Một chủ đề nổi trội của tư tưởng Phật giáo là lòng vị tha đặt nền trên bi mẫn và tình thương. Nhưng ai mà không cảm thấy nó ? Tín đồ, không phải tín đồ, tất cả chúng ta đều tin vào giá trị của tình thương. Không có tình thương của cha mẹ, ngay từ buổi bình minh cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ ra sao ? Và khi già lão, chúng ta lại rất cần đến sự chăm lo của những người khác. Trong trường hợp nào, chúng ta cũng nhờ ơn họ. Giữa tuổi nhỏ và tuổi già, có một thời kỳ tương đối tự chủ, và bởi vì lúc ấy người ta có thể bỏ qua những người khác, người ta thấy không ích lợi gì tỏ ra tốt với họ. Đó là một tính toán sai lầm. Những người có lòng lân mẫn thì bên trong sung sướng hơn, bình an hơn, yên tĩnh hơn, và khi tiếp xúc với họ, người ta có khuynh hướng biểu lộ thái độ tương tự. Sự giận dữ phá hoại hòa bình bao nhiêu, thì tình bạn, sự tin cậy, tình thương làm gần gũi và hòa hợp bấy nhiêu. Đó là giá trị bao la của lòng tốt và lòng bi mẫn, những phẩm chất quý giá vô ngần trong tất cả.
Trí thông minh phức tạp của trí óc con người đã cho phép chúng ta thực hiện nhiều tiến bộ lớn lao trên bình diện vật chất. Nếu chúng ta duy trì một thế quân bình tốt giữa phát triển bên ngoài và sự trưởng thành bên trong, chúng ta có thể thành tâm thiện ý khai thác những ưu thế này và hưởng thụ sự tiến bộ vật chất mà không hy sinh nhân loại của chúng ta.
Trong lãnh vực này, lòng bi và lòng vị tha có một phần rất quan trọng. Thế nên tôi muốn đưa cho các bạn vài chỉ dẫn về những phương pháp tu hành như người ta thực hành chúng trong Phật giáo.
Thái độ hành xử mà tôi muốn nói khi có sự chọn lựa giữa chúng ta và những người khác, khi quý chuộng sự ích lợi của người khác hơn của chúng ta. Nhưng quên mình đi không phải là một vận động tự nhiên, phải thực tập nó.
Để có được kết quả ấy, có hai kỹ thuật chính. Kỹ thuật thứ nhất gọi là “làm bằng nhau và chuyển đổi tôi với những người khác”, không nhờ vào lý thuyết tái sanh. Nhưng trường hợp kỹ thuật thứ hai thì không phải vậy, và sắp được đề cập sau đây. Nó có tên là “bảy giáo huấn chính yếu về nhân và quả”.
Để cảm thấy thực sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác, phải có căn bản vị tha, nghĩa là quyết tâm giúp đỡ những người khác. Trạng thái tâm thức ít phổ biến này được kích thích bởi một tình cảm bi mẫn sâu xa, một sự lo âu về đau khổ của những người khác và mong muốn chữa lành cho họ. Lòng bi mẫn chỉ có sức mạnh khi được chuyên chở bởi tình thương. Yêu thương đến mức mà sự khổ đau của người khác đối với các bạn là không thể chịu đựng được, đến mức tìm thấy vẻ dễ thương quyến rũ nơi mỗi con người, tâm niệm hạnh phúc của người khác như một người mẹ tâm niệm hạnh phúc của đứa con độc nhất. Nhưng chỉ khi nào lòng tốt của người khác trở nên rõ ràng chúng ta mới bắt đầu thương yêu người khác theo cách đó. Thế nên trước tiên cần tập luyện để nhận ra lòng tốt ấy ở nơi người đã chứng tỏ nó cho chúng ta trong suốt đời mình, rồi mở rộng tiếp theo cho cái tình cảm biết ơn đã thức dậy trong chúng ta. Tổng quát, người mà chúng ta xem như kiểu mẫu của lòng tốt là mẹ chúng ta, bởi vì không ai gần gũi chúng ta hơn và tận tâm hơn bà.
Vậy chúng ta sắp bắt đầu tiến trình của loại thiền định này bằng cách nhận ra rằng những người khác không khác chút gì với mẹ ruột của chúng ta.
Trong những giai đoạn của sự tu hành có bảy điểm này gồm :
1. Nhận ra mẹ mình nơi mọi chúng sanh.
2. Thâm nhập vào lòng tốt của người khác.
3. Duy trì một tình cảm biết ơn với họ. Rồi phát triển :
4. Tình thương.
5. Lòng bi mẫn.
6. Thái độ phi thường.
7. Ý định vị tha đạt đến giác ngộ.
Vì ở đây liên quan đến nguyên lý tái sanh trong nhiều kiếp, một dấu ngoặc cần có cho chủ đề này. Cái cho phép chứng minh nền tảng vững chắc của những kiếp tái sanh là phân tích rốt ráo, thì tâm thức là cái gì thuần túy sáng tỏ và hiểu biết, chỉ có thể bắt nguồn từ một khoảnh khắc trước đó của tâm thức, từ một thực thể hiện hữu trước của tánh sáng tỏ và hiểu biết. Vật chất không thể là nguyên nhân chất thể của nó được. Biết rằng nó sinh ra từ một khoảnh khắc của tâm thức trước đó, người ta không thể nói có sự bắt đầu trong dòng tâm thức. Như thế, nhìn nó một cách toàn bộ hay ở mức độ vi tế nhất của nó, tâm thức không bắt đầu cũng không chấm dứt. Đó là điều đặt nền cho luận đề về tái sanh.
Từ vô thủy, trong dòng tái sanh vô tận, mỗi chúng sanh hòa hợp với cảnh giới hiện hữu của các bạn, thiết lập với các bạn một tương quan hoàn toàn giống như mối liên hệ nối kết các bạn với người mẹ các bạn trong đời này. Đó là điều phải nên tin. Nhưng điều đó đòi hỏi sự thực tập tính bình đẳng trước đó.
Để có kết quả ấy, các bạn sẽ bắt đầu bằng nhận xét rằng chúng ta thường xếp loại người khác vào ba phạm trù chính : bạn, thù, và người xa lạ. Đối diện với họ chúng ta có ba thái độ : thích, ghét, và thản nhiên. Khi nào ba cách này còn ngự trị, không thể làm sanh khởi một trạng thái tâm thức vị tha. Vậy cần phải trung lập hóa luyến ái, thù nghịch và thản nhiên.
Sự suy nghĩ về tái sanh tỏ ra đặc biệt hiệu quả về chuyện này : bởi vì dòng tương tục đời sống không có khởi thủy, không có giới hạn cho con số lần sanh ra của chúng ta. Vậy không gì cho phép chúng ta tin rằng những bạn bè chúng ta hôm nay mãi mãi là bạn bè, cũng như kẻ thù của chúng ta hiện giờ tất yếu đã là kẻ thù trong quá khứ. Ngay trong cuộc đời này, những đối thủ ngày xưa nằm trong số bạn hiện giờ của chúng ta, trong khi một số bạn ngày xưa lại ở trong số đối thủ hôm nay. Vậy phải dừng lại ý nghĩ rằng một người nào là đặc biệt thân thiết trong khi một người khác thì vĩnh viễn thù nghịch.
Công việc tư duy này sẽ xóa bỏ không những các thành kiến làm cho chúng ta xếp những bạn bè vào một phía, những người thù địch vào phía kia, mà còn xóa bỏ thương mến và thù ghét liên tục nảy sinh từ loại phân biệt này.
Một cách thực hành, sự thực tập cốt ở tưởng tượng trước mặt mình ba con người : một người bạn, một kẻ thù và một người xa lạ. Khi quan sát họ, các bạn hãy nghĩ rằng không có gì bảo đảm cho bạn là mỗi người trong họ sẽ đối xử không thay đổi theo cách hiện đang làm cho bạn thích hay không thích. Trong sự tham thiền này, nên nghĩ đến những người mà bạn biết, nếu không hình ảnh sẽ mơ hồ kéo theo một sự thay đổi thái độ khi áp dụng nó cho những người cụ thể. Dần dần, các bạn sẽ cảm thấy sự thản nhiên đối với họ, và cuối cùng sự thản nhiên bình đẳng sẽ dần mở rộng đến những người khác.
Khi bước này đã được vượt qua, giai đoạn tiếp theo là suy nghĩ về sự kiện, suốt dòng sanh tử vô cùng trong một tiến trình không có khởi thủy, mỗi một chúng sanh chắc chắn đã từng là người bạn tốt nhất hay là cha mẹ của các bạn trong những kiếp liên tục ấy. Trên căn bản thấu hiểu điều này, các bạn sẽ dần dần xem mọi chúng sanh là những người bạn.
Bấy giờ nghĩ đến bằng lòng tốt thế nào họ đã đối xử với bạn khi còn là cha mẹ của bạn – hay thường là những người bạn tốt của bạn – che chở bạn với sự chăm lo, hoàn toàn giống như cha mẹ bạn hiện giờ đã làm khi bạn còn nhỏ. Bởi vì tất cả, trong một đời nào đó, đã biểu lộ một lòng tốt như nhau đối với bạn – lòng tốt đó dầu hiện thời hay ngày xưa không thành vấn đề –, vậy tất cả đều tốt như nhau.
Và dầu khi các bạn không phải là con cái của họ, các bạn cũng đã được hưởng thụ lòng tốt của họ, bởi vì chính trong những mối tương quan của chúng ta với những người khác mà phần lớn những phẩm tính của chúng ta bừng nở. Tôi sẽ trở lại điều này ở phần sau với sáu ba la mật mà sự thực hành hầu như hoàn toàn dựa vào người khác.
Cũng như thế đối với sự thực hành tiên khởi của giới luật và sự ngăn cấm mười hành động bất thiện : giết hại, trộm cắp, ngoại tình, nói dối, phỉ báng, nói lời hung ác, lời nói vô ích, tham lam, ác tâm và những quan niệm sai lầm. Những cư xử này đa số đều liên quan đến những người khác. Hơn nữa, những tiện nghi vô số chúng ta hưởng thụ trong đời này, những kiến trúc đẹp đẽ, những con đường… không phải do người khác làm ra sao ? Cuối cùng, để đạt đến giác ngộ, nhẫn nhục là một yếu tố quyết định. Vậy thì chính trong sự tiếp xúc với kẻ thù mà người ta có cơ hội áp dụng nó. Bởi vậy, những người thù nghịch là những con người quý giá.
Nhìn mọi mặt, ngay cả khi họ hăng say đặc biệt chống lại chúng ta, những đối thủ hung dữ nhất của chúng ta cũng tỏ ra một lòng tốt đối với chúng ta, vì lý do giản dị là họ đang cho chúng ta nhiều cơ hội để học lòng khoan dung và nhẫn nhục. Một vị thầy tâm linh hay cha mẹ của chúng ta không bao giờ có những thử thách gay gắt như vậy với chúng ta. Chỉ duy nhất khi đối mặt với những tấn công của kẻ thù mà người ta có được lòng can trường. Ngay cả họ còn dạy cho chúng ta có sức mạnh nội tâm, sự can đảm, tính cương quyết. Bằng cách bắt ép chúng ta phải tháo sạch những sự kiêu hãnh của chúng ta, họ cho phép chúng ta gần với sự thực hơn.
Thế nên, trong thực hành vị tha, người ta không đối xử với những thù địch của mình một cách thản nhiên, người ta thương mến họ hơn ai hết, và thay vì tức giận với họ, người ta tỏ ra đầy lòng biết ơn. Đấy không phải là điều để người ta biểu lộ lòng tốt sao ? Không đền đáp món nợ sẽ là sự khiếm nhã.
Khi người ta trở nên nhạy cảm với lòng tốt của những người khác, người ta biểu lộ một sự biết ơn bao la đối với họ. Điều đó diễn tả như thế nào ?
Trong giai đoạn mới này, người ta mở ra với một tình thương với đòi hỏi rằng nó làm nảy sinh một ước muốn không gì ngăn cản được rằng tất cả chúng sanh được hạnh phúc, rằng không ai bị lấy mất hạnh phúc và những nguyên nhân dẫn tới hạnh phúc. Và người ta càng nhìn họ bằng một cái nhìn thương mến, người ta càng thấy họ đáng yêu. Càng thương yêu họ, người ta càng đi vào bước tiếp theo, lòng bi mẫn, nó không ngừng mong muốn họ thoát khỏi khổ và tất cả những gì sinh ra khổ.
Thật vậy, khi phát triển, tình thương và lòng bi gây ra một sự thay đổi trong thái độ của chúng ta. Nhưng những người khơi dậy từ bi cho chúng ta vẫn còn trong khổ đau. Bấy giờ người ta tiến thêm một bước và người ta đẩy lòng vị tha vượt qua khỏi tư tưởng : “Phải gì họ thoát được khổ đau và những nguyên nhân của nó, tốt đẹp làm sao họ có thể được hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc” để sinh ra ý nghĩ mạnh hơn : “Tôi sẽ làm tất cả để họ được giải thoát khỏi khổ đau và những nguyên nhân của nó và để họ không bao giờ thiếu hạnh phúc và những nguyên nhân của nó.”
Bấy giờ người ta quyết định không bằng lòng với một ước muốn nằm trong trí óc nữa, mà thực sự giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau và đem lại hạnh phúc cho họ bằng những nỗ lực của chính mình.
Ý định cao cả này gợi cho các bạn một can đảm bao la để đảm đương công việc nặng nề ấy. Khi người ta có sức mạnh tinh thần này, những thử thách càng gay gắt, sự quyết tâm can đảm càng lớn. Sự khó khăn làm tăng gấp mười ý chí.
Sự can trường là một phẩm tính quý giá, và không chỉ trong thực hành tôn giáo : mọi người đều cần nó. Một cách ngôn đầy lương tri xác nhận : khi có ý chí thì có phương tiện. Khi người ta ở trong tình thế xấu, nếu thiếu ý chí và can đảm, nếu người ta có một thái độ thất bại, nghĩ rằng : “Tôi không đủ sức hoàn thành một công việc khó khăn như vậy”, người ta tự đánh giá mình thấp, điều ấy chẳng giúp đỡ gì trong cơn khổ đau. Vậy cần làm phát sanh một sự can đảm theo tầm mức khó khăn.
Giúp đỡ những người khác, không phải chỉ cho họ thức ăn, chỗ ở… mà còn làm nhẹ đi những nguyên nhân căn bản của khổ đau, còn cung cấp những nguyên nhân căn bản của hạnh phúc. Ví dụ cứu trợ xã hội không chỉ giới hạn trong việc chỉ cung cấp cho những người bất hạnh thức ăn và áo mặc. Cũng còn phải giáo dục họ để họ có thể tự giúp mình trong những nhu cầu riêng của họ. Cũng thế, trong sự thực hành của mình, bồ tát không chỉ bằng lòng làm nhẹ tạm thời sự khốn khổ của con người bằng những món quà vật chất : vị ấy cũng cung cấp cho họ những lời dạy bảo để họ biết một cách thực tiễn và bởi chính họ những thái độ nào cần có hay cần từ bỏ trong lối sống của họ.
Chỉ dạy điều ấy cho những người khác đòi hỏi một sự hiểu biết rõ ràng những khả năng và những nhu cầu của từng người cũng như những giáo lý giải thoát, một sự hiểu biết chính xác không sơ xuất và lỗi lầm. Phải có những khả năng lớn lao để ban tặng một sự giúp đỡ có hiệu quả. Bởi thế, trong những cách thức giúp đỡ những người khác, phương cách cần đạt đến là sự giác ngộ. Nơi đó, những chướng ngại cho việc thực hiện cái hiểu biết toàn bộ hoàn toàn bị giải tan.
Người bồ tát mà thiên chức là giúp đỡ người khác trong công việc của mình bị hai loại chướng ngại : những cái ngăn chặn giải thoát và những cái ngăn chăn sự toàn trí. Trong hai thứ, những cái sau là dai dẳng nhất. Vậy thì mối lo âu chính của vị ấy sẽ là chấm dứt chúng. Trong vài trường hợp, vị ấy sẽ không ngần ngại, nếu cần thiết, xử dụng những thức tình phiền não phá hoại – chính là những cái ngăn chướng sự giải thoát – để cứu giúp những người khác.
Tuy nhiên, vì những trở ngại cho sự toàn giác là sự biểu lộ của những phản xạ bị điều kiện hóa bởi ý tưởng rằng những hiện tượng có một hiện hữu riêng biệt, cái ngăn ngại chính yếu sự giải thoát, vị ấy phải hết lòng ưu tiên giải tan ý niệm này. Thật vậy, vị ấy chỉ có thể làm tốt nhiệm vụ và thành tựu hạnh phúc cho những người khác bằng cách cùng lúc chấm dứt cái làm hại cho giải thoát và toàn giác.
Trong hướng tiến này, sự phá hủy toàn bộ những chướng ngại gây khổ đau là điều người ta gọi là giải thoát hay giai đoạn hủy diệt được kẻ thù (A la hán). Khi hơn nữa, những chướng ngại đối với sự hiểu biết toàn triệt đến lượt chúng tan biến, bấy giờ người ta thấu hiểu cái được gọi là trạng thái Phật tánh, trong đó toàn giác được thực hiện. Đó là mục tiêu hy hữu để có một hiệu quả tròn vẹn cho việc phụng sự những người khác.
Khi tư tưởng hoàn toàn hướng về trạng thái tối thượng này vì lợi lạc cho tất cả, người ta gọi nó là Bồ đề tâm – được phấn khích bởi ý định vị tha đạt đến giác ngộ. Mục đích của cái thứ bảy trong những lời dạy chính yếu về nhân và quả là để kích phát đà tiến này.
Trong Phật giáo nó được xem như đỉnh của lòng vị tha. Khi nó thống nhiếp hành động, người ta đi vào sự thực hành sáu hoàn thiện, sáu ba la mật : bố thí, giới hạnh, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.
Có ba loại bố thí : tài sản, thân thể của mình và những thiện căn. Những cái này khó cho đi nhất, nhưng cũng là cái quan trọng nhất. Nếu sự rộng lượng của các bạn khá lớn để có thể hồi hướng tất cả mọi nguồn gốc của các đức hạnh (thiện căn) của các bạn, thế là từ nay, các bạn không chờ đợi gì nữa sự trả lại, đền bù cho các bạn. Đằng sau sự cho đi bình thường đôi khi có ẩn chứa hy vọng về một lợi lộc cá nhân ; sự cho đi của bồ tát thì hoàn toàn không vụ lợi, vô tư.
Giới hạnh có nhiều mặt. Giới mà bồ tát đặt ưu tiên là hãm thắng lại sự ích kỷ. Trong tiếng Sanscrit, từ dùng để chỉ giới là sila, theo ngữ nguyên học có nghĩa là “hoàn toàn thản nhiên”. Thật vậy, giới là sự bảo đảm tốt nhất của một tâm thức thanh thản, của một người hoàn toàn thản nhiên, bởi vì ai có nó thì thoát khỏi những vết bỏng do sự hối tiếc những hành động quá khứ gây ra.
Về nhẫn nhục, nó cũng mang những hình thức khác nhau : cái thì cho phép không khổ não khi một kẻ thù gây cho chúng ta sự tổn hại, cái kia cho phép vui lòng đảm đương nghịch cảnh, cái thứ ba thành tựu hạnh phúc cho tất cả. Cái vui lòng đảm đương sự khổ đau là cốt yếu. Nó ngăn chặn khỏi tê cóng trong những hoàn cảnh bi thảm và tạo ra một ván nhún lấy đà cho một nỗ lực, đến lượt nó, cho phép tấn công những gốc rễ của khổ đau.
Ban đầu, để có một ý chí mạnh mẽ, tinh tấn là cần thiết. Nhưng Phật tánh thì tiềm tàng nơi mỗi chúng ta, và khi những điều kiện đã đủ, tiềm năng này cho phép chúng ta chuyển hóa thành một bậc hoàn toàn giác ngộ, có đủ mọi phẩm tính và hết sạch mọi khuyết điểm. Trong cuộc đời, nguồn gốc thực sự của những thất bại nằm trong tư tưởng : “Tôi thật tệ hại ! tôi không thể làm được !” Trong trường hợp này, căn bản cần có một sức mạnh tâm thức lớn và tự nhủ : “Tôi có thể làm được”, mà không đưa vào kiêu căng cũng như những xúc cảm quấy phá khác.
Trong mọi công việc, sự thành công dựa vào một nỗ lực điều độ và một sự kiên trì lớn. Người ta thất bại khi một công việc quá độ lúc ban đầu, người ta kiệt sức vì muốn làm quá nhiều và bỏ rơi ít lâu sau. Cần phải có một nỗ lực được tiết chế và thường trực. Cũng như thế với thiền định, mà sự thực hành đòi hỏi sự khôn khéo. Nên có những thời thường xuyên và ngắn – ở đây phẩm chất quan trọng hơn là số lượng.
Một khi các bạn biết điều chỉnh tốt những nỗ lực của mình, các bạn đang sở hữu những yếu tố cần thiết cho sự phát triển của thiền định. Cái này có mục đích dẫn vào kinh dòng tâm thức của các bạn, hiện thời chảy tung khắp mọi hướng, để gom nó lại vào một điểm duy nhất. Một tâm thức phân tán không hiệu quả nhiều, nhưng khi người ta tập trung nó đặc biệt vào một chủ đề nào đó, nó trở nên rất mạnh mẽ.
Không có một can thiệp nào từ bên ngoài, không giống gì với một cuộc giải phẫu, để kênh hóa tâm thức ; chỉ có nội tâm là làm việc. Sự rút lui này thực hiện cũng giống như giấc ngủ sâu, nhưng trong giấc ngủ sâu khả năng chú ý bị ngăn cấm. Trong khi trong thiền định, nó kèm theo một sự chú ý cực kỳ sáng tỏ. Tóm lại, tâm thức phải tìm thấy sự an định, khả năng ở yên nơi đối tượng của nó –, duy trì một đối tượng của nó trong một sự sáng tỏ lớn và giữ một sự nghiêm nhặt sống động, rõ nét, sắc bén.
Bây giờ chúng ta đến cái cuối cùng của sáu hoàn thiện, tức là trí huệ. Trí huệ biểu hiện ba phương diện chính : trí huệ quy ước, nó bao hàm năm lãnh vực của hiểu biết ; trí huệ tối hậu, nó là sự chứng ngộ cách thức hiện hữu thực sự của những hiện tượng ; và trí huệ thiện xảo, nó cho phép giúp đỡ chúng sanh. Trí huệ chứng ngộ vô ngã vô tự tánh là điểm chính yếu mà chúng ta sắp khảo sát bây giờ.
Khi nói đến vô ngã, trước hết cần biết cái ngã không hiện hữu ; sau đó, cái đối nghịch với nó, cái vô ngã trở nên hiểu được.
Không nên xem vô ngã là cái gì đã hiện hữu trong quá khứ và đến một lúc nào đó trở thành không hiện hữu. Thật vậy, nó thuộc về cái chưa bao giờ hiện hữu. Vậy thì, cái chúng ta phải nhận ra như không hiện hữu, cái đó đã mãi mãi không hiện hữu như vậy. Khi chúng ta không có sự hiểu biết này, chúng ta trở thành con mồi cho những đam mê xúc tình, chúng ta nhận chịu những kinh khủng của tham muốn, hận thù và mọi hỗn loạn mà những tình cảm ấy kéo theo trong đường cày của chúng.
Bản chất của cái tôi không hiện hữu là gì ? Trong văn mạch này, cái đang là vấn đề không phải là con người. Không phải là cái tôi như những người ta thường hiểu, mà là nguyên lý về sự độc lập của nó, ý nghĩ rằng một vật có thể hiện hữu bởi tự nó. Phải khảo sát mọi loại hiện tượng, để xác nhận chúng có hay không khả năng tự tồn tại bởi chính mình, chúng có hay không một cách thức hiện hữu độc lập. Nếu những hiện tượng có một hiện hữu thực sự tự lập, chúng ta phải thấy chúng tự hiển lộ càng lúc càng rõ ràng khi chúng ta làm một cuộc tìm kiếm về những yếu tố mang tên của những hiện tượng đó.
Chúng ta hãy thí nghiệm trên chính chúng ta. Hãy quan sát cái tôi của chúng ta. Cái khuôn khổ trong đó xuất hiện là tâm thức và thân thể. Tuy nhiên nếu chúng ta phân tích hai chỗ nương dựa này, khởi từ đó mà chúng ta thoáng thấy cái tôi, chúng ta không thể tìm thấy nó ở đó. Cũng như thế đối với sự vật này mà người ta gọi là một cái bàn ; nếu không bằng lòng thấy hình tướng đơn giản của nó, chúng ta khảo sát bản chất của nó và thử tìm thấy cái bàn bằng cách chia nó thành những phần tử khác biệt của nó, thành những tính chất của nó… không có cái bàn nào cả. Chúng ta không thể nào xác định cái gì là nền tảng của những phần này và của những tính chất này.
Sự kiện những hiện tượng không thể được làm cho minh bạch bởi sự phân tích khi người ta khảo sát một sự vật được đặt tên chỉ ra rằng chúng không hiện hữu tự thân. Nhưng nếu không thể thiết lập một cách khách quan sự hiện hữu tự mình và bởi mình của chúng, thì chúng vẫn không kém có mặt. Và mặc dầu sự truy tìm phân tích không cho phép tôi tìm thấy cái bàn mà tôi tìm kiếm, điều đó cũng không ngăn cản được rằng, nếu tôi đánh nó bằng nắm đấm, tôi sẽ đau tay. Vậy thì, kinh nghiệm của tôi chứng minh cho tôi nó hiện hữu. Biết rằng phân tích không làm sáng tỏ nó – điều chứng tỏ rằng một cách khách quan nó không có hiện hữu riêng biệt, nó vô tự tánh – nhưng nó cũng thật có biểu lộ, người ta nói rằng nó hiện hữu do một tâm thức quy ước và chủ quan.
Nói hiện hữu của những sự vật tùy thuộc vào một tâm thức chủ quan đặt tên cho chúng nghĩa là nói rằng chúng chỉ hiện hữu bởi danh xưng của chúng. Vậy thì, để trở lại với cái tôi cá nhân của chúng ta, khi chúng ta tìm cách phá nó từ thân và tâm – những nền tảng cho sự xưng danh của nó – nó không thể tìm thấy ; từ đó, nó chỉ là một cái tôi suông, hiện hữu bởi sức mạnh của tưởng tượng, của ý niệm hóa.
Có một sự khác biệt bao la giữa cách thế mà những sự vật xuất hiện và thực tại của chúng. Khi khởi đầu sự thực hành sự hoàn thiện của trí huệ (trí huệ ba la mật), hành giả nhờ vào loại thẩm sát này để sau đó trở lại sự quan sát những hiện tượng trong kinh nghiệm bình thường, đi từ phân tích đến sự đối chiếu với tri giác thông thường quen thuộc này, để nắm được sự chênh lệch giữa hình tướng xuất hiện và cách thế hiện hữu thực sự của những sự vật.
Nhờ tiến trình này, đối tượng để phủ định, tức là một hiện hữu riêng tự mình, sẽ trở nên càng rõ ràng hơn với các bạn. Các bạn càng phân biệt rõ cái gì bị bác bỏ, phủ định, sự hiểu biết về tánh Không của bạn sẽ càng sâu xa. Để kết thúc, các bạn sẽ có một sự chắc thực về tánh Không đơn thuần nó là sự phủ định thuần túy một cách thức hiện hữu tự mình riêng biệt.
Trong một phân loại những hiện tượng theo loại xác nhận hay phủ nhận, tánh Không nằm trong loại phủ nhận. Liên hệ đến những phủ định thuộc loại xác nhận hay loại không xác nhận, nó thuộc loại những phủ định không xác nhận. Vậy thì, khi hành giả chứng ngộ tánh Không, không có gì trình diện cho tâm thức người ấy trừ sự vắng mặt của hiện hữu tự mình, tức là cái vô tự tánh – sự loại bỏ đơn thuần cái cần phải bác bỏ. Bấy giờ, người ấy không tự nhủ : “Tôi đang chứng nghiệm tánh Không”, cũng không nói “Đây là tánh Không”. Cảm xúc ấy làm người ấy xa tánh Không hơn nữa. Chúng ta hãy giả thử tánh Không, sự vô tự tánh đã được thiết lập và thấu hiểu, chứng ngộ.
Một khi điểm này đã đạt được, khi những hiện tượng biểu lộ, mặc dầu chúng rõ ràng hình như hiện hữu bởi tự chúng, bấy giờ chúng ta biết rằng điều đó sai lầm. Chúng không khác những vòng quay ảo huyễn của một nhà ảo thuật ; nhờ vào một sự phối hợp, chúng xuất hiện khá rõ ràng, nhưng thật ra, cách thức hiện hữu thật sự của chúng thì hoàn toàn khác. Chúng có vẻ hiện hữu tự thân, trong khi chúng không có một cách thế hiện hữu như vậy.
Khi người ta nhìn thấy thế giới như vậy, người ta càng ít mắc vào những phóng ảnh chúng kích thích ham muốn và thù ghét, che dấu thực tại dưới những ý niệm “thích” và “không thích”. Chúng ta ít cho chúng nắm bắt hơn, bởi vì chúng ta không khởi từ ý tưởng sai lầm rằng những hiện tượng hiện hữu theo một nguyên lý riêng biệt cho chúng. Và đồng thời, những hiểu biết căn cứ trên một tư tưởng nghiêm nhặt được củng cố cho chánh kiến rằng tánh Không là ý nghĩa của duyên sanh, và duyên sanh, đến lượt nó, là ý nghĩa của tánh Không. Bởi vì những hiện tượng là những duyên sanh tùy thuộc lẫn nhau, chúng có khả năng tăng trưởng và giảm sút theo những điều kiện nhân duyên chúng gặp.
Trong viễn cảnh này, định luật nhân quả là có thật và hợp lý. Một khi nó được chấp nhận, người ta có thể chứng minh rằng những hậu quả độc hại như khổ đau chẳng hạn thì có thể tránh được bởi sự từ bỏ những nguyên nhân tác hại, và những hậu quả tốt lành như hạnh phúc có thể đạt đến được bởi sự thi hành những nguyên nhân tốt đẹp. Mặt khác, nếu những hiện tượng hiện hữu riêng biệt và bởi chính chúng, chúng không thể tùy thuộc lẫn nhau. Nếu chúng không tùy thuộc lẫn nhau, bấy giờ cũng không có nữa cả nhân lẫn quả. Vậy thì khi chấp nhận nguyên lý tùy thuộc (tức là duyên sanh), người ta chấp nhận nhân quả ; không như vậy, không có những nguyên nhân cũng không có kết quả.
Vậy, phân tích rốt ráo, cái làm bằng chứng rằng những hiện tượng đều vô tự tánh chính là sự kiện chúng tùy thuộc vào những nhân và những duyên. Những người không hiểu rõ giáo lý này tạo ra một nghịch nghĩa ở điểm này. Theo họ, bởi những hiện tượng là vô tự tánh, không tự hữu, thì không có thiện lẫn ác, không nhân cũng không quả. Đó là một sai lầm trầm trọng.
Như thế thật thiết yếu chấp nhận nhân quả và tin vào lời nói rằng : nếu phải chọn lựa đừng tin vào nhân quả của hành động hay đừng tin vào tánh Không, tốt hơn hãy bỏ giáo lý tánh Không. Sự ưu tiên cho hiểu biết nhân quả này đã được những phái Trung Đạo và Duy Thức mang lại cho chúng ta trong những giải thích khác nhau về tánh Không. Phần lớn những hệ thống tư tưởng chấp nhận rằng những hiện tượng có một hiện hữu độc lập, là do vì trước việc không thể chứng minh sự hiện hữu bằng phân tích, nhiều người mất đi khả năng chấp nhận nhân quả.
Hiểu biết cách thế rốt ráo của hiện hữu của những hiện tượng phải gồm vào chân lý quy ước của nhân quả mà không bao giờ lạc mất cái thấy về nó. Nếu trong cố gắng đạt được sự hiểu biết này, người ta mất đi sự thấu hiểu quy ước về hiện hữu tương đối, mục đích đã hỏng mất. Để đi vào những mức độ học vấn cao hơn, những trẻ con phải đến trường sơ cấp, rồi trung cấp, trước khi đến với những trường cao đẳng hay đại học. Tương tự, sự thành công tương lai của chúng ta trong cái thấy sâu xa về tánh Không hay vô tự tánh tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta vào nguyên lý nhân quả. Và sự xác chứng tánh Không này không hủy hoại sở đắc ở trước về nhân quả cũng như những thực hành lưu xuất từ đó.
Người nào cho rằng không có thiện không có ác bởi vì mọi hiện tượng đều trống không có thể lập đi lập lại danh từ “tánh Không” hàng ngàn lần, anh ta chỉ làm cho mình xa dần ý nghĩa của nó. Thế nên, nếu người ta thực sự quan tâm đến tánh Không, người ta phải đặt một chú tâm lớn lao vào nhân quả của những hành động.
Đó là tóm lược sự thực hành sự hoàn thiện của trí huệ. Sáu sự hoàn thiện này nằm ở cốt lõi của sự thành tựu lòng vị tha của một bồ tát.
Kính lễ đức Quán Thế Âm ! Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm. Những giáo lý của những kinh, tantra và của những siddha (thành
Hàng đệ tử Phật, một mặt là nghiên cứu những thánh giáo do Đức Phật khai thị, một mặt là y theo sự thể nghiệm và tư duy, biện chứng, vận dụng
Thực hành thiền đánh thức niềm tin của chúng ta rằng trí tuệ và từ bi mà chúng ta cần đã có sẵn trong chúng ta rồi.Theo Pema Chodron cho biết Thiền
ĐẠO PHẬT LÀ GÌ?Nguyên tác: What is Buddhism?Tác giả: Lama Thubten Yeshe, Plummer Park, Los Angeles, CA in June 1975.Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 30/10/2010 Mặc dù những người khác nhau có những
Phật giáo thừa nhận có phép thần thông. Phàm phu cũng có thể chứng được năm phép thần thông. Bậc Thánh xuất thế chứng được sáu phép thần thông (lục thông). Đức
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt