Tin Tức (680)


Giáo lý Guru Yoga - H.H. Penor Rinpoche

986

Tính chất quan trọng của sự Khẩu truyền 

Dù giáo lý hay thực hành mà chúng ta đang thảo luận trong truyền thống Phật Giáo đặc biệt tới mức độ nào, dù truyền thống đó là Tiểu thừa, Đại thừa hay Kim Cương thừa, tiến trình của việc phát triển tâm linh là tiến trình của đệ tử nương tựa một vị Thầy. Chúng ta có thể gọi vị Thầy đó là một Lạt ma, một Guru, hay bất kỳ danh hiệu gì, nhưng vấn đề trọng yếu là có một sự khẩu truyền xảy ra trong đó một vị Thầy giảng dạy đệ tử: đệ tử nghe các giáo lý, thâm nhập ý nghĩa của chúng và đưa chúng vào thực hành.

Việc chúng ta nhấn mạnh vào một sự khẩu truyền là có lý do. Từ thời đại của Đức Phật cho tới ngày nay, Phật Pháp luôn luôn được truyền dạy và có nghĩa là được khẩu truyền, bảo đảm rằng có một truyền thống sống động vẫn thấm đẫm sự ban phước và năng lực của những giáo lý nguyên thủy. Sự khẩu truyền này cũng ngăn ngừa việc có thể có những kẻ gọi là Thầy chỉ xuất phát từ những ý tưởng của riêng họ. Thay vào đó, vị Thầy phải kinh qua một truyền thống giáo lý được chứng minh.

Điều này làm cho Phật Pháp khác biệt với những loại kiến thức khác ở đó người ta có thể làm đổi mới. Trong những lãnh vực kiến thức như thế việc nảy sinh ra những hệ thống tư tưởng mới hay đưa vào những ý tưởng mới mẻ có thể là điều thích đáng. Nhưng khi ta nói về Phật Pháp thì để một giáo lý có giá trị, mỗi giáo lý phải nối kết với những giáo lý nguyên thủy của Đức Phật. Những giáo lý không thể là điều mà một người nào đó hoàn toàn phát khởi trong đầu họ. Các giáo lý là những gì vị Thầy kinh qua.

Cũng thế, trong những loại kiến thức khác của nhân loại, người ta có thể chấp nhận được việc đưa ra thông tin theo một cách càng làm vui lòng và dễ chịu thì càng tốt. Nhưng mặc dù các Giáo Pháp cần được giới thiệu trong một phương cách dễ nghe, điều tối quan trọng là những giáo lý được trao truyền có năng lực để ban phước và gây ảnh hưởng cho những người nghe chúng trong một cách thế tích cực – không chỉ trong đời này, mà còn cả những đời sau. Vì thế mặc dù việc giảng dạy Pháp cần tao nhã và được giới thiệu khéo léo, điều tối quan trọng là sự ban phước của thông điệp cốt tủy.

Những Phẩm tính của Lạt ma

Những giáo lý mà chúng ta biết là Phật giáo được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy trước tiên. Những giáo lý này đã được hộ trì nhờ một dòng truyền dạy sống động cho tới ngày nay bởi những người được hứng khởi để đi theo gương mẫu của Đức Phật và nghiên cứu con đường đó và truyền dạy nó cho những người khác. Trong bất kỳ truyền thống Phật Giáo khác nhau nào chúng ta cũng nhận ra rằng có vô số người nhờ nghiên cứu và thiền định mà trở nên vô cùng uyên bác, có năng lực và chứng ngộ tâm linh. Nhưng lý do tại sao các ngài giảng dạy và lý do vì sao những cá nhân này cam kết để trở nên uyên bác trong lãnh vực Giáo Pháp thì không nên để cho mình chìm ngập trong việc tự thổi phồng mình lên. Ta không trở nên uyên bác về Pháp để tự cho rằng bản thân ta uyên bác và để đạt được một địa vị đặc biệt nào đó. Ta cũng không giảng dạy người khác từ một cảm thức tự phụ có tính cách cá nhân. Pháp được hộ trì bởi nó mang lại những lợi ích cho những người lắng nghe giáo lý. Đó là động lực đằng sau việc giảng dạy.

Để trở thành một vị Thầy đích thực của truyền thống thì sẽ không đủ nếu chỉ đọc sách vừa đủ để trở nên thật tinh thông giáo lý và sau đó tự coi mình như một vị Thầy. Đúng hơn, ta phải được vị Thầy của ta, một người chứng ngộ một cách đặc biệt, cho phép giảng dạy. Cũng có thể có trường hợp ta được ban cho một thị kiến về Bổn tôn chọn lựa của ta, trong kinh nghiệm đó Bổn tôn sẽ ban cho ta sự ban phước và thẩm quyền để giảng dạy.

Như vậy vấn đề không chỉ đơn giản là việc một người bình thường phát điển đầy đủ sự thông minh tài giỏi để có thể nói thật hay về Pháp. Lợi ích thật sự của những giáo lý không xảy đến nhờ một sự tiếp cận thông thường, bởi lẽ càng thêm sự tiếp cận thông thường thì chỉ càng tăng thêm khuynh hướng nuôi dưỡng sự tự phụ và những cảm xúc mâu thuẫn của riêng ta. Chẳng có lợi lạc nào có thể đến từ điều đó. Chỉ khi việc giảng dạy là một hành động vô ngã để làm lợi lạc người khác được đặt nền trên một sự truyền dạy đích thực thì ta mới thực sự có lợi lạc là điều cần thiết để Giáo Pháp được hộ trì.

Nếu ta chiếu cố tới tất cả những giáo lý của Đức Phật, bao gồm mọi luận giảng về những giáo lý đó của các đại thành tựu giả vĩ đại – những pundit (học giả) uyên bác của Ấn Độ, Tây Tạng và những truyền thống Phật Giáo khác – thì một cá nhân đơn độc không thể nỗ lực và đưa tất cả những giáo lý đó vào thực hành. Điều này không có nghĩa là có phương diện nào đó của những giáo lý đó là vô ích và không có chức năng. Trong thế giới này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển Pháp luân trong ba lần truyền dạy liên tiếp trong thời đại của Ngài. Trong Kim Cương thừa khi chúng ta khảo sát hàng ngàn pho sách được gọi chung là Phật Pháp, bao gồm 84.000 tuyển tập của những giáo lý của Đức Phật và 6.400.000 bản văn Tantra (Mật điển), thì rõ ràng là không một người đơn độc nào có thể thâm nhập và thực hành tất cả những giáo lý đó.

Khảo sát vị Thầy

Như thế điều này đưa chúng ta tới chủ đề guru yoga. Ta hãy xem xét từ nguyên của từ ‘lama’ trong tiếng Tây Tạng. Âm đầu tiên ‘la’ có nghĩa là ‘cái gì không thể vượt qua’ (vô song). Từ thứ hai ‘ma’ theo nghĩa đen có nghĩa là mẹ. Điều này có nghĩa là thái độ của vị Thầy thì giống như thái độ của một bà mẹ đối với những đứa con của bà. Có một hàm ý rằng mối liên hệ với Lạt ma mang theo nó rất nhiều sức nặng. Đệ tử cũng có một tiềm năng khổng lồ để được lợi lạc từ mối liên hệ đó.

Đây là lý do tại sao trong con đường thần chú bí mật của giáo lý Kim Cương thừa, điều được nhấn mạnh ngay từ lúc khởi đầu là việc vị Thầy và đệ tử khảo sát lẫn nhau thì rất quan trọng. Hẳn đó phải là một tiến trình phê phán nhờ đó người này chọn lựa người kia. Ví dụ như các Mật điển có nói rằng nếu một Lạt ma hám lợi, tham vọng, bị lệ thuộc vào những cảm xúc mâu thuẫn, tràn đầy kiêu ngạo, ganh tị hay tranh đua, thì việc một đệ tử nương tựa vào một vị Thầy như thế sẽ không thích hợp cho dù Lạt ma đó là ai. Lạt ma phải có những phẩm chất đúng đắn, kể cả phẩm tính của lòng bi mẫn. Nếu vị Thầy không có những phẩm tính căn bản này thì một Lạt ma như thế sẽ rất khó ban phước cho đệ tử – sự ban phước là điều cần thiết để mối liên hệ Thầy/trò mang lại kết quả tốt đẹp.

Trong việc khảo sát những phẩm tính của một Lạt ma, một người bình thường khó có thể đánh giá được những phẩm tính của dòng tâm thức của Lạt ma đó, đặc biệt là khi mới gặp vị Thầy này. Nhưng một yếu tố quyết định được cân nhắc là dòng truyền thừa mà vị Lạt ma hộ trì và dòng truyền đó có được duy trì với samaya thanh tịnh hay không.

Ta không thể xác định một cách đơn giản dựa vào mức độ hiểu biết của một vị Thầy để xem ông có năng lực tâm linh có thể trao truyền ân phước chân chính hay không. Nếu dòng tâm của vị Thầy không được thúc đẩy bởi một phẩm tính vị tha và bi mẫn – phẩm tính của Bồ đề tâm – mà đúng hơn bị kích động bởi một phẩm tính kiêu ngạo và những cảm xúc phiền não, thì điều đó sẽ không phải là một mối liên hệ lợi lạc cho dù vị Thầy đó rất uyên bác. Đây là bởi động lực của vị Thầy không đúng đắn.

Vì thế vào lúc đầu, điều quan trọng đối với đệ tử là khảo sát một vị Thầy tương lai. Một khi đệ tử đi tới chỗ quyết định nương tựa một vị Thầy nhất định thì không còn gì để thảo luận nữa. Quyết định đã được lập ra. Vào lúc đó điều quan trọng đối với đệ tử là nương tựa toàn tâm toàn ý nơi vị Thầy. Nếu ta trải qua tiến trình khảo sát để kiểm tra những phẩm tính của vị Thầy và quyết định rằng vị Thầy này thích hợp đối với bản thân ta, thì ta sẽ có thể duy trì một sự tôn kính và một niềm tin nơi vị Thầy.

Khi ấy, miễn là đệ tử duy trì một thái độ tin tưởng và sùng mộ đối với một Lạt ma được chọn lựa theo cách này, sẽ không đệ tử nào không được trực tiếp nhận những sự ban phước của Đức Phật trong dòng truyền thừa sống động này. Điều này thì hoàn toàn không thể sai lầm.

Câu chuyện của Lạt ma-Chăn cừu

Ở Tây Tạng có một gia đình du cư chăn nuôi gia súc. Họ sinh sống bằng nghề nuôi và bán thú vật và tuyệt nhiên không hiểu biết gì về Pháp. Công việc của họ có bản chất thế tục.

Một người chăn gia súc làm thuê cho gia đình này được cho thực phẩm khi anh ta đưa đàn thú ra ngoài mỗi ngày. Vào lúc giữa trưa, anh đi tới một bờ sông, để mặc đàn thú gặm cỏ, anh ngồi xuống uống trà và dùng bữa trưa của mình. Ở nơi anh ngồi có một tảng đá nhô lên. Mỗi ngày anh dùng những thực phẩm dư thừa gồm thức ăn và trà và để chúng trên tảng đá. Anh ta làm điều này mà không suy xét rằng việc đó là tốt hay xấu. Việc để thức ăn thừa trên tảng đá chỉ là một tập quán lười nhác của anh.

Tảng đá nhô lên đặc biệt này có ba mặt trên đó anh ta thường đặt thức ăn. Khi sự việc đó xảy ra, những tảng đá này có một vài tinh linh địa phương tới cư ngụ. Trong số đó có một tinh linh rồng, một tinh linh ma quỷ và một tinh linh khác được gọi là tsen. Ba tinh linh phi nhân này rất tán thưởng những “vật cúng dường” này mà người có vẻ là một con người tâm linh và hành giả thành tựu này đang ban tặng họ mỗi ngày. Họ thảo luận với nhau: “Để tỏ lòng biết ơn, ít nhất là một người trong chúng ta phải làm điều gì đó. Ai sẽ làm việc ấy?” Và họ đi tới kết luận là tinh linh ma sẽ là người giúp đỡ người chăn cừu. Và vì thế tinh linh ma nhập vào người chăn cừu khiến anh ta bị thay đổi toàn diện. Anh thực sự trở thành một người rất thông thái và tài giỏi.

Khi từ cánh đồng trở về nhà, anh là một người khác. Thay vì chỉ về nhà như thường lệ, anh trở về nhà và bắt đầu nói về Pháp, anh bắt đầu thuyết giảng. Trải qua một thời gian, anh có tới hàng ngàn đệ tử. Anh tạo được một ấn tượng sâu sắc như một vị thầy tâm linh đến độ tập họp được quanh mình một nhóm đệ tử khổng lồ. Anh cũng viết nhiều quyển sách và nổi danh là người rất uyên bác về Pháp. Điều này tiếp diễn trong nhiều năm và danh tiếng của anh tiếp tục phát triển.

Anh ta đang tiếp tục những hoạt động này thì một Lạt ma khác đang du hành trong vùng nghe nói về anh. Nhờ những năng lực tâm linh đích thực, vị Lạt ma chân chính này hiểu rõ là Lạt ma-chăn cừu không phải là người thực sự có những phẩm tính chân chính. Ngài nhận ra rằng một tinh linh ma ám nhập đã truyền cho Lạt ma-chăn cừu khả năng giảng dạy.

Và vì thế Lạt ma chân chính nói với một tu sĩ thị giả của ngài: “Ta muốn ông để hương trầm xuống những nơi Lạt ma này giảng dạy và đốt nó, làm khói thoảng khắp vùng để Lạt ma này và tất cả những đệ tử đều ngửi thấy mùi khói. Ông có thể làm được điều đó cho ta không?”

Vị sư nói: “Chẳng có vấn đề gì,” và ông để hương trầm xuống và đốt. Ông đi qua đám đông hàng ngàn người đang lắng nghe người chăn cừu biến thành vị Thầy này. Ngay khi người chăn cừu ngửi thấy mùi khói hương, tinh linh ma xuất ra khỏi thân thể anh ta. Người chăn cừu khốn khổ ngồi trên ngai nhìn quanh đám đông và nói: “Cừu của tôi đâu?”

Trọng tâm của câu chuyện này là cho dù một vị Thầy có thể tài giỏi, nổi tiếng và có biện tài về Pháp, nhưng điều đó không quyết định tính chất xác thực. Bạn cần khảo sát rõ ràng những gì bạn đang tìm kiếm ở một vị Thầy.

Khi bạn đã trải qua tiến trình khảo sát này với tư cách một đệ tử và đi tới quyết định rằng bạn muốn nương tựa một vị Thầy nhất định, thì với một cảm thức của niềm tin và thị kiến thanh tịnh, bạn sẽ không gặp rắc rối gì liên quan tới vị Thầy đó. Như thế, khi bạn nhận các giáo lý từ vị Thầy, bạn hoàn toàn tiếp thu được những gì vị Thầy ban cho.

Nương tựa vị Thầy

Một số vấn đề trong những điều quan trọng nhất mà bạn nên tự hỏi chính mình là: “vị Thầy này có kinh nghiệm giải thoát khỏi đau khổ và vô minh để có thể truyền đạt loại tự do đó cho tôi không? Vị Thầy này có được thúc đẩy bởi Bồ đề tâm hay không? Vị Thầy này có thực sự từ bi khi quan tâm tới tôi như một đệ tử không?” Đây là điều chúng ta tìm thấy trong tất cả những giáo lý của Kinh điển, các Tantra (Mật điển) và đặc biệt là trong những giáo lý tâm của những trường phái Mahamudra (Đại Ấn) và Dzogchen (Đại Viên mãn): Điều cực kỳ quan trọng là phải khảo sát những phẩm tính của một Lạt ma để xác định rõ những phẩm tính ấy trước khi nương tựa vị Thầy đó.

Toàn bộ vấn đề của tiến trình khảo sát là không xét đoán một vị Thầy trong một diễn đàn công cộng hay trong một ý nghĩa trừu tượng. Thay vì thế, đó là việc đánh giá vị Thầy ngay trên một bình diện cá nhân để xác định xem mối quan hệ với vị Thầy đó sẽ có lợi ích cho bạn với tư cách một đệ tử hay không. Vị Thầy này có những phẩm tính và giáo lý để hiến tặng khiến cho bạn có thể được lợi lạc khi thọ nhận những giáo lý ấy hay không? Việc khảo sát hoàn toàn xuất phát từ quan điểm của riêng bạn chứ không từ viễn cảnh có tính chất khái niệm.

Việc nương tựa một vị Thầy thì tuyệt đối cần yếu đối với đệ tử để thọ nhận một cách thuần tịnh sự trao truyền các giáo lý. Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp các giáo lý Đại Viên mãn. Bạn chỉ có thể nhận sự trao truyền thuần tịnh của Đại Viên mãn từ một vị Thầy còn sống. Không có nguồn mạch trao truyền nào khác ngoài suối nguồn của việc bạn làm việc với một vị Thầy đích thực.

Và thêm nữa, điều quan trọng là Lạt ma hay các Lạt ma mà bạn nương tựa không phải là những cá nhân bị thúc đẩy bởi những tham muốn vị kỷ cho những lợi lạc cá nhân; về mặt nào đó họ không phải là người thủ đoạn hay lừa dối; cách họ nói Pháp không mâu thuẫn và phản tác dụng; họ không kiêu ngạo về những phẩm tính của riêng mình và thường xuyên nói về hay phô bày những phẩm tính của họ trong một cách thế tranh đua hay tự khoa trương. Tất cả những loại phẩm tính này nơi một vị Thầy cần phải được tránh xa.

Trái lại, khi bạn gặp một Lạt ma hay vị Thầy có một tính cách cao quý, những phẩm tính tuyệt vời, thiện xảo và quan tâm sâu sắc tới thực hành Phật giáo nói chung và con đường Kim Cương thừa nói riêng, có dòng tâm thức được Bồ đề tâm thúc đẩy, hết sức từ ái và bi mẫn khi quan tâm tới người khác, và bản thân đã chứng ngộ bản tánh nền tảng của các hiện tượng trong một cách thế rất đáng tin cậy và trực tiếp, thì khi bạn gặp một người nào đó hiện thân tất cả những phẩm tính này, bạn đang có cơ hội lý tưởng để nương tựa người ấy như một vị Thầy. Người này hội tụ tất cả những phẩm chất của một vị Thầy tốt lành và đích thực.

Vì thế, khi ta nói về một người nào đó là một Lạt ma đích thực, ta không chỉ đang nói về một người có danh hiệu hay được coi là một Lạt ma theo một ý nghĩa nói chung hay thông thường. Chỉ khi nào ta nói về một người thực sự có những phẩm tính đáng tin cậy này thì ta mới đang thực sự nói về một Lạt ma có phẩm chất và đích thực, có nghĩa là người mà nếu bạn nương tựa vào họ bạn sẽ chỉ nhận được những lợi lạc. Thực hành và kinh nghiệm của bạn trong Pháp sẽ chỉ phát triển như kết quả của một sự nối kết với người thực sự xứng đáng với danh hiệu “Lạt ma.”

Khi thái độ của đệ tử đối với Lạt ma của họ là một thái độ tin tưởng và sùng mộ đến nỗi người đệ tử thực sự thấy vị Thầy là một vị Phật thực sự, hay là hiện thân đích thực của Pháp Thân Vajradhara (Kim Cương Trì), hay là hiện thân đích thực của Bổn tôn của đệ tử – khi đệ tử có loại tin cậy và niềm tin đó mà không có chút nghi ngờ và do dự nào – thì những sự ban phước và phẩm tính của thân, ngữ và tâm giác ngộ của tất cả chư Phật và Bồ Tát được trao truyền qua Lạt ma tới đệ tử.

Cũng có những trường hợp trong đó ta gặp một Lạt ma mà với ngài ta có một mối liên hệ trong nhiều đời. Dấu hiệu bạn sẽ có trong trường hợp này là chỉ nghe nói tới danh hiệu của vị Thầy thì cũng đã là một kinh nghiệm thật cuốn hút đối với bạn: mọi lông tóc trên thân thể bạn liên tục dựng đứng lên. Đó là một điều gì xảy ra hoàn toàn tự nhiên và không phải là một kinh nghiệm giả tạo.

Khi có một sự xác quyết trong tâm bạn rằng đây chính là một vị Phật, đây đích thực là Pháp Thân Kim Cương Trì, hay đây thực sự là Guru Rinpoche mà bạn đang gặp và nương tựa vào Lạt ma của bạn, và khi bạn cầu nguyện với sự xác quyết đó trong tâm bạn, thì chắc chắn là bạn sẽ nhận được những sự ban phước từ mối liên hệ đó. Nhưng điều này cũng hàm ý rằng bạn, với tư cách là một đệ tử, hãy giữ gìn thái độ của riêng bạn đối với vị Thầy và bảo đảm rằng bạn luôn luôn tôn kính và lĩnh hội dễ dàng những gì vị Thầy đang nói. Đừng nhượng bộ những tập quán thông thường của sự kiêu ngạo hay khoa trương hay trong một cách thế làm suy yếu mối liên hệ với vị Thầy bằng cách phủ nhận những gì Thầy nói hay bằng cách cố gắng ngăn trở những nỗ lực của Thầy. Tất cả những thái độ này cần phải né tránh bởi chúng không hỗ trợ cho mối liên hệ đáng tin cậy và cởi mở rất cần thiết để những sự ban phước tuôn chảy từ vị Thầy tới đệ tử.

Các Tantra (Mật điển) lập đi lập lại tầm quan trọng của việc nương tựa Lạt ma như suối nguồn của những sự ban phước trong thực hành của ta. Bất luận lời cầu nguyện đặc biệt mà đệ tử dâng lên Lạt ma, bất luận nó có thể có vẻ tầm thường và nhỏ bé ra sao, nếu lời cầu nguyện đó được đặt nền trên sự tin cậy và niềm tin trọn vẹn nơi Lạt ma, thì những sự ban phước của Lạt ma sẽ luôn luôn đến được với người đệ tử. Trong Tantra Đại dương Giác tánh Phi Thời gian có nói rằng một lời cầu nguyện nhỏ bé tới vị Thầy với niềm tin và lòng sùng mộ thanh tịnh thì tốt hơn nhiều nếu so với việc thực hiện hàng trăm triệu lần trì tụng các thần chú Bổn tôn. Kết quả của lời cầu nguyện sẽ mãnh liệt hơn nhiều khi nó thực sự là một biểu lộ của niềm tin và lòng sùng mộ của ta nơi Lạt ma.

Khi ta đã thiết lập một mối liên hệ với Lạt ma dựa trên sự tin cậy, niềm tin và lòng sùng mộ, thì có những cách thức khác nhau để nương tựa mối liên hệ ấy nhờ đó những loại thành tựu khác nhau có thể xảy ra. Nếu một đệ tử có ý định đạt được thành tựu giác ngộ cao cả nhất, đệ tử đồng nhất Lạt ma với Đức Vajradhara (Kim Cương Trì) – Đức Phật Pháp Thân. Nếu đệ tử được đặc biệt thúc đẩy để phát triển trí tuệ sâu xa hơn, đệ tử đồng nhất Lạt ma với Đức Manjushri (Văn Thù), Bồ Tát của trí tuệ. Để khuyến khích lòng từ và bi của họ, đệ tử thiền định về Lạt ma như bất khả phân với Đức Avalokitesvara (Quán Thế Âm), Bồ Tát của lòng bi mẫn. Để thâu đạt năng lực tâm linh vĩ đại hơn, đệ tử tập trung trên Lạt ma như bất khả phân với Đức Vajrapani (Kim Cương Thủ), Bồ Tát của năng lực tâm linh. Để chiến thắng những loại sợ hãi và phiền muộn khác nhau, ta nương tựa Lạt ma như hiện thân đích thực của Đức Tara tôn quý. Để tăng trưởng sự trường thọ của ta, ta thiền định về Lạt ma bất khả phân với Đức Amitayus (Đức Phật Vô lương Thọ). Để chiến thắng bệnh tật, ta thiền định Lạt ma là Đức Phật Dược Sư. Để tăng trưởng tài bảo và sự thịnh vượng của ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Vaishravana, Jambhala, hay bất kỳ Bổn tôn tài bảo nào. Để tịnh hóa hậu quả của những ác hạnh và những che chướng của thân, ngữ và tâm ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Phật Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa). Để tăng trưởng sự vinh quang, của cải, và cơ hội của ta, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Phật Ratnasambhava (Bảo Sanh), Đức Phật của Bảo Sanh bộ. Để phát triển năng lực của ta – khả năng để sử dụng ảnh hưởng mạnh mẽ và lợi lạc trên thế giới – ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Amitabha (Đức Phật A Di Đà) hay một Bổn tôn như Kurukulla. Nếu ta ước muốn thực hiện hoạt động phẫn nộ, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Đức Vajrabhairava (2) hay những Bổn Tôn phẫn nộ hơn nữa. Nếu ta muốn theo cách tiếp cận kết hợp tất cả những phẩm tính này trong một thân tướng duy nhất, ta thiền định Lạt ma như bất khả phân với Guru Rinpoche. Trong mỗi một trường hợp này, quan điểm của ta là: Lạt ma gốc của ta là hiện thân đích thực của một hay những phương diện khác của đấng Giác ngộ.

Đạo sư Vĩ đại Liên Hoa Sanh

Cách tiếp cận phổ quát bao gồm tất cả những phương diện này là thiền định Lạt ma của ta như hiện thân đích thực của Guru Rinpoche. Trong trường hợp này không nên nghĩ tưởng Guru Rinpoche chỉ đơn giản là một nhân vật lịch sử, tức là như một cá nhân xuất hiện sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thời đại và không gian đặc biệt của chúng ta. Tinh túy (bản chất) thực sự của Guru Rinpoche xảy ra trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni một quãng thời gian vô tận. Dòng tâm giác ngộ – dòng tâm giác ngộ của Guru Rinpoche – là biểu lộ duy nhất của lòng bi mẫn, những sự ban phước và trí tuệ bẩm sinh của vô số chư Phật từ vô lượng kiếp trong quá khứ, tất cả tập trung trong dòng tâm duy nhất này là dòng tâm của Đạo sư vĩ đại Guru Rinpoche.

Nếu chúng ta nghĩ tưởng Phật Pháp như được phân chia thành các giáo lý Kinh điển và Tantra (Mật điển), thì những giáo lý mà ngày nay chúng ta biết là Phật Giáo chính là các giáo lý được Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni giảng dạy. Tuy nhiên, trong ý nghĩa to lớn hơn, những giáo lý của Phật Pháp và đặc biệt là các giáo lý của con đường Mật thừa thì không bị giới hạn vào sự biểu lộ của Đức Phật duy nhất đó. Đây là nơi hoạt động của Guru Rinpoche được coi là rất phổ quát và hết sức rộng lớn. Bất kỳ nơi nào giáo lý Kim Cương thừa được mọi vị Phật giảng dạy trong quá khứ, đang được giảng dạy hay sẽ được giảng dạy, bất kỳ nơi nào một vị Thầy tâm linh đang trao truyền những giáo lý đó, thì tinh túy của Guru Rinpoche được hiện thân ở đó – trong vị Phật đó, trong vị Thầy, trong Lạt ma đó. Vô số hiển lộ của Guru Rinpoche đã xuất hiện và tiếp tục xuất hiện trong những cõi giới khác nhau, những vũ trụ khác nhau, dưới những danh hiệu khác nhau, trong những thân tướng khác nhau. Có nhiều miêu tả trong Kinh văn truyền thống chứng minh cho sự phô diễn đa dạng của hoạt động của Guru Rinpoche.

Trong thời đại và không gian đặc biệt của chúng ta – khi chúng ta kinh nghiệm di sản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một trong một ngàn vị Phật sẽ xuấât hiện trong thời đại này trong đó chúng ta sống – tất cả một ngàn vị Phật này và mọi hoạt động của các ngài kể cả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều là những hiển lộ từ một nguồn mạch duy nhất. Tất cả đều là những phương diện hoạt động khác nhau bắt nguồn từ một nguồn mạch ân phước và trao truyền duy nhất. Khắp trong vũ trụ to lớn và phạm vi thời gian rộng lớn này, hàng trăm triệu hiển lộ của chư Phật và các vị Thầy xuất hiện đều là những hiển lộ của năng lực của Guru Rinpoche. Vì thế, biểu lộ của những sự ban phước của Guru Rinpoche không thể bị giới hạn vào một cấu trúc thời gian duy nhất và một tôn giáo duy nhất như Ấn Độ hay Tây Tạng.

Những miêu tả về việc đản sinh kỳ diệu của Guru Rinpoche ở Ấn Độ và chuyến du hành đem giáo lý tới Tây Tạng của Ngài chỉ là một khía cạnh nhỏ bé của toàn bộ sự ban phước và hoạt động của Guru Rinpoche. Ngay cả những miêu tả về cuộc đời của Guru Rinpoche mà chúng ta có cũng không nói tới một nhân vật duy nhất, mà nói tới tám hiển lộ của Guru Rinpoche như sự biểu lộ phạm vi rộng lớn của sự ban phước và hoạt động của Guru Rinpoche. Sự ban phước và hoạt động này tiếp tục hiển lộ trong tất cả những vị Thầy và Đạo sư vĩ đại là những hiện thân của Guru Rinpoche. Guru Rinpoche không chết. Guru Rinpoche không tịch diệt. Guru Rinpoche tiếp tục biểu lộ hoạt động kỳ diệu này để mang lại lợi lạc cho chúng sinh hiện nay và trong tương lai.

Không điều nào trong giáo lý này mâu thuẫn với bất kỳ giáo lý nào được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trao truyền. Cuộc chuyển Pháp luân lần thứ ba của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là cuộc chuyển Pháp luân liên quan tới bản tánh rốt ráo của thực tại và chính trong lần chuyển Pháp luân này mà nền tảng của giáo lý Kim Cương thừa được tìm thấy. Tuy nhiên, trong thời gian và không gian đặc biệt của chúng ta, chính Guru Rinpoche là người hữu hiệu nhất trong việc phát triển và giới thiệu những giáo lý Kim Cương thừa này.

Trong những nhận thức thông thường của chúng ta những gì chúng ta tri giác là hiện tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là bậc sinh ra như một thái tử ở một nơi vào thời đó thuộc miền bắc Ấn Độ, là nam tử của Vua Shudodena (Tịnh Phạn) và Hoàng hậu Mayadevi (Tịnh Diệu). Ngài lớn lên và đạt được Giác ngộ, chuyển Pháp luân, nhập Niết bàn, di hài được hỏa thiêu và để lại xá lợi vẫn còn tồn tại cho chúng ta tới ngày nay.

Tinh túy của Guru Rinpoche thì bất sinh và bất diệt. Nó không phải là cái gì chúng ta có thể giới hạn vào một thực thể ra đời vào một lúc nào đó và chấm dứt hiện hữu vào một thời điểm khác. Thân của Guru Rinpoche không phải là một thân thể gồm máu và thịt. Sự hiện diện của Guru Rinpoche không được đặt nền trên bất kỳ nền tảng vật lý nào. Tinh túy đó luôn luôn hiện diện. Nó đã luôn luôn tồn tại và lúc nào cũng sẽ tồn tại, bởi nó không lệ thuộc vào những giới hạn của bất kỳ thân tướng hữu hình nào. Có nhiều dịp các vị vua và thượng thư ở Ấn Độ cố gắng ám sát Guru Rinpoche. Có một lần Ngài bị thiêu sống. Một người bình thường sẽ chết ngay lập tức, nhưng thân thể Ngài không bao giờ bị tổn hại về mặt vật lý trong mọi cách thế bởi hiện thân của Ngài không có tính chất bình thường.

Khi Guru Rinpoche tới xứ Tuyết và vua Tây Tạng lễ lạy Ngài, nhà vua cúi mình và chạm đầu vào nơi mà ông nghĩ là đầu gối của Guru Rinpoche an tọa phía trước nhà vua. Tuy nhiên, đầu vua lướt qua thân Guru Rinpoche và chạm vào bên dưới tấm thảm. Khi Guru Rinpoche rời Tây Tạng tới cõi của quỷ ăn thịt người, Ngài không chết theo một cách bình thường và lìa bỏ thân xác. Ngài thực sự rời Xứ Tây Tạng theo một cách thế kỳ diệu – là điều mà mọi người hiện diện nhân dịp đó đã chứng kiến.

Tuy nhiên, tôi từng nghe rằng ở Tây phương có những người tham gia vào việc buôn bán xá lợi của Guru Rinpoche! Chẳng hạn như người ta nói rằng đó là những sợi tóc lấy từ đầu của Guru Rinpoche. Có một hộp terma do Jatson Nyingpo khám phá được nhắc tới như một sợi tóc của Guru Rinpoche, nhưng nó giống một sợi (tia) ánh sáng cầu vồng hơn – không thực sự có sợi tóc nào ở đó.

Thiền định về Lạt ma gốc của ta như hiện thân đích thực của tinh túy và những sự ban phước của Guru Rinpoche có nghĩa là mọi thực hành Bổn tôn mà bạn thực hiện, hay mọi hoạt động mà bạn có ý định làm trong thực hành của bạn – dù là hoạt động làm an bình (tức tai), làm giàu có (tăng ích), lôi cuốn (kính ái), hay phẫn nộ (hàng phục) – trong tất cả những cách thế này sự thực hành của bạn sẽ thành công và có kết quả mỹ mãn. Nếu bạn cầu nguyện Lạt ma của bạn như bất khả phân với Guru Rinpoche với một tâm thức tràn đầy niềm tin và sùng mộ thì Guru Rinpoche không bao giờ xa rời bạn.

Khi tới thực hành Bổn tôn, chúng ta có thể nhận thấy những phán đoán phát khởi trong tâm ta, chẳng hạn như nói rằng Bổn tôn này tốt hơn Bổn tôn kia, hay Bổn tôn này mạnh mẽ hơn Bổn tôn kia, hay với Bổn tôn này thì sự ban phước đến nhanh hơn. Những loại tư tưởng thông thường này không thực sự thích hợp khi ta đang đối xử với sự việc thuộc loại này. Yếu tố quan trọng duy nhất là sự quan tâm đầy sùng mộ và niềm tin trong tâm đệ tử. Có thể là trong một vài tình huống, niềm tin của bạn mạnh mẽ hơn nơi một Bổn tôn nhất định và vì thế thực hành Bổn tôn đó hữu hiệu hơn đối với bạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở một bình diện rốt ráo hơn có sự khác biệt được lập ra giữa những phương diện khác nhau của bậc giác ngộ. Tất cả các ngài đều xuất hiện từ phạm vi bao la duy nhất của giác tánh phi thời gian như những hiển lộ đích thực như nhau của sự ban phước và năng lực. Có thể nói là không có đẳng cấp trong các Bổn tôn. Không phải là một vài vị mạnh mẽ hơn những vị khác, hay một vài vị linh thiêng hơn những vị khác, hay một vài vị mang lại nhiều lợi lạc hơn những vị khác. Đúng hơn, vấn đề nằm ở chỗ bạn được thúc đẩy tới mức độ nào theo một hướng nhất định với tư cách là một hành giả.

Nếu bạn bị bận tâm về mức độ bạn nhận lãnh những sự ban phước từ Bổn tôn hay từ việc thực hành của bạn, thì sẽ còn lợi ích hơn nữa khi bạn khảo sát xem ở mức độ nào bản thân bạn đang phát triển niềm tin và lòng sùng mộ đối với Bổn tôn đó và đối với việc thực hành của bạn. Tâm ta càng ấp ủ sự hoài nghi và bất kỳ điều gì khác ngoài một niềm tin vững chắc trong sáng chân thành nơi việc thực hành của ta, thì bản thân ta càng thêm lầm lạc. Ta ngăn che tâm thức của chính mình bằng sự hoài nghi, chao đảo và thiếu sự xác quyết và tin cậy đó. Chính ở trên bình diện đó chúng ta có thể nói rằng không có sự ban phước trong thực hành. Không phải vì Bổn tôn không có sự ban phước. Không phải vì Lạt ma không có sự ban phước. Nhưng chính là bởi đệ tử đóng kín đối với sự ban phước đó bằng sự hoài nghi hay mê lầm của họ.

Thực hành pháp Guru Yoga

Phương cách thực sự trong đó bạn thực hiện thiền định guru yoga là quán tưởng bản thân bạn trong thân tướng của một Bổn tôn, trong trường hợp này là nữ Bổn tôn Vajrayogini. Hãy thiền định trong không gian trên đầu bạn, bằng độ dài khoảng một cubit trên đỉnh đầu (bằng bề dài khoảng một cẳng tay của bạn), là một ngai tòa làm bằng ba hoa sen, cái này trên cái kia – một hoa sen trắng, đỏ và xanh dương đậm. Bạn quán tưởng chiếc đĩa dẹt hình mặt trăng viên mãn trên ngai tòa ba hoa sen này. Trên đĩa này bạn thiền định thân tướng của Guru Rinpoche, coi Ngài là tinh túy của tất cả những sự ban phước của tất cả chư Phật và Bồ Tát được hợp nhất trong thân tướng duy nhất này. Mặc dù sự hiển lộ của thân tướng Guru Rinpoche mang một hình tướng nào đó với tư thế, những điệu bộ, vật trang sức và y phục đặc biệt, tinh túy (bản chất) của ngài thì bất khả phân với bản chất của Lạt ma gốc của bạn. Việc cầu nguyện với sự xác tín này là nền tảng cho thực hành guru yoga.

Thân tướng đặc biệt của Guru Rinpoche có sắc trắng hơi pha đỏ. Ngài có một mặt, hai bàn tay và vẻ biểu lộ của ngài được mô tả là có phần phẫn nộ trong ý nghĩa về mặt cơ bản thì đó là một biểu lộ an bình thoáng chút phẫn nộ – chứ không phải là một biểu lộ phẫn nộ rõ ràng. Thân Guru Rinpoche được tô điểm ba mươi hai hảo tướng chính và tám mươi hảo tướng phụ khiến sắc thân của Ngài không có điều gì làm người nhìn thấy phải khó chịu, phiền lòng, hay cảm thấy thiếu cân xứng. Mái tóc Ngài chảy xuống vai và lưng. Trên đầu Ngài là vương miện hoa sen mang lại sự giải thoát cho tất cả những ai nhìn thấy nó.

Thân tướng của Guru Rinpoche mặc một áo khoác lộng lẫy được nói tới là Áo Khoác của Vua Sawok. Nguồn gốc của chiếc áo này được truy nguyên từ một sự kiện đặc biệt khi Guru Rinpoche đang ở một miền ngày nay người Tây Tạng gọi là Tso Pema hay Rewalsar ở Ấn Độ. Vua xứ này dâng chiếc áo choàng của mình cho Guru Rinpoche. Để công nhận việc vị vua thế tục này dâng cúng biểu tượng tráng lệ của Guru Rinpoche, thân tướng Guru Rinpoche khoác chiếc áo choàng ngoài này. Ngoài ra, Guru Rinpoche mặc một y tu sĩ theo nghi thức tượng trưng cho giới luật Tiểu thừa. Ngài được tô điểm bằng những vật trang sức quý báu như các bông tai, chuỗi hạt, vòng xuyến và vòng chân. Bàn tay phải ngài cầm một chày kim cương năm chấu nơi trung tâm tim. Bàn tay trái đặt trong lòng trong một cử chỉ quân bình thiền định, cầm một tách sọ người đầy cam lồ trong đó có một bình đầy chất cam lồ bất tử.

Trong chỗ gập của khuỷu tay trái của Guru Rinpoche có một chĩa ba là một ám chỉ kín đáo nguyên lý nữ, phương diện của Vajra Yogini. Những phối ngẫu khác nhau như Yeshe Tsogyal và Mandarava được kết hợp với Guru Rinpoche. Căn cứ vào việc về bản chất các phối ngẫu này hoàn toàn cùng một bản tánh với Vajra Yogini, như thế đây là ý nghĩa của chĩa ba trong chỗ gập của khuỷu tay trái.

Khi ta nhận ra sự quan hệ của yab và yum (phối ngẫu nam/nữ hay phối ngẫu cha/mẹ) được áp dụng cho các Bổn tôn, chúng ta không nên tạo ra một sai lầm hiển nhiên khi cho rằng điều này phải thực hiện với người nam/nữ trong ý nghĩa vật lý. Các Bổn tôn không phải là những chúng sinh nam và nữ, nhưng là những năng lực nam và nữ. Hình tượng lưỡng cực của người nam và nữ minh họa sự hợp nhất nguyên thủy của sắc tướng (hay thân tướng) và tánh Không. Một trong những miêu tả của hình tượng này là miêu tả phương diện nam, phương diện yab, ám chỉ sắc tướng hiện tượng trong khi yum, phương diện nữ, là biểu lộ của tánh Không. Vì thế cách thức trong đó các Bổn tôn hiển lộ chỉ là một biểu lộ trực tiếp của bản tánh nền tảng của thực tại như nó là.

Dakini Yeshe Tsogyal nổi tiếng vì từng là phối ngẫu của Guru Rinpoche, nhưng chúng ta nên nhớ rằng với tư cách là phối ngẫu của Ngài, chức năng đầu tiên của bà là thâu thập và hệ thống hóa các giáo lý của Guru Rinpoche. Vai trò của bà rất giống vai trò của đệ tử của Đức Phật là Ananda đã thực hiện sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, đó là thâu thập những giáo lý của Đức Phật để chúng có thể được truyền lại cho những thế hệ tương lai. Đây đúng là chức năng của Yeshe Tsogyal – duy trì, hệ thống hóa, sưu tầm và thu thập những giáo lý của Guru Rinpoche. Trong khi Dakini Yeshe Tsogyal đã xuất hiện trong thân tướng một phụ nữ ở Tây Tạng, tinh túy (bản chất) rốt ráo của bà là tinh túy của một Dakini của giác tánh phi thời gian. Vì thế không có mâu thuẫn nào trong hiển lộ của bà mà cốt tủy là một phụ nữ hay là một chĩa ba được mang trong chỗ gập của khuỷu tay trái của Guru Rinpoche.

Thêm vào đó, bạn thiền định rằng thân tướng của Guru Rinpoche ở trên đầu bạn an tọa trong tư thế kim cương viên mãn (kiết già) với chân trái ở trên đùi phải và chân phải ở trên đùi trái. Hãy thiền định thân tướng của Ngài đang phóng ra muôn phương những tia sáng chói lọi.

Vật trang sức vô tận của thân tướng Guru Rinpoche là tinh túy của nguyên lý Tăng đoàn; vật trang sức vô tận của ngữ của Ngài là nguyên lý của Pháp; vật trang sức vô tận của tâm ngài là nguyên lý của Phật như một suối nguồn của sự quy y (nương tựa). Những phẩm tính của Guru Rinpoche hiện thân nguyên lý Bổn tôn được chọn lựa của Kim Cương thừa; hoạt động của Ngài hiện thân nguyên lý Bổn tôn được chọn lựa của các Dakini và Dharmapala (Hộ Pháp). Tóm lại, những gì xuất hiện lúc ban đầu chỉ là thân tướng của Guru Rinpoche, khi được thấu hiểu trên một bình diện rốt ráo hơn thì chính là tinh túy đích thực của tất cả chư Phật, Bổn tôn, Daka và Dakini, Hộ Pháp và toàn bộ tập hội rộng lớn của Tam Bảo và ba cội gốc (3), tất cả được bao gồm trong một hiển lộ duy nhất.

Bất luận Bổn tôn đặc biệt mà bạn đang thiền định trong thực hành cá nhân của riêng bạn và bất luận thân tướng đặc biệt mà bạn đang quán tưởng là ai, điều quan trọng là bạn quán tưởng thân tướng ấy là sắc tướng thuần tịnh không có bất kỳ tính chất thật có hay hữu hình nào. Bạn không quán tưởng Bổn tôn như một thân thể gồm thịt và máu, nhưng đúng hơn là một thân thể hoàn toàn không có thực chất – một thân tướng không là gì ngoài sự xuấât hiện thuần tịnh không có chút vững chắc hay thực chất nào. Ví dụ như khi bạn đang thực hành ka-gye (tám mệnh lệnh về thực hành sadhana), nếu bạn đang thiền định về Vajrakilaya (4) hay Chemchog hay bất kỳ heruka (5) chính yếu nào của giáo khóa này, việc quán tưởng trong những thực hành rộng lớn hơn bao hàm sự quán tưởng căn bản thân tướng bạn như thân tướng của Bổn tôn với toàn bộ các mạn đà la của các Bổn tôn xuất hiện ở các điểm trong thân bạn được kết hợp với việc tập hợp của năng lực vi tế. Vì thế bạn không quán tưởng một thân tướng có một khung xương, một hệ thống tuần hoàn, một hệ thống tiêu hóa hay cơ bắp. Không có yếu tố nào trong những yếu tố vật lý thông thường này đi vào việc hình dung của bạn.

Trong thời đại và không gian của chúng ta Guru Rinpoche là suối nguồn cho những dòng truyền thừa mà ta nhận lãnh. Mặc dù chúng ta không thể nhận thức trực tiếp sự hiện diện thực sự của Guru Rinpoche, ta vẫn nối kết với suối nguồn đó nhờ dòng truyền thừa không đứt đoạn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi chúng ta nương tựa Lạt ma như hiện thân đích thực của Guru Rinpoche và bất khả phân với Ngài, thì chúng ta trực tiếp nối kết với suối nguồn không đứt đoạn đó đã truyền xuống chúng ta về mặt lịch sử.

Trong cõi thuần tịnh tối thượng Akanishta, Guru Rinpoche đã nhận sự trao truyền từ Dakini tên là Leche Wangmo, thiên nữ đầy năng lực của sự hoạt động. Tiến trình trong đó Guru Rinpoche thọ nhận sự trao truyền là tiến trình vị Dakini này biến Ngài thành một chủng tự hung mà bà nuốt vào bụng. Khi chữ hung đi qua các luân xa trong thân bà, Ngài thọ nhận bốn cấp độ quán đảnh: quán đảnh bình chứa, quán đảnh bí mật, quán đảnh giác tánh trí tuệ và quán đảnh thứ tư. Bà trục xuất Ngài qua cơ quan bí mật của bà và Ngài lấy lại thân tướng của mình. Đây rõ ràng không phải là một tiến trình bình thường của việc nuốt một vật nào đó, tiêu hóa và bài tiết nó.

Tiến trình đặc biệt này cũng tìm thấy sự biểu lộ của nó trong nhiều abisheka hay các lễ quán đảnh được các Đạo sư kim cương thực hiện. Những buỗi lễ này bao gồm những quán tưởng tương tự trong đó đệ tử được chuyển hóa thành một chữ, được Đạo sư kim cương nuốt vào bụng, được chuyển hóa và lại được sinh vào thế giới như Bổn tôn. Đây là những tiến trình nhờ đó khi ban phước cho đệ tử, Đạo sư kim cương tịnh hóa dòng tâm của đệ tử về những hậu quả của các ác hạnh và những che chướng và trao truyền năng lực tâm linh của lễ quán đảnh.

Một khi nhờ Đạo sư kim cương mà đệ tử được phát triển như Bổn tôn, đệ tử duy trì sự đồng nhất với Bổn tôn được chọn lựa trong suốt thời gian lễ quán đảnh. Đệ tử nhận ra tinh túy của mình là tinh túy của Bổn tôn hiển lộ trong thân tướng đặc biệt đó. Việc đệ tử nhận thức mình là Bổn tôn là samayasattva (nguyện tát đỏa), phương diện hứa nguyện, là cái mà Đạo sư kim cương thấm đẫm với jnanasattva (trí tát đỏa), phương diện giác tánh phi thời gian. Sau đó Đạo sư kim cương tiến hành sử dụng những chất thể hay vật phẩm khác nhau như chiếc bình v.v.. như những biểu tượng trao truyền sự ban phước tối thượng của những cấp độ quán đảnh khác nhau. Chính trên nền tảng đó mà sự trao truyền thực sự năng lực và sức mạnh tâm linh có thể xảy ra.

Đây chỉ là một biểu lộ của một nguyên lý rộng lớn hơn nhiều. Dù chúng ta để hết tâm trí trong những hoạt động của Pháp hay trong công việc bình thường, chính tâm thức của ta là yếu tố quan trọng nhất – tâm ta nhìn tình huống ra sao, tâm ta có liên quan với những hoàn cảnh thế nào. Ở đây cả Lạt ma lẫn đệ tử đều có một trách nhiệm: để sự trao truyền thực sự xảy ra, tâm của Lạt ma và tâm của đệ tử quan niệm tình huống theo một cách thế thích hợp. Khi ấy và chỉ khi ấy mới thực sự có thể có sự ban phước đích thực trong một lễ quán đảnh.

Trở lại thiền định thực sự của guru yoga: sau khi quán tưởng thân tướng của Guru Rinpoche như sự hợp nhất của chư Phật và mọi suối nguồn quy y ở trên đỉnh đầu bạn, bạn thiền định rằng thân tướng được đánh dấu ở trán với một chữ om màu trắng, ở cổ họng với một chữ ah màu đỏ, ở trung tâm tim với một chữ hung màu xanh dương đậm và ở trung tâm rốn với một chữ hri xanh lá cây. Thêm nữa, bạn thiền định rằng trên lòng bàn tay và lòng bàn chân của thân tướng Guru Rinpoche là bốn chữ ha ri ni sa. Những tia sáng chiếu sáng khắp muôn phương từ những chữ này khẩn cầu những sự ban phước của mọi suối nguồn quy y quay trở lại và thấm nhập vào thân tướng của Ngài ở trên đỉnh đầu bạn. Với một sự nhất tâm bạn bắt đầu phần thực hành thực sự của pháp guru yoga, nó bao gồm sự khẩn cầu Lạt ma và trì tụng thần chú Đạo sư kim cương, thần chú của Guru Rinpoche.

Tiếp theo phần chính của thực hành, trước tiên bạn thiền định rằng từ chữ om trắng ở trung tâm trán của Guru Rinpoche xuất hiện một tia sáng trắng, giống như một ngôi sao băng, đi vào trán bạn và hoàn toàn tràn ngập thân thể bạn. Ánh sáng trắng tịnh hóa bạn trên bình diện vật lý về những hậu quả của các che chướng và ác hạnh, thấm đẫm thân bạn với những sự ban phước của thân giác ngộ. Bằng một tiến trình tương tự bạn thiền định rằng từ trung tâm cổ họng của Guru Rinpoche, từ chữ ah màu đỏ, xuất hiện một tia sáng đỏ đi vào trung tâm cổ họng của bạn, tịnh hóa ngữ của bạn. Từ trung tâm tim của Guru Rinpoche, từ chữ hung màu xanh dương đậm, xuất hiện một sợi hay sợi tơ ánh sáng giống như một làn khói hương thoang thoảng thâm nhập trung tâm tim và tịnh hóa tâm bạn. Và cuối cùng bạn thiền định rằng từ tất cả những trung tâm của thân Guru Rinpoche xuất hiện những tia sáng cầu vồng năm màu, trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây và xanh dương, tất cả những tia sáng này được thâu rút vào các luân xa của riêng bạn và tịnh hóa những dấu vết cuối cùng của sự che chướng và mang lại cấp độ thứ tư của sự quán đảnh. Theo cách này bạn nhận lãnh bốn cấp độ quán đảnh, là quán đảnh bình chứa, bí mật, giác tánh trí tuệ và quán đảnh thứ tư. Điều này thiết lập tiềm năng cho sự chứng ngộ của riêng bạn theo thứ tự, là những chứng ngộ thuộc Hóa thân, Báo thân, Pháp thân và Svabhavikakaya (Thân tự tánh), tổng thể của ba kaya (thân).

Khi tới lúc thực sự chấm dứt thời khóa, bạn thiền định rằng thân tướng của Guru Rinpoche ở trên đỉnh đầu bạn tan hòa thành ánh sáng. Ánh sáng này thấm nhập vào bạn và vào lúc đó bạn đi vào giai đoạn thành tựu vô tướng của thực hành. Bạn thiền định rằng thân, ngữ và tâm giác ngộ của Guru Rinpoche tuyệt nhiên không xa lìa thân, ngữ và tâm của riêng bạn. Đó là sự hợp nhất bất nhị viên mãn. Bạn thiền định trong một tâm thái vô tướng, không có bất kỳ cấu trúc quy chiếu nào, không có bất kỳ sự tạo tác khái niệm nào, chỉ đơn giản để tâm bạn nghỉ ngơi trong trạng thái bất nhị đó càng lâu càng tốt. Tiếp sau đó, bạn kết thúc với những lời nguyện hồi hướng và nguyện ước.

Có một số phương pháp đặc biệt khác trong đó sự quán tưởng của thực hành guru yoga được giới thiệu tùy theo các dòng truyền thừa đặc biệt, các truyền thống đặc biệt và ngay cả những hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng các nguyên lý tổng quát được mô tả trong giới thiệu này có thể áp dụng trong mọi trường hợp: bạn quán tưởng Lạt ma ở trên đỉnh đầu bạn. Trong trường hợp đặc biệt này bạn hình dung thân tướng của Guru Rinpoche là thân tướng hiện thân mọi suối nguồn của sự quy y. Trong những hệ thống thực hành khác bạn có thể được chỉ dẫn để quán tưởng một đám đông thực sự của các suối nguồn quy y, giống như một tập hội rộng lớn, trên đỉnh đầu bạn. Hay bạn có thể được dạy để quán tưởng một dòng truyền thừa, với mỗi nhân vật của dòng truyền ở trên nhân vật kia, kéo thẳng lên ở trên đỉnh đầu bạn. Có những chi tiết khác nhau trong những cách quán tưởng đặc biệt tùy thuộc vào hệ thống bạn đang nghiên cứu, nhưng bạn nên hiểu rằng mặc dù có vẻ có những khác biệt trong các chi tiết, nhưng bản tánh cốt tủy của thực hành thì đồng nhất trong mỗi trường hợp.

Như tôi đã nói ở trên, những phẩm tính quan trọng nhất để bảo đảm sự thành công của việc thực hành trong tâm thức đệ tử là niềm tin, lòng sùng mộ, sự tin cậy và thị kiến thanh tịnh. Nếu một đệ tử thực sự nhất quyết nhận được lợi lạc từ việc thực hành hay kết hợp với Pháp thì những phẩm tính đó rất cần thiết./.

Chokyi Nyima (Richard Barron) dịch sang Anh ngữ. 
Bill Speckart biên tập.

Nguyên tác: “Guru Yoga Teaching” 
by H.H. Penor Rinpoche
http://palyul.org/eng_teachings-guruyoga.htm#pema
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

Chú thích:

(1) H.H. Penor Rinpoche sinh năm 1932 tại miền Powo thuộc tỉnh Kham, Đông Tây Tạng. Ngài là vị Hộ trì Ngai tòa thứ 11 của Dòng Palyul của phái Nyingma. Ngài được coi là một trong những Đạo sư xuất sắc nhất của truyền thống Phật Giáo Tây Tạng.
(2) Vajrabhairava: Hiện thân phẫn nộ của Đức Manjushri (Văn Thù). Ngài là Bổn tôn chính của phái Gelupa. Là một Hộ Pháp, ngài giải trừ mọi chướng ngại của hành giả trên con đường.
(3) Ba cội gốc: Lạt ma, Bổn tôn, Dakini (hay những vị Bảo trợ).
(4) Vajrakilaya: Một trong những Bổn tôn chính của phái Nyingma thuộc về Các Giáo lý Tám Sadhana.

(5) Heruka: Nghĩa đen là ‘người uống máu.’ Một Bổn tôn phẫn nộ; người uống máu của sự chấp ngã.

Save

Save

986

Thiền viện Viên Chiếu - Đồng Nai

Tên thường gọi: Thiền viện Viên ChiếuThiền viện tọa lạc tại ấp 2, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Điện thoại: 061.841699. Thiền viện thuộc Hệ phái Bắc tông.Thiền

1,971
Ca Sĩ Sỹ Luân

Sỹ Luân từng tự vẫn ở bến Bạch Đằng   (VTC News) – Nhạc sỹ “Mắt nai cha cha cha” từng tự tử ở bến Bạch Đằng sau cuộc tình dang dở, may

17,498
Vesak 2014: Phiên họp trù bị cuối cùng của Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV)

Sáng ngày 7/5/2014, tại Hội trường chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, BTC đại lễ Vesak lần thứ hai tại Việt Nam và lần đầu tiên tại chùa Bái Đính,

16,291
AYANG RINPOCHE VÀ PHÁP MÔN PHOWA

AYANG RINPOCHE VÀ PHÁP MÔN PHOWANăm 1982 HH Dalai Lama và HH Karmapa đều lần lượt yêu cầu Ayang Rinpoche du hành đến “những đất nước phương Tây” và hoằng truyền Phowa

933
Đại sư CHODEN Rinpoche thăm Việt Nam

Đại sư CHODEN Rinpoche thăm Việt NamĐạo sư, bậc Thầy nổi tiếng là Hành giả Du Già và Học giả của Tây Tạng   Choden Rinpoche - thuộc Tu viện Sera Je – là

32,066
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,379
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,799
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,705
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,490
Chùa Việt
Sách Đọc