Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Dưới đây là lược dịch cuốn The Four-Themed Precious Garland — bản Anh dịch của cuốn Chos-bzhi rin-chen phreng-ba của Tổ Sư Longchen Rabjampa Drime Wozer (1308-1363), một tác phẩm quan trọng từ thế kỷ 14 ghi lại pháp môn Đại Toàn Thiện (Dzogchen). Người dịch là Tiến Sĩ Alexander Berzin, thực hiện với tham khảo từ nhiều vị sư Tây Tạng. Bản Việt ngữ nơi đây là do Nguyên Giác lược dịch và đưa vào thêm một ít chú thích (có ghi LDG).

Thư Viện Văn Khố và Tác Phẩm Tây Tạng (Library of Tibetan Works and Archives, viết tắt là LTWA) của chính phủ Tây Tạng lưu vong đã trân trọng giới thiệu cuốn The Four-Themed Precious Garland như là đã khai mở ra một trong những truyền thống lớn của Tây Tạng cho học nhân Tây Phương, và đã chọn quyển này để in vào tuyển tập của Longchen Rabjampa.

Đại Toàn Thiện và Đại Thủ Ấn (Mahamudra) là hai pháp môn Thiền Đốn Ngộ của Tây Tạng. Trong khi Đại Thủ Ấn lưu truyền từ dòng mũ đỏ Kagyu (Hồng Mạo Phái), thì Đại Toàn Thiện được lưu truyền từ dòng Nyingma (Cổ Mật) và hiện cả hai pháp môn đốn siêu đốn nhập này đều được phổ biến mạnh mẽ nơi phương Tây.

Ngài Longchen Rabjampa cùng với Sakya Pandita và Je Tsongkhapa từng được công nhận như là ba hóa thân chính của Đức Văn Thù Bồ Tát để giáo hóa vùng Trung Tây Tạng. Thời tuổi trẻ, Ngài Longchen được học theo truyền thống Nyingma từ gia đình, sau đó cũng theo học từ nhiều vị Thầy khác thuộc nhiều tông phái khác, thí dụ như dòng Kadam, Sakya và Kagyu. Ngài đã viết nhiều cuốn luận, đi giáo hóa nhiều nơi và đã ở thời gian dài tại Bhutan để đặt nền móng Phật Pháp nơi đây.

Nhan đề sách có nghĩa là Vòng Hoa Báu Bốn Đề Mục. Các phần đầu là khuyến tấn học nhân, trình bày cách giải trừ chướng ngại bằng các pháp Đại Thừa và Kim Cang Thừa, sau cùng mới nói về pháp trực nhập Đại Toàn Thiện. Bản văn tóm lược như sau.
 
 

1 HƯỚNG TÂM VỀ VỚI PHÁP

Bất kỳ ai muốn vượt qua đại dương vô tận của luân hồi trước nhất phải nghĩ đến việc tận lực trong kiếp này để đạt bình an và hạnh phúc, đó là hiện tướng của giải thoát. Thân người, khó có và lại dễ mất, là chiếc bè để học hỏi và tu tập Giáo Pháp. Có thân người, nếu không tận lực, ngươi sẽ không bao giờ thoát được đại dương của huyễn hóa. Ngươi sẽ không bao giờ ngưng được luân hồi đầy những khổ đau. Ngươi sẽ trôi dạt trong đại dương đáng sợ, không chịu đựng nổi nơi những đợt sóng ảo vọng đẩy tới cảnh giới cao nhất, những bọt sóng của bệnh và lão tan hợp khắp nơi và không có thể thấy được lúc nào ngưng được dòng chảy của sinh và tử.

Nhưng bất kỳ ai nghe được giáo pháp sẽ có thể ngưng được dòng chảy sinh và tử, và sẽ không bao giờ bị cách lìa khỏi đại niết bàn an lạc. Do vậy, với chiếc bè quý giá của Pháp Tối Thượng Thừa, hãy tận lực vượt đại dương của ba cõi ảo hóa.

Nếu ngươi không tu tập để giải thoát bây giờ, trong tương lai ngươi sẽ không bao giờ ngay cả nghe đến tên gọi "tái sinh may mắn." Xuyên qua nhiều kiếp bất hạnh vô tận, kiếp này sau kiếp kia, ngươi sẽ không có được pháp môn để giải thoát. Do vậy, bây giờ ngươi có thân người, hãy chân thành tu tập tận lực. Với pháp môn này, ngươi sẽ có thể giải thoát cho cả mình lẫn người khác.

Ngay cả nếu ngươi đã đạt tự do và thần lực, sẽ không bao giờ có sự an toàn tâm thức. Tất cả các pháp đều bất an, thay đổi và không có tự tánh. Vì tất cả các pháp đều vô thường và tan rã, ngươi nên nghĩ đến chuyện ngươi sẽ chết nhanh chóng.

Điều đó cũng y hệt như khắp cả thế giới quanh ngươi. Nó cũng sẽ tan rã bởi bảy kiếp hỏa, một kiếp lụt và gió. Sẽ không còn một đầu sợi tóc nào an ổn. Tất cả sẽ rồi thành trống rỗng; chỉ còn là hư không. Những chúng sinh sống trong đó — những chúng sinh vô thường, đó là chư thiên, ma vương, người, thú, ngạ quỷ và chúng sinh dưới địa ngục — bất kể chúng sinh nào, khi thời gian tới, sẽ phải chìm đắm vào biển chết chóc, trung ấm và đầu thai. Những năm, những tháng, những ngày và các chia chẻ thời gian đều là khoảng khắc, vô thường; chúng tan rã và liên tục trôi qua. Khi có những chuyện buồn như bốn mùa thay đổi, hãy nghĩ tới sinh mệnh của ngươi cũng vô thường.

Cũng sẽ không có an ổn tâm thức nào hết. Chẳng bao lâu nữa, ngươi cũng sẽ chết. Do vậy, kể từ hôm nay, ngươi phải nghĩ rằng, "Hoàn toàn không có gì chắc chắn những gì sẽ xảy ra, ngày mai hay là lúc khi mà thọ mạng của mình chấm dứt."

Đau khổ của sự sinh còn đáng sợ hơn đau khổ của sự tử. Sẽ không bao giờ có hạnh phúc nào bất kể nơi nào ngươi sinh ra, vì bản chất của luân hồi y hệt như ngọn lửa phựt lên. Do vậy, hãy lo tu giải thoát ngay từ bây giờ.

Chúng sinh dưới địa ngục bị dày xé bởi nóng và lạnh; ngạ quỷ thì đói và khát; loài thú thì bị ăn nuốt lẫn nhau, ngu ngốc và vô minh; loài người thì đau khổ vì tám điều bất toàn (sinh, lão, bệnh, tử, xa lìa điều mình thích, gặp điều không thích, không đạt được những điều mong muốn và tìm kiếm, và các uẩn nhơ uế — vì nghiệp lực và ảo vọng). Ma vương đau khổ vì tranh chấp và chiến tranh; chư thiên đau khổ vì sự chết, chuyển thân trung ấm và rơi vào tái sinh hàng thấp hơn. Sau khi thần thức của chư thiên rời cõi trời, chúng có thể rơi vào lửa địa ngục lần nữa. Hãy nghĩ như vậy, hãy tận lực xa lìa các cõi huyễn hóa.

Hiện tướng của kiếp này y hệt như một giấc mơ trước khi ngươi thức dậy. Chúng biến đổi và vô thường. Hãy tận lực tu tập ngay bây giờ.

Tham vọng thì như độc dược, vũ khí hay lửa. Một khi tham vọng khởi, nỗi đau của nó thì thường trực và ngươi sẽ không bao giờ có cơ hội hạnh phúc. Tranh chấp với mọi người, vọng tưởng của ngươi chỉ tăng nhiều thêm. Tâm của ngươi lang thang đủ chuyện tư lường và nó đe dọa thân ngươi và thọ mạng ngươi.

Nếu ngươi muốn vào pháp môn giải thoát, hãy giảm các tham vọng và phải tự thấy là đủ.

Kinh nói rằng, nếu ngươi cạn hết mọi tham vọng, ngươi là một vị Thánh chân thật, và nếu tham vọng của ngươi ít, ngươi gần với Thánh vị. Do vậy, hãy đi theo bước chân của các vị Thánh trong quá khứ. Luôn luôn thấy mình đã đầy đủ và có thật ít vật sở hữu.

Giao du với người cũng gây những phiền não vô tận. Chỉ thêm những hoạt động và lãng tâm vô ích. Giận dữ, tranh cãi và tranh chấp tăng thêm, và những thu hút và xô đẩy cũng khởi dậy. Ngươi luôn luôn bị nhiễm thói xấu người khác và điều này chẳng ích gì. Bất kể gần gũi thế nào với người khác, thí dụ như bạn thân của ngươi, cuối cùng ngươi cũng phải xa lìa. Do vậy, hãy bỏ hết mọi liên hệ mà ngươi tùy thuộc vào đệ tử, bạn hữu hay thân nhân. Hãy tận lực từ hôm nay về sống trong nơi vắng lặng để tu tập pháp giải thoát.

Chư Thánh trong quá khứ nói rằng sống trong nơi vắng lặng họ đã tìm gặp bình nước cam lồ của thắng pháp. Do vậy, ngươi hãy nên sống một mình trong một khu rừng vắng để đạt được bình an này. (Bản văn này viết từ thế kỷ 14 tại Tây Tạng, nên đoạn này không thích hợp với thế kỷ 20, khi thật khó tìm được một khu rừng vắng thích hợp.)

Sống trong nơi vắng lặng đã được chư Phật tán thán. Không ai quấy nhiễu ngươi, định nhất tâm sẽ tăng thêm kiên cố. Với lợi ích của nếp sống này không có thể mô tả hết được, hãy tu tập suốt đời ngươi trong nơi vắng lặng hoàn toàn, đơn độc trong rừng.

Xin nguyện cho mưa Pháp dập tắt mọi vọng tưởng. Xin nguyện cho mưa Pháp làm đầy hồ sen công đức của định nhất tâm. Xin nguyện cho mưa Pháp mở rộng thành tựu của Tịnh Độ.
 
 

2 TU TẬP PHÁP GIẢI THOÁT

Hãy giả thiết rằng, nhờ lòng tin, ngươi vào pháp môn tối thắng này, và bây giờ ngươi mong muốn đi trọn con đường giải thoát. Điều ngươi phải làm là thực sự tu tập pháp môn này như một cách sống. Đó là điều chủ yếu để điều tâm.

Có những người đã vào giáo pháp của Chư Phật như trên và đã khởi đầu bằng lắng nghe (văn), suy nghĩ (tư) và thiền định (tu). Nhưng một số vẫn chưa an ổn: họ đã khởi tâm sai. Một số theo đuổi những con đường sai lầm hoặc thấp kém hay những con đường lạc đạo. Một số lại có nhiều tham vọng, và một số bận tâm với những lo lắng cho đời này. Tất cả những sai lầm như vậy, trái nghịch với giáo pháp, khởi lên vì không chịu tu tập giáo pháp như một cách sống. Những sai lầm đến từ kiếp này và các kiếp tương lai thì không thể đo lường nổi. Bất kỳ ai bị vọng tưởng đánh lừa như vậy rồi sẽ ân hận khi chết và sẽ kinh hoàng lo lắng trong thân trung ấm. Hắn sẽ sinh vào cảnh giới thấp hơn trong tương lai và không bao giờ có cơ hội giải thoát khỏi luân hồi. Do vậy, hãy lấy việc tu tập pháp môn giải thoát như một cách sống.

Tu tập giáo pháp như một cách sống, trước tiên, tùy thuộc vào thầy của ngươi. Điều quan trọng là phải dựa vào một đạo sư chân thật. Bất kỳ phẩm chất tốt nào đều sẽ đến từ đây.

Đạo sư phải là một người có từ tâm và phương tiện thiện xảo, người sống trong tâm bình lặng, tự chế và kiên nhẫn. Lời nguyện của vị thầy này phải toàn triệt và tối thắng. Vị thầy này phải từng học nhiều giáo pháp và đã tu tập chúng đúng đắn. Những làn sóng cảm hứng từ vị thầy này phải là vô lượng, ảnh hưởng tự động tới sự xuất hiện của những kẻ khác. Vị thầy phải không bận tâm gì tới đời này và phải thanh tịnh như hư không. Người như vậy, người làm cho cuộc đời của bất kỳ ai liên hệ tới đều trở nên có ý nghĩa và dẫn học nhân lên con đường giải thóa, là một hiện tướng của Chư Phật được hóa thân trong thời mạt pháp. Do vậy, hãy tận tụy hiến mình cho vị thầy này với trọn tôn kính.

Lợi ích của điều này thì vô lượng. Ngươi sẽ trở thành dị ứng với huyễn hóa luân hồi và sẽ xa lìa nó. Do đó, những suy nghĩ của người cho đời này sẽ giảm đi. Trong tâm, ngươi sẽ xua đi hết mọi bận tâm cho đời này, và những nắm giữ tin thật vào hiện tướng ảo hóa sẽ tan rã. Ngươi sẽ tự nhiên tự chế và sẽ lắng nghe, suy nghĩ và tu tập giáo pháp. Ngươi sẽ đạt nhiều phẩm chất tốt, thí dụ như lòng tin. Kiếp này của ngươi sẽ có ý nghĩa và những kiếp tương lai của ngươi sẽ đạt kết quả. Do vậy, hãy tự dâng hiến cho một vị thánh sư.

Thêm nữa, ngươi không bao giờ nên làm sai trái gì với thân, khẩu và ý của ngươi. Hãy như một bệnh nhân đối với bác sĩ, như một thương gia du hành ngoài biển đối với người hoa tiêu, như một hành khách đối với người chèo thuyền, như một vị khách với người cận vệ. Hãy luôn luôn chăm sóc tôn kính vị thầy. Kinh dạy rằng, nếu ngươi có thái độ bất kính hay cách nhìn sai trái về vị thánh sư, ngươi sẽ tái sinh trong địa ngục nhiều kiếp. Do vậy, nếu có khi nào lỡ bất kính, hãy thú tội và sám hối.

Hãy tự hiến thân mình trong cách này cho một vị đạo sư và điều tâm bằng cách lắng nghe, suy nghĩ và thiền định trong giáo pháp được dạy. Rồi thì hãy chuyển hóa tất cả những công đức nào có được chỉ hồi hướng về khát vọng giải thoát. Đó là lời dạy khẩu truyền về cách tu tập giáo pháp như một cách sống.

Bất cứ khi nào ngươi lắng nghe giáo pháp, hãy suy ngẫm và đọc tụng, hãy tận lực như vậy để giải thoát. Bất cứ khi nào ngươi viết, đọc, học thuộc lòng hay giảng dạy, hãy hồi hướng tất cả cho giải thoát. Tương tự, trong khi thiền định, lý luận và xử thế, hãy tận lực để xa lìa thế gian huyễn hóa bằng cách luôn luôn hướng tâm về giải thoát. Không có gì cao quý hơn những lời dạy khẩu truyền này.

Ăn, ngủ, đi bộ, ngồi, nói, suy nghĩ và mọi thứ, bất cứ hoạt động nào ngươi làm, đừng bao giờ để tâm ngươi chệch ra khỏi ý nguyện giải thoát. Hãy coi thường và lìa bỏ thế gian huyễn hóa, và cứ vậy thuần thục tâm ngươi. Đó là điểm cốt tủy để tu tập pháp môn này như một cách sống.

Thêm nữa, đặc biệt là để đi trên con đường Đại Thừa, ngươi hãy hồi hướng bất kỳ công đức nào ngươi làm về cho người khác. Để làm lợi ích tất cả chúng sinh, ngươi hãy toàn tâm tu dưỡng lòng từ bi, khởi lên từ bồ đề tâm, luôn luôn hướng tâm về giải thoát và giúp đỡ người khác, dâng hiến công hạnh của ngươi, và vui với công đức của mình và người khác. Ngươi hãy thấy rằng trong vô lượng kiếp về trước, tất cả chúng sinh đã từng là mẹ, là cha, là thân quyến và bạn thân của ngươi. Đó cũng là lý do ngươi phải giúp đỡ các chúng sinh.

Chính ngươi phải khởi tâm nguyện giải thoát vì lợi ích của các chúng sinh. Rồi thì tu tập vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Bởi những công đức của ngươi, những người khác sẽ hạnh phúc. Ngươi nên tu dưỡng tâm nguyện giải thoát bằng lòng từ bi vô lượng với ý nghĩ rằng, "Nguyện cho con chịu tất cả khổ đau của chúng sinh, và nguyện cho tất cả công đức của con lợi ích tất cả chúng sinh. Xin nguyện cho tất cả chúng sinh thành tựu Phật quả."

Bất kỳ công đức nào ngươi làm hãy khởi lên vì ý nguyện giải thoát, và khi làm thì không vì bất kỳ lợi ích vật chất nào, và khi kết thúc hãy hồi hướng các công đức đó cho giải thoát. Thêm nữa, ngươi phải hoàn toàn tự thanh tẩy các vọng tưởng về tánh thật của ba cảnh giới—thứ nhất, là mục tiêu của pháp môn đang tu tập; thứ nhì, là pháp môn đang tu tập; và thứ ba, là người đang tu tập. Y hệt như ảo giác, chúng chỉ là những hiện tướng dựa trên không có gì là thật, hệt như các huyễn hóa ảo thuật. Cho nên, thanh tẩy trong sạch bản chất của ba cảnh trên, ngươi hãy hướng mọi công đức để làm lợi ích người khác.

Phải thâm tín vào Phật, Pháp, Tăng, và vào các mục tiêu tu tập thiện pháp—trong tất cả các pháp trên, không ngoại lệ. Từ chỗ tận lực làm lợi cho mình và người, rồi thì cả ngươi lẫn người khác đều cùng sẽ được tán thán, tôn trọng và kính ngưỡng vượt xa tất cả mọi khuôn mẫu.

Hân hưởng hạnh phúc là việc thiền định về niềm vui trên tất cả những công đức chư Phật, chư Bồ Tát và tất cả chúng sinh. Đó là phương pháp tối thắng để chuyển hóa các công đức vô lượng trở thành cái Tánh Biết vô nhiễm bất khả tư lường.

Ngươi hãy đọc các bài kinh thanh tịnh để làm lợi chúng sinh. Nơi đây, lời dạy khẩu truyền về việc thanh tịnh hóa các mục tiêu tu tập cần phải được chiêm nghiệm.

Đừng bao giờ bận tâm về mục tiêu thế gian dù trong khoảnh khắc. Hãy làm việc cho người khác, và thực hiện thiện pháp bằng cả thân, khẩu, ý. Hãy điều tâm như vậy để khơi dậy khát vọng chứng ngộ, và đó là cách biến việc tu tập pháp môn này như là một con đường tới giải thoát.

Xin nguyện cho tiếng trống Pháp khơi lên những ý nghĩa thâm sâu, đánh thức tất cả chúng hữu tình ra khỏi ba cõi độc và xa lìa giấc ngủ của vô minh.
 
 

3 ĐOẠN TRƯ+` CÁC CHƯỚNG NGẠI

Thêm nữa, có những phương pháp thông thường, đặc biệt và tối thắng để đoạn trừ chướng ngại.

Thứ nhất là Pháp Đại Thừa. Ngươi hãy tu tập bốn tâm vô lượng (từ vô lượng, bi vô lượng, hỉ vô lượng và xả vô lượng). Với cầu nguyện và đam mê, ngươi xóa bỏ các chướng ngại bằng cách hy sinh tận lực cho người khác. Với bồ đề tâm, trong đó bản chất là tánh không rỗng rang và từ bi, ngươi sẽ có thể thành tựu hoàn toàn các mục tiêu của ngươi và người khác.

Để làm thanh tịnh trong sạch các pháp, ngươi phải thiền định về 37 pháp trợ đạo.

Thêm nữa, ngươi phải chứng ngộ cái nhìn đúng đắn, trong sạch về 16 pháp Không (trong tận cùng vẫn chỉ là một Tánh Không), và thành tựu sáu pháp ba la mật (Bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật, và trí huệ ba la mật). Và, đặc biệt là với trí huệ ba la mật, ngươi phải chứng ngộ Ngã Không và Pháp Không (tức là cái vô tự tánh của ngã và pháp). Tu tập các pháp trên như đối trị, ngươi sẽ thanh tịnh chính ngươi ra khỏi các vọng tưởng. Đó là con đường của chư vị Bồ Tát.

Mặc dù vạn pháp hiện hữu như huyễn hóa, như chiêm bao, ngươi hãy tu tập đúng đắn trên đường giải thoát, tránh các pháp dữ, và làm các pháp lành.

Bởi vì thực tánh tối hậu thì vô sinh và vô nhiễm, nó thì xa lìa mọi phân biệt nhị nguyên như là luân hồi và niết bàn. Nó thì xa lìa cả những thêu dệt nghĩ tưởng của tâm chúng sinh.

Đây là ý nghĩa của hai sự thật (nhị đế). Con đường tìm cội nguồn lý nhân duyên (tùy thuộc lẫn nhau) là pháp Đại Thừa.

Con đường Đại Thừa của các mật pháp thì có ngoại mật và nội mật. Đây là pháp tối thắng bất khả tư nghì với cách hợp nhất giữa các giai đoạn tu tập và thành tựu, nhờ đó ngươi sẽ đoạn trừ các chướng ngại qua nhiều giai đoạn.

Trong ba pháp ngoại mật, phần nhấn mạnh chính là việc thanh tịnh hóa. Trong các pháp đối trị nói trên, ngươi hãy buông bỏ và rồi tập pháp nào thấy là cần thiết, và do đây sẽ loại trừ chướng ngại. (Chú thích của Nguyên Giác: Học nhân có thể không cần tu tập ba pháp ngoại mật — kriya, chara, và yoga — bởi vì nhiều vị Thầy thế kỷ 20, thí dụ như Ngài Namkhai Norbu Rinpoche, khi dạy pháp Đại Toàn Thiện cho Phật Tử Tây Phương đã bỏ hẳn các mật pháp phức tạp này, mà chỉ đưa thẳng vào Tánh của tâm để tu, y hệt như Ngài Huệ Năng của Thiền Trung Hoa.)

Tương tự với các pháp nội mật (mahayoga, anuyoga, và atiyoga), xuyên qua trí huệ vô nhiễm, những pháp này rồi cũng nên buông bỏ vì chỉ là phương tiện.

Vạn pháp xuất hiện tự nhiên trên mạn đà la (vòng tròn tượng trưng cho vũ trụ, được vẽ lên mỗi khi cần thực hiện một mật pháp — chư cổ đức còn gọi là đàn pháp), nơi đó là Tánh Phật, và chỉ xuất hiện qua tâm của ngươi.

Chúng (vạn pháp) là những huyễn hóa chướng ngại, và không thực hữu. Vạn pháp trong tự tánh là không.

Như vậy, trong giai đoạn tu tập, tất cả những gì xuất hiện đều được hợp nhất trong một vòng mạn đà la. Thân ngươi trở thành thân Phật, lời ngươi trở thành thần chú chư Phật, và ý ngươi là trí huệ vô nhiễm. Trong cách này, tất cả mọi hiện tướng ảo hóa đều được xem như là cảnh Phật.

Xuyên qua giai đoạn thành tựu, ngươi vào cảnh giới bất khả tư nghì của ánh sáng trong suốt (clear light, có thể gọi là Phật quang, hay thanh tịnh quang), trong đó vạn pháp đều ở trong tánh không chân thực của nó. Tới đây, tâm ngươi đã được điều phục thuần thục.

Cảnh giới của tánh không và trí huệ vô nhiễm trở thành một. Sự hợp nhất bất khả phân ly này là con đường của Đại Thủ Ấn (Mahamudra). Đó là pháp Kim Cang Thừa của các mật pháp.

(Sau khi dẫn giải về các pháp môn Đại Thừa và Kim Cang Thừa, tới đây thì Ngài Longchenpa mới nói về pháp môn đốn ngộ Đại Toàn Thiện.)

Pháp môn tối thượng thừa Đại Toàn Thiện bí mật có chức năng đưa ngươi thẳng vào cảnh giới của tự nhiên nhi nhiên. Cảnh giới này, đó là nền tảng của vạn pháp, thì bất động. Tất cả những công đức thiện pháp xuất hiện trong nó một cách tự nhiên như là mặt trời, mặt trăng, tinh tú và các vì sao trên hư không. Nó không cần được tìm kiếm, bởi vì nó tự nhiên hiện hữu từ vô lượng kiếp. Không cần có một cố gắng hay nỗ lực nào.

Pháp giới mạn đà la của thanh tịnh quang thì vô điều kiện. Nó chính là Pháp thân tự thể, là cái tâm bao trùm khắp pháp giới của chư Phật. Trực ngộ nó chính là cái nhìn tối thượng của thực tại.

Trên cảnh giới thanh tịnh toàn chân này có những đám mây chướng ngại. Đó là những hiện tướng ảo hóa khởi lên từ tâm chúng sinh. Xuyên qua những hiện tướng, dựa trên những hư ảo, ba cõi và sáu loài chúng sinh liên tục hóa hiện.

Bất cứ khi nào, bất cứ những gì xuất hiện, bất kể đó là những gì, nó thì không thực hữu trong tự tánh. Y hệt như mây trên trời, những hiện tướng đến rồi đi. Do vậy, luân hồi huyễn hóa chỉ là lượng định quá lời. Trong tánh thực, nó tan lìa rơi rụng hết.

Mặc dù không thực hữu, vạn pháp vẫn xuất hiện. Tuy nhiên, những pháp này vẫn là không trong tự tánh. Chúng chỉ như là chiêm bao. Chúng không có nền tảng, không có hậu thuẫn, không có khởi đầu, không chặng giữa, không chặng cuối. Ngươi phải chứng ngộ rằng từ thuở xa vô lượng kiếp, vạn pháp trong tự tánh là thanh tịnh.

Do vậy, bất kể những hiện tướng ảo hóa nào, những chúng sinh nào, không gian hay bất kỳ thứ gì—đều không có vật nào ngoài tâm để nắm giữ. Chúng chỉ như là trò huyễn thuật của nhà huyễn sư. Thêm nữa, cũng cùng một cách như vậy, không hề có tâm nào ở trong để nắm giữ bất kỳ thứ gì. Tất cả đều thanh tịnh vô nhiễm, y hệt như hư không. Khi cả tâm và vật đều không thực hữu, luân hồi huyễn hóa chưa bao giờ là thực hữu. Bằng cách chứng ngộ rằng đó là hiện tướng ảo hóa và trong tự tánh thì không thực hữu, ngươi sẽ được giải thoát.

Tất cả các pháp được buông bỏ hay nắm giữ, các nhân và quả đều là hiện tướng. Bởi vì chúng tự thanh tịnh vô nhiễm, ngươi phải chứng ngộ rằng thực tánh tối hậu thì vượt ra ngoài luật nhân quả.

Nền tảng hay là trợ pháp cho sự chứng ngộ này chính là trí huệ thanh tịnh, hay là bồ đề tâm tối hậu.

Đây là cảnh giới của niết bàn tự nhiên nhi nhiên, là tánh tự nhiên lớn khắp, là thực tánh tối hậu, là thanh tịnh tự nguyên sơ. Tự tánh của cảnh giới này thì không có khởi đầu, cũng không có chấm dứt. Nó là thanh tịnh quang trong tự tánh—uyên áo, vắng lặng và xa lìa mọi thêu dệt nghĩ tưởng. Nó là trí huệ thanh tịnh vô nhiễm trong ngươi từ thuở nguyên sơ, là Pháp Thân vô cấu. Nó bất động, và xa lìa mọi chuyển dịch của ba thời (quá khứ, hiện tại và vị lai). Đây là cảnh giới của không một nền tảng, là cốt tủy kim cương của thực tại. Bất kỳ ai hiểu được nó thì sẽ chứng ngộ được cái nhìn đúng đắn về pháp môn an trú tự nhiên trong thực tại. Với mọi tư lường vắng bặt, ngươi hiểu được tánh của thực tại tối hậu.

(Tới đây là chấm dứt lời dạy về cách nhìn Đại Toàn Thiện. Kế tiếp là lời dạy về cách tu dưỡng cái nhìn này qua thiền định.)

Thiền định vô nhiễm được thực hiện trong trạng thái thấu hiểu yếu tính thanh tịnh quang này. Nó thì xa lìa hôn trầm, xa lìa loạn động và xa lìa thêu dệt nghĩ tưởng. Nó thì không loạn tâm và vượt ra ngoài tâm thức suy lường. Nó rộng lớn và trùm khắp, hoàn toàn thanh tịnh như hư không. Không có bờ mé hạn chế, không nghiêng về bất kỳ lựa chọn nào, nó hoàn toàn vượt ra ngoài mọi suy nghĩ, ra ngoài mọi lời nói và ra ngoài mọi khái niệm.

(Tới đây là chấm dứt lời dạy về Thiền pháp Đại Toàn Thiện. Kế tiếp là lời dạy về hành hoạt dựa trên cách nhìn đã nói.)

Về cách hành hoạt, bất kỳ những gì xuất hiện đều không có thực tánh, và chúng đều hoàn toàn thanh tịnh. Do vậy, bất kỳ những niệm nắm giữ nào khởi lên đều tự nhiên tan biến đi.

Những ngoại vật được nắm giữ đều như chiêm bao hay hoa đốm. Một cách tối hậu, không có niệm nghĩ tưởng nào hay là vật nào mà có thực. Do vậy, hãy hành động mà đừng nắm giữ hay gạt bỏ bất kỳ những gì.

Bất cứ những gì khởi lên — dù là vật hay là tâm niệm, hay hư vọng, hay ngưng đọng, hay khẳng nhận — đều tự nhiên tan biến đi ngay khi chúng vừa hiện ra. Đó là lời cổ đức nói, một khi đã nhận biết tánh thực của nó thì nó biến dạng ngay. Và sự biến dạng này là vào trạng thái của Pháp Thân, cảnh giới của toàn chân từ nguyên sơ, bao trùm khắp vạn pháp một cách bình đẳng. Do vậy, rời bỏ huyễn hóa, mà không có chi cần phải tìm cầu niết bàn.

Bất cứ vật nào xuất hiện đều như gương phản chiếu thực tại tối hậu. Bất cứ tâm niệm nào khởi lên, đều tự nhiên tan biến ngay khi chúng được nhìn thấy. Đó là trò chơi của Pháp Thân. Như nước và sóng, chúng là một chuỗi liên tiến trong Pháp Thân. Đây là ý nghĩa của ý nghĩa tối hậu, là đỉnh cao của cách nhìn, là Đại Toàn Thiện (Dzogchen).

Nói ngắn gọn, bất kể ngươi tu tập thế nào, các điểm quan trọng nhất chính là sự tan rã tự nhiên của nắm giữ tự ngã, và sự thanh tịnh hóa các trò ảo hóa trong cảnh giới của Pháp Thân. Bất kỳ ai tu tập tất cả các phương tiện này đều sẽ đoạn trừ được chướng ngại.

Bằng việc giong lên chiếc thuyền pháp quý giá này, xin nguyện cho tất cả chúng sinh vượt qua đại dương của luân hồi huyễn hóa. Trên ngọn đảo tối thắng của giải thoát quý giá và bình an, xin nguyện cho chúng sinh chứng nhập lễ hội của hòa bình và an vui bất tận.
 
 

4 THANH TỊNH HÓA CÁC CHƯỚNG NGẠI VÀO TRONG TRÍ TUỆ THANH TỊNH

Kế tiếp là pháp thanh tịnh hóa các chướng ngại vào trong trí huệ thanh tịnh. Có hai giai đoạn, phương tiện và tối hậu. Pháp phương tiện dùng trong khi ngươi tu tập trên đường. Bằng cách tập quen các phương pháp thâm diệu, ngươi sẽ có thể thanh tịnh hóa bất kỳ ảo hóa nào khởi lên trong cảnh giới riêng của chúng. Khởi lên trí huệ thanh tịnh, còn gọi là tánh sáng chiếu tự nhiên của tâm, còn được gọi là thanh tịnh hóa các vọng niệm vào trong cảnh giới trí huệ thanh tịnh.

Có thể chia ra theo nhiều phương pháp: thông thường, đặc biệt và tối thượng thừa. Vọng tưởng sẽ biến mất khi người dùng các pháp đối trị (LDG: như Tiểu Thừa, nơi đây gọi là pháp thông thường), pháp chuyển hóa (LDG: như Đại Thừa, nơi đây gọi là pháp đặc biệt, chuyển vọng thành chân), và pháp thanh tịnh hóa chúng vào trí huệ thanh tịnh mà không phải buông bỏ chúng bởi vì chúng tự nhiên biến mất (LDG: như Đại Toàn Thiện, nơi đây gọi là pháp tối thượng thừa, vì thấy được tánh thực của chúng là vô tự tánh). Bất kể ngươi dùng pháp nào, trạng thái ngưng nghỉ và thanh tịnh hóa vọng tưởng đều cùng như nhau.

Khi ngươi nhận ra cội rễ tự nhiên của sự sinh khởi lòng tham, lòng sân, lòng si, kiêu hãnh và ghen tị, ngươi sẽ thấy rằng chúng tự nhiên lắng xuống. Chúng tự nhiên tan ra, thanh tịnh hóa như năm phương diện của trí huệ vô cấu nhiễm.

Đó còn gọi là pháp phương tiện để thanh tịnh hóa ngũ độc vào trong đại trí huệ vô cấu nhiễm, còn gọi là cảnh giới của tâm gương sáng của tánh không, tánh bình đẳng và thành tựu (đại viên cảnh trí).

Vô minh là trạng thái của đen tối, trong đó ngươi không thấy được gì rõ ràng và không hiểu gì. Hệt như lòng tham, nó cũng biến khắp bao trùm mọi vọng tưởng. Được thanh tịnh hóa, nó là trí huệ thanh tịnh của cảnh giới trống không của mọi pháp, là sự hiểu biết trần trụi vô niệm về tánh không.

(Lời dạy trên là pháp phương tiện để thanh tịnh hóa chướng ngại, để đưa vào trí huệ thanh tịnh. Kế tiếp sau là pháp thanh tịnh hóa tối hậu, còn gọi là cảnh giới Phật.)

Về thành tựu tối hậu, khi ngươi làm rơi rụng hết trần cấu và thấy được tánh toàn chân vô cấu nhiễm, thì thực tánh của cảnh giới này sẽ hiển lộ như thực. Ba thân Phật, Pháp Thân, trạng thái nhất vị hay là trí huệ thanh tịnh mà ngươi khám phá còn được gọi là Thân của Tánh Không Giới — thân này có hai lần thanh tịnh. Đây là điều chỉ chư Phật thấy biết được.

Ba thân Phật — tức Pháp Thân (Dharmakaya), Báo Thân (Sambhogakaya), và Ứng Thân (Nirmanakaya) — cùng với trí huệ thanh tịnh đều hòa hợp trong Tự Tánh Thân (Svabhavakaya), thân này thì thường trụ, biến khắp, vô điều kiện và bất động. Cư trú trong cảnh giới của Pháp Thân, còn được gọi là ngọc như ý, Thân Công Đức Trí Huệ Thanh Tịnh sẽ ứng dụng ra các Hóa Thân để xuất hiện cho các bậc bồ tát và các chúng sinh khác. Tuy nhiên, các hóa thân chỉ xuất hiện xuyên qua nguyện lực của chư Phật để thanh tựu ước nguyện của chúng sinh như là viên ngọc như ý, còn được gọi là pháp thanh tịnh hóa tối hậu để đưa chướng ngại vào trí huệ vô cấu nhiễm.

Xin nguyện cho mặt trời, nơi là cốt tủy giáo pháp thâm diệu này, chiếu hàng ngàn tia sáng những lời và nghĩa vào thế giới của các học nhân, và xóa bỏ vô minh của mọi chúng sinh. 

Xem mục lục