NHẬN RA KHOẢNG KHÔNG GIAN RỘNG THOÁNG Ở BÊN TRONG
Khoảng không gian giữa các ý nghĩ ở trong bạn có thể đã xuất hiện chỗ này
chỗ nọ trong đời sống của bạn mà bạn chưa nhận ra. Khi một người có tâm thức
hoàn toàn bị cuốn hút bởi những kinh nghiệm hay sự việc đang xảy ra hoặc bị
điều kiện hóa để sai lầm tự đồng nhất mình với hình tướng (thứ nhận thức bận
rộn bởi đồ vật, bởi sự kiện) thì người đó luôn luôn thấy rằng hầu như họ không
thể nhận ra được khoảng không gian rộng thoáng trong tâm mình. Điều này có
nghĩa là bạn không ý thức được chính mình, vì tâm bạn luôn bận rộn để ý đến
những thứ khác. Bạn luôn luôn bị chi phối bởi hình tướng. Ngay cả lúc bạn
dường như nhận biết được mình thì bạn cũng tự biến mình thành một vật thể, một
đối tượng của suy tư, vì thế mà những gì bạn nhận biết chỉ là một ý nghĩ về bạn,
mà không phải là bản thân bạn.
Khi bạn nghe người khác nói về không gian rộng thoáng ở trong tâm bạn, có
thể bạn sẽ bắt đầu muốn tìm kiếm nó; nhưng vì bạn muốn tìm nó như tìm kiếm
một vật gì ở ngoài mình hay tìm một kinh nghiệm nên bạn không thể tìm ra
được. Đây là điều nan giải cho tất cả những ai muốn khám phá bản chất chân thật
của mình, hay muốn có sự giác ngộ về tâm linh. Vì thế mà Chúa Jesus đã nói:
"Thiên đường không đến bằng những dấu hiệu mà con người có thể nhìn thấy
được, người ta không thể nói 'Ở đây này' hay 'Ở đằng kia kìa'. Lạ chưa! Vì Thiên
đường đang ở ngay trong chính con".
Nếu bạn không uổng phí đời mình trong lo âu, bất bình, buồn bực, chán nản,
hoặc bị cuốn theo những trạng thái tiêu cực khác; nếu bạn có thể cảm thấy vui
khi nghe tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi; nếu bạn thấy được vẻ đẹp của một đám
mây đang bay trên trời, hoặc khi phải ở một mình, bạn không cảm thấy cô đơn
hay phải cần một thứ gì để giúp bạn thư giãn tinh thần; nếu bạn nhận thấy mình
đang cư xử với một người lạ với một tấm lòng ưu ái, chân thành mà không mưu
cầu một điều gì ở họ… thì nghĩa là có một không gian rộng thoáng đã mở ra ở
trong bạn, dù rất ngắn ngủi, thay chỗ cho dòng suy tư không ngừng nghỉ của con
người. Khi điều này xảy ra, có một thoáng của cảm giác an ổn, thanh bình, sống
động xảy đến trong lòng bạn. Cường độ của sự an lạc ấy có thể chỉ là một cảm
giác hài lòng rất mơ hồ ở đằng sau hậu trường của tâm thức bạn, hoặc mạnh mẽ
như điều mà các nhà hiền triết cổ Ấn Độ gọi là ananda - phút giây ân sủng của
an nhiên tự tại. Vì bạn đã bị điều kiện hóa để chỉ chú ý đến hình thức, có thể bạn
không trực tiếp nhận ra điều đó. Nhưng bạn có thể nhận ra nó gián tiếp, chẳng
hạn như qua một yếu tố chung khi bạn cảm nhận cái đẹp, cảm kích một điều gì
tốt lành khi chung vui với bè bạn, hoặc khi trao đổi, giao tiếp với những người
khác với lòng yêu thương. Yếu tố chung đó là cảm giác hài lòng, bình yên và
sống động nằm phía sau tâm thức bạn, và nếu không có cái hậu cảnh này thì
những điều trên không thể xảy ra.
Khi bạn đang tiếp xúc với cái đẹp, với lòng tốt, hoặc nhận ra nét đẹp của
những điều rất đơn giản trong cuộc sống, hãy lắng lòng chú tâm đến phần hậu
trường của tâm thức của bạn. Nhưng đừng tìm kiếm như thể là tìm một cái gì.
Bạn không thể chộp lấy nó và nói "giờ thì tôi bắt được nó rồi" hay nắm bắt bằng
trí óc hoặc cố gắng mô tả cái đó. Nó giống như một bầu trời khoáng đạt, không
mây. Nó không có hình tướng. Nó chỉ là một khoảng không, là sự tĩnh lặng, là
hương vị rất ngọt ngào của trạng thái an nhiên tự tại và rõ ràng là nó giàu có hơn
những gì mà cụm từ này có thể biểu đạt. Khi bạn có thể cảm nhận trực tiếp điều
đó ở trong mình, nó trở nên sâu đậm hơn. Vì thế, khi bạn đang thưởng thức
những gì rất đơn giản như một âm thanh, một quang cảnh, một cảm giác, khi thấy
được vẻ đẹp, khi thấy được một tình cảm trìu mến đối với người khác thì lúc đó
bạn hãy cảm nhận cái khoảng không gian bên trong bạn, đó là Cội Nguồn, là hậu
trường rất cần thiết của những gì mà bạn đang trải nghiệm.
Nhiều nhà thơ và nhà hiền triết ở nhiều thời đại đã nhận ra thứ hạnh phúc thật
sự đó – thứ hạnh phúc mà tôi gọi là niềm vui của an nhiên tự tại. Nó được tìm
thấy trong những thứ rất đơn giản, những thứ mà ta không để ý đến. Hầu hết mọi
người thường lao vào cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ một cái gì đó mà họ nghĩ
rằng có ý nghĩa sẽ xảy đến với họ, cho nên họ luôn bỏ lỡ những thứ không có ý
nghĩa, nhưng thực chẳng vô nghĩa tí nào. Triết gia Nietzsche trong một phút tĩnh
lặng sâu sắc và hiếm hoi đã viết: "Để có hạnh phúc, những gì ta cần thực là ít ỏi
biết bao!... Những thứ ít ỏi nhất, nhẹ nhàng nhất, hiền lành nhất: là tiếng sột soạt
của con tắc kè chạy trong đám lá khô, là một hơi thở, một cái liếc mắt, là những
cái nhỏ mà làm nên hạnh phúc lớn lao. Hãy tĩnh lặng".
Tại sao những "thứ nhỏ nhoi" mà lại có thể làm nên "hạnh phúc lớn lao" cho
bạn? Vì hạnh phúc chân thực không đến từ một vật hay một biến cố nào cả, dù
thoạt đầu ta cứ tưởng là như thế. Một vật, hay một biến cố nào đó, thực ra là rất
bé; bé đến độ nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tâm thức của bạn, và phần còn
lại chỉ là khoảng không gian rộng thoáng ở bên trong, là phần nhận thức không
bị ngăn trở bởi hình tướng. Nhận thức về khoảng không gian bên trong và bản
chất chân thật của bạn, hai thứ chỉ là một. Từ không gian đó tự toát ra thứ nhận
thức chưa bị điều kiện hóa, tức là hạnh phúc thật sự - là niềm vui của an nhiên tự
tại. Tuy thế, để nhận biết được những thứ nhỏ nhoi yên lặng đó, bạn cần phải có
sự yên tĩnh ở trong mình. Bạn phải tỉnh giác cao độ. Hãy im lắng. Nhìn ngắm.
Lắng nghe. Và có mặt.
Có một cách khác để tìm ra không gian ở bên trong: Bạn hãy ý thức rằng bạn
đang có ý thức. Hãy nghĩ, hoặc nói: "Tôi đang hiện diện" và nhận ra sự tĩnh lặng
đi theo sau cụm từ Tôi đang hiện diện. Cảm nhận sự có mặt, trần trụi, không che
đậy của an nhiên tự tại cho dù bạn già hay trẻ, giàu hay nghèo, tốt hay xấu, bất
cứ thuộc tính nào. Sự tĩnh lặng ấy là nơi sản sinh ra mọi hình tướng, mọi sáng
tạo.