VIII. NUÔI LỚN THÁNH THAI
Trong sinh hoạt ở Thiền Đường, không có kỳ hạn nào định trước được cho bước thăng tiến nào như cái học ở nhà trường. Có người ăn cơm chùa ngót hai mươi năm mà vẫn chẳng đi đến đâu. Nhưng với một căn cơ thường, nhưng giàu chí nhẫn nại và kiên quyết, vẫn có thể giữa vô số nẻo dọc đường ngang dò ra được con đường Thiền trong khoảng mươi năm.
Tuy nhiên, hiện thực Thiền lý trong mỗi động tác sinh hoạt - nghĩa là đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng thấm nhuần Thiền vị - lại là một vấn đề khác. Muốn thế, một đời người có lẽ không thấm vào đâu, vì tương truyền cả đến Phật Thích Ca và Di Lặc vẫn còn đang hồi tu tập.
Muốn được là một chân sư xứng đáng, ngộ Thiền !ý thôi cũng chưa đủ. Còn phải trải qua một thời kỳ gọi là nuôi lớn thánh thai. Thành ngữ này vốn là của Lão giáo, nhưng trong Thiền ngày nay người ta hiểu theo nghĩa rộng là sống một cuộc đời (hành) ứng hợp với cái thấy biết của mình (giải).
Dưới sự hướng dẫn của thầy, người học đạo có thể trước sau gì cũng thâm ngộ được diệu lý Thiền, nhưng ít nhiều gì cái ngộ ấy cũng vướng hình thức, dầu quá vi tế, khó nhận ra. Sanh hoạt của hành giả, trong cũng như ngoài, phải khế hợp với cái ngộ ấy. Thế nên phải tiếp tục tu hành, vì những gì ông ta chứng được ở Thiền Đường xét ra chỉ mới là ngón tay chỉ chiều hướng cần tích cực nổ lực thêm. Nhưng từ đây, không cần thiết phải trụ ở Thiền đường. Giờ đây, cái sở chứng trí thức ấy phải được trui qua nhưng thử thách mới trong cuộc trộn lẫn với thế gian.
Không có quy tắc nào định được sự “nuôi lớn” ấy. Mỗi người tùy hoàn cảnh mà ứng dụng khác nhau, kín đáo, âm thầm. Họ có thể lên núi cao, sống ẩn dật đìu hiu, hoặc “thõng tay vào chợ”[19],dự vào tất cả hoạt động của thiên hạ.
Lục Tổ ẩn nhẩn sống trong rừng suốt mười lăm năm với đoàn thợ săn sau khi ngài tự giã Ngũ Tổ. Ngài sống tối tăm, không ai biết, cho đến ngày Ngài đến nghe pháp sư Ấn Tông giảng kinh.
Quốc Sư Nam Dương Huệ Trung bỏ trốn mười năm không rời khỏi am. Tiếng đồn khắp chốn đến tai nhà vua, vua cho sứ khẩn khoản triệu thỉnh ngài mới chịu hạ sơn.
Quy Sơn sống nhiều năm ở miền hoang dã hẻo lánh với khỉ nai, ăn toàn hột dẻ. Nhưng rồi tiếng đồn ra, người ta tìm đến, và những tòng lâm tự viện đồ sộ mọc lên quanh bước chân ngài, và ngài trở thành vị cao tăng cầm đầu một số tăng chúng 1.500 người.
Ở Nhật, Thiền sư Quan Sơn, pháp từ của quốc sư Đại Đăng, và cũng là tổ khai sơn chùa Diệu Tâm ở Kyôtô, sống tối tăm trong tỉnh Minô, làm nghề cày ruộng mướn cho dân làng. Không ai biết Sư là ai cho đến ngày kia, nhân một tai biến, tung tích của Sư bị lộ, và Sư được nhà vua khẩn cầu đứng ra xây một tự viện mới ở đế đô.
Bạch Ẩn Huệ Hạc làm ông từ giữ chùa, một ngôi chùa hoang ở Suruga - và đó là tất cả sự sản của Sư trong thế gian này. Ta thử đọc đoạn văn sau đây để có thể hình dung cảnh hoang phế điêu tàn của ngôi chùa ấy: “Chùa không có nóc, trông thấy trời, và sao lấp lánh thâu đêm. Mà cũng không có sàn. Làm lễ ở chánh điện gặp hồi mưa phải đội nón và mang ủng cao. Tất cả sự sản của chùa đều rơi vào tay chủ nợ, còn vật dụng sở hữu của sư cũng bị cầm cố cho bạn hàng”- Đó là màn đầu đạo nghiệp của Bạch Ẩn.
Còn có nhiều trường hợp thuộc loại trên, cuốn sử Thiền dẫy đầy những thí dụ như vậy. Tuy nhiên, chú ý không phải là hành xác, mà chính là nuôi lớn[20], đúng như tên gọi, căn tánh của con người. Biết bao rắn rít hờm sẵn trước cửa, nếu không chà nát được chúng thì chúng lại nhô đầu lên, và toàn thể cơ sở văn hóa đao đức xây dựng lên trên kiến giải sẽ sụp đổ ngay trong ngày. Kiến giải mâu thuẩn luận[21] cũng là một cạm bẫy gài sẵn cho người tu Thiền, cần luôn luôn cảnh giác. Thế nên phải nuôi lớn - trưởng dưỡng - là vậy.