CHƯƠNG 36
GIẢI THÍCH: MƯỜI LỰC
KINH: Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát muốn biết khắp mười lực, bốn không sợ, bốn trí vô ngại, mười tám pháp bất cọng, đại từ, đại bi của Phật, hãy tập hành Bát-nhã Ba-la-mật.[1]
LUẬN: Mười lực, bốn không sợ v.v... là pháp Vô thượng của Phật, lẽ phải nói trước, cớ sao trên đây nói chín tưởng, tám niệm trước?
Đáp: Sáu Ba-la-mật là pháp ưng dùng của Bồ-tát, trước đã nói. Ba mươi bảy đạo phẩm cho đến ba vô lậu căn, là pháp của Thanh-văn. Bồ-tát thật hành sáu Ba-la-mật đắc lực rồi muốn vượt qua địa vị Thanh-văn, Bích-chi-phật và muốn giáo hóa hạng người hướng về Thanh-văn, Bích-chi-phật khiến họ hướng vào Phật đạo, cho nên chê trách đó là pháp tiểu thừa, bỏ rơi chúng sanh, không có lợi ích. Nếu các người Thanh văn nói lại rằng: Ông là phàm phu, chưa dứt kiết sử, không thật hành pháp Thanh văn, nên chỉ chê trách suông. Do vậy Phật bảo Bồ-tát phải đầy đủ ba mươi bảy đạo phẩm đạo phẩm của Thanh văn.
[1] T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (mahāprajñāpāramitā-摩訶般若波羅蜜經), quyển 1, tr. 219a17-19.
* Trang 120 *
Tuy thực hành các pháp này mà vì không có gì được và vì chúng sanh hành tà hạnh, nên Bồ-tát thật hành chánh hạnh này mãi mãi không bỏ. Các pháp ấy là không có gì được, nên cũng không mau thủ chứng Niết-bàn. Nếu Bồ-tát không hiểu không hành pháp Tiểu thừa mà chỉ chê trách thì ai chịu tin cho; ví như đức Phật Thích-ca Mâu-ni nếu trước không hành khổ hạnh sáu năm mà chê khổ hạnh là phi đạo thời không ai tin chịu. Do vậy, Phật tự hành khổ hạnh hơn người khác, nên khi thành Phật đạo chê trách lối khổ hạnh, thì ai cũng tin chịu. Thế nên tiếp sau sáu Ba-la-mật nói hành pháp Thanh văn.
Lại nữa, đấy không phải chỉ là pháp Thanh văn, mà trong pháp này hòa hợp với ý không bỏ rơi chúng sanh, đầy đủ hết thảy Phật pháp, do vì có không trí, thấy không có gì được, nên gọi là pháp Bồ-tát.
Hỏi: Nếu Bồ-tát đầy đủ ba mươi bảy đạo phẩm, tại sao không chứng nhập vào địa vị theo pháp Thanh văn?
Đáp: Đầy đủ là đầy đủ quán biết mà không thủ chứng, vì quán biết rõ ràng nên gọi là đầy đủ như Phật nói: Tất cả hết thảy sợ gậy đau, hết thảy đều tiếc mạng, lấy mình để làm dụ, gậy chớ đánh chúng sanh. Tuy nói ai cũng sợ gậy đánh, mà chúng sanh ở cõi Vô sắc không có thân, ở cõi Sắc tuy có thân mà không có roi gậy, ở cõi Dục, các đức Phật, Thánh vương chuyển luân, trời Dạ-xoa trở lên, đều không sợ roi gậy cho nên nói “hết thảy.” Nói đầy đủ cũng như vậy, không vì mong cầu thủ chứng mà đắm trước
* Trang 121 *
pháp nên nói là “đầy đủ.”
Lại nữa, trước đây tôi nói không bỏ rơi chung sanh vì có không trí bất khả đắc hòa hợp nên không địa vào địa vị Thanh văn.
Hỏi: Từ sáu Ba-la-mật cho đến ba vô lậu căn chỉ nói “Phải đầy đủ; từ đó về sau, cớ sao đều nói muốn được, muốn biết việc ấy hãy tập hành Bát-nhã Ba-la-mật?”
Đáp: Pháp Thanh văn có lượng có hạn nên nói “Phải đầy đủ, từ đó trở đi là các Phật pháp, thẳm sâu vô lượng, Bồ-tát chưa được, nên nói “muốn được việc ấy hãy học Bát-nhã Ba-la-mật.”
Lại nữa, pháp Thanh văn dễ được dễ biết nên nói “Đầy đủ” pháp Bồ-tát, pháp Phật khó hiểu khó biết nên nói “Hãy nên học.”
Lại nữa, tướng tổng quát trong pháp Thanh văn là chỉ biết khổ, biết nguyên nhân khổ, biết khổ hết, biết đạo hết khổ, ví như hai hạng thầy thuốc.[1] Hạng thứ nhất: Chỉ biết bệnh, biết nguyên nhân bệnh, biết bệnh lành, biết thuốc lành bệnh, mà không biết tất cả bệnh, không biết tất cả nguyên nhân bệnh, không biết tất cả bệnh lành, không biết tất cả thuốc lành bệnh. Hoặc chỉ biết trị bệnh người, không biết trị bệnh súc sanh. Hoặc chỉ có thể trị bệnh một quốc độ mà không thể trị bệnh ở các quốc độ khác; có thể trị vài mươi thứ bệnh, không thể biết hết 404 bệnh. Đối với nguyên nhân bệnh, bệnh lành, thuốc lành bệnh cũng như vậy. Hạng thứ hai, đối với bốn thứ bệnh, nguyên nhân bệnh, bệnh lành, thuốc
[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 15, tr. 105-25b19.
* Trang 122 *
lành bệnh đều khắp biết, khắp biết thuốc, khắp biết bệnh, Người Thanh văn như thầy thuốc nhỏ, không thể khắp biết, đại Bồ-tát như thầy thuốc lớn, không bệnh gì không biết, không thuốc gì không hay, do vậy nên pháp Thanh văn phải đầy đủ, pháp Bồ-tát hãy nên học.
Mười lực của Phật:
1. Trí lực như thật biết có lẽ ấy, không có lẽ ấy.
2. Trí lực biết các nghiệp, các lãnh thọ biết chỗ tạo nghiệp, biết nhân duyên; biết quả báo của chúng sanh trong quá khứ, vị lai, hiện tại.
3. Trí lực như thật biết tướng sai biệt các thiền, giải thoát, Tam-muội, định, cấu uế, thanh tịnh.
4. Trí lực như thật biết tướng các căn cao thấp của chúng sanh.
5. Trí lực biết các thứ dục lạc của chúng sanh.
6. Trí lực biết vô số tính của thế gian chúng sanh.
7. Trí lực biết tướng nơi đạt tới, của hết thảy đạo.
8. Trí lực biết tướng chung, nhân duyên chung các đời trước một đời, hai đời cho đến trăm ngàn đời, kiếp ban sơ, tận cùng, ta ở trong chúng sanh kia có họ, tên, ăn uống, khổ, vui, thọ mạng dài, ngắn như vậy, như vậy. Chết trong kia sanh trong đây, chết trong đây lại sanh trong đây, có họ tên, ăn uống, khổ, vui, thọ mạng, dài, ngắn cũng như vậy.
9. Trí lực Phật có thiên nhãn thanh tịnh hơn con mắt của trời, người, thấy rõ chúng sanh khi chết khi sanh, đoan chánh hay xấu xa, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc đọa dị đạo, hoặc đọa thiên đạo, nhân duyên thọ báo như vậy. Các chúng sanh ấy thành tựu thân nghiệp ác, thành tựu khẩu nghiệp ác, thành tựu ý nghiệp ác; phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, do nhân duyên ấy, khi thân
* Trang 123 *
hoại chết sa vào đường ác, sanh trong địa ngục; còn các chúng sanh ấy thành tựu thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, ý nghiệp thiện, không phỉ báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, do nhân duyên ấy, khi thân hoại chết sanh vào đường lành, sanh cõi trời.
10. Trí lực chư Phật sạch hết lậu hoặc, tâm vô lậu giải thoát, trí tuệ vô lậu giải thoát, ngay trong hiện tại tự biết rõ, sự thọ sanh của ta đã biết, việc trì giới đã làm xong, không còn tái sanh đời sau, như thật biết.
Hỏi: Mười trí lực ấy Bồ-tát chưa được, Thanh-văn, Bích-chi-phật không thể được, nay vì sao nói?
Đáp: Người Thanh-văn tuy không thể được, nhưng nếu nghe được công đức mười trí lực này thời liền nghĩ: Phật có công đức lớn như vậy, nên tự mừng rằng: Chúng ta được thiện lợi, mong ích không ít, rồi sanh lòng tin thanh tịnh mà vào đạo, diệt tận khổ. Còn các Bồ-tát nghe được, lo siêng tu Bồ tát đạo, để được quả báo đại công đức mười trí lực như vậy.
Lại nữa, có hàng Thanh văn và Bồ tát, tu niệm Phật Tam-muội, không phải chỉ nhớ nghĩ Phật thân, còn phải nhớ nghĩ các công đức pháp thân của Phật, nên nhớ nghĩ Phật vì hiểu rõ hết thảy chủng, hết thảy pháp nên gọi bậc Nhất thế trí; vì khéo như thật phân biệt nói hết thảy nên gọi là bậc Thấy hết thảy; vì hiện tiền biết hết thảy pháp nên gọi là bậc biết thấy Vô ngại; vì tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh nên gọi là bậc Đại từ bi; vì có đại từ bi nên gọi là bậc
* Trang 124 *
Cứu thế; vì như thật đạo mà đi đến nên gọi là Như lai; vì ứng hợp lãnh thọ sự cúng dường của tất cả thế gian nên gọi là bậc Ứng cúng; vì thành tựu trí tuệ không điên đảo nên gọi là bậc Chánh biến tri; vì thành tựu giới định trí tuệ nên gọi là bậc Minh hành túc; vì không trở lại, nên gọi là bậc Thiện thệ; vì biết tướng chung tướng riêng của thế gian nên gọi là bậc Thế gian giải; vì khéo nói đạo ra khỏi thế gian được yên ổn nên gọi là bậc Vô thượng sĩ Điều ngự sư; lấy ba thứ giáo pháp độ chúng sanh nên gọi là bậc Thiên nhân sư; vì có thể tự giác cũng giác tỉnh người khác về phiền não ngũ ngầm của hết thảy thế gian nên gọi là bậc Giác ngộ; vì đầy đủ mọi sở nguyện nên gọi là bậc có Đức; vì thành tựu mười trí lực nên gọi là bậc Kiên thệ; vì được bốn điều không sợ nên gọi là đấng Sư tử trong loài người; vì được trí sâu thẳm vô lượng nên gọi là Biển đại công đức; vì hết thảy ký thuyết vô ngại nên gọi là như Gió; vì không yêu ghét đối mọi sự tốt xấu nên gọi là như Đất; vì đốt cháy hết thảy cũi kiết sử nên gọi là như Lửa; vì khéo dứt hết thảy tập khí phiền não nên gọi là đầy đủ giải thoát; vì trú xứ tối thượng nên gọi là Thế tôn. Phật có các thứ công đức như vậy, cho nên niệm niệm Phật.
Do vậy, đại Bồ tát muốn được mười trí lực, bốn điều không sợ, mười tám pháp không chung của Phật, hãy nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
Lại nữa, Phật trong núi Kỳ-xà-quật ở thành Vương xá, khi nói Bát-nhã Ba-la-mật này, bốn bộ chúng của Phật và các ngoại đạo, tại gia, xuất gia, trời, rồng, quỷ thần v.v... các loại
* Trang 125 *
đại chúng đều tập hội. Phật vào Tam-muội vương Tam-muội; phóng ánh sáng lớn, chiếu khắp thế giới nhiều như các sông hằng, quả đất rung động sáu cách nói: Phật Bát-nhã Ba-la-mật, sáu Ba-la-mật cho đến ba vô lậu căn này. Trong đó có chúng sanh nghi vì có lực gì, có bao nhiêu thứ lực mà có làm cho cảm động lợi ích không thể nghĩ nghì như vậy? Vì Phật biết tâm chúng sanh nghi như vậy, nên nói ta có trí lực, biết về thật tướng các pháp, trí lực ấy có mười thứ, dùng mười thứ trí lực ấy nên có thể làm cho cảm động biến hóa như vậy, cũng có thể làm quá hơn nữa. Do vậy, nên nói muốn được mười trí lực, hãy nên học Bát-nhã Ba-la-mật.
Lại nữa, đệ tử Phật đời đời gieo trồng căn lành, mà vì một ít tội duyên nên đọa vào ngoại đạo. Các ngoại đạo thường nói Phật không phải thật có lực công đức, mà đó là lực huyển thuật dối hoặc lòng người. Đệ tử Phật đọa vào ngoại đạo tâm sanh nghi, nếu như vậy thì Phật không phải là Đại nhân! vì muốn dứt lời phỉ báng ác đó nên Phật nói ta thật có mười trí lực, 4 điều không sợ, nên độ chúng sanh chứ không phải huyển dối.
Lại nữa, các Bồ-tát tu Bồ-tát đạo, theo việc khổ hạnh khó thành tựu nên muốn giải đãi ngưng bỏ, nên Phật nói: Thật hành mười trí lực này, sẽ được quả báo vô lượng; ví như người chủ buôn ủy dụ các thương nhân rằng: Các ngươi cẩn thận chớ mệt mõi, hãy tinh cần nỗ lực đi đến được núi báu, sẽ được bảy báu như ý bảo châu, Phật cũng như vậy, an ủi các Bồ tát rằng: Không được mệt mõi nhàm chán, hãy siêng tinh
* Trang 126 *
tấn, tu Bồ tát đạo, hành mười trí lực này, sẽ được quả báo vô lượng. Do nhân duyên về các lợi ích như vậy, nên nói mười lực v.v...
Hỏi: Phật có vô lượng lực, cớ sao chỉ nói mười lực?
Đáp: Phật tuy có vô lượng lực, vì nhân duyên độ người nên chỉ nói mười trí lực, là đủ để thành việc. Lấy trí lực biết có lẽ ấy không có lẽ ấy mà phân biệt trù lượng chúng sanh là có thể độ hay không có thể độ; lấy trí lực nghiệp báo mà phân biệt trù lượng người ấy có nghiệp chướng, người ấy không có nghiệp chướng, lấy trí lực thiền định giải thoát tam-muội mà phân biệt trù lượng người ấy đắm vị, người ấy không đắm vị; lấy trí lực thượng hạ căn mà phân biệt trù lượng trí lực của chúng sanh nhiều hay ít; lấy trí lực chủng chủng dục mà phân biệt trù lượng chỗ lạc dục của chúng sanh; lấy trí lực chủng chủng tánh mà phân biệt trù lượng chỗ thâm tâm hướng đến của chúng sanh; lấy trí lực “Chí xứ đạo” mà phân biệt trù lượng cửa giải thoát của chúng sanh; lấy trí lực túc mạng mà phân biệt trù lượng trước từ đâu đến; lấy trí lực sanh tử mà phân biệt trù lượng sanh chỗ đất xấu; lấy trí lực lậu tận mà phân biệt trù lượng chúng sanh đắc Niết-bàn.
Phật dùng mười trí lực ấy để độ thoát chúng sanh, xét kỷ không lầm, đều được đầy đủ. Do vậy, tuy Phật có vô lượng lực, chỉ nói mười trí lực ấy.
Lại nữa, trí lực biết có lẽ ấy không có lẽ ấy, quyết định biết nhân duyên ấy sanh ra quả báo ấy; trong đó tổng
* Trang 127 *
nhiếp chín trí lực, vì muốn độ chúng sanh, nên ở trong trí lực đầu phân biệt ra chín thứ, vì cớ sao? Vì chúng sanh thế gian này hiện tiền thấy lúa từ giống sanh ra mà còn không biết được, huống là nhân duyên và quả báo của tâm tâm số pháp. Phật đối với nhân duyên quả báo trong ngoài khắp biết rõ ràng, cho nên gọi là lực.
Phật biết chúng sanh ấy do nghiệp phiền não nên bị trói buộc, do tịnh thiền định Tam-muội giải thoát nên được giải thoát. Ba thứ nghiệp, các phiền não, nhẹ, nặng, sâu, cạn, thô tế của chúng sanh trong ba đời, Phật đều biết khắp cho nên gọi là lực.
Các thiền định, giải thoát tam-muội và nhân duyên giải thoát lớn, nhỏ, cạn, sâu của hết thảy chúng sanh, Phật đều biết khắp cho nên gọi là lực.
Chúng sanh độn căn vì thân đời sau nên gây nhân duyên tội phước; người lợi căn thì vì muốn được không tái sanh nên nhóm các nghiệp, Phật đều biết tướng trạng căn cao, thấp, tốt, xấu ấy, cho nên gọi là lực.
Biết các chúng sanh có hai thứ dục lạc làm nhân duyên cho căn cao thấp. Hai thứ dục lạc lành và dữ khác nhau nhiều thứ, Phật đều biết khắp cho nên gọi là lực.
Vì hai thứ dục lạc do hai chủng tánh làm nhân duyên nên biết khắp chỗ thâm tâm đến đâu của chúng sanh, cho nên gọi là lực.
Hết thảy chúng sanh do các chủng tánh nên hành hai đạo là thiện đạo và ác đạo, chỗ đi đến của các cửa, Phật
* Trang 128 *
đều biết khắp cho nên gọi là lực.
Nhân duyên nhân quả báo trong đời quá khứ, vị lai, trí tuệ biết vô ngại, ấy là trí lực về kiếp trước sống chết. Biết nhân quả quá khứ, vị lai rồi, rõ biết phương tiện diệt hoại sự tương tục của nhân duyên quả báo; ấy là lực lậu tận. Phật biết hai thứ nhân duyên trong ba đời, phân biệt trù lượng căn cơ dục tánh của chúng sanh, vì làm cho họ dứt hết lậu hoặc mà thuyết pháp, ấy là lực lậu tận.
Hỏi: Thế nào là, lực biết có lẽ ấy, không có lẽ ấy?
Đáp: Phật biết định tướng nhân duyên quả báo của hết thảy pháp. Từ nhân duyên ấy sanh quả báo như vậy, từ nhân duyên ấy không sanh quả báo như vậy; vì cớ sao? Vì như trong kinh Đa Tánh[1] nói tướng trạng có lẽ ấy không có lẽ ấy.
Nữ thân làm chuyển luân Thánh vương không có lẽ ấy; vì sao? Vì hết thảy nữ nhân đều hệ thuộc nam tử, không được tự tại. Nữ nhân còn không được làm chuyển luân Thánh vương huống là làm Phật. Nếu nữ nhân được giải thoát Niết-bàn cũng nhân nơi nam tử mà được, không có tự nhiên đắc đạo.
Hai chuyển luân Thánh vương cùng ra đời một lúc, không có lẽ ấy; vì sao? Vì không có oán nghiệp. Hai chuyển luân Thánh vương còn không đồng thời, huống gì hai Phật ?
Ác nghiệp mà được hưởng quả báo vui, không có lẽ ấy. Ác nghiệp còn không thể được cái vui thế gian, huống là cái vui xuất thế gian. Nếu ác nghiệp mà được sanh lên cõi trời,
[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 47, kinh số 181, Hàm tâm phẩm đa giới kinh (含心品多界經), tr. 723c28-724b28.
* Trang 129 *
không có lẽ ấy. Ác nghiệp còn không thể được sanh cõi trời, huống là được Niết-bàn.
Bị năm triền cái ngăn che tâm tán loạn, lìa bỏ việc tu bảy giác phần mà đắc Niết-bàn, không có lẽ ấy. Bị năm triền cái ngăn che, tâm tán loạn, lìa bỏ việc tu bảy giác phần còn không được Thanh văn đạo; huống là Phật đạo. Tâm không bị che lấp, thì Phật đạo còn có thể được; huống chi Thanh văn đạo. Các việc có lẽ ấy không có lẽ ấy như vậy, như Phật tự nói ở trong kinh Đa Tánh. Các Luận nghị sư nương theo lời Phật nói rộng ý nghĩa “Có lẽ ấy, không có lẽ ấy” như: Nếu nói Phật còn có tội lỗi, khuyết thất; hoặc các Hiền Thánh mà cầu học với thầy ngoại đạo, hoặc các Hiền Thánh tự nói ta là Phật, hoặc các Hiền Thánh mà đọa vào ác đạo, hoặc kiết sử đã bị dứt nhờ thấy lý Tứ diệu đế mà còn phát sanh lại, hoặc các Hiền Thánh còn che dấu tội, hoặc Tu-đà-hoàn mà còn thuộc trong 25 hữu (25 cõi). Tất cả đều không có lẽ ấy. Như phân biệt nói rộng trong mục Hiền Thánh.
Người phạm tội ngũ nghịch (pañcaupānantarīyāṇi),[1] năm hạng người hoàn môn (paṇḍaka)[2] (phi nam, phi nữ) chúng sanh đọa bốn đường ác,[3] người Châu Uất-đa-la-việt, quyến thuộc ma, người bị ba chướng[4] ngăn che. Nếu nói những người ấy đắc đạo, không có lẽ ấy.
Khinh người thuyết pháp, khinh pháp, tự khinh, phá giới, ngu si, nếu nói họ được đầy đủ thiện pháp, thì không có lẽ ấy.
Tự nói là Phật, đem thân miệng ác không sám hối mà mong thấy Phật, hoặc có tội phá Tăng không sám hối
[1] T. 13: Hư không tạng bồ tát kinh (虛空藏菩薩經), quyển 1, tr. 651c28-652a2: Giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hoà hiệp tăng, làm thân Phật chảy máu. Ấy gọi là ngũ vô gián tội, nếu người nào vi phạm, thời gọi là phạm tội căn bổn.
[2] T. 22: Tứ phần luật (Dharmagupta –vinaya-四分律), quyển 35, tr. 812c3-10: Đức Phật dạy rằng: những người hoàn môn đối với giáo pháp của Phật không tăng trưởng lợi ích, không được dự vào hàng xuất gia thọ cụ túc giới, nếu đã xuất gia thọ cụ túc giới nên diệt tẩn. Năm hạng người hoàn môn là: sanh hoàn môn, tật hoàn môn, thiến hoàn môn, biến hoàn môn, nửa tháng hoàn môn.
[3] T. 11: Đại bảo tích kinh (Ratnakūṭa-sūtra-大寶積經), quyển 112, tr. 635c25-636a6: … Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la.
[4] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahā-vibhāṣa-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 115, tr. 599b15-21: Ba chướng: phiền não chướng, nghiệp chướng, dị thục chướng.
* Trang 130 *
mong thấy Phật, tà định vào chánh định, chánh định vào tà định, chánh định vào bất định, ngoài Phật pháp riêng có người thật đắc đạo, thân ưng đắc đạo hoặc bị chết, đều không có lẽ ấy.
Trừ nhân duyên sanh thức, ra ngoài danh và sắc còn có pháp, không có lẽ ấy.
Phật sai sứ giả, việc chưa thành hoặc bị ngăn ngại, không có lẽ ấy.
Nhập vào từ Tam-muội[1] mà hoặc do nhân duyên khác làm chết, nhập vào diệt tận định, ở trong địa vị Kiến đế đạo mà hoặc bị chết, đều không có lẽ ấy.
Hoặc hại Phật và Phật mẫu, không có lẽ ấy.
Con gái báu, voi báu, vị thần chủ kho tàng, vị thần chủ quân binh, mà hoặc bị chết ở trong thai, mẹ con chết yểu, đều không có lẽ ấy.
Người ở châu Uất-đa-la-việt, nữ bảo, Phật mẫu, mạng chung thân sau đọa vào đường ác, đều không có lẽ ấy.
Hữu vi thường, Niết-bàn vô thường, kẻ phàm phu có thể dứt kiết sử của cõi phi hữu tưởng, phi vô tưởng, tu Thánh đạo trong hết thảy thiền định thủ tướng, vô lậu đạo làm nhân cho hữu lậu, hoặc đất tướng ướt, nước tướng cứng, lửa tướng lạnh, gió tướng đứng yên, đều không có lẽ ấy.
Vô minh không thể sanh các hành, cho đến sanh không thể sanh già chết, không có lẽ ấy.
Hai tâm cùng một lúc phát sanh, năm thức uẩn có thể
[1] T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama-增壹阿含經), quyển 47, tr. 806a19-23: Nếu có chúng sanh tu hành từ tâm giải thoát, rộng lưu bố nghĩa, cùng người diễn thuyết, thu hoạch được 11 phước báo. thế nào là 11? giấc ngủ an tường, ngủ dạy an lạc, không thấy ác mộng, chư thiên hộ vệ, mọi người ái kỉnh, không bị độc, không bị binh, lửa, nước, đạo tặc không thể xâm hại, nếu thân hoại mạng chung sanh lên phạm thiên. Ấy là tỳ-kheo, thực hành từ tâm, được 11 phước báo này.
* Trang 131 *
phân biệt thủ tướng, hoặc dính, hoặc lìa, có thể khởi lên thân nghiệp, khẩu nghiệp, hoặc ngũ, hoặc vào thiền định, đều không có lẽ ấy.
Chỉ năm thức tương tục sanh, không sanh ý thức; chỉ năm thức uẩn có thể duyên sanh, có thể duyên tướng, có thể duyên vô sắc pháp, có thể duyên quá khứ, vị lai, có thể duyên pháp lìa ba đời; chỉ năm thức uẩn có cảm xúc ghét, cảm xúc sáng, thiền định, hoặc lãnh thọ luật nghi (giới) thiện, luật nghi bất thiện, hoặc ưu hỷ, hoặc có không giác không quán, hoặc tăng ích các căn, đều không có lẽ ấy.
Tỷ thức, thiệt thức, có ẩn một vô ký,[1] thức thứ sáu của kẻ phàm phu, xa lìa ngã hành, không có lẽ ấy. Như vậy có vô lượng điều “Không có lẽ ấy”, “Có lẽ ấy” cũng như vậy.
Phật biết có lẽ ấy không có lẽ ấy, phân biệt trù lượng để thuyết pháp cho người có thể độ, và làm nhân duyên cho người không thể độ; ví như thầy thuốc hay biết bệnh trị được bệnh không trị được, Thanh văn, Bích chi phật sự biết còn ít, vì ít cho nên hoặc muốn độ người không thể độ, như Thủ-đa-la đáng độ mà không độ, như người không được Xá-lợi-phất độ.[2] Phật không có việc ấy, không thể phá hoại, không thể hơn, vì Phật biết cùng khắp. Đó là trí lực đầu.
Nghiệp báo trí lực: Tác nghiệp của thân miệng, và vô tác nghiệp từ nó sanh ra, nghiệp thọ giới, nghiệp ác, nghiệp sanh ra theo ngày đêm, nghiệp dụng sanh tội phước, nghiệp ấy Phật lược nói nhiếp vào ba chỗ;[3] ấy gọi là hết thảy
[1] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 13, tr. 72a22-25: Hữu phú vô ký biểu nghiệp (Ato nāstīha nivṛtāvyākṛtā vijñaptiḥ’ iti, anyavyavahitaṃ hetusamutthānaṃ sandhāyoktam’ iti).
[2] T. 3: Bồ tát bản sanh man luận (菩薩本生鬘論), quyển 4, tr. 343c23-344b28; T. 4: Đại trang nghiêm luận kinh (Sūtrālaṃkāra-śāstra-sūtra-大莊嚴論經), quyển 10, tr. 311b24-312b13; T. 4: Hiền ngu kinh (賢愚經), quyển 4, tr. 376b2-380a10.
[3] T. 30: Du già sư địa luận (Yogācāra-śāstra-瑜伽師地論), quyển 49, tr. 569b13-17: Nếu có các nghiệp đã làm, đã tăng, đã diệt, gọi là quá khứ. Nếu có các nghiệp chưa làm, đã tăng, đã diệt, gọi là cũng chưa làm, chưa đương làm, gọi là vị lai. Nếu có các nghiệp chưa làm, đã tăng, đã diệt, mà đang làm, đang tạo, gọi là hiện tại. Như vậy các nghiệp phẩm loại sai khác, lại có 3 thứ: đó là thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp.
* Trang 132 *
nghiệp dụng. Phật biết hết thảy chúng sanh có nghiệp ở quá khứ, quả báo cũng ở quá khứ; có nghiệp ở quá khứ, mà quả báo ở hiện tại; có nghiệp ở quá khứ; quả báo ở vị lai; có nghiệp ở quá khứ, hiện tại; có nghiệp ở quá khứ; quả báo ở quá khứ, vị lai; có nghiệp ở quá khứ; quả báo ở hiện tại, vị lai; có nghiệp ở quá khứ, quả báo ở quá khứ, vị lai, hiện tại. Nghiệp hiện tại cũng như vậy.
Lại nữa, trong thiện tâm thọ nghiệp báo thiện, bất thiện, vô ký. Trong bất thiện tâm, vô ký tâm cũng như vậy.
Lại nữa, do nhân duyên nghiệp vui nên thọ quả báo vui, nhân duyên nghiệp khổ nên thọ quả báo khổ, nhân duyên nghiệp không khổ không vui, nên thọ quả báo không khổ không vui. Nhân duyên của nghiệp hiện báo nên thọ quả báo hiện tại, nhân duyên của nghiệp sanh báo nên thọ quả báo khi sanh ra ở đời kế tiếp, nhân duyên của nghiệp hậu báo nên thọ quả báo khi sanh ra ở các đời sau đó. Do nhân duyên của nghiệp bất tịnh nên thọ quả báo khổ não, nhân duyên của nghiệp tịnh nên thọ quả báo không khổ não, nhân duyên của nghiệp lẫn lộn nên thọ quả báo lẫn lộn.
Lại nữa, có hai thứ nghiệp là nghiệp chắc chắn thọ báo vò nghiệp không chắc chắn thọ báo. Nghiệp chắc chắn thọ báo thì không thể xa lìa, hoặc đợi thời, đợi người, đợi chỗ mà thọ báo. Như người có phước nên cùng với chuyển luân Thánh vương thọ phước, đợi lúc đời tốt chuyển luân Thánh vương xuất hiện, lúc ấy mới thọ báo, ấy là đợi thời. Đợi người là, người tức chuyển luân Thánh vương. Đợi chỗ là chỗ
* Trang 133 *
Chuyển luân Thánh vương xuất hiện.
Lại nữa, nghiệp chắc chắn thọ báo ấy, không đợi kỷ năng, công huân, hoặc xấu, hoặc tốt, không cầu nó tự đến, như người sanh cõi trời, phước lạc tự đến, không đợi nhân duyên, vì nghiệp này sâu nặng vậy.
Lại nữa, nghiệp chắc chắn thọ báo, như quân của ma Tỳ-lưu-ly giết 7 nạn 2 ngàn người đắc đạo, và vô số Ưu-bà-tắc thọ ngũ giới, mà có đại thần thông như Mục-liên cũng không cứu được,[1] như Bạt-câu-la[2] bị mẹ kế quăn vào trong lửa, trong nước sôi, trong nước mà không chết. Như Phật du hành các nước, tuy xuất gia đi khất thực, không cần đồ cúng ngon, mà năm trăm cổ xe chở đồ ăn của vua do nghiệp mà hiện sanh ra gạo cứng, khi ăn đủ trăm vị.[3] Các nghiệp thiện ác như vậy chắc chắn thọ báo, ngoài ra không chắc thọ báo.
Cõi dục là chỗ thọ ba thứ nghiệp báo là nghiệp thọ quả báo vui, nghiệp thọ quả báo khổ, nghiệp thọ quả báo không khổ không vui. Cõi Sắc là chỗ thọ hai thứ nghiệp báo là nghiệp thọ quả báo vui, nghiệp thọ quả báo không khổ không vui.
Hoặc đợi việc là nương nơi việc ấy mà được thọ quả báo, như trong ao của vua Phất-ca-la-bà, sanh hoa sen sắc vàng ngàn cánh, lớn như bánh xe, nhân đó đại hội vui chơi mà có nhiều người xuất gia đắc đạo.
Phật biết chỗ tất cả chúng sanh tạo nghiệp, hoặc ở cõi
[1] T. 4: Phật ngũ bách đệ tử tự thuyết bản khởi kinh (佛五百弟子自說本起經), Ma-ha Mục-kiền-liên phẩm (摩訶目揵連品), tr. 190c15-191a16; T. 24, Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da dược sự (根本說一切有部毘奈耶藥事), quyển 16, tr. 78c-79a28; T. 4: Chúng kinh soạn tạp thí dụ (眾經撰雜譬喻), quyển thượng, kinh số 15, tr. 531a23-b5.
[2] T. 50: Phó pháp tạng nhân duyên truyện (付法藏因緣傳), tr. 308b3-4; T. 53, Kinh luật dị tướng (經律異相), quyển 37, Bạc-câu-la trì nhất giới đắc ngũ bất tử báo (薄拘羅持一戒得五不死報), tr. 201a1-9.
[3] T. 24, Căn bổn thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da dược sự (Mūla -sarvāstivāda-vinaya-kṣudraka-vastu-根本說一切有部毘奈耶藥事), quyển 10, tr. 47a8-28.
* Trang 134 *
Dục, cõi Sắc, cõi vô sắc. Ở cõi dục, thì ở đạo nào; nếu thiên đạo thì ở trời nào; nếu trong nhân đạo thì thiên hạ nào; nếu ở châu Diêm-phù-đề thì ở quốc độ nào; nếu ở nước ấy thì ở thành nào; tụ lạc nào; nếu ở thành thì ở làng nào; xóm nào; nhà nào; chỗ nào. Biết nghiệp ấy lúc nào làm. Quá khứ một đời, hai đời cho đến trăm ngàn vạn đời. quả báo của nghiệp ấy bao nhiêu đã thọ, bao nhiêu chưa thọ, bao nhiêu chắc chắn thọ, bao nhiêu không chắc chắn thọ. Biết sử dụng sự vật thiện hay bất thiện, đó là đao gậy, dạy bảo giết; tự tay giết, sai người giết, các nghiệp ác cũng như vậy, nghiệp lành cũng như vậy. Biết bố thí, trì giới, tu thiện như vậy. Trong sự bố thí, bố thí những gì, đất đai, phòng xá, y phục, thuốc thang, đồ nằm, tài vật bảy báu. Trong sự trì giới, tự nhiên giới,[1] giới từ tâm sanh, giới miệng nói, một hành giới, ít phần giới, nhiều phần giới, mãn phần giới, giới một ngày, bảy giới thiện đạo, mười giới, giới cụ túc, giới định cọng.
Trong phước lành tu Sơ thiền, Nhị, Tam, Tứ thiền, từ tâm, bi, hỷ, xả tâm. Như vậy là những nhân duyên của thiện nghiệp. Nếu xan tham, nếu sân hận, nếu sợ hãi, nếu tà kiến, nếu ác tri thức v.v... là những nhân duyên của ác nghiệp, nhân duyên của phước nghiệp là hoặc tin, hoặc thương xót, hoặc cung kỉnh, hoặc thiền định, hoặc trí tuệ, hoặc thiện tri thức, đó là những nhân duyên của thiện nghiệp. Các nghiệp ấy tự tại, hết thảy trời người không thể chuyển đổi các nghiệp ấy, trong ức ngàn vạn đời nó thường theo dõi chúng sanh không
[1] T. 85: Tứ phần giới bổn sớ (四分戒本疏), quyển 1, tr. 568b15-16: La-hán phạm hạnh đã lập tự nhiên giới thanh tịnh, cho nên lại không từ người khác thọ giới; T. 8: Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh (摩訶般若波羅蜜經), quyển 23, tr. 390b10-13: Vô tướng thi-la ba-la-mật, cụ túc giới, không khuyết, không phá, không tạp, không trước, thánh nhân xưng tán vô lậu giới vào bát thánh đạo phần, trú ở trong giới, trì tất cả giới, ấy gọi là tự nhiên giới, luật nghi giới.
* Trang 135 *
rời, như chủ nợ theo người mắc nợ, khi có đủ nhân duyên liền cho quả báo, như hạt giống trong đất khi đủ nhân duyên thời tiết hòa hợp liền sanh. Nghiệp ấy khiến chúng sanh thọ sanh trong sáu đường nhanh như tên bắn.
Hết thảy chúng sanh đều phần nghiệp báo như cha mẹ để lại tài sản, các con đều có phần thích đáng. Khi quả báo của nghiệp ấy đến nơi, không thể ngăn dứt được, như ngọn lửa lúc kiếp tận, tùy chỗ chúng sanh đáng được sanh đến, an trí mọi nơi, như vua nước lớn tùy người xứng đáng mà ban cho chức quan. Khi mạng chung nghiệp ấy đến phủ kín tâm người ấy, như núi lớn ánh lên mọi vật.
Nghiệp ấy hay cho các loại thân, như thợ vẽ, vẽ các hình tượng.[1] Nếu người nào lấy chánh hạnh chế ngự nghiệp, thiện pháp nuôi dưỡng, thời cho quả báo tốt. Nếu lấy tà hạnh chế ngự nghiệp, bất thiện nuôi dưỡng, thì cho quả báo xấu. Như người thờ vua, tùy việc mà được đáp báo.
Như vậy là phần biệt quả báo của các nghiệp tướng.
Lại nữa, như trong kinh Phân Biệt Nghiệp,[2] Phật bảo A-nan: “Người làm ác sanh chỗ tốt, người làm lành sanh chỗ xấu.” A-nan thưa: Việc ấy thế nào? Phật dạy: Người ác tội nghiệp đời này chưa chín, mà nghiệp lành đời trước đã chín, do nhân duyên đó, mà đời này tuy ác lại sanh chỗ tốt; hoặc khi sắp chết, tâm tâm số pháp lành phát sanh, do nhân duyên ấy cũng được sanh chỗ tốt. Người làm lành sanh chỗ xấu, vì nghiệp lành đời này chưa chín mà nghiệp ác đời trước đã chín, do nhân duyên ấy mà đời này làm lành lại sanh chỗ
[1] T. 17: Chánh pháp niệm xứ kinh (正法念處經), quyển 5, tr. 23b18-c25.
[2] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 44, Phân biệt đại nghiệp kinh (分別大業經), tr. 706b12-13; Trung bộ kinh III, kinh số 136: Kinh đại nghiệp phân biệt (Mahākammavibhangasutta).
* Trang 136 *
xấu; hoặc khi sắp chết tâm tâm số pháp bất thiện phát sanh, do nhân duyên ấy nên cũng sanh chỗ xấu.
Hỏi: Nghiệp chín chưa chín có thể như vậy, còn tâm phát sanh trong thời gian ngắn ngủi khi sắp chết làm sao thắng được nghiệp lực gây ra suốt cả đời?
Đáp: Tâm ấy tuy trong thời gian khoảnh khắc, mà tâm lực mãnh lợi, như lửa như chất độc tuy ít có thể thành đại sự. Tâm trong khi sắp chết ấy, quyết định mãnh kiện cho nên thắng nghiệp lực tạo ra trong trăm năm. Tâm tối hậu ấy gọi là đại tâm, vì việc bỏ thân và các căn cấp bách, như người vào trận, không tiếc thân mạng, gọi là dũng kiện. Như A-la-hán xả bỏ thân ái trước ấy nên được A-la-hán. Như vậy các thứ nghiệp báo, chuyển báo tội phước cũng nên biết như vậy.
Người Thanh văn chỉ biết tội báo của ác nghiệp, phước báo của thiện nghiệp, chứ không thể phân biệt tinh tế như vậy. Phật đều biết khắp nghiệp và nghiệp báo ấy với thế lực trí tuệ vô ngại vô tận, không thể phá hoại, không thể hơn. Đây là trí lực thứ hai.
Trí lực phân biệt thiền định, giải thoát, Tam-muội, cấu, tịnh: Thiền là bốn thiền. Phật biết thiền ấy trợ giúp đạo pháp, phân biệt danh, tướng, nghĩa phần, thứ lớp huân tu, hữu lậu, vô lậu, học, vô học, tịnh, cấu, vị, không vị, cạn, sâu v.v...
Tám giải thoát: Như trong chương Thiền Ba-la-mật đã phân biệt danh tướng. Nói thiền là gồm tất cả định cõi Sắc, nói giải thoát là gồm tất cả định, thiền Ba-la-mật tức là các
* Trang 137 *
giải thoát.
Thiền, định, giải thoát, Tam-muội đều gọi là định.
Định là tâm không tán loạn.
Cấu là các phiền não ái, kiến, mạn v.v...
Tịnh là chơn thiền định, không lẫn lộn các phiền não ái, kiến, mạn, như vàng thật.
Phân biệt là trong các định có một tâm hành, không một tâm hành, thường hành, không thường hành, khó vào, dễ vào, khó ra, dễ ra, riêng lấy tướng chung, lấy tướng riêng, chuyển đối trị, không chuyển đối trị. Chuyển đối trị như từ tâm đối với người dâm dục, quán bất tịnh đối với người sân hận, tư duy biên vô biên đối với người ngu si, dùng trí tuệ phân biệt các pháp đối với người giao động, muốn nhiếp tâm đối với người hôn trầm. Nếu không như vậy, gọi là không chuyển đối trị.
Trong định ấy nên phân biệt thời và trú xứ. Nếu thân gầy ốm là không phải lúc hành thiền. Như Bồ tát trong khi khổ hạnh suy nghĩ rằng: “Ta nay không thể phát sanh thiền định.” Hoặc chỗ có nhiều người cũng không phải chỗ hành thiền.
Lại nữa, Phật biết thiền định ấy là sai, thiền ấy là trụ, thiền ầy là tăng ích, thiền ấy là đạt đến Niết-bàn.
Lại nữa, Phật biết người ấy khó vào định khó ra định, dễ vào định dễ ra định, dễ vào định khó ra định, khó vào định,
* Trang 138 *
dễ ra định. Phật biết người ấy có thể được thiền như vậy, biết người ấy mất thiền hướng thọ năm dục, hết người ấy hưởng thọ năm dục, biết người ấy hướng thọ năm dục rồi trở lại được thiền; nương thiền ấy được A-la-hán.
Như vậy hết thảy các thiền định giải thoát, tức là Tam-muội, là thiền định, Phật dùng trí tuệ thẳm sâu biết hết, không thể phá hoại, không thể hơn. Đây là trí lực thứ ba.
Trí lực biết căn cao thấp của chúng sanh: Phật biết chúng sanh lợi căn, độn căn, trung căn. Lợi trí gọi là cao, độn trí gọi là thấp, Phật dùng trí lực biết căn cao thấp ấy mà phân biệt hết thảy chúng sanh là lợi căn, là trung căn, là độn căn. Người ấy có căn như vậy, đời này chỉ có thể được Sơ quả, không thể được các quả khác nữa. Người ấy chỉ được quả thứ hai, ba, tư. Người ấy chỉ có thể được Sơ thiền, người ấy chỉ có thể được thiền thứ hai, ba, tư cho đến được Diệt tận định cũng như vậy.
Biết người ấy sẽ được chứng thời giải thoát, người ấy sẽ được chứng bất thời giải thoát. Người ấy có thể được làm người bậc nhất trong hàng Thanh văn, người ấy có thể được làm người bậc nhất trong hành Bích-chi-phật. Người ấy đầy đủ sáu Ba-la-mật; có thể chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Biết như vậy rồi hoặc nói lược việc đắc độ, hoặc nói rộng việc đắc độ, hoặc vừa nói lược vừa nói rộng việc đắc độ. Hoặc nói lời êm dịu để giáo hóa, hoặc nói lời gay gắc để giáo hóa, hoặc nói lời vừa êm dịu vừa gay gắc để giáo hóa .
Phật cũng phân biệt người ấy có các căn khác, nên làm
* Trang 139 *
cho sanh thêm tín căn, người ấy nên làm cho sanh tinh tấn, niệm, định, tuệ căn. Người ấy dùng tín căn mà vào chánh vị, người ấy dùng tuệ căn mà vào chánh vị. Người ấy lợi căn mà bị kiết sử ngăn che như Ương quân Lê-ma-la[1] v.v... Người ấy lợi căn, không bị kiết sử ngăn che, như Xá-lợi-phất, Mục-liên v.v... biết người căn tuy độn mà không bị ngăn che như Châu-lợi Bàn-đà-già, có người căn độn mà bị ngăn che.
Biết người ấy độn căn, đối với lậu hoặc do kiến đế đoạn lợi căn đối với lậu hoặc do tư duy đoạn; hoặc độn căn đối với lậu hoặc do tư duy đoạn mà lợi căn đối với lậu hoặc do kiến đế đoạn, biết người ấy hết thảy căn đồng độn đồng lợi; biết người ấy hết thảy căn không đồng độn không đồng lợi, biết người ấy nhân trước có sức lớn, người ấy duyên hiện nay có sức lớn, người ấy muốn trói mà được mở, người ấy muốn mở mà bị trói, ví như Ương-quân-lê-ma-la muốn giết mẹ, hại Phật mà lại được giải thoát[2] và như một Tỳ-kheo được Tứ thiền mà vì khởi tâm tăng thượng mạn nên trở lại vào địa ngục.
Biết người ấy chắc đọa đường ác, người ấy khó ra, người ấy dễ ra, người ấy mau ra, người ấy lâu mới ra.
Như vậy tướng trạng hết thảy căn cao thấp của chúng sanh, đều biết khắp, không thể hoại, không thể hơn. Đây là trí lực thứ tư.
Trí lực biết các thứ dục của chúng sanh: Dục là tin, mừng, ưa, vui. Ưa năm dục như Tôn-đà-la Nan-đà[3] v.v... Ưa tiếng tăm như Đề-bà-đạt-đa v.v... Ưa tài lợi thế gian như Tu-di-
[1] T. 51: Đại đường tây vực ký (大唐西域記), tr. 899a21-b3.
[2] T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama-增壹阿含經), quyển 31, kinh số 6, lực phẩm (力品), tr. 719b20-722c22.
[3] T. 4: Phật ngũ bách đệ tử tự thuyết bản khởi kinh (佛五百弟子自說本起經), Nan đề phẩm (難提品), tr. 199b12; T. 2, Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama-增壹阿含經), quyển 3, Đệ tử phẩm (弟子品), kinh số 5, tr. 557c22-23; Tàm quý phẩm (慚愧品), kinh số 6, tr. 591a8-b4; T. 2, Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 11, kinh số 275, quyển 38; T. 3: Phật bản hạnh tập kinh (佛本行集經), quyển 11, tr. 701, quyển 56, tr. 911b; T. 2: Phật thuyết a la hán cụ đức kinh (佛說阿羅漢具德經), tr. 831a.
* Trang 140 *
sát-đa-la v.v... Ưa xuất gia như Gia-xa[1]ù v.v... Ưa tin như Bạt- ca-lợi[2] v.v... Ưa trì giới như La-hầu-la v.v... Ưa bố thí như Đà-bạt-la v.v... (cháu ngoại của bà Cam-lộ, cô của Phật). Ưa tu hạnh đầu đà xa lánh như Ma-ha Ca-diếp. Ưa tọa thiền như Lệ-bạt-đa v.v... Ưa trí tuệ như Xá-lợi-phất. Ưa đa văn như A-nan. Ưa biết luật như Ưu-ba-ly v.v... Các đệ tử Phật như vậy, mỗi người có chỗ ưa. Người phàm phu cũng mỗi người có chỗ mừng, hoặc có người mừng về dâm dục, có người mừng về sân nhuế.
Lại nữa, Phật biết người ấy nhiều dục, nhiều sân, nhiều si.
Hỏi: Tướng nhiều dục, nhiều sân, nhiều si như thế nào?
Đáp: Như trong Thiền kinh[3] nói về tướng của độc, trong đó có nói rộng. Biết tướng như vậy rồi, đối người nhiều dâm dục thì dùng pháp môn quán bất tịnh đối trị, đối người nhiều sân thì dùng pháp môn quán từ tâm đối trị, đối người nhiều ngu si thì dùng pháp môn quán nhân duyên đối trị.
Như vậy tùy theo chỗ ưa muốn để thuyết pháp, đó là đối với người có ưa muốn lành thì nói pháp theo tâm họ, như thuyền thuận dòng, đối với người có ưa muốn dữ thì dùng lời gay gắc để giáo hóa, như lấy nêm trục nêm.[4] Đối với trí biết về dục, Phật đều biết khắp, không thể hoại, không thể hơn. Đây là trí lực thứ năm.
Trí lực biết về tánh: Phật biết các tánh dị biệt của thế gian. Tánh là tập quán tích tụ, tướng từ tánh sanh, dục tác hành theo tánh, hoặc có khi từ dục thành tánh, tập quán dục thành tánh. Tánh là việc làm ô nhiễm tâm, dục là theo duyên
[1] T. 22: Di sa tắt bộ hoà ê ngũ phần luật (彌沙塞部和醯五分律), tr. 105a25-b6; T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da phá tăng sự (根本說一切有部毘奈耶破僧事), tr. 128b29-29c24; T. 22: Tứ phần luật (四分律), tr. 789b5-781a5; T. 3: Quá khứ hiện tại nhân quả kinh (過去現在因果經), quyển 645a21-28; T. 3: Phật bản hành tập kinh (佛本行集經), Da du đà nhân duyên phẩm (耶輸陀因緣品), tr. 815a5-11; T. 3: Chúng hứa ma ha đế kinh (眾許摩訶帝經), tr. 954c6-955b28; T. 4, Phật sở hành tán (Buddhacarita-佛所行讚), tr. 30c20.
[2] T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (根本說一切有部毘奈耶藥事), quyển 4, tr. 15b11-c3; T. 2: Tạp a-hàm kinh (雜阿含經), quyển 47, kinh số 1265, tr. 346b6-347b14; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (增壹阿含經), quyển 10, tr. 642b29-643a23.
[3] T. 15: Toạ thiền tam muội kinh (坐襌三昧經), quyển thượng, tr. 271a-11.
[4] T. 31: Nhiếp đại thừa luận (Mahāyāna-saṃgraha-śāstra-攝大乘論), quyển hạ, tr. 127a29; T.31, Nhiếp đại thừa luận thích (攝大乘論釋), quyển 11, tr. 235b6-8; T. 16: Giải thâm mật kinh (Saṃdhinirmocana-sūtra-解深密經), quyển 3, tr. 702b1013; T. 31: Nhiếp đại thừa luận bản (攝大乘論本), quyển 3, tr. 146c18: Đối trị sai biệt: nghĩa là hết thảy các pháp tổng tướng duyên trí, lấy nêm trục nêm.
* Trang 141 *
sanh khởi. Đó là phân biệt dục và tánh.
Các dị biệt của thế gian là mỗi mỗi tánh, nhiều tánh, vô lượng không thể đếm, ấy là dị biệt của thế gian.
Có hai thứ thế gian là thế giới thế gian (khí thế gian) và chúng sanh thế gian. Trong đây chỉ nói về chúng sanh thế gian. Phật biết chúng sanh tánh như vậy, dục như vậy, từ chỗ ấy đến, thành tựu căn lành, căn chẳng lành, có thể độ, không thể độ, định, bất định, chắc, không chắc, làm hạnh gì, sanh chỗ nào, ở đất nào.
Lại nữa, Phật biết chúng sanh ấy có các tánh tướng, nghĩa là tùy chỗ xu hướng, thiên nhiều như vậy, quí như vậy, sự nhiễm tâm như vậy, muốn như vậy, nghiệp như vậy, hành như vậy, phiền não như vậy, lễ pháp như vậy, định như vậy, oai nghi như vậy, biết như vậy, thấy như vậy, nhớ tưởng phân biệt như vậy, bấy nhiêu kiết sử sanh, bấy nhiêu kiết sử chưa sanh. Tùy chỗ chấp trước sanh dục, tùy dục làm nhiễm tâm, tùy nhiễm tâm mà xu hướng, tùy xu hướng mà quý trọng, tùy quý trọng mà thường giác quán, tùy giác quán mà sanh hý luận, tùy hý luận mà thường niệm, tùy thường niệm mà phát ra sanh, tùy phát ra sanh mà tạo nghiệp, tùy tạo nghiệp mà thọ quả báo.
Lại nữa, Phật dùng trí lực biết về tánh, biết chúng sanh ấy có thể độ, chúng sanh ấy không thể độ, chúng sanh ấy đời này có thể độ, chúng sanh ấy đời sau có thể độ, chúng sanh ấy có thể độ ngay, chúng sanh ấy có thể độ vào lúc khác, chúng sanh ấy hiện tại có thể độ, chúng sanh
* Trang 142 *
ấy mắt không trông thấy có thể độ. Người ấy Phật có thể độ, người ấy Thanh văn có thể độ, người ấy có thể chung độ, người ấy chắc có thể độ, người ấy chắc không thể độ, người ấy nói lược có thể độ, người ấy nói rộng có thể độ, người ấy nói rộng nói lược có thể độ, người ấy tán thán có thể độ, người ấy chiếc phục có thể độ, người ấy tiếp đón có thể độ, người ấy vứt bỏ có thể độ, người ấy pháp vi tế có thể độ, người ấy pháp thô thiển có thể độ, người ấy nói khắc khổ có thể độ, người ấy nói êm dịu có thể độ. Người ấy tà kiến, người ấy chánh kiến, người ấy đắm quá khứ, người ấy đắm vị lai, người ấy đắm đoạn diệt, ngưới ấy đắm thường, người ấy đắm hữu kiến, người ấy đắm vô kiến, người ấy tham dục, người ấy yểm ly sanh, người ấy vui phú quý, người ấy đắm tà kiến nặng, người ấy nói vô nhân vô duyên, người ấy nói tà nhân duyên, người ấy nói chánh nhân duyên, người ấy nói vô tác nghiệp, người ấy nói tà tác nghiệp, người ấy nói chánh tác nghiệp, người ấy nói không cầu, người ấy nói tà cầu, người ấy nói chánh cầu, người ấy quí ngã, người ấy quí năm dục, người ấy quí được lợi, người ấy quí uống ăn, người quí nói việc vui chơi, người ấy ưa đông, người ấy ưa ồn ào, người ấy ưa xa lánh, người ấy hành theo ái nhiều, người ấy hành theo kiến nhiều, người ấy ưa tín, người ấy ưa tuệ, người ấy nên thủ hộ, người ấy nên bỏ, người ấy quí trì giới, người ấy quí thiền định, người ấy qúi trí tuệ, người ấy dễ ngộ, người ấy giảng nói mới ngộ, người ấy có thể dẫn đạo, người ấy hiểu từng câu, người ấy lợi căn, người ấy độn căn, người ấy trung căn, người
* Trang 143 *
ấy dễ ra dễ cứu vớt, người ấy khó ra khó cứu vớt, người ấy sợ tội, người ấy trọng tội, người ấy sợ sanh tử, người ấy không sợ sanh tử, người ấy nhiều dục, người ấy nhiều sân, người ấy nhiều si, người ấy nhiều dục sân, người ấy nhiều dục si, người ấy nhiều sân si, người ấy nhiều dục sân si, người ấy mỏng phiền não, người ấy dày phiền não, người ấy ít nhơ, người ấy nhiều nhơ, người ấy tuệ ngăn che, người ấy tuệ sơ lược, người ấy tuệ rộng lớn, người ấy khéo biết tướng năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên. Có lẽ ấy, không có lẽ ấy, khổ, tập, diệt, đạo. Khéo biết vào định, ra định, ở định.
Lại nữa, Phật biết đó là chúng sanh cõi Dục, đó là chúng sanh cõi Sắc, cõi Vô sắc, đó là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, người, trời; đó là loài sanh bằng trứng, sanh bằng bào thai, sanh từ thấp ướt, sanh bằng biến hóa. Đó là loài có sắc, đó là loài không sắc, đó là loài có tưởng, đó là loài không tưởng, đó là đoản mạng, đó là trường mạng. Đó chỉ là người phàm phu chưa lìa dục, đó là người phàm phu đã lìa dục của cõi dưới, mà chưa lìa dục của cõi Thiền, như vậy cho đến phi hữu tưởng, phi vô tưởng. Đó là hướng đạo, đó là đắc quả , đó là Bích-chi-phật, đó là chư Phật.
Như vậy các thứ phân biệt về năm đường, bốn loài sanh, ba tụ, giả danh, ba chướng, năm uẩn, mười hai nhập, mười tám giới, thiện căn, bất thiện căn, các kiết sử, các địa, nghiệp quả, là có thể độ, là không thể độ, diệt trí phân biệt.
Do như vậy phân biệt biết các tánh dị biệt của chúng
* Trang 144 *
sanh thế gian, được giải thoát vô ngại. Như vậy các tánh dị biệt, Phật đều biết khắp, không thể hoại, không thể hơn. Đây là trí lực thứ sáu.
Trí lực biết nhất thế chí xứ đạo: Có người nói: Nghiệp tức là đạo, vì nghiệp làm nhân duyên đưa đi khắp năm đường. Có nghiệp có thể dứt, nghiệp có thể có chỗ đến, đó là ba Thánh đạo phần[1] và vô lậu tư. Vì vậy, các nghiệp là đạo đưa đến mọi nơi.
Lại nữa, có người nói: Năm phần, năm trí, tam-muội trụ,[2] việc lợi ích ở mọi nơi thành tựu.
Lại có người nói chính là Thiền thứ tư, vì cớ sao? Vì thiền thứ tư là chỗ tất cả các thiền tụ đến. Như trong Kinh nói: Thiện tâm, định tâm, tâm không loạn, nhiếp tâm, đều vào trong thiền thứ tư.
Lại nữa, có người nói: Như thân niệm xứ tức là “Chí xứ đạo,” là gốc lợi ích của các đạo.
Lại có người nói chính là hết thảy Thánh đạo; dùng Thánh đạo ấy thời được lợi ích theo ý muốn.
Lại có Luận giả nói: Hết thảy thiện đạo, hết thảy ác đạo, hết thảy Thánh đạo, mỗi mỗi biết chỗ đến của các đạo, như ở trong kinh Mao Thụ nói:[3] Phật đều biết khắp, không thể hoại, không thể hơn. Đây là trí lực thứ bảy.
Trí lực biết túc mạng: Túc mạng có ba là có thông, có minh, có lực. Người phàm phu chỉ có thông, người Thanh văn cũng thông cũng minh, Phật cũng thông cũng minh, cũng
[1] Giới (Śīla), định (samādhi), tuệ (prajñā).
[2] T. 28: A-tỳ-đàm tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahā-vibhāṣa-śāstra-阿毘曇毘婆沙論), quyển 28, tr. 268b8-9: Như-lai có năm thánh trí tam muội, cũng gọi là thị xứ phi xứ trí lực, ngũ trí: Pháp trí, tỷ trí, đạo trí, tận trí, vô sanh trí; T.32, Thành thật luận (Satyasiddhi śāstra -成實論), quyển 12, tr. 337c24-338a18: Trong kinh nói ngũ thánh chi tam muội: nghĩa là hỷ, lạc, thanh tịnh tâm, minh tướng. Hỷ là sơ thiền, nhị thiền, hỷ tương đồng, gọi là một chi; ở thiền thứ ba lấy Ly hỷ diệu lạc riêng làm một chi; ở trong thiền thứ tư tâm thanh tịnh gọi là chi thứ ba., y vào ba chi này có khả năng sanh minh tướng, quán tướng, minh tướng quán tướng làm nhân, có thể hoại diệt ngũ ấm, quán ngũ ấm không, nên gọi là quán tướng, có thể đạt đến Niết-bàn ấy gọi là Thánh. T. 1: Trường a-hàm kinh (dīrghāgama-長阿含經), quyển 9, kinh số 10, tr. 53c23-28: Thế nào là năm sanh pháp? Nghĩa là Hiền thánh ngũ trí định: (1) Tu tam muội hiện lạc hậu lạc sanh nội ngoại trí; (2) Hiền thánh vô ái sanh nội ngoại trí; (3) Chỗ tu hành của chư Phật hiền thánh sanh nội ngoại trí; (4) cầu tịch diệt tướng không đồng hành sanh nội ngoại trí; (5) nhập vào tam-muội nhất tâm, sanh khởi nhất tâm, sanh nội ngoại trí.; T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahā-vibhāṣa-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 31, tr. 160c23-29.
[3] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 26, kinh số 684, tr. 186b26-187b7; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh (Ekottarikāgama-增壹阿), quyển 42, tr. 776b14-777a15; T. 17: Phật thuyết thân mao hỷ thụ kinh (佛說身毛喜豎經), tr. 592c-600b; T. 17: Phật thuyết tín giải trí lực kinh (佛說信解智力經), tr. 748a-748c.
* Trang 145 *
lực, vì cớ sao? Vì người phàm phu chỉ biết kiếp trước đã trải qua mà không biết do nghiệp làm nhân duyên tương tục. Vì vậy người phàm phu chỉ có thông không có minh. Người Thanh văn biết tập đế nên biết rõ do nghiệp làm nhân duyên tương tục thọ sanh. Vì vậy người Thanh văn cũng có thông cũng có minh. Nếu đệ tử Phật khi còn phàm phu được trí túc mạng, khi vào địa vị kiến đế đạo biết nhân duyên tập đế, phát sanh tâm vô lậu thứ lớp dứt hết kiến hoặc, cho nên thông biến thành minh (quán tứ đế ngang qua 16 tâm, gồm 8 vô gián, 8 giải thoát, đến tâm thứ 16 là dứt hết kiến hoặc. Tâm thứ 16 là nhằm tâm giải thoát thứ 8, hoặc gọi là tâm vô lậu giải thoát thứ 8, N.D chú) vì cớ sao? Vì minh là cội gốc của kiến, nếu đệ tử Phật, trước được Thánh đạo, sau trí túc mạng phát sanh, cũng có sức biết nhân duyên tập đế, cho nên thông lại biến thành minh.
Hỏi: Nếu khi Phật đang là Bồ tát, trước được trí túc mạng, vì các Bồ tát trước xa lìa phiền não sau mới vào Thánh đạo, như vậy vì sao Phật nói: đầu đêm ta chứng được túc mạng minh?[1] (mà không nói là chứng túc mạng thông).
Đáp: Lúc ấy chẳng phải minh. Nếu Phật ở giữa đại chúng nói ta lúc ấy chứng được túc mạng minh là để khai thị cho chúng biết rằng “Túc mạng minh ấy đầu đêm chứng được;” ví như quốc vương, khi chưa làm vua mà sanh con, sau khi làm vua, có người hỏi: Con vua sanh vào lúc nào? Đáp:
[1] T. 1: Trung a-hàm kinh (Madhyamāgama-中阿含經), quyển 25, kinh số 99, khổ ấm kinh (苦陰經), tr. 584c14-23; T. 2: Tăng nhất a-hàm kinh-(Ekottarikāgama-增壹阿含經), quyển 23, Tăng thượng phẩm (增上品), tr. 666b29-667a2; T. 22: Tứ phần luật (Dharmagupta –vinaya-四分律), quyển 31, tr. 781b14-21: Tướng mạo như vậy, biết được vô số việc ở đời trước. khi Bồ-tát ở đầu đêm chứng được túc mạng minh, vô minh diệt minh sanh, bóng tối diệt ánh sáng xuất hiện. Đó là chứng được túc mạng minh. Vì sao? Vì do tinh tấn không buông lung. Lúc bấy giờ Bồ-tát dùng tam muội định ý thanh tịnh, không còn các kiết sử, các cấu uế đã sạch, sở hành nhu nhuyến, trú tâm kiên cố, biết được sự sanh của chúng sanh, biết được sự chết của chúng sanh. Dùng thiên nhãn thanh tịnh quán thấy chúng sanh, sanh, chết, sắc thiện, sắc ác, thiện thú, ác thú, hoặc giàu sang, hoặc nghèo khổ, tuỳ theo hạnh nghiệp của chúng sanh đã tạo, hết thảy đều biết; T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da phá tăng sự (根本說一切有部毘奈耶破僧事), quyển 5, tr. 124a9-b7.
* Trang 146 *
Con vua sanh vào lúc ấy. Khi sanh con thì chưa làm vua, mà vì nay vua nên gọi người con kia là con vua rằng: Người con vua ấy sanh lúc ấy. Phật cũng như vậy, trí túc mạng sanh, bấy giờ chưa là minh, chỉ gọi là thông, lúc cuối đêm biết nhân duyên tập đế, nên thông lại biến làm minh, sau ở giữa đại chúng nói rằng: Ta đầu đêm chứng được túc mạng minh.
Hỏi: Nghĩa của thông và minh như vậy, còn nghĩa lực thế nào?
Đáp: Phật dùng minh ấy biết rõ nhân duyên túc mạng đổi thay trong vô lượng vô biên đời của mình và của chúng sanh. Tất cả đều biết khắp, ấy là lực, không thể hoại, khống thể thắng. Đây gọi là trí lực thứ tám.
Trí lực biết sanh tử: Phật dùng thiên nhãn thấy chỗ chúng sanh sanh và chết. Người phàm phu dùng thiên nhãn cùng lắm chỉ thấy được bốn châu thiên hạ. Người Thanh văn cùng lắm thấy bề ngang của tiểu thiên thế giới, còn bề trên dưới không thấy được.[1]
Hỏi: Đại Phạm vương cũng có thể thấy ngàn thế giới, vậy có gì khác ?
Đáp: Đại Phạm vương tự đứng ngàn thế giới thì thấy khắp, còn nếu đứng một bên thời không thấy các bên khác. Người Thanh văn thời không như vậy, ngay tại đứng chỗ nào thường vẫn thấy ngàn thế giới. Bích-chi-phật thì thấy trăm ngàn thế giới, chư Phật thì thấy vô lượng vô biên thế giới. Trí thiên nhãn của người phàm phu là thông mà chẳng phải minh,
[1] T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahā-vibhāṣa-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 150, tr. 767a28; T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 20, tr. 295b28-296a8.
* Trang 147 *
cũng như vậy, chỉ thấy sự việc hiện ra mà không thể thấy do nghiệp nhân duyên mà thọ sanh, như nói ở trong túc mạng trí.
Lại nữa, vị được thiên nhãn bậc nhất là A-nê-lô-đậu (A-na-luật), thiên nhãn này là nữa phần thanh tịnh của bốn đại tạo sắc của Sắc giới,[1] còn thiên nhãn của Phật là toàn phần thanh tịnh của bốn đại tạo sắc. Đó là chỗ khác nhau.
Lại nữa, người Thanh văn ở trong Tam-muội được thiên nhãn, liền ở trong Tam-muội có thể thấy, hoặc Tam-muội có giác có quán, hoặc Tam-muội không giác có quán, hoặc Tam-muội không giác không quán, tùy theo Phật nhập ở trong Tam-muội nào mà muốn thấy đều thấy. Nếu nương Tam-muội vô giác vô quán được thiên nhãn, rồi vào Tam-muội có giác có quán, Tam-muội không giác có quán cũng thấy được.
Lại nữa, người Thanh văn khi dùng thiên nhãn thấy, đang ở trong Tam-muội, nếu tâm vào tam-muội khác thời thiên nhãn bị mất, Phật thời không như vậy, tâm tuy vào Tam-muội khác, thiên nhãn vẫn không mất. Trí tuệ ấy biến khắp chỗ sanh chỗ tử của hết thảy chúng sanh, không thể hoại, không thể hơn. Đây là trí lực thứ chín.
Trí lực lậu hết.
Hỏi: Chín lực trí tuệ phân biệt có sai khác, còn trí lậu hết thì đồng, hết thảy Thanh văn, Bích-chi-phật với Phật có gì sai khác ?
Đáp: Tuy lậu hết là đồng mà về mặt trí tuệ phân biệt rất sai khác.[2] Sức cực lớn của Thanh văn, tư duy đoạn kiết sử phải qua ba thời là sanh phần, trụ phần, diệt phần. Phật thời
[1] T. 54: Phiên dịch danh nghĩa tập (翻譯名義集), quyển 6, tr. 1161c20-26; T. 85: Duy ma kinh sớ quyển đệ tam (維摩經疏卷第三), quyển 3, tr. 390c22-25: A-na-luật tinh cần tu tập thiên nhãn, nửa đầu thấy tất cả cảnh vật thấy rõ tam thiên đại thiên thế giới, như thấy trái yêm la trong lòng bàn tay, tuy đắc thiên nhãn không cùng vô tướng trí tuệ hiệp hành.
[2] T. 26: Phật địa kinh luận (Buddha-bhūmi Sūtra-佛地經論), quyển 5, tr. 312a13-21; T. 27: A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận (Abhidharma-mahā-vibhāṣa-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 143, tr. 735b2-9; T.4: Ưu bà tắc giới kinh (優婆塞戒經), tr. 1038a18-b14.
* Trang 148 *
không như vậy, trong một lúc sanh phần đã đoạn hết. Người Thanh văn thấy tứ đế đoạn kiết sử thì lúc sanh đoạn, còn tư duy đoạn kiết phải qua ba thời đoạn. Còn Phật thời thấy tứ đế đoạn và tư duy đoạn không có khác. Người Thanh văn lúc mới vào Thánh đạo, lúc vào và lúc chứng đạt khác nhau, còn Phật thời ngay một tâm cũng vào cũng chứng đạt, ngay trong một tâm được nhất thiết trí, ngay một tâm phá hoại hết các chướng, ngay trong một tâm được hết thảy Phật pháp.
Lại nữa, các người Thanh văn có hai thứ giải thoát là giải thoát phiền não, giải thoát pháp chướng,[1] còn Phật có tất cả giải thoát phiền não, cũng có tất cả giải thoát pháp chướng. Phật tự nhiên được trí tuệ, còn Thanh văn phải theo sự giáo đạo tu hành mới được.
Lại có người nói: Nếu Phật dùng trí tuệ dứt phiền não cho hết thảy chúng sanh, trí ấy cũng không hao bớt, ví như hoàn sắc nóng, để trên đó một ít bông, tuy đốt cháy hết bông mà sức nóng lửa không giảm bớt. Trí tuệ của Phật cũng như vậy, đốt hết thảy phiền não mà trí lực cũng không giảm.
Lại nữa, Thanh văn chỉ biết tự dứt hết lậu hoặc, còn chư Phật tự biết dứt hết lậu hoặc, còn chư Phật tự biết dứt hết lậu hoặc cho người khác. Như trong Tịnh Kinh nói[2].
Lại nữa, chỉ riêng Phật biết trong tâm chúng sanh phân biệt ra có 98 sử,[3] 196 triền,[4] trừ Phật không ai biết được. Cũng chỉ riêng Phật biết trong khổ pháp trí, khổ loại trí dứt được bấy nhiêu tánh kiết sử, cho đến trong đạo loại trí cũng như vậy. Về tư duy đoạn hoặc, trong 9 giải thoát
[1] T. 8: Thật tướng bát nhã ba la mật kinh (實相般若波羅蜜經), tr. 776b4-7.
[2] Tham khảo T. 55: Đại đường nội điển lục (大唐內典錄), quyển 4, tr. 261b26; T. 55: Khai nguyên thích giáo lục (開元釋教錄), quyển 2, tr. 495a1-2; T. 55: Xuất tam tạng ký tập (出三藏記集), quyển 7, tr. 51b8-13; T. 49: Lịch đại tam bảo ký (歷代三寶紀), quyển 6, tr. 63a11-12; T. 24: Thanh tịnh tỳ ni phương quảng kinh (清淨毘尼方廣經), tr. 1081a3-10.
[3] T. 29: A-tỳ-đạt-ma câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿毘達磨俱舍論), quyển 19, Phân biệt tuỳ miên phẩm (anuśayanirdeśaḥ-分別隨眠品); T. 28: A-tỳ-đạt-ma phát trí luận (Abhidharma -jñāna-prasthāna-阿毗达磨发智论卷五) , quyển 5.
[4] T. 26: Thập trụ tỳ-bà-sa luận (Daśabhūmika-vibhāṣā-十住毘婆沙論), quyển 16, tr. 108b28-c6: Phiền não, phiền não cấu, kiết sử sở nhiếp gọi là phiền não, triền sở nhiếp gọi là cấu. Kiết sử sở nhiếp gọi là phiền não, chúng là tham, sân, mạn, vô minh, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến, nghi, là mười căn bản phiền não, theo tam giới kiến đế tư duy sở đoạn, phân biệt nên gọi là 98 sử. Triền sở nhiếp là: bất tín, vô tàm, vô qúy, siểm khúc, hý, kiên, chấp, giãi đãi, thối một, thuỳ miên, hận, phú, não tật, xan, kiêu, bất nhẫn thực, bất tri túc. Cũng lấy tam giới kiến đế tư duy sở đoạn, phân biệt có 196 triền cấu.
* Trang 149 *
đạo cũng như vậy (9 địa là dục giới địa và 4 thiền, 4 định, mỗi địa có 9 phẩm tư hoặc, 9 địa có 81 phẩm tư hoặc. Muốn dứt 9 phẩm tư hoặc trong mỗi địa phải trải qua 9 vô gián đạo và 9 giải thoát đạo. N.D chú). Phật đều biết khắp việc như vậy của hết thảy chúng sanh. Thanh văn nếu biết và được chút ít đều nói theo Phật. Thế lực của trí tuệ lậu hết như vậy, không thể hoại, không thể hơn. Đây là trí lực thứ mười.
Hỏi: Mười lực ấy, lực nào hơn cả?
Đáp: Mỗi lực đều lớn trong việc của mình, như nước hay thấm, lửa hay cháy, đều tự có sức.
Có người nói, lực đầu là lớn, vì gồm cả mười lực. Hoặc nói lực lậâu hết là lớn, vì việc thành được Niết-bàn. Còn Luận giả nói: Mười lực ấy đều lấy vô ngại giải thoát làm căn bản, làm tăng thượng.
Hỏi: Nếu mười lực ấy là việc riêng của Phật, còn đệ tử đời nay không ai có được, cớ sao Phật nói?
Đáp: Vì để dứt mối nghi của người đối với mười lực, và làm cho tâm người vô trí được quyết định bền chắc, khiến cho tứ chúng hoan hỷ nói rằng riêng Đại sư của chúng ta có lực như vậy, không cùng chung với hết thảy chúng sanh.
Lại các ngoại đạo nói: Sa-môn họ Cù-đàm, thường ở chỗ vắng lặng, trí tuệ teo mất. Vì vậy ta nói lên lời chí thành rằng Ta an lập đầy đủ mười trí, bốn không sợ, ở giữa đại chúng, nói chơn trí tuệ, giáo hóa chúng sanh, như tiếng sư tử rống, chuyển phạm luân (pháp luân) mà hết thảy ngoại đạo,
* Trang 150 *
trời, người không ai chuyển được, vì chấm dứt lời chê bai của ngoại đạo nên nói mười lực này.
Hỏi: Pháp của người tốt, một việc trí tuệ còn không nên tự khen, huống gì người vô ngã, không dính mắc mà lại tự khen mười lực của mình? như nói:
“Khen mình, chê mình,
Khen người, chê người,
Bốn thứ như vậy.
Người trí không làm.”[1]
Đáp: Phật tuy vô ngã, không dính mắc, có vô lượng lực, do tâm đại bi vì độ chúng sanh nên chỉ nói mười lực, chứ không phải vì khen mình; ví như người dẫn đạo khách buôn giỏi, thấy ác tặc dối hoặc khách buôn chỉ bày đường quấy mới vì lòng thương mà nói với khách buôn rằng: Ta là người nói thật, các ngươi chớ nghe theo lời kẻ dối hoặc. Lại như các thầy thuốc dỡ dối hoặc người bệnh, lương y thương bảo người bệnh rằng: “Ta có thuốc hay có thể trừ bệnh cho ngươi, ngươi chớ tin theo lỗi dối trá mà khổ.”
Lại nữa, công đức của Phật sâu xa, nếu Phật không tự nói ra thì không ai biết được. Vì chúng sanh nói ra được lợi ích rất nhiều. Do vậy, Phật tự nói ra mười lực.
Lại nữa, gặp người có thể độ, chắc phải nói cho, trong các điều nên nói, thứ lớp nên nói mười lực, nếu không nói thời người kia không được độ. Vì vậy nên Phật tự nói; ví như khi mặt trời mặt trăng mọc, không nghĩ rằng: Ta soi sáng
[1] T. 34: Pháp hoa văn cú ký (法華文句記), quyển 9, tr. 322a16-19.
* Trang 151 *
thiên hạ, sẽ có danh xưng, mặt trời mặt trăng đã mọc, ắt tự có danh, Phật cũng như vậy; không nghĩ rằng mình sẽ có danh xưng mà tự nói công đức ra. Phật dùng lời thanh tịnh thuyết pháp, soi sáng phá ngu tối cho chúng sanh, tự nhiên có danh xưng lớn. Vì vậy Phật tự nói các công đức mười lực v.v... mà không có lỗi.
Lực là có khả năng thành tựu. Dùng mười lực tăng ích trí tuệ này có thể phá các luận nghị sư, dùng mười lực tăng ích trí tuệ này có thể giỏi thuyết pháp, dùng mười lực tăng ích trí tuệ này có thể chiếc phục kẻ không thuận, dùng mười lực tăng ích trí tuệ này được tự tại đối với các pháp, như đại quốc chủ được tự tại đối thần dân đại chúng. Ấy là dùng pháp Thanh văn lược nói nghĩa mười lực.
(Hết cuốn 24 theo bản Hán)
___________
* Trang 152 *