Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Các nhà khoa học cũng nói sau Đức Phật hơn hai ngàn năm rằng tất cả các pháp đều như huyễn, như mộng.

Nhà khoa học Albert Einstein trong lá thư gửi người bạn thân Robert S. Marcus năm 1950 đã viết rằng “ảo giác quang học của ý thức” đã phóng chiếu ra kinh nghiệm của từng người. (2)

Trong lá thư khác, gửi cho gia đình nhà vật lý Michele Angelo Besso năm 1955, khi Besso từ trần, Einstein an ủi gia đình người bạn thân đó, trích: “Bây giờ, anh bạn tôi đã rời thế giới kỳ lạ này một chút trước tôi. Như thế không có nghĩa gì cả. Những người như chúng tôi, những người tin vào môn vật lý, biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là một ảo giác cứ mãi không tan.” (2)

Có nghĩa là: Einstein nói rằng phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai là ảo giác. Câu hỏi nơi đây là, Phật Giáo nói gì về thời gian?

Nếu chỉ dựa theo Kinh, sẽ thấy Đức Phật có nói về ba thời, rằng hãy buông bỏ tất cả các uẩn (sắc thọ tưởng hành thức) trong quá khứ, tương lai, và hiện tại. Tích truyện Kinh Pháp Cú, kệ 348, ghi về chàng trai Uggasena trong đoàn xiếc làm trò, đứng trên đỉnh một cây gậy, giữa thị trấn Rajagaha. Đức Phật tới gần, nói với chàng: “Uggasena, người trí nên buông bỏ tất cả dính mắc tới các uẩn, và phải tìm giải thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Rồi Đức Phật đọc bài kệ 348: “Hãy buông bỏ quá khứ, hãy buông bỏ tương lai, hãy buông bỏ hiện tại. Đạt tới mức cuối của cuộc sinh tồn, với tâm xa lìa tất cả các pháp hữu vi, con sẽ không trở lại sinh tử nữa.” (3)

Tức khắc, Uggasena, trong khi còn đứng trên đầu gậy, đắc quả A La Hán. Chàng trai nhảy xuống, và xin xuất gia theo Đức Phật.

Thời gian thứ tư là “phi thời gian” là khi Đức Phật nói về Niết Bàn. Đó là vĩnh cửu.

Thời gian này là thường hằng, là an lạc, là thanh tịnh -- như ghi trong nhóm Kinh Như Thị Thuyết, Itivuttaka 43, Việt dịch trích như sau:

Giải thoát ra khỏi [sinh tử] là hạnh phúc,

Vượt ngoài lý luận, cái thời gian vĩnh cửu,

Cái không sanh khởi, không tạo tác

Không hề sầu khổ, không hề nhiễm ô

Tịch diệt tất cả những gì liên hệ tới khổ

Vắng tất cả các duyên khởi -- rất mực an lạc. (3)

Cái thời gian vĩnh cữu trong bài kệ trên, Thanissaro Bhikkhu dịch là: The escape from that is calm, permanent; John D. Ireland dịch là: The escape from that, the peaceful, Beyond reasoning, everlasting

Như thế, dựa theo Kinh, sẽ thấy có 4 loại thời gian. Tuy nhiên, trong các bộ luận, như Abhidhamma, thời gian phân chia phức tạp hơn; nhưng đó là chuyện của các luận sư. Như thế, trong khi chúng ta đi đứng nằm ngồi, hãy buông hết tất cả những gì dính tới ba thời.

Tu pháp này cực kỳ hạnh phúc. Sẽ thấy toàn thân, toàn tâm, toàn thế giới như dường là một thể trong dòng phi thời gian, bất kể chúng ta đang đi đứng nằm ngồi. Sách Trung Luận của ngài Long Thọ (Nagaruna), bản Việt dịch của HT Thích Thiện Siêu, ghi bài kệ về “Quán Sát Về Đi Đến” là:

Lúc đã đi thì không có đi, lúc chưa đi thì cũng không có đi, lìa ngoài đã đi và chưa đi, lúc đang đi cũng không có đi.” (3)

Cũng là diễn lại Kinh Pháp Cú, Kệ 348 đã nói trên, khi tất cả các pháp trở thành một hiện thể thực tướng, là vô thường, và là Phật Tánh hiện ra trước mắt, bên tai – trôi chảy, nhưng vẫn là bất động. Bước đi trong cái không đi, cực kỳ hạnh phúc. Trong khi thấy ba thời vắng lặng, tự nhiên tâm sẽ lặng lẽ, sẽ không dấy động, bất kể mình đang bước đi. Ai cũng có thể tập pháp này: buông hết cả ba thời. Cũng có nghĩa là, nói theo Thiền Tông: bên ngoài lìa tướng, bên trong chẳng loạn.    

Xem mục lục