Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

BÀI THỨ SÁU
GIẢI THÍCH BỐN PHẦN
(CÓ BỐN ĐOẠN)

I. NÓI VỀ KIẾN PHẦN (PHẦN THẤY) VÀ TƯỚNG PHẦN (PHẦN BỊ THẤY)

  Quyển trước đã nói mỗi Tâm vương và Tâm sở đều có bốn phần, song lược nói về kiến phần (phần thấy) và tướng phần (phần bị thấy) rồi, nay lại giải thích thêm. Trong Duy thức nói chữ  “duyên” là chỉ cho cái này với cái kia có liên quan với nhau. Như anh A khởi tác dụng chủ quan  muốn liên quan với anh B, thì cái tác dụng chủ quan của anh A, gọi là “năng duyên”, còn cái tác dụng khách quan của anh B bị duyên thì gọi là “sở duyên”.
 
 

  HỎI: Tám Thức Tâm vương và các Tâm sở, mỗi món đều có bốn phần như thế nào?

  ĐÁP:

1-     Tướng phần, tức là phần bị thấy. Phàm những vật có hình tướng, chúng ta có thể thấy được như: Trời, đất, người, vật v.v… thuộc về phần khách quan, thì gọi là “tướng phần”.

2-     Kiến phần, tức là phần thấy. Tức là cái tác dụng thấy, nghe v.v… của Nhãn thức, Nhĩ thức v.v… của chúng ta vậy; đây thuộc về phần chủ quan. Hai phần này (tướng phần và kiến phần ) ở bên ngoài.

  Phàm khi nào Thức khởi lên, thì đều có hai phần: một phần khách quan là cảnh giới bị duyên và một phần chủ quan là năng duyên (phân biệt). Nhờ hai phần này, chúng ta mới có công năng hiểu biết được muôn sự muôn vật trong vũ trụ và muôn sự muôn vật lại có cái tác dụng để cho chúng ta hiểu biết. Thế giới nhờ đây mà thành, xã hội cũng do đây mà lập.

  Bên Duy thức gọi là “kiến phần” đồng với bên Triết học gọi là phần “nhận thức”. Bên Duy thức gọi là “tướng phần” đồng với bên Triết học gọi là phần “hiện tuợng”.

II. NÓI VỀ PHẦN TỰ CHỨNG

  Thứ ba là “phần tự chứng”, phần này có công năng duyên “kiến phần” và chứng minh cho “kiến phần” có sai lầm hay không. Tỷ như khi chúng ta đọc sách, thì “sách” là dụ cho “tướng phần”, còn “đọc” là dụ cho “kiến phần”. Rồi khởi lên một niệm khảo sát: chúng ta đọc đây là phải hay quấy? Một niệm khảo sát này là dụ cho “phần tự chứng”. Phần “kiến”  (thấy) và phần “tướng” (bị thấy) đều ở ngoài,  còn phần “tự chứng” lại ở trong; trước phải có phần ở trong làm căn bản, rồi sau mới khởi  ra phần bên ngoài được. Như sách Nho nói: “Có bên trong mới bày ra bên ngoài”. Trong Thành Duy Thức luận nói: Từ Thức thể là “phần tự chứng”, chuyển sanh ra in như nhai phần ngoài là “kiến” và “tướng”. Phần “tự chứng” cũng kêu là phần “tự thể” như con ốc hương (oa ngưu) dụ cho phần “tự  chứng”  nó sinh ra hai cái vòi dụ cho “kiến phần” và “tướng phần”.

III. PHẦN CHỨNG TỰ CHỨNG

  Phần thứ tư là “chứng tự chứng”. Phần này có công năng duyên qua phần “tự chứng” để chứng minh phần “tự chứng” kia có sai lầm hay không,  nên gọi là “chứng tự chứng phần”. Như đoạn trên đã thí dụ: khi đọc sách, khởi lên một niệm khảo sát việc đọc đây là phải hay quấy. Rồi khởi lên một niệm nữa khảo sát lại sự khảo sát trước của mình đó có đúng hay không? Phần khảo sát tối hậu này gọi là”chứng tự chứng” nó ở trong hết và làm chỗ nương tựa cho phần “tự chứng”.

IV. LÝ DO LẬP RA BỐN PHẦN

  Sở dĩ thành lập ra bốn phần, là vì muốn thành lập sở duyên (bị duyên). Bởi “kiến phần” duyên qua “tướng phần”, tướng phần là cái bị duyên (sở duyên) không có tác dụng năng duyên, nên không thể duyên được “kiến phần”, vì thế nên phải có phần thứ ba là “phần tự chứng” duyên qua “kiến phần”. Kiến phần ở ngoài không thể duyên được bên trong và cái tác dụng của “kiến phần” hu vọng, cho nên không thể duyên được thật thể là “phần tự chứng”, vì vậy mà  quyết định phải có phần thứ tư là “chứng tự chứng”, duyên qua phần thứ ba là “tự chứng”.
 
 

  HỎI: Vậy thì phần “chứng tự chứng” lấy cái gì làm năng duyên?

   ĐÁP: Phần thứ ba là “phần tự chứng”, đã ở trong lại có thật thể, cho nên có thể trở lại duyên phần”chứng tự chứng”; bởi thế nên phần thứ ba là “tự chứng” và phần thứ tư là “chứng tự chứng”, hợp tác chung duyên cùng nhau, vì vậy mà thể và dụng của  Thức chỉ lập bốn phần thì đầy đủ, không thêm không bớt.

Xem mục lục