Bài Viết (701)


CUỘC ĐỜI ĐẠO NGUYÊN - THIỀN SƯ NHẬT BẢN

711

Khuê Thất Đế Thành (圭室諦成, Tamamuro Taijo)

I. Tìm cầu chân lý

** Thời đại của Đạo Nguyên

Đạo Nguyên (道元, Dogen) ra đời vào năm 1200 (niên hiệu Chánh Trị [政治] thứ 2). Vậy thì năm 1200 là năm như thế nào ? Trước hết, xin đưa ra vài sự kiện lịch sử trước và sau năm đó. Trước đó một năm, tức vào năm 1199, Tướng Quân Nguyên Lại (源頼朝, Minamoto Yoritomo), người sáng lập chính quyền Mạc Phủ Liêm Thương, qua đời; rồi từ năm nầy, vị tướng Cối Nguyên Cảnh Thời (梶原景時, Kajiwara Kagetoki) bị đuổi ra khỏi Liêm Thương, và cuối cùng bị giết ở cửa ải Thanh Kiến Quan (清見關) thuộc vùng Tuấn Hà (駿河, Suruga). Hai năm sau, vào năm 1202, Nguyên Lại Gia (源頼家, Minamoto Yoriie) được bổ nhiệm làm Tướng Quân; rồi đến năm 1204 thì bị ám sát ở Tu Thiện Tự (修善時, Shuzen-ji) thuộc vùng Y Đậu (伊豆, Izu). Có nghĩa rằng đây là dấu hiệu cho thấy nhà họ Nguyên đã mất dần thế lực và thời đại của dòng họ Bắc Điều (北條, Hojo) đang thay thế nắm thật quyền.

Còn nếu nói về thế giới trong phạm vi tôn giáo, vào năm 1199, Pháp Nhiên (法然, Honen) đã trước tác xong bộ Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập (選擇本願念佛集) để làm sáng tỏ lập trường của mình. Đến năm 1202, Vinh Tây (榮西, Eisai) sáng lập Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji) và giới thiệu Thiền Tông đến khắp thiên hạ.

Nhìn chung, đây là thời đại trong đó Tịnh Độ Tông, tông phái trưởng thành trong chiếc nôi ấm cúng của các tông Hiển Mật, rồi Thiền Tông vốn bị áp đảo ở nước lân bang Trung Quốc, cả hai đều gặp phải cơ vận của thời đại mới, nên đã xuất hiện trong Phật Giáo Nhật Bổn một cách rực rỡ.

** Cuộc đời Đạo Nguyên

Tương truyền cha của ông là vị Nội Đại Thần Cửu Ngã Thông Thân (久我通親), mẹ là con gái của vị quan Nhiếp Chính Đằng Nguyên Cơ Phòng (藤原基房) Thông Thân không những là người thông thiểu văn chương, mà còn là một chính trị gia hạng nhất, đại biểu cho phía kinh đô Kyoto. Sau khi Lại Triều qua đời, chính ông đã quản chế được phái thân với chính quyền Mạc Phủ và tạo thêm thế lực cho tầng lớp Viện Trung (院中, Inchu, tức Thượng Hoàng, Pháp Hoàng, v.v.). Ông là nhà môn phiệt và cũng là nhà văn học. Cha của Đạo Nguyên là Thông Thân, rồi hai anh của ông là Thông Cụ (通具) và Thông Quang (通光), người nào cũng rất điêu luyện về Hòa Ca. Thông cụ là người soạn ra cuốn Tân Cổ Kim Hòa Ca Tập (新古金和歌集, Shinkokinwakashu), và những tác phẩm của Thông Thân cũng như Thông Cụ đều có đăng trong Thiên Tải Tập (千載集, Senzaishu). Tuy vậy, lúc thiếu thời Đạo Nguyên cũng không được sống trong cảnh hạnh phúc. Nên lên 3 tuổi thì cha ông qua đời, đến năm 8 tuổi thì để tang người mẹ yêu quý; đặc biệt cái chết của mẫu thân ông rất thê thảm. Trong Truyền Quang Lục (傳光録, Denkoroku), truyền ký về đời mình, ông có ghi lại rằng:

“Năm lên 8 tuổi thì gặp phải tang từ mẫu, thật buồn đau vô tận. Chợt thấy khói hương ở Cao Hùng Tự, mà ngộ được lẽ sanh diệt vô thường, từ đó phát tâm xuất gia.”

Dầu sao đi nữa, nhân cái chết của người mẹ mà chuyển hướng tâm cơ của ông và xuất gia học đạo. Ta có thể đưa ra lập chứng về việc nầy qua lời nói của ông rằng: “Ta đây từ vô thường mà phát đạo tâm.”

Ngay khi mới biết việc đời, Đạo Nguyên phải để tang từ mẫu, việc này hình thành nên con người của ông; rồi từ đó ảnh hưởng đến với ông trên nền tảng tôn giáo như có sức mạnh rất lớn ngoài sự tưởng tượng. Tỷ dụ như trong Phần Thứ Nhất của Học Đạo Dụng Tâm Tập (学道用心集, Gakudoyojinshu) có dạy rằng hãy nên phát bồ đề tâm; cho nên đầu tiên ông định nghĩa bồ đề tâm ấy là cái tâm quán thế gian sanh diệt vô thường, rồi cho rằng điều kiện tất yếu thứ nhất của tu đạo là sự quán sát vô thường một cách sâu xa lời dạy:

“Khi thành tâm quán vô thường thì cái tâm gọi là ta, tôi không sanh khởi, niệm danh lợi không móng lên, mà sợ thời giờ chóng qua mau.”

Lúc còn nhỏ tuổi, Đạo Nguyên rất thông minh, khác với những đứa trẻ con bình thường cùng lứa tuổi. Tương truyền năm lên 4 tuổi, ông đã đọc qua Thi Tập cũng như Tạp Vịnh của Lý Kiêu (李嶠, 644-713) nhà đường; rồi năm lên 7 tuổi thì làm bài phú được một thiên Chu Thi (周詩), và đọc qua luôn cả Mao Thi (毛詩), Tả Truyện (左傳). Theo truyện ký truyền tụng như thế nầy thì ta có thể công nhận có phần nào ít nhiều hơi phóng đại; nhưng qua đó ta cũng có thể biết được rằng ngay từ hồi rất nhỏ tuổi như vậy, ông đã có cơ hội học Hán Văn, nhưng không có cơ hội tiến thân để sử dụng sở học của ông.

** Nơi chốn Duệ Sơn

Vào năm 1212 (niên hiệu Kiến Lịch [建暦 thứ 2]), lúc lên 13 tuổi, Đạo Nguyên rời khỏi nhà vào nửa đêm, đến ghé thăm người chú là Lương Quán Pháp Ấn (良顴法印) đang sống nơi sườn nơi sườn núi Duệ Sơn(睿山, tức Tỷ Duệ Sơn [比叡山, Hieizan]), và cũng nhờ vị nầy giúp đỡ, ông được thâu nhận vào làm đệ tử của Thiên Quang Phòng (千光房) ở Bát Nhã Cốc (般若谷) thuộc khu vực Hoành Xuyên (横河, Yokogawa).

Vậy thì trên Duệ Sơn, Đạo Nguyên đã học được những điều gì? Theo truyền ký cho biết rằng ông “học Chỉ Quán (止觀) của Phái Sơn Gia (山家派), tu tập bí pháp của giới Nam Thiên (南天)”, có nghĩa là tu học giáo lý của Thiên Thai và Chơn Ngôn Tông. Tuy nhiên, các học Tăng của Duệ Sơn lúc bấy giờ mang trong mình lý tưởng về tu đạo như thế nào? Riêng Đạo Nguyên thì nghi vấn với lời giáo huấn cho rằng “học vấn cho ngang hàng với các bậc tiền nhân để trở thành người tốt, tạo tiếng tăm cho quốc gia và đem lại danh dự cho thiên hạ.” Như vậy từ cảm nhận vô thường mà tìm cầu Phật pháp như Đạo Nguyên, ông đã bất mãn. Ông từng đọc Cao Tăng Truyện (高僧傳) và biết rõ lời giáo huấn của vị học Tăng trong truyện đó không phải là thái độ của người tìm cầu chân lý. Từ đó trở đi, ông càng gần gủi với sách vở nhiều hơn, và khi tiếp xúc như vậy thì nghi vấn càng nảy sinh trong ông, song ông chẳng tìm thấy được ai trên Duệ Sơn có thể giải đáp thỏa đáng những nghi vấn cho ông được.

** Tịnh Độ và Thiền

Cuối cùng Đạo Nguyên rời bỏ Duệ Sơn. Sau đó, ông đến gõ cửa tham vấn Công Dận (公胤, Koin, cao đệ của Pháp Nhiên [法然, Honen]), một nhân vật tôn giáo đáng chú mục hàng đầu đương thời, và hỏi về vấn đề liên quan đến Tức Thân Thành Phật (即身成佛). Vị nầy liền trả lời ngay rằng câu hỏi nầy không phải dễ trả lời, cho dầu Tông nghĩa có đó chăng nữa thì vẫn chưa giải triệt hết nghĩa của nó.” Đứng trên lập trường của Tịnh Độ Giáo với tư cách là các Tông Hiển Mật, vị nầy vẫn biết rõ rằng không làm sao trả lời cho thỏa mãn câu hỏi của Đạo Nguyên được. Chính vì lẽ đó, ông đã khuyên Đạo Nguyên nên đến Kiến Nhân Tự (建仁寺, Kennin-ji) để có thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng hơn.

Vào năm 1217, Đạo Nguyên đến gõ cửa tham vấn Minh Toàn (明全, Myozen) ở Kiến Nhân Tự. Minh Toàn vốn là cao độ của Vinh Tây (栄西, Eisai) vị Tổ khai sáng Lâm Tế Tông Nhật Bản. Vinh Tây thị tịch vào năm 1215 ở Thọ Phước Tự (寿福寺, Jufuku-ji) vùng Liêm Thương. So với các Tông phái mới hưng khởi sau nầy, số lượng chùa chiền cũng như địa vị xã hội của các Tông Hiển Mật đều có uy thế áp đảo nhiều hơn. Còn nếu xét về các Tông phái mới phát triển gần đây thì Tịnh Độ Tông có uy thế hơn xa Thiền Tông. Tuy nhiên, Đạo Nguyên lại đến tham học với Minh Toàn của Lâm Tế Tông suốt bảy năm trường. Nhưng tại đây ông cũng chẳng thể đắc được chân lý nào cả. Hơn nữa, điều cảm nhận sâu sắc nhất đối với Đạo Nguyên là chính trong vòng bảy năm nầy, ông đã được thuần hóa, và khơi dậy trong ông niềm khát khao muốn uống ngụm nước đầu nguồn của Thiền Tông.

** Sang nhà Tống cầu pháp

Vào ngày 22 tháng 2 năm 1223, Đạo Nguyên cùng với thầy mình là Minh Toàn lên đường nhắm hướng Bác Đa (博多, Hakata), Trúc Tiền (筑前, Chikuzen). Khi ấy ông 24 tuổi. Vào hạ tuần tháng 3, họ cùng lên một chiếc thuyền buôn, và đến thượng tuần tháng 4 thì thuyền cập bến cảng Minh Châu (明州). Ngay từ buổi đầu khi đến Trung Quốc, Đạo Nguyên đã tiếp xúc ngay với pháp môn hành trì của Phật Tổ trong nếp sống sinh hoạt Thiền lâm ở đó, và rất vui mừng khi biết rằng nơi đó có con đường của chư Tổ đức. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ấy, với tất cả hoài vọng lớn lao và tâm cầu đạo cao cả để lặn lội sang đến tận Trung Quốc như vậy, ông đã cảm nhận được sự phẩn hận hơn là thất vọng, và quyết định trở về nước.

Đạo Nguyên đã đi đến kết luận đau buồn rằng quả tình cũng chẳng có gì phải học hỏi nơi Thiền Tông của Trung Quốc cả, và thà rằng trở về nước còn hơn; cho nên vào năm 1225, ông chia tay với ân sư Minh Toàn để đi đến Thiên Đồng Sơn (天童山). Chính lúc ấy, Trưởng Ông Như Tịnh (長翁如淨) làm trụ trì tại đó. Quả tình cũng là cơ hội ngẫu nhiên nên Đạo Nguyên đến hầu hạ Như Tịnh, và chính nơi đây ông đã tìm ra được ánh sáng trong nếp sinh hoạt tu tập Thiền môn. Đạo Nguyên cho rằng:

“Ta trước kia khi chưa lễ bái các đấng tiên sư cổ Phật, thì cứ miệt mài tham cứu huyền chỉ của Ngũ Tông. Nay sau khi lễ bái các đấng tiên sư cổ Phật rồi, mới biết được Ngũ Tông ấy là loạn xưng.” (Phật Đạo [佛道])

Ảnh hưởng do Như Tịnh đem đến cho Đạo Nguyên to lớn đến như vậy. Thế thì Như Tịnh là nhân vật như thế nào mà đã đem lại cho Đạo Nguyên ảnh hưởng lớn đến vậy. Theo lời của Đạo Nguyên, vị nầy:

“Rõ ràng là người khai sáng tròng mắt của Phật Tổ, là người đả tọa đằng sau tròng mắt của Phật Tổ, bốn trăm năm nay duy chỉ một mình tiên sư mà thôi. Nơi nước Chấn Đán vẫn còn có chỗ nương tựa.” (Tam Muội Vương Tam Muội 三昧王三昧)

Rồi thì “quả thật gặp được tiên sư cũng như gặp được Phật xưa, có thể trùng hưng được tòng lâm. ” (Tự Thư [嗣書]) và Đạo Nguyên đã tóm tắt lại truyện ký của Như Tịnh như sau:

“Tiên sư từ năm 19 tuổi đã rời xa quê nhà, tầm sư học đạo, biện đạo công phu cho đến 65 tuổi, không hề thối chuyển. Người không hề gần gủi với hạng đế vương, không thân hậu với Thừa Tướng, chẳng thân cận với quan viên, không chỉ chối từ sắc phong Tử Y Sư, mà một đời vẫn thường đắp chiếc y cũ nát. Mỗi khi người thượng đường, nhập thất đều mang y Ca Sa đen, áo vá. Người đã xả bỏ những danh lợi phù phiếm mà tinh tấn sống một đời vì chân lý.” (Hành Trì [行持])

Khi đến nhập môn, Đạo Nguyên đã viết ngay một bản thư trạng và dâng lên cho Như Tịnh. Trong bản thu trạng ấy có ghi rằng:

“Đạo Nguyên con hồi còn nhỏ đã phát Bồ Đề tâm, đến tham vấn chư sư nơi bổn quốc, mới biết được chút do lai của nhân quả. Tuy nhiên, thế mà vẫn chưa xác định rõ việc quy y theo Phật Pháp Tăng, cứ mãi bị ràng buộc trong vòng danh tướng. Sau đến tham học với Thiên Quang Thiền Sư (千光禪師), lần đầu tiên được nghe Tông phong của Lâm Tế. Nay con theo Toàn Pháp Sư (全法師) sang nhà Tống nầy. Biển khơi vạn dặm, phó mặc huyễn thân nầy cho sóng cả nghìn trùng. Cuối cùng mới có thể đến được nhà Đại Tống, và dự vào pháp tịch của Hòa Thượng. Có phải chăng đây là điều may mắn nhất trong đời. Ngưỡng mong Hòa Thượng đại từ đại bi, kẻ tiểu nhân nơi chốn xa nước ngoài đến nơi nầy; chỉ nguyện rằng chẳng kể thời quang trôi qua, không màng đầy đủ uy nghi, chỉ mong sao được thỉnh giáo ngu hoài lên phương trượng. Sống chết là việc lớn, vô thường chóng qua mau, chẳng trông đợi một ai, rời xa Thánh đạo tất ân hận một đời. Tiểu tăng Đạo Nguyên xin trăm lạy cúi đầu khấn thỉnh.” (xem Bảo Khánh Ký [寶慶記])

Quả thật là niềm hân hoan của ông khi gặp được vị minh sư, được thể hiện qua dòng văn trên. Kể từ năm 13 tuổi lên Duệ Sơn tìm cầu chân lý cho đến nay được 14 năm, Đạo Nguyên đã thể nghiệm được rằng trong khoảng thời gian ấy thật rất khó mà thể đắc chân lý. Thế rồi ông phải bôn ba đến tận đầu nguồn đất Thiền Trung Hoa để cầu đạo, nhưng cũng chẳng gặp được một vị trưởng lão nào đã thế đắc chân lý cả. Giờ đây, ông xả bỏ hết thảy quá trình 14 năm tu đạo ấy, quay về thọ nhận sự giáo dưỡng của Như Tịnh với tâm tư không vướng bận gì cả.

“Nguyên con xin đến tham vấn, từ nay về sau, đêm ngày chẳng kể thì giờ trôi qua, dầu đắp y hay giải y, cứ đến phương trượng không ngại hỏi đạo. Cúi xin Lão Tăng lượng thứ cho đứa con vô lễ nầy. Thái Bạch Sơn (太白山) trú trì. ” (xem Bảo Khánh Ký [寶慶記])

Đạo Nguyên hỏi, rồi Như Tịnh trả lời, trong câu hỏi ấy chẳng có chút khe hở nào. Tâm chỉ thành của Đạo Nguyên, lòng từ ái của Nhu Tịnh, cuộc tiếp xúc giữa hồn với hồn qua hơi thở, và chính từ trong ấy hiện hữu bóng dáng thọ nhận và truyền trao chân lý. Chính vì thế, nhiệt tâm tu đạo của Đạo Nguyên lại càng hưng khởi mạnh thêm lên:

“Tỷ như có phát bệnh mà chết đi nữa, cũng phải rán tu. Không bệnh mà chẳng chịu tu, thân nầy cũng vô dụng mà thôi. Bệnh mà chết đi thì cũng là bản ý của ta; với hạng người như vậy thì không bị sa thải trong nghi thức nhà Phật. Cứ tu hành chưa được khế ngộ mà chết trước, cũng là kết duyên lành được sanh vào nhà Phật. Còn chẳng lo tu hành mà cứ mang thân nầy thì cũng vô ích thôi, chẳng được tích sự gì. Huống chi thân thể được toàn vẹn, cứ cho rằng mình không có bệnh, rồi đi ra ngoài biển khơi, gặp khi chết bất đắc thì có hối hận cũng không kịp nữa rồi. Dứt khoát không ngần ngại, đêm ngày ngồi ngay ngắn, hết thảy đều không phát bệnh.” (xem Tùy Văn Ký [隨聞記])

Qua đó, chúng ta có thể hình dung được bóng dáng của Đạo Nguyên với lòng quyết tâm cao cả, muốn tìm chân lý như thế nào. Hơn nữa, khi nhìn thấy đệ tử tinh tấn tu tập như vậy, người hoan hỷ nhất chính là Như Tịnh.

** Thể đắc chân lý

Như thế, chỉ sau trong một khoảng thời gian ngắn, việc tu tập của Đạo Nguyên đã thể hiện sự tiến bộ rõ rệt. Có đêm, nhân thấy một người tu đạo đang nằm ngủ, Như Tịnh la rằng: “Tham Thiền thì cần phải thân tâm thoát lạc, chỉ lo ngủ như vậy thì đắc được gì chứ ?!”

Chính trong khoảnh khắc ấy, Đạo Nguyên thể đắc được chân lý. Vào ngày sóc nhật tháng 5, ông được nhận vào môn phong của Như Tịnh; rồi đến ngày 28 tháng 9 thì ông thọ đại giới của Phật tổ chánh truyền. Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn 4 tháng rưỡi, ông đã đạt được mục đích hằng mong muốn của mình. Như Tịnh vốn là người rất nghiêm khắc, người kế thừa dòng pháp của ông chỉ có 6 vị mà thôi; song với tính phi phàm khác người của Đạo Nguyên mà chỉ trong một thời gian ngắn như vậy được chứng đắc, xét ra quả là hiếm có. Khi ấy Đạo Nguyên 26 tuổi. Sau đó, ông tiếp tục nương Thầy tu tập thêm hai năm nữa. Chính hai năm nầy là khoảng thời gian có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với cuộc đời ông, hay nói đúng hơn thì đây là khoảng thời gian thể hiện tất cả sự tu tập và nghiên cứu của ông. Nếu nói cách khác, thời gian nầy đã hệ thống lại về mặt chân lý và trở thành máu cũng như thịt da của ông.

II. Ý khí ngất trời

** Tâm trạng sau khi trở về nước

Vào năm 1227 (niên hiệu An Trinh [安貞] nguyên niên) Đạo Nguyên trở về nước. Khi ấy ông còn rất trẻ, chỉ mới 28 tuổi với lòng nhiệt tâm muốn kiến lập một đất nước có chánh pháp; nên khi đặt chân lên cố quốc của mình, Đạo Nguyên trước hết tập trung hết các tu sĩ trong nước lại, với hy vọng có thể đưa tinh hoa vào sự giáo dục của họ. Nhưng thời cơ chưa được chín muồi, vì thế sau đó ông phải sống bôn ba đó đây trong vòng 7 năm trường ở vùng kinh đô Kyoto và khu vực phụ cận. Trong khoảng thời gian nầy, tâm trạng ông chất chứa nỗi ưu hoài rằng:

“Vào năm đầu niên hiệu Thiệu Định (紹定) nhà Đại Tống, ta trở về bổn hương, với tất cả tâm tư muốn hoằng pháp lợi sanh. Thật giống như gánh nặng đang mang trên đôi vai.” (xem Biện Đạo Thoại [辨道話])

Càng sớm chừng nào càng tốt chừng đó, ông mở đạo tràng để truyền trao chân lý do ông đã chứng đắc, song quả tình có rất nhiều chướng ngại, và cũng không dễ gì thực hiện ý muốn của mình. Vậy thì tình trạng của giới tôn giáo ở Nhật Bổn lúc bấy giờ như thế nào ? Tầng lớp tinh tấn tu hành với mục đích tìm cầu chân lý thì không phải là ít. Tuy nhiên, người lãnh đạo xuất chúng thì hiếm có, vì thế phần nhiều bị rơi vào tà đạo cả. Như vậy, việc thiết lập đạo tràng để thể đắc chân lý là việc làm cấp thiết; nhưng thực hiện việc nầy là tình thế bất khả năng. Với sự tình nan giải như vậy, Đạo Nguyên đã phải làm gì để thực hiện ý định của ông ? Đương nhiên, ông đã kêu gọi những tu sĩ đang bị rơi vào con đường sai lầm, chỉ cho họ chỗ sai lầm ấy, rồi khuyên họ tu tập theo con đường đúng đắn. Chính vì lẽ đó, ông đã cho công bố tác phẩm Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi (普勸座禅儀)“ vào năm 1227, rồi Biện Đạo Thoại (辨道話) vào năm 1231.

Trong Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi, ý nghĩa cũng như phương pháp Tọa Thiền được ghi lại đầy đủ, chi tiết, và với cả nhiệt tâm của ông muốn kiến thiết một quốc gia sống trong chánh pháp; kèm theo lời kêu gọi tha thiết của ông ngay sau khi trở về nước. Tất cả được gói ghém vào trong cuốn nầy.

Trích “TINH HOA PHẬT GIÁO NHẬT BẢN” TẬP 2 Biên dịch: Thích Nguyên Tâm
NXB: Phương Đông, 2011

711

MƯỜI BẢY LỜI KHUYÊN CỦA THIỀN SƯ SỐ MỘT NHẬT BẢN - Kodo Sawaki (1880-1965)

Kodo Sawaki (1880-1965) hay “Kodo-Kẻ không nhà”, là một trong những vị thiền sư phái Tào Động (Nhật Bản) có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Là trẻ mồ côi, 16

806
TÌNH ÁI - Ven. Thubten Chodron

Cốt lõi của những lời Đức Phật dạy có thể được diễn giải như sau: “hãy giúp ích cho tha nhân. Nếu bạn không có khả năng giúp ích cho người khác

21,804
HIỆN PHÁP LẠC TRÚ - | Hoà Thượng Minh Châu

HIỆN PHÁP LẠC TRÚ -  Hoà Thượng Minh Châu Trong thời gian gần đây có một số ý kiến cho rằng phương pháp thực hành AN TRÚ TRONG HIỆN TẠI hay còn

22,415
GIỚI THIỆU KINH HOA NGHIÊM, Hoà Thượng Thích Trí Quảng

GIỚI THIỆU KINH HOA NGHIÊMHoà Thượng Thích Trí Quảng   I. Lịch sử kinh Hoa Nghiêm 1- Khái niệm về lịch sử kinh Hoa Nghiêm Về mặt học thuật, chúng ta học lịch

12,702
NIỀM VUI PHỤNG SỰ - Nguyễn Thế Đăng

Nhưng nếu nghĩ đến người khác: những người trong nhà có một ngày chủ nhật đi nghỉ mát vui vẻ, các người bạn có một ngày thoải mái, còn ta phải làm

18,994
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,379
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,799
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,705
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,491
Chùa Việt
Sách Đọc