Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Luận Sáu

IX. LINH TINH

Tôi không có ý mô tả lại tất cả phương pháp chứng minh, hoặc hiện thực chân lý Thiền do chư sư ứng dụng trong các trường phái khác nhau , nhưng gì tôi đã tường thuật lại từ trước thiết tưởng đủ cho chúng ta có một khái niệm về đạo Thiền, ít ra ở đôi sắc thái kỳ đặc. Dầu các nhà học giả hoặc bình giảng muốn giải thích thế nào về triết lý Thiền, trước hết phải có được một cái nhìn mới phóng vào sự vật, một cái nhìn hoàn toàn vượt ngoài phạm vi của tình thức. Đúng ra, cái nhìn mới ấy mở ra trong ta khi ta đi đến chỗ cùng lý  tuyệt tình, bên trong giới hạn ấy ta có cảm tưởng luôn luôn bị trói buộc cơ hồ không sao thoát ra được. Hầu hết chúng ta đều dừng lại ở giới hạn ấy, quá dễ dãi để quyết rằng ta không thể đi xa hơn. Nhưng có đôi người khác có được một cái thấy nội tâm chiếu diệu hơn phóng qua bức màn điên đảo và mâu thuẫn. Và đó là cái thấy bất thần họ chứng đến. Họ đập vào bức tường trong tuyệt vọng cuối cùng, và này, tường đổ xuống, lúc nào không hay, mở ra một thế giới mới lạ làm sao! Những gì từ trước họ coi như tầm thường, như phàm tục, hơn nữa, như hệ lụy, giờ đây như kết hợp lại nhịp nhàng làm sao trong một trật tự mới lạ không ngờ! Thế giới cũ của giác quan mờ nhạt rồi, và một cái gì rất mực tân kỳ đến thế vào. Dường như vẫn một khung cảnh khách quan ấy, nhưng bên trong, về mặt chủ quan, ta như trẻ tươi lại, như vừa mới tái sanh.

Ngộ Đạo Tử là một họa sĩ Trung Hoa có ngọn bút thần ở triều vua Đường Huyền Tông. Tương truyền họa phẩm cuối cùng của Ngô là một bức tranh sơn thủy do nhà vua đặt vẽ để trang trí một bức tường ở hoàng cung. Họa sĩ giấu tác phẩm của mình sau một bức mành chờ nhà vua đến ông mới vén mành lên, và phô bày bức họa  vĩ đại. Nhà vua trầm trồ khen ngợi mãi, nào rừng thẳm núi cao, nào mây bay tha thướt trên vòm trời xanh bát ngát, có đồi, có người, có chim bay man mác. Họa sĩ nói: “Tâu bệ hạ, đây nầy, dưới chân núi là sơn động, trong động có thần linh”. Ông vỗ tay, cửa động đang khép kín bỗng mở ra. Họa sĩ tiếp: “Bên trong nguy nga lộng lẫy không sao tả siết, bệ hạ cho phép thần chỉ đường”. Nói xong, ông bước vào và cánh của từ từ khép lại sau ông. Nhà vua ngạc nhiên chưa kịp nói năng cử động gì thì tất cả phai mờ hết trên bức tường trông lại như xưa, không còn một nét bút nào của họa sĩ. Ngô Đạo Tử từ ấy biệt dạng luôn.

Họa sĩ đã biệt dạng và họa phẩm cũng biến theo mây khói, tất cả chỉ còn là không: nhưng từ cái không ấy nhô lên một thế giới tâm linh mới, và đó là thế giới kỳ diệu của các Thiền sư trong ấy các ngài dọc ngang tự tại, tùy thích làm phải làm trái, nói ngược nói xuôi. Nhưng không mạn ngôn lộng ngữ nào là chẳng hợp tình hợp lý, tình và lý của một thế giới tước bỏ hết cái giả dối, cái lề lối, cái học đòi, và mọi “ngón” trí xảo. Trừ phi ta chứng vào thế giới của những thực tại ấy, bằng không, diệu lý Thiền vẫn mãi mãi là một thiên cơ bất khả lậu. Ý nghĩa của cái thấy mới ấy, độc lập ngoài tất cả biện luận và lý giải, đại khái là vậy.

Emerson cũng đồng quan điểm ấy phô diễn theo cách thức riêng của ông: “Đứng đầu trước hết loạt hoạt động ấy (tức là sự phối hợp toán học, khả năng đặc biệt trừu tượng hóa, uy lực phi thường của trí tưởng tượng, cả đến những thiên tài uyên bác và năng lực tập trung) là những cơn cảm kích bất thần những bí thuật truyện kỳ, những hồi phục sinh phát ra từ trí tưởng tượng. Một khi phát hiện, năng lực con người hầu như tăng lên gấp trăm gấp ngàn lần. Nó mở ra một giác quan kỳ diệu tiếp xúc với một cảnh giới hư linh vô định, và kích động ở ta một nếp tinh thần dũng cảm. Ta vươn lên thoải mái như khói thuốc súng. Một câu một chữ trong sách, hay một lời nói bâng quơ trong khi thù tạc, khai phóng tinh thần xảo lộng của ta, và phút chốc đầu ta đụng trăng sao, chân ta giẫm đáy vực. Đó là những thọ dụng chân thực, vì ta có quyền hưởng những chiều rộng lớn ấy, và một khi vòng kiểm tỏa thoát ra rồi là không bao giờ ta trở lại tư thế của những con người thông thái rởm ngày nào”.

Sau đây là một giai thoại đinh rõ sự sai khác giữa người thông thái rởm” và người đã “thoát vòng kiềm tỏa”. Có một ông tăng tên là Huyền Tắc giữ một chức vụ quan trọng trong Thiền viện của sư Pháp Nhãn (885-958) đầu thế kỷ thứ mười. Tắc không bao giờ tham vấn thầy nên ngày kia Sư gạn hỏi ông duyên cớ. Tắc thưa: “Đệ tử đã liễu ngộ Thiền từ ngày còn theo học với ngài Thanh Phong”. Sư hỏi: “Ông liễu ngộ thế nào?”. Tắc nói: “Con hỏi ngài Thanh Phong thế nào là Phật, ngài trả lời: 

“Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa” 

丙 丁 童 子 來 求 火

Sư nói: “Đáp hay đấy, nhưng chắc ông ngộ nhận mất  rồi. Ông hiểu thế nào nói nghe thử” Tắc giảng: Vâng, Bính Đinh là thần lửa; đã là thần lửa mà đi xin lửa chẳng khác nào con, bổn lai là Phật, lại đi hỏi thế nào là Phật. Không một câu hỏi nào cần nêu lên vì con vốn là Phật mà”

Sư nói: “Ấy đó, tôi nói có sai đâu, ông vọng tưởng mất rồi”

Huyền Tắc sanh lòng bất bình, giận dữ bỏ ra đi. Pháp Nhãn nói: “Nếu ông ta trở lại may ra còn cứu được bằng không thì hỏng mất”

Tắc đi được một khoảng xa mới nghĩ rằng cầm đầu năm trăm tăng chúng như hòa thượng pháp Nhãn hẳn không thể vô cớ quở trách ông. Ông bèn trở về chùa và trình thầy xin khai ngộ. Pháp Nhãn bảo: “Ông hỏi đi, tôi đáp cho”

Tắc lặp lại câu hỏi của nhà sư thông thái rởm ngày nào: 

“Thế nào là Phật?” 

Pháp Nhãn đáp: “Cậu bé Bính Đinh đến xin lửa". Lời đáp mở mắt Huyền Tắc trên chân lý Thiền khác hẳn những gì từ trước đến nay ông hiểu biết. Từ nay, ông không còn là một nhà sư hay chữ rởm chuyện học nhờ hiểu mượn, mà là một tâm hồn, đầy sáng tạo, đầy sinh khí. Tôi thiết tưởng khỏi nói thêm rằng Thiền không phải để giải thích, mà là để sống. Bằng không thì luận giải nào cũng chỉ là khái niệm suông, gây đau khổ vô lối và thất vọng ê chề. 

Sau đây là một câu chuyện khác nêu rõ đặc điểm của đạo Thiền, cần hiểu biết bằng trực giác tâm linh (tâm giải) khác với sự hiểu biết bằng tình thức suy luận (học giải) xây dựng trên khái niệm và tưởng tượng. Lời đáp vẫn lặp lại câu hỏi như trên, nhưng trên mặt chữ nghĩa, ta không có lý do nào để giả định rằng câu nói mỗi lần có một tác dụng khác nhau ở người nghe. Nhưng, như đã trình bày trước, Thiền là mở tâm, mà cơ duyên tạo thành là những điều kiện bên ngoài, có thể có tính cách hoàn toàn vật lý, nhưng cũng có thể phát hiện do những tác động tâm lý bên trong. Sự mở thông ấy, chúng ta là người ngoại cuộc, đứng ngoài sinh hoạt nội tại của cá nhân hên hệ, ta không có phương tiện nào đoán trước được; ta chỉ biết được khi chính chúng ta được mở thông; nhưng các Thiền sư nhờ kinh nghiệm riêng, dường như biết rõ lúc nào là đến thời tiết, và biết phải dùng diệu thủ nào để khai phá. Các nhà tâm lý Thiền sẽ tìm thấy ở câu chuyện thuật sau một đề tài thích thú để khảo sát. 

Thúy Nham Khả Chân là đệ tử của Từ Minh (986-1840), một cao tăng đời nhà Tống, từ vị Thiền sư nầy dòng Thiền Lâm Tế phân hóa thành hai chi là Dương Kỳ và Hoàng Long. Khả Chân tự phụ mình là học trò ruột của Từ Minh, chưa chứng gì mà cứ tưởng mình là thầy, nói năng ngông nghênh nên có lần bị một ông bạn là Đồng Thiện lên tiếng cười ông.

Ngày nọ, Khả Chân và Đồng Thiện đi núi, tiện việc vừa đi vừa luận đạo. Thiện lượm một tiếng ngói đặt trên một tảng đá mài, chỉ vào đó bảo Chân: “Nói một câu cho đáng mặt học trò Từ Minh xem nào”. Chân nhìn tới nhìn lui, loanh quanh tìm lời đáp. Thiện cắt ngang và hét lớn: đắn đo, chần chờ, đó là hình thức, chưa đến chỗ, mà cũng chưa từng thiết tha cầu Thiền lý.

Chân xấu hổ vội trở về tìm Từ Minh. Từ Minh vừa thấy mặt liền mắng: “Phàm hành cước phải biết luật nhà chùa, mùa an cư tọa hạ chưa hết, có việc gì gấp phải đến đây sớm vậy?”

Chân khóc lóc kể lại việc vừa qua bị sư huynh Đồng Thiện trách mắng như thế nào nên mới đến gặp hòa thượng dầu trái luật chùa. Từ Minh đột ngột hỏi: “Thế nào là đại ý của Phật pháp?”

Chân đáp:

Không mây vờn đỉnh núi 

無 雲 生 嶺 上

Có nguyệt rụng lòng sông

有 月 落 波 心

Từ Minh trừng mắt quát tháo: tuổi tác như thế kia mà còn mang lấy kiến giải vậy đó thì làm sao thoát ly sanh tử?”. Chân khẩn cầu chỉ bảo.

Từ Minh nói: “Ông muốn gì cứ hỏi đi”.

Chân hỏi: Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Từ Minh thét to :

Không mây vờn đỉnh núi

Có nguyệt rụng lòng sông

Chân vừa nghe đại ngộ ngay dưới lời nói.

Tôi xin kết thúc bằng một bài pháp của Pháp Diễn (?-1104), vị Thiền sư tôi đã có dịp giới thiệu qua nhiều lần:

Nếu ai hỏi tôi học đạo Thiền giống như gì, tôi xin đáp: như học đạo Chích.[34]

Số là đứa con trai của một tên chích thấy cha mình nay đã già yếu mới nghĩ bụng vầy: “Nếu cha không hành nghề được thì ngoài mình ra ai là người nuôi nấng gia đình này. Vậy mình phải học nghề mới được”. Anh đem ý nghĩ ấy bàn với cha anh, lão ta tán thành ngay. Đêm kia, để vỡ lòng bài học đạo chích, lão dẫn con đến một ngôi nhà đồ sộ, bẻ rào khoét vách vào nhà, mở khóa một cái rương bự, bảo thằng con chun vào rương có áo quần nào cứ hốt hết. Thằng con vừa chun đầu vào thì lão ta đóng ập nắp rương lại, rồi khóa kỹ mấy vòng. Xong, lão bước ra sân, đập cửa ầm y đánh thức cả nhà dậy, rồi lặng lẽ chun lỗ rào ra về. Người trong nhà náo động cả lên, đốt đèn cấy tìm khắp, nhưng thấy lũ trộm đi mất hết rồi. Khổ cho thằng con nãy giờ nằm trong rương khóa chặt hận lão chích nhẫn tâm hại mình. Anh ta chết điếng cả người, bỗng dưng một ý nghĩ hay loé ra trong đầu óc anh. Anh cào nhẹ bên hông rương giả tiếng chuột gặm. Người nhà kêu chị ở dậy đốt đèn coi lại cái rương. Chị vừa đưa chìa khóa vặn mở rương ra là tên tù ấy phóng ra, thổi tắt đèn, xô ngã chị ta, và chạy thoát ra ngoài. Người nhà ùn ùn đuổi theo. Thấy bên đường có một cái giếng, anh rinh một cục đá bự ném xuống. Mọi người lại ùn ùn xúm quanh bờ giếng cố tìm cho được tên trộm đang chết ngáp dưới vực tối mò. Trong khi ấy anh ta phây phây trở về nhà. Anh hết lời trách móc người cha hại anh suýt chết. Lão ta nói: “Khoan giận cha đã, con ơi, trước hết thuật lại cha nghe con thoát thân bằng cách nào”. Người con vừa kể xong những bước phiêu lưu thì ông ta phá lên cười: “Tốt quá, tốt quá, con tôi đã thành nghề rồi!”

Xem mục lục