NIỆM PHẬT : DANH HIỆU KÊU GỌI
Khi bạn tôi, Teruo, trước tiên đặt ra với tôi câu hỏi về nghiệp, đó là một ý niệm khác trong nhiều cái tôi đang nghiên cứu. Nó đã không liên hệ gì đến cuộc đời của tôi, thậm chí còn kém hơn những câu hỏi rốt cuộc làm hao mòn tôi : Tôi là ai ? Cuộc đời tôi từ đâu đến ? Nó đang đi về đâu ? Tôi sớm bắt đầu nhận thức rằng toàn thể thông điệp của đức Phật nhằm trả lời những câu hỏi nền tảng này về tự ngã, cái tự ngã bị trói buộc bởi quá khứ nghiệp quả và mong mỏi giải thoát và tự do. Câu trả lời của Tịnh Độ chứa đựng trong “nam mô A Di Đà Phật”. Đây là sự niệm Phật vốn bao gồm “quán tưởng Phật” nhưng ngày nay thường có nghĩa “nói lên Danh Hiệu của Phật A Di Đà”. Hai cái được phân biệt thành niệm Phật tham thiền và niệm Phật đọc tụng. Đâu là ý nghĩa của sự cầu khẩn của Danh Hiệu A Di Đà ? Chủ yếu của niệm Phật là sự thức tỉnh trước sự hữu hạn và những giới hạn của con người, sự tỉnh giác với bóng tối của vô minh làm khởi lên tham sân si. Thành phần nam mô biểu lộ sự hữu hạn này. Sự nhận thức về nam mô – lạc lõng, không nguồn gốc và không phương hướng – đưa đến tỉnh giác do A Di Đà Phật, lòng bi vô biên vô tận bao bọc sự nam mô đó. A Di Đà nghĩa là “vô lượng”, không thể đo lường và vượt ngoài hiểu biết ý niệm. A Di Đà gồm hai nghĩa trong nguyên ngữ Sanskrit, Ami-tabha, Vô Lượng Quang và Amitayus, Vô Lượng Thọ. Phật là âm của chữ Buddha. Như thế, được soi sáng bởi Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, tôi nhận thức được thực tại của tôi là một chúng sanh bị nghiệp trói buộc – giới hạn, bất toàn và phải chết – được chứa đựng trong lòng bi vô biên. Trong hiểu biết trọn vẹn sự hữu hạn của tôi, sự nô lệ cho nghiệp của tôi, giải thoát và tự do được thực hiện. Nói lên câu niệm Phật khẳng định đời sống vô biên, vô cùng (A Di Đà Phật) trong đó tự ngã không an thấy ra mình đang ở nhà. Lý trí con người không thể dò thấu sự trọn vẹn của nam mô A Di Đà Phật sống động, bởi vì phần lớn sự trọn vẹn đó vượt khỏi ý thức tỉnh giác của chúng ta. Trên cấp độ ý thức, sự căng thẳng thường trực giữa sự tỉnh giác về một con người hữu hạn, nam mô, luôn luôn tự khẳng định mình và sự rộng mở rỗng rang của lòng bi, A Di Đà Phật, cho ta khoảng không gian được chính là mình. Nhưng sự căng thẳng này cuối cùng đạt đến giác ngộ tối thượng nhờ năng lực của Bổn Nguyện Nguyên Sơ. Nói một cách triết lý, niệm Phật là sự tự phát âm của thực tại nền tảng. Như thế, sự nói lên Danh Hiệu chứa đựng alpha (cái bắt đầu) và omega (cái kết thúc) của con đường giải thoát luận Phật giáo. Danh Hiệu âm vang với ý nghĩa huyền thoại, đầy những dấu hiệu chỉ dẫn vượt ngoài những lối suy nghĩ thông thường : những lời nguyện nguyên sơ của Bồ tát Pháp Tạng hợp nhất với khổ đau của con người, sự viên thành của những lời nguyện đa diện làm cho sự giải thoát của chúng ta thành một sự kiện đã thành tựu, sự đạt đến Phật quả nhờ đó, và giác ngộ tối thượng của tất cả chúng sanh quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng ta có thể hiểu câu chuyện này, phong phú chất tôn giáo, theo một cách đơn giản, trực tiếp. Những lời nói và ý niệm của ngôn ngữ hàng ngày được dùng và cần thiết cho cuộc sống, nhưng khi hết sử dụng, chúng biến mất. Trái lại, Danh Hiệu, nam mô A Di Đà Phật, là nguồn của đời sống sáng tạo, năng lực xác định thực tại-như-nó là. Mỗi khi ngâm tụng nó, đời sống đầy năng lực được kinh nghiệm. Điều này có nghĩa thế nào ? Qua sự hoạt động của Danh Hiệu, chúng ta trở nên tỉnh giác với chính chúng ta như là những chúng sanh giới hạn, hữu hạn (nam mô), tuy nhiên an toàn trong năng lực hộ trì của lòng bi vô biên (A Di Đà Phật). Là chúng sanh, chúng ta được làm cho trở thành chân thật, thật sự và thành thật nhờ tác động vận hành của Danh Hiệu. Như thế, khi chúng ta hiện thân Danh Hiệu, A Di Đà là ở ngay đây. Không đọc tụng Danh Hiệu, không có A Di Đà. Danh Hiệu là Phật A Di Đà. Danh Hiệu là thực tại như nó là, là bản thân thực tại. Những sử dụng khác nhau của Danh Hiệu được tìm thấy trong những tôn giáo khắp trên thế giới từ thời tiền sử đến ngày nay. Nó được dùng như những chú thuật, bùa, thần chú, và những lễ nghi cầu khấn. Sự kiện chung là Danh Hiệu được xem là có loại thần lực nào đó. Như vậy, nó có giá trị ích dụng, phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của con người : chữa bệnh, giữ gìn sức khỏe, mang đến may mắn, chiến thắng cái chết, tiêu diệt kẻ thù và hứa hẹn đời sống vĩnh cửu. Ngược lại, chức năng chủ yếu của Danh Hiệu trong Phật giáo Chân tông là giá trị chân lý của nó, nó đem lại sự chứng ngộ thực tại như chính nó. Tóm lại, Danh Hiệu không có những thần lực nhiệm mầu, nó không liên hệ gì với những thị kiến xuất thần, nó không bao giờ hứa hẹn những lợi lạc vật chất và nó không làm ra vẻ giải quyết mọi vấn nạn trần thế. Mục tiêu căn bản của Danh Hiệu nam mô A Di Đà Phật là đánh thức trước giá trị không thể so sánh của cuộc đời không thể lập lại này, cuộc đời giới hạn, hữu hạn không hề tách lìa khỏi đời sống vô biên và vô cùng. Một trong những tương tự gần gũi nhất với thực hành niệm phật trong những tôn giáo thế giới là Cầu Nguyện Jesus của Công giáo Tây phương. Con Đường của Người Hành Hương thúc dục người ta giữ gìn lời cầu nguyện không ngừng, “Đức Jesus Christ thương xót con.” Có lúc người hành hương được yêu cầu lập lại lời cầu nguyện mười hai ngàn lần mỗi ngày. Cầu nguyện không ngừng là luôn luôn kêu gọi Danh Hiệu Thượng Đế, dù đang nói chuyện, đang ngồi hay đi, hay đang làm việc, hay ăn uống, bất cứ đang làm gì, ở mọi nơi và mọi lúc, người ta phải kêu gọi Danh Hiệu Thượng Đế. Điều này khiến chúng ta nhớ lại sự thực hành hàng ngày của Đạo Xước, ngài nói đã niệm Phật bảy mươi hai ngàn lần một ngày. Pháp Nhiên cũng khuyến khích thường hằng niệm Danh Hiệu ; và ngài cũng đã niệm sáu mươi hoặc bảy mươi ngàn lần mỗi ngày. Một giải thích công phu về Cầu Nguyện Jesus có trong một tiểu luận nhỏ, Về sự Cầu Khẩn Danh Hiệu Jesus, một công trình phối hợp của Công giáo Chính thống và giáo hội Anh. Trong tác phẩm này, tụng niệm Danh Hiệu Jesus được hiểu theo ba cách căn bản : như một hành động thiền quán trong khi ngồi yên lặng, như một phương pháp tiếp xúc Nhân cách của Jesus, và như một hình thức khổ hạnh, đòi hỏi bỏ quên bản ngã và xua đi những hình ảnh tội lỗi. Nó cũng cảnh cáo đối với bệnh “tôn thờ thần tượng với ngôn ngữ”, dùng Danh Hiệu cho những mục tiêu thực dụng. Khi Phật giáo Chân tông chủ trương tính cốt yếu của tụng niệm Phật, việc ấy không liên quan đến con số lần cầu khẩn. Điều cốt yếu là phẩm chất của tấm lòng trong mỗi lần niệm, sự trong sạch trong việc đáp trả sự kêu gọi của Phật Ánh Sáng Vô Lượng và Đời Sống Vô Lượng. Như thế, dù chỉ thốt lên một lời, hay thậm chí “ý tưởng muốn niệm Phật” là đủ. Không có loại điều kiện nào đặt ra cho một người ; điều đòi hỏi duy nhất là lắng nghe sâu xa, lắng nghe lập lại sự kêu gọi của niệm Phật. Bởi vì niệm Phật được xem là tự phát âm của thực tại, tín đồ Phật giáo Chân tông không xem “nam mô A Di Đà Phật” được liên kết với bất kỳ ngôn ngữ đặc biệt nào – Sanskrit, Trung Hoa, Nhật Bản hay những ngôn ngữ khác – dù cho về mặt lịch sử nó có từ tiếng Sanskrit. Là biểu tượng tôn giáo tối hậu, Danh Hiệu là đối tượng chủ yếu cho sự thờ phụng tôn sùng. Nam mô A Di Đà Phật, được viết trên một cuộn vải và đặt trên bàn thờ, là hình ảnh trung tâm. Nó được thích hơn những hình tượng tạc hay vẽ của A Di Đà. Bởi vì thực tại trở thành biểu lộ bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào Danh Hiệu được xướng lên, rõ ràng nó không phải là một ý niệm trừu tượng, được đặt ra một cách trí thức, cũng không phải là một dấu hiệu mang ý nghĩa. Rốt ráo, niệm Phật là sức mạnh sáng tạo đời sống, nó trở thành biểu lộ nơi một nhân cách, hiện thân nơi tư tưởng, hành động và ngôn ngữ. Khi Pháp Nhiên nằm trên giường để thị tịch, những đệ tử của ngài bao quanh ngài và tỏ vẻ buồn và tiếc rằng đạo sư của họ đã không xây dựng chùa chiền hay tháp miếu gì để họ tưởng nhớ ngài. Những đại sư trong quá khứ đều dựng lên những ngôi chùa lớn và những tu viện, và cuộc đời và công hạnh các ngài được tôn vinh với những buổi lễ tưởng niệm tỉ mỉ ở các chốn đó. Pháp Nhiên sống ở một nơi ẩn cư đơn giản, cửa luôn luôn mở cho dân chúng. Ngài từ chối xây dựng những công trình, và trên giường chết ngài nói, “Nơi nào niệm Phật được xướng lên, nơi đó là chùa của ta.” Tuy nhiên, là một hình thức thực hành tôn giáo, niệm Phật có hai chức năng. Thứ nhất, nó nói lên mong ước sâu xa nhất của chúng ta vượt lên bản ngã và trở nên chân thật, thực sự và thành thật như một con người. Khi điều này thực sự xảy ra, tức khắc chúng ta gặp một chướng ngại, đó chính là bản ngã của chúng ta, và đến chỗ thấy được rằng niệm Phật đã được thành tựu từ vô thủy cho mỗi chúng ta từ phía Phật A Di Đà. Thứ hai, bấy giờ chúng ta trả lời cho Danh Hiệu-kêu gọi với sự biết ơn, một sự biết ơn sâu xa đến nỗi ngôn ngữ bình thường không thể diễn tả. Do đó, sự cầu viện duy nhất là niệm Phật, lời sáng tạo đến từ nguồn sâu thẳm nhất của chính đời sống. Trong trường hợp trước, Danh Hiệu- kêu gọi đến từ chiều sâu và chạm đến chúng ta, và khi chúng ta trả lời với toàn thể con người của mình, chúng ta thức dậy từ giấc ngủ của sự tự mê mờ và mở mắt ra trước sự diệu kỳ vô cùng là đời sống. Một lần một sinh viên trong lớp của tôi học về tư tưởng Phật giáo ở Smith College viết một tiểu luận, khám phá ý nghĩa của “sự kêu gọi” trong kinh nghiệm riêng của cô. Sự việc xảy ra trong một cuộc đi bộ việt dã ở Grand Canyon. Với vài người bạn, Julia đi một chuyến vào hẻm núi. Một lúc cô tụt lại sau và thấy mình chỉ có một mình. Thình lình cô nhận ra cô đã lạc vào một vùng xa lạ. Julia la hét tên những người bạn, nhưng chỉ có những tiếng vọng âm vang trong hẻm núi. Một sự im lặng bí hiểm ngự trị. Sương xuống, không khí lạnh hơn, và cô cố gắng giữ thân cho ấm. Chắc chắn các bạn cô sẽ trở lại tìm cô, cô nghĩ vậy, nhưng thời gian trôi qua và bóng tối xuống dần, không có dấu hiệu của nhóm người tìm kiếm. Không khí ban đêm lạnh hơn, dã thú hú không ngừng, và những tiếng sột soạt trong những bụi cây làm sợ hãi. Rồi trong sự yên tĩnh của đêm, cô nghe những tiếng người yếu ớt ở xa. Nhiều phút sau, những tiếng người lớn dần. Cô có thể nghe những chuyển động trong bóng tối đến gần. Nhóm người tìm kiếm kêu lớn gọi cô ; tiếng gọi càng lúc càng rõ. Cô nghe rõ ràng tiếng gọi hướng về cô ; và để trả lời, cô la lên đáp trả cho họ biết. Dù không thể thấy nhóm tìm kiếm trong bóng đêm, tiếng gọi của họ xác nhận sự có mặt của họ và bảo đảm cho sự cứu thoát của cô. Khi Julia trả lời tiếng gọi, cô không sợ nữa. Khi nghe tên mình được gọi lên và gọi trả, cô cảm thấy mạnh mẽ trong thân và tâm. Toàn thể con người cô được chuyển hóa từ một sự bối rối hoàn toàn đến một sự an vui trọn vẹn. Niệm Phật tác động trong cuộc đời chúng ta theo một cách tương tự, thế nên tôi dịch nó ra Anh ngữ là Danh Hiệu-kêu gọi. Danh theo tiếng Trung Hoa và Nhật Bản gồm hai chữ : “tịch” (hoàng hôn) và chữ “khẩu” (miệng). Khi chúng ta lạc trong bóng tối, có ai đó gọi to lên và xác định mình bằng tên. Thật vậy, chữ “tịch” trong tiếng Nhật là tasogare, nghĩa là “ai đó ?” Trong bóng tối chúng ta nghe một danh hiệu, xác định nó, và tất cả đều êm xuôi. Dù chúng ta đang mò mẫm trong bóng tối, một khi chúng ta nghe Danh Hiệu, chúng ta được đem từ bóng tối vào một môi trường rộng mở của ánh sáng mặt trời. Sự sáng sủa này cho phép chúng ta thấy đúng như mình là, thoát khỏi mọi tính chủ quan. Cái quán chiếu vào tự ngã là hạt nhân tinh thần ở trong lòng sự niệm Phật. Hãy để tôi minh họa điều này bằng một ví dụ đơn giản. Khi đi ngủ, một đứa bé bắt đầu đi vào giường ngủ trong bóng tối, nó thấy những con quái vật trong phòng và kêu lên, “Mẹ ơi, Mẹ !” Bà mẹ chạy vào phòng, bật điện lên, dỗ dành đứa con, nói rằng, “Nhìn xem, không có con quái vật nào ở đây cả.” Nó hoàn hồn, bà mẹ tắt đèn và rời phòng. Được trấn an, đứa bé cố gắng ngủ trở lại, nhưng trong bóng tối đứa bé thấy những con quái vật nhảy nhót quanh phòng, và quá sợ nó bắt đầu kêu khóc. Bà mẹ vội trở vào phòng, và lúc này ở lại với nó trong bóng tối. Rồi bà nhận ra rằng những hình ảnh nhảy múa quanh tường ; chúng là những cái bóng của ngọn đèn đường hắt qua các chòm cây đu đưa theo gió. Bà mẹ đỡ nó dậy, bật đèn lên và chỉ cho nó rằng sự sợ hãi của nó là không có căn cứ nào cả. Đèn lại được tắt đi, đứa bé hoàn toàn hiểu, và nhanh chóng đi vào giấc ngủ, miệng thì thầm “Mẹ, Mẹ.” Ở hạt nhân kinh nghiệm của niệm Phật là yếu tố tinh thần cho phép chúng ta thấy những sự vật như chúng là, và chúng ta không ngu si hay dao động nữa vì những ảo tưởng. Tác dụng của Danh Hiệu là như vậy. Đó là sự tự phát âm của thực tại đi đến và hiện thân trong một con người. Thực tại tối hậu trong Phật giáo được gọi là Pháp thân ; nó vượt khỏi diễn tả, tưởng tượng và ý niệm. Vì nó siêu việt khỏi chân trời của hiểu biết của chúng ta, nó tự hiển lộ trong thế giới của chúng ta như là Danh Hiệu, nam mô A Di Đà Phật, làm cho bất cứ ai, trong bất kỳ thời gian nào cũng có thể thâm nhập được. Thực sự nghe Danh Hiệu-kêu gọi là được dẫn ra khỏi bóng tối để vào trong ánh sáng ban ngày. Khi chúng ta chứng thực thực tại như vậy, nó còn căn bản hơn chỉ là “có tôn giáo” hay “tốt”. Vì lý do đó Thân Loan khẳng định : Xướng danh hiệu Phật không phải là một thực hành tôn giáo cũng không phải là hành vi tốt. Bởi vì nó được thực hành mà không có tính toán nào, nó là “không thực hành”. Bởi vì nó không phải là một cái tốt do ý thức tính toán tạo ra, nó là “không tốt”. Bởi vì không gì khác hơn là Tha Lực, hoàn toàn tách lìa với tự lực, nó không phải là một thực hành tôn giáo cũng không phải là một hành vi tốt về phần người thực hành. (Tannisho VIII) Làm sao người bình thường hiểu công việc này của Danh Hiệu ? Như thế nào người ta trả lời cho Danh Hiệu-kêu gọi ? Trong nhiều câu trả lời, đây là một câu thường được trích dẫn với những biến thể nhỏ : Dù tiếng nói kêu gọi “Cha mẹ thân yêu” gốc tiếng Nhật là oya-sama. Từ ngữ này không phân biệt cha hay mẹ, cho một cảm giác thân mật ấm áp hơn trong tiếng Anh. Cha mẹ thân yêu cuả chúng ta luôn luôn chào đón chúng ta không có điều kiện gì, “Hãy đến như con đang là như vậy !” Không khác biệt gì, dù chúng ta đang buồn đau, một mình tức giận, cảm thấy bị khước từ, khao khát tình thương hay đang sợ hãi vì cái gì chưa biết. Đại bi chào đón chúng ta với cánh tay rộng mở. Nam mô A Di Đà Phật là tiếng kêu vẫy gọi, “Hãy đến như con đang là như vậy !” Sự chào đón rộng lòng này được lột tả bởi Koshin Ogui trong một bài báo đăng trên Cleveland Buddhist Temple News-letter. Ông kể lại một kinh nghiệm một lần trở về nhà sau một chuyến đi. Trong lúc ông vắng mặt, điện thoại đã ghi lại bốn cuộc gọi từ cùng một người. Thông điệp là, “Jesus là người cứu độ độc nhất. Hãy tin ngài và bạn sẽ được cứu thoát. Hãy yêu ngài và bạn sẽ được yêu. Ai không tin ngài sẽ đi vào địa ngục.” Ogui bình luận : Bạn nói gì về thông điệp này. Tôi không biết làm sao, nhưng rồi tôi nhớ lại buổi gặp gỡ với mẹ tôi trong chuyến đi Nhật mới đây. Năm năm nay tôi không gặp bà. Tôi vừa mới mở cửa căn nhà nơi tôi đã sanh ra, bà đang đứng đó trước mặt tôi. Bà không nói gì nhiều, mà nắm tay tôi và chảy nước mắt, bà nói, “Con đã về nhà.” Thế có đáng yêu không, khi được chào đón không có lời bào chữa, biện minh, dù tôi có tin bà hay không, có yêu bà hay không. Tôi chứng thực rằng tôi luôn luôn sống trong tình thương yêu của bà. Tôi biết ơn. Nam mô A Di Đà Phật. Trong ngôn ngữ bình thường, nam mô A Di Đà Phật là nói, “Tôi đã đến, tôi đã về nhà.” Như thế, những người Phật giáo Chân tông gọi nó là trạng thái ổn định thật sự.
Nam mô A Di Đà Phật là của tôi,
Nó là tiếng gọi thân yêu của cha mẹ tôi
Nói rằng, “Hãy đến như con đang là như vậy !”