Khi nói tới Thiền tông thì tên tuổi của tổ Lâm Tế được nhắc nhở đến nhiều nhất vì dòng Thiền của tổ vẫn còn được truyền tiếp mạnh mẽ cho tới ngày nay. Tại Nhật Bản hai tông Zen, tức Thiền tông, còn tồn tại đến nay là tông Lâm Tế (Nhật: Rinzai) và Tào Động (Nhật: Soto). Tại Việt Nam thì trừ vài chùa là thuộc tông Tào Động còn lại đều thuộc tông Lâm Tế. Như vậy nói tới Thiền tông thì không thể không biết về đường lối tu hành do tổ Lâm Tế truyền lại.
Nếu kể dòng truyền thừa từ thời Lục tổ Huệ Năng (638-713), thì kế tiếp là Nam Nhạc Hoài Nhượng, Mã Tổ Đạo Nhất, Bá Trượng Hoài Hải, Hoàng Bá Hy Vận và Lâm Tế Nghĩa Huyền. Như vậy là khoảng 150 năm sau Lục tổ, hoặc hơn 300 năm sau tổ Bồ Đề Đạt Ma, hạt giống Thiền tông được mang từ Ấn Độ qua gieo trồng tại Trung Hoa đã trở thành một cây cao lớn, tươi tốt. Thiền tông đã trở thành một tông phái mạnh mẽ trong mười tông của Phật giáo. Sau này vào khoảng thế kỷ 13 thì cây này bắt đầu trụi tại Trung Hoa, nhưng may nhờ có được truyền sang Nhật Bản từ thế kỷ thứ 10 nên cây này còn được tươi tốt cho đến ngày nay.
Cuộc đời
Tổ hiệu là Nghĩa Huyền, họ Hình quê ở Nam Hoa thuộc Tào Châu. Sử chỉ ghi tổ mất năm 866 (có tài liệu ghi là 867) mà không ghi rõ năm sanh, theo một số học giả thì tổ sanh khoảng 810 đến 815. Vì sau đó tổ trụ trì tại chùa Lâm Tế, nên sau này được gọi là Lâm Tế Nghĩa Huyền (Trung Hoa: Lin Chi I Hsuan, Nhật: Rinzai Gigen).
Hồi còn trẻ, sau khi thọ giới cụ túc, Lâm Tế nghiên cứu tinh tường giới luật, thâm hiểu kinh luận, nhưng Lâm Tế thường than: "Đây là phương thuốc cứu đời, chưa phải yếu chỉ của giáo ngoại biệt truyền." Vì vậy Lâm Tế đi tham vấn các vị thiền sư để theo học Thiền tông. Lâm Tế tới hội của tổ Hoàng Bá Hy Vận (Tr.H: Huang Po Hsi Yuan, Nh: Obaku Kiun) và ở đó ba năm mà chưa tham hỏi gì. Có vị Thủ tọa khuyên Lâm Tế nên lên tham hỏi Hoàng Bá để hỏi về thế nào là đại ý Phật pháp. Ba lần lên gặp mà ngay khi chưa nói dứt lời đã bị Hoàng Bá đánh cả ba lần. Khi Lâm Tế thất vọng đến từ giã thì Hoàng Bá dặn đến gặp thiền sư Đại Ngu (Tr.H: Ta Yu).
Đại Ngu hỏi: "Hoàng Bá có dạy lời gì?"
- "Con ba phen hỏi Đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh. Chẳng biết con có lỗi hay không lỗi? "
- "Bà già Hoàng Bá đã có lòng từ bi thắm thiết như thế đối với ngươi mà ngươi còn đến đây hỏi có lỗi hay không lỗi! "
Ngay câu nói ấy Lâm Tế hoát nhiên đại ngộ, rồi thưa: "Phật pháp của Hoàng Bá vốn chẳng có nhiều." Đại Ngu nắm chặt Lâm Tế rồi nói: "Con quỷ đái dưới sàn, vừa nói có lỗi hay không lỗi, giờ lại nói Phật pháp của Hoàng Bá không nhiều. Ngươi thấy đạo lý gì, nói mau! nói mau! " Lâm Tế đánh vào hông Đại Ngu ba thoi. Đại Ngu buông ra, nói: "Thầy của ngươi là Hoàng Bá, chẳng can hệ gì việc của ta. " Lâm Tế từ tạ Đại Ngu rồi trở về với Hoàng Bá. Thấy Lâm Tế trở về, Hoàng Bá biết là Lâm Tế đã ngộ, nhưng sau câu chuyện nhắc về Đại Ngu thì Lâm Tế tát tai Hoàng Bá!
Sau khi được Hoàng Bá ấn chứng thì Lâm Tế vẫn tiếp tục theo hầu Hoàng Bá một thời gian. Tình hình Phật giáo tại Trung Quốc lúc đó gặp khó khăn vì đến năm 845 vua Wu-Tsung có những biện pháp cứng rắn đàn áp Phật giáo. Chỉ trong vòng có 8 tháng năm 845 mà có hơn 4.600 tu viện bị phá hủy, hơn 260.000 tăng, ni bị ép buộc hoàn tục, hơn 40.000 ngôi chùa bị phá hủy. Có lẽ cũng vì vậy nên Lâm Tế phải di chuyển luôn và sau đó thì đến Hà Bắc, góc nam thành Đông Trấn Châu, đất Lâm Tế trụ trì tại một ngôi chùa của Phổ Hóa (TrH: P'u Hua). Tại đây có quan Tri phủ là Vương Thường Thị và các quan trong phủ thường tới hỏi đạo và cũng ít nhất là hai lần mời Lâm Tế tới thuyết pháp. Khi giảng pháp thì Lâm Tế có đặc điểm là dùng tiếng hét hoặc lấy gậy đánh! Nhiều khi có người tới thưa hỏi về Phật pháp thì Lâm Tế lớn tiếng hét chứ không nói gì khác. Nhiều người không hiểu gì, nhưng cũng có nhiều người chỉ nhờ tiếng hét đó mà đại ngộ.
Sau khi tổ thị tịch, nhà vua ban cho hiệu là Huệ Chiếu Thiền Sư, ngôi chùa hiệu Trừng Linh.
Đệ tử của tổ là Tam thánh Huệ nhiên (TrH: San-sheng Hui-jan) ghi chép được những lời thuyết pháp cùng những mẩu chuyện về đời sống của tổ và viết cuốn Lâm Tế Ngữ Lục (TrH: Lin Chi ch'an-shih yu-lu, Nh: Rinzai Roku, Recorded Sayings of Ch'an Master Lin-chi). Cuốn này có ghi lời tựa của một vị quan là Ma Fang, viết vào năm 1120. Lời tựa rất ngắn, tóm tắt cuộcđời của tổ và ghi rõ là cuốn này đã được sưu tập kỹ lưỡng. Cuốn này được Burton Watson dịch đầy đủ với tên sách là The Zen Teachings of Master Lin Chi, tài liệu này căn cứ theo cuốn sách đó.
Pháp môn Lâm Tế
Thời đại của các tổ Mã Tổ, Bá Trượng, Hoàng Bá, Lâm Tế, thuộc đời Đường, thường được coi là thời cực thịnh của Thiền tông tại Trung Hoa. Riêng địa vị của tổ Lâm Tế lại nổi bật vì tổ thành công trong việc đem những tinh hoa của Thiền tông từ tổ Bồ Đề Đạt Ma cho tới tổ Hoàng Bá vào một pháp môn thực tiễn để đạt tới mục đích cứu cánh. Những bài giảng về Tứ liệu giản, Tam huyền, Tứ đoạt, Tứ vô tướng .. đã hướng dẫn được những người theo đạo biết những bước đi cụ thể. Điểm đặc biệt là tông Lâm Tế sau này chú trọng vào việc thiền theo lối công án, còn tông Tào Động thì chú trọng vào việc ngồi thiền (tọa thiền). Đó là nói đại cương chứ không có nghĩa là tông Lâm Tế không ngồi thiền.
Thiền và Giáo
Trước khi tu hành theo Thiền tông thì tổ Lâm Tế đã rành biết về Kinh, Luật. Nhưng sau khi ngộ lý Thiền thì có nhiều lời giảng mới nghe như có tánh cách bài bác kinh điển.
-"Các nơi nói lục độ, vạn hạnh cho là Phật pháp. Ta nói đó là cửa trang nghiêm, cửa Phật sự, chẳng phải là Phật pháp."
-Vương thường Thị đến thưa hỏi tổ, theo tổ đến trước tăng đường, xem xong liền hỏi:
"Tăng chúng trong tăng đường này có xem kinh chăng? " Tổ đáp: " Chẳng xem kinh. ", "Lại học thiền chăng? ", "Chẳng học thiền. ", "Kinh đã chẳng xem, thiền lại chẳng học, cứu cánh làm cái gì? ", "Thảy dạy họ làm Phật, làm Tổ."
Tổ đến Hoàng Bá, thấy hòa thượng xem kinh. Tổ nói: "Tôi sẽ bảo người ấy, xưa nay là hòa thượng già đếm đậu đen." (đậu đen: ý nói các chữ viết trên giấy)
Thực ra mười hai phần giáo nói ra chỉ là để hiển bầy lẽ này, kẻ học không lãnh hội bèn hướng vào danh cú mà vọng hiểu biết, ấy đều là có y, có dựa, còn trong vòng nhân quả, chưa ra khỏi sanh tử luân hồi trong tam giới - xem kinh, xem giáo cũng là tạo nghiệp.
Một niệm duyên khởi vô sanh, siêu việt quyền học tam thừa."
Như vậy phải chăng Tổ có ý chê bai kinh điển và ngăn cấm đệ tử xem kinh? Nhớ lại trong Kinh Pháp Bảo Đàn có ghi việc vị tăng Pháp Đạt đến tham vấn Lục Tổ Huệ Năng với tâm niệm tự phụ vì đã tụng 3.000 lần bộ kinh Pháp Hoa. Khi Lục Tổ hỏi về nghĩa kinh thì Pháp Đạt thú nhận là không hiểu ý cùng căn bổn của kinh. Lục Tổ sau khi giảng về "tông" của kinh thì có nói tiếp: "Người thế gian, ngoài mê thì dính tướng, trong mê thì dính Không. Nếu đối với tướng mà lìa tướng, đối với Không mà lìa Không thì trong ngoài chẳng mê. Nếu hiểu rõ pháp này, một niệm tâm mở sáng, ấy là mở Tri Kiến Phật." Sau khi tỏ ngộ thì Pháp Đạt có hỏi: "Nếu vậy, hiểu được nghĩa, thì chẳng cần tụng kinh? " Lục Tổ đáp: "Kinh có lỗi gì, há có ngăn trở sự tụng niệm của ngươi đâu. Miệng tụng mà tâm làm theo nghĩa kinh, tức là mình chuyển kinh. Miệng tụng mà tâm chẳng làm theo kinh, tức là mình bị kinh chuyển." Chính vì những người bị kinh chuyển mà tổ Lâm Tế mới nói là không cần xem kinh. Xem kinh mà hiểu rằng những lời Phật dạy về những pháp tu là phương tiện để hoá độ, để trang nghiêm cửa Phật chứ chưa phải là cứu cánh. Tổ Hoàng Bá, trong cuốn "Truyền Tâm Pháp Yếu", có dạy: "Nhiều người chỉ học biết để ngộ theo Giáo Pháp, mà không biết tới Tâm Pháp, nên dù đến vô số kiếp cũng không đạt được Phật đạo. Cho nên chỉ cần hiểu rõ Tâm này thì không cần phải tìm Pháp nào khác, vì Tâm tức Pháp." Tổ Lâm Tế giảng: "Thế nào là Pháp? Pháp là tâm pháp. Tâm pháp không hình, thông xuốt mười phương, hiện dụng trước mắt. Người tin không đến, bèn nhận danh, nhận cú, hướng vào danh tự tìm cầu, lấy ý để suy xét Phật pháp, thật cách xa như trời với đất.
- Có vị tăng hỏi: "Thế nào là chân Phật, chân Pháp, chân Đạo, xin thầy chỉ dạy." Tổ đáp: "Phật là tâm thanh tịnh, Pháp là tâm sáng suốt, Đạo là mỗi chỗ không chướng ngại. Tịnh, sáng, không chướng ngại .. tuy ba mà một, đều là danh từ suông, không thật có."
- Người học không hiểu, chấp danh cú, bị danh phàm thánh làm chướng ngại. Mười hai phần giáo nói ra cốt biểu hiển lẽ này. Học giả không hội, bèn nhằm trên danh cú biểu hiển sanh hiểu, đều là nương tựa rơi tại nhân quả, chưa khỏi sanh tử trong tam giới. "
Như vậy nên nay nói Thiền Giáo song tu thì không phải là ý các tổ vậy. Kinh điển có thể giúp người tu một phần nào căn bản để đạt lý Thiền, như Lục tổ Huệ Năng chỉ nghe một câu trong kinh Kim Cang mà ngộ, thiền sư Huyền Giác xem kinh Duy Ma Cật mà ngộ, nhưng đối với Thiền tông thì kinh điển là một phương tiện để tu hành, cho nên không đặt nặng vấn đề xem và tụng kinh. Đức Sơn (780-865), tinh thâm kinh luật, chuyên giảng kinh Kim Cang, nên lúc đầu chê bai Thiền tông nhưng khi gặp thiền sư Sùng Tín thì mới thấy sự sai lầm và xin ở lại học Thiền. Sau khi ngộ rồi sư mới thấy là kinh điển không phải là cứu cánh, và sư nổi lửa đốt hết bộ sớ sao.
Thiền tông không chú trọng về kinh điển, không phải vì có ý chê bai nhưng cho rằng nếu không được xử dụng đúng thì còn có thể gây chướng ngại cho pháp tu nữa. Mỗi tông phái đều có pháp tu riêng biệt cho nên nếu đem pha trộn với pháp tu khác thì chẳng bao giờ có kết quả tốt đẹp được. Những người lập ra các pháp song tu là tỏ ra ý nghĩ chê bai tổ các tông phái nên pha chộn 2, hoặc 3 tông khác nhau để lập ra tông mới mà chẳng giống chút nào ý các tổ của mỗi tông.
Chỉ thẳng người đang nghe pháp
Các tổ trước thời tổ Lâm Tế đều chỉ rõ mục đích của Thiền tông là thấy Tánh (kiến tánh), nhưng tổ có đặc điểm là nhân cách hóa "cái đó":
"Trên cục thịt đỏ* có vị chân nhân không ngôi vị*, thường từ cửa mặt (từ sáu căn) các ông ra vào. - Chỉ có đạo nhân vô y* đang nghe pháp là cội nguồn của chư Phật, vì chư Phật đều từ vô y sanh - Cái người hiện nay đang nghe pháp đó, chẳng phải là tứ đại của các ông. Tứ đại các ông không biết nghe pháp và nói pháp. Hư không cũng không biết nói pháp và nghe pháp. Vậy cái gì biết nói pháp và nghe pháp, ấy là cái không hình dáng mà sáng tỏ rõ ràng trước mắt của các ông đó. Nếu thấy được như thế thì cùng Phật, Tổ không khác - Các ông nếu muốn đi lại tự do trong sanh tử thì phải nhận biết cái người đang nghe pháp đây, vốn là vô hình, vô tướng, vô căn, vô bản, không nơi trụ, mà hoạt bát rõ ràng, ứng dụng muôn thứ. Thực ra chỉ có người hiện nay đang nghe pháp ngay trước mắt các ông đây, vào lửa chẳng bị cháy, vào nước chẳng chìm, vào địa ngục tam đồ như đi dạo vườn hoa, vào ngạ quỷ súc sanh mà chẳng thọ ác báo."
- Các ông muốn nhận biết chư Phật, chư Tổ chăng? Chính là người đang nghe pháp trước mắt đây. Học nhân thiếu tự tin bèn hướng ngoại tìm cầu. Dẫu cho tìm được cũng đều chỉ là văn tự, danh tướng, trọn chẳng được ý của Tổ sống. "
(*) "Cục thịt đỏ" là sắc thân. "Vô ngôi vị" có nơi dịch là vô địa vị, bản Anh văn dịch là "no ranks". "Vô y" là không có nương vào đâu, vượt khỏi vòng phân biệt, đối đãi, bản Anh văn dịch là "depend on nothing".
Tổ nhắc đi nhắc lại nhiều lần để chỉ rõ vị chân nhân, "cái người đang nghe pháp", ngay trước mắt và ngay hiện tại. Thấy được người đó là ngang với Phật, Tổ. Cách giảng dạy đó thật là độc đáo, khác hẳn các vị tổ trước.
Những chiếc áo
Tổ nói: "Các đạo lưu! Đừng có bị lôi cuốn vì những cái áo! - Có cái áo thanh tịnh, có cái áo vô sanh, áo bồ đề, áo niết bàn, áo Tổ, áo Phật. - Các ông có biết cái người mặc áo không? " Chúng ta thường chỉ nhìn thấy những cái áo mà không biết "người" mặc cái áo đó ra sao. Thấy được Người mặc những cái áo mới chính là điều mà đức Phật muốn chỉ cho chúng ta biết, nhưng vì phương tiện nên đức Phật tùy lúc mà cho mặc áo này, áo kia để chúng ta dễ hiểu, cùng như tùy lúc mà đã dùng những danh tự khác nhau để chỉ "người đó". Nhưng chúng ta chỉ mải mê nhắm vào danh tự, say mê về những cái áo mà không thấy được nghĩa thâm sâu của đạo. Khó mà chỉ ngay cái Người đó được vì nó "vô hình, vô tướng, thông xuốt mười phương", danh tự, ngôn cú không diễn tả được, cho nên đức Phật khéo léo choàng cho nó những cái áo khác nhau để chúng sanh tùy căn cơ mà có thể hiểu được. Chúng ta sai lầm khi chỉ biết trầm trồ ngắm nghía cái áo mà không thấy được Người mặc cái áo mà đức Phật muốn chỉ cho chúng ta. Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Hoa cũng chỉ có mục đích chỉ ra được Người đó. "Nếu thấy được như thế thì cùng Phật, Tổ không khác." Thấy được vị "chân nhân không ngôi vị", người dang nghe pháp trước mắt, người đạo nhân không chỗ trụ (vô y), người mặc những cái áo nói trên là điểm trọng yếu trong tông Lâm Tế.
Pháp tu
Người Phật tử nào khi hành đạo cũng tìm hiểu đường lối tu hành như thế nào, tu để được gì. Nhưng tổ Lâm Tế lại giảng: "Các ông! Các nơi đều nói có đạo để tu, có pháp để chứng, Ông nói thử xem chứng pháp nào, tu đạo nào? Nay chỗ dụng của các ông có thiếu vật gì, tu bổ chỗ nào?"
Câu nói đó thật làm đảo lộn những hiểu biết thông thường, làm chúng ta bỡ ngỡ, thắc mắc. Phải chăng như vậy là tổ cho rằng chẳng có gì để tu hết? Nói tu là thường được hiểu như tu tâm, sửa tánh, để rồi được tới một cái gì tốt đẹp, cao cả hơn đời sống hiện tại. Nhưng con đường tu hành mà hiểu như vậy thì tuy có đắc, có chứng được gì thì cái đó vẫn còn trong vòng nhân quả, rồi cũng theo luật vô thường mà chấm dứt. "Nếu do tu mà đắc được , đều là nghiệp sanh tử."
Câu nói trên cũng có thể so sánh với câu của tổ Hoàng Bá: "Hỏi: Thế nào là Đạo, và thế nào là tu hành? Tổ Hoàng Bá đáp: Đạo là vật gì mà các ông muốn tu hành?"
Để giảng dạy cho đệ tử sơ cơ thì nói có tu, có chứng. Còn đối với người thượng căn mà vẫn còn chấp có tu, có chứng thì không thể nào tiến tới chỗ thâm sâu của đạođược. Thiền tông đặt mục đích là cần thấy Tánh, tức chân tâm, Phật tánh, mà Tánh đó thì dù là chư Phật hay chúng sanh cũng đều có như nhau, không phải tu mới được, không phải chứng mới được. Trong kinh Bốn mươi hai chương, đức Phật cũng có dạy là cúng dường cả triệu chư Phật không bằng cúng dường người không tu, không chứng. Những lời nói này cao siêu tột bực, cần phải học hỏi cho kỹ, kẻo có người lợi dụng, nói bừa bãi là Phật, Tổ dạy là đâu có cần tu.
Cách dạy người
Theo ngữ lục ghi chép thì thấy cách dạy người của tổ Lâm Tế rất là đặc biệt.
"- Tổ thấy một vị tăng đến, liền giơ cây phất trần lên. Tăng lễ bái. Tổ bèn đánh.
Sau đó lại có vị tăng nữa đến, tổ cũng giơ cây phất trần lên. Ông tăng không màng đến. Tổ cũng đánh.
Lại có vị tăng khác đến, tổ cũng lại giơ cây phất trần lên. Ông tăng này nói: "Tạ ơn hòa thượng khai thị!" Tổ cũng đánh.
- Tổ thăng tòa, có một ông tăng ra. Tổ bèn hét, vị tăng cũng hét, sau đó tăng lễ bái. "
Nếu không đặt được mình vào hoàn cảnh, môi trường, tâm trạng của những người lúc đó thì mọi sự suy luận, giải thích hay chỉ trích cách dạy người đó chỉ là vô ích.
Các tổ thường tránh việc giảng giải nhiều vì thấy rõ rằng những lời nói, danh tự không thể giảng được tới chỗ cứu cánh, mà nhiều khi lại còn khiến người nghe bám chặt vào đó, suy tính để tìm hiểu thì lại càng xa đạo.
"-Hôm nay sự bất đắc dĩ, sơn tăng chiều theo nhân tình mới lên tòa này. Nếu nhằm dưới cửa Tổ tông, khen ngợi việc lớn, hẳn là mở miệng không được.
- Các ông nếu hay bặt được tâm luôn luôn chạy tìm, liền cùng Phật, Tổ chẳng khác.
- Như chỗ thấy của sơn tăng: không Phật, không chúng sanh, không xưa, không nay, được liền đó được, chẳng trải qua thời tiết, không tu không chứng, không được không mất. Trong tất cả thời lại không có một pháp riêng.
- Sơn tăng nói ra đều là một lúc thuốc bệnh trị, trọn không có pháp thật. Nếu thấy được như vậy là người chân xuất gia.
- Các ông muốn cùng Phật, Tổ chẳng khác, chỉ chớ tìm kiếm bên ngoài. Trên một tâm niệm thanh tịnh sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật pháp thân của ông. Trên một tâm niệm vô phân biệt sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật báo thân của ông. Trên một tâm niệm vô sai biệt sáng suốt của ông là ngôi nhà Phật hóa thân của ông. Chỉ không tìm kiếm bên ngoài liền có công dụng này.
- Nếu niệm đã khởi chớ cho tiếp tục, mà niệm chưa khởi đừng cho sanh khởi. Làm được như thế thì hơn đi hành cước mười năm. Đừng để bất cứ nội, ngoại vật nào trói buộc, gặp chướng ngại nào cứ đạp bỏ hết: gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, cho đến gặp gì cũng giết cả. Đó là con đường duy nhất để đi đến giải thoát. (giết có nghĩa là bỏ cái tâm chấp trước, để khỏi bị tâm và cảnh dính mắc)
- Người học từ bốn phương đến, sơn tăng ở dây phân chia căn cơ để tiếp độ. Có khi đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, có khi đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, có khi nhân cảnh đều đoạt, có khi nhân cảnh đều chẳng đoạt." (Đây là pháp Tứ liệu giản, rất quan trọng trong việc giảng dạy, vị thiền sư chân chánh cần hiểu rõ căn cơ người học để tùy theo đó mà dẫn dắt họ. Pháp này chỉ rõ đường tu hành đi từ phân biệt hai bên, đến chỗ phủ nhận cả hai bên và cuối cùng đến chỗ không phủ nhận, không phân biệt, tức như như.)
Chỉ rõ những lối tu sai lầm
Tổ cũng chỉ rõ những sai lầm của những người tu học mà không có sự hiểu biết chân chánh:
"- Nói rằng ta hiểu thiền, hiểu đạo, biện luận thao thao như nước chảy, đều là người tạo nghiệp địa ngục.
- Dù cho đến ở trên chóp núi, một ngày ăn một bữa, thường ngồi chẳng nằm, sáu thời hành đạo, vẫn là người tạo nghiệp.
- Đạo lưu! Phật pháp không có chỗ dụng công, chỉ bình thường vô sự, đi đại, đi tiểu, mặc áo, ăn cơm, nhọc đến thì nằm. Người ngu cười ta, người trí biết ta. Người xưa nói: "Làm công phu bên ngoài, thảy là kẻ ngu si."
- Sơn tăng nói hướng ngoài chẳng có pháp, học nhân không lãnh hội được bèn cho là hướng trong, rồi liền dựa vách ngồi trạm nhiên chẳng động; chấp lấy cái này là Phật pháp của tổ môn, thực là sai lầm lớn. Nếu ông chấp lấy cảnh thanh tịnh, bất động là đúng, vậy tức là ông nhận cái vô minh làm chủ.
- Các đại đức! Động với bất động là hai thứ cảnh, còn đạo nhân vô y thì động cũng dùng, bất động cũng dùng.
- Người chân xuất gia phải biện được kiến giải chân chánh bình thường, biết Phật, biết ma, rành chân, rành ngụy, rõ phàm rõ thánh. Nếu biện được như thế, gọi là chân xuất gia. Nếu ma, Phật không biết, chính là xuất gia này vào gia kia, gọi là chúng sanh tạo nghiệp, chưa được gọi là người chân xuất gia.
- Cái lục thông của Phật thì chẳng phải vậy. Nghĩa là: vào sắc giới chẳng bị sắc mê hoặc, vào thanh giới chẳng bịthanh mê hoặc, vào hương giới chẳng bị hương mê hoặc, vào vị giới chẳng bị vị mê hoặc, vào pháp giới chẳng bị pháp mê hoặc. Cho nên nói hiểu rõ sáu thứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là tướng không, chẳng bị trói buộc, ấy là đạo nhân vô y. (Chúng ta thường hiểu lục thông theo các kinh điển là: (1) Thần túc thông, (2) Thiên nhĩ thông, (3) Tha tâm thông, (4) Túc mạng thông, (5) Thiên nhãn thông và (6) Lậu tận thông. Nhưng Tổ thấy rằng lục thông đó không liên hệ gì đến con đường tu hành giải thoát.)
Tóm lược
Cuốn Truyền Tâm Pháp Yếu của tổ Hoàng Bá đã giảng dạy về nền tảng giáo lý rõ ràng, đầy đủ về Tâm, còn cuốn ngữ lục của tổ Lâm Tế thì có những lời giảng thực dụng, chỉ rõ đường lối tu hành, nhất là những sai lầm để biết đường mà tránh. Muốn tu học về Thiền tông thì không thể nào thiếu xót được những lời dạy của các tổ.
Nhiều người cho rằng những lời dạy của Tổ Lâm Tế nhiều khi có vẻ quá mạnh, nhất là đối với những người xuất gia không chân chánh. Thực ra vì lúc trước Tổ đã là người thông hiểu kinh điển và Tổ thấy rõ những đường lối tu hành của số đông thì tuy có kết quả đó, nhưng thực ra vẫn còn trong vòng duyên khởi, sanh diệt. Tổ ví như mũi tên bắn ra từ cây cung, khi có sức mạnh sẽ bay cao và xa, nhưng khi hết đà thì vẫn phải rớt xuống. Tu trong vòng hữu vi thì vẫn có được phước tốt đó, nhưng khi hết phước sẽ trở lại tình trạng trước, vẫn còn loanh quanh trong vòng luân hồi, chưa phải là con đường giải thoát mà đức Phật chỉ dạy. Do đó khi Tổ hiểu được pháp tu đốn ngộ truyền từ Lục Tổ Huệ Năng thì Tổ thiết tha trong việc giáo hóa đệ tử nên nói mạnh để thức tỉnh họ ra khỏi cơn mê, chỉ biết phí sức theo đuổi những mộng huyễn: "Đạo lưu! Các ngươi chớ nhận lấy các mộng huyễn làm bạn, trong khoảng sớm chiều sẽ trở về vô thường. Các ngươi đến trong thế giới này tìm vật gì làm giải thoát? -Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, nên nói như mộng huyễn, như hoa đốm trên không, cần gì phí sức nắm bắt." Trong kinh Kim Cang, đức Phật có nói bài kệ: "Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng, huyễn, bào ảnh, Như lộ diệc như điển, Ưng tác như thị quán. " (dịch: Tất cả pháp hữu vi, Như mộng, huyễn, bọt bóng, Như sương cũng như chớp, Nên khởi quán như thế). Có hiểu được điều này thì mới biết được con đường tu hành chân chánh của đạo Phật.
Tổ dạy khi tu hành phải có sự hiểu biết (kiến giải) chân chánh để cương quyết gạt bỏ mọi chướng ngại về hình thức, về danh từ, khái niệm xuông, để tiến thẳng tới đích. Vì vậy đã có câu nói sắc bén là "gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ" mà chúng ta cần hiểu là nếu còn bám, chấp vào mọi danh từ, khái niệm thì không thể nào đến chỗ cứu cánh được. Nếu còn cứ nhìn miết vào ngón tay thì không khi nào thấy được mặt trăng vậy. Tổ Lâm Tế nói rõ là chỉ cần rời mắt khỏi ngón tay của đức Phật và ngẩng mặt lên là nhìn thấy rõ ràng mặt trăng thiệt chứ không phải mặt trăng trong bức hình hoặc mô tả bằng văn chương bóng bảy. Mặt trăng đây chỉ cái Chân Tánh, Chân Tâm, Tri Kiến Phật của mỗi người chứ không phải những pháp hữu vi, mộng huyễn, vô thường mà chúng ta thường phí sức chạy theo, bám níu.
Ngoài ra chúng ta cũng cần cảnh giác là đã có Thiền "cuồng" căn cứ vào một câu hoặc nửa câu của các Tổ mà quyết rằng chính các Tổ nói không cần phải đọc kinh điển, phải dẹp hết, chẳng cần ngồi thiền, chẳng cần cả lục độ, vạn hạnh và .. dĩ nhiên là chỉ học theo lời của các vị giáo chủ đó thôi. Đó chính là lý do mà chúng ta, dù không tu học Thiền tông, cần phải học hỏi kỹ lời dạy của các Tổ để tránh xa những người mà các Tổ cho là "làm mù mắt thiên hạ".
Tài liệu trích dẫn:
Hình vẽ: Tổ Lâm Tế - của họa sĩ Nhật Suio, thế kỷ thứ 18.
- The Zen teachings of Master Lin-Chi, bản dịch của Burton Watson, 1993.
- The Zen Teaching of Rinzai, bản dịch của Irmgard Schloegl, 1975.
- Zen Buddhism: A History - India and China, của Heinrich Dumoulin, 1988.
- Lâm Tế Ngữ Lục, bản dịch của thiền sư Thích duy Lực.
- Băng giảng "Lâm Tế ngữ lục" của thiền sư Thích thanh Từ.
渫潧䌥9
Kính lễ đại sư Padmasambhava! Người Sanh Từ Hoa Sen của xứ Uddiyana là hóa thân của tất cả chư Phật ba đời, vị vidyadhara vĩ đại của toàn giác bất hoại.
CÁC QUY LUẬT CƠ BẢN CỦA TƯ DUYPHẠM ĐÌNH NGHIỆMTa xét hai ví dụ suy luận:“Mọi người đều phải chết. Socrate là người.Vậy, Socrate phải chết." (1)và:“Vợ tôi là đàn bà.Em là
GIỚI THIỆUKINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAĐào NguyênKinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Phạn ngữ: Mahà-Prajnàpàramità- Sùtra) là bộ kinh vĩ đại nhất của Phật giáo Bắc truyền,
Bài giảng sáng thứ baTHẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁOTrong pháp hội này, đầu tiên, hãy cho phép tôi đượcnói đôi lời về giáo chỉ tu Phật (được cho là) làm động cơ
Đại từ, đại bi đã phân biệt ở trong đoạn nói về bốn tâm vô lượng rồi, nay sẽ nói lược thêm: Đại từ cho vui tất cả chúng sanh, đại bi
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt