GIẢI THÍCH: PHẨM THẬT TẾ THỨ 80
KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu chúng sinh rốt ráo không thể có được, vậy Bồ-tát vì ai nên hành Bát-nhã ba-la-mật?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát vì thật tế nên hành Bát-nhã ba-la-mật. Này Tu-bồ-đề, thật tế với chúng sinh tế khác nhau thời Bồ-tát không hành Bát-nhã ba-la-mật. Vì thật tế và chúng sinh tế không khác nhau nên Bồ-tát vì lợi ích chúng sinh hành Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật không phá hoại thật tế mà kiến lập chúng sinh trong thật tế.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu thật tế tức là chúng sinh tế thời Bồ-tát kiến lập thật tế nơi thật tế, nếu kiến kập thật tế nơi thật tế thời là kiến lập tự tính nơi tự tính. Bạch đức Thế Tôn, kiến lập tự tính nơi tự tính
* Trang 380 *
không thể được, làm sao Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật, kiến lập chúng sinh nơi thật tế?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Thật tế không thể kiến lập nơi thật tế, tự tính không thể kiến lập nơi tự tính. Nay Bồ-tát khi hành Bát-nhã, do sức phương tiện (upāya-bala) nên kiến lập chúng sinh nơi thật tế. Thật tế cũng chẳng khác chúng sinh tế, thật tế và chúng sinh tế không hai không khác.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, thế nào là sức phương tiện của Bồ-tát? Dùng sức phương tiện ấy, Bồ-tát khi hành Bát-nhã kiến lập chúng sinh nơi thật tế, cũng không phá hoại tướng thật tế?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu Bồ-tát khi hành Bát-nhã (prajñāpāramitāyāṃ caryāṃ), dùng sức phương tiện kiến lập chúng sinh nơi bố thí (dāna). Kiến lập rồi nói bố thí tiền tế (đời trước), hậu tế (đời sau) không, nói rằng: Bố thí như vậy tiền tế không, hậu tế không, trung tế cũng không, người bố thí cũng không, quả báo bố thí cũng không, người nhận thí cũng không. Này các thiện nam tử, hết thảy pháp trong thật tế đều không thể có được, các ông chớ nghĩ rằng: Bố thí khác, người bố thí khác, quả báo bố thí khác, người nhận thí khác. Nếu các ông không nghĩ rằng bố thí khác, người bố thí khác, quả báo bố
* Trang 381 *
thí khác, người nhận thí khác, khi ấy bố thí mới nhận được vị cam lồ, được quả của vị cam lồ. Này thiện nam tử, vì bố thí như vậy nên chớ tham trước sắc, chớ tham trước thọ, tưởng, hành, thức, vì sao? Vì bố thí, tướng bố thí ấy không; người thí, người thí không; quả báo bố thí, quả báo bố thí không; người nhận thí, người nhận thí không; trong không, sự bố thí không thể có được; người thí không thể có được, quả báo thí không thể có được, người nhận thí không thể có được, vì sao? Vì các pháp (sarvadharma) ấy tự tính rốt ráo không (atyanta-śūnyatā).
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi hành Bát-nhã, do sức phương tiện dạy chúng sinh trì giới (śīla), nói rằng: Này thiện nam tử, trừ bỏ việc sát sinh cho đến trừ bỏ tà kiến, vì sao? Vì pháp của các ngươi phân biệt biết, pháp ấy không có tính như vậy. Các thiện nam tử nên suy nghĩ kỹ thế nào là chúng sinh mà muốn cướp mạng sống? dùng vật gì để cướp mạng, cho đến thế nào là tà kiến cũng như vậy. Bồ-tát dùng sức phương tiện như vậy thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, vì chúng sinh nói quả báo bố thí, trì giới và quả báo bố thí, trì giới ấy tự tính không; biết quả báo bố thí, trì giới tự tính không rồi không tham trước trong đó, vì không tham trước nên tâm không tán loạn (vikṣipta-citta), có thể phát sinh trí tuệ, do trí tuệ ấy dứt hết thảy kiết
* Trang 382 *
kiết sử phiền não (kleśa), vào Vô dư Niết-bàn. Đây là nói theo pháp thế tục (saṃvṛti), chẳng phải thật đệ nhất nghĩa (paramārtha), vì sao? Vì trong tính không không có diệt, cũng không có người khiến diệt. Các pháp rốt ráo không (atyanta-śūnyatā), tức là Niết-bàn.
* Lại nữa, Bồ-tát thấy chúng sinh sinh tâm sân hận não hại, dạy rằng: Các ngươi đến đây tu hạnh nhẫn nhục (kṣānti), làm người nhẫn nhục sẽ được vui nhẫn nhục. Kẻ ngươi giận ấy tự tính không, các ngươi hãy đến đây suy nghĩ như vầy: Ta giận đối với cái gì? Ai là người giận? Giận ai? Vì pháp ấy đều không? Pháp tự tính không, không lúc nào chẳng không. Tính không ấy chẳng phải Phật làm, chẳng phải Bích-chi Phật làm, chẳng phải Thanh-văn làm, chẳng phải Bồ-tát làm, chẳng phải trời, quỷ, thần, long vương, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Bốn thiên vương cho đến trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Tịnh cư cho đến trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ làm ra. Các ngươi nên suy nghĩ như vầy: Giận ai? Ai là người giận? Giận việc gì? Tất cả thứ ấy đều là tính không; tính không thời không có gì giận. Như vậy, Bồ-tát khi hành Bát-nhã, do nhân duyên ấy kiến lập chúng sinh nơi tính không rồi lần lượt cứu vớt, chỉ dạy, làm lợi ích vui mừng khiến được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đây là nói
* Trang 383 *
theo pháp thế tục, chẳng phải thật nghĩa đệ nhất, vì sao? Vì trong tính không (śūnyatāyāṃ), không có người đắc, không có pháp đắc, không có chỗ đắc. Này Tu-bồ-đề, ấy gọi là thật tế tính không, Bồ-tát vì chúng sinh nên thực hành pháp ấy. Chúng sinh cũng không thể có đủ được, vì sao? Vì hết thảy pháp lìa tướng chúng sinh.
* Lại nữa, Bồ-tát khi hành Bát-nhã, do sức phương tiện thấy chúng sinh giải đãi dạy khiến thân tinh tấn (kāya-kṣānti), tâm tinh tấn (citta-kṣānti), nói rằng: Này thiện nam tử, trong các pháp tự tính không, không có giải đãi, không có người giải đãi, không có việc giải đãi; hết thảy pháp tự tính đều không, không có cái gì quá hơn tính không. Các ngươi thân tinh tấn, tâm tinh tấn vì phát sinh thiện pháp nên chớ giải đãi. Thiện pháp (kuśala-dharma) là hoặc bố thí (dāna), hoặc trì giới (śīla), hoặc nhẫn nhục (kṣānti), hoặc tinh tấn (vīrya), hoặc thiền định (samādhi), hoặc trí tuệ (prajñā), hoặc các thiền, các định, giải thốt, tam-muội, bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo, hoặc không, vô tướng, vô tác giải thốt môn cho đến mười tám pháp không chung, chớ giải đãi. Này thiện nam tử, trong hết thảy pháp tự tính không, nên biết không có chướng ngại (āvaraṇa-ālambana), trong không chướng ngại, không có người giãi đãi, không có việc giãi đãi.
* Trang 384 *
Như vậy, Bồ-tát khi hành Bát-nhã dạy chúng sinh an trú nơi tính không, không rơi vào trong hai pháp, vì sao? Vì tính không, không hai không khác nên không có hai pháp, thời không có chỗ để có thể tham trước.
* Lại nữa, Bồ-tát khi hành Bát-nhã tính không, dạy chúng sinh khiến tinh tấn nói rằng: Này thiện nam tử, siêng tinh tấn hoặc bố thí, hoặc trì giới, hoặc nhẫn nhục, hoặc tinh tấn, hoặc thiền định, hoặc trí tuệ, hoặc các thiền, các định, giải thốt, tam-muội, bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo, hoặc không, vô tướng, vô tác giải thốt môn, hoặc mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi. Các pháp ấy các ông chớ nghĩ có hai tướng, chớ nghĩ không hai tướng, vì sao? Vì pháp ấy tự tính đều không; tự tính không, nên không nên dùng hai tướng để nghĩ, không nên dùng chẳng phải hai tướng để nghĩ tới. Như vậy, Bồ-tát khi hành Bát-nhã, dùng sức phương tiện thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, thành tựu chúng rồi thứ lớp dạy khiến được quả Tu-đà-hồn cho đến quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật, vào Bồ-tát vị được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
* Trang 385 *
* Lại nữa, Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi hành Bát-nhã, thấy chúng sinh loạn tâm (vikṣipta-citta), dùng sức phương tiện (upāya-bala) vì lợi ích chúng sinh nên nói rằng: Này thiện nam tử, nên tu thiền định, các ngươi chớ sinh loạn tưởng, hãy sinh nhất tâm (eka-citta), vì sao? Vì pháp tự tính đều không, trong tính không không có pháp có thể được, hoặc loạn tâm hoặc nhất tâm. Các ngươi an trú nơi tam-muội ấy, có tạo nghiệp gì hoặc thân, hoặc miệng, hoặc ý, hoặc bố thí, hoặc trì giới, hoặc nhẫn nhục, hoặc tinh tấn, hoặc tu thiền định, hoặc tu trí tuệ, hoặc tu bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo, các môn giải thốt, định chín thứ lớp, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi, 32 tướng, 80 vẻ đẹp tùy hình, hoặc đạo Thanh-văn, hoặc đạo Bích-chi Phật, hoặc Bồ-tát đạo, hoặc Phật đạo, hoặc Tu-đà-hồn cho đến Bích-chi Phật đạo, hoặc trí Nhất thiết chủng, hoặc thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật, các ông đều có thể theo sở nguyện mà được, vì thực hành theo pháp không. Như vậy, nếu Bồ-tát khi hành Bát-nhã, dùng sức phương tiện vì lợi ích chúng sinh, nên từ khi mới phát tâm trọn không giải đãi phế bỏ, thường cầu thiện pháp lợi ích chúng sinh, từ một cõi Phật đến một cõi Phật (buddhakṣetrādbuddhakṣetraṃ) cúng dường chư Phật, theo Phật nghe pháp, xả thân thọ thân cho đến
* Trang 386 *
Vô thượng chánh đẳng chánh giác trọn không quên mất. Bồ-tát ấy thường được các môn Đà-la-ni (dhāraṇī), các căn đầy đủ là thân căn, ngữ căn, ý căn, vì sao? Vì Bồ-tát ấy thường tu trí Nhất thiết chủng, tu trí Nhất thiết chủng nên hết thảy các đạo đều tu: Hoặc đạo Thanh-văn, đạo Bích-chi Phật, đạo thần thông của Bồ-tát. Hành Bồ-tát đạo thần thông, thường lợi ích chúng sinh trọn không quên mất. Bồ-tát ấy ở trong thần thông do quả báo được làm lợi ích chúng sinh, vào trong năm đường sinh tử trọn không sút giảm. Như vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã (prajñāpāramitāyāṃ caryāṃ) trú trong tính không, do thiền định làm lợi ích chúng sinh.
* Lại nữa, Bồ-tát hành Bát-nhã, trú trong tính không, do sức phương tiện nên lợi ích chúng sinh, nói rằng: Này thiện nam tử, nên quán hết thảy pháp (sarvadharma paśyati) tính không, các ngươi sẽ tạo các nghiệp, hoặc thân nghiệp, hoặc khẩu nghiệp, hoặc ý nghiệp mà nhận thấy vị cam lồ, được quả cam lồ, không có sự thối chuyển, vì sao? Vì tính không, trong tính không không có thối chuyển, cũng không có người thối chuyển, vì sao? Vì tính không chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, ở trong pháp không có sở hữu làm sao có thối chuyển? Bồ-tát khi hành Bát-nhã như vậy dạy chúng sinh thường không giải đãi phế bỏ. Bồ-tát
* Trang 387 *
tự hành mười thiện, cũng dạy người khác hành mười thiện; dạy năm giới, tám giới cũng như vậy. Tự mình hành sơ thiền, cũng dạy người khác hành sơ thiền, cho đến đệ tứ thiền cũng như vậy. Tự mình hành từ tâm, cũng dạy người khác hành từ tâm cho đến hành xả tâm cũng như vậy. Tự mình hành vô biên không xứ, cũng dạy người khác hành vô biên không xứ, cho đến Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ cũng như vậy. Tự mình hành bốn niệm xứ, cũng dạy người khác hành bốn niệm xứ, cho đến tám phần thánh đạo, mười lực của Phật cho đến 80 vẻ đẹp tùy hình cũng như vậy. Tự mình đối với quả Tu-đà-hồn sinh trí tuệ và không trú trong ấy, cũng dạy người khiến được quả Tu-đà-hồn cho đến A-la-hán cũng như vậy. Tự mình đối với Bích-chi Phật đạo sinh trí tuệ và không trú trong ấy, cũng dạy người khiến được Bích-chi Phật đạo. Tự mình được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng dạy người khiến được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như vậy, Bồ-tát tu Bát-nhã, dùng sức phương tiện nên trọn không giải đãi.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu các pháp tính thường không, trong thường không, chúng sinh không thể có được. Pháp và chẳng phải pháp cũng không thể có,
* Trang 388 *
được, vậy làm sao Bồ-tát cầu trí Nhất thiết chủng?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy. Như lời ông nói, các pháp tính đều không; trong tính không, chúng sinh không thể có được; pháp và chẳng phải pháp cũng không thể có được. Này Tu-bồ-đề, nếu hết thảy pháp tính chẳng không thời Bồ-tát không nương tính không hành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì chúng sinh thuyết tính không. Này Tu-bồ-đề, vì sắc tính không, thọ, tưởng, hành, thức tính không nên Bồ-tát khi tu Bát-nhã, thuyết pháp năm uẩn tính không, thuyết pháp mười hai nhập, mười tám giới tính không, thuyết bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo tính không; thuyết ba môn giải thốt, định chín thứ lớp, mười lực của Phật cho đến 80 vẻ đẹp tùy hình tính không; thuyết quả Tu-đà-hồn cho đến đạo Bích-chi Phật, trí Nhất thiết chủng dứt phiền não tập khí tính không. Này Tu-bồ-đề, nếu tính nội không chẳng không, tính ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không chẳng không, thời là phá hoại không tính. Không tính ấy chẳng thường chẳng đoạn, vì sao? Vì tính không, không có trú xứ, cũng không từ đâu lại, cũng không đi về đâu; ấy gọi là tướng pháp trụ (dharmasthiti-lakṣaṇa),
* Trang 389 *
trong ấy không có pháp không trụ, không tán, không thêm, không bớt, không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch; ấy là tính các pháp. Bồ-tát trú trong ấy phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không thấy pháp có chỗ phát sinh, không có phát, không có ở; ấy gọi là tướng pháp trụ. Bồ-tát khi hành Bát-nhã thấy hết thảy pháp tính không, không thối chuyển Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì Bồ-tát không thấy có pháp làm chướng ngại thời vì chỗ nào sinh nghi? Ấy gọi là Vô thượng chánh đẳng chánh giác tính không. Không thể có chúng sinh, không thể có ngã (ātma), có nhân (sattva), có thọ giả (pudgala), có mạng căn (jīvitendriya), cho đến không thể có được kẻ biết kẻ thấy; trong tính không, sắc không thể có được (rūpa-na prāptitva), thọ (vedanā), tưởng (saṃjñā), hành (saṃskāra), thức không thể có được (vijñāna-na prāptitva), cho đến 80 vẻ đẹp tùy hình không thể có được. Thí như Phật hóa làm bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, thường vì bốn chúng thuyết pháp trải qua ngàn vạn ức kiếp không dứt.
Này Tu-bồ-đề, các chúng biến hóa ấy sẽ được thọ ký quả Tu-đà-hồn cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Thưa không, Bạch đức Thế Tôn, vì sao? Vì các chúng biến hóa ấy không có căn bản thật sự. Hết thảy pháp tính không cũng
* Trang 390 *
không có căn bản thật sự, làm sao chúng sinh ấy được quả Tu-đà-hồn cho đến quả A-la-hán, được thọ ký Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát cũng như vậy. Vì chúng sinh thuyết tính không, chúng sinh ấy thật không thể có được, chỉ vì chúng sinh bị đọa vào điên đảo (viparyāsa) nên kéo chúng sinh khiến an trú chỗ không điên đảo. Điên đảo tức là không điên đảo, điên đảo và không điên đảo tuy một tướng mà có nhiều người điên đảo, ít người không điển đảo. Trong chỗ không có điên đảo thời không có ta, không có chúng sinh, cho đến kẻ biết, kẻ thấy; trong chỗ không điên đảo cũng không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có mười hai nhập, cho đến không có Vô thượng chánh đẳng chánh giác; ấy là các pháp tính không. Bồ-tát trú trong ấy, khi hành Bát-nhã, đối với chúng sinh điên đảo mà kéo họ ra, đó là không có chúng sinh, từ trong chỗ có tướng chúng sinh kéo ra, cho đến từ trong tướng có kẻ biết, có kẻ thấy kéo ra. Nơi không có sắc mà chấp có sắc tướng; nơi không có thọ, tưởng, hành, thức, không có thức tướng kéo chúng sinh ra; mười hai nhập, mười tám giới cho đến pháp hữu lậu cũng như vậy.
Này Tu-bồ-đề, cũng có các pháp vô lậu là bốn niệm xứ, cho đến tám phần thánh đạo. Các
* Trang 391 *
pháp ấy tuy vô lậu mà cũng không bằng đệ nhất nghĩa. Tướng đệ nhất nghĩa là vô tác, vô vi, vô sinh, vô tướng, vô thuyết... Đệ nhất nghĩa cũng gọi là tính không, cũng gọi là Phật đạo, trong ấy không thể có được chúng sinh cho đến không thể có được kẻ biết kẻ thấy, không có được sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến không thể có được 80 vẻ đẹp tùy hình, vì sao? Vì Bồ-tát chẳng phải vì đạo pháp nên cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, mà chính vì pháp thật tướng tính không nên cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tính không ấy tiền tế, hậu tế, trung tế cũng là tính không, thường tính không, không có lúc nào chẳng phải tính không. Bồ-tát hành Bát-nhã tính không, vì chúng sinh tham đắm tướng chúng sinh mà muốn kéo ra nên cầu đạo chủng trí. Khi cầu đạo chủng trí tu khắp hết thảy đạo: hoặc đạo Thanh-văn, hoặc đạo Bích-chi Phật, hoặc đạo Bồ-tát. Bồ-tát đầy đủ hết thảy đạo, kéo chúng sinh ra khỏi tà tưởng chấp trước, nghiêm tịnh cõi Phật xong, tùy theo thọ mạng của họ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Quá khứ mười phương Phật đạo tính không, vị lai, hiện tại mười phương Phật đạo cũng tính không; lìa tính không thời thế gian không có đạo, không có đạo quả, cần phải thân cận theo Phật, nghe các pháp tính không, thực hành pháp ấy thời không mất Nhất thiết trí.
* Trang 392 *
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, rất sâu sắc, hiếm có. Các Bồ-tát hành tính không ấy, cũng không phá hoại tính không; nghĩa là sắc khác với tính không; thọ, tưởng, hành, thức khác với tính không, cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác khác với tính không. Nhưng sắc tức là tính không (rūpaṃ śūnyatā), tính không tức là sắc (śūnyataiva rūpam), cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh đẳng chánh giác tức là tính không, tính không tức là Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy. Nếu sắc khác với tính không; thọ, tưởng, hành, thức khác với tính không, thời Bồ-tát không thể được trí Nhất thiết chủng, song đây sắc không khác tính không (rūpānna pṛthak śūnyatā), cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác không khác tính không, nên Bồ-tát biết hết thảy pháp tính không, mà phát tâm cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì trong ấy không có pháp hoặc thật hoặc thường, chỉ phàm phu tham trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Phàm phu thủ lấy tướng sắc, thủ lấy tướng thọ, tưởng, hành, thức, có ngã tâm chấp trước vật trong ngồi nên thọ thân sau; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức thế nên không thể giải thốt sinh già bệnh chết, sầu ưu khổ não, qua lại năm đường. Vì việc ấy nên Bồ-tát hành Bát-nhã Ba-la-mật tính
* Trang 393 *
không, không phá hoại sắc pháp hoặc không hoặc chẳng không, vì sao? Vì tướng sắc tính không, không phá hoại sắc, nghĩa là cho ấy là sắc, ấy là không;[1] thí như hư không không phá hoại hư không; hư không bên trong không phá hoại hư không bên ngồi, hư không bên ngồi không phá hoại hư không bên trong. Như vậy, sắc không phá hoại tính sắc không, tính sắc không không phá hoại sắc, vì sao? Vì hai pháp ấy không có tự tính có thể phá hoại. Nghĩa là cho đó là không, đó là chẳng phải không, cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng như vậy.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu hết thảy pháp không (sarvadharma-śūnyatā), không có phân biệt (nirvikalpa), làm sao Bồ-tát từ khi mới phát tâm lại đây nguyện rằng: Ta sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nếu hết thảy pháp không có phân biệt, làm sao Bồ-tát phát tâm rằng ta sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác? Nếu phân biệt các pháp thời không thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác .
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy. Nếu Bồ-tát hành hai tướng thời không có Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nếu phân biệt làm hai phần thời không có Vô thượng chánh đẳng chánh
[1] T. 7: Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh (大般若波羅蜜多經), phần hai, quyển 474, tr. 401a11-12: Vì sao? Vì sắc không hoại không, không chẳng hoại sắc, nghĩa là đây là sắc, đây là không.
* Trang 394 *
giác; nếu không hai không phân biệt các pháp thời là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ-đề là tướng không hai, không phá hoại. Bồ-đề ấy không hành trong sắc, không hành trong thọ, tưởng, hành, thức, cho đến cũng không hành trong Bồ-đề, vì sao? Vì sắc tức là Bồ-đề, Bồ-đề tức là sắc, không hai, không phân biệt, cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy. Bồ-đề ấy chẳng phải thủ nên hành, chẳng phải xả nên hành.
Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, nếu Bồ-đề của Bồ-tát vì chẳng phải thủ nên hành, chẳng phải xả nên hành, vậy Bồ-đề của Bồ-tát hành chỗ nào?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Như người của Phật biến hóa hành ở chỗ nào? Hành trong thủ hay hành trong xả?
Tu-bồ-đề thưa: Chẳng phải hành trong thủ, chẳng phải hành trong xả.
Phật dạy: Bồ-đề của Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải hành trong thủ, chẳng phải hành trong xả. Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? A-la-hán ở trong mộng, Bồ-đề hành chỗ nào? hành ở trong thủ hay hành ở trong xả?
* Trang 395 *
Thưa không, bạch Thế Tôn, chẳng phải hành trong thủ, chẳng phải hành trong xả, vì A-la-hán không bao giờ ngủ, làm sao có Bồ-đề trong mộng hoặc hành trong thủ, hoặc hành trong xả!
Này Tu-bồ-đề, Vô thượng chánh đẳng chánh giác của Bồ-tát cũng như vậy, chẳng phải hành trong thủ, chẳng phải hành trong xả; nghĩa là hành trong sắc cho đến hành trong trí Nhất thiết chủng.
Bạch đức Thế Tôn, phải chăng không có Bồ-tát không hành mười địa, không hành sáu Ba-la-mật, không hành ba mươi bảy pháp trợ đạo, không hành mười bốn không, không hành các thiền định, giải thốt, tam muội, không hành mười lực của Phật cho đến 80 vẻ đẹp tùy hình mà an trú trong năm thần thông, nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy. Như lời ông nói, Bồ-tát không có chỗ hành. Nếu không đầy đủ mười địa, sáu Ba-la-mật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo, Không, Vô tướng, Vô tác giải thốt môn, mười lực của Phật cho đến 80 vẻ đẹp tùy hình, thường hành pháp xả, pháp không
* Trang 396 *
không sai lầm; không đầy đủ các pháp ấy thời trọn không được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ-tát ấy trú trong sắc tướng, trú trong thọ, tưởng, hành, thức tướng, trú trong Vô thượng chánh đẳng chánh giác tướng có thể đầy đủ mười địa cho đến được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tướng ấy thường tịch diệt, không có pháp có thể tăng có thể giảm có thể sinh diệt, có thể nhơ sạch, có thể đắc đạo, có thể đắc quả, vì theo pháp thế đế nên Bồ-tát được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, chẳng phải theo đệ nhất nghĩa đế, vì sao? Vì trong đệ nhất nghĩa đế không có sắc cho đến không có Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có người hành Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Hết thảy pháp ấy đều theo thế đế nên nói chẳng phải đệ nhất nghĩa đế. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát từ khi mới phát tâm lại đây hành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Bồ-đề cũng không thêm, chúng sinh cũng không bớt, Bồ-tát cũng không có thêm bớt.
Tu-bồ-đề :Ý ông nghĩ sao? Nếu người khi mới đắc đạo trú trong vô gián tam-muội được căn vô lậu, thành tựu quả Tu-đà-hồn cho đến quả A-la-hán, ông lúc bấy giờ người ấy có được gì, hoặc mộng, hoặc tâm, hoặc đạo, hoặc đạo quả chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Thưa không, bạch Thế Tôn.
* Trang 397 *
Phật bảo Tu-bồ-đề: Làm sao biết được đạo A-la-hán?
Bạch đức Thế Tôn, Vì theo thế đế nên phân biệt gọi là đạo A-la-hán.
Phật bảo Tu-bồ-đề: Như vậy, như vậy. Vì theo pháp thế đế nên nói là Bồ-tát, nói là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến trí Nhất thiết chủng. Trong Bồ-đề ấy không có pháp có thể được, hoặc thêm hoặc bớt, vì các pháp tính không. Các pháp tính không còn không thể được, huống gì được tâm sơ địa (Pramudita-bhūmi) cho đến tâm đệ thập địa (dharmamegha), sáu Ba-la-mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo, Không, Vô tướng, Vô tác tam-muội cho đến hết thảy Phật pháp lại có thể có được? Không có lẽ ấy. Như vậy, Bồ-tát hành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác lợi ích chúng sinh.
LUẬN: Phẩm trên Tu-bồ-đề mỗi mỗi nhân duyên vấn nạn: Nếu các pháp tính không làm sao có năm đường sinh tử, pháp thiện (kuśala) bất thiện (akuśala)? Nay đây vấn nạn về chúng sinh rằng: Nếu chúng sinh rốt ráo không thể có được, thời Bồ-tát vì ai nên hành Bát-nhã? Trước vấn nạn pháp vì chúng sinh, nay vấn nạn chúng sinh vì pháp. Phật đáp: Vì thật tế nên Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật. Còn ý Tu-bồ-đề muốn nói: Vì độ chúng sinh nên Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật. Ý Phật trả lời: Chúng
* Trang 398 *
sinh giả danh hư dối, rốt ráo không thể có được; Bồ-tát chỉ vì hết thảy thật pháp nên hành Bát-nhã ba-la-mật, thật pháp tức là thật tế.
Hỏi: Hết thảy Bồ-tát thấy chúng sinh khổ não, vì độ chúng sinh nên phát tâm đại bi, nay cớ gì nói vì thật tế?
Đáp: Bồ-tát mới phát tâm chỉ vì diệt khổ cho chúng sinh nên phát tâm đại bi. Khổ đó là già, bệnh, chết và thân tâm suy não, làm sao diệt khổ ấy? Tìm nhân duyên của khổ là do sinh, như Phật nói trong mười hai nhân duyên (dvādaśāṅga pratītyasamutpāda)[1]: Vì nhân duyên gì nên có già bệnh chết (jarāmaraṇa)? Là vì có sinh (jāti).[2]
Hỏi: Hết thảy chúng sinh cũng đều biết sinh làm nhân duyên cho khổ,[3] vậy Bồ-tát có gì đặc biệt?
Đáp: Chúng sinh không biết do sinh (jāti) có khổ. Nếu khi gặp khổ chỉ ốn hận người khác, còn tự mình có điều không ưa thích, không bao giờ sinh ốn mình; vì thế mà tăng trưởng kiết sử nên càng làm tăng trưởng việc sinh, không biết nguyên nhân thật của khổ. Có người không có các sầu não về roi gậy, đao binh, mà chỉ có sự chết khổ, sự chết khổ ấy từ đâu đến? Chính là từ sinh đưa đến.
* Lại nữa, roi gậy, đao binh, sầu não đều do sinh nên có; các việc khác hoặc có khổ (duḥkha), hoặc không khổ, còn việc sinh chắc chắn có khổ. Chính ngay người đại trí và chư thiên, hễ có sinh chắc có chết, có chết chắc có khổ.
[1] Tương ưng bộ kinh II, Thiên nhân duyên (Nidānasaṃyutta); T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), phẩm phân biệt thế gian: Mười hai chi là vô minh, hành, thức, danh sắc, sáu xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Abhidharmakośa śāstra, Lokanirdeśa, tr. 131: Tatra dvādaśāṅgāni avidyā saṃskārā vijñānaṃ nāmarūpaṃ saḍāyatanaṃ sparśo vedanā tṛṣṇā upādānaṃ bhavo jātir jarāmaraṇam ca.
[2] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: Do hữu mà có sinh, do sinh mà có già chết, do già chết nên có các khổ não buồn lo; Madhyamaka śāstra, Dvādaśāṅgaparīkṣā: Pañca skandhāḥ sa ca bhavaḥ bhavājjātiḥ pravartate| Jarāmaraṇaduḥkhādi śokāḥ saparidevanāḥ||8||; T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (阿毘達磨俱舍論), phẩm phân biệt thế gian: Làm thế nào để giải thích các hành có là vì có vô minh? Làm thế nào để giải thích già bệnh chết có là vì có sinh? Chúng tôi sẽ trả lời vắn tắt câu hỏi này.
Người ngu (bāla) hay dị sinh (pṛthagjana) vì không hiểu được duyên khởi chỉ là các hành, tức là các pháp hữu vi (saṃskṛta), nên mới khởi ngã kiến, ngã chấp và ngã mạn; người này tạo tác ba nghiệp thuộc thân, khẩu, ý mục đích để có lạc thọ (sukha) và xả thọ (aduḥkhāsukha): Tạo nghiệp không có phước đức (apuṇya) để có lạc thọ ở đời này; tạo nghiệp phước đức (puṇya) để có lạc thọ của đời sống vị lai ở Dục giới; tạo nghiệp bất động (āniñjya) để có lạc thọ của ba thiền đầu tiên và xả thọ của các tầng cao hơn. Các nghiệp này đều là các hành, sinh khởi nhờ có vô minh.
Sau khi có lực dẫn dắt của nghiệp, chuỗi tương tục các thức đã nương vào chuỗi tương tục của trung hữu để đi đến một thú nào đó, cho dù thú này có ở xa đến mấy cũng vẫn đến được; trường hợp này cũng giống như ngọn đèn, có nghĩa là ở trong một chuỗi tiếp nối liên tục. Đây chính là loại thức sinh khởi nhờ có hành. Nếu hiểu về thức như thế thì rất phù hợp với định nghĩa về thức của kinh Duyên khởi: “Thức là gì? - Đó là sáu loại thức”.
Vì đã có thức đi trước (pūrvaṃgama) nên thú này có danh sắc (nāmarūpa) sinh khởi. Đây cũng chính là năm uẩn vì điều này rất phù hợp với định nghĩa của Vibhanga: “Danh là gì? - Là bốn uẩn vô sắc. Sắc là gì? - Là tất cả sắc pháp… Danh và sắc này được gọi chung là danh sắc.”
Theo tiến trình phát triển của danh sắc mà sáu căn lần lượt sinh khởi; và đây chính là sáu xứ (ṣaḍāyatana).
Tiếp đó khi gặp được cảnh thì có một thức sinh khởi; và nhờ sự hòa hợp của ba pháp (thức, sáu xứ, cảnh nên có xúc (sparśa) có khả năng đưa đến sự cảm nhận lạc, khổ, v.v. Từ đó mới sinh khởi ba thọ (vedanā) lạc, v.v.
Từ ba thọ này dẫn sinh ba loại ái (tṛṣṇā) là dục ái, tức sự ham muốn lạc thọ thuộc Dục giới của những chúng sinh bị khổ bức bách; sắc ái, tức sự ham muốn lạc thọ của ba tầng thiền đầu tiên và xả thọ của tầng thiền thứ tư; vô sắc ái.
Từ loại ái liên quan đến thọ này sinh khởi bốn loại thủ (upādāna) là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Dục (kāma) là năm cảnh diệu dục. Kiến là sáu mươi hai loại kiến như kinh Phạm võng (Brahmajālasūtra) đã giải thích. Giới là xa lìa ác giới; cấm là nguyện làm chó, làm trâu bò, v.v.; như phái Ly hệ (Nirgrantha) nguyện sống lõa thể, Bà-la-môn (Brahmana) chống gậy mặc quần áo da nai, Bá-thâu-bát-đa (Pāśupāta) để bối tóc và bôi tro lên người, Bàn-lợi-phạt-la-đa (Parivrājaka) dùng đến ba cây gậy và sống lõa thể; v.v.: Tự nguyện chấp giữ các giới luật này nên gọi là giới cấm thủ. Ngã ngữ thủ chính là bản thân con người (ngã hữu, ātmabhāva), tức có liên quan đến những gì người ta nói là ngã (ātman). Có luận sư (Sautrāntika) cho rằng ngã ngữ chính là ngã kiến và ngã mạn, bởi vì nhờ có hai loại này người ta mới có thể nói đến ngã, mới có thể khẳng định ngã. Nếu kinh sử dụng từ vada (khẳng định) là vì ngã không thực hữu như kinh nói: “Kẻ ngu muội, kẻ không nghe hiểu, loài dị sinh vì nghe theo các cách nói giả định nên mới chấp ngã và ngã sở; thật ra không có ngã mà cũng chẳng có ngã sở”. Bốn loại thủ dục, kiến, v.v., chính là dục (chanda) và tham (rāga) như Thế tôn đã nói trong kinh (Tương ưng bộ kinh IV, tr. 15): “Thủ là gì? - Là dục tham (chandarāga).”
Vì có thủ nên nghiệp, vốn đã được tích tập, mới có thể chiêu cảm một đời sống mới: Đây chính là hữu (bhava). Kinh nói: “A-nan-đà, loại nghiệp chiêu cảm hậu hữu chính là hữu.”
Vì có hữu qua sự lưu chuyển của thức nên có sự sinh ra (janman) ở vị lai (anāgata); đây chính là sinh (jāti), có đủ năm uẩn, có danh sắc làm thể tánh.
Vì có sinh, nên có lão tử (jarāmaraṇa) như đã được giải thích trong kinh (Trung bộ kinh I, tr. 49; Trường bộ kinh II, tr. 305).
Chính nhờ tự có đủ nhân duyên như thế chứ không phải vì có ngã hay ngã sở - mà thân ngũ uẩn đại khổ này đã sinh khởi (tập, samudeti); nói đại bởi vì không có bắt đầu cũng không có chấm dứt. Thuyết duyên khởi giải thích mười hai chi là mười hai phần vị được cấu thành bởi năm uẩn vừa được trình bày trên đây chính là chủ thuyết của tông phái Tỳ-bà-sa (Vaibhāṣikas). Abhidharmakośa śāstra, Lokanirdeśa, tr. 139: Kathaṃ punar avidyāpratyayāḥ saṃskārā yāvat jātipratyayaṃ jarāmaraṇam iti. abhisaṃbandhamātraṃ darśayiṣyāmaḥ. Bālo hi pratītyasamutpannaṃ saṃskāramātram idam iti aprajānan ātmadṛṣṭi asmi māna ……. Jātau satyāṃ jarāmaraṇaṃ yathā nirdiṣṭaṃ sūtre. Evam aya kevalasya mahato duḥkhaskandhasya samudayo bhavati iti. Kevalasya iti ātmīyarahitasya mahato duḥkhaskandhasētyanādyanantasya duḥkhasamūhasya samudayo bhavati iti prādurbhāvaḥ. Sa eva tu Vaibhāṣikanyāyo yaḥ pūrvam uktaḥ.
[3] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: Các việc như vậy đều do sinh mà có, chỉ vì nhân duyên ấy mà tập thành thân ngũ uẩn đại khổ; Madhyamaka śāstra, Dvādaśāṅgaparīkṣā: Daurmanasyamupāyāsā jāteretatpravartate| Kevalasyaivametasya duḥkhaskandhasya saṁbhavaḥ ||9||
* Trang 399 *
. Thế nên biết, sinh chắc chắn là gốc của khổ; như cỏ cây có sinh nên chắc chắn có thể đốt cháy, nếu không sinh thời tuy có lửa dữ, gió mạnh cũng không đốt cháy hủy hoại được. Bồ-tát đã biết được nhân duyên của khổ, lại suy đến là do sinh; sinh làm nhân duyên cho hữu (bhava): Hữu đây là dục hữu (kāmabhava), sắc hữu (rūpabhava) và vô sắc hữu (arūpabhava). Tham đắm ba hữu ấy, khởi các nghiệp thiện ác, đó là nhân của sinh. Nhân của hữu (bhava) là bốn thủ (upādāna). Nhân duyên của thủ là các phiền não (kleśa) tham (rāga), ái (tṛṣṇā)[1]... Khi còn bé chưa thể tạo nghiệp, nên gọi là ái; khi khôn lớn, có thể tạo nghiệp (karma) nên gọi là thủ (upādāna). Dục thủ (kāma-upādāna), kiến thủ (dṛṣṭi-upādāna), giới cấm thủ (śīlavrata-upādāna), ngã ngữ thủ (ātmavāda-upādāna); vì thủ trước bốn việc ấy nên có thể khởi tạo các nghiệp. Nhân duyên của ái (tṛṣṇā) là ba thọ (vedanā);[2] nhân duyên của thọ là sáu căn (ṣaḍ-indriyāni) và xúc thọ (sparśa-vedanā).[3] Xúc là các tâm số pháp thọ...; căn (indriya), trần (viṣaya), thức (vijñāna), ba việc ấy hòa hợp nên trong tâm sinh ra tâm số thọ... Căn bản tuy có ba việc hòa hợp lại mà sinh xúc (sparśa), làm chỗ nương dựa của sáu căn nên chỉ nói sáu nhập (ṣaḍāyatāna).[4] Nhân duyên của sáu nhập là danh sắc (nāmarūpa); sáu nhập tuy chính là phần danh sắc, thành tựu gọi là sáu nhập, chưa thành tựu gọi là danh sắc; sắc (rūpa) thành tựu gọi là năm nhập; danh (nāma) thành tựu gọi là một nhập. Khi ở trong bào thai, do nhân duyên thứ lớp gọi là danh sắc. Nhân duyên của danh sắc là thức (vijñāna),[5] nếu thức không vào thai ngay lúc đầu thời quái thai lúc đầu bị tan rã.[6] Thức là năm uẩn (pañcaskandha) của thân trung ấm (antarābhava), vì năm uẩn đó vi tế nên chỉ gọi là thức. Nếu thức không vào mà thai thành tựu, thời như khi mọi việc khác hòa hợp, đều có thể thành thai cả hay sao?
[1] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: Nhân khát ái mà có bốn thủ, nhân thủ mà có hữu. Madhyamaka śāstra, Dvādaśāṅgaparīkṣā: Tṛṣyamāṇa upādānamupādatte caturvidham||6|| Upādāne sati bhava upādātuḥ pravartate|
[2] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: Nhân ba thọ mà sinh ra khát ái; Madhyamaka śāstra, Dvādaśāṅgaparīkṣā: Vedanāpratyayā tṛṣṇā vedanārthaṁ hi tṛṣyate ||6a||
[3] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: Nhân sáu xúc liền sinh ra ba thọ (Sparśaḥ saḥ tasmātsparśācca vedanā saṁpravartate||5||).
[4] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: Do danh sắc tăng trưởng nên sinh ra sáu nhập, sáu căn, sáu trần và sáu thức hòa hợp mà sinh ra sáu xúc (Niṣikte nāmarūpe tu ṣaḍāyatanasaṁbhavaḥ| Ṣaḍāyatanamāgamya saṁsparśaḥ saṁpravartate||3|| Cakṣuḥ pratītya rūpaṁ ca samanvāhārameva ca| Nāmarūpaṁ pratītyaivaṁ vijñānaṁ saṁpravartate||4|| Saṁnipātastrayāṇāṁ yo rūpavijñānacakṣuṣām|
[5] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: Vì có thức đắm trước nên làm tăng trưởng danh sắc (Saṁniviṣṭe’tha vijñāne nāmarūpaṁ niṣicyate||2||).
[6] Trường bộ kinh II, kinh Đại duyên (Mahānidāna sutta), tr. 63: “Do thức duyên danh sắc sinh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên thức, danh sắc sinh?” Này Ananda, nếu thức không đi vào trong bụng của người mẹ, thời danh sắc có thể hình thành trong bụng bà mẹ không? Bạch Thế Tôn, không! Này Ananda, nếu thức đi vào trong bụng bà mẹ rồi bị tiêu diệt, thời danh sắc có thể hình thành trạng thái này, trạng thái khác không? Bạch Thế Tôn, không! Này Ananda, nếu thức bị đoạn trừ trong đứa con nít, hoặc là đồng nam hay đồng nữ, thời danh sắc có thể lớn hơn, trưởng thành và thành mãn được không? Bạch Thế Tôn, không!
T. 1: Trung a-hàm kinh (中阿含經), quyển 24, kinh đại nhân (大因經), tr. 579c16-18: Nên biết thức duyên danh sắc. Nếu thức không nhập thai mẹ thì có danh sắc không? – Bạch Thế Tôn, “không”; T. 1: Trường a-hàm kinh (長阿含經), quyển 10, kinh đại duyên phương tiện (大緣方便經), tr. 61b8-10: Này A-nan! Duyên thức mà có danh sắc là nghĩa thế nào? nếu thức không nhập thai mẹ thì chừng có danh sắc không? – “không”. Nếu thức nhập thai mẹ rồi không sinh ra, thì chừng có danh sắc không? – “không”. Nếu thức ra khỏi thai mẹ mà đứa hài nhi hư hỏng thì danh sắc có được tăng trưởng không? – “không”. Này A-nan! nếu không thức thì chừng có danh sắc không? – “không”. Ta do lẽ đó, biết danh sắc do thức, duyên thức mà có danh sắc, nghĩa của Ta nói là ở đó.
* Trang 400 *
Hỏi: Do nhân duyên gì mà thức vào thai?
Đáp: Vì nhân duyên của hành (saṃskāra).[1] Hành tức là ba nghiệp (trīṇi-karma) quá khứ. Nghiệp dẫn thức vào thai, như gió thổi đốm lửa bay đi giữa không, đốm lửa ấy nương nơi gió; đời trước khi làm thân người, vì sáu thức nên khi mệnh chung, nghiệp dẫn thức vào thai.
Hỏi: Nghiệp nói trên kia sao gọi là hữu (bhava)? Nghiệp nói ở đây sao gọi là hành (saṃskāra)?
Đáp: Nghiệp trên kia là nghiệp đời nay, vì nó có vị lai nên gọi là hữu. Nghiệp nơi đây là nghiệp đời quá khứ đã diệt rồi, chỉ có tên nên gọi là hành. Nhân duyên của hành ấy do vô minh (avidyā),[2] hết thảy phiền não (sarvakleśa) tuy là nghiệp duyên quá khứ, nhưng vô minh là căn bản nên chỉ gọi là vô minh. Đời nay chấp trước ái (tṛṣṇa) và thủ (upādāna) nhiều nên lấy tên ái và thủ, còn trong quá khứ là chỗ sinh nghi (vicikitsā), và tà kiến nhiều, nên chỉ gọi là vô minh. Nay đây cái làm căn bản cho hết thảy khổ não, đó là vô minh.
Hỏi: Sinh tử vô thỉ triển chuyển rất nhiều, cớ sao chỉ giới hạn ngang vô minh?
Đáp: Việc ấy trước đã đáp rồi.[3] Bồ-tát suy nghĩ: Vì người ta từ chỗ khổ được thốt nên tìm nguyên nhân của khổ. Cái khổ già chết (jarāmaraṇa) quá khứ và hiện tại của chúng sinh không có thể trừ được, chỉ trừ được cái khổ già chết trong đời vị lai, nên dứt sự tương tục (saṃtāna), không để cho sinh trở lại. Như vị thầy thuốc giỏi không thể trị bệnh quá khứ, bệnh hiện tại cũng không thể trị, uống thuốc
[1] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: vì khởi lên hành nghiệp ấy, nên phải theo hành nghiệp mà đi vào sáu nẻo. Vì nhân duyên của các hành nghiệp, nên nghiệp thức phải chịu mang thân trong sáu nẻo (Abhisaṁskurute yāṁstairgatiṁ gacchati karmabhiḥ||1|| Vijñānaṁ saṁniviśate saṁskārapratyayaṁ gatau|
[2] Trung luận (中論), phẩm 26: quán về 12 nhân duyên: Chúng sanh bị vô minh che lấp, làm khởi lên ba hành nghiệp (Punarbhavāya saṁskārānavidyānivṛtastridhā| ).
[3] Đại trí độ luận, quyển 90, tr. 696a20-c3: Bồ-tát sơ phát ý chỉ vì diệt khổ chúng sanh, phát tâm đại bi; … nay căn bản của tất cả khổ não là vô minh.
* Trang 401 *
thuốc chỉ có thể trị bệnh sắp phát sinh, phá sự nóng lạnh, không cho phát sinh trở lại. Lại như nhà bị lửa cháy, không phải vì ngọn lửa đã qua nên cố gắng diệt, cũng không vì ngọn lửa hiện tại nên cố gắng diệt, chỉ vì ngọn lửa sắp đến, không để cho nó cháy tiếp nên cố gắng diệt. Thầy thuốc giỏi, người chữa lửa siêng dùng phương tiện không hư phí, Bồ-tát diệt khổ não cho chúng sinh cũng như vậy. Sự khổ quá khứ đã diệt không còn gì để diệt, sự khổ hiện tại do nhân duyên đời trước đã thành tựu nên cũng không thể diệt, chỉ phá nhân duyên các khổ già, chết trong đời tương lai, nên phá sự sinh ấy thời khổ già chết tự nhiên chấm dứt. Thế nên Bồ-tát muốn diệt sự sinh (jāti), là nhân duyên của khổ già chết (jarāmaraṇa) trong đời vị lai. Bồ-tát muốn diệt nhân duyên sinh, nên diệt hữu trong đời hiện tại. Hữu trong đời hiện tại có tám nhân duyên: 1. Nghiệp hữu lậu (sāsrava-karma); 2. Các phiền não (kleśa) hiện tại, đó là bốn hữu (catur-bhava) và một ái (eka-tṛṣṇa); hai thứ phiền não ấy từ hai tâm số pháp phát sinh, đó là thọ (vedanā) và xúc (sparśa). Xúc sinh tất cả tâm số pháp, vì xúc sinh trước thọ nên được gọi xúc là nhân duyên của thọ. Thọ tuy sinh ba độc mà đối với chúng sinh ái là phiền não cũ. Nhân duyên của xúc là sáu nhập bên trong, như trước nói.[1] Tuy có sáu nhập bên ngồi, nếu không có sáu nhập bên trong, thời xúc tâm sở... không sinh được. Thế nên sáu nhập bên trong được gọi tên sáu nhập. Danh và sắc là nhân duyên của sáu nhập như trong đây nói,[2] thức mới vào thai là nhân duyên của danh sắc, thức và danh sắc ở trong thai, nơi đây tuy có sáu nhập, vì chưa thành tựu, chưa thể có tác
[1] Đại trí độ luận, quyển 90, tr. 696b12-15: Xuùc laø caùc taâm soá phaùp thoï...; caên (indriya), traàn (viṣaya), thöùc (vijñāna), ba vieäc aáy hoøa hôïp neân trong taâm sinh ra taâm soá thoï... Caên baûn tuy coù ba vieäc hoøa hôïp laïi maø sinh xuùc (sparśa), laøm choã nöông döïa cuûa saùu caên neân chæ noùi saùu nhaäp
[2] Đại trí độ luận, quyển 90, tr. 696b15: nhân duyên của sáu nhập là danh sắc.
* Trang 402 *
dụng nên chưa được gọi danh tự sáu nhập mà chỉ gọi là danh sắc. Khi đã sinh hài nhi, chưa có thể tạo nghiệp, chỉ có sáu nhập; dần dần khôn lớn, có sáu xúc, như tiểu nhi đạp lửa, đi trên băng, chỉ có xúc chứ chưa biết khổ vui; dần khôn lớn, thọ khổ vui nhưng chưa ưa đắm sâu, như tiểu nhi tuy giận nhưng chưa thể khởi ác nghiệp sát, tuy mừng nhưng chưa thể khởi nghiệp thiện bố thí... Tuổi thành người gặp khổ sinh giận, gặp vui sinh ưa tức là ái; tìm các thứ vui nên có bốn thủ là dục thủ...; khi thủ hay khởi lên các nghiệp thiện ác; nếu biết nghiệp duyên nơi vô minh của một đời trước thời có thể nhớ biết muôn đời. Thí như hiện tại lửa nóng, lửa quá khứ vị lai cũng như vậy. Nếu lại tìm gốc ngọn nhân duyên của vô minh thời vô cùng, tức rơi vào biên kiến, mất đạo Niết-bàn, thế nên không nên tìm. Nếu lại tìm thời đọa vào hý luận, chẳng phải Phật pháp. Bồ-tát vì muốn dứt vô minh nên tìm thể tướng vô minh; khi tìm liền vào rốt ráo không, vì sao? Vì kinh Phật nói tướng vô minh: Là không biết pháp trong, không biết pháp ngồi, không biết pháp trong ngồi. Bồ-tát do nội không mà quán pháp trong, pháp trong liền không; do ngoại không mà quán pháp ngồi, pháp ngồi liền không; do nội ngoại không mà quán pháp trong ngồi, pháp trong ngồi liền không. Như vậy, hết thảy đều là tướng vô minh, như phẩm trước trong kinh Đức Nữ phá vô minh đã nói rộng.[1]
* Lại nữa, Bồ-tát tìm thể tướng vô minh tức thời là minh (vidyā); nghĩa là thật tướng các pháp gọi là thật tế.
[1] Đại trí độ luận, quyển 6, tr. 101c22-102a27: Kinh Đức Nữ (Therīsūtra) thuyết: “Đức Nữ bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, như Vô minh có ở bên trong chăng?” Phật nói: “Không phải.” Bạch, có ở bên ngoài chăng? Không. Bạch, có ở bên trong bên ngoài chăng? Không. Bạch Thế Tôn, Vô minh ấy từ đời trước mà đến chăng? Phật nói: “Không.” Bạch, từ đời này đến đời sau chăng? Không. Bạch, Vô minh ấy có sanh có diệt chăng? Không. Bạch Thế Tôn, có một pháp nhất định có thật tánh gọi là Vô minh chăng? Không.
Bấy giờ Đức Nữ lại bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn, nếu Vô minh không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở trong ở ngoài; không từ đời trước đến đời nay, từ đời nay đến đời sau; cũng không có tánh chơn thật; vậy sao nói từ Vô minh làm duyên mà có Hành cho đến có các khổ tập? Bạch Thế Tôn, ví như có cây, nếu không có gốc làm sao sanh cọng, đốt, cành, lá, hoa, quả được?”
Phật nói: “Các pháp tướng tuy không, nhưng vì kẻ phàm phu vô văn vô trí đối với các pháp sanh đủ thứ phiền não, do phiền não làm nhân duyên tạo nghiệp thân khẩu ý, do nghiệp làm nhân tác thành thân đời sau, do thân làm nhân duyên mà thọ khổ thọ vui. Ở trong đó, không có phiền não tạo tác thật sự, cũng không có thân khẩu ý nghiệp, cũng không có kẻ thọ khổ thọ vui, ví như huyễn sư huyễn làm ra các vật, ý ngươi nghĩ sao? Các vật huyễn ấy có ở bên trong chăng?”
Bạch Thế Tôn, không phải. Có ở bên ngoài chăng? Bạch Thế Tôn, không. Có ở bên trong bên ngoài chăng? Bạch, không. Từ đời trước đến đời nay, từ đời nay đến đời sau chăng? Bạch, không. Các vật huyễn có sanh có diệt chăng? Bạch, không. Thật có một pháp gọi là vật huyễn chăng? Bạch, không.
Phật nói: “Ngươi có thấy có nghe kỹ nhạc do huyễn thuật làm ra chăng?” Bạch, con cũng có nghe có thấy.
Phật hỏi Đức Nữ: “Nếu huyễn thuật không, dối trá, không thật; làm sao từ huyễn thuật làm ra kỹ nhạc?” Đức Nữ bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, huyễn tướng ấy là như vậy, tuy vốn không có căn bản, mà vẫn có thể nghe, thấy.” Phật nói: “Vô minh cũng như vậy, tuy không có ở bên trong, không ở bên ngoài, không có ở bên trong bên ngoài, không từ đời trước đến đời nay, từ đời nay đến đời sau, không có thật tánh, không có sanh diệt, nhưng Vô minh làm nhân duyên mà có các Hành sanh, cho đến các khổ tập hợp. Như khi huyễn dứt thì vật huyễn cũng dứt. Vô minh cũng vậy, Vô minh hết thì Hành cũng hết, cho đến các Khổ và Tập cũng hết.”
* Trang 403 *
Quán các pháp như huyễn như hóa, chúng sinh vì điên đảo nên khởi các phiền não, gây nghiệp tội ác, luân chuyển năm đường (pañca-gati), chịu khổ sinh tử; thí như tằm nhả tơ tự trói mình, vào trong nước sôi lửa cháy; chúng sinh phàm phu cũng như vậy, khi mới sinh ra chưa có các phiền não, về sau tự sinh các phiền não tham dục, sân giận, nhân phiền não ấy nên che lấp chân trí, chuyển đổi thân, thọ lửa cháy, nước sôi trong địa ngục. Bồ-tát biết pháp ấy gốc ngọn đều không, chỉ chúng sinh vì điên đảo (viparyāsa) sai lầm nên thọ khổ như vậy. Bồ-tát đối với chúng sinh ấy khởi tâm từ bi, muốn phá điên đảo ấy nên tìm thật pháp, hành Bát-nhã ba-la-mật, thông suốt thật tế; dùng mỗi mỗi nhân duyên giáo hóa chúng sinh khiến an trú trong thật tế. Thế nên an trú thật tế, không có lỗi.
* Lại nữa, trong kinh nói, nếu chúng sinh với thật tế khác nhau thời Bồ-tát không thể hành Bát-nhã ba-la-mật. Khác là, thật tế rốt ráo không, còn chúng sinh tế quyết định có; nếu như vậy thời nên vấn nạn: Nếu tướng các pháp thật tế là không, làm sao Bồ-tát vì chúng sinh nên tu thật tế ấy? Còn nếu chúng sinh rốt ráo không mà thật tế nhất định có, như vậy không có chúng sinh thời không có lợi ích gì, Bồ-tát vì ai nên hành thật tế? Song nay, chúng sinh tế thật không khác với thật tế nên hành Bát-nhã; muốn giác ngộ chúng sinh cuồng hoặc điên đảo nên hành Bát-nhã, khiến
* Trang 404 *
khiến chúng sinh an trú trong thật tế mà không phá hoại thật tế.
Khi ấy, Tu-bồ-đề lại hỏi: Nếu chúng sinh tế và thật tế không khác nhau, làm sao lấy thật tế để vào thật tế? Tự tính không thể ở trong tự tính, như đầu ngón tay không thể tự chạm đầu ngón tay? Phật chấp thuận ý ấy rằng: Bồ-tát do sức phương tiện (upāya-bala) nên kiến lập chúng sinh nơi thật tế, mà chúng sinh và thật tế không khác nhau; chúng sinh và thật tế là một cũng không thể có được. Nếu là một thời phá hoại tướng thật tế, vì sao? Vì đó là một tính. Bồ-tát biết hai pháp ấy chẳng một chẳng hai, cũng không chẳng một, cũng không chẳng hai, rốt ráo tịch diệt không có tướng hý luận. Bồ-tát sinh tâm đại bi, chỉ muốn kéo chúng sinh ra khỏi điên đảo nên giáo hóa chúng sinh.
Tu-bồ-đề hỏi: Sao gọi là phương tiện (upāya)?
Phật dạy: Bồ-tát khi hành Bát-nhã, do sức phương tiện nên kiến lập chúng sinh trong Thí ba-la-mật (dāna-pāramitā), nói rằng bố thí ấy tiền tế, hậu tế không, trung tế cũng không, như trong Kinh đây nói rộng. Bồ-tát biết thật tế là đạt đến biên tế chúng sinh, như trong phẩm Bố thí trước đã nói.[1] Chúng sinh nghe rồi phát tâm, chẻ mỏng phiền não, rất ưa đắm bố thí. Bồ-tát thương xót chúng sinh: Ta đã từ trong chỗ xan tham kéo ra, sao nay lại đắm vào bố thí! Chúng sinh nếu thọ hết phước bố thí trở lại thọ các khổ não; lại vì hưởng thọ phước đức giàu
[1] Đại trí độ luận, quyển 11, Giải thích Đàn ba-la-mật: chương 17-20.
* Trang 405 *
sang, gây ra tội lớn thời đọa địa ngục. Thế nên thương chúng sinh ấy được vui trong chốc lát mà thọ khổ lâu dài. Do vậy, Bồ-tát vì chúng sinh nói thật tướng của bố thí là rốt ráo không, nói rằng: Sự bố thí quá khứ đã dứt, không thể thấy, không thể nắm bắt được, không thể dùng, chỉ có thể nhớ nghĩ, như nhớ nghĩ việc thấy trong mộng không khác nhau; việc bố thí vị lai chưa sinh nên cũng không có gì, rốt ráo không. Bố thí tiền tế, hậu tế không có như vậy nên trung tế cũng không có, như trong phẩm Phá sáu trần,[1] Phá sắc pháp nói:[2] Việc bố thí hiện tại tuy mắt thấy nhưng phân tích từng phần cho đến vi trần không thể có được. Bố thí trong ba đời không, người thí, người thọ và quả báo cũng như vậy. Bồ-tát nói với người bố thí rằng: Pháp bố thí là cửa ban đầu vào Phật pháp, trong thật tế, tướng thật tế cũng không có, huống gì bố thí! Ngươi chớ nghĩ, chớ đắm trước pháp bố thí; nếu không nghĩ, không đắm trước thể tướng bố thí, người bố thí như vậy thời được vị cam lồ (amṛta-rasa), quả cam lồ (amṛta-phala).
Vị cam lồ là tám phần thánh đạo (aṣṭārya-mārga); quả cam lồ là Niết-bàn (nirvāṇa). Bồ-tát tuy trú trong thật tế mà do sức phương tiện đem môn bố thí độ chúng sinh. Các Ba-la-mật khác cũng như vậy.
Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Nếu hết thảy pháp tính không, trong tính không có pháp và phi pháp, cũng không có chúng sinh thời Bồ-tát làm sao trú trong tính không cầu trí Nhất thiết chủng?
[1] Đại trí độ luận, quyển 31, tr. 287a18-c6.
[2] Đại trí độ luận, quyển 12, tr. 147b8-148a22, quyển 15, tr. 171a5-b15, quyển 31, tr. 291c21-292a28, quyển 36, tr. 326b20-c29, quyển 41, tr. 358a17-c8, quyển 89, tr. 691a1-b8.
* Trang 406 *
Phật dạy: Bồ-tát vì an lập trong tính không nên có thể hành bố thí...
Tu-bồ-đề hỏi: Tính không phá hết thảy pháp, sạch hết không còn thừa, làm sao Bồ-tát trú trong tính không mà có thể hành bố thí...
Phật chấp thuận ý Tu-bồ-đề và nói nhân duyên: Bồ-tát biết thật tướng các pháp và trú trong ấy nên có thể được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thật tướng các pháp tức là tính không. Nếu các pháp tính chẳng không thời Bồ-tát không thể trú trong tính không ấy được Vô thượng chánh đẳng chánh giác và vì chúng sinh thuyết pháp tính không, là thuyết sắc tính không, thọ, tưởng, hành, thức tính không, cho đến trí Nhất thiết chủng và sự dứt phiền não tập khí cũng tính không.
* Lại nữa, nếu tính mười tám không (aṣṭādaśa- śūnyatā) chẳng không, ấy là phá hoại thể không, vì sao? Vì mười tám không, có thể làm cho hết thảy pháp không, nếu tự mình chẳng không thời là hư dối. Nếu tự mình chẳng không thời đọa vào bên chấp thường, sinh ra phiền não. Tính không, không có trú xứ thật, không từ đâu đến, không đi đến đâu; ấy gọi là pháp tướng thường trú. Pháp tướng thường trú là tên khác của tính không, cũng gọi là thật tướng các pháp; trong thật tướng ấy không có sinh diệt (anutpannā aniruddhā), tính không thêm bớt (nonā na paripūrṇāḥ), tính không nhơ sạch (amalā na vimalā). Bồ-tát trú trong ấy thấy hết pháp tính không, đối với Vô thượng chánh đẳng chánh giác không nghi, không hối, vì sao? Vì không thấy pháp có thể làm chướng ngại (āvaraṇa, ālambana); do sức
* Trang 407 *
phương tiện nên độ thốt chúng sinh. Sức phương tiện là rốt ráo không có pháp, cũng không có chúng sinh mà vẫn độ chúng sinh.
Hỏi: Nếu chúng sinh và pháp từ trước lại đây không có, vậy vì ai mà Bồ-tát dùng sức phương tiện, vì ai độ thốt?
Đáp: Tính không là tính không cũng không có, ông vì cớ gì thủ lấy tướng tính không ấy để vấn nạn? Nếu có tướng tính không thời mới nên vấn nạn!
* Lại nữa, người biết được thật tướng các pháp là biết tính không ấy. Người ấy biết các pháp tính không không có pháp, không có chúng sinh; phàm phu chưa biết được thật tướng nên mỗi mỗi ức tưởng phân biệt; thí như người cuồng vọng chấp chỗ thấy biết, cho là thật có. Vì cứu độ người phàm phu cuồng si nên vì chúng sinh nói ở trong si cuồng thời có phân biệt các pháp ấy, còn trong thật pháp thời không có. Bồ-tát muốn đầy đủ bản nguyện mà không đắm trước tính không nên có thể độ chúng sinh; việc ấy không nên vấn nạn.
* Lại nữa, trong Kinh này Phật tự nói nhân duyên: Trong tính không, chúng sinh không thể có được, kẻ biết kẻ thấy cũng không thể có được, cho đến 80 vẻ đẹp tùy hình cũng như vậy. Song Bồ-tát kiến lập pháp ấy, vì chúng sinh thuyết giảng, đây là theo thế đế, chẳng phải thật nghĩa. Trong Kinh đây Phật nêu ví dụ:
* Trang 408 *
: Như người của Phật biến hóa, người biến hóa ấy hóa làm bốn bộ chúng mà vì họ thuyết pháp, có thể có người đắc đạo chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không, vì sao? Vì thật không có căn bản, làm sao có người đắc Tu-đà-hồn cho đến Phật quả! Bồ-tát thuyết pháp độ chúng sinh cũng như vậy. Chúng sinh không có thật tướng nhất định, chỉ muốn kéo chúng sinh ra khỏi điên đảo, đặt vào chỗ không điên đảo. Không điên đảo cũng không có xứ sở, trong ấy không có chúng sinh, cho đến không có kẻ biết kẻ thấy. Tuy tính không là một tướng mà kẻ điên đảo nhiều, kẻ không điên đảo ít; thế nên quý tính không, không điên đảo ấy. Bồ-tát trú trong ấy chỉ phá vọng tưởng của chúng sinh, chứ không phá chúng sinh. Lại, pháp vô lậu cho đến tám phần thánh đạo, tuy là vô lậu, nhưng vì sinh diệt nên không như đệ nhất nghĩa đế. Này Tu-bồ-đề, tính không ấy chư Phật chỉ có đạo ấy, không có đạo gì khác, vì sao? Vì chư Phật đều cầu thật trí, cầu pháp không hoại không khác; tuy có mười lực, bốn điều không sợ khác nhau mà không gọi là một đạo, vì sao? Vì các pháp ấy đều là pháp hữu vi, vô thường, chuyển biến; trong tính không ấy không có chúng sinh, cũng không có sắc pháp... Bồ-tát không vì Bồ-tát đạo, mà chỉ vì tính không nên cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Hỏi: Thế nào là tính không, thế nào là Bồ-tát đạo?
Đáp: Trong đệ nhất nghĩa không có phân biệt, trong thế đế có phân biệt. Thật tướng các pháp là tính
* Trang 409 *
không; bố thí... cho đến 80 vẻ đẹp tùy hình là Bồ-tát đạo. Tuy hành đạo ấy mà không vì đạo ấy, chỉ vì cầu tính không; thế nên nói không vì Bồ-tát đạo nên hành tính không. Trước cũng tính không, giữa cũng tính không, sau cũng tính không; từ trước lại đây thường không, không có người làm, chẳng phải vì sức phước đức nên làm cho không, cũng chẳng phải vì sức trí tuệ nên làm cho không, chỉ vì tính nó tự như vậy. Chư Phật, Hiền Thánh do sức phước đức lớn, trí tuệ, phương tiện nên phá điên đảo trong tâm chúng sinh khiến biết tính không; thí như hư không tính thường thanh tịnh, không dính bụi mờ; hoặc khi gió mây che mờ, người đời liền nói hư không không sạch, lại khi gió mạnh thổi sạch mây mờ liền nói hư không trong sạch, mà hư không thật không nhơ không sạch; Phật cũng như vậy. Vì ngọn gió thuyết pháp mạnh thổi hết mây mù điên đảo khiến được trong sạch, nhưng pháp tính thường tự không nhơ không sạch. Bồ-tát vì biết hết thảy pháp tính không, nên có thể hành các đạo độ chúng sinh. Đầy đủ hết thảy đạo, nghiêm tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh, khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tùy ý sống lâu. Tùy ý sống lâu là Bồ-tát được vô sinh pháp nhẫn, vào Bồ-tát đạo như huyễn, có thể một lúc biến hóa làm ngàn vạn ức thân, ở khắp mười phương tu đầy đủ các Bồ-tát đạo; ở trong mỗi cõi nước tùy thọ mạng của chúng sinh dài ngắn mà thọ thân hình; như đức Thích-ca Văn Ni Phật ở cõi nước này sống lâu trăm tuổi, còn ở cõi Phật Trang Nghiêm sống lâu vô số kiếp.
* Trang 410 *
.[1] Phật pháp là đệ nhất, bất khả tư nghì trong năm việc bất khả tư nghì.[2]
Phật bảo Tu-bồ-đề: Hết thảy pháp tính không là chơn pháp của chư Phật, nếu ngộ được pháp ấy thời gọi là Phật, nếu thuyết pháp ấy gọi là vì độ chúng sinh. Ba đời các đức Phật đều như vậy. Lìa tính không ấy thời không có đạo, không có quả. Đạo là tám phần thánh đạo; quả là bảy bậc quả,[3] vì sao? Vì nếu lìa tính không riêng có pháp nhất định thời sinh tâm chấp thủ tướng; chấp thủ tướng nên không thể lìa dục; không lìa dục thời không có đạo, không có quả. Nếu lìa tính không thời tuy hành bố thí, trì giới, từ bi hỷ xả tuy không đọa ác đạo, được sinh cõi trời, mà khi phước hết trở lại đọa vào ác như cũ. Còn hành tính không cũng không chấp trước tính không, tức là Niết-bàn. Hành các pháp khác, sinh tâm chấp trước nên có thối thất. Nếu hành tính không này thời không có thối thất.
Tu-bồ-đề vui mừng bạch Phật rằng: Rất hy hữu! Bồ-tát hành tính không ấy cũng không phá hoại tướng tính không.
Phật dạy: Nếu sắc pháp... với tính không khác nhau, thời Bồ-tát không được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì có pháp nhất định[4] thời không thể xa lìa. Nay sắc pháp... tính thật không. Bồ-tát biết pháp ấy rồi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao?
[1] T. 15: Phật thuyết thủ lăng nghiêm tam muội kinh (佛說首楞嚴三昧經), quyển 2, tr. 645a2-10: Lúc ấy Bồ-tát Kiên ý tâm đại hoan hỷ, liền trở lại thế giới ta-bà bạch Phật rằng: Bạch đức Thế-tôn! Cõi Phật Trang nghiêm thọ mạng 700 a-tăng-kỳ kiếp, nói với Ta rằng: như thọ mạng của Ta, thọ mạng của đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng lại như vậy.
Lúc bấy giờ A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trực vai áo bên phải chấp tay mà bạch phật rằng: Bạch đức Thế-tôn! Như con hiểu lời Phật dạy, Ta là Thế-tôn đối với thế giới trang nghiêm kia dùng danh tự sai khác vì lợi ích chúng sanh.
Lúc bấy giờ Thế-tôn tán thán A-nan rằng: lành thay! Lành thay! Ông dùng phật lực có thể biết việc đó, thân Phật kia chính là thân Ta, dùng danh tự sai khác để thuyết pháp độ thoát chúng sanh.
[2] Đại trí độ luận, quyển 30, tr. 283c17-20: Kinh nói năm việc không thể nghĩ bàn, đó là chúng sanh nhiều ít, nghiệp quả báo, năng lực người tọa thiền, năng lực các rồng, năng lực chư Phật. Trong năm việc không thể nghĩ bàn ấy năng lực Phật là rất không thể nghĩ bàn; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 21, phẩm 29 Khổ lạc (苦樂品第二十九), tr. 657a19-b27: T. 3: Đại phương tiện Phật báo ân kinh (大方便佛報恩經), quyển 1, tr. 128a15-17; T. 31: Hiển dương thánh giáo luận (顯揚聖教論), quyển 6, tr. 510c2-6: Ở đây nói sáu loại không thể nghĩ bàn..
[3] T. 2: Tạp a-hàm kinh (雜阿含經), quyển 27, kinh số 28, tr. 196c12-19: Nếu tỳ-kheo tu tập bảy giác phần, đã tu tập nhiều được bảy bậc quả, bảy loại phước lợi. Thế nào là bảy? (1) Tỳ-kheo được hiện pháp trí chứng lạc; (2) hoặc khi mạng chung; (3) hoặc không được hiện pháp trí chứng lạc và khi mạng chung đoạn tận năm hạ phần kiết sử, đắc trung ban Niết-bàn (antarāparinirvāyin); (4) hoặc không được trung ban Niết-bàn, mà được sinh ban Niết-bàn (upapadyaparinirvāyin); (5) hoặc không được sinh ban Niết-bàn, mà được vô hành ban Niết-bàn (anabhisaṃskāraparinirvāyin); (6) hoặc không được vô hành ban Niết-bàn, mà được hữu hành ban Niết-bàn (sābhisaṃskāraparinirvāyin); (7) không được vô hành ban Niết-bàn, mà được thượng lưu ban Niết-bàn (ūrdhvasrotaparinirvāyin).
[4] Đại trí độ luận, quyển 90, tr. 698c5-12: Nay sắc pháp... tính thật không. Bồ-tát biết pháp ấy rồi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì trong ấy không có một pháp nhất định thường …… không chỉ bày các pháp tướng như vậy, ấy gọi là không phá hoại.
* Trang 411 *
Vì trong ấy không có một pháp nhất định thường, chỉ phàm phu vì sinh tâm chấp ngã, đắm trước pháp trong pháp ngồi, không được giải thốt sinh già bệnh chết; thế nên Bồ-tát hành tính không ấy, hòa hợp với sáu Ba-la-mật, không phá hoại tướng các pháp sắc... nghĩa là không nói sắc... hoặc không, hoặc chẳng không, hoặc không chẳng không, hoặc chẳng phải không chẳng phải chẳng không; không nói, không chỉ bày các pháp tướng như vậy, ấy gọi là không phá hoại, vì sao? Vì thật tướng của sắc tức là tính không (rūpaṃ śūnyatā), tính không làm sao tự phá hoại tính không? Cho đến tính Bồ-đề cũng như vậy. Trong kinh đây Phật nói thí dụ: Hư không bên trong không phá hoại hư không bên ngồi, vì đồng thể.
Tu-bồ-đề hỏi: Nếu các pháp tính không, không có sai khác, thời Bồ-tát ở chỗ nào được Vô thượng chánh đẳng chánh giác?
Phật chấp thuận ý ấy rằng: Như vậy. Nếu phân biệt có hai tướng thời không được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vô thượng chánh đẳng chánh giác là thật trí tuệ, không hành ở trong sắc pháp; nghĩa là không đắm, không nhiễm sắc pháp... vì sao? Vì trí tuệ ấy không thủ sắc tướng nên hành; thế nên không hành trong sắc.
Tu-bồ-đề lại hỏi: Nếu Bồ-đề không hành trong chấp thủ, không hành trong xả, vậy sẽ hành chỗ nào? Thủ là thật pháp; xả bỏ là không pháp. Thủ gọi là chấp
* Trang 412 *
trước hành; xả bỏ gọi là không chấp trước hành. Thủ gọi là hai hành; xả bỏ gọi là không hai hành; phân biệt như vậy.
Phật hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Người của Phật biến hóa ra hành ở chỗ nào?
Tu-bồ-đề thưa: Người biến hóa ấy không có chỗ hành, vì người biến hóa không có tâm tâm số pháp; Bồ-đề cũng như vậy. Phật lại hỏi: Ý ông nghĩ sao? Bồ-đề của A-la-hán ở trong mộng, hành ở chỗ nào?
Tu-bồ-đề thưa: A-la-hán còn không ngủ, huống gì Bồ-đề ở trong mộng có chỗ hành!
Hỏi: Bồ-đề (bodhi) có 3 thứ: A-la-hán Bồ-đề (Arhat-bodhi), Bích-chi Phật Bồ-đề (Pratyeka-buddha-bodhi) và Phật Bồ-đề (Buddha-bodhi). A-la-hán không hành trong tâm hữu lậu (sāsrava-citta), không hành trong tâm vô ký (avyākta-citta), chỉ hành trong tâm vô lậu (anāsrava-citta), cớ gì Phật hỏi Bồ-đề của A-la-hán trong mộng hành ở chỗ nào?
Đáp: A-la-hán là thánh nhân sạch hết lậu hoặc nên không có mộng. Phật vì chắc chắn không có chỗ hành nên hỏi để muốn làm rõ nghĩa chắc chắn không hành.
Hỏi: Tu-bồ-đề hỏi: Cho đến Phật còn có ngủ, làm sao biết? Là Phật thường bảo A-nan: Ông hãy xếp y Uất-đa-la-tăng làm bốn, ta muốn ngủ chút ít. Ông hãy thay Ta vì hàng Tỳ-kheo thuyết pháp. Lại, Tác-giá Ni-kiền-tử hỏi Phật: Phật tự nhớ ban ngày có ngủ chăng?
* Trang 413 *
Phật đáp: Cuối mùa xuân, đầu mùa hạ, vì lúc ấy trời nóng nên Ta ngủ nghỉ chút ít để trừ bệnh hoạn vì ăn. Tác-giá Ni-kiền-tử hỏi Phật: Có các người khác nói: Ngủ ban ngày là tướng si? Phật đáp: Ngươi để đấy. Ngươi không phân biệt được tướng si. Các lậu hoặc làm tương tục sinh thân sau không dứt, ấy gọi là tướng si; tuy thường không ngủ cũng là si; nếu các lậu hoặc ấy, không còn sót lại thời tuy ngủ mà không gọi là si. Những điều như vậy trong Kinh nhiều nơi nói. Tu-bồ-đề cớ gì nói A-la-hán còn không ngủ?
Đáp: Ngủ có hai cách: Một là ngủ có mộng; hai là ngủ không có mộng. A-la-hán không phải vì ham đắm an ổn nên ngủ, mà chỉ vì thọ thân tứ đại nên phải có ăn, có nghỉ, có ngủ, có thức; vì thế trong thời gian chốc lát nghỉ gọi là ngủ, không phải ngủ có mộng. Tu-bồ-đề nói A-la-hán còn không ngủ, có người nói: Người lìa dục được thiền định, bốn đại sắc giới vào trong thân, thân tâm hoan lạc thời không có ngủ. Bậc A-la-hán được tuệ giải thốt, bốn đại sắc giới không vào trong thân nên có ngủ. Thế nên Tu-bồ-đề nói A-la-hán còn không ngủ; vì vậy A-la-hán hoặc có ngủ, không ngủ. Phật do sức phương tiện vì độ chúng sinh, hiện làm thân người nên hiện có ngủ.
Tu-bồ-đề lại hỏi: Nếu không hành thời làm sao Bồ-tát từ sơ địa (Pramudita-bhūmi) đến đệ thập địa (Dharma-megha) cho đến được Vô thượng chánh đẳng chánh giác? Phật chấp thuận ý ấy rằng, Bồ-
* Trang 414 *
đề tuy không có chỗ hành, chưa đầy đủ sáu Ba-la-mật, thời trọn không được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ-tát ấy trú trong sắc tướng cho đến trú trong tướng Bồ-đề được Vô thượng chánh đẳng chánh giác không bỏ sắc pháp, cũng không trước tướng Bồ-đề; biết sắc pháp tức là Bồ-đề, thường tịch diệt không có pháp hoặc tăng hoặc giảm, hoặc nhơ hoặc sạch, hoặc đắc đạo, hoặc đắc quả. Đây chỉ theo thế đế nên nói. Bồ-tát được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, trong đệ nhất nghĩa không có sắc cho đến không có Bồ-đề. Phật muốn làm rõ nghĩa ấy nên hỏi ngược lại Tu-bồ-đề: Ý ông nghĩ sao? Khi ông dứt phiền não mà đắc đạo, có đắc gì chăng? Nghĩa là như thân năm uẩn trong mộng, quả chắc chắn có một pháp hoặc đạo hoặc quả chăng?
Tu-bồ-đề thưa: Không được, vì sao? Ý Tu-bồ-đề muốn nói: Trú trong môn Vô tướng mà vào đạo thời làm sao thủ tướng? Ý Phật nói: Nếu ông cho đến không thủ đắc mảy may pháp, thời làm sao gọi ông là A-la-hán? Tu-bồ-đề thưa: Theo thế đế nên nói là A-la-hán; trong pháp điên đảo của phàm phu có được, có mất, có chúng sinh, có pháp.
Phật dạy: Bồ-đề cũng như vậy, theo pháp thế đế nên nói có Bồ-tát, nói có sắc pháp cho đến nói có Bồ-đề; trong Bồ-đề không có pháp nhất định, cũng không có chúng sinh, cũng không có Bồ-đề. Bồ-tát quán pháp Bồ-đề ấy không có tăng giảm, vì sao? Vì pháp tính tự nó như vậy. Bồ-tát cũng không được pháp tính ấy, huống gì
* Trang 415 *
có kẻ từ sơ tâm cho đến đệ thật địa và sáu Ba-la-mật, 37 pháp trợ đạo cho đến mười tám pháp không chung, lại có thể có được? Không có lẽ ấy, vì sao? Vì các pháp tính là căn bản của hết thảy pháp còn không thể có được, huống gì sáu Ba-la-mật là pháp có tạo tác lại có thật tướng nhất định? Như vậy, Bồ-tát hành pháp tính ấy khi được thành Phật có thể làm lợi ích lớn cho chúng sinh.
(Hết cuốn 90 theo bản Hán)
_______________
* Trang 416 *