DANH NGHĨA NHÂN MINH
Nhân minh là một trong Ngũ minh học, Ngũ minh là năm môn học bao gồm tất cả mọi vấn đề mà người Ấn Độ xưa rất chú trọng. Phật giáo cũng rất chú trọng Ngũ minh. Như trong Luận Du-gìa-sư-địa cuốn 38 nói: “Các Bồ-tát khi cầu chánh pháp, nên cầu ở đâu ? Nên cầu ở Ngũ minh”.
Thứ nhất : Nội minh - Nghiên cứu giáo nghĩa của Tôn giáo mình. Đối với người Phật tử là nghiên cứu giáo nghĩa của đức Phật.
Thứ hai : Nhân minh - Nghiên cứu phương thức luận lý, tức luận lý học.
Thứ ba : Thanh minh - Nghiên cứu ngôn ngữ, văn tự, cú pháp, tức ngữ học.
Thứ tư : Y phương minh - Tức y học.
Thứ năm : Công xảo minh - Nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật, khoa học.
Nhân minh học là môn học về phương thức lý luận. Nhưng sao không gọi là Luận lý học mà lại gọi Nhân minh học ? Đó là vì các lẽ sau :
(1) Nhân, trước hết là nguyên nhân, lý do của sự vật, là điều cốt lõi được chú trọng nghiên cứu phát minh
của môn học này. Thông hiểu minh bạch về nguyên nhân, lý do ấy, nên gọi là Nhân minh. Nhưng thật thể của nhân có hai là sanh nhân và liễu nhân.
Sanh nhân là như hạt lúa làm nhân trực tiếp sanh cây lúa, hạt lúa là sanh nhân của cây lúa. Liễu nhân là như cây lúa ở trong bóng tối, nhờ ánh sáng chiếu đến mà cây lúa được hiện rõ ra. Ánh sáng là liễu nhân của cây lúa.
Trong Nhân minh học do ngôn luận chặt chẽ, xác đáng của người lập luận làm nguyên nhân trực tiếp mới phát sinh trí hiểu biết của người nghe. Như vậy ngôn luận của người lập luận là sanh nhân của trí người nghe. Do trí của người nghe làm nguyên nhân gián tiếp để hiểu rõ được lý nghĩa của người lập luận. Như vậy, trí của người nghe là liễu nhân làm cho ngôn luận của người lập được sáng tỏ. Nếu không có ngôn luận của người lập luận để làm nhân trực tiếp phát sinh ra trí của người nghe, và nếu không có trí của người nghe làm nhân gián tiếp để hiểu rõ nghĩa lý của người lập luận, thì việc lý luận không thành, và Nhân minh cũng không có. Như thế sanh nhân và liễu nhân là cốt lõi. Minh đạt được sanh nhân và liễu nhân ấy thì gọi là Nhân minh. Sanh nhân thuộc của người lập luận; Liễu nhân thuộc của người nghe.
Sanh nhân lại chia ra có ba là : trí sanh nhân, nghĩa sanh nhân, ngôn sanh nhân. Nhờ trí nắm bắt được nghĩa nên trí là sanh nhân của nghĩa. Nhờ nghĩa mà hình dung ra ngôn luận, nên nghĩa là sanh nhân của ngôn luận. Nhờ ngôn luận của người lập làm phát sanh ra trí của người nghe. Vậy ngôn luận của người lập là sanh nhân của trí người nghe. Trong đây ngôn sanh nhân mới là sanh nhân chính, trực tiếp làm phát sinh ra trí của người nghe, còn trí sanh nhân, nghĩa sanh nhân chỉ là sanh nhân phụ, gián tiếp.
Liễu nhân lại chia ra có ba là : ngôn liễu nhân, nghĩa liễu nhân, trí liễu nhân. Nhờ ngôn luận trình bày về nghĩa lý mà liễu giải được nghĩa lý. Vậy ngôn luận là liễu nhân của nghĩa. Nghĩa làm rõ trí, nhờ nghĩa làm phát sinh ra trí. Vậy nghĩa là liễu nhân của trí. Nhờ trí mới hiểu liễu được ngôn luận của người lập. Vậy trí người nghe là liễu nhân của ngôn luận của người lập. Trong đây trí liễu nhân mới là liễu nhân chính, trực tiếp liễu trí ngôn luận của người lập, còn nghĩa liễu nhân, ngôn liễu nhân chỉ là liễu nhân phụ, gián tiếp.
Sanh nhân - Trí sanh nhân
(phía người lập) - Nghĩa sanh nhân
- Ngôn sanh nhân
Hai
nhân - Ngôn liễu nhân
Liễu nhân - Nghĩa liễu nhân
(phía người nghe) - Trí liễu nhân
(2) Nhân, chỉ cho ngôn luận của người lập có thể làm nhân phát sinh ra trí của người nghe. Trong ngôn luận đó có bao gồm Trí và Nghĩa. Minh, chỉ cho minh trí của người nghe được phát sanh do ngôn luận của người
lập. Trong minh trí đó có bao gồm Ngôn và Nghĩa. Như thế ngôn luận là nhân của Minh trí, nên gọi là Nhân minh.
(3) Nhân là chỉ cho Trí. Nhờ có trí làm nhân mà chiếu liễu được Ngôn và Nghĩa, hoặc Nhân là chỉ cho Ngôn và Nghĩa. Nhờ Ngôn và Nghĩa làm nhân mà phát sanh ra trí chiếu liễu. Như thế chính Nhân tự nó có khả năng làm sáng tỏ lập trường, hay chủ trương của đôi bên tranh luận. Vậy Nhân tức là Minh, nên gọi là Nhân minh.
(4) Sanh nhân gọi là Nhân, Liễu nhân gọi là Minh. Nhân gồm có đủ ba đặc tánh (xem trong sách) có khả năng làm phát sinh minh trí, minh trí có khả năng chiếu liễu tôn nghĩa của người lập. Như thế Nhân và minh hợp lại gọi là Nhân minh.
Trong bốn nghĩa trên, nghĩa thứ nhất là chủ yếu.