Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

l. KHAI TÔNG RÕ NGHĨA

Vô Danh nói :

Như Kinh nói : "Hữu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn dịch là Vô vi, cũng gọi là Diệt Độ". Vô vi là lấy sự trống rỗng tịch diệt, lìa danh lìa tướng, cách tuyệt với hữu vi. Diệt độ là nói sự tai họa lớn của sanh tử vĩnh viễn tiêu diệt, siêu độ lục đạo luân hồi.

Ấy là chỗ thức tỉnh của mở mắt chiêm bao, cũng là tuyệt danh của căn nhà nhiệm mầu. Nói hai tên "hữu dư" và "vô dư", ấy chỉ là tên khác biệt của xuất xứ, giả danh của ứng cơ hóa độ mà thôi. Tùy duyên hiện thân thuyết pháp gọi là xuất, duyên hết trở về ẩn gọi là xứ. Nay tôi thử Luận bàn rằng :

Cái đạo của Niết Bàn tịch diệt trống rỗng chẳng thể theo danh tướng mà tìm, vi diệu vô tướng chẳng thể dùng hữu tâm mà tri ; cao siêu tam giới, mê hoặc đều dứt, chứng lượng như hư không, chánh lý cùng tột; muốn đuổi theo thì chẳng thể tìm ra tông tích (vị lai vô chung), muốn trở lại tìm chỗ xuất phát thì chẳng thấy bắt đầu (quá khứ vô thủy); lục đạo chẳng thể làm cho sanh khởi, sức mạnh chẳng thể làm cho biến đổi. Thể tánh mênh mông chẳng có bờ bến, bậc trí chẳng thể định danh. Như trụ thì sanh mà chẳng sanh, như đi thì diệt mà chẳng diệt. Ngũ nhãn chẳng thấy được dung mạo, vì lìa sắc; nhị thính (nhục nhĩ, thiên nhĩ) chẳng nghe được âm thanh, vì lìa thanh. Mịt mù thâm sâu, ai thấy ai hiểu? Trùm khắp bao gồm, không có chỗ nào chẳng tồn tại, mà lại siêu việt nơi có và không.

Thế thì hễ nói được là mất cái chân, biết được thì trở thành kẻ ngu; được "có" là trái với tự tánh, được "không" là tổn thương pháp thân.

Cho nên khi Phật Thích Ca mới thành đạo, tự nhốt mình trong phòng mà chẳng thuyết pháp; Văn Thù hỏi về pháp môn bất nhị thì Duy Ma Cật ngậm miệng; Tu Bồ Đề tĩnh tọa trong hang, Đế Thích tán hoa cúng dường cho là khéo thuyết Bát Nhã; khen ngợi chẳng nói mà nói, chẳng nghe mà nghe, ấy đều do chánh lý là cái đạo tuyệt ngôn, chỉ có người chứng mới được lãnh hội, nên miệng do đó mà nín, đâu phải chẳng có biện tài. Vì biện tài chẳng thể nói được.

Kinh nói : "Sự chân giải thoát lìa ngôn ngữ, tướng số, tịch diệt vĩnh an, vô thỉ vô chung, chẳng tối chẳng sáng, không lạnh không nực, trạm nhiên thường tịch như hư không, vô danh vô thuyết".

Trung Quán Luận nói : "Niết Bàn phi hữu lại cũng phi vô, con đường của ngôn ngữ chấm dứt, chỗ suy lường của tâm ý, tiêu diệt". Theo những lời của kinh luận trên, đâu phải chẳng đúng sự thật.

Như thế, quả thật có cái sở dĩ chẳng có, nên chẳng thể cho là có; có cái sở dĩ chẳng không, nên chẳng thể cho là không vậy.

Tại sao? Hễ truy cứu cảnh "có" thì ngũ ấm vĩnh viễn tiêu diệt (diệt thì lìa khổ, gọi là lạc đức); truy cứu cảnh "không" thì sự nhiệm mầu linh tri thường tồn (gọi là ngã đức) ; nhiệm mầu linh tri thường tồn nên dầu bặt thấy nghe mà nhất chân trạm nhiên thường tịch (ấy là thường đức); ngũ ấm vĩnh viễn tiêu diệt thì vô biên phiền não đều sạch (tịnh đức); vô biên phiền não đều sạch nên thông đạt với đạo; nhất chân trạm nhiên thường tịch nên diệu dụng mà chẳng thấy công dụng. Diệu dụng mà chẳng thấy công dụng nên chí công thường tồn; thông đạt với đạo nên thâm sâu mà chẳng biến đổi. Thâm sâu mà chẳng biến đổi nên chẳng thể cho là có; chí công thường tồn nên chẳng thể cho là không.

Thế thì "có, không" tuyệt bên trong, tên gọi bặt bên ngoài, sự thấy nghe chẳng thể đến, người cõi Tứ không (vô sắc giới) mê muội chẳng hiểu biết. Bình đẳng nhất như mà vô trụ, trống rỗng chiếu soi mà khắp nơi, là quê hương của tất cả chúng sanh, cũng là nguồn gốc cứu cánh của chư Phật.

Ấy là cái cảnh chẳng thể thấy nghe, xứ sở của thái huyền (nhiệm mầu lại thêm nhiệm mầu), mà muốn lấy sự "có" và "không" để gán tên chỉ bày phạm vi của Niết Bàn, dùng lời nói để tả cái đạo thần diệu mà tự cho là đắc chí, há chẳng phải lại càng xa xôi ư?

Xem mục lục