Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
GIẢI THÍCH: PHẨM CHÚC LỤY THỨ 66
(Kinh Đại Bát Nhã Phần 2 ghi: Phẩm Thật Ngữ Thứ 65)

KINH: Bấy giờ trời Đế-thích bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Con nói như vậy, đáp như vậy là thuận theo pháp chăng, là đáp đúng chăng? Phật bảo trời Đế-thích: Này Kiều-thi-ca! Lời ông nói và đáp đều thuận theo pháp.
Trời Đế-thích thưa: Hy hữu thay! Điều Tu-bồ-đề vui nói đều là nói về không, vô tướng, vô tác, bốn niệm xứ cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Phật bảo trời Đế-thích: Tỳ kheo Tu-bồ-đề trong khi tu hạnh “Không”, Thí ba-la-mật còn không thể có được, huống gì người hành Thí ba-la-mật, cho đến Bát-nhã ba-la-mật còn không thể có được, huống gì người hành Bát-nhã ba-la-mật. Bốn niệm xứ không thể có được, huống gì người tu bốn niệm xứ; cho đến tám phần Thánh đạo không thể có được, huống gì người tu tám phần Thánh đạo; thiền, giải thoát, tam muội, định không thể có được, huống gì người tu thiền, giải thoát, tam muội, định; mười lực của Phật không thể có được, huống gì người tu mười lực của Phật;

* Trang 723 *
device

bốn việc không sợ không thể có được, huống người được bốn việc không sợ; bốn trí vô ngại không thể có được, huống gì người được bốn trí vô ngại; đại từ, đại bi không thể có được, huống gì người thực hành đại từ bi; mười tám pháp không chung không thể có được, huống gì người được mười tám pháp không chung; Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không thể có được, huống gì người được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; Nhất thiết trí, Như lai không thể có được, huống gì người sẽ làm Như lai; pháp vô sinh không thể có được, huống người chứng pháp vô sinh; ba mươi hai tướng không thể có được, huống gì người được ba mươi hai tướng; tám mươi vẻ đẹp tùy hình không thể có được, huống gì người được tám mươi vẻ đẹp tùy hình. Vì cớ sao? Này Kiều-thi-ca! Vì Tỳ-kheo Tu-bồ-đề đối hết thảy pháp tu hạnh ly tướng, đối với hết thảy pháp tu hạnh không có sở đắc, đối với hết thảy pháp tu hạnh không, đối với hết thảy pháp tu hạnh vô tướng, đối với hết thảy pháp tu hạnh vô tác, đó là sở hành của Tỳ-kheo Tu-bồ-đề, muốn sánh với Bồ-tát tu hạnh Bát-nhã ba-la-mật trăm phần không kịp một; ngàn, vạn, ức phần cho đến toán số thí dụ không thể sánh kịp, vì sao? Vì trừ Phật hạnh, Bồ-tát ấy hành Bát-nhã ba-la-mật đối với các hành của Thanh-văn, Bích-chi-Phật là tối tôn, tối diệu, tối thượng. Vì thế, nên Bồ-tát muốn được tối

* Trang 724 *
device

thượng đối với chúng sinh hãy nên tu hành Bát-nhã ba-la-mật, vì sao? Vì các Bồ-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật đã vượt quá Thanh-văn, Bích-chi-Phật mà vào Bồ-tát vị, đầy đủ được Phật pháp, được trí Nhất thiết chủng, dứt hết tập khí phiền não, thành Phật.
Trong hội chúng, trời Ba mươi ba lấy hoa trời Mạn-đà-la rải lên trên Phật và Tăng. Khi ấy 800 Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy lấy hoa rải lên Phật, trạc áo vai phải chấp tay, gối phải quỳ sát đất, bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Chúng con sẽ tu hạnh vô thượng ấy, hàng Thanh-văn, Bích-chi-Phật  không thể tu được. Bấy giờ Phật biết tâm hạnh của các Tỳ-kheo bèn mỉm cười. Như pháp của chư Phật có các thứ ánh sáng đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, hồ thủy, từ miệng Phật phóng ra chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở lại vào trên đỉnh Phật.
Bấy giờ A-nan trịch áo vai bên phải, gối phải quỳ sát đất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nhân duyên gì nên mỉm cười, chư Phật chẳng vì không có nhân duyên mà cười.
Phật bảo A-nan: Tám trăm Tỳ-kheo ấy vào kiếp Tinh tú sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các Phật ấy đều có danh hiệu Tán Hoa. Chúng Tỳ-kheo Tăng, cõi nước thọ mạng đều

* Trang 725 *
device

đồng nhau, mỗi mỗi trải qua 10 vạn năm, xuất gia làm Phật. Khi ấy các cõi nước thường có mưa hoa trời năm sắc. Vì thế nên Bồ-tát muốn tu hạnh tối thượng hãy nên tu Bát-nhã ba-la-mật.
Phật bảo A-nan: Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ tu được Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, nên biết Bồ-tát ấy đã chết từ trong cõi người và sinh đến đây; hoặc chết ở cõi trời Đâu-suất lại sinh đến đây; hoặc ở trong cõi người, hoặc ở trên cõi trời Đâu-suất, khi ấy đã rộng nghe Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm. Này A-nan, ta thấy các Bồ-tát ấy tu được Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm.
Này A-nan! Nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nghe Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, thọ trì, đọc tụng, thân cận, nhớ nghĩ đúng, trở lại đem Bát-nhã ba-la-mật dạy người tu đạo Bồ-tát, nên biết Bồ-tát ấy từng đối diện trước Phật nghe Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm cho đến thân cận và gieo trồng căn lành ở chỗ Phật. Kẻ thiện nam người thiện nữ sẽ nghĩ rằng: Chúng ta chẳng phải gieo trồng căn lành đối với Thanh-văn, cũng chẳng từ Thanh-văn nghe Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm. Này A-nan! Nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, đọc tụng, thân cận, tu theo nghĩa, theo pháp, nên biết kẻ thiện nam người thiện nữ ấy mặt từng thấy Phật. Này A-nan, nếu có kẻ thiện nam người 

* Trang 726 *
device

thiện nữ nghe Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, tín tâm thanh tịnh không thể hoại, nên biết kẻ thiện nam người thiện nữ ấy từng cúng dường Phật, trồng căn lành, đắc ý với thiện tri thức.
Này A-nan! Ở nơi ruộng phước của chư Phật trồng căn lành, tuy không hư dối nhưng phải được Thanh-văn, Bích-chi-Phật và Phật mới được giải thoát, nên phải rõ ràng, sâu xa tu sáu Ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết chủng. Nếu Bồ-tát rõ ràng, sâu xa tu sáu Ba-la-mật cho đến trí Nhất thiết chủng, người ấy nếu trụ vào Thanh-văn, Bích-chi-Phật  đạo mà không chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời không có lẽ ấy. Thế nên A-nan! Ta đem Bát- nhã- ba-la mật phó chúc nơi ông, nếu ông thọ trì hết thảy pháp, trừ Bát-nhã ba-la-mật hoặc quên, hoặc mất, lỗi ấy nhỏ nhặt không có tội lớn. Nếu ông thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm nếu quên mất một câu, lỗi ấy rất lớn. Nếu ông thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, sau trở lại quên mất, tội ấy rất nhiều. Thế nên A-nan! Ta phó chúc nơi ông Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm ấy, ông hãy khéo thọ trì, đọc tụng cho thông suốt. Này A-nan! Nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, thời là thọ trì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.

* Trang 727 *
device

Này A-nan! Nếu kẻ thiện nam, người thiện nữ hiện tại, muốn cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường Ta hoa hương, anh lạc, hương bột, hương nước,[1] y phục, phan lọng, hãy nên thọ trì Bát-nhã ba-la-mật, đọc tụng, thuyết giảng, thân cận, cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường hoa hương cho đến phan lọng. Này A-nan! Cúng dường Bát-nhã ba-la-mật là đã cúng dường Ta và cúng dường chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nghe nói Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, tín tâm thanh tịnh cung kính, ưa thích, thời là đã tín tâm thanh tịnh cung kính, ưa thích chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Này A-nan! Ông ưa thích Phật không rời bỏ, nên ưa thích Bát-nhã ba-la-mật chớ rời bỏ. Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm cho đến một câu không nên quên mất.
Này A-nan! Ta nói nhân duyên phú chúc rất nhiều, nay chỉ lược nói: Như Ta là Thế Tôn; Bát-nhã ba-la-mật cũng là Thế Tôn. Thế nên có nhiều nhân duyên Ta phó chúc cho ông Bát-nhã ba-la-mật. Này A-nan! Nay Ta ở giữa hết thảy thế gian trời, người, A-tu-la mà phó chúc cho ông. Những ai muốn không bỏ Phật, không bỏ pháp, không bỏ tăng, không bỏ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại thời hãy cẩn thận chớ bỏ Bát-nhã ba-la-mật. Đó là điều Ta giáo hóa đệ tử. Nếu kẻ thiện nam, người
 

[1] T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 10, tr. 71c21-24: Xá-lợi-phất! nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn hành Bồ-tát đạo, viết chép, thọ trì tu học Bát-nhã ba-la-mật, phúng tụng, giữ gìn tu tập, hành các hạnh như vậy; vui thích cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, danh hương,  hương bột, hương nước, hương tạp, tràng phan, bảo cái làm những sự cúng dường như vậy; T. 8: Đạo hành Bát-nhã kinh (道行般若經), quyển 2, tr. 432a5-7.

* Trang 728 *
device

 thiện nữ thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, đọc tụng, giảng nói, nhớ nghĩ đúng, lại vì người khác mỗi mỗi nói rộng nghĩa ấy; khai thị, diễn giảng, phân biệt làm cho dễ hiểu, kẻ thiện nam, người thiện nữ ấy chóng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chóng gần Nhất thiết trí, vì sao? Vì từ trong Bát-nhã ba-la-mật xuất sinh Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật quá khứ, vị lai, đều từ trong Bát-nhã ba-la-mật xuất sinh. Nay Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật hiện tại ở phương Đông, Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên, dưới cũng từ Bát-nhã ba-la-mật xuất sinh. Thế nên các Bồ-tát muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hãy nên học Bát-nhã ba-la-mật, vì sáu Ba-la-mật là mẹ của Bồ-tát, xuất sinh các Bồ-tát. Nếu có Bồ-tát học sáu Ba-la-mật thời đều sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì thế nên Ta một lần nữa đem sáu Ba-la-mật phó chúc cho ông. Này A-nan! Sáu Ba-la-mật ấy là pháp tạng vô tận của chư Phật. Mười phương chư Phật hiện tại thuyết pháp đều từ pháp tạng sáu Ba-la-mật xuất sinh; chư Phật quá khứ cũng từ trong sáu Ba-la-mật tu học, được Vô thượng Chánh đẳng chánh giác; chư Phật vị lai cũng từ trong sáu Ba-la-mật tu học được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đệ tử của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều từ trong sáu Ba-

* Trang 729 *
device

la-mật tu học mà được diệt độ, đã được, nay được và sẽ được diệt độ.
Này A-nan! Ông là hạng Thanh-văn mà thuyết pháp khiến cho chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới đều chứng được quả A-la-hán, vẫn chưa phải là việc của đệ tử Ta; nếu ông đem một câu tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật dạy hàng Bồ-tát, thời là làm việc của đệ tử Ta, Ta cũng hoan hỷ hơn là dạy chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, khiến chứng được quả A-la-hán.
* Lại nữa, Này A-nan! Chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới chẳng trước, chẳng sau, cùng trong một lúc đều chứng được quả A-la-hán. Các A-la-hán ấy tu công đức bố thí, trì giới, thiền định, công đức ấy nhiều chăng? - A-nan thưa: Rất nhiều, bạch Thế Tôn! Phật dạy: Này A-nan! Chẳng bằng đệ tử đem pháp tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật giảng nói cho Bồ-tát cho đến chỉ một ngày, phước rất nhiều. Không kể một ngày, chỉ nửa ngày; không kể nửa ngày, chỉ khoảng một bữa ăn; không kể trong khoảng một bữa ăn, chỉ trong một lát giảng nói, phước kia rất nhiều, vì sao? Vì căn lành của Bồ-tát hơn hết thảy Thanh-văn, Bích-chi-Phật . Bồ-tát tự mình muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng khai thị giáo hóa lợi ích vui mừng cho người khác khiến

* Trang 730 *
device

được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này A-nan! Bồ-tát tu sáu Ba-la-mật, bốn niệm xứ cho đến trí Nhất thiết chủng như vậy, tăng ích căn lành, nếu không được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời không có lẽ ấy.
Khi nói phẩm Bát-nhã ba-la-mật, Phật ở trước bốn chúng đệ tử và trời, người, rồng, quỷ, thần, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già biến hóa thần thông khiến đại chúng đều thấy Phật A-súc, với chúng Tỳ-kheo Tăng vây quanh Phật nghe thuyết pháp, đại chúng nhiều như biển cả, đều là A-la-hán sạch hết lậu hoặc, không còn phiền não, đều được tự tại, được hảo giải thoát, tâm giải thoát, tuệ giải thoát; tâm kia điều hòa nhu nhuyến như voi lớn; việc cần làm đã làm xong, chóng được lợi mình, sạch hết các thứ kiết sử ba cõi, chánh trí, được giải thoát; được tự tại đối với hết thảy tâm tâm số pháp, và thành tựu vô lượng công đức của các Bồ-tát.
Bấy giờ Phật thu nhiếp thần túc, đại chúng không còn thấy Phật A-súc, hàng Thanh-văn, Bồ-tát và cõi nước kia cũng không còn đối hiện trước mắt, vì sao? Vì Phật đã thu nhiếp thần túc.
Bấy giờ Phật bảo A-nan: Hết thảy pháp không đối hiện trước mắt, pháp pháp không thấy nhau, pháp pháp không biết nhau; như Phật A-súc, đệ tử, Bồ-tát cõi nước không đối hiện trước 

* Trang 731 *
device

mắt. Như vậy, hết thảy pháp không đối hiện trước mắt, pháp pháp không thấy nhau, pháp pháp không biết nhau, vì sao? Vì hết thảy pháp không có biết, không có thấy, không có tác, không có động, không thể nắm bắt, không thể nghĩ bàn, như người huyễn hóa, không có thọ, không có giác, không có chơn thật. Bồ-tát tu như vậy là tu Bát-nhã ba-la-mật, cũng không nhiễm đắm các pháp. Bồ-tát học như vậy là học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn được các Ba-la-mật nên học Bát-nhã ba-la-mật, vì sao? Vì học như vậy là đệ nhất học, tối thượng học, vi diệu học. Học như vậy sẽ lợi ích, an vui cho thế gian, làm nơi cứu hộ cho người không ai cứu hộ. Ấy là sở học của chư Phật, chư Phật ở trong học ấy có thể dùng cánh tay phải cất ba ngàn đại thiên thế giới lên, đem để lại chỗ cũ mà chúng sinh ở trong đó không ai hay biết, vì sao? Vì chư Phật học Bát-nhã ba-la-mật được thí vô ngại, thấy pháp quá khứ, vị lai, hiện tại. Này A-nan! Bát-nhã ba-la-mật là tối tôn đệ nhất, vi diệu vô thượng giữa các môn học. Nếu có người muốn biết được bờ mé Bát-nhã ba-la-mật là không khác gì muốn biết được bờ mé hư không, vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không có hạn lượng, danh thân, cú thân, văn thân là có lượng; Bát-nhã ba-la-mật không có hạn lượng.
A-nan bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật vì sao không có hạn lượng?

* Trang 732 *
device

Phật bảo A-nan: Vì Bát-nhã ba-la-mật không có tận, không có cùng tận nên không có hạn lượng; vì Bát-nhã ba-la-mật lìa tướng nên không có hạn lượng. Này A-nan! Chư Phật quá khứ đều học Bát-nhã ba-la-mật ấy mà được độ, vì Bát-nhã ba-la-mật nên không cùng tận; chư Phật vị lai cũng học Bát-nhã ba-la-mật mà được độ, vì Bát-nhã ba-la-mật không cùng tận; mười phương chư Phật hiện tại đều học Bát-nhã ba-la-mật mà được độ, vì Bát-nhã ba-la-mật không cùng tận. Đã không tận, nay không tận, sẽ không tận. Này A-nan! Muốn tận Bát-nhã ba-la-mật chẳng khác gì muốn tận hư không. Bát-nhã ba-la-mật không thể tận; đã không tận, nay không tận và sẽ không tận. Thiền ba-la-mật cho đến Thí ba-la-mật không thể tận; đã không tận, nay không tận, sẽ không tận, cho đến trí Nhất thiết chủng cũng như vậy, vì sao? Vì hết thảy pháp đều vô sinh, nếu pháp vô sinh làm sao có cùng tận!
Bấy giờ, Phật hiện tướng lưỡi rộng dài bảo A-nan: Từ ngày nay nên ở giữa bốn chúng diễn rộng, mở bày, phân biệt Bát-nhã ba-la-mật, làm cho rõ ràng, dễ hiểu, vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, nói rộng các pháp tướng. Người cầu Thanh-văn, Bích-chi-Phật, người cầu Phật đạo đều nên học trong đó, học rồi đều được thành tựu. Này A-nan! Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm là cửa ngõ của hết thảy chữ, tu Bát-nhã baa

* Trang 733 *
device

-la-mật thậm thâm có thể vào môn đà-la-ni; các Bồ-tát học môn đà-la-ni ấy được biện tài lạc thuyết (nghĩa là tài biện luận vui vẻ, giảng nói và làm cho người nghe vui vẻ - ND). Này A-nan! Bát-nhã ba-la-mật là diệu pháp của chư Phật ba đời, thế nên Ta vì ông mỗi mỗi nói ra rõ ràng. Nếu có người thọ trì Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm, đọc tụng, thân cận, thời người ấy có thể thọ trì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật. Này A-nan! Ta nói Bát-nhã ba-la-mật là đôi chân của người tu; ông thọ trì Bát-nhã ba-la-mật đà-la-ni (Tổng trì) thời thọ trì được hết thảy pháp.
LUẬN: Hỏi: Trời Đế-thích cớ sao nghi lời mình nói rằng : Tôi nói là thuận theo pháp và đáp đúng đắn chăng?
Đáp: Trời Đế-thích chẳng phải là người Nhất thiết trí, tuy được đạo quả ban đầu mà ba độc tham, sân, si chưa hết, nên còn có sai lầm mà tự suy lường: Ta tuy có nhân duyên phước đức làm chúa tể chư thiên, tuy được ý vị của Thánh đạo mà chưa có Nhất thiết trí, hết thảy lậu hoặc chưa hết, nên nói ra có thể sai lầm, không tự giác tri, vì thế nên hỏi.
* Lại nữa, trong chúng có nhiều vị Bồ-tát chẳng thoái chuyển, vị A-la-hán sạch hết lậu hoặc và hàng chư thiên ly dục, thấy Phật và Tu-bồ-đề với trời Đế-thích cùng nhau vấn nạn tâm không khiếp nhược, liền nghĩ rằng: Trời Đế-thích lậu hoặc còn chưa hết, làm sao có

* Trang 734 *
device

thể vấn nạn đến cùng tận bờ mé các pháp. Vì việc ấy nên trời Đế-thích hỏi Phật.
* Lại nữa, trời Đế-thích tự biết mình nói các pháp tướng không có sai trái, cầu Phật ấn chứng khiến người nghe tin thọ, nên Phật liền chấp thuận.
Hỏi: Cớ gì Phật chấp thuận lời trời Đế-thích nói?
Đáp: Trời Đế-thích tuy chẳng phải là người Nhất thiết trí, nhưng vì thường theo Phật nghe pháp, có sức đọc tụng mạnh nên nói ra có lý, Phật bèn chấp thuận. Phật nói có ba thứ tuệ: văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Người có văn tuệ (śrutamayīprajñā), tư tuệ (cintāmayī prajñā) sáng suốt nên có thể cùng người có tu tuệ (bhāvanāmayī prajñā) vấn nạn; thí như có thuyền đi theo dòng nước, không tự dùng sức mà mau hơn đi bộ; như A-nan tuy chưa lìa dục, chưa được thiền định thâm sâu mà có thể cùng với Phật và các vị A-la-hán đã sạch hết lậu hoặc luận nghị, thuận theo pháp không trái.
Trời Đế-thích bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Tu-bồ-đề ưa nói về không, khéo nói về không, là bậc tối đệ nhất giữa hàng đệ tử Phật, có nói gì cũng đều hướng về không, vô tướng, vô tác; nghĩa là, nói pháp bốn niệm xứ cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều là nhân duyên hòa hợp rốt ráo không. Phật nói với trời Đế-thích: Tu-bồ-đề là người tu về “rốt ráo không”, đời đời tu tập, chẳng phải chỉ đời nay, ông ấy do pháp môn “không giải thoát” mà vào đạo, cũng lấy pháp môn ấy giáo hóa chúng sinh. Ông ấy nếu vào pháp “không” thâm diệu, còn không thấy các pháp, huống gì thấy có 

* Trang 735 *
device

người tu pháp ấy? Như kinh nói: Thí ba-la-mật không thể có được, huống gì người tu thí cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình. Tu-bồ-đề tu hạnh “không”, muốn so sánh với Bồ-tát tu hạnh “không”, trăm phần chẳng kịp một.
Hỏi: Pháp Không, Chúng sanh không, lại còn có cái gì không cùng tận mà nói trăm phần chẳng kịp một?
Đáp: Phật dạy: Trừ Phật ra, các Thanh-văn, Bích-chi-Phật  không có ai bằng Bồ-tát. Thật tướng các pháp có nhiều tên gọi, hoặc gọi là không, hoặc gọi rốt ráo không, hoặc gọi Bát-nhã ba-la-mật, hoặc gọi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, còn trong đây gọi thật tướng các pháp là Không hành. Như giữa hết thảy các đệ tử Thanh-văn, Tu-bồ-đề tu “không” hành hơn hết. Như vậy, trừ Phật, các Bồ-tát tu Không hành hơn Nhị thừa, vì sao? Vì trí tuệ có lợi độn mà thâm nhập có sâu cạn, nên tuy đều gọi là được thật tướng các pháp, nhưng người lợi căn thì được rõ ràng hơn. Thí như muốn phá bóng tối nên đốt đèn, lại có đèn lớn thời ánh sáng càng tỏ hơn. Nên biết, ngọn đèn trước tuy chiếu sáng nhưng bóng tối li ti không hết được; nếu hết được thời ngọn đèn sau trở thành vô dụng. Người tu về Không hạnh cũng như vậy, tuy đều được đạo, song vì trí tuệ có lợi độn nên vô minh có diệt hết và diệt không hết, duy chỉ có trí tuệ Phật mới diệt hết các vô minh.
* Lại nữa, hàng Thanh-văn, Bích-chi-Phật không có tâm từ bi, không có tâm độ sinh, không có ý nguyện nghiêm tịnh cõi Phật, không có vô lượng Phật pháp, không có chuyển pháp luân độ chúng sinh, cũng không

* Trang 736 *
device

vào Vô dư Niết-bàn cho đến không có tâm nguyện lưu lại giáo pháp để độ sinh; không có tâm ba đời độ sinh, là thời kỳ làm Bồ-tát, thời kỳ làm Phật và thời kỳ diệt độ, nên chẳng phải chỉ do tu Không hạnh mà bằng Bồ-tát được.
* Lại nữa, hàng Nhị thừa ngộ được “Không” còn có phân lượng; chư Phật, Bồ-tát không có phân lượng; giống như người khát uống nước sông, chẳng qua uống vừa đủ, vậy đâu được nói đều tu Không hạnh mà không thể có sai khác! Lại, như chỗ trống của lỗ chân lông, muốn đem so với lỗ trống giữa mười phương, không có lẽ ấy. Thế nên, Thanh-văn so với Phật và Bồ-tát ngàn vạn ức phần không kịp một. Phật phân biệt các lối tu Không hạnh ấy rồi bảo Đế-thích rằng: Nếu muốn tối thượng giữa hết thảy chúng sinh, nên tu Bát-nhã ba-la-mật. Trong đây, Phật tự nói nhân duyên: Bồ-tát học Không hạnh của Bát-nhã ba-la-mật vì không chấp thủ tướng không, nên hơn Nhị thừa, được vào pháp vô sinh nhẫn vào Bồ-tát vị. Vì vào Bồ-tát vị nên được đầy đủ Phật pháp. Phật pháp là Bồ-tát đạo, Bồ-tát đạo đầy đủ nên được trí Nhất thiết chủng; được trí Nhất thiết chủng nên gọi là Phật, người dứt các phiền não tập khí. Các việc ấy đều lấy Không hạnh làm gốc.
Hỏi: Niết-bàn là vô lượng, cớ sao nói Niết-bàn của Nhị thừa chứng được có lượng?
Đáp: Nói trí tuệ có phân lượng chứ không nói thật tánh các pháp có phân lượng. Không nghe nói thí dụ 

* Trang 737 *
device

nước lớn ư? Đồ đựng có lượng, chẳng phải nước có lượng.
* Lại nữa, lượng, vô lượng đối đãi nhau, đối với người phàm là vô lượng, đối với Phật đều lượng được hết. Ngang bấy nhiêu phần cho đến ngang bấy nhiêu phần là A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, còn lại bao nhiêu phần pháp tính rốt ráo khác là Phật.
Bấy giờ chư thiên ở trong hội chúng lấy hoa trời Mạn-đà-la rải lên Phật như trong kinh văn nói.
Hỏi: Hoa cúng dường Phật và Tăng, cớ sao 800 Tỳ-kheo đây chỉ lấy cúng dường Phật?
Đáp: Hoa của chư thiên rải, các Tỳ-kheo được phần hoa rơi trên áo mình, thấy sắc hương của nó rất tuyệt diệu, nhân đó phát tâm đem cúng dường Phật, bạch rằng: Tôi từ nay sẽ tu hạnh vô thượng ấy, nghĩa là tu rốt ráo không, vô tướng, vô tác, vì độ hết thảy chúng sinh, nên hàng Nhị thừa không sánh kịp như Phật đã nói.
Bấy giờ Phật mỉm cười như đã nói trong phẩm “Hằng-già-đề-bà”,[1] 800 Tỳ-kheo ấy là thiện tri thức của nhau, hạnh đồng, tâm đồng, đời đời cùng nhau tu tập công đức nên cùng một lúc được làm Phật, đồng một danh hiệu. Do lấy hoa trời năm sắc cúng Phật nên trong cõi nước thường mưa hoa trời Mạn-đà-la đủ năm sắc. Phật nhân việc ấy tán thán Bát-nhã rằng: Người muốn hành đạo Bồ-tát tối thượng, hãy hành Bát-nhã ba-la-mật.
 

[1] Đại trí độ luận, quyển 75, Giải thích phẩm hà thiên thứ 59, tr. 591 c14-22:  Hỏi: Cớ gì tên là Hằng-già-đề-bà? Đáp: Tất cả đều có tên gọi để mà biết, cần gì tìm hiểu nó. Có người nói người nữ ấy do cha mẹ cúng dường thần Hằng-già nên đặt tên Hằng-già-đề-bà. Hằng-già là tên sông; Đề-bà nghĩa Trời. Người nữ ấy có nhân duyên phước đức sinh vào nhà giàu, nghe giảng Phật pháp, tin vui, nên dùng hoa báu, vàng bạc, chỉ vàng dệt thành áo thượng hạ và đồ anh lạc trang nghiêm nơi thân mình dùng để cúng dường Phật. Phật đáp lại bằng cách thọ ký cho và vì xem thấy sở hành đời trước của người nữ ấy nên mỉm cười. Vì nhân duyên nhỏ mà phát khởi đại sự nên Phật mỉm cười.

* Trang 738 *
device

Này A-nan! Nếu có kẻ thiện nam tu Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm ấy, nên biết người ấy đến từ trong nhân đạo, hoặc từ trên cõi trời Đâu-suất, vì cớ sao? Vì trong ba đường ác tội khổ nhiều, không tu Bát-nhã thậm thâm được. Trời ở cõi Dục say đắm năm dục tịnh diệu tâm cuồng hoặc, không thể tu, trời cõi Sắc đắm say hương vị thiền định nên không thể tu; cõi Vô sắc không có hình tướng nên không thể tu; quỷ thần có đạo nhãn, căn lợi, vì bị phiền não che tâm nên không thể chuyên tu Bát-nhã thậm thâm; chỉ trong nhân đạo khổ ít hơn ba đường ác, vui không bằng chư thiên; các căn mắt, tai... ô trược nặng nề, thân phần nhiều thuộc địa đại, nên có thể chế phục ý khổ vui mà thực hành Bát-nhã. Trên trời Đâu-suất thường có vị Bồ-tát còn một đời bổ xứ làm Phật, chư thiên cõi trời kia thường nghe Bồ-tát ấy thuyết Bát-nhã nên cái vui ngũ dục tuy nhiều, mà có pháp lực mạnh hơn; thế nên nói đến từ hai nơi; hoặc đến từ cõi Phật ở phương khác hoặc đến từ cõi này, nơi có Bát-nhã ba-la-mật.
* Lại nữa, A-nan! Nếu có người cầu Phật đạo, có thể hỏi, có thể tin, thọ trì, cho đến nhớ nghĩ đúng, nên biết người ấy Phật thường dùng Phật nhãn trông thấy. Người ấy nên nghĩ rằng: chúng ta trực tiếp theo Phật thọ trì, theo Phật phát tâm, gieo trồng căn lành, chứ không từ nơi Nhị thừa. Này A-nan! Nếu có người tín tâm thanh tịnh không thể phá hoại, nên biết người ấy từng cúng dường vô lượng chư Phật, được thiện tri thức thủ hộ, nên có thể thọ trì.

* Trang 739 *
device

Hỏi: Phật cũng gọi là báu, cũng gọi là ruộng phước vô thượng; nếu người theo Phật trồng căn lành, chắc chắn do pháp ba thừa mà vào Niết-bàn không hư dối; như trong kinh Pháp Hoa nói: Có người hoặc lấy một cành hoa, hoặc lấy ít hương cúng dường Phật, cho đến một lần xưng “Nam-mô Phật”. Những người như vậy đều sẽ thành Phật.[1] Nếu như vậy có người nghĩ rằng: Chỉ cần tu năm Ba-la-mật, khi muốn làm Phật mới quán Không, cần gì thường tu Bát-nhã ba-la-mật khó biết, khó được Không hạnh?
Đáp: Do việc ấy nên Phật tự đáp với A-nan: Nơi ruộng phước của Phật tuy không hư dối nhưng cần phải được pháp ba thừa vào Niết-bàn, phải nên rõ ràng tu sáu Ba-la-mật cho đến rõ ràng tu trí Nhất thiết chủng, mới chóng được Phật đạo, chịu khổ sinh tử không còn lâu. Bát-nhã có công đức, lợi ích như vậy nên cần phải học .
Này A-nan! Vì Bát-nhã có công đức, lợi ích như vậy nên ta phó chúc cho ông.
Hỏi: Phật không có tham gì, cho đến trí Nhất thiết chủng, Phật được giải thoát vô ngại, thanh tịnh vi diệu, đối với Phật pháp còn không tham, cớ gì lại đem Bát-nhã ba-la-mật ân cần phó chúc cho A-nan, như tuồng có tham kiết ?
Đáp: Chư Phật vì lợi ích chúng sinh nên xuất hiện ở đời, hiện đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình, có hào quang vô lượng, biến hóa thần túc đều vì chúng
 

[1] T. 9: Diệu pháp liên hoa kinh (妙法蓮華經), quyển 1, phẩm phương tiện, tr. 9a10-25: hoặc có người đối với tháp miếu, đối với tượng báu, tượng vẽ, dùng hoa hương, phan lọng đem tâm cung kính để cúng dường. Hoặc khiến người khác trổi nhạc, đánh trống, thổi còi, tổi ốc, thổi ống tiêu, ống địch, đờn cầm, đờn không hầu, đờn tỳ bà, não bạc. Các âm nhạc như vậy dùng để cúng dường, hoặc với tâm hoan hỷ, ca ngâm khen ngợi công đức của Phật, cho đến một tiếng nhỏ, cũng đều thành Phật đạo. Hoặc người tâm tán loạn, cho đến dùng một cành hoa cúng dường nơi tượng vẽ, cũng lần lượt thấy vô số Phật. Hoặc có người lễ bái, hoặc chỉ chấp hai tay, cho đến đưa một tay, hoặc chỉ hơi cúi đầu để cúng dường tượng Phật thì cũng lần lượt thấy vô số Phật, tự thành vô thượng đạo, rộng độ vô số người mà vào Vô dư niết-bàn, như củi hết lửa tắt. Ngay cả người tâm tán loạn, đi vào trong tháp miếu, một lần xưng Nam mô phật, đều đã thành Phật đạo.”; Saddharmapuṇḍarīka sūtra, upāyakauśalyaparivartaḥ, tr. 36-37: dhātūṣu yaiścāpi tathāgatānāṁ stūpeṣu vā mṛttikavigraheṣu vā| ālekhyabhittīṣvapi pāṁsustūpe puṣpā ca gandhā ca pradatta āsīt (89). Vādyā ca vādāpita yehi tatra bheryo’tha śaṅkhāḥ paṭahāḥ sughoṣakāḥ| nirnāditā dundubhayaśca yehi pūjāvidhānāya varāgrabodhinām (90). Vīṇāśca tālā paṇavāśca yehi mṛdaṅga vaṁśā tuṇavā manojñāḥ| ekotsavā vā sukumārakā vā te sarvi bodhāya abhūṣi lābhinaḥ (91). Vādāpitā jhallariyo’pi yehi jalamaṇḍakā carpaṭamaṇḍakā vā| sugatāna uddiśyatha pūjanārthaṁ gītaṁ sugītaṁ madhuraṁ manojñam (92). Sarve ca te buddha abhūṣi loke kṛtvāna tāṁ bahuvidhadhātupūjām| kimalpakaṁ pi sugatāna dhātuṣu ekaṁ pi vādāpiya vādyabhāṇḍam (93). Puṣpeṇa caikena pi pūjayitvā ālekhyabhittau sugatāna bimbān| vikṣiptacittā pi ca pūjayitvā anupūrva drakṣyanti ca buddhakoṭyaḥ (94). Yaiścāñjalistatra kṛto’pi stūpe paripūrṇa ekā talasaktikā vā| unnāmitaṁ śīrṣamabhūnmuhūrta-mavanāmitaḥ kāyu tathaikavāram (95). Namo’stu buddhāya kṛtaikavāraṁ
yehī tadā dhātudhareṣu teṣu| vikṣiptacittairapi ekavāraṁ te sarvi prāptā imamagrabodhim (96). 

* Trang 740 *
device

sinh. Đều làm lợi ích cho chúng sinh nhất không gì hơn Bát-nhã ba-la-mật, vì có thể dứt hết các khổ. Bát-nhã ba-la-mật nhân nơi ngữ ngôn, văn tự, chương cú mà có thể hiểu được nghĩa nó, thế nên Phật đem quyển kinh Bát-nhã ân cần phó chúc cho A-nan.
* Lại nữa, có người thấy Phật ân cần phó chúc nói rằng : Đại sự Phật đã làm xong, còn tôn trọng Bát-nhã, như vậy pháp ấy chắc chắn tôn quí mầu nhiệm; thí như trưởng giả giàu lớn, khi sắp mệnh chung đem bảo vật trao cho con, riêng ngọc báu Như ý thời ân cần phó chúc rằng: Ngươi chớ cho thứ châu báu này không có màu sắc nhất định, chất như hư không, nhiệm mầu khó biết mà không thủ hộ; nếu các vật báu khác mất có thể được, còn châu báu này không thể để mất. Vị trưởng giả giàu lớn là Phật, đem châu báu Bát-nhã ba-la-mật phó chúc cho A-nan: Ông khéo giữ gìn, thủ hộ, đừng để mất. Ngoại trừ Bát-nhã ba-la-mật, 12 bộ kinh tuy đều mất hết, lỗi ấy còn ít, nếu mất một câu Bát-nhã, lỗi ấy rất nhiều, vì sao? Vì pháp tạng Bát-nhã thậm thâm là mẹ của ba đời mười phương chư Phật, hay khiến người mau đạt đến Phật đạo, như trong kinh nầy nói: Ba đời chư Phật đều từ Bát-nhã mà được,[1] cho đến vì hàng Thanh-văn thuyết pháp, trong ấy đều là việc tán thán Bát-nhã.
Hỏi: Thuyết pháp làm cho chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới đều được thành A-la-hán, tại sao không bằng đem một câu Bát-nhã dạy cho Bồ-tát?
Đáp: Việc ấy trước đã đáp rồi, nay sẽ lược nói: Chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới tuy đều
 

[1] Prajñāpāramitāhṛdaya sūtra: tryadhvavyavasthitāḥ sarvabuddhāḥ prajñāpāramitāmāśritya anuttarāṃ samyaksaṃbodhimabhisaṃbuddhāḥ; T. 8: Ma-ha Btá-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 14, phẩm vấn tướng thứ 49 )〈問相品第49), tr. 326 a11-12, quyển 27, phẩm pháp thượng thứ 89 (法尚品第89), tr. 423c19-20; T. 8: Phóng quang Bát-nhã kinh (放光般若經), quyển 11, phẩm vân stướng thứ 50 (問相品第50), tr. 78a22-26; Đại trí độ luận , quyển 18, tr. 190c19-20.

* Trang 741 *
device

được thành A-la-hán mà chỉ tự độ mình, không nhằm làm Phật; nếu nói một câu Bát-nhã, người nghe sẽ được làm Phật. Như người trồng nhiều cây có nhiều quả, chẳng bằng một người trồng một cây Như ý, tùy sở nguyện của người đều được như ý.[1]
Trong pháp nói cho hàng Thanh-văn  không có đại từ bi, trong pháp Đại thừa, một câu tuy ít mà có tâm đại từ bi. Trong pháp Thanh-văn  đều vì lợi mình, trong pháp Đại thừa rộng vì chúng sinh; trong pháp Thanh-văn không có tâm muốn biết rộng các pháp, chỉ muốn mau lìa khổ già, bệnh, chết; trong pháp Đại thừa muốn mỗi mỗi rõ ràng biết hết thảy pháp; trong pháp Thanh-văn công đức có hạn lượng; trong pháp Đại thừa bao gồm hết các công đức không có bỏ sót. Đại tiểu sai khác nhau như vậy; thí như kim cương tuy nhỏ song có thể hơn tất cả châu báu, chẳng được nói ít không bằng nhiều. Phước đức của các vị A-la-hán trong ba ngàn đại thiên thế giới so với đem một câu Bát-nhã dạy cho Bồ-tát trong một ngày, cho đến trong giây lát, phước kia rất nhiều. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Bồ-tát tự muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng dạy người khiến được; tự tu sáu Ba-la-mật, cũng dạy người tu. Bồ-tát có hai công đức như vậy mà không thành Phật đạo, thì không có lẽ ấy.
Bấy giờ Phật muốn làm rõ việc ấy nên dẫn chứng, cũng muốn chứng hết thảy pháp không (sarvadharma-śūnyatā), không đắm trước hết thảy pháp không ấy, mà chỉ vì thương xót hết thảy chúng sinh nên phó chúc cho A-nan. Như Phật A-
 

[1] Đại trí độ luận, quyển 60, tr. 484 c7-16, quyển 77, tr. 599b10-20.

* Trang 742 *
device

súc và đại chúng trang nghiêm không đối hiện trước mắt, hết thảy pháp không đối hiện trước mắt cũng như vậy. Pháp mà mắt thịt, mắt trời trông thấy đều là pháp tác vi hư dối không thật; còn pháp mà mắt tuệ, mắt pháp, mắt Phật trông thấy đều là pháp vô tướng, vô vi nên không thể thấy; nếu không thể thấy cũng không thể biết.[1] Pháp không tác vi cũng như vậy. Chúng hội Phật A-súc được trông thấy đều như huyễn, như mộng. Quán các pháp được như vậy gọi là Bồ-tát tu Bát-nhã, gọi là không đắm trước. Điều Phật phó chúc cũng không đắm trước, chỉ vì tâm đại từ bi nên tán thán Bát-nhã. Tướng hết thảy pháp tuy không thể nghĩ bàn, song vì lợi ích chúng sinh nên tán thán rằng: Học như vậy là học Bát-nhã; nếu muốn được hết thảy Ba-la-mật nên học Bát-nhã ba-la-mật như kinh đã nói rộng.
Phật dùng nghĩa vô lượng tán thán Bát-nhã, trí tuệ Phật không thể cùng tận, công đức Bát-nhã cũng không thể cùng tận, vì sao? Vì tướng Bát-nhã ba-la-mật không có hạn lượng; danh từ, ngôn ngữ, chương cú, quyển số có hạn lượng như các câu chữ trong các quyển kinh Tiểu phẩm Bát-nhã, Phóng quang Bát-nhã, Quang tán Bát-nhã v.v... có hạn lượng, còn nghĩa lý Bát-nhã không có hạn lượng. A-nan hỏi: Tại sao Bát-nhã không có hạn lượng? - Phật đáp: Vì Bát-nhã tự lìa tướng, lìa tướng nên từ trước lại đây không sinh không nhóm; không sinh không nhóm nên không tận không diệt. Trong đây Phật tự nói nhân duyên: Vô lượng vô số chư Phật và đệ tử quá khứ dùng Bát-nhã ba-la-mật chiếu sáng mười phương, độ vô lượng chúng sinh đều vào Vô
 

[1] Xem Đại trí độ luận, quyển 7, tr. 112b16-c6, quyển 67, tr. 530a1-b3, quyển 39, tr. 347a6-348c5.

* Trang 743 *
device

dư Niết-bàn, vì Bát-nhã ba-la-mật nên không cùng tận; chư Phật vị lai, hiện tại cũng như vậy. Thí như có người muốn đi cùng tận hư không, hư không không thể cùng tận, công đức của Bát-nhã ba-la-mật, cho đến trí Nhất thiết chủng cũng như vậy, đã không tận, nay không tận sẽ không tận. Có người biết quá khứ không cùng tận, nhưng cho vị lại, hiện tại có cùng tận, thế nên nói ba đời không thể cùng tận, vì sao? Vì các pháp vốn vô sinh, làm sao cùng tận! Phật biết Bát-nhã ba-la-mật là không cùng tận, nhưng vì danh tự, ngôn ngữ, chương cú có cùng tận nên phó chúc. Như người đem bình dầu thơm phó chúc cho đệ tử, tuy không phải vì tiếc cái bình mà chỉ vì để giữ gìn dầu thơm. Ngôn ngữ, văn tự hay giữ gìn nghĩa lý cũng như vậy; nếu mất ngôn ngữ, văn tự thời nghĩa lý chẳng còn.
Bấy giờ Phật vì người tín thọ Bát-nhã, nên hiện tướng lưỡi dài phủ lên mặt, hỏi A-nan rằng: Ta nay ở giữa bốn chúng phó chúc Bát-nhã cho ông, ông hãy vì chúng sinh giải nói, hiển bày, phân biệt, làm cho dễ hiểu.
Sở dĩ hiện tướng lưỡi rộng dài là theo tướng pháp của thế gian. Lưỡi có thể phủ lên mũi là tướng không vọng ngữ, huống gì phủ lên mặt, thế nên Phật chỉ cho chúng sinh rằng: Thân ta từ cha mẹ sinh ra đã có tướng lưỡi ấy, nay muốn đem Bát-nhã ba-la-mật khiến ông tin hiểu, vì các ông chưa được Nhất thiết trí, không thể biết khắp, vì muốn khiến các ông tin nên hiện tướng lưỡi, chứ chẳng phải dùng thần thông hiện ra. 

* Trang 744 *
device

Phật đối với pháp thâm thâm, trí tuệ, thiền định còn không đắm trước, huống gì tám pháp thế gian (lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, đắc, thất - ND), vì cái lợi cúng dường mà lại làm việc hư dối! Ở giữa hết thảy pháp như chim bay giữa hư không không bị chướng ngại. Phật chỉ vì bản nguyện độ sinh, tâm đại bi thương xót hết thảy nên đem cái lợi đệ nhất là Bát-nhã ba-la-mật, ân cần phó chúc cho ông.
* Lại nữa, A-nan! Người tu Bát-nhã ba-la-mật thậm thâm có thể vào môn Đà-la-ni (dhāraṇī) Văn tự, nhân nơi một chữ mà liền chứng nhập rốt ráo không (atyanta-śūnyatā), nên gọi là Đà-la-ni Văn tự. Như các văn tự đều từ Bát-nhã ba-la-mật mà có được;[1] ngoài ra như Văn trì Đà-la-ni (là nghe được rồi, giữ gìn không mất - ND) v.v... cũng đều do Bát-nhã ba-la-mật mà có được. Bồ-tát có được Pháp Đà-la-ni rồi, được môn biện tài như đã nói trước, trải vô lượng vô số kiếp nói một câu, một nghĩa mà không bao giờ hết; ấy gọi là chơn pháp của chư Phật ba đời, lại không có pháp khác.
* Lại nữa, A-nan! Bát-nhã là diệu pháp của ba đời mười phương chư Phật; như thành chỉ có một cửa, người bốn phương đi đến không có cửa khác đi vào. Này A-nan! Ta nay vì ông mỗi mỗi nói rõ ràng: Nếu có người thọ trì Bát-nhã, chẳng phải chỉ thọ trì pháp Ta, mà cũng thọ trì Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật ba đời. Này A-nan! Nơi nơi Ta đều nói Bát-nhã ba-la-mật là đôi chân của hành giả, vì cớ sao? Vì Bồ-tát được Bát-nhã thời có thể hành đạo Bồ-tát. Này A-nan! Ông
 

[1] Đại trí độ luận, quyển 28, chương 40: giải thích sáu thần thông, tr. 268 a23-29: Lại nữa, có Đà-la-ni lấy b?n muoi hai chữ (dvacatvari?sad ak?ara) mà thu nhiếp hết tất cả ngôn ngữ danh tự. Những gì là b?n muoi hai chữ? Đó là A-la-ba-giá-na v.v..., A-đề (Bàn-đầu), A-nậu-ba-nại (Bất sanh) (adi-anutpanna). Vị Bồ-tát tu hành Đà-la-ni nghe chữ “A” ấy, liền vào tất cả pháp ban đầu chẳng sanh. Các chữ như vậy, chữ theo chỗ nghe, điều vào trong thật tướng hết thảy các pháp. Ấy gọi là Tự nhập môn đà-la-ni-(Ak?aramukhapravesadhara?i); quyển 48(tr. 407c10-409c24, quyển 42, tr. 366c27-367a6.

* Trang 745 *
device

được Bát-nhã Đà-la-ni (prajñā-dhāraṇī) nên có thể giữ gìn hết thảy Phật pháp.
Hỏi : Do sức Văn trì Đà-la-ni nên có thể giữ gìn, cớ sao lại nói có được Bát-nhã nên có thể giữ gìn hết thảy Phật pháp?
Đáp: Văn trì Đà-la-ni có thể giữ gìn pháp có số lượng, Đà-la-ni thế gian cũng có, như Tu-thi-ma ngoại đạo cũng được Văn trì Đà-la-ni, tuy được trong ít lúc, lâu ngày quên mất, còn từ Bát-nhã được Đà-la-ni thời thọ trì rộng rãi các pháp, không bao giờ quên mất, đó là chỗ sai khác.
Hỏi : Bát-nhã là Ba-la-mật, cớ gì còn gọi là Đà-la-ni?
Đáp: Thật tướng các pháp là Bát-nhã có nhiều lợi ích, được chúng sinh ái niệm, nên có nhiều danh xưng; như Phật có mười hiệu. Văn tự Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, hay dẫn đến bờ mé hết thảy trí tuệ, nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát tu Bát-nhã được thành Phật, đổi lại gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; như ở trong tâm Tiểu thừa thời chỉ gọi là Ba mươi bảy pháp trợ đạo, ba cửa giải thoát; nếu người muốn được nghe rồi không quên, thời ở trong tâm người ấy gọi là Đà-la-ni. Thế nên Phật nói thí dụ ngọc Như ý, tùy theo màu sắc của vật ở trước nó mà thay đổi tên gọi. Phật nói mỗi mỗi công đức của Đại Bát-nhã cũng như vậy.
(Hết cuốn 79 theo bản Hán)

* Trang 746 *
device

Xem mục lục