Bài Viết (701)


ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY VÀ PHÁP - Ngài Gyalwang Drukpa thứ 12

16,622

Ngài Gyalwang Drukpa thứ 12

Pari, Pháp quốc 1995

Tôi rất hoan hỉ được gặp lại tất cả các bạn. Thời gian trôi qua, chúng ta lại có dịp gặp lại nhau. Vì thế mà chúng ta cần phải cảm tạ duyên nghiệp của chúng ta. Thời gian tiếp nối chính là phần thiết yếu của nghiệp. Tôi luôn luôn cảm tạ nghiệp của mình mỗi khi tôi có được cảm giác hạnh phúc, an lạc và hài lòng. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy ai nói “cảm ơn duyên nghiệp của tôi”. Mọi người chẳng bao giờ cảm ơn cái nghiệp của mình. Họ cảm ơn Chúa, hoặc có thể là Phật.

 

Nếu bạn suy nghĩ một cách hết sức sâu sắc, rốt cuộc bạn sẽ hiểu rằng sự minh triết trong việc cảm tạ duyên nghiệp là dựa vào sự hiểu biết mà bạn được các bậc thầy mang lại, hoặc do bạn tìm được trong những lời dạy của Đức Phật. Tôi muốn nói là, một cách gián tiếp, bạn có lý khi cảm ơn họ. Nhưng đối tượng trực tiếp mà bạn nên mang ơn, chính là duyên nghiệp của bạn.

 

Trong việc rèn luyện hàng ngày, mọi nỗ lực nên được dành cho việc phát huy lòng từ bi và trí tuệ. Nói một cách chung chung, thì có hai điều chúng ta thiếu trong cuộc sống của mình. Có thể có một vài người trong số các bạn, những người đã đạt một chứng ngộ rất cao, thì không có gì đáng lo ngại. Nhưng nói chung thì chúng ta chưa đạt được sự chứng ngộ này, vì thế, chúng ta cần qui y và tiếp tục nắm giữ pháp tu về từ bi và trí tuệ.

 

Lòng từ bi, tình yêu thương và trí tuệ phải được nảy nở bên trong chúng ta. Đó không phải là những thứ chúng ta có thể lấy được từ bên ngoài, mà chúng phải đến từ bên trong. Trên một phương diện nào đó, thì không thực sự quan trọng để ta phải thực hành từ bi, nhân ái và trí tuệ tại gia đình. Nhưng nói cách khác, thì điều này lại thật sự quan trọng vì mọi thứ đều có liên quan, có mối liên hệ với nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Đó chính là lý do tại sao tôi nói, “dựa vào”. Một sự vật đều phải dựa vào cái gì đó. Nếu bạn đã nhận thức được điều này, thì bạn chẳng cần phải dựa vào bất cứ điều gì. Nhưng nếu ngay bây giờ bạn vẫn chưa nhận thức được, thì bạn vẫn phải dựa vào điều gì đó, như việc tu tập này.

 

Trong một trạng thái tương đối, chưa chứng ngộ thì cuộc sống là luân hồi sinh tử và cuộc sống là những nỗi đau khổ. Nhưng một khi bạn nhận ra được chân lý tối thượng thì tự cuộc sống trở thành trí tuệ hiểu biết. [Trong trạng thái tỉnh giác] thì chúng ta sẽ không vẽ vời tạo chuyện thêm nữa. Nhưng thật đáng tiếc là chúng ta chưa chứng ngộ nên chúng ta cần phải làm một số chuyện khác để có thể đạt đến trạng thái vô thượng chánh giác.

 

Qui y và Bồ đề tâm là những điều bạn phải hiểu. Rất nhiều trong số các bạn đã hành trì theo các pháp tu như thế này nhiều lần lắm rồi. Vì vậy, lẽ ra không cần phải nói lại nữa. Nhưng tôi muốn nói một chút về điều này cho những người mới đến với Phật giáo.

 

Qui y là bước đầu tiên chúng ta sử dụng để thay đổi hoàn cảnh của cuộc sống. Tôi không thể nói rằng cuộc sống của chúng ta là kinh khủng. Thật ra cuộc sống thật sự tuyệt vời, rất dễ chịu, nếu chúng ta biết cách nhìn nhận nó. Không có gì sai với cuộc sống. Nhưng nếu chúng ta không biết cách nhìn nó, thì cuộc sống sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều phiền toái. Vì thế, đây chính là cái chúng ta phải thay đổi. Chúng ta không cần thay đổi cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta phải thay đổi cách chúng ta nhìn nó. Bởi vậy, chúng ta Qui y, và chúng ra trở thành người nương tựa vào Chân Lý.

 

Đức Phật đã cho chúng ta rất nhiều lời huấn thị về việc nhìn cuộc đời của chúng ta như thế nào. Vì vậy, chúng ta qui y Phật. Đây chính là lý do tại sao chúng ta qui y Phật trước tiên. Điều này không phải vì chúng ta là Phật tử.

 

Thứ hai là Pháp, là những lời dạy của Đức Phật. Pháp rất quan trọng, bởi vì đó là con đường cho chúng ta tu tập nhờ đó chúng ta có thể nhận ra được cách chúng ta nên nhìn cuộc đời. Nhìn cuộc đời như thế nào là điều cơ bản nhất.

 

Tiếp theo là Thiện tri thức, là người cho bạn sự hỗ trợ từ những góc độ khác nhau trong cuộc sống của bạn và không để cho bạn bị lạc lối. Anh ta, hay cô ta, không bắt buộc phải là một tăng hay một ni. Anh ấy hay cô ấy chỉ là người thật sự có thể hỗ trợ bạn bằng cách nhìn cuộc đời của bạn theo cách đúng đắn và hợp lý.

 

Và bây giờ, bước thứ hai là Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tâm giác ngộ. Sau khi qui y, bạn phải tu dưỡng tâm giác ngộ này. Có hai loại tâm giác ngộ: tâm khát vọng giác ngộ và tâm thực hành giác ngộ. Tâm là cái mà đơn giản là bạn phải thay đổi, theo hướng mở rộng tâm lượng của mình.

 

Ngay bây giờ, chúng ta có một cái tâm rất hẹp hòi. Vì thế chúng ta chẳng thể nghĩ được gì cả. Thỉnh thoảng chúng ta cũng chẳng thể nghĩ về chính mình, vì chúng ta thấy quá chán nản thất vọng, và chúng ta trở nên phiền muộn với chính mình. Điều này cho thấy rõ ràng rằng tâm của chúng ta thu lại nhỏ bé đến nỗi không vừa cho chính mình. Vậy trong tình huống như thế, làm sao chúng ta có thể thực hành lòng trắc ẩn lớn lao, tình yêu lớn lao hay Phật trí lớn lao? Điều đó là điều không thể. Bởi vậy, chúng ta cần phải mở rộng tâm lượng của mình để mọi chúng sinh hữu tình có thể hoà đồng được với tâm thức của chúng ta, không chỉ gia đình và bạn bè mà tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của chúng ta. Đây là lý do tại sao mặc dù rất khó nhưng rất quan trọng để thực hành Bồ đề tâm.

 

Luân hồi sinh tử mãi không ngừng. Bởi vậy, nó được biết đến như là sự tiếp nối không ngừng. Nó biến chuyển như thế nào ? Nghiệp chính là kết quả của sự tích tụ cái tốt và cái xấu, cái đẩy bạn quanh quẩn. Có sáu cảnh giới luân hồi, ba cảnh giới thấp và ba cảnh giới cao. Động cơ của sự tiếp nối không ngừng này được vận hành thông qua việc tích tụ nghiệp. Sự tích lũy các nghiệp lành đẩy bạn lên cảnh giới cao hơn của luân hồi, và các nghiệp ác thì đẩy bạn xuống cảnh giới thấp của luân hồi. Đây là lý do tại sao chúng ta nhấn mạnh những điều như – không làm hại, hãy giúp đỡ và vân vân. Những tôn giáo khác cũng răn dậy những điều này. Đó là một cách nhìn cuộc sống, nhưng đó không nên được coi là tối thượng.

 

Cách tối thượng để nhìn nhận cuộc đời nên là để đạt được sự chứng ngộ tối thượng là sự chứng ngộ về những tích luỹ ác nghiệp cũng như thiện nghiệp, cả hai đều có mặt trong thực tế của cuộc sống. Tích luỹ thiện nghiệp mà không nhận thức được bản chất của chúng, thì cũng chỉ mang chúng ta lên một trong ba cảnh giới cao hơn. Với những người thực hành Bồ đề tâm như chúng ta, chúng ta nên phát triển [để đạt đến ]chứng ngộ tối thượng cùng với việc tích luỹ công đức.

 

Chúng ta nên sống tốt hơn, để tu tập mà không bị che chướng. Và chúng ta nên tu tập để làm gì? Để tự mang chúng ta ra khỏi luân hồi, khỏi những chìm nổi của cuộc sống. Đây chính là lý do để chúng ta tu tập. Chúng ta không tu tập theo triết lý và thiền định của Phật giáo chỉ để được tái sinh lên cảnh giới cao hơn. Điều đó là không đủ, và đó không nên được coi là mục đích chính. Là một người tu tập, mục đích tu tập của bạn nên là để giúp bạn ở trong một môi trường tốt hơn để bạn có thể tu tập mà không bị mê mờ hay chướng ngại, và cuối cùng có thể thoát ra khỏi sinh tử luân hồi.

 

Đức Phật đã dạy rằng :

Giận dữ là nhân của cảnh giới địa ngục,

Tính keo kiệt là nhân của cảnh giới ma đói

Vô minh là nhân của cảnh giới súc sinh, vân vân …

 

Vậy nên nhân và quả cả hai đều ở đó, chúng là qui trình của nghiệp, là nghiệp chướng luân hồi. Bởi thế, chúng ta không nên tham dự vào những hành vi nhơ bẩn này, bởi vì chúng là nguyên nhân tái sinh trong các cảnh giới thấp kém, nơi mà chúng ta chẳng muốn đến. Không phải là vì ở đó không có tiện nghi hay đặc quyền hưởng thụ của con người. Chúng ta đã thấy nhiều con chó được chăm sóc còn tốt hơn con người. Nên theo ý này, được tái sinh làm chó không đến nỗi quá tệ. Thêm nữa, con người có rất nhiều phiền toái do sự giả dối mang lại, và một con chó thì không đau khổ vì những điều vô nghĩa đó. Một vài con chó thậm chí có rất nhiều thức ăn ngon, cơ hội để luyện tập và rất nhiều đồ chơi. Chúng có thể sống một cuộc sống dễ chịu hơn con người.

 

Bởi thế, tiện nghi và khoái lạc chỉ là mục đích để tìm kiếm sự tái sinh trên cảnh giới cao hơn, nên có thể có người không đồng ý và nói “tôi thà được sinh ra làm con chó”. Nhưng lý tưởng cơ bản nhất là có thể thực hành Pháp, thực hành chính đạo. Các loài súc sinh và những con ma đói không có các cơ hội để thực hành Pháp. Thậm chí những kẻ trên cảnh giới thần tiên không thể, hoặc có thể không có cơ hội để thực hành chính Pháp, chính đạo. Vì thế chúng ta cần phải làm gì đó để chúng ta có thể được tái sinh ở cảnh giới phù hợp, cảnh giới của con người.

 

Làm người rất quí giá. Nhưng có thực sự quí giá hay không lại phụ thuộc vào việc bạn nhìn nó như thế nào và trau dồi nó như thế nào. Nếu bạn sử dụng cuộc sống của mình một cách sai lầm, có thể bạn còn tồi tệ hơn cả loài súc sinh. Hãy chỉ nhìn vào sự ô nhiễm và phá hoại môi trường và những hành động gây hại không cần thiết mà chúng ta thấy ngày nay, thì chúng ta có thể thực sự kết luận rằng con người đã làm những việc tồi tệ hơn những loài khác đến hàng trăm lần.

.

Chúng ta phải làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên quí giá bằng việc tuân theo triết lý hay định luật vũ trụ. Định luật vũ trụ này chính là cái mà chúng ta có thể làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn và quí giá hơn, bởi vì mọi điều trong cuộc sống của chúng ta đều mang tính tương thuộc và thế giới của chúng ta là một thế giới tương đối. Chúng ta có thể hoặc làm cho nó tốt hơn, hoặc tệ hơn. Bởi thế, cuộc sống nên được hiểu như một phần không thể tách rời của việc hành Pháp, của việc tuân theo định luật vũ trụ. Điều này thực sự có nghĩa là cuộc sống phải được tu dưỡng.

 

Nếu bạn coi cuộc sống là một phần khác biệt với việc tuân theo giáo pháp, thì cuộc sống của bạn tiếp tục thiếu việc hành Pháp, cho dù bạn có tu tập cả đời mình. Chúng ta có nhiều lý do để nói rằng chúng ta không có thời gian để tu tập, rằng chúng ta có quá nhiều việc phải làm, ví dụ như chăm sóc con cái, cửa hàng hay công việc. Tất cả những điều này chỉ là lý do mà thôi. Nếu không, thì cuộc sống có thể được coi là Pháp.

 

Pháp phải được hiểu là cuộc sống và cuộc sống phải được hiểu là Pháp. Vì thế mỗi phút trong đời sống của bạn thực sự là Pháp. Có rất nhiều điều bạn có thể làm, nhưng điều cơ bản là hiểu và trau dồi sự hiểu biết rằng cuộc sống không tách rời khỏi giáo pháp. Bạn chẳng cần phải hiểu hay trau dồi thêm gì nữa cả. Nguyên tắc của việc hành xử tinh thần chính là lòng từ bi và trí tuệ. Có vài người làm cho sự việc này trở nên phức tạp và kết cục là họ cũng chẳng nhận thức được điều gì. Những người này luôn luôn nói “đây là một pháp tu ở mức cao, chúng tôi không thể thực hành được, chúng tôi thực sự không có thời gian”. Họ tìm ra rất nhiều lý do để né tránh, và cuối cùng thì họ chẳng đạt được điều gì.

 

Thực sự, lòng từ bi là việc cần thực hành hàng ngày. Trong cuộc sống thường nhật của mình, chúng ta nên có lòng từ bi đối với bạn bè, người ta yêu thương và ngay cả cho chính chúng ta nữa. Hãy có lòng từ bi đối với những người đang có những tổn thương về tinh thần và thể chất.

 

Chỉ cần luôn kiểm soát và khám phá các suy nghĩ của mình. Trước tiên bạn phải có lòng từ bi đối với bản thân bằng cách quan sát các hành vi bất thiện, sự nhảm nhí cũng như các lo lắng không cần thiết. Và thỉnh thoảng, khi mọi người làm những việc tồi tệ với bạn, bạn nên dùng lòng từ bi của mình để tiêu trừ sự giận giữ. Lòng từ bi cần phải được thực hành mọi phút giây. Đây là lý do tại sao tôi nói rằng cuộc sống cần phải được hiểu và thực hành như Pháp. Trí tuệ là nền móng cơ bản. Nếu không có trí tuệ thì lòng từ bi không thể được thực hành một cách hợp lý. Lòng từ bi sẽ trở nên mù quáng và lòng thành tín cũng sẽ mù quáng. Đây không phải là cách khéo léo. Vì vậy, trí tuệ luôn luôn cần thiết.

 

Ví dụ như, để đi từ đây đến một đất nước khác, bạn cần phải biết cách dễ dàng và tiết kiệm nhất để đi. Đây cũng chính là trí tuệ, mặc dù không phải là trí tuệ tối thượng. Từ quan điểm này, trí tuệ của bạn cũng dần sắc bén hơn. Nếu bạn không mài dũa trí tuệ của mình, như một phần của việc tu tập, thì trí tuệ bị lãng phí. Thỉnh thoảng, thậm chí bạn cảm thấy động lòng từ bi đối với một người ăn xin hay với người đang đau ốm, thì điều này cũng là lãng phí bởi vì bạn không trau dồi lòng từ bi để phát triển sự hiểu biết của mình.

 

Vì vậy, chúng ta không nên lãng phí năng lực của lòng lòng từ bi và trí tuệ cho các mục đích vị kỷ. Năng lực của lòng từ bi và trí tuệ nên được sử dụng bằng con đường vị tha. Đây chính là con đường của Đức Phật, con đường của ánh sáng và trí tuệ. Đây là chính đạo.

 

Những nghi thức như tụng niệm và thiền định cũng rất quan trọng. Mỗi thứ đều có ích lợi riêng, cái hay riêng và giá trị riêng; nhưng nhìn chung, cái chúng ta thực sự cần phải làm là trau dồi năng lực tự nhiên của chúng ta – năng lực mà chúng ta chưa thực sự phát huy và không biết cách sử dụng. Bởi vậy, chúng ta nên học cách sử dụng các năng lực tự nhiên này một cách vị tha. Đây chính là con đường của một Phật tử, đây chính là Pháp.

 

Nếu bạn thực hành ba thứ này – trí tuệ, lòng từ bi và tâm thành tín với một động cơ ích kỷ, thì điều này có thể dẫn đến hậu quả là bạn tái sinh vào một cảnh giới cao hơn, như cảnh giới của các vị trời hay Atula; nhưng chúng không bao giờ có thể giúp bạn thoát khỏi luân hồi sinh tử. Vì vậy, bạn phải rất cẩn trọng xem xét liệu có chút vị kỷ nào tham gia vào quá trình tu tập của bạn không. Điều này cực kỳ quan trọng.

 

Nhiều người có một khuynh hướng mạnh mẽ tu tập theo Phật giáo, hay con đường tâm linh, và họ thậm chí có một động cơ mạnh mẽ để từ bỏ cuộc sống vật chất như tiền tài, gia đình… vân vân. Họ có sức mạnh này để hy sinh mọi thứ, để tu tập tâm linh trong nhiều năm. Nhưng dù vậy, họ vẫn chẳng đi được đến đâu. Tôi không nói rằng tất cả họ đều có vấn đề; nhưng nhiều người trong số họ, sau khi bỏ khoảng ba hay sáu năm tu tập, thì cảm thấy đau khổ vì những gì họ đã làm. Và sau đó, họ phê phán Phật giáo hay việc tu tập tâm linh, hay tự trách mình và cảm thấy họ không đủ khả năng. Nhưng thực tế, không có gì sai trái đối với họ, và cũng không có gì sai trái đối với đạo. Điều không đúng duy nhất là họ không có trí tuệ hay sự mở mang trí tuệ để biết cách nhìn nhận cuộc sống như Giáo Pháp. Họ không biết cách hiểu cuộc sống như nguyên tắc để tu tập. Không quan tâm nhiều về cuộc sống, họ chỉ tu tập một cách hời hợt. Và điều này dẫn đến việc lãng phí thời gian. Hời hợt có nghĩa là mọi phần trong việc tu tập của họ đều dính liền với bản ngã, hay thái độ vị kỷ. Điều này giống như yêu ma, một thứ độc dược mạnh mẽ mà thực sự sẽ phá huỷ toàn bộ cảnh giới tâm linh.

 

Việc tu tập cùng với thái độ vị kỷ sẽ chẳng đi đến đâu cả. Kết cục là bạn sẽ cảm thấy thất vọng mà thôi.

 

Gampopa, một trong những hành giả du già vĩ đại nhất của Tây Tạng, đã nhấn mạnh trong một lời dạy của mình rằng Pháp phải được thực hành một cách đúng đắn. Nếu không, Pháp sẽ tạo ra các vấn đề. Nghe thì dường như là Gampopa đang làm ta nản lòng trong việc tu tập theo Giáo Pháp. Thực tế, cái mà ngài muốn nói là không được đem tâm vị kỷ để thực hành Pháp. Khi chúng ta không thể thực hành Pháp theo một cách trong sạch, thì tốt nhất là chúng ta đừng làm. Hãy ngồi lại và chờ một thời gian, và học cách làm bất cứ thứ gì trong giới hạn mà ta có thể làm một cách đúng đắn và trong sạch.

 

Điểm đầu tiên mà chúng ta nên tập trung trong việc tu tập theo giáo pháp, như tôi đã đề cập, là sự phát triển cách nhìn nhận đúng đắn về tâm trí của mình, về cuộc sống hàng ngày của mình. Đây là điểm thiết yếu để tu tập. Và bước thứ hai là tụng niệm, thiền định, lễ lạy và vân vân. Như thế thì tất cả các việc tu tập của bạn sẽ theo một con đường đúng đắn; chúng sẽ không bao giờ bị đi sai đường.

 

Ví dụ, có rất nhiều loại thuốc khác nhau. Nếu bạn thực sự biết điều trị bệnh của mình như thế nào với đúng loại thuốc, thì thuốc đó sẽ có tác dụng phù hợp. Nếu bạn không biết các thuốc này hoạt động như thế nào, bạn không thể uống tất cả các loại thuốc vì chúng đều đắt tiền và quí giá. Nếu bạn làm như vậy, nó sẽ làm tình hình của bạn tồi tệ hơn, thậm chí giết bạn.

 

Thuốc không phải là chất độc, nhưng nó trở thành độc nếu bạn không biết cách sử dụng nó. Giống như vậy có nhiều sự việc khác nhau xảy ra trong cuộc đời của bạn với đủ các thói quen thông lệ hành xử. Chúng ta có thể thấy cách hành xử này thì tốt và cách hành xử kia thì cũng tốt; và vì vị Lạt ma này dạy thế này và ngài Pháp sư kia thì khởi xướng điều kia, chúng ta nên nghe tất cả họ. Vì vậy bạn nghe mọi thứ và đòi hỏi phải thực hành tất cả. Tất nhiên, ở một góc độ nào đó, điều này rất hay. Ít nhất thì bạn cũng thực hành. Như thế thì tốt hơn là không làm gì cả. Nhưng dần dần thì thái độ này sẽ gây cho bạn rất nhiều vấn đề.

 

Tôi không phê phán những người đang tu tập theo lối đó; nhưng tôi không đồng ý với những người không quan tâm đến việc tu dưỡng cuộc sống và trí tuệ của học trong khi thực hành các bài học về tâm linh. Và họ không biết cái gì là tâm linh cả. Trước tiên, họ cần phải biết làm sao để kết hợp cuộc sống hàng ngày và trí tuệ với việc thực hành tâm linh. Điều này rất là quan trọng.

 

Nguyễn Thanh Hà chuyển Việt ngữ

Hòa Lan, tháng Giêng 2008

Nguồn http://www.vietnalanda.org

16,622

MƯỜI TRÍCH DẪN ĐỂ NHỚ KHI BẠN CÓ MỘT TÂM TRẠNG XẤU. - Google Quotes

Đến một điểm nào bạn phải từ bỏ điều bạn nghĩ cần xảy ra và sống trong cái đang xảy ra.👉 Chớ phán xét. Bạn không biết những bão tố nào mà

954
Kiến Giải Chân Chính - Thiền sư Lâm Tế, Diệu Huyền dịch

Nếu có thể ngừng được cái tâm khởi niệm liên miên theo cảnh, bạn sẽ không khác biệt với một vị Tổ hay Phật. Bạn có muốn biết thế nào là một

953
Thân Loan Thánh Nhân - Cuộc đời và Tác phẩm

Thân Loan thánh nhân hiển nhiên là một nhân vật phi thường mặc dù Ngài thường tự gọi mình là “gã đầu trọc ngu dốt” với giọng điệu khiêm tốn pha lẫn

1,076
SỐNG TRONG THAM THIỀN CHU KỲ NGÀY VÀ ĐÊM - NAMKHAI NORBU RINPOCHE

Namkhai Norbu Rinpoche là một vị Thầy ở Tistuto Orientale, đại học Naples, nơi ông dạy tiếng Tạng, Mông Cổ và lịch sử văn hóa Tây Tạng. Dù vẫn dạy đại học,

816
Thể và dụng của Tâm

Thể và dụng của Tâm Tất cả chúng ta đều đang sống với tâm và bằng tâm. Tùy theo chất lượng của tâm mà chúng ta có đời sống như thế nào.

18,160
Top Bài Viết
Quan Hệ Thầy Trò
Niệm Tự Bạch

QUAN HỆ THẦY TRÒ Theo Tinh thần Kinh Kế thừa Chánh pháp Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy,

33,328
Giữ giới là lựa chọn tự do
Phật học Ứng Dụng

Giữ giới là lựa chọn tự do  Giới luật của Phật giáo có nghĩa là: “Anh đừng tự làm thương tổn mình, anh đừng tự làm hại mình”. 1. Tự do của lệ thuộc

32,744
Đạo Phật là gì?
Niệm Tự Bạch

Đạo Phật là gì Lama Zopa and Lama Yeshe Khi bạn tìm hiểu về đạo Phật tức là bạn đang tìm hiểu về con người thật của mình, về bản chất của tâm trí

32,657
Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa
Tìm Hiểu & Học và Hành

Vô minh bẩm sinh & Vô minh văn hóa(VHPG) Mọi kinh nghiệm của chúng ta, kể cả giấc mộng, khởi lên từ vô minh. Đây là một tuyên bố làm hoảng hốt

32,426
Chùa Việt
Sách Đọc