(Những Phật tử chúng ta bắt đầu tu hành và tiếp xúc Phật giáo theo nhân duyên riêng biệt của mỗi người, cho nên chúng ta thường hay bị kẹt vào cái nhìn phân phái. Chúng ta đứng trên pháp tu của mình, và ảnh hưởng vị thầy dạy tu, nơi học pháp của mình, từ đó chúng ta đánh giá cách tu của các pháp môn khác khác với mình. Cho nên có sự phân chia cao thấp đốn tiệm trong tu hành…Một thể thống nhất của Phật giáo đa phương tiện, chúng ta vì không hiểu nên có cái nhìn manh mún, có khi tạo ra mâu thuẫn chia rẽ.
Nền tảng, con đường, và quả được thầy dạy hết sức rõ ràng, chúng ta hiểu được điều này thì chúng ta không còn thấy các pháp môn của Phật giáo xa lạ chống trái nhau nữa.)
Bữa nay mình học đề tài là: nền tảng, con đường, và quả, là cách phân chia của Ấn Độ. Bên Trung Hoa phân chia là: cảnh, hạnh, quả.
Cái nền tảng là nền tảng chung của tất cả Phật giáo, tất cả mọi pháp môn đều phát khởi từ nền tảng đó, và trở lại cái nền tảng đó. Nền tảng đó trong kinh Viên Giác nói: là nhân địa tu hành của các Như Lai. Và nền tảng đó cũng là tánh giác của tất cả chúng sanh. Nếu mình không có cái phần chung với chư Phật thì mình không thể nào thành Phật được, bởi vì mình đã có Phật tánh, dầu ở dạng tiềm ẩn hay là dạng phát triển, bởi vì có chung Phật tánh đó cho nên tu hành mình mới có thể một kiếp nào đó thành Phật được. Cho nên cái nền tảng là cái rất quan trọng, nếu không có nền tảng thì mình không có chung với Phật được cái gì hết, không có chung với Bồ tát một con đường nào hết. Mỗi vị sẽ có con đường khác nhau nhưng mà cùng đi trên cái nền tảng đó.
Nền tảng đó nói theo kinh điển nó là Pháp thân của tất cả chư Phật, không phải Pháp thân của riêng một vị Phật nào hết, các vị Phật đồng nhau trong Pháp thân nhưng mà Báo thân và Hóa thân thì khác nhau tùy theo lời nguyện. Ví dụ lời nguyện của đức A Di Đà thì ở Tây phương, ở cõi Tây phương chắc có lẽ những nguyên tử bên đó nó tinh tế hơn ở đây nhiều lắm cho nên là đức A Di Đà thân của ngài rất lớn, còn thân của đức Thích Ca ở cõi này cao lắm ba thước là cùng. Nhưng mà Pháp thân của hai vị đó không khác nhau, Pháp thân của đức Dược Sư ở Đông phương và đức A Di Đà ở Tây phương không khác nhau, chẳng qua là cái sự thị hiện Báo thân và Hóa thân khác nhau thôi, thành ra nó có cái phương hướng khác nhau. Chớ cái Pháp thân đó là không khác nhau, cho nên kinh điển nó Pháp thân của tất cả chư Phật, chớ không bao giờ nói Pháp thân của riêng một vị Phật nào hết.
Và cái điều quan trọng là mình cũng có chung cái Pháp thân của tất cả chư Phật, chẳng qua là mình chưa khai triển nó ra trọn vẹn. Thành ra trong kinh Pháp Hoa nói là khai thị ngộ nhập, đó là quá trình thành Phật. Khai là mở ra, thị là chỉ cho, ngộ là mình ngộ cái đó, Phật tánh đó, và nhập là mình đi sâu vào trong cái Phật tánh đó.
Qua khai thị mình thấy là mở ra và chỉ cho, mở ra và chỉ cho cái gì mình đã có sẵn, chớ Phật không có bưng tới cho mình một cái gì hết. Khai là mở ra, thị là chỉ cho cái gì? Cái Phật tánh mà mình có sẵn. Rồi ngộ là mình thấy được cái Phật tánh đó, và nhập là mình đi sâu vào Phật tánh đó cho đến khi mà mình thể nhập nó trọn vẹn.
Thành ra tất cả kinh điển nói nhiều lắm, nhưng mà nó cũng là quá trình khai thị ngộ nhập của kinh Pháp Hoa thôi.
Ngài Đạo Nguyên có nói một câu: Chỉ có Phật mới thành Phật thôi. Vì mình tuy còn chúng sanh vậy chớ mình có tiềm năng Phật tánh, để một ngày nào đó mình viên mãn cái Phật tánh đó thì mình thành Phật. Đồng, chì, kẽm, không thể thành vàng được chỉ có vàng ở trong quặn gạn lọc nó mới ra thành vàng bốn số chín, thành ra ngài Đạo Nguyên mới nói chỉ có Phật mới thành Phật là vậy. Bởi vì mình có Phật tánh mới thành Phật được, cho nên cái nền tảng là quan trọng nhất.
Nên nhớ tất cả con đường của Phật giáo đều khởi từ nền tảng, đi trong nền tảng và thành Phật nghĩa là khai triển cái nền tảng đó một cách hoàn toàn. Nó khác nhau là khác nhau ở con đường khi tu, nhưng thật sự ra một vị Phật mà nhìn thì những con đường đó không khác nhau. Bởi vì những con đường đó đều phải đi trên nền tảng hết. Con đường đi trên đất, cho nên kinh điển hay nói tới địa, địa là đất. Sơ địa rồi tới Thập đia, là đất sơ sơ rồi tới thứ năm, thứ bảy, thứ tám, rồi tới thứ mười.
Tất cả tuy nó có cấp độ khác nhau nhưng nó cũng trên một cái địa hết, đó là địa Phật tánh.
Mình tu kiểu nào thì kiểu, khởi đầu ở đâu có thể mình tưởng nó khác nhau, nhưng mà tất cả đều nằm trên cái nền tảng đó hết. Nếu pháp môn mình nó ra khỏi Phật địa đó, thì cái tu của mình nói theo ở đời là không có căn bản, không căn bản bởi vì nó không có nền tảng.
Trong chuyện Tây Du Ký ông Tôn Ngộ Không ông nói: ông nhảy một cái ra khỏi bàn tay Phật đó. Thì ông dùng thần thông ông ráng sức ông nhảy cái đầu tiên hết, thì ông thấy, vẫn giữa lòng bàn tay Phật thôi. Ráng cú thứ nhì thấy cũng nằm trên mấy ngón tay Phật thôi. Ông dùng hết toàn lực ông nhảy cái thứ ba, ông thấy cái cuối cùng rồi, ông tưởng là ra khỏi bàn tay Phật nhưng mà khi coi lại ông thấy cái chỗ hồi nãy ông nhảy vẫn nằm trong bàn tay Phật. Có nghĩa là tất cả: dầu có đi lên trời, chung xuống biển gì cũng không thể nào mà ra khỏi Pháp thân của tất cả chư Phật được, không thể nào mà ra khỏi cái nền tảng đó được. Chính vì đó là nền tảng và những con đường là đi trên cái nền tảng đó, và đi tới tận cùng thì nó là quả.
Thành ra một điều mà sau này các tông phái hay chia là đốn tiệm đó, thật sự mình thấy không có vấn đề đốn tiệm. Trên con đường đó mà nếu như anh nhận ra được hoàn toàn cái nền tảng ngay trên con đường đó thì đó là đốn, còn anh nói là phải đi cho hết con đường anh mới nhận ra cái nền tảng đó một cách trọn vẹn, thì đó là tiệm, cho nên ngài Lục Tổ Huệ Năng ngài nói pháp không có đốn tiệm, đốn tiệm là do con người bởi vì con đường dầu có dài hay ngắn gì thì luôn luôn đi trên nền tảng, mà nếu anh khám phá ra được cái nền tảng đó ngay cái bước khởi đầu của anh thì đó là đốn, còn anh phải đợi đi vài chục năm anh khám phá ra, té ra con đường lâu nay nó vẫn đi trên cái nền tảng này thôi, thì đó là tiệm. Nó mất thời gian nhưng thật sự đốn tiệm đó là do mình thôi chớ không phải là do pháp, pháp thì không có đốn tiệm, chỗ nào cũng là nền tảng hết.
Anh đi cây số đầu tiên đó cũng là nền tảng, mà anh đi cây số một trăm thì đó cũng là nền tảng. Có người đi một cây số nhận ra thì đó là đốn, còn người đi một trăm cây số mà nhận ra thì đó là tiệm, nhưng mà một cây số hay một trăm cây số cũng là trên nền tảng đó thôi. Cái vấn đề là nhận ra nhanh hay chậm là do người, chớ pháp từ đầu chí cuối chỉ là nền tảng thôi, nói theo như trong kinh Nikaya bên Nguyên Thủy đó, là con đường hoàn hảo từ giai đoạn đầu, hoàn hảo ở giai đoạn giữa, và hoàn hảo ở giai đoạn cuối cùng. Chỗ nào nó cũng hoàn hảo hết, chẳng qua là mình đi tới cuối cùng mình mới thấy nó hoàn hảo, chớ họ đi thời gian ít thì họ đã thấy cái hoàn hảo đó rồi.
Nói khi mình chia ra hệ thống là nền tảng, con đường, và quả đó thì trong thực hành của mình cái nền tảng đó là phải thấy, thấy cái nền tảng đó.
Còn con đường là gì? Con đường gồm có thiền định và hạnh. Bởi vì mình thiền định là thiền định cái gì? Thiền định cái nền tảng đó đó, cái Phật tánh đó đó, đâu phải thiền định là thiền định mục đích chỉ là hít thở thôi đâu.
Sổ tức quán nó chỉ là phương tiện thôi, chớ sổ tức quán nó phải nhắm tới cái quan trọng đó là cái nền tảng, tức là Phật tánh đó. Tứ Niệm Xứ cũng thế thôi, cái quan trọng nhất là nó phải đạt tới cái nền tảng đó. Chớ còn mình niệm về thân, mình niệm về cảm thọ, mình niệm về tâm, mình niệm về pháp; đó là cái phương tiện. Bởi vì đơn giản một điều thôi, nếu mình niệm về cảm thọ lâu ngày mà nó đúng, thì mình sẽ thấy được cái bản tánh của cảm thọ là gì. Nền tảng của cảm thọ là gì. Mình niệm về thân cho nó đúng nó miên mật thì sẽ thấy được cái nền tảng, cái bản tánh của thân là gì.
Mình niệm về tâm mình, như bữa trước mình đã học rồi khi tâm buồn thì biết buồn, khi tâm vui thì biết tâm vui, khi tâm định thì biết tâm định, khi tâm loạn thì biết tâm loạn. Đó là phương tiện, nhưng mà cái mục đích của thực hành đó là thấy được bản tánh của tâm. Thấy được nền tảng của tâm, thì mình mới giải thoát chớ không phải là cứ thấy buồn vui của tâm hay là định loạn của tâm, mà giải thoát được, phải hông? Thấy niệm tâm là để thấy được bản tánh của tâm, thấy được nền tảng của tâm, thì nó mới giải thoát, cái nền tảng của vụi buồn định loạn đó là cái gì. Thành ra đó là niệm tâm và niệm Pháp cũng thế thôi, niệm pháp là tất cả hiện tượng mà tâm nhận thấy này, cái nền tảng của nó là gì? Cái bản tánh của tất cả hiện tượng là gì? Mình thấy được cái đó thì mình giải thoát.
Cho nên như thầy nói tất cả mọi pháp môn đều đi tới thấy được cái nền tảng đó. Khi mình thấy được cái nền tảng đó rồi, thấy được cái bản tánh đó rồi, thì mình thiền định nó mới có ý nghĩa, bởi vì bây giờ mình thiền định về cái gì? Thiền định là mình không lìa khỏi cái nền tảng đó, không có lìa khỏi cái bản tánh đó, đó là thiền định. Chớ không phải thiền định là bây giờ mình dẹp vọng tưởng, phải hông? Đó cũng chưa phải là cứu cánh. Hoặc thiền định về một đối tượng nào đó thiêng liêng, thì đó vẫn chưa phải là cứu cánh.
Cho nên trong các Tan Tra của Tây Tạng khi nào khởi từ thiền định, anh bắt đầu thiền định về một Bổn Tôn, thì đầu tiên anh phải quán tưởng một cái trống không, rồi từ đó mới có hoa sen, cái đài sen rồi tới chủng tử tự, rồi tới Bổn Tôn hiện lên. Tất cả mọi cái đó hiện lên từ đâu? Từ cái trống không đó, là từ cái tánh Không. Rồi suốt cả quá trình gọi là quá trình phát triển, là anh trì chú, anh quán tưởng, và anh vừa trì chú anh quán tưởng Bổn Tôn là vị Phật hay là vị Bồ Tát chiếu khắp cả vũ trụ này, trùm khắp tất cả chúng sanh, thì đó là giai đoạn phát triển. Tất cả những giai đoạn phát triển đó, thì vẫn là quán tưởng, vẫn biết là mình quán tưởng cái đó trên tánh Không. Rồi khi mà hết cái gian đoạn phát triển đó, mình cho nó hòa tan. Nghĩa là: Bổn Tôn, ánh sáng, chúng sanh thế giới và cả mình nữa, nó hòa tan với nhau thành một cái ánh sáng, thì khi hòa tan đó tất cả không còn mình không còn thế giới không còn chúng sanh, không còn Bổn Tôn nữa mà tất cả chỉ là một vị thôi, một cái nhất thể thôi. Lúc đó mới bắt đầu cái gọi là giai đoạn là thành tựu. Tất cả mọi giai đoạn phát triển là quán tưởng hay trì chú gì đó để mà cuối cùng hòa tan vào tánh Không, tánh Không nhưng mà không phải là nó không có gì hết, tánh Không nhưng mà nó sáng. Thì khi mà mình hòa tan tánh Không vào ánh sáng đó, thì mới bắt đầu giai đoạn thành tựu.
Theo những cái Sarana của Tây Tạng thì khi đó, là mình cứ để cho tâm trống không vậy đó, bởi vì đó chính là tánh Không, để lâu cho tới khi nào nó lộn xộn nó khởi, thì lúc đó mình mới bắt đầu mình xả.
Tóm lại những cái Tan Tra đó để làm gì? Để mình đi khởi từ tánh Không là cái nền tảng, rồi mình có tất cả những thứ đó đó… Rồi tới đây mình hòa tan, lúc đó mình mới thật sự thâm nhập tánh Không, thật sự đi vào tánh Không. Tất cả thấy nó vậy chớ cả quá trình nó đều nằm trên tánh Không, đều nằm trên nền tảng.
Như bữa trước thầy có nói trong kinh điển có nói: Muốn thành quả Tu Đà Hoàn , A Na Hàm, A La Hán, thì phải tu học trí huệ Bát Nhã, trí huệ Bát Nhã là trí huệ tánh Không thôi, trí huệ thấy tánh Không. Muốn tu học Bồ Tát thì phải là trí huệ Bát Nhã. Và thừa thứ Hai là Độc Giác thừa cũng phải có trí huệ Bát Nhã, có nghĩa: tánh Không là nền tảng của tất cả ba thừa.
Rồi tóm lại, thầy nói cái nền tảng cái Phật tánh đó, thứ nhất là phải thấy, thứ hai thiền định là mình không lìa cái Phật tánh cái tánh Không đó được, lìa ra thì không miên mật. Cuối cùng thì cái hạnh là trong hoạt động, tất cả hoạt động của thế gian này: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nó đều ngấm vào trong cái tánh Không là cái nền tảng đó hết. Khi nó hoàn toàn thì nó là quả. Cái thấy thiền định, hạnh và quả. Thiệt ra quả chỉ là cái thấy mà được khai triển một cách trọn vẹn thôi.
Tánh Hải
Kính ghi
NIỆM PHẬT, ĂN CHAY VÀ PHÓNG SANH Ấn Quang Đại Sư Xã hội ngày nay, lòng người ác độc; cho nên bị thiên tai, nhân họa thường xuyên giáng xuống. Khi tai
Phẩm "Du già chân thực nghĩa" gọi chân lý là chân thực, chia làm 4 loại lớn, gọi là bốn loại chân thực.1.Thế gian cực thành chân thực : chỉ cho những chân
Namkhai Norbu Rinpoche là một vị Thầy ở Tistuto Orientale, đại học Naples, nơi ông dạy tiếng Tạng, Mông Cổ và lịch sử văn hóa Tây Tạng. Dù vẫn dạy đại học,
Nhẫn: Một nhu cầu của thời đạiĐọc tin tức hàng ngày, chúng ta thấy không hiếm những chuyện dường như không đáng đã đưa đến những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Tất cả pháp thanh tịnh nên thanh tịnh nầy thanh tịnh!”Đức Phật nói: “Vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.Ngài Xá Lợi Phất thưa:
QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,
Giữ giới là lựa chọn tự do Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc
Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt