71. Mạch môn, tam thất
"Để làm nhuận phổi, long đờm và trị ho, nên dùng củ mạch môn độc vị hay kết hợp với các vị khác? Tương tự, dùng tam thất để trục huyết ứ cho sản phụ như thế nào?".
Củ mạch môn (còn gọi là mạch môn đông, lan tiên) có thể dùng độc vị (mỗi ngày 6-20 g dưới dạng thuốc sắc) hoặc phối hợp với một số vị như trong bài thuốc chữa ho, khó thở, ho lâu ngày sau đây:
Củ mạch môn đông 16 g, bán hạ 8 g, đẳng sâm 4 g, cam thảo 4 g, gạo nếp sao vàng 4 g, đại táo 4 g, nước 600 ml. Sắc trên bếp nhỏ lửa còn 200 ml, chia uống làm 3 làn trong ngày.
Tam thất (còn gọi là sâm tam thất) có thể sử dụng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, mỗi ngày 4-8 g. Dùng trong các trường hợp bị chấn thương có ứ huyết, sưng đau.
Ngoài ra, theo kết quả một số công trình nghiên cứu trong nước, tam thất có tác dụng phòng ngừa hiện tượng ung thư hóa. Cách dùng tiết kiệm nhất là ngậm một mẩu củ, để cho thuốc ngấm dần qua niêm mạc miệng, không bị dịch tiêu hóa tác động (ban đầu thấy đắng, nhưng về sau lại thấy vị ngọt dễ chịu).
72. Vỏ cây dền
"Vỏ cây dền có tác dụng gì mà một số người thường dùng nấu nước uống?"
Cây dền còn có tên là cây sai, cây thối ruột (vì ngay từ khi cây còn non, tủy cây đã bị tiêu hủy), tên khoa học Xylopia vielana Pierre, có thể cao tới trên 20 mét, vỏ màu nâu tím rất dễ bóc.
Vỏ lấy từ cây tươi, đem phơi hay sấy khô để dùng dần. Nhân dân dùng vỏ cây dền sắc uống để chữa kinh nguyệt không đều, thiếu máu; dùng lá cây sắc uống chữa đau nhức tê thấp. Ở miền Trung, miền Nam, người ta dùng vỏ cây dền tán bột hay ngâm rượu để chữa sốt rét và làm thuốc bổ.
Liều dùng hằng ngày: 5-10 gam vỏ khô.
73. Hãy thử "làm cho ngực nở nang"
"Gần đây, tôi được giới thiệu một bài thuốc làm ngực nở nang dần gồm: thuốc cứu (ngải diệp) 1 nắm, nghệ sống 1 củ bằng ngón tay cái, cà rốt 200 g. Ba thứ giã nát, vắt với nước dừa nạo, uống hằng đêm. Bài này có công hiệu không? Thuốc cứu còn có tên gì khác không?".
Theo tài liệu của giáo sư Đỗ Tất Lợi, cây thuốc cứu còn có tên gọi là ngải cứu, tên khoa học Artemisia vulgaris L., thuộc họ Cúc. Trong Đông y, nó được dùng làm thuốc điều hòa kinh nguyệt, an thai (không kích thích dạ con nên không gây sẩy thai); tăng cường tiêu hóa, chữa đau bụng...
Mấy thứ bạn kể đều là thức ăn thông thường, trong đó nghệ có tác dụng kích thích sự tiết mật của tế bào gan, làm hạ cholestérol trong máu; cà rốt cung cấp caroten (tiền vitamin A), chống lại tác động nguy hại của các gốc tự do, chống đi lỏng (tiêu chảy); cùi dừa chứa nhiều chất béo, glucid và protid; nước dừa chứa nhiều axit amin, lợi tiểu...Nếu dùng thử chắc cũng tốt, lại rẻ tiền. Tuy nhiên, khi "nở nang" được khá xinh rồi là phải giảm liều để tránh nguy cơ trở thành ... thùng ton nô. Các vị thuốc trên đều không có tác dụng làm ngực to ra.
74. Thuốc dân gian chữa viêm đa khớp dạng thấp
"Tôi được bác sĩ chẩn đoán là viêm đa khớp dạng thấp, cho dùng nhiều thuốc tây không khỏi. Xin cho tôi một cách chữa nào đơn giản mà hữu hiệu".
Nếu đúng bệnh của bạn là viêm đa khớp dạng thấp (khác với bệnh thấp khớp về bệnh sinh, diễn biến, tiên lượng...), thì xin mời bạn dùng thử mấy vị thuốc dân gian dễ kiếm sau:
1. Lá cây chay quả (giống cây chay cho vỏ ăn trầu, nhưng có quả chín màu vàng, bên trong chứa cơm màu đỏ, vị chua ngọt) rửa sạch, sao vàng, sắc uống, mỗi ngày 20 g.
2. Hai ngày đầu dùng nước nho tươi hoặc nước bưởi (0,5 lít/ngày). Hai ngày kế tiếp dùng mỗi ngày 0,5 lít nước cần tây. Hai ngày tiếp dùng mỗi ngày 0,5 lít nước ép cà rốt và cần tây. Nên chia làm 2-3 lần uống mỗi ngày. Nếu khỏi, uống tiếp 1 tuần cà rốt + táo tây + cần tây (ba thứ bằng nhau, cho ra đủ 0,5 lít/ngày). Nếu chưa khỏi, làm lại từ đầu.
Trong khi dùng liệu pháp này, không nên dùng bất cứ thuốc gì.
75. Cây cỏ mực (cây nhọ nồi)
"Trong một đơn thuốc nam của người nhà, em thấy ghi cây cỏ mực. Nó là cây gì, công dụng ra sao, có phải là cây cỏ lồng vực như một số người bảo?".
Đây là hai loại cây khác nhau. Cỏ lồng vực là loài cỏ dại hại cây trồng. Cây cỏ mực (còn gọi là cây nhọ nồi, hạn liên thảo) là một vị thuốc nam quý giá.
Cây cỏ mực mọc hoang khắp nước ta. Cỏ mực mọc thẳng đứng, có thể cao tới 80 cm, thân có lông cứng, lá mọc đối có lông ở hai mặt, dài 2-8 cm, rộng 5-15 mm.
Cây cỏ mực không độc, tươi hay khô đều có tác dụng cầm máu nhờ làm tăng tỷ lệ prothrombin toàn phần. Dân gian dùng thân lá giã nát, vắt nước uống để chữa rong kinh, trĩ ra máu, vết thương chảy máu, chữa viêm họng, nấm da... Có nơi còn sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa đem bôi lên đầu cho đen râu tóc.
76. Cây hẹ
"Tôi thấy dân gian hay dùng lá hẹ chữa một số bệnh. Xin cho biết khoa học đã xác định được tác dụng của cây hẹ chưa? Có phải trong nam gọi hẹ là nén không?".
Tại vùng trung Trung Bộ có củ nén, hơi giống củ hành tăm ngoài Bắc nhưng mùi hắc, không thơm bằng hành tăm, củ tròn, to và chắc hơn; chúng tôi chưa tìm được tài liệu nghiên cứu về củ nén.
Về cây hẹ, ở Trung Quốc từ hơn 50 năm nay đã có một số nghiên cứu khá sâu, cho thấy: Nước ép hẹ tươi chứa chất odorin, có tác dụng diệt tụ cầu vàng và một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kể cả thương hàn và lỵ. Tác dụng trên sẽ mất hoàn toàn nếu nước ép được đun nóng.
Ở nước ta, nhân dân thường dùng hẹ (lá, rễ, củ) chữa ho trẻ em, giúp tiêu hóa tốt, bổ gan, chữa lỵ, giun kim... Liều dùng hằng ngày 20-30 g (trộn đường, hấp cơm hay đun cách thủy). Hạt của cây hẹ (cửu tử, cửu thái tử) được dùng chữa mộng tinh, mỏi gối, đau lưng... với liều 6-12 g (nước sắc) mỗi ngày.
77. Củ nghệ đen
"Xin cho biết nghệ đen chữa được những bệnh gì?".
Đông y dùng nghệ đen (nga truật) để chữa chứng đau ở ngực hoặc ở bụng, ăn uống khó tiêu. Nghệ đen còn có tác dụng chữa ho, bế kinh, kinh nguyệt không đều. Mỗi ngày dùng 3-6 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên. Nghệ đen có vị đắng, cay nên người ta thường thêm mật ong hay làm thành tễ cho dễ uống.
78. Cây đinh lăng
"Nhà cháu trồng đinh lăng đã được 10 năm. Vừa rồi bố cháu đào lấy củ, thái miếng, phơi khô, hãm vào nước sôi để uống như nước chè. Xin cho biết như vậy có tốt không?".
Cây đinh lăng (còn gọi là cây gỏi cá) có tác dụng tăng sức dẻo dai của cơ thể, chống mỏi mệt (rễ đinh lăng thái mỏng, phơi khô 0,5 g; cho vào 100 ml nước, đun sôi trong nửa giờ, chia thành 2-3 lần uống trong ngày); chữa tắc tia sữa (rễ đinh lăng 30-40 g, cho vào 1/2 lít nước, sắc còn 1/4 lít, uống nóng trong 2-3 ngày liền).
Nhiều tài liệu cũng cho biết đinh lăng có tác dụng lợi tiểu, tăng cường hô hấp, làm tăng nhẹ co bóp tử cung...
Như vậy, bố cháu có thể dùng thường xuyên "nước chè đinh lăng", nhưng cần chú ý đến liều lượng hằng ngày nói trên.
79. Lá cây cứt lợn chữa viêm xoang
"Chúng em bị viêm xoang, chữa mãi không khỏi, mà nghe nói đến mổ lại sợ. Xin cho biết hiện đã có phương pháp nào hữu hiệu chữa khỏi viêm xoang?".
Các biện pháp chữa viêm xoang bao gồm sử dụng kháng sinh toàn thân, chọc hút xoang kết hợp với bơm tại chỗ các thuốc kháng sinh và chống viêm. Phẫu thuật đục xoang là biện pháp cuối cùng, nhưng có khá nhiều trường hợp tái phát.
Có một loại cây dễ kiếm nhưng có thể chữa viêm xoang khá công hiệu: Cây cứt lợn (còn gọi là cây cỏ hôi, cây bù xít, cỏ cứt heo), tên khoa học Ageratum cony-zoides L., thuộc họ Cúc. Đây là một cây nhỏ, mọc hoang, cao khoảng 30-60 cm, thân có nhiều lông mềm. Lá mọc đối, hình trứng hay ba cạnh, dài 2-6 cm, rộng 1-3 cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt lá đều có lông (khi vò ra có mùi hăng hắc, nhưng khi đun nước lại có mùi thơm, thường được một số chị em ở nông thôn dùng gội đầu). Hoa nhỏ màu tím, xanh.
Lấy một nắm lá tươi, rửa nhẹ tay cho sạch, giã nát rồi vắt lấy nước đem nhỏ vào hai lỗ mũi. Nằm ngửa chừng 10-15 phút, dưới hai vai có kê gối để lỗ mũi dốc ngược, cho phép thuốc ngấm vào xoang. Làm mỗi ngày 1-2 lần cho đến khi khỏi.
80. Uống chè hoa hoè có hại không
"Tôi nghe các cụ nói uống chè hoa hoè sẽ bị loãng tinh và không có con. Điều đó có đúng không?".
Hoa hoè (tên khoa học Sophora japonica L.) được nhân dân ta dùng làm thuốc cầm máu khi bị ho ra máu, đổ máu cam, tiểu tiện ra huyết, trĩ chảy máu (mỗi ngày uống 5-20 g nụ hoa hoè phơi khô dưới dạng thuốc sắc). Tây y dùng chất rutin chiết xuất từ hoa hoè cho những bệnh nhân cao huyết áp để tăng cường sức chịu đựng của mao mạch.
Cho đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào cho thấy hoa hoè gây hại cho hệ sinh dục nam nói riêng cũng như đối với các cơ quan nói chung.