Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (37)


Xem mục lục

 

 

Tổ thứ Hai Mươi Sáu: Tôn giả Bất-Như-Mật-Đa

(Punyamitra)

 

 

Tôn giả, nam Ấn-độ Thiên Đức vương chi thứ tử. Đầu Bà-Xá Tổ xuất gia. Tổ vấn viết: “Nhữ dục xuất gia đương vi hà sự?” Viết: “Ngã nhược xuất gia, bất vi tục sự.” Tổ viết: “Đương vi hà sự?” Viết: “Đương vi Phật sự.” Tổ phó dĩ Đại Pháp. Du hóa chí đông Ấn Độ, bỉ vương danh Kiên Cố, phụng ngoại đạo sư trường trảo Phạm Chí, tức dĩ ảo pháp hóa đại sơn ư tôn giả đỉnh thượng. Tôn giả chỉ chi, hốt tại bỉ chúng đỉnh thượng. Bỉ chúng bố cụ, đầu Tổ. Tổ tái chỉ chi, hóa sơn tùy diệt. Nãi vị vương diễn pháp, tỉ thú chân thừa. Hậu đắc Bát-Nhã-Đa-La, tức từ vương viết: “Ngô hóa duyên dĩ chung, đương quy tịch diệt.” Tức hoàn bản tọa, già phu nhi thệ.

 

Tôn giả là người xứ nam Ấn-Độ và là con thứ của vua Thiên Đức. Ngài xuất gia theo Tổ Bà-Xá. Tổ hỏi: “Ngươi muốn xuất gia để làm gì? Đáp: “Nếu xuất gia con sẽ không làm việc đời.” Tổ nói: “Ngươi làm việc gì?” Đáp: “Con làm Phật sự.” Tổ truyền đại pháp cho tôn giả. Tôn giả đi du hóa miền đông Ấn-Độ, gặp lúc vua nước ấy tên là Kiên Cố tôn thờ vị thầy của ngoại đạo Phạm Chí và họ dùng ảo thuật biến hóa một quả núi trên đỉnh đầu của tôn giả. Tôn giả lấy tay chỉ thì quả núi hốt nhiên bay qua trên đầu của các chúng ngoại đạo. Số người này hoảng sợ, xin quy phục Tổ. Tổ lại lấy tay chỉ, quả núi liền tan mất. Tổ giảng giải pháp cho vua khiến vua hướng về  đại thừa. Về sau, gặp Bát-Nhã-Đa-La, Tổ bèn từ giã vua: “Nay, việc hóa duyên của tôi đã hết, tôi về nơi tịch diệt.” Kế đó trở về chỗ, ngồi kiết già mà thị tịch.

 

Tán viết:

Trí huệ túc bồi

Sư kỳ nãi thánh

Hàng bỉ quần ma

Tà bất thắng chánh

Thụy triệu hữu trưng

Vương giả tín kính

Bất động nguy nguy

Đạo sơn vạn nhận[1]

 

 

Dịch:

Trí huệ kiếp xưa

Vị thầy bậc thánh

Hàng phục bầy ma

Tà chẳng thắng chánh

Điềm lành chứng minh

Nhà vua tin kính

                                         Lồng lộng lặng lẽ

Núi đạo cao ngất.

 

      Hoặc thuyết kệ viết:

 

Xuất gia nhữ dục tác hà sự

Bất vi tục vụ á dương tăng

Chấn hưng Phật giáo hoằng chánh pháp

Tạo tựu lương tài tục truyền đăng

Ảo thuật thành sơn chung tự diệt

Định lực độ hải thủy kiến chân

Trường trảo hàng phục quốc vương tín

Hóa duyên dĩ tất ngô đương hành[2]

 

        Dịch:

 

                               Ngươi muốn xuất gia tính chuyện gì

Việc đời lìa bỏ kiếp ngu ngơ

Chấn hưng Phật giáo hoằng dương đạo

Nối tiếp truyền đăng tạo pháp tài

Ảo thuật núi kia đâu mất dạng

                             Định sâu độ khắp rõ mười phân

                             Móng dài[3] hàng phục vua tin kính

                             Duyên hóa vừa xong đã giã từ.  

 

Giảng :

 

 Tôn giả, nam Ấn-độ Thiên Đức vương chi thứ tử: Vị Tổ sư đời thứ 26 tức tôn giả Bất-Như-Mật-Đa là người miền nam xứ Ấn Độ và là con thứ 2 của vua Thiên Đức. Đầu Bà-Xá Tổ xuất gia: Ngài theo Tổ Bà-Xá xuất gia.  

 Tổ vấn viết: “Nhữ dục xuất gia đương vi hà sự?”: Tổ thứ 25 Bà-Xá-Tư-Đa hỏi tôn giả rằng: “Ông muốn xuất gia là để làm gì?”  

Viết: “Ngã nhược xuất gia, bất vi tục sự.”: Nếu con xuất gia thì con sẽ lìa bỏ mọi việc thế gian, không làm việc đời nữa.”  

Tổ viết: “Đương vi hà sự?”: Tổ lại hỏi: “ Chuyện thế gian không làm nữa thì ông làm việc gì?”  

Viết: “Đương vi Phật sự.”: Tôn giả đáp: “Việc tôi làm chỉ là Phật sự.”

         Quý vị nghĩ coi! Tôn giả Bất-Như-Mật-Đa nói rằng sau khi xuất gia Ngài sẽ không làm việc thế tục, như vậy có nghĩa là mọi vấn đề về tình cảm sẽ gác ra ngoài, hết tình hết ái, các thứ ham muốn hay yêu thương đều dẹp bỏ. Ngài thoát ly hẳn đời trần tục, xa lìa mọi sự tình của người thế gian, những điều mong cầu của người đời. Điều Ngài làm toàn là những việc xuất thế gian và tất cả dành cho Phật sự.

        Phật sự là những việc gì đây? Tỷ như ở đây chúng ta phiên dịch kinh điển, mang những văn tự khác nhau phiên dịch ra thành văn tự giống nhau, rồi từ văn tự giống nhau diễn ra các văn tự khác nhau, vậy là làm Phật sự. Tỷ như chúng ta nói pháp giảng kinh, niệm Phật, quá đường thọ trai, cho đến việc tọa thiền thường ngày, dụng công tu tập, những thứ đó đều gọi là Phật sự cả. Chúng ta dẹp bỏ các thứ vọng niệm, gom tâm lại một chỗ, khiến trong tâm được thanh tịnh tức là làm hết mình cho Phật sự. Như quý vị giữ trong tâm không có tạp niệm, không có dục niệm, thì như vậy chính là làm Phật sự rất lớn lao đó. Bởi vậy mới có câu:

 

Tâm dừng niệm tuyệt chân phú quý

Tư dục đoạn tận chân phúc điền

 

         Có nghĩa là khi dừng tâm lại, bặt các niệm thì đó là phú quý chân thật; đoạn trừ được tham dục mới là ruộng phước thực sự.

        Hết lòng làm việc cho Phật sự và không làm việc đời là lời nói của tôn giả Bất-Như-Mật-đa. Tuy thời của Ngài cách xa chúng ta hàng ngàn năm nhưng những lời nói đó đến nay vẫn còn vẳng bên tai chúng ta, những gì Ngài đã làm thì nay vẫn đương làm, chí nguyện của Ngài ra sao thì nay vẫn còn tồn tại. Chúng ta là người xuất gia phải lấy câu “kiến hiền tư tề” làm châm ngôn, nghĩa là trông gương các vị thánh hiền mà nối gót theo cho bằng. Từ đó chúng ta phải noi theo hành động của các vị Tổ sư, tư tưởng của các Ngài, đạo đức của các Ngài, chí nguyện của các Ngài mà làm giống như vậy. Có câu nói: “Thuấn hà nhân dã? Dư hà nhân dã? Hữu vi giả diệc nhược thị.”[4] Chúng ta có thể đổi câu này thành: “Tổ sư hà nhân dã? Ngã hà nhân dã?”Chúng ta nên ráng sức tu hành, ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được khai ngộ, cho nên phải “kiến hiền tư tề, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã”, theo gương thánh hiền mà bắt chước, thấy kẻ chẳng hiền thì phải tự xét mình lại. Khi gặp hạng người xấu, chúng ta quay về mình quán chiếu, suy xét: “A! Ta không nên bắt chước họ, phải sửa đổi mình hướng theo cái tốt.” Chúng ta đã xuất gia chẳng phải chỉ vì cái danh xuất gia - trong đầu không nên có cái danh đó - mà phải là người xuất gia thật sự, với tất cả sự chân thành của mình, điều này là quan yếu nhất.

         Tổ Bà-Xá-Tư-Đa hỏi tôn giả Bất-Như-Mật-Đa lý do xuất gia chính là muốn nhắc lại tiền duyên xưa của tôn giả để Ngài nhớ lại căn lành trước đây là không làm việc đời mà chỉ dành hết tất cả cho Phật sự.  

Tổ phó dĩ đại pháp: Sau khi nghe tôn giả trả lời, Tổ bèn truyền lại cho tôn giả pháp lớn tức là Diệu pháp Tâm ấn, pháp liễu sanh thoát tử.  

Du hóa chí đông Ấn Độ: Tôn giả đi giáo hóa tới miền đông Ấn Độ. Bỉ vương danh Kiên Cố, phụng ngoại đạo sư trường trảo Phạm Chí: Khi ấy vua ở nơi này, tên là Kiên Cố đương tôn thờ một vị thầy ngoại đạo làm sư phụ. Phạm Chí chỉ người tu hạnh thanh tịnh, còn trường trảo tức là móng dài, đây là móng tay mọc dài ra mà không cắt, nên những móng tay đó rất là dài. Thầy “Phạm Chí móng tay dài” là nghĩa gì, các vị biết không? Theo lời tôi kể thì đó chẳng qua là một trường hợp lười biếng! Quý vị nghĩ thử coi! Móng tay không chịu cắt thì đâu còn làm lụng cái gì được nữa? Thậm chí ăn cũng phải có người bón cho, bởi vì, nếu không ai bón cho ăn khiến y phải tự xoay sở lấy cho mình, lúc đó các móng tay sẽ hư hoại hết thì sao? Y bảo vệ móng tay chẳng khác gì bảo vệ sinh mạng của y vậy. Đại khái y bảo rằng: “Ấy! Không thể cử động được đâu! Ta là như vậy đó!”. Cũng giống như kiểu Milarepa hay số ngoại đạo phái lõa thể, tu một loại pháp gì đó chuyên để móng tay dài. Nhà vua trông thấy vậy tưởng y là thần thánh, kỳ thực y không có khả năng làm một công việc gì nên lấy cớ tu đạo để hưởng nhàn, an dưỡng cái thân, không làm điều gì lợi ích cho mọi người vì chính cái thân mình cũng không lo trọn.  

Tức dĩ ảo pháp, hóa đại sơn ư tôn giả đỉnh thượng: Vị thầy Phạm Chí này có ảo thuật, biết làm trò biến hóa, một loại ma thông, quỷ thông, chớ không phải là thần thông. Tỷ như Milarepa tự xưng mình là siêu việt, siêu hơn các vị xuất gia, tự cho mình giống như đức Phật vậy! Điều này là một sự ngã mạn lớn, một loại tà kiến, khiến cho nhiều người hiểu sai lạc [6]

Vị Phạm Chí móng tay dài này biết trò ma thuật, ảo thuật. Gọi là ảo vì nó chẳng phải chân thực, một loại pháp hư dối. Khi tôn giả Bất-Như-Mật-Đa tới, y sợ rằng nhà vua sẽ đổi theo đạo khác, nên làm phép biến hóa ra một trái núi, hiện ngay trên đầu của tôn giả.  

Tôn giả chỉ chi, hốt tại bỉ chúng đỉnh thượng: Tôn giả bèn lấy tay chỉ một cái, tức thì trái núi liền bay qua, áp trên đầu của vị thầy Phạm Chí và đám đệ tử của y. Bỉ chúng bố cụ, đầu Tổ: Đám đệ tử rất sợ hãi, họ bèn quay sang quy phục Tổ. Tổ tái chỉ chi, hóa sơn tùy diệt: Tổ lại lấy tay chỉ vào trái núi, cả tòa núi lớn liền biến mất dạng.  

Nãi vị vương diễn pháp, tỉ thú chân thừa: Lúc đó Tổ Bất-Như-Mật-Đa thuyết pháp cho vua nghe, khiến cho vua được quay về vói pháp Đại thừa chân chánh.  

Hậu đắc Bát-Nhã-Đa-La, tức từ vương viết: Về sau, Tổ truyền pháp tâm ấn cho tôn giả Bát-Nhã-Đa-La rồi nói lời giã biệt với quốc vương như sau: “Ngô hóa duyên dĩ chung, đương quy tịch diệt.”: “Nhân duyên giáo hóa của tôi đã đầy đủ rồi, bây giờ tôi phải đi về cảnh giới tịch diệt.” Tức hoàn bản tọa, già phu nhi thệ: Nói xong, Tổ trở về chỗ của Ngài, ngồi kiết già mà vãng sanh.

 

Tán:  

Trí huệ túc bồi, Sư kỳ nãi thánh: Trí huệ của Ngài là do sự vun trồng từ những kiếp xưa. Thầy của Ngài là một bậc thánh, Ngài cũng là một bậc thánh. Mấy chữ “sư kỳ nãi thánh” có thể giải thích theo hai cách: chữ “sư” có thể cắt nghĩa là thầy của Ngài, nên câu này có thể hiểu là thầy của Ngài là một vị thánh; chữ “sư” cũng có thể chỉ chính Ngài, nên mấy chữ trên nói rằng đích thân Ngài là một vị thánh.  

Hàng bỉ quần ma, Tà bất thắng chánh: Ngài đã hàng phục vị thầy Phạm Chí cùng tất cả số ngoại đạo, điều đó chứng tỏ rõ rệt là tà không thể thắng được chánh.  

Thụy triệu hữu trưng,Vương giả tín kính: Chữ “trưng” nghĩa là chứng minh. Ánh sáng lành đó – thụy triệu – đã chứng minh cho nhà vua trông thấy rõ lẽ “tà chẳng thắng chánh”, nghĩa đại thừa mới là chân thực, từ đó nhà vua mới tin theo Phật giáo.  

Bất động nguy nguy, Đạo sơn vạn nhận: Ngài thì luôn luôn an nhiên, lặng lẽ, bất cứ cảnh ngộ nào cũng không làm Ngài dao động. Đạo đức và giáo pháp của Ngài cao vòi vọi như một tòa núi, không ai phá nổi.  

 

Kệ:  

Xuất gia nhữ dục tác hà sự: Tổ Bà-Xá-Tư-Đa hỏi tôn giả Bất-Như-Mật-Đa: “Người muốn xuất gia để làm gì?”  

Bất vi tục vụ á dương tăng: Tôn giả trả lời: “Xuất gia, thì con sẽ không làm việc gì thuộc về người thế tục, giống loại người ngu ngơ, không biết suy xét phân biệt.  

Chấn hưng Phật giáo hoằng chánh pháp: Tổ Bà-Xá-Tư-Đa lại hỏi: “Vậy người làm việc gì?”Tôn giả đáp: “Con làm Phật sự, bởi vì con phải chấn hưng Phật giáo chân chánh cùng hoằng dương Phật pháp.”  

Tạo tựu lương tài tục truyền đăng: Tôn giả nói Ngài sẽ đào tạo hiền tài của Phật giáo, nối tiếp việc truyền đăng.  

Ảo thuật thành sơn chung tự diệt: Trái núi do trò ảo thuật của ngoại đạo biến hóa ra, quả là đáng sợ. Tuy nhiên, nó cũng tiêu tan mất dạng! Lý do là định lực của tôn giả đã thắng tà thuật, tà không thắng chánh được.  

Định lực độ hải thủy kiến chân: Độ hải nghĩa là cứu độ khỏi sự hiểm nghèo của bể khổ. Tôn giả Bất-Như-Mật-Đa phá trò ảo thuật, do Ngài dùng định lực của Ngài, loại định lực độ hải có năng lực giải trừ mọi hiểm nguy. Điều đó tỏ rõ công phu chân chánh của Ngài.  

Trường trảo hàng phục quốc vương tín: Phạm Chí móng dài đã bị Ngài hàng phục, nhà vua tỏ lòng sùng tín, điều đó cũng là do công phu chân chánh mới có được sự cảm ứng đạo giao đó.  

Hóa duyên dĩ tất ngô đương hành: Nay thì mọi việc làm của ta đã lo xong, không còn gì khác nữa, ta phải đi đây! Đại sự đã chu toàn, việc sanh tử đã giải quyết, đối với ta chẳng có gì còn lại; ta phải giáo hóa những ai thì tất cả đều được giáo hóa rồi, do đó ta cũng thuận theo quan niệm của người đời là ta sẽ về nơi tịch diệt, nơi đạo tràng bất động.  

 


 

Chú: Bài kệ truyền pháp của Tổ thứ 25 phó chúc cho Tổ thứ 26 thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi như sau:

                                Thánh nhân thuyết tri kiến

                                      Đương cảnh vô thị phi

                                      Ngã kim ngộ chân tánh

                                      Vô đạo diệc vô lý[5]

 

        Dịch:

Thánh nhân nói tri kiến

Ngay cảnh chẳng sai đúng

Nay ta ngộ chân tánh

Không đạo cũng không lý



[1] 智慧宿培 師其乃聖 降彼群魔 邪不勝正
瑞兆有徵 王者信敬 不動巍巍 道山萬仞

 

[2]出家汝欲作何事 不為俗務啞羊僧
振興佛教弘正法 造就良才續傳燈
幻術成山終自滅 定力渡海始見
長爪降伏國王信 化緣已畢吾當行

 

[3] Móng dài: nguyên văn là “trường trảo”. Từ ngữ “Trường trảo Phạm Chí” thường dùng để chỉ các vị thầy của ngoại đạo

[4] 舜何人也?予何人也?有為者亦若是: Câu này xin hiểu như sau : Vua Thuấn là người thế nào? Ta là người thế nào? Nếu như ta lập chí cố gắng mà làm thì ta cũng giống như thế, cũng được người trong thiên hạ ái mộ như thế. (Lời của Nhan Hồi, trích trong Mạnh Tử, Đằng Văn Công Chương Cú).

[5]                                          聖人說知見

當境無是非
我今悟真性

無道亦無理

[6] xin đọc thêm http://www.dharmasite.net/khaithi4.htm#47

Xem mục lục