Bài Viết (701)


Chương Kệ Di Ðà - Phẩm Dị Hành (Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận - Bồ tát Long Thọ)

3,382

Chương Kệ Di Ðà - Phẩm Dị Hành

(Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận - Bồ tát Long Thọ) (1)

(dịch Việt và chú thích: Nguyên Hảo)

1.

Trí tuệ sáng vô lượng,

Thân như Núi Vàng Ròng. (2)

Con nay thân miệng ý,

Chấp tay cúi đầu lễ.

2.

Diệu quang màu vàng chói,

Chảy tràn các thế giới:

Sự vật lộ tướng lành,

Con cúi đầu kính lễ.

3.

Nếu có người sắp chết,

Ðược sinh vào nước kia,

Tức được vô lượng đức,

Vì vậy con quy mệnh.

4.

Người hay niệm Phật kia,

Lực, công đức vô lượng,

Liền chứng bậc tất định, (3)

Vì vậy con thường niệm.

5.

Cõi đó khi mệnh chung,

Giả như phải chịu khổ,

Không đọa ác địa ngục, (4)

Nên con quy mệnh lễ.

6.

Người sinh vào cõi ấy,

Mãi chẳng đọa ba đường,

Cùng cõi A Tu La, (5)

Con nay quy mệnh lễ.

7.

Trời người cùng thân tướng,

Giống như đỉnh núi vàng,

Nơi tụ hội các báu, (6)

Ðầu mặt sát chân lễ.

8.

Người sinh vào cõi ấy,

Ðủ thiên nhãn, nhĩ thông,

Mười phương không ngăn ngại,

Cúi lạy Thánh Chí Tôn. (7)

9.

Các chúng sanh cõi ấy,

Thần biến cùng tâm thông,

Ðầy đủ túc mạng trí,

Con quy y đảnh lễ.

10.

Sanh vào cõi nước ấy,

Không ngã, không ngã sở,

Không sinh tâm bỉ, thử,

Thế con cúi đầu lễ.

11.

Vượt khỏi ngục tam giới,

Mắt như cánh hoa sen, (8)

Chúng Thanh-văn vô số, (9)

Thế con cúi đầu lễ.

12.

Các chúng sanh cõi đó,

Tánh khí thảy nhu hòa,

Tự nhiên hành thập thiện, (10)

Cúi lạy Vua các Thánh.

13.

Do thiện, sáng trong lành,

Vô lượng vô biên số,

Ðệ nhất trong trời người, (11)

Thế nên con quy mệnh.

14.

Người cầu chứng quả Phật,

Tâm niệm A Di Ðà,

Sẽ vì đó hiện thân,

Thế nên con quy mệnh.

15.

Nguyện lực của Phật kia,

Các Bồ Tát mười phương,

Ðến cúng dường nghe Pháp,

Con cúi đầu kính lễ.

16.

Các Bồ Tát cõi kia,

Ðầy đủ các tướng hảo, (12)

Ðể tự trang nghiêm thân,

Con nương về kính lễ.

17.

Các Ðại Bồ Tát kia,

Ngày ngày đều ba thời,

Cúng dường mười phương Phật,

Con cúi đầu đảnh lễ.

18.

Có người trồng căn lành,

Nghi ngờ hoa chẳng nở,

Có lòng tin trong sạch,

Hoa nở liền thấy Phật.

19.

Mười phương các Ðức Phật,

Dùng vô số nhân duyên,

Khen công đức Phật kia,

Con nương về kính lễ.

20.

Cõi kia đầy trang nghiêm,

Hơn hẳn các cung trời,

Công đức thật sâu dày,

Ðầu sát chân Phật lễ.

21.

Vòng ngàn cánh chân Phật, (13)

Nhu nhuyễn màu hoa sen,

Người thấy đều vui mừng,

Ðầu mặt lễ chân Phật.

22.

Ánh sáng giữa hai mày,

Giống như trăng trong lành,

Thêm vào mặt sáng ngời,

Ðầu mặt lễ chân Phật.

23.

Khi xưa nguyện thành Phật,

Hành bao điều kỳ diệu,

Như các kinh đã nói,

Ðầu mặt cung kính lễ.

24.

Ngôn thuyết Ðức Phật kia,

Phá trừ các rễ tội,

Lời đẹp nhiều ơn ích,

Con nay cúi đầu lễ.

25.

Dùng lời vui đẹp kia,

Cứu các bịnh ham vui,

Xưa cứu, nay còn cứu,

Thế con cúi đầu lễ.

26.

Tối tôn trong trời người,

Các trời đầu mặt lễ,

Nón bảy báu cọ chân,

Thế con về nương tựa.

27.

Hết thảy các Hiền Thánh,

Cùng với chúng trời người,

Thảy đều về nương tựa,

Thế nên con kính lễ.

28.

Nương thuyền vào Ðạo kia, (14)

Qua được biển khó qua,

Ðộ mình và độ người,

Con lạy Ðấng Tự Tại.

29.

Các Phật vô lượng kiếp,

Ca ngợi công đức kia,

Không bao giời cùng tận,

Con nương Ðấng Thanh Tịnh.

30.

Con nay cũng như thế,

Ngợi Ðấng Vô Lượng Ðức,

Dùng nhân duyên phước này,

Nguyện Phật thường nhớ đến.

31.

Con đời này, đời trước,

Các phước đức lớn nhỏ,

Nguyện vào trong cõi Phật,

Tâm thường được thanh tịnh.

32.

Dùng nhân duyên phước này,

Các đức lành đã tạo,

Nguyện các loài chúng sanh,

Thảy đều được như vậy.

di dà chương kệ dị hành phẩm

(thập trụ tỳ bà sa luận) (1)

bồ tát long thọ tạo

 

1.

Vô lượng quang minh tuệ,

Thân như Chân Kim Sơn, (2)

Ngã kim thân khẩu ý,

Hợp chưởng khể thủ lễ.

2.

Kim sắc diệu quang minh,

Phổ lưu chư thế giới,

Tùy vật thị kỳ sắc,

Thị cố khể thủ lễ.

3.

Nhược nhân mệnh chung thời,

Ðắc sinh bỉ quốc giả,

Tức kỳ vô lượng đức

Thị cố ngã quy mệnh.

4.

Nhân năng niệm thị Phật,

Vô lượng lực công đức,

Tức thời nhập tất định, (3)

Thị cố ngã thường niệm.

5.

Bỉ quốc nhân mệnh chung,

Thiết ưng thọ chư khổ,

Bất đọa ác địa ngục, (4)

Thị cố quy mệnh lễ.

6.

Nhược nhân sinh bỉ quốc,

Chung bất đọa tam thú,

Cập dữ A Tu La, (5)

Ngã kim quy mệnh lễ.

7.

Nhân thiên thân tướng đồng,

Du như kim sơn đỉnh,

Chư thắng sở quy xứ, (6)

Thị cố đầu diện lễ.

8.

Kỳ hữu sinh bỉ quốc,

Cụ thiên nhãn nhĩ thông,

Thập phương phổ vô ngại,

Khể thủ Thánh trung tôn. (7)

9.

Kỳ quốc chư chúng sanh,

Thần biến cập tâm thông,

Diệc cụ túc mệnh trí,

Thị cố quy mệnh lễ.

10.

Sinh bỉ quốc độ giả,

Vô ngã, vô ngã sở,

Bất sinh bỉ thử tâm,

Thị cố khể thủ lễ.

11.

 

Siêu xuất tam giới ngục,

Mục như liên hoa diệp, (8)

Thinh văn chúng vô lượng, (9)

Thị cố khể thủ lễ.

12.

Bỉ quốc chư chúng sanh,

Kỳ tánh giai nhu hòa,

Tự nhiên hành Thập Thiện, (10)

Khể thủ chúng Thánh Vương.

13.

Tòng thiện sinh tịnh minh,

Vô lượng vô biên số,

Nhị túc trung đệ nhứt, (11)

Thị cố ngã quy y.

14.

Nhược nhân nguyện tác Phật,

Tâm niệm A Di Ðà,

ng thời vi hiện thân,

Thị cố ngã quy mệnh.

15.

Bỉ Phật bản nguyện lực,

Thập phương chư Bồ Tát,

Lai cúng dường thính Pháp,

Thị cố ngã khể thủ.

16.

Bỉ độ chư Bồ Tát,

Cụ túc chư tướng hảo, (12)

Dĩ tự trang nghiêm thân,

Ngã kim quy mệnh lễ.

17.

Bỉ chư Ðại Bồ Tát,

Nhựt nhựt ư tam thời,

Cúng dường thập phương Phật,

Thị cố khể thủ lễ.

18.

Nhược nhân chủng thiện căn,

Nghi tắc hoa bất khai,

Tín tâm thanh tịnh giả,

Hoa khai tắc kiến Phật.

19.

Thập phương hiện tại Phật,

Dĩ chủng chủng nhân duyên,

Thán bỉ Phật công đức,

Ngã kim quy mệnh lễ.

20.

Kỳ độ cụ nghiêm sức,

Thù bỉ chư thiên cung,

Công đức thậm thâm hậu,

Thị cố lễ Phật túc.

21.

Phật túc thiên phúc luân, (13)

Nhu nhuyễn liên hoa sắc,

Kiến giả giai hoa hỉ,

Ðầu diện lễ Phật túc.

22.

Mi gian bạch hào quang,

Du như thanh tịnh nguyệt,

Tăng ích diện quang sắc,

Ðầu diện lễ Phật túc.

23.

Bản cầu Phật Ðạo thời,

Hành chư kỳ diệu sự,

Như chư Kinh sở thuyết,

Ðầu diện khể thủ lễ.

24.

Bỉ Phật sở ngôn thuyết,

Phá trừ chư tội căn,

Mỹ ngôn đa sở ích,

Ngã kim khể thủ lễ.

25.

Dĩ thử mỹ ngôn thuyết,

Cứu chư trước lạc bịnh,

Dĩ độ kim do độ,

Thị cố khể thủ lễ.

26.

Nhân thiên trung tối tôn,

Chư thiên đầu diện lễ,

Thất bảo quan ma túc,

Thị cố ngã quy mệnh.

27.

Nhứt thiết Hiền Thánh chúng,

Cập chư nhân thiên chúng,

Hàm giai cộng quy mệnh,

Thị cố ngã diệc lễ.

28.

Thừa bỉ nhập Ðạo thuyền, (14)

Năng độ nan độ hải,

Tự độ diệc độ bỉ,

Ngã lễ Tự Tại Nhân.

29.

Chư Phật vô lượng kiếp,

Tán dương kỳ công đức,

Do thượng bất năng tận,

Quy mệmh Thanh Tịnh Nhân.

30.

Ngã kim diệc như thị,

Xưng tán Vô Lượng Ðức,

Dĩ thị phước nhân duyên,

Nguyện Phật thường niệm ngã.

31.

Ngã ư kim, tiền thế,

Phước đức nhược đại tiểu,

Nguỵện ngã ư Phật sở,

Tâm thường đắc thanh tịnh.

32.

Dĩ thử phước nhân duyên,

Sở hoạch thượng diệu đức,

Nguyện chư chúng sanh loại,

Giai diệc tất đương đắc.

 

Chú Thích

(1)

Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận là quyển luận của Ngài Long Thọ giảng về chương Thập Ðịa trong Kinh Hoa Nghiêm. Thập địa là mười bậc mà chư Bồ Tát trãi qua trên bước đường tu tập cho đến khi chứng quả tối hậu là Vô Thượng Chánh Giác hay Phật Quả. Trong chương Dị Hành (Tu Dễ) thứ chín của quyển luận, Ngài Long Thọ nêu lên những nguy hiểm cho những hành giả cố gắng đạt được kết quả nhanh chóng trên con đường tu tập, sau đó đưa ra ờcon đường tu dễ.ở Sự nguy hiểm có thể là lạc vào con đường Tiểu Thừa. Một vị Bồ Tát có thể chứng quả Dự Lưu (chỉ còn tái sinh nhiều nhất là bảy lần), hay quả vị Nhất Lai (chỉ tái sanh một lần), hay Bất Lai (không còn tái sanh), hay một quả vị tương đương một cách nhanh chóng. Tuy nhiên vị Bồ Tát với mọi giá phải tránh những con đường đó. Bởi vì Bồ Tát không rời bỏ chúng sanh còn đang đau khổ để giải thoát một mình. Mục đích của Bồ Tát không phải là giải thoát nhanh chóng nhưng là đạt được Trí Tuệ nhanh chóng để giúp chúng sanh vượt qua vô minh và khổ đau, không nhập vào Niết Bàn vĩnh cửu. Trí Tuệ này là Trí Tuệ Bất Thối hay Tất Ðịnh, Trí Tuệ không còn thụt lui và chắc chắn sẽ đạt đến quả vị Phật trong tương lai. Nhưng con đường này là một con đường nhiều trắc trở, và do đó Ngài Long Thọ dẫn ra một con đường thực hành dễ. Ngài nói:

Giáo Pháp của Ðức Phật có nhiều con đường,

Giống như ở thế gian có con đường khó và con đường dễ,

Có con đường bộ, phải đi bộ, nên khó khăn. Có đường thủy đi bằng tàu nên dễ dàng.

Cũng vậy, con đường của chư vị Bồ Tát có con đường dễ và có con đường khó. Các Ngài có thể hoặc đi theo con đường tự lực với nhiều tinh tấn cần khổ, hoặc theo con đường đức tin để dễ dàng chứng nhập địa vị Bất Thối.

Con đường của Ðức Tin là niệm hồng danh của các Ðức Phật trong mười phương. Cũng theo Ngài Long Thọ, tinh yếu của của các Kinh về Tịnh Ðộ là: Có rất nhiều các Ðức Phật trụ trong các cõi Tịnh Ðộ trong mười phương. Tất cả các Ðức Phật này đều xưng tụng danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà (Vô Lượng Thọ) và niệm lời nguyện của Ngài: ờNếu có chúng sanh tưởng nghĩ đến ta, chấp trì danh hiệu và quy y ta, sẽ được bực không thối chuyển. Vì vậy nên chuyên tâm trì tụng danh hiệu ta.ở

Bài kệ trên là bài tán thán công đức của Ðức Phật A Di Ðà, có công năng phát khởi tín tâm rất mạnh và giúp hành giả vượt qua những yếu đuối để mạnh bước trên con đường vãng sinh Tịnh Ðộ.

(2)

Núi Vàng Ròng (Chân Kim Sơn): là một trong những ngọn núi vây quanh núi Tu Di.

(3)

Tất Ðịnh: Ðịa vị không còn thối lui trên con đường tu Phật, thành Phật. Còn gọi là Bất

Thối Ðịa.

(4)

Tin tuyệt đối vào Ðức Phật là một trong những hạnh thanh tịnh cắt đứt mọi nghiệp dù xấu hay tốt còn vướn víu vào sinh tử. Ðức tin này sẽ tẩy trừ được mọi chấp trước, mọi ái ngã... bởi vì nó gắn liền với nguyện lực của Ðức Phật A Di Ðà (trong 48 lời nguyện).

(5)

A Tu La (Asura): Loài chúng sanh cao hơn loài người, nhưng có nhiều lòng tranh chấp và đố kỵ.

(6)

Nơi tụ hội các báu: Nơi tụ hội của các bậc tôn quý, các sự thắng diệu.

(7)

Thánh trung tôn: Các bậc tôn quý trong hàng Thánh, cũng có thể là các điều, các đức tôn

quý của các bậc Thánh.

(8)

Mắt như cánh hoa sen: Có thể hiểu là hình dạng của mắt đẹp như cánh sen, nhưng nên hiểu là cái thấy, cái nhìn trong sạch như cánh hoa sen.

(9)

Thanh-văn: ở đây là các vị đã vãng sinh vào cõi Tịnh Ðộ và đang trực tiếp nghe Pháp tu học để chứng quả Phật.

(10)

Thập Thiện: Mười điều thiện gồm: Thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; Miệng: không nói dối, không hai lưỡi, không nói lời ác, không nói lời ba hoa vô ích; Ý: không tham, không sân, không si. Tất cả là mười.

(11)

Nhị túc: loài có hai chân.

(12)

Tướng hảo: Mười hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật.

(13)

Vòng ngàn cánh chân Phật (Phật túc thiên phúc luân): Duới lòng bàn chân Phật có hình bánh xe Pháp luân ngàn cánh. Ðó là một trong 32 tướng tốt của Ðức Phật.

(14)

Thuyền vào Ðạo (Nhập Ðạo thuyền): ở đây chỉ Pháp môn tin và niệm hồng danh Phật A Di Ðà.

3,382

NỖI BUỒN VÔ HẠN - PHRA ACHARN MUN BHURIDATTA THERA

Ngài Phra Acharn Mun (1870 - 1949) là vị thiền sư lỗi lạc, nổi danh nhất trong thời của Ngài tại Thái Lan. Khi lắng nghe những thời Pháp và những lời

1,720
ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ ĂN CHAY, NIỆM PHẬT, PHÓNG SANH VÀ DỨT NGHIỆP SÁT HẠI - Ấn Quang Đại Sư

ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ ĂN CHAY, NIỆM PHẬT, PHÓNG SANH VÀ DỨT NGHIỆP SÁT HẠI Ấn Quang Đại Sư  1. Bệnh dịch, tai nạn, bệnh nan y đều từ nghiệp sát

18,652
Revised excerpt from authors Berzin, Alexander and Chodron, Thubten

Đạo Phật hấp dẫn trong thế giới hiện nay The Appeal of Buddhism in the Modern World Singapore August 10, 1988  Tuệ Uyển dịch từ Anh sang Việt  (chuyển ngữ theo bản Revised excerpt

20,367
TÁNH KHÔNG - BUDDHADASA BHIKKHU

TÁNH KHÔNG HAY LÀ CÕI THƯỜNG TRÚ CỦA CÁC CHÚNG SINH THƯỢNG THẶNG---*---🍁 Nhằm đưa sự hiểu biết về tánh không đi xa hơn, tôi sẽ triển khai thêm một vài điểm

788
Giáo điều căn bản của đạo Phật là gì ?

Đứng về nguyên tắc mà nói, đạo Phật không có giáo điều nếu nói có giáo điều thì đó là giới luật.            Thế nhưng, giới luật của đạo Phật không phải xuất phát

1,069
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,232
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,669
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,568
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,338
Chùa Việt
Sách Đọc