Đề mục có bốn chữ là Qui Sơn Cảnh Sách. Hai chữ Qui Sơn là người năng nói; hai chữ Cảnh Sách là pháp bị nói. Nhân, thì dùng tên núi làm xưng hô; pháp, thì lấy văn Cảnh Sách làm danh mục.
Với người mà dùng tên núi để xưng danh là như thế, vị trí núi đây ở về phía Tây Bắc quận Trường Sa, nhân Tổ Sư Linh Hựu trú trì tại đó, người đời vì tôn trọng Tổ, nên không dám gọi là Linh Hựu mà tôn xưng là Qui Sơn.
Pháp húy của Tổ Sư là Linh Hựu, họ ngoài đời là họ Triệu, người xuất thân tại đất Trường Khê, vịnh Phước Châu (Phước Kiến).
Năm lên mười lăm tuổi, xả tục xuất gia. Năm lên hai mươi tuổi thụ giới cụ túc. Chuyên tinh nghiên cứu các kinh điển Tiểu thừa, Đại thừa.
Năm lên hai mươi ba tuổi, qua tỉnh Giang Tây, tham yết Tổ Bách Trượng Đại Trí Hoài Hải thiền sư. Vừa một phen thấy, Tổ Bách Trượng cho vào tịnh thất hầu Tổ, thành thử được ở đầu lớp tham học.
Bữa nọ, lúc đứng hầu bên Tổ Bách Trượng, Tổ bảo Linh Hựu bươi lò lấy lửa; Linh Hựu bươi rồi thưa rằng không có lửa.
Tổ Bách Trượng tự đứng dậy đi bươi sâu tận đáy lò, có đặng chút lửa, gắp dở cao lên mà bảo rằng “Sư nói rằng không có lửa, chớ cái này là thứ gì?”
Sư Linh Hựu nhân đó mà được giác ngộ vào cái lý “không trung diệu hữu”, liền làm lễ để kính tạ và trình bày cái chỗ vừa giác ngộ ấy.
Tổ Bách Trượng dạy phân rằng “Đấy là mới tạm thời mà đã chia đường mê giác rồi.” Kinh nói “Muốn biết nghĩa Phật tánh, phải xem thời tiết nhân duyên, hễ nhân duyên đã đến như mê chợt ngộ, dường quên thoạt nhớ, mới biết là vật sở hữu (Phật tánh) của mình, chẳng từ ai cho được”. Nên Tổ Sư nói(1) “Ngộ liễu đồng vị ngộ” (Ngộ rồi đồng chưa ngộ(2)), vì không tâm cũng không pháp, chỉ là không còn các cái tâm phân biệt, nào là phàm, nào là Thánh, tâm pháp vô phân biệt ấy, xưa nay nguyên vẫn sẵn đủ. Chừ Sư đã được thế, khéo tự giữ gìn lấy”.
Sau đó, sư Linh Hựu sung lên chức Điển tọa.
Bấy giờ, có nhà cư sĩ, họ Tư Mã(3), tu hạnh đầu- đà(4), từ tỉnh Hồ Nam đến viếng Tổ Bách Trượng và trình bày rằng “Vừa rồi, con ở tỉnh Hồ Nam, có tìm đặng một quả núi, tên là Đại Qui, là chỗ ở của một ngàn năm trăm người thiện tri thức, vì địa linh tất sanh nhân kiệt như thế”.
Tổ Bách Trượng hỏi “Lão tăng qua trú trì đó được không?”
Tư Mã Đầu Đà thưa “Chẳng phải chỗ Hòa thượng ở”.
- Sao thế?
- Dẫu Hòa thượng ở đó, đồ chúng không đủ một nghìn, vì Hòa thượng là người xương (già), mà núi kia là thịt (trẻ).
Tổ Bách Trượng bảo thị giả kêu Thủ tọa(5) đến hỏi Tư Mã Đầu Đà rằng “Với núi kia, người này thế nào?”
Tư Mã Đầu Đà yêu cầu thầy Thủ tọa tằng hắng mấy tiếng và đi vài bước thử coi, rồi Tư Mã Đầu Đà nói “Chẳng thể đặng, vì nhân cảnh không xứng nhau”.
Tổ Bách Trượng lại sai Đạo Hầu kêu Điển tọa(6) đến và hỏi…, Tư Mã Đầu Đà mới thấy lần trước nhất, bèn nhận ngay rằng “Đấy, chính là ông chủ của Qui Sơn”.
Đến tối, Tổ Bách Trượng kêu sư Linh Hựu vào tịnh thất phú chúc rằng “Ta có bổn phận hóa duyên tại chốn này, còn Qui Sơn kia là thắng cảnh, Sư phải đến đó để nối dõi tông môn của ta, rộng độ lớp hậu học”.
Sư Linh Hựu vâng lời, qua trú trì nơi Qui Sơn.
Núi đây đảnh cao chót vót, cây mọc chần vần, suối hang sâu tột, chu vi ước có mấy nghìn trăm dặm, làm hang ổ cho các loài thú dữ như gấu, beo, cọp, đây ít có dấu người.
Hằng ngày sư Linh Hựu chỉ bạn cùng vượn, khỉ. Mỗi bữa lượm trái cây tượng lật(7) (cây keo su) rụng để ăn thay vì cơm cháo. Mãi thế trải qua sáu, bảy năm nhân dân ở làng gần núi ấy lần lần nghe biết, hiệu triệu nhau một số đông người, tự động lên núi, cùng kiến thiết thành ngôi chùa, cúng dường tổ Linh Hựu.
Do đó, hóa đạo của Ngài truyền khắp trong thiên hạ quanh vùng, lớp thiền học rần rộ. Bèn lập thành một tông Qui Ngưỡng.
Tổ sư Linh Hựu, Ngài khắp nêu chánh giáo hơn mười năm, số người được ngộ đạo nhiều không kể xiết, số được nhập thất(8) hơn bốn mươi người.
Khi thị tịch súc miệng, rửa tay, ngồi kiết già mà tịch một cách vui tươi, nhằm ngày mùng 9 tháng Giêng, năm đầu Thái Trung thứ 7(9), đời Đường.
Tuổi sống theo đời là tám mươi ba; tuổi tăng lạp(10) là sáu mươi bốn. Ngôi tháp xây dựng nơi gộp đá phía nam Qui Sơn. Vua Đường sắc tặng là Đại Viên Thiền Sư. Sắc tặng ngôi tháp là Thanh Tịnh.
Ký: Truyện chép Tổ Sư Linh Hựu trú trì nơi Qui Sơn đã lâu, tự biết(11) tiền thân đã làm nhà Tăng thụ trì kinh Pháp Hoa tại chùa làng Việt Châu. Năm Tổ Sư thị tịch cách với năm Như Lai diệt độ là một nghìn tám trăm năm.
Họ Tư Mã Đầu Đà, là người trong tâm chứa cái tông trực chỉ thiền(12); ngoài thân đủ cái gương nhân luân, gồm thông suốt phép địa lý, nên các nơi sáng lập chùa viện, đều nhờ ông chỉ điểm cho.
Thủ tọa, tức là ngài Hoa Lâm Hòa thượng(13).