nơi chánh niệm, niệm khởi liền biết, biết liền thấy không chỗ trụ, nên liền tiêu diệt như Ngài Huệ Năng dạy trong Pháp Bảo Ðàn Kinh: “Niệm khởi liền biết, biết liền tiêu diệt.”
Biết là từ trong Không mà biết. Vì biết từ trong Không, nên thấy rõ niệm khởi là vọng, là không chỗ nương. Vì không chỗ nương nên liền tiêu diệt cho nên gọi là vô niệm. Vô niệm là sự thấy biết không dính mắc vào chỗ nào. Ðó là Chánh niệm. Chánh niệm chính là Không và Không chính là Chánh niệm.
Kinh Viên Giác cũng dạy: “Biết Huyễn tức là lìa. Lìa là giác ngộ.” Niệm niệm đều biết, tức niệm niệm đều lìa vọng niệm, tức niệm niệm đều giác ngộ.
Niệm niệm trụ như thế, niệm niệm sống đúng như thế là sống trong Niết Bàn của chư Phật. Niệm niệm không rời cái biết, không rời sự tỉnh thức là niệm niệm chúng ta sống trong giác ngộ, giải thoát.
Cho đến tu quán khổ, tập, diệt, đạo, Tứ Niệm Xứ, Mười Hai Nhân Duyên, khởi lòng Từ Bi thương khắp chúng sanh, nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, rộng tu Lục Ðộ, Vạn Hạnh... cũng không rời Huyễn và Không.
Các niệm về ngã và pháp nhiều khi rất vi tế. Có khi khởi lòng thương xót, khởi tâm làm Phật sự... nhưng bản chất của chúng lại là tướng biến hiện của ngã. Do đó, hành giả cần rất tinh tế và can đảm trong khi tu Quán Chiếu Bát Nhã. Vì vậy Bát Nhã được ví như thanh gươm trí tuệ.
Bát Nhã là thanh gươm vì nó không thương xót một niệm ngã, nhơn, tri kiến, thọ mạng nào. Nó rình rập niệm khi chưa dấy khởi, khi vừa dấy khởi, khi đang hiện hửu. Nó lột mặt nạ của các tướng ngã, nhân, tri kiến, thọ mạng, trá hình dưới những hình thức đẹp đẽ hơn, tinh tế hơn để trừ sạch.
Khi tu Thiền, hành giả cần biết phân biệt giữa thức và trí, giữa ngũ ấm và chơn như. Cảnh giới của thức và cảnh giới của ngũ ấm là do tướng ngã chồng chất, thăng hoa, quán sát thật kỹ, sẽ thấy bản chất ngã, nhơn, tri kiến, thọ mệnh của chúng, phải nhổ sạch tận gốc, đốt sạch chúng bằng ngọn lửa Huyễn và Không.
Tóm lại, Trí Bát Nhã là Không Trí. Tu Bát Nhã là đốt sạch vọng niệm bằng quán huyễn và quán không. Tâm nhập càng sâu vào Huyễn và Không tức là giải thoát, tức là tự do, tức là hộ trì Phật Pháp.
Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Ða dạy:
“Dùng thân huyễn hóa mà thấy huyễn hóa, chánh trụ bình đẳng, không có ta, không có người, quán sát như thế giáo hóa lợi ích chúng sanh.” (Bồ Tát Hạnh phẩm thứ ba).
Hoặc:
“Phật dạy vua Ba Tư Nặc: Việc hộ trì Phật quả các Ðại Bồ Tát nên trụ thế này: giáo hóa tất cả mọi loài sanh bằng trứng, sanh bằng thai, sanh từ chỗ ẩm ướt, loài hóa sanh, mà không thấy tướng của sắc cũng không thấy tướng Như của sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, ngã, nhân, tri kiến, thường, lạc, ngã, tịnh, bốn nhiếp pháp, sáu ba la mật, hai đế, bốn đế, lực, vô úy, cùng tất cả mọi hành, cho đến Bồ Tát, Như Lai cũng lại như thế: chẳng thấy tướng, chẳng thấy Như. Tại sao thế? Vì tánh của các pháp, tức là chân thực. Không đến không đi, không sanh không diệt, đồng với chân tế, bình đẳng với pháp tánh, không hai, không khác, cũng như hư không.” (Quán Như Lai phẩm thứ hai).
Nguyên Hảo
20,671

XUÂN VỚI CÁC THIỀN SƯ VIỆT NAM

Thiền sư Viên Chiếu (999 – 1090, đời thứ tư dòng Vô Ngôn Thông)Hỏi: "Chư Phật thuyết pháp đều nhằm giáo hóa mọi người, ngộ được bản ý gọi là xuất thế,

907
VẠN HỮU - KỲ THƯ KYBALION

Ở dưới và phía sau của Vũ trụ Thời gian, Không gian và Thay đổi, luôn có thể tìm thấy Thực tại Bản thể - Chân lí Nền tảng.’_ Giáo huấn Kybalion🍀

1,118
Chìa Khóa Dẫn Đến Giác Ngộ (The Key to Enlightenment) - Gyalwang Drukpa Xii

Sự hiểu biết về sự vật hiện tượng thông thường đơn thuần chỉ là trí tuệ thế gian. Liệu loại trí tuệ này có thực sự giúp ta tiến bước trên con

1,294
Thiền là gì ? - Alexander Berzin

Lời Mở ĐầuKhi nghe chữ “thiền” thì nhiều người có những ý niệm khác nhau. Đối với một số người thì thiền tạo ra hình ảnh của một số pháp tu huyền

1,281
CÁI BIẾT ĐƠN THUẦN

_Thưa thầy cho con hỏi, con đọc được sách của ngài Padmasambhava có nói cái biết đơn thuần là Pháp thân. Như vậy cái biết đơn thuần chính là nền tảng, con

592
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,569
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,339
Chùa Việt
Sách Đọc