X. MẬT HẠNH
Ở đôi phương diện, đành rằng lối giáo dục phổ cập ở Thiền Đường có lỗi thời phần nào, nhưng những nguyên tắc chỉ đạo chư sư sống đơn giản, không hoang phí một phút giây ngồi không, tinh thần tự chủ, và cái gọi là “mật hạnh”, thì đời nào cũng là những giá trị bất hủ. Nhất là “mật hạnh” là một trong những nét đặc thù nhất của kỷ luật Thiền. Mật hạnh có nghĩa là làm việc thiện mà không nghĩ biết gì về việc thiện, người khác không biết, mà chính mình cũng không biết. Người công giáo có thể gọi đó là “vâng ý cha”. Một em bé rớt xuống sông, tôi nhảy xuống nước, và em bé được vớt lên. Cái gì phải làm đã làm xong, không còn gì phải nghĩ. Tôi quay đi, không bao giờ xây lưng lại. Mây qua, và trời xanh lại, bát ngát như thuở nào. Thiền gọi cái đó là “hành động không công đức”, và ví đó như việc làm của người xúc tuyết lấp giếng.
Đó là giá trị tâm lý của mật hạnh. Còn về mặt tôn giáo, đó là nhìn và hưởng dụng thế gian một cách kính cẩn và đầy lòng biết ơn, cảm như ta mang trên vai tất cả tội lỗi của thế gian.
Một bà lão hỏi Triệu Châu: “Tôi mang cái thân nữ này bị năm dây ràng buộc chướng ngại cho Phật tánh, làm sao thoát ly những triền phước ấy?”, Châu đáp: Xin nguyện cho mọi người sanh lên cõi trời, còn thân tiện tỳ này nguyện tiếp tục chịu trầm luân một mình trong biển khổ!” Đó là tinh thần của người chân chánh cầu Thiền.
Sau đây là một câu chuyện khác biểu dương chung tinh thần kham khổ ấy. Tại quận Triệu Châu là chỗ đại sư mở Thiền viện, và lấy tên đất làm tên người, có một cái cầu đá nổi danh. Ngày kia có ông tăng đến coi, bảo: “Bấy lâu nghe đồn cầu đá Triệu Châu, té ra chỉ là một cái cầu khỉ gập ghềnh!”. Châu nói: “Ông chỉ thấy cầu khỉ, không thấy cầu đá sao?”. Ông tăng hỏi: “Thế nào là cầu đá?”. Châu đáp:
“Đưa lừa qua, đưa ngựa qua”
渡 驢 渡 馬
Dường như đó chỉ là một câu chuyện lang bang về một cái cầu, nhưng xét theo tâm đạo, đúng với trường hợp này, câu chuyện hàm ẩn nhiều cái thật liên hệ đến trung tâm của sinh hoạt tâm linh con người. Vậy thử hỏi đây là thứ cầu gì? Phải chăng Triệu Châu chỉ nói đến cái cầu khỉ trong khu đất chùa, khá chắc để đủ hạng bộ hành qua được? Mỗi người chúng ta thử hỏi ở trong ta có chưa một cái cầu có thể không những ngựa qua, lừa qua, đàn ông qua, đàn bà qua, xe nặng qua, xe nhẹ qua, mà cả thế giới qua đèo theo đủ thứ dơ dáy, điên rồ, bịnh tật, một cái cầu không phải chỉ để đi qua thôi, mà thường còn chà đạp lên, hơn nữa còn xỉ vả xài xể nữa - một cái cầu nhận chịu tất cả sự đãi ngộ, xấu cũng như tốt, mà vẫn nhẫn nhục, không hề oán trách Có phải Triệu Châu ám chỉ cái cầu ấy không ? Dầu sao ta cũng phải hiểu ngầm như vậy khi đọc những câu chuyện như trên.
Tuy nhiên, tinh thần chịu khổ không nên hiểu theo nghĩa của người Công giáo là ngày đêm cầu nguyện và hành xác để được khỏi tội, vì đó là một ý nghĩ quá vị kỷ, mà Thiền thì thoát ngoài tất cả hình thức vị kỷ. Thiền tăng muốn độ tất cả khổ tội của thế gian, còn riêng tội của chính mình thì họ để cho nó tự lo liệu lấy, vì họ biết rằng bổn lai tội không có ở đâu hết trong tự tánh. Vì lý do đó, họ thuộc hạng người thường được mô tả “khóc mà như không khóc, hưởng dụng mà như không hưởng dụng, mua sắm mà không thọ hưởng, sử dụng thế gian mà không lạm dụng”
Chúa Ki Tô nói: “Khi người bố thí, đừng để tay mặt biết việc làm của trái, hãy bố thí một cách thầm kín”. Đó là mật hạnh của đạo Phật. Nhưng nếu Chúa nói thêm rằng “Cha chúng ta thấy rõ tất cả nỗi thầm kín ấy sẽ thưởng ngươi”, thì một hố sâu mở ra ngay giữa đạo Phật và đạo Chúa. Hễ còn có mảy ý nghĩ đến người nào đó, dầu là Chúa, hoặc quỷ, biết việc làm của ông thì Thiền còn nói với ông: “Ông chưa là người của bản môn”. Hễ hành động còn kèm theo một tâm niệm thì chưa phải là “hành động không công đức” vì còn đầy tì vết và bóng tối. Nếu có một đấng thiêng liêng theo dõi ông, ông sẽ bị chận đứng bất cứ lúc nào để đòi nghe ông báo cáo lại việc ông làm. Cái áo tuyệt đẹp là cái áo không lộ đường may, trong cũng như ngoài; đó là một tấm vải nguyên, không ai có thể nói khởi may tại đâu và dệt bằng cách nào. Cũng vậy, Trong Thiền không thể có một ý thức nào lưu dấu lại sau khi việc bố thí đã xong, huống nữa là ý thức khen thưởng, dầu là Chúa thưởng. Lý tưởng Thiền ví như gió muốn thổi đâu thì thổi, ví như âm thanh ta nghe được, nhưng không biết được từ đâu đến và đi về đâu.
Nhà hiền triết Liệt Tử hình dung tâm trạng ấy một cách bóng bẩy như sau: “Tôi để tâm trí tôi mặc tình muốn nghĩ gì thì nghĩ, miệng tôi mặc tình muốn nói gì thì nói; lúc ấy tôi không còn nhớ cái này hay cái kia là của tôi hay của người, không còn biết hơn thiệt thị phi gì nữa; thậm chí tôi không biết nốt thầy tôi là ai, bạn tôi là ai. Trong và ngoài, tôi hoàn toàn đổi khác hết; lúc ấy tự nhiên mắt biến thành tai, tai biến thành mũi, mũi biến thành miệng, tất cả đều giống nhau hết. Tâm trí tôi ngưng tụ lại, còn hình thể thì tiêu tan, thịt xương hóa sương khói; tôi không còn biết thân hình tôi dựa vào đâu, chân tôi đứng chỗ nào; tôi cỡi gió mà đi khắp chốn, đông tây, như chiếc lá lìa cành; tôi không biết tôi cỡi gió, hay gió cỡi tôi”.