Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

CÁC LUẬN THỨC NHÂN MINH


A. TÚC MỤC trong kinh Chánh Lý (Nyaya) chủ trương luận thức năm đoạn và chín cú nhân.
    A1. LUẬN THỨC NĂM ĐOẠN. Như lập :
        –      Tôn (định đề) : Socrate phải chết.
        –      Nhân (lý do) : Vì ông ta là người.
        –      Đại tiền đề : Người nào cũng phải chết
        –      Tiểu tiền đề : Socrate là người.
         –      Đoán án : Vậy Socrate phải chết.
        Hoặc cũng gọi là luận thức năm phần (ngũ phần tác pháp). Như lập :
        –      Tôn : Âm thanh là vô thường
        –      Nhân : Vì do tác động mà có
        –      Dụ :  Như cái bình.

         –      Hiệp : Bình do tác động mà có, bình là vô thường, âm thanh do tác động mà có, âm thanh cũng vô thường.
         –      Kết : Nên biết âm thanh là vô thường
A2. CHÍN CÚ NHÂN
     Nhân là lý do, luận cứ, dùng để chứng minh cho định đề (tức tôn sở lập) khiến đối phương thừa nhận định đề của mình đưa ra. Nhân có vai trò quan trọng như thế, nên nếu nhân đúng thì định đề đưa ra mới đúng và mới thuyết phục đối phương thừa nhận. Nếu nhân sai thì định đề đưa ra không đứng vững, và không thuyết phục được đối phương thừa nhận.
           –        Do đâu mà biết nhân đúng hay sai ?
           –    Do nhân có quan hệ hay không quan hệ (có mặt) nơi toàn bộ những gì đồng phẩm tính với tôn, hay những thứ gì khác phẩm tính với tôn; hoặc chỉ quan hệ   nơi một bộ phận những thứ gì đồng phẩm tính với tôn, hay nơi một bộ phận những thứ gì khác phẩm tính với tôn, mà biết được nhân đó đúng (chánh nhân) hay sai (tợ nhân). Có chín trường hợp dưới đây (chín cú nhân) chỉ rõ nhân đúng và nhân sai.
          1. Đồng phẩm có, dị phẩm cũng có
          Những gì có phẩm tính đồng với tôn, thì gọi là tôn đồng phẩm, gọi tắt là đồng phẩm (cũng gọi là đồng pháp khi chỉ vào vật cụ thể có cùng phẩm tính với tôn và cũng  được gọi là đồng dụ khi lấy vật ấy làm ví dụ). Còn những gì không có phẩm tính đồng với tôn thì gọi là tôn dị phẩm, gọi tắt là dị phẩm. (Cũng gọi là dị pháp, khi chỉ vào vật cụ thể không đồng phẩm tính với tôn và cũng gọi là dị dụ khi lấy vật ấy làm ví dụ). Đồng dụ hợp lực với nhân để chứng minh tôn về mặt thuận. Dị dụ ngược lại với nhân để chứng minh tôn về mặt nghịch (phản chứng).
        Đồng phẩm có, dị phẩm cũng có, là cái nhân chẳng những có phẩm tính đồng với tôn đồng phẩm (đồng dụ) mà cũng có phẩm tính đồng với tôn dị phẩm (dị dụ). Như lập :
         –      Tôn: Con người sẽ phải chết (sở lập pháp, tôn sở lập).
         –      Nhân: Vì là vật đang tồn tại (năng lập pháp, nhân năng lập).
         –      Đồng dụ: Như con vật
         –      Dị dụ: Như hư không, như kim cương.
         Cái nhân “vật đang tồn tại” không những quan hệ với đồng dụ như con vật, mà đồng thời cũng quan hệ với dị dụ như hư không, như kim cương. Vì con vật và hư không, kim cương đều là vật đang tồn tại. Phạm vi cái nhân “vật đang tồn tại” này quá rộng, trùm cả đồng phẩm và dị phẩm, nên không thể biết chắc vì lý do là “vật đang tồn tại” như con vật mà con người sẽ phải chết, hay vì là “vật đang tồn tại” như hư không, kim cương, mà con người sẽ không phải chết ? Nên cái nhân này là nhân bất định. Xem biểu đồ :

     2. Đồng phẩm có, dị phẩm không có
     Nhân này có quan hệ với toàn bộ những gì đồng phẩm tính với tôn, và tuyệt đối không quan hệ với toàn bộ những gì khác phẩm tính với tôn. Như vậy là cái nhân đúng (chánh nhân) đủ khả năng để chứng minh cho tôn sở lập được đứng vững, khiến đối phương phải chấp nhận chứ không thể bác bỏ. Như lập :
     –      Tôn : Con người sẽ phải chết.
     –      Nhân : Vì có sống vậy.
     –      Đồng dụ : Như con vật
     –      Dị dụ : Như kim cương
     Lấy lý do (nhân) “vì có sống” để chứng minh cho con người sẽ phải chết là điều rất chí lý. Hễ đã có sống tức phải có chết, không ai sống mà không chết cả. Còn nếu không chết tức là vì không có sống. Như vậy, cái nhân “vì có sống” chỉ có tính cách quan hệ giới hạn ở những gì có chết như con người, như con vật v. v… chứ  không lan qua những gì không chết như kim cương v.v… vì thế đây là cái nhân đúng. Xem đồ biểu :

     3. Đồng phẩm có, dị phẩm cũng có cũng không
     Đúng lý cái nhân không được quan hệ với dị phẩm dù chỉ quan hệ với một bộ phận, nhưng ở đây cái nhân nầy chẳng những có quan hệ với toàn bộ những gì có phẩm tính đồng với tôn, mà cũng có quan hệ với một bộ phận những gì khác phẩm tính với tôn, nên nó trở thành cái nhân bất định (tợ nhân) vì dùng nhân này làm lý do để thành lập tôn cũng được, mà dùng nhân nầy để phủ nhận tôn đó cũng được. Như lập:
     –      Tôn :   Con người sẽ phải chết
     –      Nhân :  Vì có hình thể
     –      Đồng dụ :  Như loài vật.
     –      Dị dụ :  Như kim cương, như hư không.
     Con người, loài vật và kim cương đều có hình thể, nhưng con người và loài vật đều phải chết, còn kim cương thì không chết. Vậy lý do vì có hình thể như loài vật mà con người sẽ phải chết hay vì có hình thể như kim cương mà con người sẽ không phải chết ? Hai đàng đều không thể xác định được. Nhân này không đúng, phạm lỗi bất định. Xem đồ biểu :
      4. Đồng phẩm không, dị phẩm có
     Đúng lý cái nhân phải quan hệ với đồng phẩm, không quan hệ với dị phẩm, nhưng ở đây, nhân này, ngược lại nó không quan hệ với đồng phẩm mà lại quan hệ với dị phẩm, nên nhân này bị lỗi tương vị, nó chỉ để thành lập một chủ trương ngược lại với chủ trương của người lập. Như lập :
     –      Tôn : Âm thanh là thường còn.
     –      Nhân : Vì do sự tác động mà có ra.
     –      Đồng dụ : Như hư không.
     –      Dị dụ : Như bàn, ghế.
     Những gì do sự tác động mà có đều là vô thường chứ sao lại thường còn được ? Còn những gì thường còn như hư không thì đều không do sự tác động mà có. Như vậy, cái nhân “do sự tác động mà có” ở đây, không quan hệ gì với hư không, không phải là thuộc tính của hư không, là vật có tính thường còn đồng với tôn “âm thanh là thường còn”, nhưng nó lại có quan hệ với bàn ghế, là vật khác phẩm tính thường còn với âm thanh. Do đó, cái nhân “do sự tác động mà có” ở đây, chỉ có thể chứng minh cho tôn “âm thanh là vô thường” như bàn ghế, chứ không thể chứng minh cho tôn “âm thanh là thường còn” như  hư không được. Xem đồ biểu :
 
 
 
     5. Đồng phẩm không, dị phẩm không
     Đúng lý cái nhân phải quan hệ với đồng phẩm và không quan hệ với dị phẩm, nhưng ở đây, cái nhân này đối với cả hai mặt đồng phẩm và dị phẩm nó đều không quan hệ. Không quan hệ với dị phẩm thì đúng, chứ không quan hệ với đồng phẩm là sai. Nhân không quan hệ với vật đồng phẩm thì sẽ không biết lấy gì làm ví dụ để chứng minh cho tôn sở lập, nên có lập tôn cũng không ăn nhằm gì. Như lập :
     –      Tôn :  Âm thanh là thường còn.
     –      Nhân :  Vì là cái bị nghe.
     –      Đồng dụ :  Như hư không.
     –      Dị dụ :  Như bàn, ghế.
     “Bị nghe” là một phẩm tính riêng của âm thanh. Phạm vi cái nhân này quá hẹp. Ngoài âm thanh ra, giữa vũ trụ chẳng còn tìm đâu ra một cái gì có tính bị nghe để lấy làm ví dụ chứng minh cụ thể. Nếu chỉ nói riêng âm thanh là cái bị nghe thì rất đúng với hiện lượng, nhưng thiếu dữ kiện để so sánh của tỷ lượng, vậy nên nếu lấy lý do “bị nghe” để chứng minh “âm thanh là thường còn” thì không được, vì người khác cũng có thể lấy lý do “bị nghe” để chứng minh “âm thanh là vô thương”. Cả hai đều đúng nên cả hai đều không đúng. Vì cả hai bên đều không thể tìm ra vật gì có tính bị nghe như âm thanh để làm ví dụ cụ thể cả, nên cái nhân này bị lỗi “bất cọng bất định”. Xem đồ biểu :

     6.  Đồng  phẩm không, dị phẩm cũng có cũng không
     Đúng lý cái nhân phải quan hệ với đồng phẩm (đồng phẩm có) và tuyệt đối không quan hệ với dị phẩm (dị phẩm không). Nhưng ở đây, cái nhân này không quan hệ với đồng phẩm, còn với dị phẩm thì một nửa có quan hệ, một nửa không quan hệ. Như lập :
      –      Tôn : Âm thanh là thường còn.
      –      Nhân: Vì do tác dụng ý chí mà phát ra.
      –      Đồng dụ : Như hư không.
      –      Dị dụ : Như điển chớp, bình, bàn.
      Nơi hư không có phẩm tính thường còn đồng với âm thanh, nhưng hư không lại không có cái nhân “do tác dụng ý chí mà phát ra” (hư không đâu phải do tác dụng ý chí mà phát ra, dù nó là thường), còn nơi điển chớp, bình, bàn là vật không có phẩm tính thường còn đồng với âm thanh thì lại một phần như bình, bàn do “tác dụng ý chí mà phát ra”, một phần như điển chớp, sấm vang thì không do “tác dụng ý chí mà phát ra”. Như vậy, cái nhân “do tác dụng ý chí mà phát ra” chỉ có thể dùng để chứng minh “âm thanh là vô thường”, như bình, bàn, chứ không thể dùng để chứng minh “âm thanh là thường còn” như hư không. Vì hư không không do tác dụng ý chí mà phát ra, nên nhân này bị lỗi tương vi. Xem đồ biểu :
 
 
     7.  Đồng phẩm cũng có cũng không, dị phẩm có.
     Đúng lý cái nhân phải quan hệ với toàn bộ hay một bộ phận những gì đồng phẩm với tôn và tuyệt đối không quan hệ với toàn bộ dị phẩm với tôn. Nhưng cái nhân ở đây quan hệ với một bộ phận đồng phẩm, mà cũng còn quan hệ với toàn bộ dị phẩm, nên nó trở thành cái nhân bất định. Như lập :
     –      Tôn : Âm thanh là vô thường.
     –      Nhân : Vì vô hình.
     –      Đồng dụ : Như gió, buồn vui, bàn ghế.
     –      Dị dụ : Như hư không.
     Phạm vị của cái nhân “vô hình” có tính chung chung, rộng lớn. Không những quan hệ với một bộ phận sự vật có phẩm tính vô thường đồng với tôn, như gió, tâm niệm buồn vui, mà còn quan hệ với toàn bộ những vật thường còn, khác với phẩm tính vô thường của tôn, như hư không. Như vậy, nếu căn cứ cái nhân này thì không thể biết chắc vì “vô hình” như gió, buồn vui mà “âm thanh là vô thường” hay vì “vô hình” như hư không mà “âm thanh là thường”. Vậy nhân này mắc lỗi bất định. Xem đồ biểu :

 
     8.  Đồng phẩm cũng có cũng không, dị phẩm không
     Nhân này có quan hệ (có mặt) với một bộ phận sự vật có phẩm tính đồng với tôn (đồng phẩm cũng có cũng không) và hoàn toàn không quan hệ với toàn bộ sự vật khác phẩm tính với tôn (dị phẩm không). Đây lày một cái nhân đúng (chánh nhân). Như lập :
     –      Tôn : Ngôn ngữ là vô thường.
     –      Nhân : Vì do tác dụng ý chí mà phát ra.
     –      Đồng dụ : Như bình, bàn, điển chớp.
     –      Dị dụ : Như hư không.
     Phẩm tính “do tác dụng ý chí mà phát sinh” chỉ thấy có ở những vật vô thường như âm thanh, bình, bàn, chứ không thấy có ở những vật thường như hư không. Như vậy, lấy lý do “do tác dụng ý chí mà phát ra” để thành lập cái tôn “ngôn ngữ là vô thường”, thì rất hợp lý. Đây là nhân đúng, có thể thành lập được. Xem đồ biểu :
 

     9.  Đồng phẩm cũng có cũng không, dị phẩm cũng có cũng không
     Cái nhân phải hoàn toàn không quan hệ với toàn bộ dị phẩm của tôn. Thế mà ở đây, cái nhân này có quan hệ với một bộ phận dị phẩm của tôn (dị phẩm cũng có cũng không) nên nó cũng là cái nhân bất định, nếu dùng nó để thành lập được tôn, thì cũng có thể dùng nó để phủ nhận tôn. Như lập :

     –      Tôn: Chỗ ấy nhất định có nước ngập.
     –      Nhân: Vì do mưa tiếp lâu ngày.
     –      Đồng dụ: Như ao hồ, chỗ thủy triều dâng.
     –      Dị dụ: Như đồi núi, như chỗ không có mưa.
     Chỗ “có nước ngập” không phải tất cả đều do mưa tiếp lâu ngày, mà còn do thủy triều dâng. Ngược lại, có chỗ có mưa tiếp lâu ngày, nhưng không có nước ngập như đồi núi. Như vậy, nếu dùng cái nhân “vì do mưa tiếp lâu ngày” để thành lập cái tôn “chỗ ấy nhất định có nước ngập” như ao hồ, thì cũng có thể dùng cái nhân ấy để thành lập cái tôn “chỗ ấy nhất định không có nước ngập”, như đồi núi. Chỗ đồi núi có mưa tiếp lâu ngày, nhưng không ngập. Nên cái nhân này cũng bị lỗi bất định. Xem đồ biểu : 



     Kiểm lại 9 trường hợp lập nhân nói trên, trong đó chỉ có hai trường hợp 2 và 8 là lập nhân đúng (chánh nhân) đủ tư cách để thành lập tôn, còn năm trường hợp 1, 3, 5, 7, 9 thì phạm lỗi bất định, hai trường hợp 4 và 6 thì phạm lỗi tương vi, chúng không đủ tư cách để thành lập tôn, lại còn tạo ra cơ hội cho đối phương dùng nó để bác lại tôn chỉ của mình.


B. DI LẶC BỒ TÁT trong Luận Du-già-sư-địa và Du-già thích có nêu 7 thể lệ và 8 năng lập.
     B1. BẢY THỂ LỆ
     1. Luận thể tánh (tức là tính chất nghị luận) có 6 : 
      a.  Ngôn luận : Tức là ngôn thuyết, ngôn từ rõ ràng. Nói cách khác, đây là ngôn sanh nhân.
      b. Thượng luận : Nghị luận theo sự ưa chuộng của thế gian, không nghịch lại họ.
      c. Tránh luận : Nghị luận theo ngã kiến, tà kiến, tâm nhiễm ô, vì cầu danh lợi, ưa đấu tranh.
     d. Hủy báng luận : Nghị luận vì tâm phẫn nộ, muốn kích hủy đối phương.
     đ. Thuận chánh luận : Nghị luận thuận theo chánh pháp, vì lợi lạc hữu tình, làm cho họ đoạn trừ nghi hoặc, hiểu rõ chân lý.
     e. Giáo đạo luận : Nghị luận vì dạy bảo tu tập ba pháp vô lậu học.
    2. Luận xứ sở : (tức là nghị trường, nơi nghị luận) có 6 :
    Trước mặt quốc chủ, trước mặt người cầm cân nghĩa lý, trước mặt đại chúng, trước mặt các vị hiền triết, trước mặt Sa-môn, Bà-la-môn khéo giải pháp nghĩa, trước mặt người ưa thích pháp nghĩa.

     3. Luận sở y hay luận cứ
     Tức là chơn năng lập, chơn hiện lượng, chơn tỷ lượng, mà thể tánh và nghĩa lý sai biệt của nó là chỗ y cứ cho sự lập luận, gồm có “nghĩa sở lập” và “pháp năng lập”. Nghĩa sở lập gồm hai phần là tự tánh (tức vật thể, tiền trần hữu pháp) và sai biệt (tức là thuộc tính, hậu trần pháp). Còn Pháp năng lập có 8 là Lập tôn (mệnh đề, chủ trương), Biện nhân (lý do), Dẫn dụ (tỷ dụ), Đồng loại, Dị loại, Hiện lượng, Tỷ lượng, Thánh giáo lượng. Ngoài sở lập và năng lập trên thì không có lập luận, nên gọi Nghĩa sở lập và Pháp năng lập ấy là luận sở y.
     4. Luận trang nghiêm hay luận cụ :
     Tức là thái độ và ngôn từ điêu luyện, gồm có 5: hiểu rõ tôn chỉ của mình và người; lời nói rõ ràng đầy đủ, tao nhã không quê kệch, dễ hiểu, trước sau đúng pháp đúng nghĩa, không mâu thuẫn nhau; không điên đảo; không sợ sệt; đôn hậu, nghiêm túc, thích cúng dường như đối bạn lành.
     5. Luận đọa phụ (tức luận nghị bị thua có 2:)
     “Xả ngôn”, từ bỏ lập luận của mình bằng câu nói : “Luận tôi kém, ông hơn”; “Ngôn khuất”, khuất phục trước ngôn luận người khác.
     6. Luận xuất ly hay luận đoan (tức trước khi lập luận hãy quan sát ba điều).
     Một là quan sát được thua, xem xét mình lập luận có làm tổn hại mình và người, có gây tội lỗi đời này đời sau, có gây ưu khổ cho thân tâm và có phải vì ưa đấu tranh mà lập luận không ? Nếu không phạm vào các điều này thì mới lập luận. Hai là quán sát thời chúng, xét xem người đối luận và người dự nghe có tà kiến và chấp trước không ? Có hiền lương chánh trực không? Có thiện xảo không? Nếu không tà kiến chấp trước và hiền lương chính trực thì mới lập luận. Ba là quán thiện xảo, là trước xét xem đối với ba điều : Luận thể tánh, luận xứ sở, luận sở y, mình có thiện xảo không ? Có đủ năng lực lập tôn chỉ của mình và phá tôn chỉ của người không ? Nếu có mới lập luận.
     7. Luận sở tác pháp Có nhiều cách để lập luận, đó là :
     Hiểu rõ tôn chỉ của mình và của người; dõng mãnh không sợ sệt; biện tài trôi chảy, giải đáp mọi câu hỏi.
     B2. TÁM NĂNG LẬP :
     1. Lập tôn; 2. Lập luận; 3. Lập dụ; 4. Hiệp; 5. Kết; 6. Hiện lượng; 7. Tỷ lượng; 8. Thánh giáo lượng.
C. VÔ TRƯỚC VÀ AN HUỆ Trong Tạp Tập Luận nêu 8 năng lập là :
     Lập tôn, lập nhân, lập dụ, hiệp, kết, hiện lượng, tỷ lượng, chí giáo lượng. Tám năng lập này gần giống tám năng lập của ngài Di-Lặc trong Du-gìa-sư-địa Luận.

D.   BỒ TÁT THẾ THÂN (THIÊN THÂN, VASUBANDHU) trong Như Thật Luận của mình, cũng chủ trương 8 thứ năng lập hoặc 5 chi tác pháp không khác với ngài Di Lặc và Vô Trước bao nhiêu.
      Tám năng lập là : lập tôn, biện nhân, dẫn dụ, đồng loại, dị loại, hiện lượng, tỷ lượng, chí giáo lượng. Trong đó 5 phần trước gọi là ngũ chi tác pháp, mà trong Như Thật Luận thì gọi 5 phần tác pháp tức phương pháp lý luận gồm 5 phần :
     1.      Lập tôn :  Núi kia có lửa.
     2.      Biện nhân : Vì thấy có khói.
     3.      Dẫn dụ : Hễ có khói tức có lửa, như trong lò (đồng dụ) nếu không lửa tức không khói như ao hồ (dị dụ).
     4.      Hiệp :  Núi kia cũng thế.
     5.      Kết :  Nên biết núi kia có lửa.
 Đ.   BỒ-TÁT TRẦN NA (DINNAGA: ĐẠI VỨC LONG)
     Viết 40, 50 cuốn luận, trong đó có cuốn Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận là quan trọng nhất, tóm tắt hết môn Nhân minh mà ngài Trần-na đã cải tạo từ phương pháp Nhân minh của các nhà trước kia. Kế đó học trò của ngài Trần-na là Thiên Chủ, tiếp tục hoàn chỉnh thành môn Nhân minh học có hệ thống chặt chẽ, được ghi lại trong cuốn Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận.

 E. THIÊN CHỦ (THƯƠNG KIẾT LA CHỦ):
     Thêm ý mình thấy vào để viết ra cuốn Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận, tuy tóm tắt, nhưng đầy đủ yếu nghĩa Nhân minh và được lưu truyền đến ngày nay. Vì môn Nhân minh học được ngài Trần-Na và Thiên Chủ cải cách đổi mới rất hoàn chỉnh hơn trước nên Nhân minh học từ ngài Trần-Na về trước, gọi là Cổ nhân minh, còn từ ngài Trần-Na về sau thì gọi là Tân nhân minh.

 

Xem mục lục