Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục
CHƯƠNG 2
         GIẢI THÍCH: TỔNG THUYẾT NHƯ THỊ NGÃ VĂN
            Nay sẽ nói tổng quát về “Như vậy tôi nghe.”
            Hỏi: Nếu chư Phật là đấng Nhất thiết trí,[1] tự nhiên, không Thầy, không theo lời dạy của người khác, không thọ pháp của người khác, không dùng đạo của người khác, không theo người khác nghe để mà thuyết pháp, tại sao lại nói “Như vậy tôi nghe?”
            Đáp: Đúng như ông nói: “Phật là đấng Nhất thiết trí, tự nhiên, không Thầy, không theo người khác nghe pháp để mà thuyết.” Phật pháp không chỉ từ miệng Phật thuyết, mà là hết thảy lời nói tốt lành, chân thật, vi diệu của thế gian đều xuất từ Phật pháp. Như trong Tỳ-ni, Phật nói: “Thế nào là Phật pháp?” Phật pháp có năm hạng người nói: Một là Phật tự miệng nói, hai là đệ tử Phật nói, ba là tiên nhân nói, bốn là chư thiên nói, năm là hóa nhân nói.[2]
            Lại như trong Kinh Thích-đề-hoàn-nhơn Đắc đạo, Phật nói với Kiều-thi-ca: “Thiện ngữ chân thật, hảo ngữ vi diệu của thế gian đều xuất từ pháp của Ta,”[3] như trong bài kệ tán Phật rằng:
 

[1] T. 26: Thập trụ tỳ-bà-sa  luận (Daśabhūmivibhāsā śāstra-十住毘婆沙論), quyển 10-11, tr. 73c29-79a7.
[2] T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 9, tr. 71b1-2; T. 22: Ma ha tăng kỳ luật (Mahāsāṃghika-vinaya-摩訶僧祗律), quyển 13, tr. 336a21: Pháp do Phật thuyết, Phật ấn khả. Phật thuyết: Phật tự miệng nói; Phật ấn khả là đệ tử Phật và những người khác nói, ấy là Phật sở ấn khả; T. 22: Tứ phần luật (Dharmagupta –vinaya-四分律), quyển 11, tr. 639a16: Cú pháp là Phật nói, Thanh-văn nói, tiên nhơn nói, chư thiên nói. Luật này cùng Luật Pāli tương đồng; T. 23: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da (Mūla-sarvāstivāda-vinaya-根本說一切有部毘奈耶), quyển 26, tr. 771b22: Pháp hoặc Phật nói hoặc Thanh-văn nói.; T. 49: Đại A-la-hán đề mật đa la sở thuyết pháp trú ký (大阿羅漢難提蜜多羅所說法住記), tr. 14b9: Bồ-tát được liệt vào thuyết pháp: trong chánh pháp tạng như vậy, hoặc là Phật nói, hoặc Bồ-tát nói, hoặc Thanh-văn nói, hoặc chư tiên nói, hoặc chư thiên nói, hoặc trí giả nói đều dẫn dắt  nghĩa lợi …
[3] T. 8: Ma ha bát nhã ba la mật kinh (Mahāprajñāpāramitā-摩訶般若波羅蜜經), quyển 9, tr. 285c; T. 32: Thành thật luận (Satyasiddhi-śāstra-成實論), quyển 1, pháp bảo luận sơ tam thiện phẩm đệ lục (法寶論初三善品第六), tr. 243: Hỏi rằng: Lời nói của ông nên đãnh lễ Pháp. Vì sao nói công đức nên đãnh lễ pháp? Đáp: Phật tự tán thán rằng, Pháp của Ta nói ra, đầu, giữa, cuối thiện, thiện nghĩa, thiện ngữ. Riêng pháp đầy đủ, thanh tịnh điều nhu, tùy thuận phạm hạnh. Đầu, giữa, cuối thiện là Phật pháp không lúc nào không thiện, đối với niên thiếu, trung niên và già ba thời đều thiện. khi vào, khi đi, khi ra cũng thiện.
 

* Trang 55 *
device

                        “Thiện ngữ của thế gian,
                        Đều xuất từ Phật pháp.
                        Thiện ngữ không sai lầm,
                        Không gì hơn Phật ngữ.

                        Những nơi khác tuy có,
                        Thiện ngữ không sai lầm,
                        Nó hết thảy đều là,
                        Một phần của Phật pháp.

                        Trong các ngoại đạo,
                        Dù có lời hay,
                        Như sâu ăn cây,
                        Ngẫu nhiên thành chữ.[1]

                        Pháp đầu, giữa, cuối,
                        Tự phá lẫn nhau,
                        Như sắt sanh vàng,
                        Ai mà tin được?

                        Như ở trong cây Y-lan-eraṇḍ,
                        Sanh hương Ngưu đầu-gośīrṣa Chiên-đàn.
                        Như trong giống cây đắng,
                        Sanh ra quả ngon ngọt.

                        Nếu tin được điều đó,
                        Người ấy sẽ tin rằng:
                        Trong kinh sách ngoại đạo,
                        Tự xuất lời hay đẹp.
 

[1] T. 12: Đại bát niết bàn kinh (Mahā-parinirvāṇa sūtra-大般涅槃經),quyển 2, tr. 378b27-29: Như sâu ăn cây thành chữ là: sâu này không biết là chữ (akara) phi chữ. Người trí biết không thể nói: sâu hiểu chữ. (如虫食木有成字者, 此虫不知是字非字. 智人見之終不唱言: 是虫解字).
 

* Trang 56 *
device

                        Những lời hay, chân thật,
                        Đều xuất từ đức Phật,
                        Như thứ hương Chiên-đàn,
                        Mọc ở núi Ma-lê.

                        Ngoài núi Ma-lê ra,
                        Không đâu có Chiên-đàn,
                        Như vậy, ngoại trừ Phật,
                        Không đâu có lời thật.”
            Lại nữa, câu “Như vậy tôi nghe” là lời của các đại đệ tử Phật, như A-nan v.v... nói; vì vào trong tướng của Phật pháp nên gọi là Phật pháp.[1] Như khi Phật nhập Niết-bàn, Ngài ở tại xứ Câu-thi-na-kiệt, giữa rừng cây Sa-la song thọ, nằm quay đầu về hướng Bắc mà sắp nhập Niết-bàn. Bấy giờ, A-nan tình ái luyến thân thuộc chưa trừ, vì chưa ly dục, tâm chìm trong biển ái, không thể tự ra được. Trưởng lão A-nê-lô-đậu (Aniruddha) nói với A-nan: “Thầy là người giữ Phật Pháp tạng, không nên giống như người phàm tự chìm trong biển ái! Hết thảy pháp Hữu vi đều là tướng vô thường, Thầy chớ ưu sầu. Lại nữa, tự tay Phật đã trao pháp cho Thầy, Thầy nay ưu sầu thì sẽ làm mất việc đã thọ nhận. Thầy nên thưa Phật: Sau khi Phật Niết-bàn, chúng con hành đạo như thế nào? Ai sẽ là Thầy? Bọn Xa-nặc ác khẩu làm sao cùng ở chung? Kinh Phật bắt đầu nên để lời gì? Những việc vị lai như thế, Thầy nên hỏi Phật.”
            A-nan nghe việc ấy, tâm sầu muộn hơi tỉnh, được sức ghi nhớ đạo hỗ trợ, đến bên cuối giường Phật nằm, đem các
 

[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 4, tr. 26b28; T. 1 Bát nê hoàn kinh (parinirvāṇa-sūtra-般泥洹經), quyển hạ, tr. 188b26; T. 1: Phật bát nê hoàn kinh (佛般泥洹經), 205a10; T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (Mūla-sarvāstivāda-vinaya-kṣudraka-vastu-根 本 說 一 切 有 部 毘 奈 耶 雜 事), quyển 38, tr.  399b6.
 
 

* Trang 57 *
device

việc ấy hỏi Phật. Phật dạy A-nan: “Hoặc bây giờ, hoặc sau khi Ta diệt độ, nên tự y chỉ và y chỉ Pháp, không y chỉ nơi nào khác!. Thế nào là Tỳ-kheo tự y chỉ và y chỉ Pháp, không y chỉ nơi nào khác. Là, Tỳ-kheo quán ở trong thân, thường niệm nhất tâm trí tuệ, siêng tu tinh tấn, trừ tâm tham ưu thế gian; quán ngoài thân, quán trong ngoài thân cũng như thế; quán thọ, tâm, pháp niệm xứ cũng lại như thế. Đó gọi là Tỳ-kheo tự y chỉ và y chỉ Pháp, không y chỉ nơi nào khác.[1] Từ nay, giới kinh giải thoát là Đại sư của các Thầy. Như kinh Giải Thoát Giới dạy: “Thân nghiệp, khẩu nghiệp, nên như thế mà làm. Tỳ-kheo Xa-nặc, sau khi Ta Niết-bàn thì như pháp Phạm-đàn (mặc tẩn) mà trị. Nếu người có tâm nhu thuận thì dạy họ Kinh San-đà Ca-chiên-diên, tức có thể đắc đạo. Ta trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp, chứa nhóm tạng Pháp bảo; tạng ấy bắt đầu nên để lời: “Như vậy, tôi nghe, một thời, Phật ở tại địa phương ấy, quốc độ ấy, trong rừng cây xứ ấy”, vì sao? Vì các kinh Phật đờì quá khứ bắt đầu đều xưng lời ấy, các kinh Phật đời vị lai, bắt đầu cũng xưng lời ấy; các Phật đời hiện tại, cuối cùng khi Bát-niết-bàn cũng dạy xưng lời ấy. Nay Ta, sau khi Niết-bàn, bắt đầu kinh cũng nên xưng: “Như vậy, tôi nghe, một thời.”
            Vậy nên biết ấy là lời Phật dạy, chứ không phải Phật tự nói “Như vậy tôi nghe;” vì Phật là bậc Nhất thiết trí, tự nhiên, không Thầy, thì không nên nói “Tôi nghe.” Nếu Phật tự nói “Như vậy tôi nghe,” có người không biết, thì có thể hỏi như thế,  còn  đây  A-nan  bạch Phật, Phật  dạy lời ấy, ấy  là đệ tử
 

[1] Tường bộ kinh I, kinh số 16: Kinh Đại-bát Niết-bàn (Mahāparinibbāna sutta); T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長阿含經), quyển 2, tr. 15b; T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (Mūla-sarvāstivāda-vinaya-kṣudraka-vastu-根本說一切有部毘奈耶雜事), quyển 36, tr. 387b.
 

* Trang 58 *
device

nói “Như vậy tôi nghe,” xưng “tôi” không có lỗi.
            Lại nữa, vì muốn cho Phật pháp trụ lâu ở thế gian, nên các vị A-la-hán như Trưởng lão Đại Ca-diếp (Mahākassapa) v.v... hỏi A-nan: “Phật thuyết pháp ở chỗ nào trước hết? Ngài dạy những pháp gì?”
            A-nan đáp: “Như vậy tôi nghe, một thời Phật ở tại nước Ba-la-nại trong rừng Nai của tiên nhân, Ngài vì năm Tỳ-kheo nói về Khổ thánh đế. Tôi vốn không nghe từ ai nói lại, mà ở trong Pháp chính tôi nhớ rõ, được nhãn, trí, minh, giác.”[1] Việc kinh ấy trong đó cần nói rộng.
            Như trong Kinh Tập Pháp (Dharma-sagraha sūtra) nói:[2] “Lúc Phật vào Niết-bàn, quả đất sáu cách rung động, các dòng sông chảy ngược, gió mạnh bộc phát, bốn phía nổi mây đen, sấm sét dữ dội, mưa đá đổ xuống, sao băng khắp nơi; Sư tử, ác thú gào thét kêu rống; chư Thiên, Người đời đều cất tiếng la hét. Chư Thiên, Người đời đều phát ra lời rằng: “Phật vào Niết-bàn sao mà mau quá. Con mắt của thế gian đã mất!”
            Ngay lúc bấy giờ tất cả cỏ cây, cây thuốc, hoa lá cùng lúc rã tan; núi chúa Tu-di đều lay động, nước biển dậy sóng, đất rung động mạnh, núi non băng vỡ sụp, cây cối gãy đổ, bốn phía khói ùn rất là dễ sợ; vũng, ao, sông, ngòi đều quấy nhớp, sao chổi mọc ban ngày. Loài người đều kêu khóc, chư thiên ưu sầu, thiên nữ nghẹn ngào khóc than, nước mắt đầm đìa. Các hàng Hữu học lặng lẽ không vui, các hàng Vô học nghĩ tới pháp Hữu vi hết thảy vô thường. Như vậy, Trời, Người, Dạ-xoa, La-sát, Càn-thát-bà, Chân-đà-la, Ma-hầu-la-
 

[1] T. 27: A-tỳ-đạt-ma  đại tỳ-bà-sa  luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra-阿毘達磨大毘婆沙論), quyển 79, tr. 411a18-26: Như Khế kinh nói: Phật bảo các tỳ-kheo: “Ta đối với bốn Thánh đế, ba chuyển mười hai hành tướng, nhãn sanh, trí, minh, giác sanh … Trong đây nhãn là pháp trí nhẫn. Trí là các pháp trí. Minh là các loại trí nhẫn. Giác là các loại trí. Lại nữa, nhãn là nghĩa quán thấy. Trí là nghĩa quyết đoán. Minh là nghĩa chiếu liễu. Giác là nghĩa cảnh sách (răng dạy).; T. 23: Thập tụng luật (十誦律), quyển 60, tr. 448b; T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 15, kinh số 379, tr. 103c-104a; T. 2: Phật thuyết tam chuyển pháp luân kinh (佛說三轉法輪經), tr. 504a-b.
[2] T. 49: Ca diếp kết kinh (迦葉結經), tr. 4b-7a.
 

* Trang 59 *
device

già và loài Rồng đều rất buồn rầu; còn các vị A-la-hán đã đắc quả, khỏi biển lão bệnh tử, tâm niệm rằng:
                        “Đã qua sông ái của phàm nhân,
                        Đã xé giấy hợp đồng già chết,
                        Thấy bốn Rắn lớn trong hòm thân,[1]
                        Nay vào Niết-bàn diệt Vô-dư.”
            Các vị Đại A-la-hán, ai nấy tùy ý ở trong núi rừng, khe suối, hang động xả thân mà nhập Niết-bàn.[2] Lại có các A-la-hán đi giữa hư không, ví như Nhạn chúa hiện các thứ thần lực, khiến mọi người khởi lòng tin thanh tịnh, vậy sau mới vào Niết-bàn. Trời Lục dục cho đến trời Biến tịnh v.v... thấy các A-la-hán đều vào diệt độ, ai nấy nghĩ: “Mặt trời Phật đã lặn, các đệ tử đầy đủ Thiền định, trí tuệ, giải thoát  trước đó cũng đã diệt độ. Các chúng sanh nay đủ các bệnh dâm, nộ, si mà các vị Thầy pháp dược gấp diệt độ, thì ai sẽ chữa trị cho? Các đệ tử như Hoa sen nở trong biển vô lượng trí tuệ, nay đã khô héo, cây Pháp gãy đổ, mây Pháp tan diệt, Bậc đại trí như Voi chúa đã mất, đàn Voi con cũng đi theo, người gieo Chánh pháp đã mất rồi, Pháp bảo sẽ tìm cầu ở nơi đâu?” như kệ nói:   
                        “Phật đã vĩnh tịch vào Niết-bàn,
                        Chúng diệt kiết sử cũng qua đi,
                        Thế giới trống không, không bậc trí,
                        Ngu tối thêm lên, đèn trí tắt.”
            Bấy giờ chư thiên lễ dưới chân Đại Ca-diếp và nói kệ:
                        “Bậc kỳ lão, ba độc đã trừ,
 

[1] T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜阿含經), quyển 43, kinh số 1172, tr. 313b14-314a: Phật trú tại nước Câu-diệm-di (Kauśāmbī) vườn Cù-sư-la (Ghoṣira). Lúc bấy giờ Thế-tôn bảo các tỳ-kheo, ví như có bốn con rắn, hung ác độc hại, giữ trong một cái hòm. Lúc đó có người trí thông minh không ngu, có trí tuệ, cầu vui, chán khổ, cầu sống chán chết…
[2] T. 39: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (根 本 說 一 切 有 部 毘 奈 耶 雜 事), quyển 39, tr. 402c7-9: Tôn-giả xá-lợi-phất cùng tám vạn đại tỳ-kheo đồng nhập Niết-bàn; Tôn giả Đại-mục-kiền-liên cùng bảy vạn tỳ-kheo cũng nhập Niết-bàn; Thế-tôn cùng một vạn tám ngàn tỳ-kheo cũng bát Niết-bàn.
 

* Trang 60 *
device

                        Thân Ngài như cây trụ tử kim,
                        Đoan nghiêm vi diệu không thể sánh,
                        Mắt sáng trong sạch như Hoa sen.”
            Tán thán như vậy rồi, thưa Ca-diếp: “Đại đức Ca-diếp! Nhân giả biết không? Con thuyền Phật pháp như muốn vỡ, thành Phật pháp như muốn đổ, biển Phật pháp như muốn khô, cờ Phật pháp như muốn ngả, đèn Phật pháp như muốn tắt, người thuyết pháp như muốn hết, người hành đạo ít dần, kẻ làm ác thêm lên. Xin Ngài đem tâm đại từ mà kiến lập Phật pháp.”
            Bấy giờ Đại Ca-diếp, tâm như biển cả, đứng lặng không lay động, giây lâu mới đáp: “Các ông khéo nói, thật đúng như lời, thế gian không lâu rồi sẽ vô trí, tối mù.” Rồi lúc đó Đại Ca-diếp im lặng nhận lời. Bấy giờ chư thiên lễ dưới chân Đại Ca-diếp rồi bỗng nhiên không hiện, ai nấy về chỗ cũ.
            Khi ấy Đại Ca-diếp tư duy rằng: “Ta nay làm sao để cho Phật pháp trong ba vô số kiếp khó tìm gặp ấy được trụ lâu?” Tư duy như vậy xong, lại suy nghĩ tiếp: “Ta biết pháp ấy có thể làm cho trụ được lâu dài, phải nên kết tập Kinh (Tu-đố-lộ-sūtra), Luật (Tỳ-ni-vinaya), Luận (A-tỳ-đàm-abhidharma) thành Ba tạng Pháp, như vậy Phật pháp có thể được trụ lâu; người đời sau có thể được lãnh thọ hành trì, vì sao? Vì Phật thương xót chúng sanh, phải chịu khổ trong nhiều đời, mới học được pháp ấy mà diễn nói cho người. Bọn ta cũng nên vâng theo Phật pháp mà tuyên dương khai hóa.”

* Trang 61 *
device

            Lúc ấy Đại Ca-diếp nói lời ấy xong, Ngài đi đến trên đỉnh núi Tu-di đánh kiền chùy, rồi thuyết:
                        “Các đệ tử Phật,
                        Nếu nghĩ đến Phật,
                        Muốn báo ân Phật,
                        Chớ vào Niết-bàn.”
            Âm thanh kiền chùy và tiếng nói của Đại Ca-diếp vang đến khắp cả ba ngàn đại thiên thế giới, ở đâu cũng nghe, thời bấy giờ các bậc đệ tử đã được thần lực, đều đến hội họp ở chỗ Đại Ca-diếp.
            Bấy giờ Đại Ca-diếp cáo với chúng hội: “Phật pháp sắp muốn diệt! Phật vì thương xót chúng sanh nên chịu cần khổ đủ thứ trong ba vô số kiếp mới học được pháp ấy!. Nay Phật đã vào Niết-bàn, các đệ tử biết Pháp, thọ trì Pháp, tụng đọc Pháp cũng theo Phật mà diệt độ. Pháp nay sắp muốn diệt, chúng sanh đời vị lai thật đáng thương thay, đã bị mất con mắt trí tuệ, ngu si mù tối. Đức Phật đại từ bi thương xót chúng sanh, bọn ta hãy vâng theo lời Phật, phải đợi khi kiết tập Kinh tạng xong, rồi tùy ý diệt độ.” Các chúng đến dự hội đều vâng lời ở lại.
            Bấy giờ Đại Ca-diếp chọn được ngàn người, chỉ trừ A-nan, còn hết thảy đã chứng A-la-hán, được sáu thứ thần thông, được cọng giải thoát, vô ngại giải thoát, được ba minh, thiền định tự tại, có thể thuận hành và nghịch hành các tam muội, thảy đều vô ngại, đọc tụng Ba tạng, biết kinh sách nội ngoại, cũng đọc biết cả mười tám thứ đại kinh của ngoại đạo.

* Trang 62 *
device

Ai nấy đều giỏi luận nghị, hàng phục các dị học.
            Hỏi: Bấy giờ có vô số A-la-hán như thế, cớ gì chỉ chọn lấy một ngàn người, mà không chọn lấy nhiều hơn?
            Đáp: Vua Tần-bà-ta-la đắc đạo, tám vạn bốn ngàn quan thuộc cũng đều đắc đạo. Lúc ấy vua sắc trong cung thường dọn bửa cúng dường cho một ngàn người. Vua A-xà-thế vẫn không bỏ pháp ấy. Bấy giờ Đại Ca-diếp tư duy: “Nếu chúng ta thường đi khất thực sẽ có ngoại đạo cưỡng đến nạn vấn mà bê trễ pháp sự. Nay trong thành Vương-xá thường dọn thức ăn cung cấp cho một ngàn người, chúng ta có thể ở trong đó, kết tập Kinh tạng;” vì lẽ ấy chỉ chọn một ngàn người, không chọn nhiều hơn.
            Lúc ấy Đại Ca-diếp cùng với một ngàn người đi đến trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá,[1] nói với vua A-xà-thế: “Hằng ngày hãy đem thức ăn đến cung cấp cho chúng tôi, nay chúng tôi ở đây kiết tập Kinh tạng, không được đi đâu.”    
Ở đó An cư trong ba tháng hạ. Trong ngày mười lăm đầu thuyết giới, vân tập hòa hợp Tăng, Đại Ca-diếp vào thiền định, rồi dùng Thiên nhãn quán trong chúng này đây ai là người chưa dứt sạch phiền não, phải nên mời ra. Thấy chỉ có một mình A-nan chưa dứt hết phiền não, còn chín trăm chín mươi chín người kia đều đã sạch hết các lậu, thanh tịnh không nhơ bẩn. Đại Ca-diếp từ thiền định dậy, lấy tay dắt A-nan ra khỏi chúng, nói: “Nay ở trong chúng thanh tịnh kiết tập Kinh tạng, Thầy chưa sạch kiết sử, không nên ở đây.”
            Bấy giờ A-nan hổ thẹn buồn khóc, tự nghĩ: “Ta hai
 

[1] T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (根 本 說 一 切 有 部 毘 奈 耶 雜 事), quyển 39, tr. 404b; T. 50: A dục vương kinh (阿 育 王 經), quyển 6, tr. 151b.
 

* Trang 63 *
device

mươi lăm năm theo hầu hạ Thế Tôn, gần gũi chăm sóc Ngài, chưa bao giờ bị khổ não như thế này; Phật thật là Đại đức từ bi, hay ẩn nhẫn.” Suy nghĩ xong, A-nan thưa Đại Ca-diếp: “Tôi có đủ sức để đắc đạo từ lâu, song theo pháp của các đức Phật, vị A-la-hán không thể bị sai khiến hầu hạ hai bên; vì thế tôi giữ lại một phần kiết sử nhỏ nhặt mà không dứt hết đó thôi.” Đại Ca-diếp nói: “Thầy còn có tội là, ý Phật không muốn cho người nữ xuất gia, vì Thầy ân cần khuyến thỉnh, Phật mới cho họ xuất gia, vì lẽ đó mà Chánh pháp của Phật chỉ năm trăm năm là suy giảm. Đó là tội Đột-kiết-la (Duṣkṛta) của Thầy. A-nan đáp: “Tôi thương xót bà Cù-đàm-di. Lại nữa, theo pháp của chư Phật ba đời đều có bốn bộ chúng, sao riêng Phật Thích-ca Văn của ta lại không có?” Đại Ca-diếp nói: “Khi Phật sắp nhập Niết-bàn gần thành Câu-thi-na-kiệt (Kuśingara), Ngài đau lưng, trải bốn lớp y Âu-đa-la-tăng-uttarāsaṅga để nằm và nói với Thầy: “Ta cần nước,” mà Thầy không cung cấp. Đó là tội Đột-kiết-la của Thầy”.[1]  A-nan đáp: “Khi đó cả năm trăm cổ xe băng dòng lội qua làm nước vẩn đục, vì thế nên tôi không lấy!” Đại Ca-diếp nói: “Dẫu nước bị đục, thần lực của Phật có thể làm cho nước đục biến thành trong sạch, sao Thầy không lấy? Đó là tội Đột-kiết-la của Thầy. Thầy hãy sám hối đi!” Đại Ca-diếp lại nói: “Phật đã dạy: Nếu người khéo tu tập Bốn thần túc, thì có thể sống một kiếp hoặc non một kiếp. Phật khéo tu tập Bốn thần túc, muốn sống một kiếp hoặc non một kiếp đều được, mà sao Thầy làm thinh không thưa lại. Phật hỏi đến ba lần, Thầy vẫn làm thinh. Nếu Thầy
 

[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長 阿 含 經), quyển 3, kinh số 2: Kinh du hành, tr. 19c13.
 

* Trang 64 *
device

thưa với Phật là: Phật khéo tu tập Bốn thần túc, Ngài nên sống một kiếp hoặc non một kiếp! Do Thầy, Phật Thế Tôn sớm vào Niết-bàn. Đó là tội Đột-kiết-la của Thầy!”[1] A-nan đáp: “Ma che lấp tâm tôi, nên không nói được, chứ không phải tôi có ác tâm mà không thưa Phật.” Đại Ca-diếp nói: “Thầy xếp y Tăng-già-lê (samghati) của Phật mà lấy chân đạp lên. Đó là tội Đột-kiết-la của Thầy!” A-nan đáp: “Khi ấy có gió lớn nổi lên mà không ai giúp tôi cầm y, gió thổi làm y rớt xuống chân tôi, chứ không phải tôi không cung kính mà giẫm lên y Phật!” Đại Ca-diếp nói: “Sau khi Phật Niết-bàn, Thầy bày tướng Mã âm tàng của Phật cho người nữ xem, sao không biết xấu? Đó là tội Đột-kiết-la của Thầy!” A-nan đáp: “Khi ấy tôi suy nghĩ: Nếu các người nữ thấy tướng Mã âm tàng của Phật, chắc họ tự xấu hổ thân hình nữ nhân, mong muốn được thân nam tử, tu hành Phật tướng, gieo gốc phước đức; vì thế mà tôi cho người nữ xem, chớ không phải không biết xấu mà cố tâm phá giới.” Đại Ca-diếp nói: “Thầy có sáu tội Đột-kiết-la như vậy nên phải sám hối giữa Tăng.” A-nan nói: “Vâng, xin theo lời dạy của Trưởng lão Đại Ca-diếp và chúng Tăng.” Khi ấy A-nan quỳ thẳng chấp tay, bày vai áo bên phải, cởi dép, sám hối sáu tội Đột-kiết-la. Đại Ca-diếp ở giữa Tăng, cầm tay dắt A-nan ra ngoài, nói với A-nan: “Thầy hãy dứt hết lậu hoặc của Thầy, vậy sau trở vào, kiết sử tàng dư chưa hết, thì Thầy chớ vào!” Nói xong, liền tự đóng cửa lại.
            Bấy giờ, các A-la-hán nghị rằng:  “Ai có thể kiết tập Tỳ-ni Pháp tạng?” Trưởng  lão  A-nê-lô-đậu  (A-nậu-lâu-đà-Aniruddha)
 

[1] T. 1: Trường a-hàm kinh (Dīrghāgama-長 阿 含 經), quyển 2, kinh số 2: Kinh du hành, tr. 15b; T. 1: Phật bát nê hoàn kinh (佛 般 泥 洹 經), tr. 165a; T. 1: Bát nê hoàn kinh (般泥洹經), tr. 180b; T. 24: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ nại da tạp sự (根 本 說 一 切 有 部 毘 奈 耶 雜 事), quyển 36, tr. 387c.
 

* Trang 65 *
device

nói: “Xá-lợi-phất như là Phật thứ hai, có người đệ tử giỏi, tên là Kiều-phạm-ba-đề (Gavāṃpati) là người nhu nhuyến hòa nhã, thường ở chỗ vắng, trú tâm tịch tịnh, có thể biết rành Tỳ-ni tạng, nay đang ở trong vườn cây Thi-lợi-sa trên trời, nên sai sứ thỉnh về.” Đại Ca-diếp nói với hạ tọa Tỳ-kheo: “Thầy hãy nghe Tăng sai.” Hạ tọa Tỳ-kheo thưa: “Tăng có việc gì sai khiến?” Đại Ca-diếp nói: “Tăng sai Thầy đến trong vườn Thi-lợi-sa ở trên trời, nơi A-la-hán Kiều-phạm-ba-đề đang ở.” Tỳ-kheo ấy vui mừng hăng hái vâng lời Tăng sai, và bạch Đại Ca-diếp: “Tôi đến chỗ A-la-hán Kiều-phạm-ba-đề, trình thuyết việc gì?” Đại Ca-diếp nói: “Đến đó rồi, thưa với Kiều-phạm-ba-đề: Các vị lậu tận A-la-hán Đại Ca-diếp v.v... đều hội tại Diêm-phù-đề, Tăng có Pháp sự lớn, thỉnh Ngài mau đi đến.”
            Hạ tọa Tỳ-kheo ấy lễ Tăng rồi đi quanh ba vòng, liền như chim Kim-sí bay lên hư không, đến chỗ Kiều-phạm-ba-đề, cúi đầu tác lễ, thưa Kiều-phạm-ba-đề: “Thưa Đại đức, vị nhu nhuyến, hiền thiện, thiểu dục, tri túc, thường ở trong Thiền định, Đại Ca-diếp có lời thăm hỏi và nói với Ngài: Nay Tăng có đại Pháp sự, xin Ngài mau đến đó xem hàng Tăng bảo tụ họp.” Khi ấy Kiều-phạm-ba-đề có tâm nghi ngại, nói với Tỳ-kheo ấy: “Tăng sắp không có việc đấu tránh mà gọi tôi chăng? Không có kẻ phá Tăng ư? Phật nhập diệt rồi ư?” Tỳ-kheo ấy nói: “Đúng như lời Ngài nói, đức Phật Đại sư đã diệt độ.” Kiều-phạm-ba-đề nói: “Phật diệt độ mau quá! Con mắt thế gian đã mất! Vị tướng có khả năng theo Phật Chuyển xe pháp là Hòa thượng Xá-lợi-phất của ta nay ở đâu?” Đáp:

* Trang 66 *
device

“Đã vào Niết-bàn trước Phật.” Kiều-phạm-ba-đề nói: “Đấng Đại sư, bậc Pháp tướng đều đã cách lìa, sẽ tính sao đây? Đại Mục-kiền-liên bây giờ ở đâu?” Tỳ-kheo ấy đáp: “Cũng đã diệt độ.” Kiều-phạm-ba-đề nói: “Phật pháp sắp muốn tàn, bậc Đại nhân đã qua đi, chúng sanh thật đáng thương.” Lại hỏi: “Trưởng lão A-nan nay làm gì?” Tỳ-kheo ấy đáp: “Trưởng lão A-nan sau khi Phật diệt độ, rầu rỉ khóc lóc, mê man không tả xiết.” Kiều-phạm-ba-đề nói: “A-nan áo não là do còn ái kiết, sinh đau khổ về nỗi biệt ly. Còn La-hầu-la thì sao?” Tỳ-kheo ấy đáp: “La-hầu-la đã chứng A-la-hán nên không ưu sầu, mà chỉ quán các pháp vô thường.” Kiều-phạm-ba-đề nói: “Lòng thương yêu khó dứt mà dứt được nên không ưu sầu.” Lại nói tiếp: “Ta đã mất vị Đại sư ly dục thì ta còn ở trong vườn Thi-lợi-sa này làm gì? Các vị Đại sư Hòa thượng của ta đều đã diệt độ, nay ta không thể trở xuống Diêm-phù-đề nữa, mà ở đây vào Niết-bàn.”
            Nói xong lời ấy Tôn giả nhập thiền định, bay lên hư không, thân phóng ra ánh sáng, lại phát ra nước, lửa, tay cầm mặt trời, mặt trăng, hiện các thứ thần biến, tự tâm phát lửa thiêu thân, trong thân phát ra bốn luồng nước chảy xuống đến chỗ Đại Ca-diếp, trong luồng nước có tiếng nói kệ :
                        “Kiều-phạm-ba-đề cúi đầu lễ,
                        Đại đức Tăng, diệu chúng bậc nhất.
                        Nghe Phật diệt độ, tôi diệt theo,
                        Như Voi chúa đi, Voi con theo.”
            Bấy giờ Tỳ-kheo hạ tọa ôm y bát trở lại nơi chúng

* Trang 67 *
device

Tăng. Trong lúc ấy, A-nan tư duy các pháp, chưa dứt hết lậu hoặc dư tàn, đêm đó tọa Thiền kinh hành, ân cần cầu đạo, ấy là vì A-nan trí tuệ nhiều mà định lực ít nên không đắc đạo, định và trí bằng nhau mới mau chứng đắc. Cuối đêm sắp hết, mệt quá muốn nghỉ, vừa nằm xuống đầu chưa đến gối, A-nan bỗng nhiên tỏ ngộ,[1] như điện xẹt sáng, từ chỗ tối được thấy đường. A-nan nhập định Kim-cang như vậy, phá hết thảy các núi phiền não, chứng được Ba minh thần thông, Cọng giải thoát, thành bậc A-la-hán đại lực. Ngay đêm đó, A-nan đi đến nhà Tăng gõ cửa gọi. Đại Ca-diếp hỏi: “Ai gõ cửa đó?” Đáp: “Tôi là A-nan.” Đại Ca-diếp nói: “Thầy vì sao đến đây?” A-nan thưa: “Tôi đêm nay đã dứt các lậu.” Đại Ca-diếp nói: “Không mở cửa! Thầy cứ theo lỗ khóa mà vào.”A-nan đáp: “Dạ được”, liền dùng Thần lực theo lỗ khóa mà vào, lạy dưới chân chúng Tăng mà sám hối. Đại Ca-diếp không còn quở trách, lấy tay xoa đầu A-nan, nói: “Tôi cố vì Thầy, để cho Thầy đắc đạo, Thầy không nên hiềm hận; cũng như vậy, tôi cốt để Thầy tự chứng ngộ. Ví như lấy tay vẽ giữa hư không, không dính mắc gì, tâm A-la-hán cũng như vậy, trong hết thảy pháp, không còn dính mắc. Thầy hãy trở lại chỗ ngồi của mình.”[2]
            Khi ấy, Tăng lại bàn rằng: “Kiều-phạm-ba-đề đã vào diệt độ, còn có ai có thể kiết tập Kinh tạng?” Trưởng lão A-nê-lô-đậu nói: “Trưởng lão A-nan ấy, trong hàng đệ tử Phật, người thường hầu gần Phật, nghe kinh nhớ hết, Phật thường khen ngợi; A-nan ấy có thể kết tập Kinh tạng.”
 

[1] T. 22: Ngũ phần luật (五 分 律), quyển 30, tr. 190c17; T. 22: Tứ phần luật (四 分 律), tr. 967a; T. 22: Ma-ha tăng kỳ luật (摩 訶 僧 祗 律), tr. 491b.
[2] T. 49: Ca diếp kết kinh (迦 葉 結 經), tr. 496b; T. 22: Ma-ha tăng kỳ luật (摩 訶 僧 祗 律), 491b.
 

* Trang 68 *
device

            Bấy giờ Trưởng lão Đại Ca-diếp xoa đầu A-nan, nói: “Phật chúc lụy cho Thầy thọ trì Pháp tạng, Thầy nên báo ân Phật. Phật ở chỗ nào thuyết Pháp trước hết? Các đại đệ tử Phật có thể thủ hộ Pháp tạng thì đều đã diệt độ, chỉ còn lại một mình Thầy, Thầy nay nên theo tâm của Phật, thương xót chúng sanh, kiết tập Phật Pháp tạng.”
            Khi ấy A-nan lễ Tăng xong, lên ngồi tòa Sư tử. Bấy giờ Đại Ca-diếp nói kệ:
                        “Phật Thánh Sư tử vương,
                        A-nan là con Phật,
                        Ngồi trên tòa Sư tử.
                        Quán trong chúng, vắng Phật.

                        Như thế, chúng Đại đức,
                        Không Phật, mất uy thần.
                        Như khi trời không trăng,
                        Có sao nhưng chẳng nghiêm.

                        Thầy, đại trí nên nói,
                        Thầy, con Phật hãy nói.
                        Ở đâu, Phật đã thuyết,

                        Nay Thầy nên nói rõ.”
            Khi ấy Trưởng lão A-nan nhất tâm, chấp tay hướng đến nơi Phật Niết-bàn, nói:
                        “Lúc Phật mới thuyết Pháp,
                        Lúc ấy con không thấy,
                        Nghe truyền lại như vầy:

* Trang 69 *
device

                        Phật ở Ba-la-nại.
                        Phật vì năm Tỳ-kheo,
                        Lần đầu mở cửa Pháp,
                        Thuyết bốn pháp chơn đế,
                        Khổ, Tập và Diệt, Đạo.
                        A-nhã Kiều-trần-như,
                        Trước tiên được thấy đạo.
                        Tám vạn các thiên chúng,
                        Cũng đều vào dấu đạo.”
            Nghìn A-la-hán ấy nghe lời rồi, bay lên hư không, cao bằng bảy cây Đa-la, cùng nói: “Lớn thay, sức mạnh vô thường! Như chúng ta mắt thấy Phật thuyết pháp, nay lại nói “Tôi nghe,[1] rồi nói kệ:
                        “Ta thấy thân tướng Phật,
                        Giống như núi Tử kim,
                        Chúng đức diệu tướng diệt,
                        Chỉ còn lại danh thôi.
                        Vậy nên hãy phương tiện,
                        Mong ra khỏi ba cõi,
                        Siêng nhóm các thiện căn.
                        Niết-bàn vui hơn hết.”
            Bấy giờ A-nê-lô-đậu nói kệ:
                        “Ôi thế gian vô thường!
                        Như trăng nước, cây chuối,
                        Công đức đầy ba cõi,
                        Gió vô thường hoại hết.”
 

[1] T. 55: Xuất tam tạng ký tập (出 三 藏 記 集), quyển 1, tr. 4a18-20: Một thời, 500 La-hán đều quỳ gối chấp tay mà thưa rằng: “Con theo Phật nghe pháp, nên nói là con nghe.
 

* Trang 70 *
device

            Bây giờ Đại Ca-diếp lại nói kệ:
                        “Quá lớn, sức vô thường,
                        Ngu, trí, nghèo, giàu, sang,
                        Đắc đạo, chưa đắc đạo,
                        Hết thảy không tránh khỏi.

                        Phi lời hay, của báu,
                        Phi gian dối tranh được,
                        Như lửa đốt muôn vật,
                        Tướng vô thường là vậy.”
            Đại Ca-diếp nói với A-nan: “Từ kinh Chuyển Pháp luân đến kinh Đại Bát Niết-bàn, tập thành bốn bộ A-hàm: Tăng-nhất A-hàm, Trung A-hàm, Trường A-hàm, Tạp A-hàm. Đó gọi là Pháp tạng Tu-đố-lộ (Sūtrapiṭaka).
            Các A-la-hán lại hỏi: “Ai có thể hiểu rõ mà tập thành Pháp tạng Tỳ-ni?” Đều nói: “Trưởng lão Ưu-ba-ly, là người trì Luật hơn cả trong năm trăm A-la-hán, chúng ta nay cung thỉnh.” Liền thỉnh: “Mời đứng dậy đi đến ngồi tòa Sư tử mà thuật lại: Phật ở chỗ nào bắt đầu thuyết Tỳ-ni kiết giới?”
            Ưu-ba-ly vâng lời Tăng dạy, ngồi trên tòa Sư tử nói: “Như vậy tôi nghe, một thời Phật ở thành Tỳ-xá-ly, bấy giờ con của Trưởng giả Tu-lân-na (Sudinna, Ca-nan-đà-Kalanda), bắt đầu làm chuyện dâm dục. Do nhân duyên ấy, Phật kết thành đại tội thứ nhất. Hai trăm năm mươi giới làm thành ba bộ, bảy pháp, tám pháp, Tỳ-kheo-ni, Tỳ-ni, Tăng-nhất, Ưu-ba-ly vấn, Tạp bộ, Thiện bộ. Như vậy mười tám bộ làm thành tạng Tỳ-ni.
            Các A-la-hán lại suy nghĩ: “Ai có thể hiểu rõ mà kết tập

* Trang 71 *
device

tạng A-tỳ-đàm?” Nghĩ rằng: “Trưởng lão A-nan, trong năm trăm A-la-hán, là người bậc nhất hiểu nghĩa Tu-đố-lộ, chúng ta nay cung thỉnh.” Liền thỉnh rằng: “Xin đứng dậy đi đến ngồi tòa Sư tử, thuật lại Phật ở chỗ nào đầu tiên thuyết về A-tỳ-đàm?”
            A-nan vâng lời Tăng dạy, đến ngồi trên tòa Sư tử nói: “Như vậy tôi nghe, một thời Phật ở thành Xá-bà-đề, bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo, những người có năm điều sợ, năm tội, năm oán, không trừ không diệt, do nhân duyên ấy, thân tâm trong đời này chịu vô lượng khổ, đời sau lại đọa vào đường ác. Những người không có năm điều sợ, năm tội, năm oán, do nhân duyên ấy, thân tâm trong đời nầy thọ vui, đời sau lại sanh vào chỗ vui trên trời. Những gì là năm điều sợ nên xa lìa? Một là sát sanh, hai là trộm, ba là tà dâm, bốn là nói dối, năm là uống rượu.”[1] Những điều như thế gọi là tạng A-tỳ-đàm (Abhidharma-piṭaka).
            Kiết tập ba Pháp tạng xong, chư thiên, quỷ thần, các rồng, thiên nữ mưa hoa hương trời, tràng phan, áo trời đủ các thứ cúng dường, để cúng dường Pháp, và thuyết kệ:

                        “Vì thương xót thế gian,
                        Kết tập ba pháp tạng,
                        Đấng đủ Mười trí lực,
                        Trí, đèn soi vô minh.”
            Hỏi: Bát-kiền-độ A-tỳ-đàm (Aṣṭāṅga-abhidharma), Lục phần A-tỳ-đàm (ṣaḍaṅga-abhidharma)[2] từ đâu ra?
            Đáp: Lúc Phật còn ở đời, pháp không có sai trái. Sau
 

[1] T. 23: Thập tụng luật (十 誦 律), quyển 60, tr. 449a.
[2] Sphutārthā I.2, tr. 12: Luận (śāstram) được hiểu là A-tỳ-đạt-ma luận (Abhidharma-śāstram), tức luận tạng (Abhidharma-piṭaka), và luận ở đây chỉ cho thân luận và lục túc luận (tasya śarīra-bhūtasya ṣaḍ pādāḥ). Phát Trí luận (jñānaprasthāna) là bộ luận làm thân, nên gọi là thân luận; Phẩm Loại Túc luận (Prakaraṇapāda), Thức Thân Túc luận (vijñānakāya), Pháp Uẩn Túc luận (dharmaskandha), Thi Thiết Túc Luận (prajñapti-śāstram), Giới Thân Túc luận (dhātukāya) và Tập Dị Môn Túc luận (saṅgītiparyāya) là sáu bộ luận làm chân, nên gọi là lục túc.
 

* Trang 72 *
device

khi Phật diệt độ, kết tập pháp thứ nhất, cũng như khi còn Phật. Một trăm năm sau khi Phật diệt độ, vua A-du-ka (Aśoka) mở đại hội Ban-xà Vu-sắc (Pañcavarṣa – pariṣad), các đại pháp sư luận nghị khác nhau nên có danh tự các bộ khác nhau. Từ đó về sau, lần lượt đến khi có đạo nhân Bà-la-môn tánh là Ca-chiên-diên, trí tuệ, lợi căn, đọc hết kinh sách tam tạng trong ngoài, muốn giải thích Phật pháp nên viết luận Phát-trí (Jñānaprasthāna śāstra)[1] gồm tám Kiền-độ, (Aṣṭāṅga) phẩm đầu là thế gian Đệ nhất pháp. Về sau các đệ tử, vì người sau không thể hiểu hết tám Kiền-độ, nên viết ra bộ luận Tỳ-bà-sa.[2] Có người nói: “Trong sáu phần A-tỳ-đàm, phần thứ ba là Phân biệt thế xứ, do Mục-kiền-liên soạn. Trong sáu phần, phần đầu gồm tám phẩm, bốn phẩm do Bà-tu-mật Bồ-tát soạn, bốn phẩm do A-la-hán nước Kế-tân (Kashmir) soạn; còn năm phần kia do các luận nghị sư soạn.”
            Lại có người nói: “Lúc Phật tại thế, Xá-lợi-phất đã giải lời Phật nên soạn A-tỳ-đàm.[3] Về sau đạo nhân Độc tử tụng đọc, cho đến nay gọi đó là Xá-lợi-phất A-tỳ-đàm. Và Đại Ca-chiên-diên lúc Phật tại thế, vì giải lời Phật mà soạn Tỳ-lặc (Peṭaka - Hiệp tạng-thảo luận) cho đến nay lưu hành ở Nam Thiên Trúc.
            Các luận nghị sư đều giải rộng lời Phật, như nói năm giới. Trong năm giới ấy, mấy giới thuộc có sắc, mấy giới thuộc vô sắc? Mấy giới thấy được, mấy giới không thấy được? Mấy giới là có đối ngại, mấy giới là không đối ngại? Mấy giới là Hữu lậu, mấy giới là vô lậu? Mấy giới là Hữu vi,
 

[1] T. 26: A-tỳ-đạt-ma  phát trí luận (Jñānaprasthāna śāstra-阿 毘 達 磨 發 智 論);  T. 26: A-tỳ-đạt-ma  bát kiền độ luận- 阿 毘 曇 八 犍 度 論).
[2] T. 27: A-tỳ-đạt-ma  đại tỳ-bà-sa  luận (Abhidharma-mahāvibhāsā-śāstra- 阿 毘 達 磨 大 毘 婆 沙 論).
[3] T. 28: Xá lợi phất a-tỳ-đàm luận (舍利弗阿毘曇論).
 

* Trang 73 *
device

mấy giới là vô vi? Mấy giới là có quả báo, mấy giới là không quả báo? Mấy giới là thiện, mấy giới là bất thiện? Mấy giới là Hữu ký, mấy giới là vô ký? Như vậy gọi là A tỳ đàm.[1]
            Lại có bảy sử[2] là dục nhiễm sử, sân nhuế sử, Hữu ái sử, kiêu mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử. Trong bảy sử ấy, mấy sử hệ thuộc Dục giới, mấy sử hệ thuộc Sắc giới, mấy sử hệ thuộc Vô sắc giới? Mấy sử do kiến đế đoạn, mấy sử do tư duy đoạn? Mấy sử do thấy Khổ đế đoạn, mấy sử do thấy Tập đế đoạn, mấy sử do thấy Diệt đế đoạn, mấy sử do thấy Đạo đế đoạn? Mấy sử biến khắp, mấy sử không biến khắp?
            Lại có mười trí[3] là Pháp trí, Tỷ trí, Thế trí, Tha tâm trí, Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí, Tận trí, Vô sanh trí. Mười trí ấy, mấy thuộc Hữu lậu, mấy thuộc vô lậu? Mấy thuộc Hữu vi, mấy thuộc vô vi? Mấy trí duyên pháp Hữu lậu, mấy trí duyên pháp vô lậu? Mấy trí duyên pháp Hữu vi, mấy trí duyên pháp vô vi? Mấy trí duyên Dục giới, mấy trí duyên Sắc giới, mấy trí duyên Vô sắc giới? Mấy trí không hệ duyên, mấy trí tu ở trong vô ngại đạo, mấy trí tu ở trong giải thoát đạo? Khi được bốn quả, mấy trí được, mấy trí mất? Phân biệt hết thảy pháp như vậy, cũng gọi là A-tỳ-đàm; vì A-tỳ-đàm có 3 loại: 1- A-tỳ-đàm Thân và Nghĩa, lược nói có ba mươi hai vạn lời. 2- Sáu phần, lược nói có ba mươi hai vạn lời. 3-Trí lặc, lược nói có ba mươi hai vạn lời, ấy là A-tỳ-đàm.
            Lược nói Tổng nghĩa “Như vậy, tôi nghe” đã xong.
 

[1] T. 26: A-tỳ-đạt-ma  phẩm loại túc luận (Abhidharma-prakaraṇapāda-śāstra-阿 毘 達 磨 品 類 足 論), quyển 10, Biện thiên vấn phẩm 7 (辯 千 問 品 第 七), tr. 734a5-c1.
[2] T. 29: A-tỳ-đạt-ma  câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿 毘 達 磨 俱 舍 論), quyển 19, tr. 98c; T. 2: Tạp a-hàm kinh (Saṃyuktāgama-雜 阿 含 經), quyển 18, kinh số 490, tr. 127a28.
[3] T. 26: Chúng sự phần a tỳ đàm luận (眾 事 分 阿 毘 曇 論), quyển 1, tr. 628b-c; T. 26: A-tỳ-đạt-ma  phẩm loại túc luận (Abhidharma-prakaraṇapāda-śāstra-阿 毘 達 磨 品 類 足 論), quyển 1, tr. 693-694a; T. 28: A tỳ đàm cam lồ vị luận (Abhidharmāmṛta- 阿 毘 曇 甘 露 味 論), quyển 2, tr. 974, T. 29: A-tỳ-đạt-ma  câu xá luận (Abhidharmakośa-śāstra-阿 毘 達 磨 俱 舍 論), quyển 26, tr. 134c.
 

* Trang 74 *
device

Xem mục lục