CƯU MANG QUÁ KHỨ
Lý trí con người không thể, hay nói đúng hơn là không muốn cho quá khứ
qua đi, và điều này được minh chứng rất hay trong câu chuyện về hai nhà sư trẻ
Tanzan và Ekido. Một lần kia, hai nhà sư trẻ đi bộ dọc theo một con đường đất
rất lầy lội ở miền quê. Đến gần một ngôi làng, họ tình cờ gặp một phụ nữ còn rất
trẻ đang cố băng qua con đường ngập bùn, nhưng vì bùn quá sâu nên chiếc
kimono bằng lụa cô đang mặc có nguy cơ bị vấy bẩn. Ngay lập tức Tanzan nâng
cô lên và đưa sang bờ đê ở bên kia.
Sau đó hai nhà sư trẻ tiếp tục bước đi trong im lặng. Khoảng năm giờ sau, khi
họ về gần đến chùa thì Ekido không còn nén được nữa, buột miệng chất vấn:
“Tại sao sư huynh - một nhà tu hành - lại dám chạm vào người một cô gái, và
còn đưa cô ta sang bờ? Chúng ta không được làm những chuyện như thế kia
mà?”.
“Tôi đã để cô ấy xuống lâu rồi”, Tanzan nói. “Tại sao sư đệ vẫn còn mang cô
ấy theo?”.
Bạn hãy tưởng tượng đời sống sẽ như thế nào đối với những người mà lúc
nào cũng sống như cách của Ekido, không thể hay không muốn cho một việc gì
qua đi, mà lại luôn cưu mang quá khứ ở trong mình. Ta có thể tưởng tượng đời
sống của đại đa số người trên hành tinh này thật nặng nề biết bao khi họ luôn cưu
mang quá khứ trong lòng.
Ở trong ta, quá khứ chính là những ký ức. Nhưng ký ức tự nó không phải là
vấn đề. Thật ra, nhờ ký ức mà ta học hỏi được từ quá khứ, từ những lỗi lầm trong
quá khứ. Chỉ khi nào ký ức, tức là những suy nghĩ của bạn về quá khứ hoàn toàn
xâm chiếm lấy bạn, đến độ quá khứ trở thành một gánh nặng, trở thành một phần
cảm nhận về bản thân bạn, thì lúc đó bạn mới thật có vấn đề. Cá tính của bạn,
vốn là thứ thường bị điều kiện bởi quá khứ, bây giờ bỗng dưng trở thành ngục tù
giam giữ chính bạn. Lúc đó ký ức bạn chứa đầy cảm nhận sai lầm về chính mình,
và những câu chuyện hoang đường do trí óc bạn vẽ vời ra trở thành những gì bạn
tin là bản chất chân thực của chính mình. Nhưng thật ra đây chỉ là ảo tưởng, nó
che mờ bản chất chân chính của bạn. Vì bản chất đó chính là Hiện hữu không
hình tướng, siêu việt và phi thời gian.
Những câu chuyện vẽ vời ra như thế không chỉ nằm trong ý nghĩ mà còn đi
kèm theo những cảm xúc tiêu cực của bạn, những cảm xúc tiêu cực này liên tục
được bạn liên tưởng và làm sống lại nhiều lần. Như trong trường hợp nhà sư
Ekido, cảm giác bất bình (về chuyện sư huynh Tanzan đã nhấc cô gái trẻ đưa
sang bờ đê ban sáng) đã trở thành gánh nặng của ông trong suốt năm tiếng đồng
hồ sau đó. Hầu hết chúng ta đều mang theo rất nhiều gánh nặng trong tư tưởng và
cảm xúc trong suốt cuộc đời mình. Ta tự giới hạn chính mình qua những buồn
khổ, những tiếc nuối, oán thù và những lỗi lầm ta đã mắc phải. Những suy nghĩ
và cảm xúc của ta trở thành là biểu tượng cho con người ta, vì thế mà ta luôn
bám víu vào những cảm xúc xưa cũ, bởi nó làm mạnh thêm hình ảnh của ta về
chính mình.
Vì con người thường có xu hướng thích làm sống lại những cảm xúc xưa cũ
nên hầu hết chúng ta thường mang trong mình trường năng lượng của những khổ
đau xưa cũ được tích lũy qua thời gian mà tôi tạm gọi đó là “khối khổ đau sâu
nặng”.
Tuy nhiên, chúng ta có khả năng dừng lại việc chất chứa thêm vào khối khổ
đau sâu nặng đã sẵn có ở trong ta. Nói một cách hình tượng là bạn hãy tập vỗ đôi
cánh, như chú vịt mà tôi kể ở trên, để buông bỏ những căng thẳng ở trong người,
ngăn mình khỏi rơi vào thói quen mải mê suy nghĩ về quá khứ, cho dù chuyện đó
mới xảy ra ngày hôm qua hay đã xảy ra mấy chục năm trước. Ta có thể học cách
để đừng cho tình huống, hay một sự việc đã cũ, sống lại trong trí óc mình mà ta
còn biết thực tập để luôn hướng sự chú tâm của mình vào phút giây hiện tại, thay
vì bị mắc kẹt vào những câu chuyện vẽ vời nào đó của trí óc ta. Lúc đó bản thể
của ta, chứ chẳng phải là những suy nghĩ hay cảm xúc nào đó, sẽ được phơi bày.
Không một chuyện gì của quá khứ có thể ngăn cản bạn có mặt ngay trong
phút giây này, và nếu quá khứ đã không thể làm điều đó thì nó đâu còn sức mạnh
gì đối với bạn nữa?