Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

Đối với cha mẹ, đã chẳng dâng mùi ngon ngọt, sáu thân hẳn đã xa lìa.

Câu trên, thiếu về nghĩa phản bộ sú lại(33); câu dưới, thiếu về nghĩa kính hòa.

Phụ mẫu là thiên địa(34) của kẻ làm con.

Kinh Thi(35) nói “Thương thương cha mẹ, khó nhọc sanh ta, muốn trả ơn ấy, trời cao chẳng tột!”(36).
Kinh nói “Người có cúng dường cha mẹ đặng vô lượng phước”.

Phật dạy “Đối với con cái, cha mẹ có công tăng ích rất lớn, vì bú sú chắt chiu, tùy thời dưỡng dục, thân thể trưởng thành. Dẫu có người, vai hữu cõng cha, vai tả cõng mẹ, trải đủ trăm năm ỉa đái trên lưng, không có lòng giận. Bốn việc cúng dâng(37) không cho chậm thiếu, làm con được thế, hãy chẳng đủ trả ơn sâu của cha mẹ”.

Người con muốn báo ân, cần khuyên cha mẹ đối với các pháp nhân quả của Phật, Pháp, Tăng, như chưa tín ngưỡng, phải khởi lòng tin, hoặc đã tin rồi, khuyên càng tăng trưởng; như chưa giữ tịnh giới, khuyên thụ trì giới; hoặc có lòng rít tham, khuyên tu bố thí; như có ngu muội, khuyên tu trí huệ, khiến ở an lành, để tự sửa tánh. Làm con được vậy, mới bảo báo ân một cách chân thật.

Lục thân: 1-Cha. 2-Mẹ. 3-Anh. 4-Em trai. 5-Vợ.

6- Con, là sáu nghĩa thân.

Lại nói: 1-Cha. 2-Con. 3-Anh em con nhà túng phụ(38). 4-Anh em con nhà túng tổ (39). 5-Anh em con nhà tằng tổ(40). 6-Anh em trong cả họ.

Khí ly: bỏ lìa, kinh nói “Người thụ giới xuất gia Bồ-tát, đã xả ly sáu nghĩa thân, chẳng ghi chẳng nhớ, siêng tu đạo hạnh, vì để được mau thành quả Bồ-đề, hầu cứu độ thất tổ cửu huyền.”

Ký: Cam chỉ là món ăn rất ngon. “Hãy còn chẳng đủ trả ơn của cha mẹ” đó, là dù có kính nuôi, không trái sắc mặt của cha mẹ(41) chăng nữa, cũng không thể đem tinh thần của cha mẹ để siêu lên cõi trên đặng. Muốn lợi ích cho thần linh cả nhiều đời thì, ắt phải khuyên cha mẹ thọ ngũ giới, trì tịnh trai, lo tu phước huệ.

Như người con đã xuất gia rồi, mà cha mẹ nghèo thiếu không thể tự sống được; Phật dạy “Người làm con về khuyên cha mẹ phát khởi lòng tín ngưỡng, trao cho tam quy, ngũ giới, nhiên hậu người con đi khất thực để cúng dường”.

Tổ Nam Sơn nói “Người chân chánh xuất gia là, sợ bốn oán thù(42) nhiều khổ, chán ba cõi đều vô thường, từ biệt tình chí bi của lục thân, hy sinh lòng đắm sâu nơi ngũ dục. Đó, xuất gia được như thế, mới gọi là chơn xuất gia. Thế thì, nối thạnh dòng Tam Bảo, độ thoát cả tứ sanh, lợi ích rất sâu, công đức vô lượng.”

Đã không tài trị an việc nước, lại chấm dứt nối dõi nghiệp nhà.

Câu trên là thiếu giúp nước ơn dân; câu dưới là thiếu thờ nhà con nối.

Người xuất gia làm Thích tử là, bỏ sự đẻ nuôi nối thờ thay vì nối thạnh giống họ Tam Bảo(43), dù tợ hồ có thiếu sự trung hiếu. Song, lo lập thân hành đạo, để rồi đem đức giải thoát báo đáp ơn mẹ cha; thuyết pháp khuyến thiện, để rồi phổ biến tu trì, tự nhiên giúp dân nước. Đó, báo đức như thế, tưởng không chi bằng. Vì trung hiếu trên tinh thần đạo đức, cả pháp giới chúng sanh, chứ chẳng chỉ một cha nhà, vua nước.

Thuở xưa, Tống Văn Đế bảo ông Hà Thượng Chi rằng “Ước được cả nước đều thấm nhuần thuần thục Phật hóa thì, trẫm được ngồi yên để hưởng phước thái bình”.

Hà Thượng Chi thưa rằng “Vả chăng, trong làng chừng trăm nhà, có mười người thụ trì ngũ giới thì, mười người ấy được hiền lành; một thành ấp chừng nghìn gia đình, có trăm người tu hành thập thiện thì, trăm người đó hòa thuận. Nghĩa là, người mà có thể làm được một việc lành thì bỏ được một điều ác; hễ cá nhân bỏ một điều ác thì chánh quyền dẹp được mọi luật hình. Tại nơi nhà khỏi một luật hình thì, nơi nước nghỉ luôn vạn điều luật hình.

Đấy là cái ý chỉ rất rõ về chỗ bảo rằng “Ngồi yên trên ngai mà tạo nên cảnh huống thái bình đó vậy”.

Ký: Văn trên, nói rõ về nghĩa trái với hiếu trung của tục đế; văn dưới, nói rõ về nghĩa thuận với đạo đức của chân đế.

Xa lìa nơi làng xóm, cạo tóc vâng đức thầy.

Câu trên lìa tục đế, câu dưới vào đạo đế.

Miến: xa, nghĩa là xa lìa nơi hương tục, hướng đến cảnh vô vi(44), tức là hy sinh gia đình mà tiến nơi phi gia thất (chùa chiền).

Xuống tóc vâng thầy bỏ cái dung nghi ngoài tục, dẹp cái tốt đẹp trong đời, giống hệt Như Lai, vì đủ cái đức tướng viên đảnh phương bào của Phật; vâng chịu mạng lệnh của đức thầy, vì theo thầy để chịu học đạo, đấy chính là cái quy thức nhập đạo, cái hồng phạm xuất thế.

Ký: Người thế tục họ dùng râu tóc để trau tria cho thêm vẻ đẹp nơi dung nghi; người xuất gia làm Tỳ-kheo, đã khác tục, mộ đạo, bỏ sự tốt của đời mà dứt hẳn ân ái.

Thời đại ngày nay, giới xuất gia cũng có kẻ để râu, dài tóc mà tự hào là tu hạnh đầu đà, thế cái danh tướng đã mâu thuẫn mà, cái điệu hạnh cũng trái ngược nữa.

Tiếng Phạm là Dhùta (đầu-đà), dịch đẩu tẩu, là phủi giũ, nghĩa là phủi giũ những bụi trần lao là phiền não cả ba giới.

Tu hạnh này, có mười hai pháp(45). Ngày nay, họ để đầu tóc chơm bơm mà tự hào là đầu đà đó rất là sái quấy!
Phật quở “Để dài râu, tóc, móng là cái tướng phá giới của ác Tỳ-kheo. Hoặc Tỳ-kheo riêng ở một mình nơi a-lan-nhã, không người cạo giùm thì, cho phép để tóc dài chừng một tấc, nếu cũng không biết tự cạo, móng tay dài chừng một hột thóc, chẳng đặng để dài hơn.”

Bỏ gia đình, đến chốn phi gia, bỏ cái nhà có sanh đẻ của thế tục mà vào nơi cái xá thanh tịnh vô vi.

Đức Văn Thù Bồ-tát bạch Phật rằng “Đức Như Lai đã nói ơn rất lớn của cha mẹ, chẳng khá chẳng trả, lại nói thầy (bổn sư) và chúng tăng có ơn cũng lớn, chẳng thể cân lường; vậy, thì ơn bên nào rất lớn hơn?”

Phật dạy “Kẻ tại gia dẫu thường lân la dưới đầu gối của cha mẹ để phụng sự hiếu kính đi nữa, cũng chưa đủ trả ơn sanh thành, do công ơn quá sâu vì sanh dục, nên nói ơn của cha mẹ rất lớn; còn như người theo thầy xuất gia học đạo thì, ơn này cũng rất lớn, vì nhờ bổn sư mở bày cho ta được thấy, nghe, hiểu biết đạo lý giải thoát sanh tử, để ra khỏi sông mê biển khổ.

“So ra để cân nhắc người xuất gia là đã bỏ cái nhà có sanh đẻ của cha mẹ, tiến vào trong pháp môn, thụ học cái pháp vi diệu, đó là do đạo lực của bổn sư sanh trưởng cho cái Pháp thân, đưa ra cái pháp tài, để nuôi lớn cái mạng trí huệ thì không cái công nào lớn bằng, vói so ra thì, cái ơn sở sanh của phụ mẫu chỉ lớn ở hạng thứ mà thôi”. Vì ơn sanh trưởng huệ mạng hơn ơn sanh trưởng nhục thân, huống nữa là giải thoát sanh tử.

Hương đảng, hương: hướng tới, nghĩa là chỗ của chúng nhân qui hướng; đảng: bằng đảng, xưa định lấy năm gia đình làm một đảng. Sách Chu Tể nói “Trong khu trăm gia đình, sắp làm một hương”. Sách Hán Chí ghi “Sắp năm gia đình làm một lân; năm lân lập làm một lý; bốn lý lập làm một tộc; năm tộc lập làm một đảng; năm đảng lập làm một châu; năm châu lập làm một hương. Đấy là lấy số một vạn hai ngàn năm trăm nóc nhà sắp làm một hương.

Bẩm: Thụ mạng.

Trong siêng cái công hay chánh niệm, ngoài rộng cái đức chẳng chấp giành.

Câu trên, rõ cái niềm chánh niệm, câu dưới rõ cái đức hòa kính. Nghĩa là, trong lòng rất thiết quán niệm trí huệ, ngoài hạnh mở rộng nghĩa vụ lục hòa. Đấy là cái công huân nhập đạo, cái cơ bản lập đức.

Ngài Tăng Triệu nói “Nhà sư mà phi chân tâm thì không lấy đâu đủ sáu pháp; phi sáu pháp thì chẳng do đâu hòa hợp quần chúng. Đấy là phi cái gốc kính thuận, nên chúng không phục hòa!”

Ký: 1-Với giới phẩm, hòa hợp đồng thụ đồng tu. 2-Với tri kiến, hòa hợp đồng chỉ đồng hiểu. 3-Với thân khu hòa hợp đồng an trụ. 4-Với tài lợi hòa hợp đồng chia hưởng. 5-Với khẩu thiệt hòa hợp không cải giành. 6-Với ý niệm hòa hợp đồng vui mến.

Giải thoát gia đình, mong hẹn ra khỏi.

Câu trên, ly khai nhà thế tục; câu dưới siêu xuất nhà tam giới. Người mà muốn thoát ly cõi trần tục thì, cần phải cất bước siêu việt hẳn địa phương. Kỳ cho được thoát ly tam giới luân hồi, lục đạo sanh tử thì, cần nhất phải đoạn hẳn phiền não, thế mới phu phỉ cái bổn thệ(46) lúc xuất gia.

Hai câu của chánh văn đây là tổng kết văn trên, để phát khởi văn dưới.

Ký: Câu trên (giải thoát gia đình) là xâu kết cả năm câu trên cha mẹ… sáu thân… việc nước… nghiệp nhà… làng xóm…; câu dưới (mong kỳ ra khỏi) là kết cả ba câu, như cạo tóc… trong siêng… ngoài rộng…

Hoảnh thoát (giải thoát). Hoảnh: chỗ xa vắng. Ký: muốn, trông.

Xem mục lục